dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Gia Đình Sống Đạo
 
 
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
 
<<< <Giáo dân với Gia Đình  


GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
là thể hiện Đức Cậy hay niềm Hy Vọng
Kitô giáo của Gia Đình Công Giáo


VÀO ĐỀ

Trong hai bài trước chúng ta đã khẳng định gia đình công giáo sống đạo cốt yếu là thể hiện nội dung Đức Tin & sống cách sống của người / gia đình Kitô hữu. Nhưng như thế vẫn chưa đầy đủ vì người Công giáo chẳng những có đức tin mà còn có đức cậy và đức mến nữa. Tin Cậy và Mến là ba nhân đức được gọi là các nhân đức “đối thần” vì đối tượng là chính Thiên Chúa.

TRÌNH BÀY

1. Thế nào là Đức Cậy hay Niềm Hy Vọng Kitô giáo?

a. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo trình bày về Đức Cậy hay Niềm Hy Vọng Kitô giáo như sau:

(1o) Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình. (GLHTCG, số 1817).

(2o) Đức Cậy đáp ứng khát vọng hạnh phúc Thiên Chúa đã đặt trong lòng mọi người, đảm nhận các niềm hy vọng gợi hứng cho sinh hoạt của con người, thanh luyện và quy hướng các hy vọng ấy về Nước Trời. Đức Cậy bảo vệ chúng ta khỏi thất vọng, nâng đỡ khi ta bị bỏ rơi, giúp ta phấn khởi mong đợi hạnh phúc muôn đời. Đức Cậy giải thoát ta khỏi lòng ích kỷ và đưa ta đến với hạnh phúc của Đức Mến. (GLHTCG, số 1818).

(3o) Đức Cậy Kitô giáo tiếp nhận và kiện toàn niềm hy vọng của Ítraen. Niềm hy vọng này bắt nguồn và noi theo lòng trông cậy của Ápraham. Tổ phụ Ápraham được mãn nguyện vì Thiên Chúa thực hiện những lời hứa nơi Ixaác (St 17,4-8; 22,1-18). “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin; do đó, ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc (Rm 4,18)” (GLHTCG, số 1819).

(4o) Đức Cậy Kitô giáo được triển khai ngay trong bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu về Các Mối Phúc. Các Mối Phúc hướng niềm hy vọng của chúng ta lên Thiên Quốc như hướng về miền đất hứa mới, vạch đường chỉ lối xuyên qua những thử thách đang chờ đợi các môn để của Chúa Giêsu. Nhờ công ơn và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa giữ gìn chúng ta trong đức cậy: “Chúng ta sẽ không phải thất vọng” (Rm 5,5).… Đức Cậy cũng là vũ khí bảo vệ ta trong cuộc chiến để được cứu độ: “mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ (1 Tx 5,8)” (GLHTCG, số 1820).

b. Giải thích thêm về Giáo lý Công giáo về Đức Cậy hay Niềm Hy Vọng Kitô giáo:

(1o) Thiên Chúa là đối tượng của Đức Cậy Kitô giáo chứ không phải là sự giầu sang, phú quý hay hạnh phúc đời này. Thiên Chúa là nền tảng của Đức Cậy Kitô giáo chứ không phải là tài ba, quyền lực hay của cải vật chất của con người. Nói cách cụ thể và đơn giản: người / gia đình Công giáo hy vọng sẽ được vào Nước Trời, sẽ được hưởng sự sống vĩnh cửu là hạnh phúc thật của đời người là dựa vào mạc khải và vào các lời hứa của chính Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể làm người đến trần gian để mạc khải chân lý vĩnh hằng về Thiên Chúa và về con người. Nói cách khác người / gia đình Công giáo hy vọng sẽ được chính Thiên Chúa là nguồn cội và chủ thể (source & owner) mọi sự tốt lành, thánh thiện và vĩnh cửu.

(2o) Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã đặt vào lòng con người và lòng mỗi người khát vọng Thiên Chúa tức niềm ao ước được sống cùng Thiên Chúa, được hòa vào trong Thiên Chúa. Nên tận chốn sâu thẩm của tâm hồn, con người luôn khát khao Thiên Chúa và hướng về Người như hoa hướng dương hướng về mặt trời, như nai tìm về suối nước. Sự khát khao ấy chỉ được thỏa mãn khi con người có được Thiên Chúa như thánh Âutinh đã diễn tả cách tuyệt vời: “Lòng con chỉ được an nghỉ khi ở trong Chúa.” Đức Cậy là chất liệu nuôi sống niềm khát khao ấy, nên càng khát khao nhiều thì càng cậy trông tha thiết. Đức Cậy còn là điểm tựa cho con người đứng vững, là sức mạnh vực dậy từ trong khó khăn, thử thách và thậm chí cả từ vực sâu tuyệt vọng của cuộc đời, y như cái neo giữ vững con tầu trong phong ba bão táp trên biển cả .

(3o) Khi công bố Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu đã mở ra một con đường cho những ai muốn trở thành công dân Nước hay muốn vào Nước ấy. Con đường Tám Mối Phúc là con đường “dốc” và “ngược dòng” đối với xu hướng và khả năng tự nhiên của con người. Chỉ có Đức Tin / Cậy / Mến Kitô giáo mới đủ sức nâng đỡ người Kitô hữu trong cuộc hành trình “leo dốc” và “đi ngược dòng” ấy mà bước theo chân Thày Chí Thánh Giêsu là Bát Phúc sinh động!

(4o) Mẫu gương và sư phụ của Đức Cậy Kitô giáo là tổ phụ Ápraham. Ngài đã tuyệt đối tin và cậy vào lời hứa của Thiên Chúa mà từ bỏ xứ sở, gia nghiệp, ruộng đồng ra đi về một miền đất vô định. Cũng như ngài đã sẵn sàng hiến tế đứa con trai duy nhất cho Thiên Chúa.

(5o) Chúng ta có thể thêm: Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta cũng là gương mẫu tuyệt vời về Đức Cậy Trông Kitô giáo. Mẹ đã tin tưởng phó thác hoàn toàn cho Thánh Ý và Kế Hoạch Nhiệm Mầu của Thiên Chúa bằng lời “Xin Vâng” ngọt ngào. Trong cả hai trường hợp của Tổ Phụ Ápraham và của Đức Trinh Nữ Maria: cái lô gích của Đức Cậy là Hy Vọng và Cậy Trông vượt ra ngoài vòng lô gích của lý trí phàm nhân!

2. Gia đình Công giáo sống Đức Cậy Kitô giáo

Mọi người / gia đình công giáo đều đã có ít nhiều kinh nghiệm về cuộc sống trần gian đầy dẫy những bất toàn, giới hạn, khổ đau, bất công và phi lý. Ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chiến tranh và tình trạng bóc lột, đàn áp, buôn bán con người vẫn là những chuyện xẩy ra hàng ngày chung quanh chúng ta và trên thế giới này! Chỉ cần theo dõi một chương trình truyền hình hay đọc bất kỳ một trang báo nào, chúng ta sẽ thấy ngay những mâu thuẫn, phi lý và bất công của xã hội con người. Nếu không có mạc khải và lời hứa của chính Thiên Chúa nơi / qua Chúa Giêsu Kitô, thì chúng ta không thể sống “vô tư” hay chấp nhận những nghịch cảnh kể trên. Chúng ta rất dễ rơi vào một trong hai trạng thái: hoặc “tuyệt vọng” hoặc “bất mãn” cực độ. Cả hai trạng thái ấy rất dễ dàng đưa đến chỗ mất lòng tin. Đọc các Thánh Vịnh mà biết cá-nhân-hóa và hiện-tại-hóa những tâm tình và lời cầu nguyện của tác giả các Thánh Vịnh, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh cần thiết để Cậy Trông và Hy Vọng như các bậc hiền thánh trong Cựu Ước.

Vì Đức Cậy Kitô giáo có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống người / gia đình Kitô hữu, nên mà chúng ta phải thường xuyên xem xét lại đời (cách) sống Đức Cậy của cá nhân và của gia đình mình hiện ra sao. Câu hỏi được đặt ta là:

  • Trong cuộc sống thường ngày, nhất là trong những lúc khổ đau, bệnh tật, tai ương, bất công, chúng ta có thật sự trông cậy vào Thiên Chúa không?
  • Chúng ta có thật sự tin tưởng vào sự quan phòng quyền năng và yêu thương của Người không?
  • Chúng ta có thật sự trông cậy vào các lời hứa của Chúa Kitô không?
  • Chúng ta khát khao cầu mong của cải vật chất, quyền lực trần gian hay Nước Thiên Chúa?

Trong thực tế, khi gặp hoạn nạn, thử thách, không ít người / gia đình công giáo tìm giải pháp giống y trang như người không có niềm tin vào Thiên Chúa: hoặc chạy đến và cậy dựa vào một người có quyền chức, hoặc tìm và sử dụng một phương thế trần gian như đút lót, hối lộ, mua chuộc. Nhiều người / gia đình Kitô hữu không thật sự tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa là chủ tể (master) mọi sự, là Đấng có thể làm tất cả mọi việc như Chân Phước Charles de Foucauld đã xác tín và tuyên xưng: “không gì mà Thiên Chúa không làm được!” (Pour Dieu, rien est impossible).

KẾT LUẬN

Trong bất cứ lãnh vực nào, nhất là lãnh vực tâm linh, thì giữa biết và sống, giữa tin và thực hành bao giờ cũng có một khoảng cách, lớn nhỏ tùy từng người và tùy từng giai đoạn của đời sống tâm linh mỗi người. Nỗ lực mà mỗi người / gia đình công giáo phải thực hiện là làm sao cho đời sống thực tế phản ảnh - càng trung thực càng tốt - niềm tin của chúng ta. Trong lãnh vực Đức Cậy hay Niềm Hy Vọng cũng thế!

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con và mọi người, chúng con xin Cha ban cho chúng con được BÌNH AN, VÔ SỰ và vững lòng Cậy Trông vào quyền năng và tình thương của Cha!

Lạy Thánh Tổ Phụ Ápraham, xin dạy chúng con biết sống Cậy Trông như ngài!

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết sống Cậy Trông nhự Mẹ. Amen.


Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Ngày 12 tháng 02 năm 2006

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)