dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Giáo Dân Với Gia Đình
 
 
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
 
<<< <Gia Đình sống đạo  

ĐỀ TÀI V
SỰ THÁNH THIỆN CỦA GIA ĐÌNH KITÔ HỮU
NHẰM PHỤC VỤ TIN MỪNG

I. NHẬP ĐỀ

Trong thư gửi các tham dự viên Hội nghị Giáo dân Châu Á lần thứ hai, họp tại Trung Tâm Mục vụ Baan Phu Waan, Sampran, Bangkok (Thái Lan) từ ngày 19 đến 24.3.2001, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có lời nhắn nhủ ân cần tha thiết như sau:

“Với lòng nhiệt thành mới các con phải tái khám phá ơn gọi nên thánh của hết mọi Kitô hữu là yếu tố nền tảng của sứ điệp mà Công Đồng Vatican II đã ban tặng các con (Xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội ‘Aùnh sáng muôn dân’, chương 5). Đòi hỏi nên thánh phải là mục tiêu hàng đầu trong chương trình sống đời Kitô hữu. Đòi hỏi ấy bắt nguồn từ các Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo. Các con ý thức về thách đố phải sống ơn gọi đặc thù của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới với tinh thần trách nhiệm cao hơn bao giờ hết (Xem Tông Thư ‘Khởi đầu thiên niên kỷ mới’, 46). Do bản chất, ơn gọi ấy có liên quan với hoàn cảnh của Kitô hữu trong thế giới: trong gia đình, xã hội, môi trường làm việc, học hành, bạn bè và giải trí (Xem Tông Huấn ‘Kitô hữu giáo dân’, 15). Đối với các tín hữu giáo dân đời sống “thường ngày” trở thành nơi gặp gỡ đặc biệt - có sức thánh hóa- với tình yêu của Đức Ki-tô.

“Năm Thánh 2000 đã đánh dấu sự khởi đầu của một Mùa Rao Giảng Tin Mừng Mới là một Công Trình đòi hỏi phải có đời sống thánh thiện trọn vẹn nếu muốn thành công. Châu Á cần những người giáo dân thánh thiện!”
Theo văn mạch của bức thư thì sự thánh thiện của giáo dân và của gia đình Kitô hữu là hết sức cần thiết và mục đích của đời sống thánh thiện ấy là để phục vụ việc Rao giảng Tin Mừng ở bất cứ nơi nào trên thế giới nói chung và tại Châu Á nói riêng.

Hôm nay chúng ta sẽ xem xét đề tài thứ năm trong loạt 12 đề tài về Gia đình là: “Sự thánh thiện của gia đình Kitô hữu nhằm phục vụ Tin Mừng”

Vậy chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu (1) Gia đình Kitô hữu có thể nên thánh được không? (2) Thế nào là một gia đình Kitô hữu thánh thiện”? (3) Làm thế nào để gia đình Kitô hữu trở nên thánh thiện? (4) Sự thánh thiện của gia đình Kitô hữu phục vụ Tin Mừng như thế nào?

II. TRÌNH BÀY

1. Gia đình Kitô hữu có thể nên thánh được không?

1.1 Quan niệm thông thường của giáo dân nói chung và của các người làm chồng làm vợ, làm cha làm mẹ nói riêng:

Hầu hết giáo dân Việt Nam đều cho rằng sự thánh thiện chỉ dành riêng cho bậc tu trì là các linh mục và tu sĩ nam nữ, chứ giáo dân làm sao mà nên thánh cho nổi? Theo họ, đời sống giáo dân và nhất là đời sống gia đình với trăm thứ nhiêu khê, trần tục… chẳng có chút gì là cao sang, là thánh thiện cả. Vì thế những lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu trong Phúc Âm như “Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” hay giáo huấn của Công đồng Vatican II trong chương 5 Hiến chế tín lý về Giáo hội, liên quan đến ơn gọi nên thánh của mọi Kitô hữu, dường như chưa thâm nhập sâu vào nhận thức và tâm hồn người giáo dân.

Ngoài ra người giáo dân còn thêm định kiến và mặc cảm về bổn phận và khả năng nên thánh của người sống đời gia đình vì thấy trong lịch phụng vụ của Giáo hội, chẳng mấy khi nghe đến lễ kính thánh giáo dân, nhất là thánh đã từng làm chồng làm vợ, làm cha làm mẹ. Toàn là các thánh đồng trinh và các thánh hiển tu. Thế thì làm thế nào mà người làm chồng làm vợ có thể nên thánh hiển tu và đồng trinh cơ chứ? Phải chăng vì ý thức về thực trạng “không bình thường” ấy trong Giáo hội mà ngày Chúa Nhật 21.10.2001 vừa qua, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng nâng cặp vợ chồng người Ý là Ông Luigi và Bà Maria Beltrame Quattrocchi lên hàng Chân Phước? Lễ nghi tôn phong Chân Phước trùng với dịp kỷ niệm 20 năm ban hành Tông huấn “Đời sống Gia đình” và cũng là Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 75. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, một đôi vợ chồng được nâng lên hàng Á Thánh vào cùng một ngày. Họ nên thánh vì đã chu toàn tới mức độ anh hùng cuộc sống hôn nhân thường nhật. Ba trong số bốn người con của Ông Bà đã hiện diện trong thánh lễ tôn phong Chân Phước. Đó là Linh mục Tarcisio, trưởng nam, 96 tuổi và linh mục Paolino dòng Trappist là người con thứ ba, 93 tuổi, và người con gái út, bà Enrichetta, 88 tuổi. Chỉ thiếu người con thứ hai là nữ tu Maria Cecilia, qua đời năm 1993, hưởng thọ 85 tuổi).

1.2 Lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa:

“Sau đó, Người (Đức Giêsu) đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu thì ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,51-52).

Hai câu Phúc âm ngắn ngủi hé mở cho chúng ta thấy đời sống thánh thiện của gia đình Nadarét: Đức Mẹ và Thánh Giuse (tuy không được nhắc đến, nhưng chúng ta có thể hiểu như thế mà không sợ sai) sống một đời nội tâm sâu sắc, luôn biết chiêm niệm những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho gia đình mình và cho dân tộc Ítraen. Đức Mẹ và Thánh Giuse chu toàn trách nhiệm làm mẹ làm cha đối với con là Chúa Giêsu tức bổn phận nuôi nấng và giáo dục con nên người con thảo của Thiên Chúa và hữu ích cho xã hội. Còn Chúa Giêsu thì sống trọn đạo làm con trong vâng phục cha mẹ. Trong quá trình trưởng thành, nhờ công cha mẹ, Chúa Giêsu đã phát triển cách hài hòa: vừa về thể xác (lớn) vừa về tinh thần là sự khôn ngoan (khôn theo nghĩa Thánh Kinh: nghĩa là có khả năng phân biệt điều nào đẹp lòng Thiên Chúa và điều nào không mà thực thi) vừa về mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và mối giao hảo tốt đẹp với mọi người xung quanh (được Thiên Chúa và mọi người thương mến). Đó là sự thánh thiện của gia đình Nadarét là gương mẫu của tất cả mọi gia đình chúng ta.

2. Thế nào là gia đình Kitô hữu thánh thiện?

2.1 Gia đình Kitô hữu thánh thiện là gia đình có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và đồng thời có mối tương quan yêu thương hài hòa với tha nhân và môi trường xung quanh. Muốn có hai mối tương quan ấy, gia đình phải dành nhiều yêu thương, sự quan tâm và thời gian cho Chúa cũng như cho tha nhân, phải lấy Chúa và tha nhân làm đối tượng yêu thương và phục vụ của mình. Gia đình ấy không sống khép kín, ích kỷ mà mở rộng và quảng đại theo tinh thần Chúa Kitô.

2.2 Nói cách khác gia đình Kitô hữu thánh thiện là gia đình chu toàn bổn phận của mình trong Giáo hội và trong xã hội. Cụ thể và quan trọng nhất là bổn phận bênh vực và phát triển Sự Sống và Tình Yêu là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho gia đình mình và các gia đình khác. Kế đến vợ, chồng, cha mẹ và con cái: ai nấy chu toàn bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ, làm con cái của mình, theo gương Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chúa Giêsu ở Nadarét.

2.3 Cũng có thể hiểu một cách khác là gia đình Kitô hữu thánh thiện là gia đình sống với Chúa và sống theo Chúa. Một gia đình sống với Chúa và sống theo Chúa thì sẽ không chạy theo tiền bạc, giầu sang, quyền lực, lạc thú và không làm nô lệ cho các thế lực đen tối của ma quỉ thế gian và xác thịt. Trái lại gia đình ấy sẽ sống yêu thương, khiêm nhường, đơn sơ, thanh thoát, tin tưởng phó thác vào Chúa như Chúa Giêsu đã dạy trong Phúc âm.

3. Làm thế nào để gia đình Kitô hữu trở nên thánh thiện?

3.1 Trước chủ đề thứ năm này, chúng ta đã suy nghĩ, cầu nguyện, chia sẻ và thực hành theo bốn chủ đề: (1) Gia đình tiếp nhận và loan báo Tin Mừng, (2) Gia đình Kitô hữu là chứng nhân của Giao ước Vượt qua, (3) Gia đình là Trung tâm của Phúc Âm hóa và (4) Gia đình Kitô hữu là Hội thánh tại gia. Nếu chúng ta đã nỗ lực thể hiện những tính chất của gia đình theo bốn chủ đề trên là chúng ta đã làm cho gia đình mình nên thánh thiện. Nghĩa là nếu gia đình dùng mọi phương thế để đón nhận Tin Mừng cách sâu sắc và loan báo Tin Mừng cách tích cực, nếu hai vợ chồng, cha mẹ và con cái sống và làm chứng cho Tình Yêu Thập Giá, nếu mọi người và cả gia đình là “thừa tác viên” của công cuộc Phúc âm hóa, hay nếu gia đình thể hiện đầy đủ “giáo hội tính” trong đời sống của thì gia đình đã và đang trở nên thánh thiện.

3.2 Muốn gia đình nên thánh thì gia đình Kitô hữu phải chăm lo việc học hỏi và sống theo Luật Phúc Âm và giáo huấn của Giáo hội. Luật Phúc âm là Mến Chúa yêu người: Mến Chúa trên hết mọi sự và Yêu người như yêu chính bản thân mình. Giáo huấn của Giáo hội là siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và sống các bí tích ấy trong gia đình và ngoài xã hội tức sống yêu thương, phục vụ và làm gương sáng cho nhau và cho người xung quanh.

3.3 Để nên thánh, gia đình Kitô hữu không thể không coi trọng các phương thế truyền thống của Giáo hội: (a) siêng năng cầu nguyện (chứ không chỉ là đọc kinh), (b) tích cực tham dự và sống các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Hôn phối, (c) chuyên chăm học hỏi, suy niệm và thực hành Lời Chúa, (d) tĩnh tâm và (đ) thực hành bác ái phục vụ tha nhân.

4. Sự thánh thiện của gia đình Kitô hữu phục vụ Tin Mừng như thế nào?

“Hữu xạ tự nhiên hương”, câu nói ấy nói lên tính lây lan, tỏa sáng của đời sống thánh thiện của một người hay một gia đình. Như Đức Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ các tham dự viên Hội nghị giáo dân châu Á lần thứ hai tại Thái Lan vào tháng 3 năm 2001 sự thánh thiện của giáo dân và của gia đình Kitô hữu là tối cần thiết cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng tại châu Á ngày nay.

4.1 Phục vụ Tin Mừng trong chính gia đình mình:

Trước hết sự thánh thiện của gia đình phục vụ Tin Mừng ở trong chính gia đình mình. Tin Mừng không còn là lý thuyết, là nguyên tắc giáo điều nữa mà là thực tế ai nấy cảm nhận được. Khi đó mọi người sống trong bình an, hạnh phúc và thuận hòa với nhau. Mọi người giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ với nhau vừa như những người ruột thịt vừa như những con cái của Chúa.

4.2 Phục vụ Tin Mừng tại địa bàn dân cư và xã hội:

Kế đến, sự thánh thiện của gia đình phục vụ Tin Mừng tại địa bàn dân cư trong đó gia đình sinh sống vì “Lời nói lung lay gương bày lôi cuốn”. Những người xung quanh sẽ nhận ra ở gia đình Kitô hữu thánh thiện một nét gì độc đáo, rất khác với các gia đình khác. Khi đó mọi người sống xung quanh sẽ thân thiện cởi mở và thích kết thân với gia đình. Và Tin Mừng Chúa được thẩmthấu vào các tâm hồn sống gần và tiếp cận với gia đình Kitô hữu thánh thiện.

4.3 Phục vụ Tin Mừng trong cộng đoàn giáo xứ và Giáo hội:

Sau cùng, sự thánh thiện của gia đình sẽ tác động đến các gia đình khác trong cộng đoàn giáo xứ. Các thành viên của gia đình, khi tham gia sinh hoạt hội đoàn hay giới sẽ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng Phúc Âm nơi những người cùng hội, cùng giới. Ngoài ra các ơn gọi lih mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân cũng thường chi xuất phát từ các gia đình đạo đức thánh thiện. Nên một gia đình Kitô hữu thánh thiện còn có thể đóng góp cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội một cách hiệu quả nữa.

III. KẾT LUẬN

Một đàng nên thánh không cốt ở việc thực hiện những việc phi thường mà chỉ cốt ở việc thực hiện những việc bình thường, nhưng một cách phi thường, như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã sống và đã truyền bí quyết đơn giản ấy lại cho chúng ta. Đàng khác người hay gia đình Kitô hữu nên thánh không phải vì hay cho mình mà là vì hay cho người khác, vì hay cho Tin Mừng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.

IV. CHIA SẺ

4.1 Mỗi ngày ông bà anh chị đều nỗ lực sống tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Hãy chia sẻ với nhau những nỗ lực ấy để cảm tạ Thiên Chúa và nâng đỡ khích lệ nhau.

4.2 Cách sống của gia đình ông bà anh chị chắc đã đóng góp vào việc thăng tiến cộng đoàn và những người sống gần gũi, xung quanh. Hãy chia sẻ với nhau những “biến đổi” ấy để cảm tạ Thiên Chúa và học hỏi kinh nhiệm lẫn nhau trong việc phục vụ Tin Mừng.

V. THỰC HÀNH

Mỗi ngày trong tuần lễ này, gia đình tôi quyết định làm một hai việc sau đây (kể ra cụ thể) để giúp gia đình tôi đạo đức, thánh thiện hơn và có ích hơn cho tha nhân.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)