dongcong.net
 
 


CHÚA NHẬT SAU LỄ HIỂN SINH
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Lễ Kính

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa được mừng vào Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh. Lễ này nhắc chúng ta về mầu nhiệm thân vị và sứ mạng của Chúa Kitô. Đồng thời, cũng là một dịp để tạ ơn Thiên Chúa vì vô vàn hồng ân chúng ta đã được lãnh nhận từ ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy đến nay. Giáo Hội mời gọi chúng ta – trong đức tin sâu xa - hãy làm mới lại những lời hứa phép Rửa Tội mà chúng ta đã tuyên thệ qua cha mẹ và người đỡ đầu, đặc biệt là sự trung thành với Chúa Kitô và quyết tâm chống lại những cơn cám dỗ (Đức Gioan Phaolô II).

3.1 Ba Ngôi Thiên Chúa hiển linh khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa.

Khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.’1

Chỉ ít ngày trước đây, chúng ta đã mừng lễ Hiển Linh, kính nhớ việc Chúa tỏ mình cho dân ngoại, đại diện là ba Đạo Sĩ thông thái. Trước đó, Chúa Kitô cũng đã thực hiện một cuộc tỏ mình cho các mục đồng trong đêm Giáng Sinh. Các mục đồng đã đến hang đá với những món quà đơn sơ. Ngày lễ hôm nay cũng là một cuộc tỏ mình, kính nhớ việc Thần Tính Chúa Kitô được tỏ hiện qua tiếng của Chúa Cha từ trời phán ra, và Chúa Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống. Các giáo phụ còn nói về một cuộc tỏ mình thứ ba nữa của Thần Tính Chúa Kitô. Lần ấy xảy ra tại Cana xứ Galilê, khi Chúa Kitô thực hiện phép lạ công khai đầu tiên của Người. Chúa Giêsu đã tỏ vinh quang của Người ra; và các môn đệ của Người đã tin vào Người.2

Trong bài đọc Một hôm nay, ngôn sứ Isaia đã nói tiên tri về hình ảnh của Đấng Cứu Thế: Này đây, Tôi Tớ của Ta, người Ta nâng đỡ, người Ta đã tuyển chọn và hồn Ta sủng ái. Ta đã ban Thần Khí Ta trên Người… Sậy dập, Người không nỡ bẻ, tim đèn leo lét, Người không tắt… Chính Ta đã gọi Người… để mở những mắt mù lòa, để đưa tù nhân ra khỏi nhà lao, khỏi ngục thất, dân cư bóng tối.3 Lời tiên tri này đã ứng nghiệm khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Lúc ấy, Chúa Thánh Thần lấy hình bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu, và một tiếng nói từ trời phát ra, ‘Đây là Con Ta yêu dấu, người Ta đã sủng mộ.’4 Trong cuộc hiển linh vĩ đại bên bờ sông Jordan, Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiển linh; Chúa Cha từ trời tuyên phán để làm chứng cho Chúa Con, trong khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người. Danh xưng Tôi Tớ của Ta trong lời ngôn sứ Isaia đã được thay thế bằng danh xưng Con Ta yêu dấu. Danh xưng mới mẻ này cho chúng ta hiểu biết về thân vị và bản tính của Chúa Kitô.

Sau khi chịu phép Rửa, Chúa Giêsu chính thức khởi sự sứ mạng cứu thế. Chính lúc ấy, Chúa Thánh Thần - qua Đấng Cứu Thế - cũng khởi sự công cuộc hoạt động trong các linh hồn và hoạt động cho đến tận cùng thời gian.

Phụng vụ thánh lễ hôm nay cho chúng ta một dịp vui mừng để nhớ lại phép Rửa của chúng ta, và bí tích ấy đã ảnh hưởng đến cuộc đời chúng ta như thế nào. Thánh Augustine đã hết sức vui mừng khi nhớ lại phép Rửa của ngài: Trong những ngày đó, con chưa được no thỏa về sự êm dịu lạ lùng được cảm thấy, khi suy ngắm sự sâu thẳm của chương trình cứu chuộc nhân loại của Chúa.5 Hôm nay, chúng ta hãy nâng niu những cảm tình ấy trong giờ cầu nguyện để cám tạ về phép Rửa của chúng ta, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

Phép Rửa của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm. Từ nguồn sung mãn của Người, chúng ta hết thảy đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.6 Chúng ta được chịu phép Rửa không chỉ bằng nước, như phép Rửa của Gioan, mà còn bằng Thánh Thần, Đấng liên kết chúng ta vào sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta cám tạ Thiên Chúa, vì từ ngày đó, chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống Chúa Kitô. Số phận chúng ta được liên kết với Người mãi mãi. Chúng ta cám tạ Thiên Chúa, dù chúng ta được rửa tội ít lâu sau khi chào đời, theo như tập quán xưa nay trong Giáo Hội, hoặc khi đã lớn khôn.

3.2 Với bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được làm con Chúa nhờ Chúa Kitô.

Chúng ta đã được chịu phép Rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta được thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Thiên đàng đã mở ra cho chúng ta. Chúng ta có thể vào nhà Chúa và ý thức được địa vị của chúng ta là làm con Chúa. Thánh Cyril thành Jerusalem đã viết: Nếu anh em khát khao lòng đạo đức chân thực, Chúa Thánh Thần sẽ từ trời cao ngự xuống trên anh em. Anh em cũng sẽ được nghe lời Chúa Cha phán, ‘Đây là Con Ta yêu dấu, người Ta đã sủng mộ.’7 Một trong những hồng ân trọng đại chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa là được làm con Chúa. Thánh Phaolô đã cho chúng ta biết về đặc ân này qua những lời đầy cảm động: Anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế.8

Trong nghi thức Thánh Tẩy, Giáo Hội nhắc cho chúng ta biết chúng ta đã được nên một với Chúa Giêsu trong cuộc tái sinh thiêng liêng. Chúa Giêsu phán với ông Nicodemus: Quả thật, quả thật, Ta bảo ông: không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần.9 Phép Thánh Tẩy trong Kitô Giáo thực sự là một mầu nhiệm về sự chết và phục sinh: việc được nhận chìm trong nước Thánh Tẩy tượng trưng và hiện thực cuộc táng xác Chúa Giêsu trong lòng đất và cái chết của ‘con người cũ,’ còn việc ra khỏi nước nói lên ý nghĩa cuộc phục sinh của Chúa Kitô và việc tái sinh ‘con người mới.’10 Cuộc tái sinh mới mẻ này là căn bản cho địa vị làm con Chúa của chúng ta. Nhờ phép Rửa, chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại, được lãnh nhận tinh thần dưỡng tử, do đó, chúng ta xưng hô Chúa là Abba, lạy Cha (Rm 8:15), và như thế được trở nên kẻ phụng thờ đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm.11 Địa vị làm con Chúa đi kèm với việc linh hồn được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi và được ban ơn thánh.

Nhờ phép Thánh Tẩy, chúng ta được tha thứ và thanh tẩy khỏi nguyên tội, các tội riêng, các hình phạt vĩnh viễn và tạm thời mà chúng ta đáng chịu. Linh hồn lãnh nhận các nhân đức thiên phú và các linh ân Thánh Thần. Cửa thiên đàng đã mở ra cho người tín hữu, đem đến một niềm vui lớn lao cho các thiên thần và các thánh. Sau khi chịu phép Rửa, bản tính nhân loại của chúng ta vẫn mang những hậu quả của nguyên tội. Người được chịu phép Rửa vẫn khuynh chiều về đàng trái, và sau cùng vẫn phải chết. Tuy nhiên, bí tích Thánh Tẩy đã gieo vào chúng ta một hạt giống thần linh, một hạt giống sẽ đưa đến sự phục sinh vinh hiển. Người tín hữu ra khỏi nước Rửa Tội cũng sáng láng như mặt trời. Hỏi còn gì quan trọng hơn nữa khi họ đã được trở nên một người con của Chúa và đồng cứu thế với Chúa Kitô.12

Chúng ta cám tạ Thiên Chúa về những hồng ân chúng ta nhớ lại trong giờ cầu nguyện hôm nay. Chúng con nài xin… Chúa, cho chúng con biết khiêm nhượng lắng nghe trong đức tin những lời của Con Chúa để chúng con cũng được trở thành những người con thật của Chúa.13 Đây là khát vọng và ước muốn nồng nàn nhất của chúng ta.

3.3 Phép Rửa và cuộc sống mỗi ngày.

Trong bài đọc Hai hôm nay, thánh Phêrô trình bày vắn tắt về cuộc đời công khai của Chúa Kitô. Người đã gửi cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Anh em biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép Rửa của Gioan. Anh em biết Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế…14

Pertransivit benefaciendo…, Người đi tới đâu là thi ân giáng phúc… Đây là câu tóm lược về cuộc đời trần gian của Chúa Kitô. Đây cũng phải là câu tóm lược về đời sống của mọi tín hữu đã được chịu phép Thánh Tẩy, vì cuộc sống chúng ta được Chúa Thánh Thần tác động. Điều này phải được thể hiện trong mọi công việc hằng ngày, khi chúng ta nghỉ ngơi, khi giúp đỡ anh chị em trong cộng đồng hoặc gia đình.

Ngày lễ hôm nay là dịp để lặp lại những lời cam kết phép Thánh Tẩy, những lời chính chúng ta đã chấp nhận, hoặc qua cha mẹ và những người đỡ đầu. Chúng ta hãy xác quyết lại lòng sùng mộ đối với Chúa Kitô, và ước nguyện muốn sống thân mật hơn với Người. Chúng ta hãy quyết tâm chừa bỏ mọi tội lỗi, kể cả tội nhẹ. Sau khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, chúng ta đã được Thiên Chúa mời gọi thông phần sự sống thần linh của chính Người.

Phép Thánh Tẩy làm chúng ta trở thành tín hữu, những người trung thành, fideles. Đây là danh xưng được sử dụng giống như danh xưng ‘các thánh’ – ‘sancti’ – mà các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai thường gọi nhau. Những danh xưng này ngày nay vẫn được sử dụng: chúng ta gọi nhau là các tín hữu của Giáo Hội.15 Chúng ta hãy kiên tâm xây dựng cuộc sống của chúng ta trên nền tảng vững chắc là sự cầu nguyện đích thực. Trong Phúc Âm, thánh Luca ghi nhận sau khi được Gioan làm phép Rửa, Chúa Kitô đã cầu nguyện.16 Thánh Thomas Aquinas cho rằng sau khi chịu phép Rửa, người tín hữu cũng phải sống một cuộc sống kiên trì cầu nguyện để đạt được nước Trời, bởi vì phép Rửa thực sự thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi, nhưng người được thụ tẩy vẫn khuynh chiều về những cám dỗ tội lỗi, xác thịt, và ma quỉ.17

Chúng ta cám tạ Thiên Chúa về tất cả những lợi ích chúng ta đã lãnh nhận nhờ bí tích Thánh Tẩy. Hôm nay là cơ hội tốt để chúng ta lặp lại quyết tâm của chúng ta đối với Chúa Kitô và Giáo Hội bằng việc cầu nguyện hằng ngày.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)