dongcong.net
 
 


TUẦN BÁT NHẬT CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT

NGÀY IV – NGÀY 21 THÁNG GIÊNG
NỀN TẢNG SỰ HIỆP NHẤT

7.1 Quyền tối thượng của thánh Phêrô được thể hiện qua Giáo Hoàng Roma.

Thánh Gioan bắt đầu trình thuật đời công khai của Chúa Giêsu bằng sự kiện Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Khi Anrê dẫn em là Phêrô đến giới thiệu với Chúa Giêsu, Chúa đã phán: Ngươi là Simon, con ông Giona, ngươi sẽ được gọi là Cephas (nghĩa là Phêrô).1 Cephas là tiếng Hy lạp, được dịch từ một chữ trong tiếng Aram nghĩa là đá, nền móng. Cephas thời ấy không phải là một tên gọi. Chúa đã dùng tên này để đặt cho người môn đệ mới, chỉ về một sứ mạng tương lai. Trong lịch sử Thánh Kinh, hành vi đặt tên tương đương với quyền làm chủ người được đặt tên. Chẳng hạn khi Thiên Chúa cho con người quyền đặt tên cho mọi sinh vật, thì con người thi hành quyền thống trị trên các sinh vật.2 Chúa đặt tên cho ông Noe để biểu thị một hy vọng mới mẻ sau Đại Hồng Thủy.3 Thiên Chúa đã đổi Abram thành ra Abraham để chứng tỏ ông sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc.4

Các tín hữu thời xưa chấp nhận biểu tượng của tên gọi Cephas, quen thuộc đến độ sử dụng mà không cần dịch lại.5 Một thời gian sau đó, danh xưng Phêrô (dịch từ Cephas) trở nên phổ biến, và tên gốc Simon dần dà bị quên mất. Chúa Kitô thường gọi Tông Đồ này là Simon Phêrô, liên kết tên riêng với sứ mạng của ngài. Điều đặc biệt ý nghĩa là danh xưng Cephas (hoặc Phêrô) mà Chúa Giêsu đã chọn không phải là một tên riêng phổ biến vào thời gian và tại địa phương ấy.

Ngay từ ban đầu, thánh Phêrô đã giữ một địa vị nổi bật giữa các môn đệ của Chúa Kitô. Trong danh sách mười hai Tông Đồ của bốn Phúc Âm, Simon Phêrô đều chiếm chỗ đầu. Chúa Giêsu quan tâm đặc biệt đến Phêrô, mặc dù Gioan lại là môn đệ được Người yêu thương cách riêng. Chúa Giêsu lưu lại nhà của Phêrô.6 Chúa Giêsu bảo Phêrô đóng thuế Đền Thờ cho hai Thầy trò.7 Dường như Phêrô là môn đệ đầu tiên được gặp Chúa sau khi Người sống lại.8 Trong nhiều trường hợp, Phêrô đã nổi bật hơn các môn đệ khác. Chẳng hạn thánh Luca đã viết, Phêrô và các người ở với Người,9 hoặc Phêrô và các đồng bạn…10 Vị thiên thần tại ngôi mộ đá cũng bảo các phụ nữ: Hãy đi và nói cho các môn đệ và Phêrô…11 Trong nhiều trường hợp, Phêrô đã hành xử như người phát ngôn cho nhóm Mười Hai. Phêrô là người xin Chúa giải thích các dụ ngôn.12

Mọi người dường như đều biết địa vị trỗi vượt của Simon. Minh chứng là các nhân viên thuế vụ đã đến gặp Phêrô để thu phần thuế Đền Thờ của Chúa Giêsu.13 Quyền tối thượng của Phêrô không phải do tư cách của ngài, nhưng do ơn gọi Chúa Kitô ban cho ngài. Công đồng Vatican II đã dạy, Đức Giáo Hoàng Roma, Đấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu.14

Trong những ngày này, khi cầu nguyện đặc biệt cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu, chúng ta hãy nhớ đến Đức Giáo Hoàng, hiện thân của sự hiệp nhất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài và những ý nguyện của ngài: Dominus conservet eum et vivificet eum… Xin Chúa gìn giữ ngài, thêm xuống sinh lực và ban cho ngài đời này hạnh phúc. Chắc chắn đây là lời cầu nguyện rất đẹp lòng Chúa.

7.2 Đấng đại diện Chúa Kitô.

Đang khi ở Caesarea Philippi, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ người ta nói Người là ai. Với lòng đơn thành, các môn đệ lần lượt kể lại những gì các ngài đã nghe biết từ dân chúng. Sau đó, Chúa Giêsu hỏi đích thân các môn đệ nghĩ Người là ai: Còn các con, các con nói Thầy là ai? Phêrô đã đứng lên nói thay cho tất cả: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa đã chuẩn nhận lời tuyên xưng đức tin ấy bằng những lời rất can hệ đối với lịch sử Giáo Hội và thế giới: ‘Hỡi Simon, con ông Giona, con thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho con điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho con: con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời; dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.15

Bản văn này được tìm thấy trong mọi thủ bản Thánh Kinh cổ thời, và đã được nhiều văn gia Kitô Giáo thời sơ khởi trích dẫn.16 Chúa xây Giáo Hội của Người trên con người Simon: Con là Tảng Đá, và trên Tảng Đá này,17 những lời này ám chỉ lần hội ngộ đầu tiên. Người Tông Đồ này sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô. Đặc ân được làm tảng đá góc18 đã được Chúa Kitô ban cho thánh Phêrô. Đây là nguồn gốc của tước hiệu về sau đã được dành cho các vị kế nghiệp thánh Phêrô, Đại Diện Chúa Kitô. Đây cũng là nguồn gốc của tước hiệu cao quí mà thánh nữ Catharine Siena đã xưng tụng Đức Giáo Hoàng: Chúa Kitô dịu hiền trên trần gian.19 Theo thánh Lêô Cả, Chúa phán với Phêrô, Mặc dù Thầy là nền tảng, và ngoài Thầy không có nền tảng nào khác, tuy nhiên, hỡi Phêrô, Thầy đã ưu tuyển con là tảng đá ấy. Thầy ước mong con sẽ phục vụ như nền tảng ấy. Thầy trao các quyền của Thầy cho con.20

Vào thời kỳ các thành phố được vây quanh bằng những bức tường cao, lễ nghi trao chìa khóa là biểu tượng của việc trao quyền bính trên thành phố. Chúa Kitô đã ủy thác cho Phêrô trách vụ canh giữ và chăm sóc Giáo Hội của Người. Chúa trao cho Phêrô quyền tối thượng trên Giáo Hội và các vấn đề của Giáo Hội. Cầm buộc và tháo cởi – cụm từ này trong tiếng Do Thái vào thời xưa có nghĩa là ‘cấm chỉ và ban phép.’ Phêrô và các vị kế nghiệp được giao trách nhiệm phải dẫn dắt, ủy trị, cấm đoán, và điều hành. Quyền này được trời cao chuẩn nhận. Vị Đại Diện Chúa Kitô – cho dù với những khuyết điểm cá nhân –có trách nhiệm chăm sóc tất cả các môn đệ và mọi tín hữu. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã phán với Phêrô: Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng con như sàng gạo, nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất đức tin. Phần con, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh.21 Ngay sau khi thiết lập bí tích Thánh Thể, khi cuộc Tử Nạn đã gần kề, Chúa Kitô đã tái xác quyết giao ước giữa Người với Phêrô. Đức tin của Phêrô sẽ không sụp đổ, vì đã được củng cố trong lời cầu nguyện của Chúa Kitô.

Nhờ lời cầu nguyện của Chúa Kitô, thánh Phêrô đã không mất đức tin, mặc dù đã sa ngã. Ngài đã trỗi dậy. Ngài đã làm cho các anh em được vững tin. Ngài đã trở thành tảng đá góc của Giáo Hội. Thánh Ambrose đã viết: Nơi nào có Phêrô, nơi ấy là Giáo Hội. Nơi nào có Giáo Hội, nơi ấy không có sự chết, chỉ có sự sống.22 Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vẫn vang vọng trong suốt chiều dài của lịch sử.23

7.3 Giáo Hoàng đảm bảo cho sự hiệp nhất Kitô Giáo và là nguồn mạch đại kết đích thực. Yêu mến và tôn kính Đức Giáo Hoàng.

Lời Chúa Giêsu hứa với thánh Phêrô tại Caesarea Philippi đã được thực hiện sau sự kiện phục sinh, bên bờ biển hồ Galilê. Phép lạ mẻ cá lạ lùng ấy đã làm thánh Phêrô hồi nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên với Chúa.24

Chúa Kitô đã đặt thánh Phêrô làm lãnh đạo, qua biểu tượng người mục tử và đàn chiên.

Đoàn sủng của thánh Phêrô đã được truyền lại cho các vị kế nghiệp ngài.25 Thánh Phêrô đã tử đạo, nhưng Chúa Kitô muốn ngôi vị mục tử tối cao của thánh nhân sẽ bền vững đến tận thế.26

Chức Giáo Hoàng đảm bảo cho sự hiệp nhất Kitô Giáo và là nguồn mạch cho công cuộc đại kết đích thực. Đức Giáo Hoàng đại diện Chúa Kitô dưới thế. Chúng ta phải yêu mến và nghe theo lời ngài. Ngài là tiếng nói của chân lý. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để làm cho tiếng nói ấy vang khắp cùng thế giới. Chúng ta hãy sống mầu nhiệm hiệp thông các thánh bằng cách hằng ngày cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và những ý nguyện của ngài.

Lòng yêu mến Đức Thánh Cha là một nét đặc trưng của người Công Giáo và là mối liên kết hiệp nhất. Đức Thánh Cha là đại diện hữu hình của Chúa Kitô, là Chúa Kitô dịu hiền trên trần gian.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)