dongcong.net
 
 


TUẦN BÁT NHẬT CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT

NGÀY V - NGÀY 22 THÁNG GIÊNG
CHÚA KITÔ VÀ GIÁO HỘI

8.1 Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội.

Sứ mạng Chúa Kitô không chấm dứt sau khi Người lên trời. Chúa Giêsu không đơn giản là một nhân vật lịch sử, được sinh ra, sống một thời gian rồi chết đi, và hiện nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Chúa Kitô vẫn đang sống một cách mầu nhiệm giữa chúng ta.

Giáo Hội sơ khai gặp một nguy hiểm thực sự vì các tín hữu thường nghĩ về Chúa Kitô như một hồi tưởng quá khứ hoặc một ngóng đợi tương lai. Để chống lại ý niệm sai lầm ấy, tác giả thư Do Thái đã viết: Chúa Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.1 Mặc dù các Tông Đồ và các tín hữu tiên khởi cuối cùng đã chết, nhưng chứng từ của các ngài vẫn mãi mãi sống giữa chúng ta. Chúa Kitô hôm qua hiện diện trong lịch sử. Hôm nay, Người sống trên thiên đàng, ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Hôm nay, Người vẫn hiện diện bên chúng ta, ban cho chúng ta sự sống của Người qua các bí tích. Chúa Kitô đã mặc lấy nhân tính trong thời gian, nhưng mầu nhiệm Nhập Thể đã được tiền định từ trước muôn đời. Con Thiên Chúa đã sinh ra trong thời gian và không gian, dưới thời hoàng đế Caesar Augustus. Cho đến muôn đời về sau, Chúa Kitô vẫn là con người. Những dấu vết cuộc Thương Khó vẫn còn mãi trên thân xác vinh quang của Người.2

Chúa Kitô sống trên thiên đàng trong tình trạng phục sinh và vinh quang. Người cũng đang sống trong Giáo Hội một cách mầu nhiệm. Giáo Hội không chỉ là một phong trào tôn giáo được khởi sinh từ những giáo huấn của Chúa Kitô. Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội.

Vinh quang của Giáo Hội là ở sự liên kết mật thiết với Chúa Giêsu. Đây là một mầu nhiệm không lời nào có thể diễn tả đầy đủ. Giáo Hội có cội nguồn từ chính con người của Chúa Giêsu. Mục đích Giáo Hội là làm cho sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô mãi mãi trường tồn nơi nhân loại. Giáo Hội có trách nhiệm phải làm chứng cho chân lý trong lời hứa của Chúa Kitô với các Tông Đồ: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.3 Theo công đồng Vatican II, Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Đấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Người thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người.4

8.2 Những hình ảnh của Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Đức Phaolô VI đã dạy rằng điều quan trọng đối với các tín hữu là phải hiểu biết bản chất của Giáo Hội. Sự hiểu biết này càng quan trọng hơn nữa đối với các tín hữu Công Giáo trong thời đại này, khi những ý tưởng lầm lạc đang hoành hành rộng khắp. Bao nhiêu người đã quên Giáo Hội là một mầu nhiệm! Điều này xác thực không chỉ ở tính phong phú trong đời sống Giáo Hội, mà còn trong ý nghĩa sâu xa: Giáo Hội là thánh thiện, và vì thế, vượt trên khả năng hiểu biết tự nhiên của chúng ta.5

Bản chất Giáo Hội đã được giải thích trong Thánh Kinh qua rất nhiều hình ảnh bổ túc cho nhau. Những hình ảnh này qui về Chúa Giêsu Kitô và nhấn mạnh đến sự hiệp nhất. Chẳng hạn, chuồng chiên có Chúa Kitô là cửa; đàn chiên được Chúa Kitô, mục tử tốt lành, dẫn dắt; những thuở đất và những vườn nho của Chúa; tòa nhà có đá góc là Chúa Kitô, chất dính kết là các Tông Đồ, các tín hữu là những viên đá sống động. Giáo Hội đã được gọi là Jerusalem trên trời và là mẹ chúng ta, được tôn vinh là hiền thê vô tì tích.6 Thánh Phaolô đã dạy các tín hữu rằng, Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.7 Qua hình ảnh này, ngài nói lên một ý nghĩa rõ ràng Giáo Hội thuộc về Đức Kitô và hợp nhất với Người. Những mối liên kết Giáo Hội và Chúa Kitô không thể tách rời được.8 Vì sự hợp nhất căn bản ấy, những gì có thể nói về phía này cũng có thể áp dụng cho phía kia. Chúa Kitô bị bách hại khi Giáo Hội bị bách hại.9 Chúa Giêsu được yêu mến, khi các chi thể trong Thân Thể của Người được yêu mến. Chúa Kitô bị khước từ, khi người ta khước từ giúp đỡ những kẻ cùng quẫn.10 Chúng ta có thể cùng với Đức Pius XI nói rằng, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô tái diễn nơi chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, cuộc Khổ Nạn này chấn hưng và kiện toàn Nhiệm Thể là Giáo Hội… Điều hợp lý là Chúa Giêsu Kitô muốn chúng ta kết hợp với Người trong công cuộc cứu độ này. Tự nhiên là khi hợp nhất với Đầu, các chi thể của thân thể cũng dự phần vào đau khổ của Chúa Kitô.11 Đây là một mối hợp nhất bền chặt.

Sự hợp nhất này không làm ngãng trở tư cách của mỗi người. Tư cách mỗi người không bị sự hợp nhất với Chúa Kitô hoặc với Giáo Hội của Người hủy diệt. Các tín hữu tiếp nhận sức sống từ thánh sủng Chúa ban, và nhờ đó tham dự vào một mối hợp nhất thánh thiện. Sự thông hiệp mật thiết giữa các tín hữu ảnh hưởng đến đặc tính nội tại cũng như ngoại tại của Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu Giáo Hội là một thân thể, thì phải là một cơ thể duy nhất và không phân chia, theo lời thánh Phaolô, chúng ta tuy nhiều, nhưng là một thân thể trong Chúa Kitô (Rm 7:5). Nói Giáo Hội duy nhất và không phân chia vẫn chưa đủ; Giáo Hội còn sống động và có thể cảm nhận… Vì thế, những ai cho rằng Giáo Hội là một thực tại không thể tiếp xúc hoặc nhìn thấy được là những người xa lạc chân lý của Chúa. Theo họ, Giáo Hội là một thực tại thuần túy tinh thần, trong đó nhiều cộng đồng Kitô hữu, mặc dù tách biệt trong niềm tin, vẫn liên kết với nhau bằng một hình thức liên kết vô hình nào đó. Nhưng, một cơ thể đòi phải có nhiều chi thể được liên kết với nhau để có thể trợ giúp lẫn nhau.12

8.3 Giáo Hội là khối thông hiệp đức tin, bí tích và quản trị. Mầu nhiệm hiệp thông các thánh.

Các tín hữu được liên kết với nhau nhờ sự hiệp thông đức tin, các bí tích và hệ thống quản trị, đứng đầu là Đức Giáo Hoàng.

Giáo Hội là khối hiệp thông đức tin. Giáo Hội gồm tất cả những người đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Nhờ có cùng căn tính Kitô hữu, các tín hữu tuyên xưng một giáo lý và được hợp nhất nhờ ơn thánh. Giáo lý và đời sống trở nên một. Trong thời kỳ Kitô Giáo sơ khai, khi một tín hữu tự tách khỏi đức tin, họ bị dứt phép thông công, tức là tách khỏi cộng đồng đức tin. Hình thức cách ly này sau đó dần dần trở thành một hình phạt pháp lý trong Giáo Hội cho các trường hợp nghiêm trọng.

Trong nhiệm thể Chúa Kitô có sự hiệp thông ơn ích thiêng liêng. Chúng ta dự phần vào những ơn ích này nhờ các bí tích. Các bí tích truyền thông sự sống siêu nhiên cho các tín hữu. Thánh Thể là lương thực tuyệt hảo vì đem đến sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Kitô và các môn đệ của Người. Theo lời công đồng Vatican II, Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của mọi giáo huấn của Phúc Âm.13

Giáo Hội còn là một khối hiệp thông về trợ lực siêu nhiên hỗ tương. Trong Giáo Hội có sự đa dạng phong phú về các đoàn sủng và ơn gọi, tất cả đều hướng đến sự hợp nhất với hàng giáo phẩm. Nếu không liên kết với Phêrô, những con đường ấy sẽ thiếu hiệu năng đầy đủ và đích thực.

Sự hiệp nhất của Giáo Hội được biểu hiện qua mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Với tín điều này, Giáo Hội giải thích về mối hiệp thông giữa các Kitô hữu. Nếu một bộ phận đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui hưởng.14 Mối hỗ tương giữa các tín hữu được liên kết trong Chúa Kitô nhờ các bí tích không hề có giới hạn. Hãy cho mọi người tất cả những kho tàng này.15 Mỗi người chúng ta đều cần được giúp đỡ. Mỗi người chúng ta đều có thể giúp đỡ. Tất cả chúng ta đều đang hưởng nhờ những lợi ích thiêng liêng của Giáo Hội. Lời cầu nguyện, sự dâng hiến công việc hằng ngày và những hy sinh – những của cải thiêng liêng này thực sự là nguồn trợ giúp cho anh chị em của chúng ta. Chúng cũng đem lại ích lợi cho những ai không thông hiệp đầy đủ với Giáo Hội. Thánh Thomas Aquinas dạy rằng, Như trong một cơ thể tự nhiên, hoạt động của một chi thể có thể đem lại lợi ích cho toàn thân thế nào, thì đối với thân thể thiêng liêng là Giáo Hội cũng vậy. Vì tất cả các tín hữu tạo nên một thân thể, nên điều lành do một thành phần thực hiện cũng đem lại lợi ích cho tất cả.16 Ước chi những suy tư này thúc bách chúng ta sống đức tin với một tinh thần sốt sắng mới mẻ. Một ngày kia, khi được chiêm ngắm thánh nhan Thiên Chúa, chúng ta sẽ vui mừng nhìn thấy những lợi ích chúng ta đã đóng góp cho Giáo Hội từ những hành vi thường ngày của chúng ta. Chúng ta không bị mất một giờ làm việc nào cả. Mọi sự đều được biến thành ân sủng, được liên kết với Chúa Kitô và nhiệm thể của Người.

Lạy Chúa, xin thương nhìn đến dân Chúa. Xin ban cho chúng con những ân huệ Thánh Linh Chúa để lòng yêu mến chân lý trong chúng con được tăng triển không ngừng. Xin giúp chúng con tìm được trong giáo lý và trong thực hành sự hiệp nhất hoàn hảo của mọi Kitô hữu.17

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)