dongcong.net
 
 


TUẦN BÁT NHẬT CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT

NGÀY VII – NGÀY 24 THÁNG GIÊNG
ĐỨC MARIA, MẸ SỰ HIỆP NHẤT

10.1 Mẹ sự hiệp nhất khởi đầu mầu nhiệm Nhập Thể.

Các môn đệ cùng nhau kiên trì cầu nguyện, cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, alleluia.1 Nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ, Giáo Hội nài xin Chúa ban ơn hiệp nhất cho các Kitô hữu và toàn thể nhân loại, để họ trở thành dân tộc của Giao Ước mới.2 Giáo Hội tin rằng công cuộc hiệp nhất gắn liền mật thiết với thiên chức hiền mẫu thiêng liêng của Đức Trinh Nữ Maria đối với tất cả mọi người nam nữ, nhất là những ai đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.3 Đức Phaolô VI thường cầu nguyện cùng Đức Maria với tước hiệu Mẹ sự hiệp nhất.4 Đức Gioan Phaolô II đã dâng lên Mẹ lời cầu nguyện đầy yêu thương này: Lạy Mẹ, Mẹ là nữ tì đầu tiên của Thân Thể toàn vẹn Chúa Kitô, xin giúp chúng con, tất cả các tín hữu, đang cảm nghiệm thảm kịch chia rẽ của lịch sử Kitô Giáo, biết kiên trì tìm kiếm con đường dẫn đến sự hiệp nhất hoàn hảo cho Thân Thể Chúa Kitô, qua việc trung thành với Thánh Thần Chân Lý và Tình Yêu…5

Giáo Hội đã chào đời cùng với Chúa Kitô, và ‘lớn lên’ trong nhà Nazareth cùng với Người. Giáo Hội ngày nay chính là Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta một cách vô hình và mầu nhiệm. Đức Maria là Mẹ Giáo Hội ngay từ ngày khai nguyên của Giáo Hội.6 Chúng ta là những tín hữu hợp thành một thân thể, và Đức Maria là Mẹ của thân thể mầu nhiệm ấy. Hỏi có người mẹ nào lại bỏ mặc con mình đang xa lạc gia đình và mái nhà thân yêu? Hỏi còn ai lưu tâm đến những lời cầu nguyện xin ơn hiệp nhất của chúng ta cho bằng Đức Maria, Mẹ của chúng ta?

Thánh Bernard đã viết một đoạn văn rất tuyệt vời, kể rằng toàn thể vũ trụ đều chờ mong Mẹ thưa lời fiat trong ngày Truyền Tin. Trời đất, các tội nhân cũng như những người công chính, quá khứ, hiện tại, và tương lai đều tụ tập nơi biến cố vĩ đại ấy tại Nazareth.7 Khi đã thưa lời fiat, xin nên trọn nơi tôi điều sứ thần truyền, thì Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội, và theo một nghĩa nào đó, là Mẹ của toàn thể thụ tạo. Tội lỗi đã làm tan vỡ sự hiệp nhất của nhân loại và xáo trộn trật tự trong vũ trụ. Đức Maria là thụ tạo đã được Thiên Chúa ưu tuyển trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Qua quyết định tự do, Mẹ đã trở thành nguyên nhân công trình cứu độ của Chúa Kitô.

Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, trước tiên tìm được nguyên nhân hiệp nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể, tức là trong cung lòng Đức Maria. Mẹ đã nhận lãnh Ngôi Lời vào lòng thanh sạch, đã cưu mang trong dạ trinh khiết, đã sinh hạ, và đã nuôi nấng Chúa Kitô ngay từ ban đầu.8

10.2 Đức Maria tại tiệc cưới Cana.

Đức Kitô đã hoàn tất công trình cứu thế trên đồi Canvê. Giao Ước mới đã được đóng lại bằng Máu của Chúa trên thập giá. Giao Ước này đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, cũng như với nhau. Thánh Phaolô đã dạy rằng Thiên Chúa đã phá đổ những bức tường chia rẽ để tạo lập một Giáo Hội chân chính, một dân tộc duy nhất của Người.9 Sự hiệp nhất mà Chúa Kitô sắm cho chúng ta không thể bị phá vỡ vì những khác biệt về chủng tộc, quốc gia, ngôn ngữ hay điều kiện xã hội. Ngay từ giây phút Chúa Kitô hoàn tất công trình cứu chuộc, một dân tộc mới gồm các con cái nam nữ của Thiên Chúa đã được sinh ra, đó là hoa trái đầu mùa từ hiến tế thập giá của Thiên Chúa Làm Người. Được đưa lên trời trong vinh quang, bằng một tình yêu từ mẫu, Mẹ chăm sóc và dõi theo Giáo Hội lữ hành trên con đường về trời cho đến ngày của Chúa chiếu rạng trong huy hoàng.10

Trong những giờ phút đau thương cuộc Khổ Nạn của Chúa, Đức Trinh Nữ suy tư trong tâm hồn những đường lối Thiên Chúa và nhân loại. Có lẽ Mẹ nghĩ đến những lời nói về đức ái huynh đệ và sự hiệp nhất mà Con Mẹ đêm hôm trước đã phán ra, ‘Ut omnes unum sint, sicut tu, Pater, in me et ego in te… Xin cho mọi người nên một, như Cha, Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha.’11 Chúa Giêsu cầu cho các môn đệ được hiệp nhất ở trần gian này, khối hiệp nhất phản ảnh sự hiệp nhất hằng có trên trời của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Maria tham dự một cách cá biệt và phi thường tuyệt đối vào sự hiệp nhất thánh thiêng ấy.12

Đức Maria dưới chân thập giá đã hiệp nhất mật thiết và đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Khi Chúa Giêsu thấy Mẹ và môn đệ thương mến đứng bên cạnh, Người nói với Mẹ rằng, ‘Hỡi Bà, đây là con Bà.’ Rồi Người nói với môn đệ, ‘Hỡi con, đây là Mẹ con.’ Và từ giờ ấy, môn đệ đưa Bà về nhà mình.13 Mẹ luôn kết hợp với Con hơn mọi thụ tạo. Sự kết hợp của Mẹ đặc biệt mãnh liệt trong những giờ phút trên núi Canvê. Công đồng Vatican II viết: …Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng ở đó. Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng, chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Mẹ làm Mẹ của môn đệ…14 Chúng ta biết môn đệ ấy là thánh Gioan, đại diện cho toàn thể nhân loại. Đức Maria là Mẹ của nhân loại, đặc biệt là những người đã được chịu phép Rửa, những người được tháp nhập với Chúa Kitô. Làm sao Mẹ có thể không lắng nghe những lời cầu nguyện kiên trì của chúng ta trong những ngày này, để cầu cho sự hiệp nhất giữa các con cái Mẹ?

Qua những lời kết trong hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, công đồng Vatican II đã thúc giục chúng ta hãy đến với Người Mẹ trên trời của chúng ta: Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Mẹ đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các thần thánh trên trời, Mẹ cũng cầu bầu cùng Con Mẹ trong sự hiệp thông toàn thể các thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Đấng Cứu Chuộc của mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.15 Chúng ta hãy nài xin Mẹ gia tăng lòng yêu mến sự hiệp nhất cho chúng ta, để tình yêu ấy càng ngày càng lớn mạnh trong chúng ta. Hãy kêu cầu Đức Trinh Nữ. Hãy nài xin Mẹ tỏ ra là Mẹ của bạn – ‘Monstra te esse Matrem!’ – Nguyện xin khi kín múc nguồn ân sủng của Con Mẹ, Mẹ cũng đem lại rạng sáng giáo lý cho tâm trí, tình yêu và sự thanh khiết cho tâm hồn, để bạn biết đường đến với Thiên Chúa và đem nhiều linh hồn về cho Người.16

10.3 Đức Maria với Giáo Hội non trẻ tại nhà Tiệc Ly.

Mẹ đã liên kết lời cầu nguyện của Mẹ với lời cầu nguyện của các Tông Đồ, cùng đợi chờ Chúa Thánh Thần ngự xuống, và qua đó, trở nên mô hình hoàn hảo cho Giáo Hội cầu nguyện.17

Chúa Giêsu Kitô ước mong Giáo Hội ngay từ đầu hãy có một sự hiệp nhất hữu hình trong đức tin, đức cậy, đức ái, lời cầu nguyện, các bí tích, và sự quản trị. Sự hiệp nhất hữu hình bên ngoài là một dấu hiệu về bản tính linh thánh của Giáo Hội, về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Đó là lời cầu nguyện của Chúa Kitô trong bữa Tiệc Ly.18 Đó là cách các tín hữu đầu tiên đã sống đức tin – hợp nhất với nhau và suy phục quyền bính các Tông Đồ.

Khi các Tông Đồ tụ họp tại nhà Tiệc Ly để chờ đón Chúa Thánh Thần, không phải tình cờ Đức Maria cùng ở đó với họ. Các Tông Đồ là những viên đá sống động của toàn thể Giáo Hội. Đức Maria ở giữa họ, hoạt động như một trái tim đem sức sống đến cho tất cả mọi chi thể trong thân thể.19 Các Tông Đồ chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ và Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu…20

Trong sách Tông Đồ Công Vụ, thánh Luca cho chúng ta biết Đức Maria có một vị trí trung tâm trong Giáo Hội non trẻ. Chúng ta thấy Đức Maria là tâm điểm tinh thần, chung quanh là các bạn hữu thân thiết của Chúa Giêsu: truyền thống đã suy tư về điểm này, và tìm cách phác họa thiên chức Hiền Mẫu của Đức Maria đối với toàn thể Giáo Hội, cả trong thời gian sơ khởi và dài theo dòng các thế kỷ.21 Đức Maria đã tạo nên một bầu khí yêu thương, liên đới, và hiệp nhất. Mẹ là cộng tác viên hữu ích nhất của thánh Phêrô và các Tông Đồ trong việc tổ chức và quản trị Giáo Hội sơ khởi.22

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Maria đã lo xây đắp sự hiệp nhất giữa các chi thể trong Nhiệm Thể Chúa dưới thế. Các tín hữu không ngừng cầu khẩn cùng Đức Maria cho công cuộc hiệp nhất. Kinh nghiệm nhà Tiệc Ly không thể phản ảnh được giờ trào đổ ân sủng Chúa Thánh Thần, nếu như không có ân sủng và niềm vui về sự hiện diện của Đức Maria. ‘Cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu’ (Cv 1:14), chúng ta đọc về giờ vĩ đại ấy của lễ Hiện Xuống… Ước chi Mẹ, Mẹ tình yêu và hiệp nhất, liên kết chúng ta một cách bền chặt, như cộng đồng tiên khởi được sinh ra tại nhà Tiệc Ly, để chúng ta cũng được ‘nên một trái tim, một linh hồn.’ Ước chi Mẹ, hiền mẫu của sự hiệp nhất (mater unitatis), trong lòng Mẹ, Con Thiên Chúa đã được hiệp nhất với nhân tính, và khởi đầu một cách mầu nhiệm mối kết hợp hôn ước giữa Thiên Chúa với toàn thể nhân loại, cũng giúp chúng ta được ‘kết hợp nên một’ và trở nên những khí cụ xây dựng sự hiệp nhất giữa anh chị em tín hữu và với tất cả mọi người.23

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)