dongcong.net
 
 


NGÀY 26 THÁNG GIÊNG
THÁNH TIMOTHY VÀ THÁNH TITUS GIÁM MỤC
Lễ Kính

Thánh Timothy sinh tại Lystra, Tiểu Á. Mẹ là người Do Thái và cha là dân ngoại. Trong cuộc hành trình thứ nhất của thánh Phaolô đến thành này, Timothy đã được trở về với đức tin. Ngài đã hoàn toàn dấn thân cùng với thánh Tông Đồ. Dường như bấy giờ Timothy còn rất trẻ, nên thánh Phaolô đã yêu cầu các tín hữu ở Côrinthô hãy tôn trọng người môn đệ của ngài. Timothy còn rất trẻ khi được phong làm giám mục giáo đoàn ở Êphêsô. Truyền tụng kể rằng thánh nhân đã được tử đạo ngay tại thành này.

Titus là một trong những môn đệ thân tín nhất của thánh Phaolô. Cha mẹ đều ngoại đạo, và dường như ngài đã được thánh Phaolô đích thân qui hồi. Titus đã tham dự công đồng Jerusalem cùng với thánh Phaolô và thánh Barnabas. Trong các thư của mình, thánh Phaolô đã mô tả Titus như một người hăng say bảo vệ chân lý, chống lại các thầy dạy giả dối và những tà thuyết sai lạc thời ấy. Thánh Titus qua đời vào năm 105, thọ gần một trăm tuổi.

13.1 Bảo toàn kho tàng đức tin.

Hai thánh Titus và Timothy là những môn đệ thân tín nhất của thánh Phaolô. Timothy đồng hành với thánh Phaolô trong nhiều cuộc hành trình truyền giáo, như một người con với cha mình.1 Thánh Phaolô rất yêu quí các ngài. Trong chuyến hành trình cuối cùng đi qua miền Tiểu Á, thánh Phaolô đã đặt Timothy coi sóc giáo đoàn tại Êphêsô, và Titus coi sóc giáo đoàn tại đảo Crete. Khi bị giam lỏng tại Roma, thánh Phaolô đã viết thư cho cả hai vị giám mục này và nhắn nhủ hãy bảo tồn kho tàng đức tin các ngài đã được lãnh nhận. Thánh Phaolô khuyên hai môn đệ hãy giữ cho lòng đạo đức của các giáo hữu luôn sống động, bất chấp môi trường ngoại giáo, và thỉnh thoảng có sự xuất hiện của các thầy giả dối. Tuy nhiên, nhiệm vụ chủ yếu của hai vị là phải giữ gìn kho tàng đức tin cho nguyên tuyền.2 Timothy và Titus đã dấn thân hoàn toàn cho công cuộc rao giảng giáo lý chân truyền.3 Các ngài xác tín rằng Giáo Hội là cột trụ và tường thành của chân lý.4 Vì thế, các giám mục phải cảnh giác về các tà thuyết sai lạc.5

Ngay từ những ngày đầu, Giáo Hội đã giảng dạy các chân lý đức tin cho con cái một cách sáng sủa và dễ hiểu, tránh mọi hàm hồ có thể xảy ra. Chúng ta nhận ra điều này nhờ những lời thánh Phaolô viết cho Timothy: Khi đi Macedonia, tôi đã khuyên anh ở lại Êphêsô để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác, cũng đừng chú ý đến những chuyện hoang đường và những gia phả dài dòng; những cái đó chỉ gây ra tranh luận, chứ không đóng góp vào kế hoạch của Thiên Chúa mà đức tin cho chúng ta biết.6 Về đoạn này, Đức Gioan Phaolô II đã nhận định, Về phần mình, các giáo lý viên phải khôn ngoan lựa lọc trong lãnh vực nghiên cứu thần học những điểm có thể chiếu giãi ánh sáng cho suy tư và việc giảng dạy của họ, như các thần học gia kín múc từ những nguồn cứ liệu đích thực, trong ánh sáng của Huấn Quyền. Họ đừng làm rối ren tâm trí của các trẻ em và những bạn trẻ ở các cấp độ giáo lý, bằng những lý thuyết kỳ quặc, những vấn nạn vô ích, những thảo luận vô bổ, những điều mà thánh Phaolô thường kết án trong các thư mục vụ của ngài.7

Các thầy dạy đức tin phải dạy các chân lý đức tin, chứ không phải những lý thuyết hoặc những nghi thuyết của riêng mình. Điều thường xảy ra là những người tìm cách làm cho chân lý đức tin trở nên dễ hiểu với thế giới hiện tại cuối cùng lại đi đến chỗ không những thay đổi các phương pháp dạy giáo lý mà còn thay đổi cả nội dung chân lý mặc khải nữa.

Trong thế giới ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều cỏ lồng vực đã được gieo vãi. Truyền thanh, truyền hình, văn chương, hội thảo trí thức… là những phương thế truyền thông lợi ích có thể được sử dụng để truyền bá các chân lý, và cả những điều giả trá. Pha lẫn trong những sứ điệp tốt lành, chúng ta thấy có những cuộc tấn công tinh vi và hoặc ngang nhiên vào giáo lý Công Giáo, liên quan đến đức tin và phong hóa. Là những tín hữu, chúng ta không thể vô can trước nạn dịch lan tràn đang làm băng hoại xã hội. Kể từ thời các Tông Đồ, các ông thầy lầm lạc dường như càng ngày càng tăng số và có ảnh hưởng hơn đối với nền văn hóa, làm cho lời cảnh báo của thánh Phaolô luôn luôn hợp thời. Đức Phaolô VI đã gọi hiện tượng này là cơn địa chấn nguy hại rộng khắp.8 Địa chấn vì gây tác động đảo lộn; nguy hại vì trực tiếp nhắm đến các chân lý nền tảng; và rộng khắp vì hiện tượng này diễn ra khắp nơi trên thế giới.9

Tự thâm tâm, chúng ta biết đức tin là một kho tàng vô cùng quí báu. Chúng ta phải dùng những phương thế cần thiết để giữ gìn đức tin của chúng ta và những người chung quanh. Chúng ta phải khiêm tốn. Chúng ta phải cảnh giác để khỏi bị tiêm nhiễm nạn dịch ấy. Chúng ta phải thận trọng đối với những gì chúng ta đọc, những gì chúng ta xem, và những nơi chúng ta đến. Chúng ta phải làm chủ phim ảnh, các chương trình truyền hình, sách báo, v.v… Đức tin đáng giá hơn bất cứ những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra.

13.2 Hiểu biết sâu xa về các chân lý đức tin.

Giáo lý tốt lành đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.10

Trong kho từ vựng luật Roma, chữ depositum được dùng để chỉ tài sản do một người giao phó cho một người khác, với hàm ý sẽ được trả lại nguyên vẹn khi được yêu cầu.11 Thánh Phaolô đã áp dụng thuật ngữ pháp luật này vào lãnh vực chân lý mặc khải, và thế là danh từ này đi vào giáo huấn Công Giáo. Các chân lý đức tin được thế hệ này truyền lại cho thế hệ kia. Các chân lý này không phải là sản phẩm của suy luận con người, nhưng trực tiếp phát xuất từ Thiên Chúa. Những ai không trung thành với các chân lý này hãy suy tư những lời của ngôn sứ Jeremiah: Vì dân Ta đã làm hai điều bất hảo: chúng đã bỏ Ta, Mạch nước hằng sống, để đào cho mình bể nước, nhưng các bể rò không chứa được nước.12 Ai chê chối các giáo huấn của Huấn Quyền thì chỉ rao giảng những lẽ loài người, những lẽ này làm hại đức tin và gây nguy hiểm cho phần rỗi của họ. Người rao giảng Phúc Âm vì thế phải sẵn sàng khước từ bản thân và chịu đau khổ, luôn luôn tìm kiếm chân lý để truyền đạt lại cho người khác. Họ không bao giờ phản bội hoặc giấu giếm chân lý, chỉ vì muốn làm hài lòng người đời hoặc để gây ngạc nhiên hoặc chấn động, cũng không phải vì tính ham mới lạ hoặc muốn gây ấn tượng.13
Qua dòng thời gian các thế kỷ, Giáo Hội đã cẩn trọng xác định các tín điều đức tin. Trong nhiều trường hợp, các định tín là do những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến cuộc tranh luận hỗn loạn về tín lý. Đức cha Ronald Knox đã so sánh các tín điều này như những chiếc phao thường thấy ở các cửa sông. Những chiếc phao này xác định các giới hạn an toàn cho thủy lộ. Ngoài những giới hạn này là những chỗ nguy hiểm. Một người cần phải có một con đường an toàn trên bình diện đức tin và phong hóa, để có thể vươn tiến mà không gặp hiểm nguy. Bỏ qua các hướng dẫn này là đưa con thuyền của chúng ta vào chỗ nguy hiểm. Vì thế, rõ ràng là vấn đề này không đi loại bỏ tự do của chúng ta. Ngược lại, vấn đề này có liên quan đến những gì để đạt được, bảo toàn, và chia sẻ tự do.14

Từ những thời kỳ đầu, Giáo Hội đã có những sách giáo lý nhỏ ghi lại những điều tóm lược về đức tin, phù hợp với khả năng hiểu biết của đa số tín hữu. Dạy giáo lý là một trong những công tác chính yếu của Giáo Hội. Chúng ta phải tham gia vào công tác tông đồ quan trọng này hết khả năng của mình. Sách giáo lý tóm lược rất hữu ích cho chúng ta, khi còn nhỏ cũng như khi đã trưởng thành. Tuy nhiên, điều chúng ta phải làm nhiều hơn nữa là phải ôn lại những ý tưởng chính yếu về đức tin của chúng ta. Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở một nhóm bạn trẻ hành hương: Các con làm tín hữu chỉ vì đã được Rửa Tội, hoặc nhờ những điều kiện lịch sử và xã hội tại địa phương các con được chào đời vẫn chưa đủ. Bởi vì khi lớn về tuổi đời và văn hóa, các con ý thức hơn những vấn đề và những yêu sách về sự hiểu biết và sự xác thực. Khi ấy, cần phải bắt đầu một con đường trách nhiệm để tìm hiểu các động lực về niềm tin Kitô của các con. Nếu các con không tự mình ý thức và không có một hiểu biết tương xứng về những điều phải tin và những nguyên nhân của niềm tin, đến một lúc nào đó, điều không tránh được là mọi sự có thể sụp đổ và bị cuốn trôi, bất chấp thiện chí của cha mẹ và những người giáo dục.15

Càng hiểu biết về đức tin, chúng ta càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.

13.3 Nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm được ủy thác cho Giáo Hội.

Đây là lời thánh Phaolô khuyên nhủ Timothy: Con hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc ấy. Vì làm như vậy, con sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe con giảng dạy.16 Chúng ta hãy lợi dụng những phương thế trau luyện sẵn có trong khả năng, bao gồm việc học hỏi thần học, dự các tuần tĩnh tâm, siêng đọc các sách đạo đức. Tất cả nhằm đến một sự đào luyện giáo lý phù hợp với những hoàn cảnh riêng của chúng ta. Chúng ta cần phải hiểu biết về Thiên Chúa để có thể nói cho người khác hiểu biết về Người. Với sự đào luyện ấy, chúng ta sẽ thấy mình sẵn sàng hơn để đương đầu với nạn dịch sai lầm đang lan tràn khắp thế giới.

Giáo lý đem ánh sáng đến cho cuộc đời. Đời sống Kitô hữu làm cho tâm hồn con người nhận biết Thiên Chúa. Chúa muốn chúng ta đáp ứng lời mời gọi và mặc khải của Người với một sự đồng thuận trọn vẹn và có ý thức. Chúng ta hãy sống theo những niềm tin: tín thác vì chúng ta là con cái Chúa, vui mừng vì luôn được thiên thần bản mệnh bảo vệ, cậy trông vào sự nâng đỡ trên phương diện siêu nhiên từ anh chị em tín hữu. Với đời sống đức tin như thế, mặc dù chúng ta không nhận ra, nhưng chúng ta sẽ đưa được nhiều người đến cùng Chúa.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)