dongcong.net
 
 


NGÀY 7 THÁNG MƯỜI
ĐỨC MẸ RẤT THÁNH MÂN CÔI
Lễ Nhớ

Lễ này đã được Đức Pius V thiết lập để tạ ơn Đức Thánh Trinh Nữ phù trợ cho Giáo Hội chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepanto vào ngày 7 tháng 10 năm 1571. Ngài đã tiên đoán kinh Mân Côi sẽ đem lại chiến thắng vào năm 1569. Đức Clement XI đã truyền mừng lễ này trong khắp Giáo Hội vào năm 1716.

33.1 Chuỗi Mân Côi là vũ khí thần lực trong công cuộc tông đồ.

Sứ thần đến và chào: Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà.1 Sứ thần đã chào Đức Maria bằng những lời mà chúng ta hiện vẫn lặp đi lặp lại để chào kính Mẹ.

Vào thời Trung Cổ, các tín hữu chào kính Trinh Nữ Maria bằng việc nhắc đến Hoa Hồng Nhiệm, biểu tượng của tình yêu và niềm vui. Để biểu trưng lòng mến, các tín hữu đã trang trí các ảnh tượng Mẹ bằng những vòng hoa hoặc những đóa hoa hồng, được gọi là Rosarium. Hễ ai không thể đọc đủ 150 Thánh Vịnh của Giờ Kinh Phụng Vụ được, thì có thể đọc 150 kinh Kính Mừng bù lại. Các tín hữu thường dùng những hột đá đính lại từng mười hột, hoặc một sợi dây có những nút thắt để đếm cho đủ số kinh dâng lên Đức Mẹ. Và mỗi lần như thế, họ suy gẫm một mầu nhiệm nào đó trong cuộc đời Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ.

Kinh Kính Mừng là kinh nguyện rất lâu đời của Giáo Hội, được các Giáo Hoàng và các công đồng cổ võ. Kinh Kính Mừng hàm chứa lời nguyện xin ơn chết lành: Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Chúng ta nài xin ơn Đức Trinh Nữ phù giúp lúc này, dù chúng ta đang sống trong bất cứ tình trạng nào, và trong thời điểm quyết định cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

Các mầu nhiệm Mân Côi tập trung vào những sự kiện chính yếu trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Theo một ý nghĩa nào đó, những mầu nhiệm ấy là bản tóm lược năm phụng vụ và toàn bộ Phúc Âm. Những lời nguyện trong kinh Cầu Đức Bà đọc sau chuỗi Mân Côi cũng là một bài ca yêu mến được dâng lên Mẹ. Đó là những lời chúc tụng ngợi khen, những lời xin Mẹ phù trợ, và biểu hiện niềm vui được tán những nhân đức và quyền uy của Mẹ.

Thánh Pius V đã công nhận chiến thắng vịnh Lepanto là do sự cầu bầu của Đức Maria. Roma và thế giới Kitô Giáo đã kêu cầu Mẹ, và nhờ kinh Mân Côi, kể từ đó một mối đe dọa nghiêm trọng đối với đức tin đã không còn nữa. Ngày lễ hôm nay gợi lại biến cố uy hùng năm xưa. Khi lễ này được thiết lập, câu xướng Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu đã được thêm vào kinh Cầu Đức Bà. Nhiều vị Giáo Hoàng đã sốt sắng khuyến khích và cổ động lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ như một việc cầu nguyện công khai và phổ biến, để cầu cho những nhu cầu thông thường và ngoại thường của toàn thể Giáo Hội và các quốc gia khắp thế giới.2

Giáo Hội dành tháng Mười làm tháng đặc biệt tôn kính Mẹ Maria dưới tước hiệu Mân Côi. Tình yêu chúng ta dâng lên Mẹ Mân Côi phải luôn được hun đúc và đổi mới. Chúng ta nên suy ngắm những mầu nhiệm Mân Côi như thế nào? Những lời ca ngợi và cầu xin của chúng ta trong chuỗi kinh Mân Côi có thấm đẫm khát vọng thánh thiện giống như của các tín hữu thời trước đã cầu nguyện cho chiến thắng vịnh Lepanto hay không? Chúng ta rất cần được trợ giúp, chúng ta quan tâm đến sự thăng tiến tinh thần của gia đình, đến những nhu cầu của bạn hữu, những đối tượng công cuộc tông đồ, nên sự hiện diện của Đức Mẹ trở nên vô cùng thiết yếu. Chúng ta hãy luôn nhớ: Hôm nay cũng như bất cứ lúc nào, kinh Mân Côi luôn luôn là một vũ khí thần hiệu giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến nội tâm và có sức trợ giúp các linh hồn.3

33.2 Suy ngắm các mầu nhiệm Mân Côi.

Danh từ chuỗi Mân Côi được dùng để chỉ những lời kinh dâng lên Đức Thánh Trinh Nữ, giống như những đóa hoa hồng chúng ta hái về tiến dâng Mẹ.4 Một chiến sĩ hăng say của Đức Mẹ là thánh Bernard đã dùng danh từ ấy theo một nghĩa khác, để chỉ về những ngày trong cuộc đời của Mẹ, như một bông hồng bạch, hoặc như một bông hồng thắm. Những bông hồng bạch và những bông hồng thắm: những bông hồng bạch chỉ sự lặng lẽ và thanh khiết, những bông hồng thắm chỉ sự đau khổ và yêu mến. Chúng ta có năng cố gắng đi sâu vào cuộc đời Mẹ, từng ngày một, trong khi tay chúng ta lần qua từng hạt chuỗi hay không?5 Đó là cách chúng ta suy gẫm cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong khi các hạt kinh lần lượt hiện qua trong tâm trí và con tim của chúng ta.

Chúng ta được đồng hành với Mẹ Đồng Trinh khi suy ngắm các mầu nhiệm. Như thế chuỗi Mân Côi sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn là việc đơn điệu lặp lại những câu kinh. Chúng ta chia các mầu nhiệm làm ba nhóm – Vui, Thương, Mừng – và suy ngắm về các khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm ơn cứu độ, tức là Nhập Thể, Thương Khó, và Phục Sinh.6 Chúng ta cầu nguyện trong tình mến, và có thể thêm một ý chỉ vào từng chục kinh hoặc lời kinh để tránh sự nhàm chán. Chúng ta suy gẫm các mầu nhiệm với lòng sùng mộ và chuyên chú. Điều ấy dần dần sẽ giúp chúng ta có một lòng đạo đức đích thực và những tâm tình như của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúng ta vui mừng khi các biến cố làm sáng tỏ ơn cứu độ, và chúng ta chia sẻ với Thánh Gia trong những thử thách của các ngài. Chúng ta nhìn về phía trước với niềm cậy trông vững vàng, về cuộc chiến thắng rạng ngời vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh.7

Chúng ta có thể dừng lại một vài giây – ba hoặc bốn giây – để suy ngắm về mỗi mầu nhiệm chuỗi Mân Côi trước khi đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng của chục kinh tiếp theo.8 Như thế, chúng ta có thể đi sâu vào từng biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và Thánh Cả Giuse.

Qua việc suy ngắm bài học về những mầu nhiệm, chuỗi Mân Côi trở nên một cuộc thưa chuyện với Mẹ Maria, đưa chúng ta đến chỗ thân thiết với Con Mẹ.9 Giữa cuộc sống tân toan hằng ngày, chúng ta có thể gặp gỡ và suy gẫm các chân lý đức tin trong lúc đang làm việc hoặc nghỉ ngơi. Như thế, chúng ta càng ngày càng vui tươi và tinh tế hơn trong tương quan với tha nhân. Sự sống Chúa Giêsu và Mẹ Maria trở nên tình yêu của cuộc sống chúng ta, bởi vì chúng ta nhận thức sâu xa về sự cao trọng của các ngài. Thi sĩ đã nói thật chính xác:

Bạn mỏi mệt và ươn ái trong cầu nguyện,
Bởi vì luôn lặp lại những lời đơn điệu,
Bạn hãy có một chút hiểu biết về lời cầu nguyện,
Trong tình yêu mãi mãi như tôi và Mẹ.10

33.3 Kinh Cầu Đức Bà.

Sau khi đã suy ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ qua các kinh Lạy Cha và Kính Mừng, chúng ta kết thúc chuỗi Mân Côi và tiếp sang kinh Cầu Đức Bà. Kinh Cầu gồm nhiều câu xướng, nhiều câu chúc khen với những hình ảnh sinh động. Hình thức những lời chúc khen và nài xin khác nhau, tùy quốc gia, gia đình, và lòng đạo đức cá nhân.

Nguồn gốc kinh Cầu Đức Bà Loreto có từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Khi ấy, kinh Cầu chỉ gồm những câu xướng đáp ngắn giữa chủ tế và các tín hữu. Những câu ấy tập trung vào việc nài xin lòng nhân lành Thiên Chúa, và được đọc trong thánh lễ hoặc các cuộc cung nghinh. Các lời kinh ấy trước tiên hướng về Chúa, sau đó là Đức Thánh Đồng Trinh và các thánh. Những câu chúc khen trong kinh Cầu Đức Bà là những lời được tích hợp theo thời gian để diễn tả niềm yêu mến. Nhiều câu phát xuất từ tác phẩm của các giáo phụ Đông Phương. Vào khoảng năm 1500 tại đền thánh Đức Mẹ Loreto, các tín hữu bắt đầu hát những câu xướng đáp ấy trong nghi thức long trọng. Lòng sùng kính này không bao lâu sau đã lan tràn khắp Giáo Hội.

Mỗi câu xướng là một lời than thở yêu mến dâng lên Mẹ. Mỗi câu xướng đều phản ảnh một chiều kích đặc biệt của linh hồn cao sang Mẹ Thiên Chúa. Các câu được sắp xếp theo các chân lý Thánh Mẫu, bao gồm ơn làm Mẹ Thiên Chúa, ơn đồng trinh trọn đời, nhiệm vụ trung gian, quyền nữ vương vũ trụ và mô phạm phổ quát về nếp sống Kitô Giáo. Khi kêu cầu Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, chúng ta minh nhiên xưng tụng chức phẩm thân thiết giữa Mẹ với Thiên Chúa. Khi chúc tụng Mẹ là Nữ Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, chúng ta yêu mến xưng nhận sự hiến thân trọn vẹn của Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi kêu cầu Đức Mẹ Chúa Kitô, chúng ta đề cao vai trò chính yếu của Mẹ trong sứ mạng Chúa Kitô, Đấng Trung Gian, Đấng Cứu Độ, và Vua Uy Quyền. Khi ca tụng Mẹ là Nữ Vương và là Đấng Trung Gian, chúng ta tán tụng quyền vương đế của Chúa Kitô trên trời dưới đất.

Những câu xướng đầu trong kinh Cầu nói lên những chức phẩm chính yếu của Mẹ, còn những câu về sau khai triển thêm. Đức Trinh Nữ Mẹ là Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời. Đó là tước hiệu cao quang nhất chúng ta có thể thưa lên cùng Mẹ, vì là căn bản cho mọi tước hiệu khác. Là Mẹ Chúa Kitô, Đức Maria xứng đáng được ngợi khen là Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa, và Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế. Sau đó, Đức Maria được chúc tụng là Mẹ Giáo Hội và Mẹ thông ơn Thiên Chúa. Chúng ta tôn vinh Mẹ bằng những tước hiệu đặc biệt tự nhiên theo sau các tước hiệu trên – Đức Mẹ cực tinh cực sạch; Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng; Đức Mẹ chẳng dúng bợn nhơ; Đức Mẹ rất đáng yêu mến; Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm. Chúng ta hát khen những đặc ân tuyệt vời làm Mẹ được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Đó là những đặc ân liên hệ đến sự đồng trinh trọn đời. Đức Nữ cực khôn cực ngoan, Đức Nữ rất đáng kính chuộng, Đức Nữ rất đáng ngợi khen, Đức Nữ có tài có phép, Đức Nữ có lòng khoan nhân, Đức Nữ trung tín thật thà.

Sau khi đã kêu cầu Đức Maria như mẫu gương tuyệt vời mọi nhân đức, chúng ta tiếp tục tôn vinh Mẹ bằng những lời chào kính. Chúng ta xưng tụng Đức Nữ là gương nhân đức, Đức Nữ tòa Đấng khôn ngoan, Đức Bà làm cho chúng tôi vui mừng, Đức Bà là Đấng trọng thiêng, Đức Bà là đấng đáng tôn trọng, Đức Bà là đấng sốt mến lạ lùng, Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm, Đức Bà như lầu đài Đavít, Đức Bà như tháp ngà báu, Đức Bà như đền vàng.

Mẹ Thiên Chúa vẫn tiếp tục chu toàn nhiệm vụ trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, qua Chúa Kitô.11 Ba biểu hiệu khác nhau cùng nói lên vai trò trung gian phổ quát của Mẹ. Mẹ là Hòm Bia Thiên Chúa, là Cửa thiên đàng, vì qua Mẹ chúng ta sẽ đạt đến Thiên Chúa. Chúng ta cũng kêu cầu Mẹ là Sao mai sáng, Đấng luôn luôn hộ phù chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta thường nài xin sự cầu bầu của Mẹ qua những lời than thở: Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa, Đức Bà là cửa thiên đàng, Đức Bà như sao mai sáng, Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn, Đức Bà bầu chữa kẻ có tội, Đức Bà yên ủi kẻ âu lo, Đức Bà phù hộ các giáo hữu .

Sau cùng, Đức Maria là Nữ Vương trời đất bởi vì Mẹ là Mẹ sinh ra Chúa muôn loài. Trong vương quốc Chúa Kitô có các thiên thần, các thánh và các linh hồn đang nỗ lực nên hoàn thiện trên cuộc đời dương thế. Chúng ta cầu xin với các đấng ấy, qua Đức Maria, Nữ Vương của các ngài. Mẹ là Nữ Vương các thánh thiên thần, Nữ Vương các thánh tổ tông, Nữ Vương các thánh tiên tri, Nữ Vương các thánh tông đồ, Nữ Vương các thánh tử vì đạo, Nữ Vương các thánh hiển tu, Nữ Vương các thánh đồng trinh, Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ. Kinh cầu Đức Bà Loreto kết thúc bằng năm câu cũng tôn vinh chức phẩm Nữ Vương của Mẹ: Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông, Nữ Vương linh hồn và xác lên trời, Nữ Vương phép thánh Mân Côi, Nữ Vương ban sự bằng yên, Nữ Vương các gia đình. Câu cuối này là tước hiệu do chính Đức Gioan Phaolô thêm vào để tôn vinh Mẹ và xin Mẹ nâng đỡ hoàn cảnh các gia đình đang chịu tấn công tư bề.

Khi chậm rãi suy gẫm từng lời tung hô, chúng ta ngỡ ngàng trước những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ. Chúng ta kinh ngạc trước vô vàn đặc ân Thiên Chúa đã trang điểm cho Mẹ chúng ta. Chúng ta có phúc vì có một người mẹ cao quang như thế lúc nào cũng ở bên cạnh. Thỉnh thoảng, chúng ta hãy dùng những câu trong kinh Cầu Đức Bà như những lời than thở yêu mến để dâng lên Mẹ tình yêu của chúng ta dành cho Mẹ và xin Mẹ chở che.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)