dongcong.net
 
 


NGÀY 15 THÁNG MƯỜI
THÁNH NỮ TÊRÊXA AVILA TIẾN SĨ HỘI THÁNH
Lễ Nhớ

Thánh nữ Têrêxa Avila sinh tại Tây Ban Nha ngày 28 tháng 3 năm 1515, và gia nhập dòng Kín vào năm 18 tuổi. Đáp lại những hồng ân ngoại thường Chúa ban, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của thánh Gioan Thánh Giá, thánh nữ đã đảm nhận công cuộc cải tổ dòng Kín. Khi xúc tiến công cuộc này, thánh nữ đã đương đầu với đủ thứ gian truân bằng tinh thần cao thượng và đã vượt qua nhiều trở ngại để phụng sự Chúa. Các tác phẩm của thánh nữ là sự hướng dẫn đảm bảo cho con đường kết hợp với Chúa. Ngài qua đời tại Avila vào ngày 4 tháng 10 năm 1582. Đức Phaolô VI đã tôn phong ngài làm tiến sĩ Hội Thánh vào ngày 17 tháng 9 năm 1970.

35.1 Nhu cầu và tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu.

Thánh nữ Têrêxa xác quyết, qua việc cầu nguyện, chúng ta có thể đạt được tất cả những gì Thiên Chúa đòi hỏi, kể cả những điều xem ra bất khả trong nỗ lực riêng của chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, thánh nữ đã nghe lời Chúa hỏi: Con sợ hãi điều gì? Mặc dù khi thánh nữ đã cao niên, yếu ớt, và mỏi mệt, Thiên Chúa vẫn ban cho ngài ơn can trường để thực hiện những quyết định của ngài trên đường hợp nhất với Thiên Chúa. Sau giờ cầu nguyện, thánh nữ có thể trở về với phận sự và công cuộc tông đồ, sẵn sàng vượt qua bất cứ trở ngại nào.

Một ngày nọ sau khi hiệp lễ, lúc đang phân vân về việc lập thêm các đan viện mới, ngài đã được nghe Chúa Giêsu phán trong lòng: Con sợ điều gì? Đã có bao giờ Cha không giúp đỡ con không? Cha hiện nay vẫn như bao đời trước. Con đừng thối lui trước việc thành lập thêm hai đan viện ấy. Chúa có ý nói với thánh nữ về hai đan viện sẽ được thành lập tại Burgos và tại Palencia. Thánh nữ đã thưa lên: Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, những lời của Chúa khác biết bao với những lời nhân loại. Ngài kể tiếp: Khi ấy, tôi thấy mình cương quyết và kiên cường đến nỗi cả thế gian cũng không thể cản trở tôi được.1

Nhiều năm sau, thánh nữ kể lại sự kiện thành lập đan viện ở Palencia: Mọi sự đều xuôi thuận đến độ tôi không biết điều ấy có thể tiếp tục như thế được bao lâu.2 Trong một bức thư, thánh nữ đã viết: Mỗi ngày lại càng rõ ràng hơn là việc thành lập đan viện ở đó thật sự chính đáng.3 Thánh nữ cũng viết như thế về đan viện tại Burgos: Tại Burgos, có nhiều người muốn gia nhập, nhưng thật tội nghiệp vì không đủ chỗ.4 Tất cả niềm tín thác của thánh nữ vào Thiên Chúa đã làm cho ngài được chứa chan vui mừng, dù giữa những hoàn cảnh đầy khó khăn: Đối với tôi, việc đi Burgos, với nhiều đau đớn, giữa lúc thời tiết lạnh cóng bên ngoài, dường như là điều không thể.5 Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bao giờ bỏ rơi thánh nữ.

Qua cầu nguyện, chúng ta tìm được năng lực để thực hiện mọi điều Chúa muốn về chúng ta. Điều này đúng cho các linh mục, các bà mẹ gia đình, các tu sĩ, cũng như các sinh viên. Vì thế, ma quỉ cố sức làm chúng ta bê trễ việc cầu nguyện hoặc cầu nguyện qua lần chiếu lệ. Tên cám dỗ biết rằng nó sẽ thất bại đối với các linh hồn kiên trì cầu nguyện và nhờ sự tốt lành của Thiên Chúa mà thăng tiến trong việc phụng sự Người sau mỗi lần sa ngã.6 Các linh hồn đã từng sống mật thiết với Chúa sẽ cho chúng ta biết về tầm quan trọng thiết yếu của việc cầu nguyện trong đời sống Kitô Giáo. Cha Sở họ Ars nói: Không có gì ngạc nhiên khi ma quỉ làm hết khả năng để làm chúng ta bớt xén giờ đàm thoại thân mật với Thiên Chúa hoặc thực hiện việc ấy một cách thờ ơ.7

Cầu nguyện là nền tảng cho ơn bền đỗ trong đời sống phụng sự Chúa. Thánh nữ Têrêxa dạy: Người nào không dừng bước rốt cuộc cũng sẽ đến nơi, mặc dù có thể muộn màng… Không có nguyên nhân nào đưa đến chỗ lạc xa con đường bền đỗ nguy hại hơn là việc bỏ cầu nguyện.8 Vì thế, chúng ta phải cẩn trọng chuẩn bị và nhận thức rõ rằng chúng ta cầu nguyện trước uy nhan Chúa Kitô phục sinh và vinh quang. Chúa âu yếm nhìn xem và lắng nghe chúng ta như đã đối xử với những vị sống bên Người lúc sinh tiền trên dương thế. Ngày nào chúng ta biết lưu tâm đến giờ đàm thoại với Chúa trong êm đềm và tập trung, đó là ngày tuyệt vời của chúng ta. Thật vui tươi biết bao khi được hoan hưởng sự hiện diện của Chúa Kitô. Bạn hãy nhìn cả đống lý do vớ vẩn mà kẻ thù trưng ra để quyến rũ bạn bỏ cầu nguyện. ‘Tôi không có thời giờ’ – đang khi bạn lúc nào cũng phung phí thời giờ. ‘Việc này không phải dành cho tôi.’ ‘Tâm hồn tôi khô khan quá…’ Cầu nguyện đâu phải là vấn đề bạn nói năng hoặc cảm thấy, nhưng là vấn đề yêu mến. Và bạn yêu mến khi bạn cố gắng hết sức để diễn tả với Chúa một điều gì đó, kể cả khi bạn không nói lên được một điều gì cả.9

Chúng ta hãy quyết tâm đừng bao giờ biếng trễ trong việc cầu nguyện. Ước chi chúng ta luôn luôn biết dành thời giờ và địa điểm tốt nhất cho việc cầu nguyện, và thường xuyên đến với nhà tạm Chúa.

35.2 Sống với Nhân Tính Chúa Kitô.

Việc cầu nguyện sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta quyết không đầu hàng những chia trí cố tình và cố gắng sống với Nhân Tính thánh thiện của Chúa Giêsu, nguồn mạch tình yêu bất tận. Điều này tạo thuận lợi rất nhiều giúp chúng ta chu toàn thánh ý Chúa.

Thánh nữ Têrêxa viết về một tác động sâu xa nơi linh hồn ngài do một biến cố tình cờ. Thánh nữ kể: Một hôm, khi bước chân vào nhà nguyện, tôi trông thấy pho tượng mà các chị đưa đến để trưng bày vào một dịp lễ vẫn được mừng kính trong tu viện. Tượng Chúa Kitô chi chít những vết thương đau đớn. Pho tượng có sức khơi dậy lòng sốt sắng đến nỗi vừa nhìn thấy, tôi xúc động mãnh liệt vì nhìn thấy Người chịu đau đớn khủng khiếp. Pho tượng phô diễn thật sống động những cực hình Người đã chịu vì chúng ta. Nghĩ lại tôi đã đền đáp Đấng đã chịu những vết thương này cách quá tệ bạc, tôi đau đớn quá sức đến nỗi tôi cảm thấy tim tôi dường như tan vỡ ra, tôi liền quì sụp xuống bên Người, khóc thảm thiết và tôi van xin Người ban cho tôi sức mạnh để từ nay tôi không còn xúc phạm đến Người nữa.10 Đó không phải là tình cảm chóng qua, nhưng là tình yêu sám hối đối với Đức Kitô, Đấng đã quá yêu đến độ đã chịu đau khổ vì chúng ta như một biểu chứng hùng hồn về tình yêu của Người. Thánh nữ đã khát khao chiêm ngắm hình ảnh Đấng rất mực chí ái. Sau đó, thánh nữ còn kể tiếp: Thật bất hạnh cho những ai vì lỗi mình mà bỏ mất nguồn phúc này. Thực sự là họ không yêu mến Chúa, vì nếu mến yêu Người, hẳn họ cũng sẽ sung sướng khi nhìn thấy ảnh tượng của Người cũng như người ta sung sướng khi nhìn thấy hình ảnh của người mình yêu.11 Chúng ta đừng để tương giao giữa chúng ta với Chúa Giêsu trở nên xa lạ và vô hồn.

Việc lợi dụng trí tưởng tượng để nhớ đến Chúa Giêsu trong những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của Người là một điều rất ích lợi. Chúa Hài Nhi giáng sinh tại Bêlem. Trẻ Giêsu vâng phục Đức Maria và thánh cả Giuse, rồi trở thành người thợ trẻ tại Nazareth. Chúng ta cũng có thể nhớ lại Đức Maria cam khổ trong chuyến trốn sang Ai Cập và tang thương như thế nào trên núi Canvê. Đôi khi chúng ta đến gần các môn đệ để cùng nghe Chúa giải thích một dụ ngôn nào đó. Chúng ta đồng hành với Chúa từ thành này sang thành khác, từ làng này qua làng kia. Chúng ta quyết định lưu lại bên Chúa và ghé vào nhà những người bạn thân tại Bethany. Ở đó, chúng ta có thể nhìn thấy tình cảm những người bạn thân dành cho Chúa. Trong bất cứ trường hợp nào, Chúa Giêsu cũng là người bạn thân thiết nhất, người chúng ta lúc nào cũng có thể nương tựa. Trước nhà tạm, chúng ta học được cách sống với Chúa.

Chúng ta cầu nguyện để gặp Chúa Kitô đang sống động, Đấng đang đợi chờ chúng ta. Thánh nữ Têrêxa đã kêu lên, ‘Xa cách Chúa Kitô sao? Tôi không thể chịu nổi điều ấy.’ Tiếng kêu ấy vẫn mãnh liệt trong thời đại của chúng ta, trước những phương pháp cầu nguyện xa lạ với Phúc Âm.12

Nhiều khó khăn lúc cầu nguyện sẽ biến mất khi chúng ta dừng lại để ý thức rằng chúng ta đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta cần tập trung vào câu kinh dọn mình quen thuộc: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con tin thật Chúa đang ở đây, Chúa đang nhìn con và lắng nghe con. Con khâm sùng thờ lạy Chúa… Nếu chúng ta ý thức Chúa đang ở bên chúng ta như Người đã hiện diện với những người lắng nghe Chúa tại Nazareth hoặc Bethany, khi ấy chúng ta thực sự đang cầu nguyện. Chúng ta nhìn Chúa và Chúa nhìn chúng ta. Có thể chúng ta tạo ra một lời cầu xin nào đó cũng được. Thỉnh thoảng chúng ta hãy dừng lại, ngưng đọc một trang sách, để đưa ra một quyết tâm cải thiện cho cuộc sống. Có thể chúng ta sẽ tìm ra một phương cách nào đó để chăm sóc gia đình tốt hơn. Chúng ta hãy mỉm cười mặc dù mỏi mệt hoặc bế tắc trong việc cố gắng giải quyết một vấn đề hóc búa nào đó. Có thể chúng ta phải chiến đấu để làm việc tích cực hơn trước sự hiện diện của Chúa. Chúng ta phải dành thời giờ để nói chuyện với một người bạn về việc đi xưng tội. Với nỗ lực và ơn thánh Chúa phù giúp, chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều mà thánh nữ Têrêxa và những linh hồn cố gắng cầu nguyện đã được nếm hưởng. Thánh nữ kể lại: Tôi thường kết thúc giờ cầu nguyện của mình với ơn an ủi và năng lực mới mẻ.13

35.3 Những khó khăn trong tâm nguyện.

Tính chán nản là trở ngại trầm trọng nhất đối với việc kiên trì cầu nguyện hằng ngày. Chúng ta đừng chán nản khi đã cố gắng mà vẫn bị chia trí khi cầu nguyện, hoặc giờ cầu nguyện dường như không sinh kết quả. Việc cầu nguyện đòi chúng ta phải có nỗ lực. Thánh nữ Têrêxa kể lại cuộc chiến đấu của ngài: Trong nhiều năm trời, tôi chỉ nóng lòng mong mỏi cho mau hết giờ cầu nguyện, và chú ý lắng nghe xem khi nào đồng hồ đổ, hơn là nghĩ đến những điều hữu ích. Bình thường mà nói, tôi thà làm những việc đền tội nặng nề còn hơn là tịnh tâm lại để chuẩn bị cầu nguyện.14

Theo nhiều tác giả đạo đức, nếu chúng ta cố gắng loại bỏ những tư tưởng chia trí và cương quyết đi tìm Chúa-sự-an-ủi hơn là sự-an-ủi-của-Chúa, thì việc cầu nguyện sẽ luôn luôn đem lại kết quả. Ngoài ra, giờ cầu nguyện sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn khi chúng ta không có những an ủi cảm giác. Như vậy, chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu bằng một ý hướng tinh ròng và hợp nhất thắm thiết với Người hơn. Nhiều khi sự khô khan chúng ta phải chịu không phải là thử thách Chúa gửi đến hoặc tha phép, nhưng là do chúng ta thiếu tập trung vào cuộc chuyện vãn với Người. Chúng ta thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc sự quảng đại cần thiết để trấn áp trí vẽ ngông cuồng. Chúng ta phải luôn học cho biết cầm trí, với một sự quảng đại thực sự.

Bất kỳ ai cố gắng cầu nguyện nghiêm chỉnh cũng gặp những giờ cầu nguyện giống như đi lạc giữa sa mạc. Bất chấp tất cả những nỗ lực, chúng ta vẫn chẳng ‘cảm’ thấy gì cả. Những thử thách này không tha bất cứ một ai khi cố gắng cầu nguyện nghiêm chỉnh. Chúng ta nên biết kinh nghiệm ấy xảy đến cho hết mọi tín hữu cầu nguyện. Chúng ta đừng mau mắn cho rằng kinh nghiệm phổ biến này là ‘đêm tăm tối của linh hồn’ mà các nhà thần bí đã tả ra. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào đi nữa, chúng ta cũng hãy cương quyết duy trì giờ cầu nguyện trong những thời gian như thế, mặc dù điều này có vẻ như ‘giả tạo.’ Chính trong tình cảnh này, việc cầu nguyện mới là biểu hiện đích thực của lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Chúng ta muốn lưu lại trước sự hiện diện của Người mặc dù không có một cảm giác an ủi nào. Khi thời gian ấy đến, đó là giờ để chúng ta minh chứng tình yêu của chúng ta dành cho Chúa là chân thật.15

Hôm nay, trong ngày lễ kính thánh nữ Têrêxa, chúng ta thấy có quá nhiều nhu cầu cần lời cầu nguyện.16 Giáo Hội, xã hội, gia đình, các linh hồn - kể cả linh hồn chúng ta - đều cần đến sự cầu nguyện. Việc cầu nguyện giúp chúng ta thăng tiến trước mọi khó khăn. Việc cầu nguyện liên kết chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng hằng ngày vẫn đợi chờ chúng ta nơi xưởng máy, tại gia đình, và đặc biệt là trong giờ cầu nguyện mà chúng ta dành riêng cho Người.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)