dongcong.net
 
 


NGÀY 14 THÁNG HAI
THÁNH CYRIL ĐAN SĨ, VÀ THÁNH METHODIUS GIÁM MỤC
Đồng bổn mạng Âu Châu
Lễ Nhớ

Thánh Cyril là em út và thánh Methodius là anh cả trong một gia đình bảy người con. Các ngài sinh tại Thessalonica (Hy lạp), cha là một viên chức cao cấp của đế quốc Byzantine. Cyril được ăn học thành tài tại Constantinople, và sau đó làm giáo sư tại đại học của hoàng đế. Methodius theo đuổi sự nghiệp chính trị, lên đến chức tổng trấn trước khi gia nhập đan viện tại Bithynia. Cả hai đều cống hiến cuộc đời để rao giảng Phúc Âm cho các dân tộc Slave. Thánh Cyril vận dụng khả năng chuyên môn về ngôn ngữ để sáng tác hệ thống mẫu tự cho ngôn ngữ Slave. Ngài đã dịch Thánh Kinh và phụng vụ ra tiếng Slave. Nhiều năm sau, thánh Methodius đã hoàn tất công trình mà em ngài đã khởi sự.

Thánh Cyril qua đời tại Roma ngày 14 tháng 2 năm 869, và được an táng gần mộ phần thánh Clementine. Thánh Methodius qua đời ngày 6 tháng 4 năm 885, và được mai táng cạnh mộ phần em ngài. Đức Gioan Phaolô II đã đặt hai vị thánh này cùng với thánh Biển Đức làm quan thày cho toàn thể Âu Châu.

18.1 Công cuộc truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc Slave.

Hoàn toàn hiến thân cho việc hoán cải các dân tộc Slave, hai thánh Cyril và Methodius đã thực hiện công cuộc truyền giáo trong sự hợp nhất với Giáo Hội Constantinople, nơi các ngài được sai đi, và với Tòa Thánh Phêrô, nơi các ngài được chuẩn nhận. Như thế, các ngài đã thể hiện lý tưởng hiệp nhất của Giáo Hội…1

Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần minh chứng cội nguồn của Âu Châu là Kitô Giáo: Có thể nói không thể hiểu được căn tính Âu Châu nếu bỏ qua Kitô Giáo, chính nhờ Kitô Giáo là cội nguồn chung mà lục địa này có thể đạt đến sự trưởng thành trong văn minh: văn hóa, sức mạnh, hoạt động, khả năng khuyếch triển xây dựng cho các lục địa khác; tóm lại là tất cả những gì làm nên vinh quang của Châu Âu.2 Chính danh từ Châu Âu cũng ra đời mới đây. Suốt nhiều thế kỷ, tên được dùng khá phổ biến cho miền đất ấy là thế giới Kitô Giáo.3

Một tòa nhà được kiến thiết nhưng thiếu nền móng vững chắc, một cơn chấn động nhỏ cũng đủ làm sập đổ. Chính vì lý do ấy, Đức Thánh Cha thường nhấn mạnh đến thảm trạng đức tin đang suy thoái của Châu Âu. Ngài đã gióng lên lời mời gọi rộng khắp về một cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cho lục địa này. Ngài đã tâm sự với các bạn trẻ hành hương tại đền thánh Santiago de Compostela: Ngày nay, Giáo Hội đã chuẩn bị cho một cuộc tái truyền giảng Kitô Giáo, đó là một thách đố Giáo Hội phải đối mặt khi thời gian trôi qua.4 Những lời của Đức Thánh Cha hướng đến tất cả các tín hữu.

Trong một số lãnh vực, công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng tất yếu sẽ liên hệ đến phương diện nền tảng nhất là văn hóa, như trong trường hợp của hai thánh Cyril và Methodius. Dường như một số lãnh vực đã hoàn toàn bị chủ nghĩa ngoại giáo lũng đoạn, có lẽ còn triệt để hơn thời xưa. Trước kia, các dân tộc xem ra còn có một cảm nhận tôn giáo nào đó. Đây là một công việc liên quan đến mỗi người chúng ta. Chúng ta phải tái-Kitô hóa môi trường và những tập tục xã hội của chúng ta. Chúng ta hãy hướng đến những con người và những hoàn cảnh trong phạm vi ảnh hưởng của chúng ta. Chúng ta hãy nói về Thiên Chúa một sự sáng sủa, và không sợ bị xa lánh. Chúng ta cần giúp những người chung quanh biết rằng mọi nỗ lực nhân loại nhằm loại bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ nhất định sẽ đi đến thất bại. Chúng ta hãy mạnh dạn mời các thân hữu đến với các loại hình giáo lý. Chúng ta hãy phân phát các tài liệu thích hợp. Chúng ta hãy tích cực trong công tác tông đồ về bí tích Xá Giải.

18.2 Đáp ứng lời mời gọi tái truyền giảng.

Kitô Giáo đem đến cho Âu Châu tính hợp nhất. Nhờ Giáo Hội, nhiều chủng tộc và nền văn hóa đã được liên kết, và cùng tồn tại trên các nguyên tắc Kitô Giáo. Sự hoán cải của Châu Âu đã không xảy ra chóng vánh trong một đêm. Nó đã thành công sau cả ngàn năm. Đây là một nỗ lực đầy những vinh thắng và những thất bại, một công cuộc mà mỗi người đều đóng góp tài năng. Nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa luôn được khẳng định, dựa trên sự cộng tác của con người. Trên tất cả, sự hoán cải của Châu Âu là một hiện tượng tôn giáo, nhưng đồng thời cũng được coi như một tác nhân thiết yếu trong sự phát triển của văn hóa Tây Phương.5

Cho đến ngày nay, Châu Âu vẫn còn phần nào hợp nhất theo các nguyên tắc thiết yếu về luật pháp và phong hóa, xuất phát từ nguồn mạch Kitô Giáo. Những giá trị này gồm phẩm giá cá nhân, khát vọng công bình xã hội và tự do con người, tinh thần lao công, tinh thần liên đới và sáng kiến, tình yêu gia đình, tôn trọng sự sống, tôn trọng tha nhân, khát vọng hòa hợp xã hội và hòa bình thế giới.6

Bên cạnh những giá trị cao quí ấy, chúng ta còn thấy một Châu Âu hiện đại với sự bành trướng của chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa hoài nghi. Chúng ta thấy một sự bấp bênh về luân lý đang lan tràn, sự tan rã các gia đình và tình trạng suy thoái của các tập tục Kitô Giáo.7 Nhiều quốc gia đã áp dụng các bộ luật chống lại con người như cho phép phá thai, đây là một thảm kịch nói lên đặc điểm man rợ đang lan tràn. Phương cách duy nhất để chống lại chủ nghĩa tân ngoại giáo này là công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Ơn gọi của người tín hữu là lấy sự thiện để khuất phục sự dữ. Đây là điều Thiên Chúa đang kêu mời mọi người. Dù chúng ta nhiều hay ít, trẻ hay già, chúng ta cần vươn đến với những người chung quanh.

Chúng ta hãy làm hết sức để đáp lại lời kêu gọi cảm động của Đức Thánh Cha tại Santiago de Compostela trong chuyến công du đầu tiên đến Tây Ban Nha của ngài: Tôi, Giám Mục Roma, Mục Tử của Giáo Hội toàn cầu, từ Santiago, gióng lên lời kêu gọi thiết tha đến các bạn, hỡi Âu Châu của các lứa tuổi: Hãy tìm lại chính mình. Hãy là mình. Hãy tái khám khá các cội nguồn của các bạn, hãy làm sống lại các cội nguồn của các bạn. Hãy trở về với những giá trị chân chính đã làm cho lịch sử của các bạn thành một lịch sử vinh quang, và sự hiện diện của các bạn trở nên hữu ích cho các lục địa khác.8

Thiên Chúa đang kỳ vọng chúng ta hãy tái-Kitô hóa xã hội của chúng ta như các tín hữu tiên khởi. Có biết bao việc để làm! Không cần phải từ bỏ các bổn phận nghề nghiệp và gia đình, chúng ta chỉ cần nỗ lực hết mình trong công tác vô cùng quan trọng này. Chúng ta hãy sống một đời sống đức tin. Chúng ta phải trở thành những người cầu nguyện, những người biết sống thân mật với Đấng đã hết tình yêu thương chúng ta.9 Điều thiết yếu là mọi hoạt động của chúng ta phải cắm rễ sâu trong thánh lễ, đó là tâm điểm và cội nguồn của đời sống nội tâm. Ngoài ra, chúng ta cần phải kín múc sức mạnh và lãnh nhận ơn tha thứ từ bí tích Xá Giải.

18.3 Đề cao phong hóa Kitô Giáo trong đời sống thường ngày.

Thánh Luca đã tường thuật những bước đầu trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng cho Châu Âu bằng những hành trình của thánh Phaolô và các môn đệ: Các ngài đi qua miền Phygia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ngài rao giảng lời Chúa ở Tiểu Á. Khi tới sát ranh giới Myxia, các ngài thử vào miền Bythynia, nhưng Thánh Thần Đức Giêsu không cho phép. Các ngài bèn đi qua miền Myxia mà xuống Troa. Ban đêm, Phaolô thấy một thị kiến: một người miền Macedonia đứng đó, mời ngài mà rằng: ‘Xin ngài đến Macedonia giúp chúng tôi.’ Sau khi được thị kiến ấy, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macedonia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.10 Hai ngàn năm sau, chúng ta thấy lời kêu gọi của những người Macedonia vẫn rất khẩn thiết và hợp thời: Xin đến… giúp chúng tôi.

Thiên Chúa không muốn chúng ta noi gương thánh Phaolô bằng cách đi khắp thế giới. Chúng ta phải Kitô hóa thế giới hôm nay bằng cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta phải đem đức tin và niềm lạc quan đến cho thế giới. Nếu có nhiều trắc trở, thì cũng có dồi dào ân sủng. Chính Thiên Chúa sẽ cất đi những ngãng trở bằng cách dùng chúng ta như những khí cụ của Người.11

Chúng ta hãy tận dụng mọi hoàn cảnh trong cuộc sống: sinh nhật, qua đời, bệnh tật, các cuộc mừng trong gia đình… Chúng ta luôn có những cơ hội để đưa tha nhân đến gần Chúa, chẳng hạn giới thiệu cho họ một cuốn sách tốt. Chúng ta có thể an ủi hoặc khuyên nhủ một ai đó trong cảnh lao đao. Chúng ta có thể gợi ý gia chủ xin linh mục làm phép căn nhà của họ. Chúng ta có thể cho người ta biết cách xin thiên thần bản mệnh phù giúp trong ngày sống. Chúng ta có thể đề nghị người quen treo ảnh Đức Mẹ trong nhà để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa. Đó là những tập tục đơn sơ mà các Kitô hữu đã thực hiện suốt bao thế kỷ đã qua. Những tập tục ấy như chất huyết tương, kích hoạt đời sống đức tin. Chúng ta cần đưa Chúa vào hàng ngàn giây phút bình thường trong cuộc sống. Chúng ta hãy hiến dâng công việc, giờ nghỉ ngơi, hoặc kỳ nghỉ của chúng ta cho Thiên Chúa. Đức tin phải thấm nhuần mọi hoạt động của chúng ta để làm chúng thêm phong phú và đẹp lòng Chúa. Chúng ta sẽ thấy nỗ lực siêu nhiên này làm cho các hoạt động của chúng ta thêm tình nhân ái.

Đức Gioan Phaolô II vẫn kêu gọi tất cả các tín hữu Công Giáo hãy ý thức về những trách vụ bí tích Thánh Tẩy. Ý thức này sẽ đưa chúng ta đến chỗ giúp tha nhân hiểu biết hơn về Chúa Kitô. Nếu mọi tín hữu và từng tín hữu đều quyết tâm sống đức tin, có lẽ việc biến đổi thế giới này chẳng còn bao lâu nữa. Chúng ta sẽ làm cho thế giới trở thành một nơi nhiều nhân ái hơn. Điều này có thể thực hiện được khi chúng ta nhận thức đúng địa vị của Thiên Chúa trong những công việc của chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu từ cuộc sống của mình và cuộc sống của những người gần gũi. Công cuộc tông đồ khi ấy sẽ như một viên sỏi được ném xuống hồ nước và sinh ra một ảnh hưởng gợn sóng ngày càng rộng hơn.12 Nhờ lời cầu bầu của hai thánh Cyril và Methodius, chúng ta hãy cầu nguyện: Xin Chúa mở tâm hồn chúng con để hiểu lời giáo huấn của Chúa và xin giúp chúng con hiệp nhất trong đức tin và lời chúc tụng.13

Chúng ta hãy cậy trông hướng về Mẹ Maria, Nữ Vương Vũ Trụ – Regina Mundi. Chúng ta hãy xin Mẹ cho Giáo Hội được canh tân, được hiệp nhất vững bền, để các tín hữu được đổi mới trong các khát vọng nên thánh và hoạt động tông đồ.14 Chúng ta xin Chúa Kitô hãy thống trị mọi tâm hồn và mọi hoạt động của con người.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)