dongcong.net
 
 


TUẦN BÁT NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA: NGÀY VI
LƯƠNG THỰC CHO NGƯỜI YẾU ĐUỐI

46.1 Thánh Thể: tưởng niệm cuộc Tử Nạn.

O memoriale mortis Domini!
Panis vivus…
Ôi khi kính nhớ cuộc tử nạn của Chúa!
Ôi bánh hằng sống, nuôi sống những phàm nhân hay chết!
Xin cho linh hồn con từ đây được sống nhờ Chúa;
Luôn ban cho con hương vị ngọt ngào của thiên đàng.1

Ngay từ ban đầu, các tín hữu đã đặc biệt trân trọng những lời Chúa Kitô đã phán trong bữa Tiệc Ly, những lời đã biến đổi bánh rượu thành nên Mình và Máu Chúa Kitô. Vài năm sau buổi tối trọng đại Chúa Kitô thiết lập bí tích Thánh Thể ấy, thánh Phaolô đã nhắc cho các tín hữu thành Côrinthô về những điều trước đó ngài đã dạy họ. Thánh nhân nói chính ngài đã lãnh nhận giáo lý ấy từ nơi Chúa – tức là một truyền thống được gìn giữ cẩn trọng, được truyền lại từ chính Chúa. Thánh Phaolô nói: Điều tôi đã được lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’ Cũng thế, vào cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’2 Những lời này thực chất là những lời linh mục tuyên đọc khi truyền phép, để Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ.

Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Thánh lễ là việc hiện tại hóa một cách không đổ máu hiến tế núi Canvê, là một bàn tiệc, ở đó, Chúa Kitô hiến mình làm của ăn, và như một hành vi tưởng nhớ, trở thành một thực tại trên các bàn thờ mỗi khi mầu nhiệm Thánh Thể được tái diễn.3 Hai chữ ‘tưởng nhớ’ ở đây mang một ý nghĩa khác với ý nghĩa của hành vi trong đầu chúng ta hồi tưởng một sự kiện hoặc biến cố quá khứ. Chúa không yêu cầu các Tông Đồ và Giáo Hội chỉ nhớ lại, nhưng là hiện tại hóa bữa tiệc các ngài đã dự. Ý nghĩa của hai chữ ‘tưởng nhớ’ có nguồn gốc là một từ Do Thái vẫn được dùng để chỉ về điểm cốt yếu trong bữa tiệc Vượt Qua – đó là việc tưởng nhớ lại cuộc xuất hành Ai Cập và giao ước Thiên Chúa đã thực hiện với dân Người. Với nghi thức Vượt Qua, người Do Thái không chỉ nhớ lại biến cố quá khứ, mà còn làm cho biến cố ấy sống động trở lại, để mọi thế hệ cùng được tham dự vào đó.4 Trong bữa tiệc Vượt Qua, giao ước Thiên Chúa đã thực hiện trên núi Sinai một lần nữa sống động trở lại. Khi Chúa Giêsu phán với các Tông Đồ, Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy, đây không phải là vấn đề chỉ hồi tưởng bữa tiệc Vượt Qua vào buổi tối hôm đó, nhưng là hiện tại hóa hiến lễ Vượt Qua núi Canvê, một hiến lễ đã được thực hiện trước trong bữa Tiệc Ly. Thánh Thomas dạy rằng, Chúa Kitô đã thiết lập bí tích này như một việc tưởng nhớ muôn đời về cuộc Khổ Nạn của Người, như sự hoàn thành các ‘hình bóng’ cổ xưa trước kia, và như một việc kỳ diệu nhất trong tất cả những điều kỳ diệu của Người; Chúa đã để lại bí tích này cho các môn đệ như một cách đặc biệt để an ủi họ cho khỏi nỗi buồn khi Người vắng mặt.5

Thánh lễ là việc tưởng nhớ cuộc Tử Nạn của Chúa, một hành vi tưởng nhớ, mà trong đó, bữa tiệc Vượt Qua thực sự diễn ra. Khi lãnh nhận Chúa Kitô, linh hồn ta được tràn đầy ân sủng, và được một bảo chứng cho vinh quang tương lai.’6

Khi suy gẫm về Thánh Thể, chúng ta hãy hợp với lời cầu nguyện của phụng vụ: Lạy Chúa, Chúa đã để lại cho chúng con bí tích huyền diệu để kỷ niệm cuộc Tử Nạn Chúa. Xin ban cho chúng con khi sùng kính Mình Máu Thánh Chúa, được hưởng nhờ hiệu quả của ơn cứu chuộc.

46.2 Bánh Hằng Sống.

Người đã ban cho họ bánh bởi trời,7 tác giả Thánh Vịnh đã viết như thế, khi nghĩ đến thứ lương thực kỳ diệu giống như hạt sương mà dân Do Thái đã lượm được trong thời kỳ đi trên sa mạc và thiếu thốn của ăn. Nhưng bánh thật là thứ bánh Chúa đã tuyên bố tại hội đường Capharnaum, Quả thật, quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, không phải Moses đã ban cho các ngươi bánh thật bởi trời. Chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi rời. Bánh Thiên Chúa ban từ trời xuống, và ban sự sống cho thế gian. Họ thưa với Người, ‘Lạy Thầy, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi.’8

Thực tại chân xác này chỉ có trên trời. Dưới đất này, chúng ta thấy nhiều sự vật mà chúng ta tưởng có giá trị, trong khi thực chấ chỉ là những bản sao tạm bợ của những sự vật đang mong đợi chúng ta. Chẳng hạn khi nói với người phụ nữ Samaria về nước hằng sống, Chúa không có ý nói về thứ nước lã hay mạch nước mà người phụ nữ đề nghị. Chúa muốn chúng ta biết chúng ta sẽ không bao giờ biết được thứ nước nào thực sự có ý nghĩa, cho đến khi chúng ta có kinh nghiệm trực tiếp về thực tại ân sủng mà thứ nước kia chỉ là hình ảnh mờ nhạt.9

Suốt nhiều trăm năm, bánh vẫn là thứ lương thực chủ yếu của nhiều dân tộc. Bánh lương thực và manna người Israel lượm được trong sa mạc giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của Thánh Thể đối với chúng ta: Bánh Hằng Sống ban cho chúng ta sức sống trong cuộc đời trần gian. Những người nghe Chúa Giêsu giảng biết rằng manna mà tổ tiên họ đã lượm mỗi buổi sáng10 chỉ là một hình bóng về những của tốt lành mà Thiên Chúa sẽ ban; vì vậy, họ thỉnh thoảng vẫn nài xin Chúa Giêsu ban cho họ một dấu chỉ tương tự. Nhưng họ không thể hiểu manna là hình bóng của một quà tặng tuyệt vời là Thánh Thể; Bánh của Thiên Chúa là bánh từ trời xuống, và ban sự sống cho trần gian.11 Thứ manna này từ trời xuống, thứ manna này còn vượt trên cả trời cao. Thứ kia bị hư nát, thứ này bất hoại, và còn truyền tính bất hoại cho những ai ăn một cách xứng đáng… Thứ kia là hình bóng, thứ này là thực tại.12

Bí tích đáng tôn thờ này rõ ràng là một hành vi đầy yêu thương của Chúa Giêsu. Vì Chúa không những muốn ban Mình Người cho nhân loại nói chung, mà còn cho từng người riêng biệt. Hiệp lễ luôn là một việc cá biệt và không thể trùng lặp: hiệp lễ hôm nay khác với hiệp lễ hôm qua. Mỗi ngày, Chúa Giêsu thêm một yếu tố mới vào hành vi yêu mến này, chúng ta cũng hãy gia tăng tình yêu khi đến với bàn tiệc tạ ơn này.

Ecce panis angelorum…
Này đây Bánh các thiên thần
Nay đã nên của nuôi gian trần.13

Phụng vụ hát lên như thế. Ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác, Thánh Thể vẫn là lương thần của chúng ta. Ngôn sứ Êlia đi trong hoang mạc suốt bốn mươi đêm ngày nhờ của ăn do thiên thần đem đến.14 Thiên Chúa cũng ban những ơn cần thiết cho các tín hữu sống ở những nơi không thể hiệp lễ. Tuy nhiên, thông thường, Thánh Thể là lương thực hằng ngày đem đến sức lực cho chúng ta, những lữ khách trên đường dương thế.

46.3 Khát khao hiệp lễ – tránh thói chiếu lệ.

Chúa Giêsu Kitô, Đấng hiến mình trong bí tích Thánh Thể, là lương thực không thể thiếu đối với chúng ta. Không có Người, chúng ta sẽ sa ngã tức khắc trong tình trạng yếu đuối cực kỳ của chúng ta. Của ăn vật chất trước tiên biến đổi nên người dùng nó, và sau đó sẽ phục hồi sức lực đã hao tổn và gia tăng sinh lực cho họ. Của ăn thiêng liêng, ngược lại, biến đổi người dùng nên chính nó. Như vậy, hiệu quả riêng của bí tích này là biến đổi con người nên Chúa Kitô, để họ không còn sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong họ; như vậy, họ được một hiệu quả kép đôi, vừa phục hồi sức lực tinh thần đã bị mất mát vì tội lỗi và khuyết điểm, đồng thờ cũng gia tăng sức mạnh các nhân đức của họ.15

Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước, nhờ đó mỗi ngày, chúng ta lại tiến thêm trên con đường dẫn về quê trời. Vào cuối đời chúng ta, Thiên Chúa sẽ thấy nơi chúng ta một tình yêu sung mãn. Nhưng lương thực đi đường là dành cho cuộc hành trình, và bạn phải ráng sức nếu muốn thưởng thức được nó; của ăn cho cuộc picnic thật nhàm chán, nếu như vì thời tiết bạn không thể đi được, và phải dùng của ăn ấy trên ghế bành. ‘Các ngươi phải thắt lưng,’ Chúa đã phán như thế. Chúng ta phải là những lữ khách đúng nghĩa, chúng ta sẽ tìm được của ăn thích hợp nơi bí tích Thánh Thể.16 Tâm tình chúng ta hằng ngày ước muốn được cải thiện, càng ngày càng thân mật hơn với Chúa, là phương thế tốt nhất để dọn mình lãnh nhận Thánh Thể. Sự đói khát Thiên Chúa, lòng ham ước nên thánh sẽ thúc bách chúng ta sẵn sàng tìm hiểu Chúa Giêsu và nao nức tiếp đón Người. Chúng ta sẽ đếm từng phút từng giờ trôi qua, cho đến khi được đón tiếp Người vào lòng mới thôi. Chúng ta sẽ nhờ thiên thần bản mệnh giúp chuẩn bị kỹ lưỡng, và sau đó cám ơn Chúa cho xứng đáng. Chúng ta sẽ tiếc nuối vì thời gian Chúa Giêsu trong hình bánh ở lại với chúng ta quá ngắn ngủi. Trong ngày, chúng ta sẽ nhớ lại những giây phút được có Chúa Giêsu sống thân mật trong chúng ta. Chúng ta sẽ cố gắng sống đồng hóa với Chúa và nóng lòng chờ đợi lần sau để được tiếp rước Chúa. Chúng ta không bao giờ để thói quen, tật ươn ái, hoặc tính ham hoạt động làm phí những giây phút quí báu nhất trong cuộc đời chúng ta.

Chúng ta phải cám ơn Chúa Giêsu vì cách thế tuyệt vời Chúa đã ban mình cho chúng ta. Ngôi Lời Nhập Thể ngự đến tâm hồn chúng ta! Trong chúng ta, trong sự hèn mọn của chúng ta, có Đấng Tạo Thành trời đất!… Đức Trinh Nữ Maria được đầu thai vô nhiễm để chuẩn bị đón tiếp Chúa Kitô vào cung lòng. Nếu hoạt động của ơn thánh phải tỉ lệ với sự khác biệt giữa tặng ân và công trạng, thế thì phải chăng chúng ta phải biến cả ngày sống thành một thánh lễ kéo dài? Anh em đừng rời nhà thờ ngay sau khi hiệp lễ. Chắc chắn anh em không còn một việc nào quan trọng hơn mười phút cám tạ Chúa. Đừng bủn xỉn. Tình yêu phải được đền đáp bằng tình yêu.17 Chúng ta đừng bao giờ hấp tấp thầm thĩ với Chúa chỉ vài lời cám ơn bâng quơ! Không còn gì quan trọng hơn những giây phút được có Chúa trong lòng.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)