dongcong.net
 
 


TUẦN BÁT NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA: NGÀY VII
LẠY CHÚA GIÊSU, XIN TẨY SẠCH CON…

47.1 Sự phó mình của Chúa Kitô trên thập giá được tái diễn trong thánh lễ sẽ thanh luyện sự yếu đuối của chúng ta.

Pie pellicane, Jesu Domine,
Me immudum munda tuo sanguine…
Ôi Bồ Nông yêu dấu! Ôi Chúa Giêsu!
Dù con ô nhơ, nhưng xin tẩy sạch con trong Máu Chúa;
Chỉ cần một giọt đổ ra vì các tội nhân,
Cũng có thể rửa sạch tội lỗi toàn thế giới.1

Truyền thuyết cổ xưa kể lại rằng, bồ nông mẹ đã cứu những bồ nông con bị chết bằng cách tự mổ vào ức và lấy máu mình mớm vào miệng con.2 Các tín hữu đã áp dụng giai thoại này vào Chúa Giêsu Thánh Thể ngay từ những thời sơ khởi. Chỉ một giọt Máu Chúa Giêsu đổ ra trên đồi Canvê cũng đủ đền bồi tất cả tội ác, tất cả thù hận, ô nhơ và ganh ghét của toàn nhân loại mọi thời. Chúa Kitô còn đi xa hơn thế: Người đã đổ đến giọt máu cuối cùng cho nhân loại, và cho từng người, như thể chỉ có mình họ trên trần gian… Đây là chén Máu Ta, Máu Tân Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Những lời này đã được Chúa Giêsu Kitô phán ra trong bữa Tiệc Ly, và hằng ngày vẫn được các linh mục lặp lại trong từng thánh lễ, cho đến ngày tận thế. Sau khi Chúa Giêsu đã tắt thở trên thập giá, hiến mạng sống cho Chúa Cha, một tên lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra,3 đó là giọt máu cuối cùng của Chúa. Các giáo phụ đã nhìn thấy các bí tích và sự sống của Giáo Hội phát nguồn từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô. Thánh Augustine đã reo lên: Ôi cái chết đem lại sự sống cho những kẻ chết! Còn gì tinh ròng hơn Máu này! Còn thương tích nào có sức chữa lành hơn thương tích này?4 Nhờ thương tích của Chúa Kitô mà chúng ta được chữa lành.

Khi giải thích đoạn Phúc Âm này, thánh Thomas Aquinas cho rằng thánh Gioan đã cố ý chọn động từ ‘aperuit’: mở ra, thay vì động từ ‘vulneravit’: đả thương. Người lính đã mở ra cạnh sườn Chúa Kitô, bởi vì từ cạnh sườn này, cánh cửa sự sống đời đời đã được mở ra cho chúng ta.5

Người Do Thái quan niệm nguyên lý sự sống ở trong máu. Chúa Giêsu đã đổ máu và hiến mạng sống vì chúng ta. Chúa đã tỏ tình yêu cho chúng ta khi tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi và cho chúng ta được sống lại trong đời sống mới.6 Thánh Phaolô cho chúng ta biết Chúa Giêsu chịu tử nạn trên thập giá một cách công khai: Chúa chịu treo ở đó trước mọi người, để thu hút sự chú ý của những ai đi qua. Chúa vẫn muốn lôi cuốn sự chú ý của chúng ta. Vì thế, hôm nay, chúng ta hãy thưa với Chúa trong lời kinh tha thiết: Ôi bồ nồng yêu dấu! Ôi Chúa Giêsu, dù con ô nhơ, đầy những gian tà, xin tẩy sạch con trong Máu Chúa…

47.2 Chúa Giêsu chữa lành và ban sức mạnh cho chúng ta.

Chúa đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể như một lương y tẩy rửa và chữa lành những thương tích của chúng ta, những thương tích gây tổn hại cho linh hồn chúng ta. Khi chúng ta đến viếng Chúa, ánh nhìn đầy yêu thương của Chúa từ nhà tạm tẩy sạch chúng ta. Nếu chúng ta để Chúa được tự do, Người sẽ ngự vào linh hồn chúng ta và đổ đầy ơn thánh cho chúng ta. Trước giờ hiệp lễ, linh mục nâng cao Bánh Thánh và đọc những lời thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với hai môn đệ là Gioan và Anrê: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng Xóa Tội trần gian. Và các tín hữu mượn lời đầy đức tin và lòng mến của viên bách quân trưởng tại Capharnaum để đáp lại: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con… Lần ấy, Chúa Giêsu đã chữa bệnh từ xa cho đầy tớ của viên sĩ quan ngoại giáo. Chúa đã nhìn thấy đức tin mãnh liệt của ông. Khi hiệp lễ, mặc dù chúng ta nhìn nhận mình bất xứng, linh hồn chúng ta không đủ sức dọn mình xứng đáng để tiếp đón Người, nhưng Chúa vẫn đích thân ngự vào lòng chúng ta, một kẻ đầy những thất trung. Mỗi ngày, Chúa lại nhắc lại những lời Người đã phán với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: Thầy khát khao ăn bữa Vượt Qua này với các con…7 Tâm hồn chúng ta phải vui sướng vì phép lạ biến thể được thực hiện là vì chúng ta – là cho tôi. Chúa đến và ẩn ngự ở đó vì bạn… Không một tác nhân thứ hai, không một người môi giới nào khác sẽ truyền cho chúng ta ảnh hưởng linh hồn chúng ta cần thiết: Chúa đích thân đến với chúng ta. Hẳn Chúa phải yêu thương chúng ta biết bao nên mới làm như thế! Hẳn Chúa phải quyết tâm biết bao! Về phần mình, chúng ta thật quá mù quáng, quá lưỡng lự, quá thờ ơ, không sẵn sàng hiến thân cho Chúa là Đấng đã hiến mình trọn vẹn vì chúng ta.8

Những thất bại và sa ngã mỗi ngày – những điều không ai trong chúng ta thoát khỏi – không phải là trở ngại để hiệp lễ. Việc nhìn nhận mình là tội nhân không làm chúng ta bỏ hiệp lễ; nhưng phải mau đến lãnh nhận Chúa với một khát vọng nồng nàn hơn, như lãnh một thần dược chữa lành và thanh tẩy linh hồn chúng ta. Với lòng khiêm nhượng và tin tưởng, biết mình bất xứng với một hồng ân trọng đại nhường ấy, chúng ta tìm đến để được chữa lành những thương tích của chúng ta.9 Chỉ có tội trọng mới là ngãng trở không cho chúng ta hiệp lễ, nếu chúng ta chưa đến với bí tích Xá Giải. Nơi đó, linh mục sẽ nhân danh Chúa Kitô tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

Máu Chúa Kitô đã đổ ra được áp dụng cho chúng ta bằng nhiều cách. Ơn ấy được áp dụng cho chúng ta một cách đặc biệt trong thánh lễ là việc hiện tại hóa hiến tế Canvê một cách không đổ máu. Khi chúng ta được hiệp lễ từ tay linh mục, linh hồn chúng ta trở nên thiên đàng thứ hai, sáng láng và vinh quang, trước sự ngỡ ngàng của các thần thánh. Khi anh em rước Chúa, hãy thưa với Người: ‘Lạy Chúa, con cậy trông nơi Chúa. Con thờ lạy Chúa, con yêu mến Chúa; xin gia tăng lòng tin cho con. Xin Chúa hãy nâng đỡ sức yếu đuối của con, Chúa chịu bất lực trong Thánh Thể để trở nên thần dược chữa lành sự yếu đuối của các thụ tạo của Chúa.’10

47.3 Nhân tính thánh thiện Chúa Kitô trong Thánh Thể.
… Me immundum, munda tuo sanguine…
Dù con ô nhơ, nhưng xin tẩy sạch con trong Máu Chúa.

Chúng ta hãy nài xin Chúa ban cho chúng ta một con tim thanh sạch. Ít ra, chúng ta hãy làm những điều người phong cùi đã làm tại Capharnaum: anh sấp mình trước mặt Chúa Giêsu, và xin Người cho anh được sạch chứng bệnh đã đến giai đoạn trầm trọng, ‘đầy những phong hủi.’11 Chúa Giêsu giơ tay chạm đến anh ta và phán: Ta muốn, anh sạch đi. Và lập tức chứng phong hủi biến mất. Chúa Giêsu cũng sẽ làm như thế cho chúng ta, vì không những chạm đến, mà Người còn đoái thương ngự vào linh hồn, ban đầy tràn ơn thánh và những tặng ân của Người cho chúng ta.

Khi hiệp lễ, chúng ta thực sự được chiếm hữu Sự Sống. Chúng ta có trong mình chúng ta Ngôi Lời Nhập Thể, toàn thể và nguyên vẹn. Chúng ta có Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa và con người, với tất cả những hồng ân Nhân Tính, với tất cả những kho tàng Thần Tính của Người. Theo lời thánh Phaolô, chúng ta có ‘những kho tàng khôn lường của Chúa Kitô’ (Ep 3:8).12

Trước tiên, Chúa Giêsu đến với chúng ta như một con người. Hiệp lễ đổ vào chúng ta sự sống đích thực, thiên đàng, và vinh quang của Nhân Tính, của Thánh Tâm và Linh Hồn Chúa Kitô. Trên thiên đàng, các thiên thần tràn ngập sung sướng vì sự thông trào sự sống này.

Một số các thánh khi còn tại thế đã được hoan hưởng thị kiến thân xác hiển vinh của Chúa Kitô như trên thiên đàng. Thánh nữ Angela Foligno nói về một vẻ đẹp mà ngôn ngữ loài người trở nên vô dụng, và suốt thời gian được thị kiến lâu dài, thánh nữ chỉ nhớ lại một niềm vui bao la, một ơn soi sáng linh thánh, một hạnh phúc khôn tả bất tận, một ánh sáng rạng rỡ vượt trên tất cả những sáng láng.13 Chúa Giêsu đã đến với chúng ta mỗi ngày và thực hiện những công việc kỳ diệu như thế.

Chúa Giêsu còn đến với linh hồn chúng ta như một Thiên Chúa. Lúc ấy, chúng ta được kết hợp đặc biệt với sự sống thần linh của Chúa Giêsu, Con Một của Thiên Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu đã phán, ‘Ta sống nhờ Cha’ (Ga 6:58). Từ muôn đời, Chúa Cha đã ban cho Chúa Con sự sống trong mình. Chúa Cha thông ban trọn vẹn, không giới hạn, và không giữ lại phần nào, và với sự quảng đại đầy tình yêu ấy, trong khi vẫn khác biệt nhau, Hai Ngôi vẫn là một Thiên Chúa có một sự sống đơn nhất đầy tràn tình yêu, vui sướng, và bình an.

Đây là sự sống chúng ta được lãnh nhận.14 Trước mầu nhiệm cao cả ấy, sao chúng ta lại không đến với bí tích Xá Giải để chuẩn bị tiếp đón Chúa Giêsu cho xứng đáng hơn? Sao chúng ta lại không nài xin Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta khỏi những vết nhơ, những bất toàn đáng trách của chúng ta? Nếu như người phong cùi đã được chữa lành khi Chúa Giêsu chạm đến, thì sao tâm hồn chúng ta lại không được sạch, phải chăng vì chúng ta thiếu lòng tin và lòng mến? Hôm nay, chúng ta hãy thân thưa với Chúa Giêsu: ‘Lạy Chúa, nếu Chúa muốn (và Chúa bao giờ cũng muốn), Chúa có thể cho con nên sạch’ (Mt 8:2). Chúa biết những yếu đuối của con; con cảm thấy những triệu chứng này; con có những sai lỗi này… Chúng ta hãy đơn sơ chỉ cho Chúa vết thương, và cả những vết thương đã mưng mủ, chúng ta hãy cho Chúa thấy tất cả. Lạy Chúa, Chúa đã chữa cho nhiều linh hồn; xin giúp con nhận ra Chúa như vị lương y thần linh, khi con có Chúa ngự trong linh hồn, hoặc khi con chiêm ngắm Chúa trong nhà tạm.15

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)