dongcong.net
 
 


NGÀY 1 THÁNG SÁU
THÁNH JUSTINE TỬ ĐẠO
Lễ Nhớ

Thánh Justine sinh tại Samaria vào đầu thế kỷ II. Như một số nhà tư tưởng đương thời, ngài cũng mở trường triết học tại Roma. Sau khi tòng giáo, thánh nhân đã xúc tiến một công cuộc truyền giáo hiệu quả từ ngôi trường của ngài. Với tri thức uyên thâm, thánh nhân đã bảo vệ đức tin Kitô Giáo trong một thời kỳ rất gian nan. Tác phẩm Hộ Giáo của thánh nhân gửi cho hai hoàng đế Antoninus và Marcus Aurelius vẫn được lưu truyền. Ngài chịu tử đạo tại Roma trong thời kỳ bách hại của hoàng đế Marcus Aurelius. Vì thánh Justine có công trong việc dùng tri thức để bảo vệ đức tin, và công cuộc của ngài mang một giá trị bền vững, nên Đức Lêô XIII đã thiết lập lễ kính ngài trong toàn thể Giáo Hội.

52.1 Bảo vệ đức tin trong thời khó khăn.

Ngay từ ban đầu, đức tin đã ăn rễ nơi giới lao động bình dân: thợ nhuộm, thợ cán len, quân nhân các cấp, thợ kim hoàn… Những bia mộ trong các hang toại đạo cho chúng ta biết rất nhiều nghành nghề và công việc của các tín hữu như chủ nhà trọ, thợ hớt tóc, thợ may, thợ mộc, thợ dệt… Một bia mộ còn khắc hình một chiến binh cỡi xe tứ mã, tay phải cầm triều thiên, tay trái cầm nhành lá tử đạo.

Kitô Giáo đã đến với mọi tầng lớp xã hội. Vào thế kỷ II đã có những tín hữu thuộc thành phần nghị viên như Apolonius, luật sư tại tòa Roma như Tertullian, triết gia như Justine, đấng thánh mà hôm nay chúng ta cử hành lễ kính. Thánh Justine tòng giáo khi đã khôn lớn.

Các tín hữu không sống tách biệt khỏi đồng bào. Họ ăn vận như mọi người địa phương. Họ đòi những quyền lợi và chu toàn các nghĩa vụ công dân. Họ theo học tại các trường công lập như mọi người, và không xấu hổ khi phải tuyên xưng đức tin, mặc dù phải sống đức tin giữa một môi trường thù nghịch với Tin Mừng. Chúng ta thấy các ngài đã kiên trì bảo vệ đức tin, bảo vệ quyền sống đức tin cũng như quyền công dân Roma như mọi người, trong cuộc trò chuyện thông thường giữa chợ búa hoặc quảng trường chính trị, kể cả bằng vũ khí trí năng, như thánh Justine và những vị khác qua các tác phẩm Hộ Giáo.

Mọi tín hữu đều biết cách làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô. Một bức bích họa thời xưa hiện đang được bảo quản lưu lại cho chúng ta một điển hình sinh động. Trên đồi Palatine, nơi có lâu đài của hoàng đế và các biệt thự của giới quí tộc Roma, có một ngôi trường dành cho các trẻ nam phục vụ trong triều đình. Trong số các học sinh, có một trẻ có đạo tên là Alexamenos. Một kẻ nào đó đã vẽ lên bức tường hình một người đầu lừa bị đóng đinh trên thập giá xù xì, bên cạnh đó có một người nữa. Bên dưới hình vẽ có một hàng chữ: Alexamenos thờ lạy thần của nó. Người tín hữu trẻ tuổi, dũng cảm và tự hào về đức tin của mình, đã viết ngay bên dưới hàng chữ đó: Alexamenos trung thành.1

Bức bích họa này là một điển hình về hình thức lăng mạ các tín hữu phải chịu. Ngoài đường phố, người ta nghe đủ loại đàm tiếu, chê bai, những câu chuyện nhảm nhí và vớ vẩn… Tertullian đã ghi lại một trong những mẩu chuyện ấy: Caius Sextus là người tốt lành. Đáng tiếc hắn lại là Kitô hữu! Một nhân vật quan trọng khác lại nói, Tôi thực sự ngạc nhiên vì Lucius Ticus, một người hết sức thông minh, bỗng nhiên lại theo Kitô Giáo. Và Tertullian đúc kết, Trong đầu họ không hề tự hỏi, Caius tốt và Lucius thông minh, phải chăng vì những người này là Kitô hữu; hoặc phải chăng các Kitô hữu, người này thì tốt lành, người kia thì thông minh.2

Thánh Justine đã trình bày tính siêu việt của đức tin Kitô Giáo so với những trào lưu tư tưởng và ý thức hệ khác trong thời của ngài. Thánh nhân nhận định: Không ai tin Socrates đến độ hy sinh mạng sống vì giáo huấn của ông ấy. Tuy nhiên, không chỉ các triết gia và các người thông thái, mà cả những người thợ thấp kém hoàn toàn thất học, nam cũng như nữ, đã tin vào Chúa Kitô. Những người này không màng dư luận trần gian. Họ coi nhẹ sợ hãi và ngay cả cái chết.3 Thánh Justine về sau đã tử đạo để minh chứng đức tin. Thiên Chúa muốn chúng ta hãy kiên vững như thánh nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù đôi khi chúng ta sống giữa một hoàn cảnh hoàn toàn đối nghịch với giáo huấn Chúa Kitô.

52.2 Nghịch cảnh càng lớn, cơ hội tông đồ càng thuận lợi.

Trong những thời kỳ bách hại và thử thách khắc nghiệt, các tín hữu vẫn lôi kéo được nhiều người về với đức tin. Chính những gian truân lại là cơ hội để thực hiện công cuộc tông đồ hiệu quả, bằng gương sáng và lòng can đảm của các tín hữu. Những lời nói của họ có thêm một sức mạnh mới, đó là sức mạnh của thập giá Chúa Kitô. Tử đạo là hình thức làm chứng cho sức mạnh siêu nhiên và đem lại hiệu quả tông đồ rất lớn lao. Đôi khi chính các lý hình đã trở về với đức tin.4

Nếu thực sự trung thành với Chúa Kitô, có thể chúng ta sẽ gặp gian nan, vu khống, bách hại, v.v… Chúng ta có thể phải làm công việc kém giá, chịu chê cười và chỉ trích… Nhưng môn đệ không hơn Thầy.5 Đời sống và ý nghĩa cuộc đời người tín hữu – dù muốn hay không – cũng đụng độ với một thế gian chỉ mải miết với những giá trị chóng qua.

Những gian nan ấy đem lại cho chúng ta cơ hội thích thuận để làm việc tông đồ: rao giảng bản chất đích thực của Giáo Hội, truyền bá những tài liệu biện giải các vấn đề, nói rõ về Chúa Kitô và đời sống Kitô hữu… Các tín hữu tiên khởi đã chiến thắng nhờ quyết tâm và để lại cho chúng ta một bài học: lòng trung thành vô điều kiện với Chúa Kitô của họ đã chinh phục bầu khí ngoại đạo. Mặc dù chìm giữa đám đông thù nghịch, nhưng các ngài không coi phương thức sống tách biệt như một cách chống lại sự nhiễm lây sai lạc hoặc như một cách đảm bảo để tồn tại; các ngài biết mình là men của Chúa. Cuối cùng, đời sống thầm lặng và hiệu quả của họ đã chinh phục đám đông quần chúng chung quanh. Đặc biệt, các ngài biết cách sống êm đềm giữa thế giới, không khinh dể những giá trị của nó hoặc chê chối những thực tại trần gian.6

Nếu chúng ta kiên trung bền vững làm tông đồ giữa thời buổi nhiễu nhương và đầy hiểu lầm, kết quả sẽ đến với Giáo Hội tại những nơi xa xăm, tại những miền dường như không thể thu lượm được một thành quả nào. Thập giá ở đâu càng rõ, công cuộc tông đồ ở đó càng hiệu quả.

52.3 Luôn sống bác ái, nhất là với những người coi thường chúng ta.

Những lời chê bai, vu khống, và ngay cả việc cấm đạo cũng không làm các tín hữu thối lui và xa cách anh chị em đồng bào. Ngay trong thời bách hại gắt gao nhất, sự hiện diện của các tín hữu vẫn là một sức mạnh tích cực trên thế giới. Những nhà trí thức như thánh Justine đã bảo vệ đức tin bằng trước tác, chứng tỏ sự hiểu biết khôn ngoan. Các bà mẹ trong gia đình đã bảo vệ đức tin bằng những cuộc nói chuyện thân ái và đời sống gương sáng. Chính trong giông tố nghịch cảnh mà các tín hữu đã sống giới răn mới của Chúa Giêsu một cách quyết tâm hơn.7 Chính tình yêu giúp họ vượt thắng thế gian ngoại đạo băng hoại.8 Hơn hết tất cả, việc thực hành đức bác ái là dấu hiệu đặc biệt của chúng ta trước mắt nhiều người. Dù ghen ghét, nhưng người ta vẫn nhận định về các tín hữu, ‘Kìa xem họ yêu nhau chừng nào.’ Các tín hữu sẵn sàng chết cho nhau, trong khi người ta lại sẵn sàng giết nhau, Tertullian đã viết như thế.

Các tín hữu tiên khởi không thù hận những kẻ tàn đãi các ngài.10 Noi gương những người anh chị trong đức tin, chúng ta cũng phải cố gắng nhận chìm sự dữ bằng những điều lành.11

Trong những bài giáo lý trong triều đại giáo hoàng ngắn ngủi của ngài, Đức Gioan Phaolô I đã kể lại câu chuyện mười sáu nữ tu dòng Kín Camêlô đã chịu tử đạo trong thời Cách Mạng Pháp, và đã được thánh giáo hoàng Pius X tôn phong chân phúc. Các nữ tu ấy đã bị kết án tử vì tội cuồng tín. Một nữ tu lên tiếng: Cuồng tín là gì? Viên sĩ quan đáp, Là sự ngu xuẩn tin đạo của mấy bà. Sau khi bản án tử được tuyên đọc, các nữ tu liền bị áp giải đến pháp trường. Vừa đi, các nữ tu vừa hát thánh ca. Khi đến nơi, một nữ tu quì xuống trước mặt bà bề trên và tuyên lại lời khấn vâng phục. Sau đó, các chị hát kinh Chúa Thánh Thần, Veni Creator. Tiếng hát của họ càng lúc càng nhỏ lại vì từng người lần lượt ngã gục dưới máy chém, bà bề trên là người cuối cùng. Bà đã nói những lời cuối cùng: Tình yêu sẽ luôn luôn chiến thắng. Tình yêu có thể vượt thắng tất cả.12 Và quả đúng như thế.
Đức bác ái của các tín hữu tiên khởi - trước tiên và trên hết - là để củng cố đức tin cho những anh chị em yếu đuối, những người tân tòng, và những người cùng quẫn. Hầu như mọi trang Tử Đạo Thư13 đều kể lại các chi tiết cụ thể minh chứng sự quan tâm đến những người yếu đuối nhất trong đức tin. Chúng ta cũng hãy làm như thế trong thời gian bách hại, vu khống, và nghịch cảnh. Chúng ta phải nâng đỡ, choàng áo che chở cho những ai vì tuổi tác hoặc vì những lý do khác cần được giúp đỡ. Thái độ kiên vững và niềm nở của chúng ta trong thời buổi ấy là một trợ lực rất lớn cho người khác.

Kết thúc bài suy nguyện hôm nay, chúng ta hãy thưa lên với Mẹ Maria lời kinh các tín hữu thời xưa đã kêu lên cùng Mẹ: Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn. Đức Nữ Đồng Trinh Hiển Vinh sáng láng, hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. 14

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)