dongcong.net
 
 


NGÀY 11 THÁNG SÁU
THÁNH BARNABAS TÔNG ĐỒ
Lễ Nhớ

Là người bản xứ đảo Cyprus, thánh Barnabas là một trong những tín đồ đầu tiên tại Jerusalem. Thánh Phaolô sau khi trở lại đã được ngài giới thiệu với các Tông Đồ, và đồng hành với ngài trong chuyến truyền giáo đầu tiên. Thánh Barnabas đã tham dự công đồng Jerusalem, và là một nhân vật quan yếu của giáo đoàn Antioch, hạt nhân Kitô Giáo đầu tiên có tầm mức ngoài Jerusalem. Thánh Barnabas là người bà con và có ảnh hưởng quyết định với thánh Marcô. Về sau, thánh Barnabas đã trở về nguyên quán để giảng đạo và chịu tử đạo vào khoảng năm 63. Tên ngài được nhắc đến trong kinh nguyện Thánh Thể I của Sách Lễ Roma.

53.1 Trong việc tông đồ, cần có một tâm hồn cao thượng.

Barnabas có nghĩa là con của sự an ủi, và được các Tông Đồ đặt cho Joseph, một người thuộc dòng tộc Lêvi, sinh trưởng tại đảo Cyprus.1 Thánh Gioan Kim Khẩu cho rằng quí danh này đã được đặt cho thánh nhân vì ngài có tinh thần sống cộng đồng và tư cách dễ cảm thông.2

Sau khi thánh Têphanô chịu tử đạo và cuộc bách hại bùng phát, một số tín hữu đã tản đến Antioch, mang theo niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Khi tin tức loan truyền về Jerusalem, về những điều kỳ diệu Chúa Thánh Thần đang thực hiện tại đó, các Tông Đồ đã sai Barnabas đi Antioch.3 Lòng nhiệt thành mở rộng nước Chúa đã thôi thúc thánh nhân thu dụng những người có năng lực để hợp tác thực thi sứ vụ trọng đại. Vì thế, thánh nhân đã đi Tarsus để tìm Phaolô, và khi đã gặp được rồi, thánh nhân đã đem ngài về Antioch. Hai vị cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người.4 Chính thánh Barnabas đã phát hiện ra Phaolô, nhân vật mới trở lại nhưng đầy những phẩm tính cao quí, và với sự giúp đỡ của ơn Chúa, đã trở nên Tông Đồ của dân ngoại. Trước đó, thánh Barnabas đã giới thiệu Phaolô với các Tông Đồ tại Jerusalem. Khi ấy, các tín hữu vẫn còn nghi ngờ về con người đã từng bách hại họ trước kia.5

Cùng với Phaolô, thánh Barnabas đã khởi sự chuyến giảng đạo đầu tiên tại bản quán của ngài là đảo Cypus.6 Cùng đi với hai ngài có Marcôâ, bà con của thánh Barnabas, nhưng sau đó tại Pergia, Marcôâ đã thối lui khi mới nửa đường hành trình và trở về Jerusalem. Về sau, khi trù hoạch chương trình cho chuyến truyền giáo thứ hai, thánh Barnabas muốn đem theo Marcôâ, nhưng thánh Phaolô thẳng thừng cho rằng không nên đem theo một người đã từng bỏ cuộc và không cộng tác với hai vị từ khi ở Pamphylia.7 Vấn đề gây ra sự bất đồng, và rốt cuộc hai vị Tông Đồ đành chia tay nhau…8

Thánh Barnabas không muốn bỏ Marcô, vì có lẽ Marcô còn rất trẻ khi từ bỏ cuộc hành trình truyền giáo. Thánh nhân đã khích lệ và củng cố cho Marcô trở thành một sử gia viết Phúc Âm và cộng tác rất đắc lực cho thánh Phêrô, và sau đó cho cả thánh Phaolô, vị Tông Đồ mà thánh nhân vẫn giữ liên hệ khắng khít.9 Về sau, thánh Phaolô đã ca ngợi Marcô,10 có lẽ ngài đã nhìn ra nơi chàng thanh niên này một hình ảnh về thái độ cảm thông, và nhớ lại những hồi ức cao đẹp về Barnabas, người bạn thời trẻ của thánh nhân.11

Hôm nay, thánh Barnabas mời gọi chúng ta hãy có một tâm hồn cao thượng trong công cuộc tông đồ, để không dễ chán nản trước những khuyết điểm và sa ngã của các bạn hữu hoặc thân nhân, những người chúng ta muốn dẫn đưa đến cùng Chúa Kitô, và chúng ta đừng hất hủi họ khi họ yếu đuối, không đáp ứng những nỗ lực và lời cầu nguyện của chúng ta dành cho họ.

Dĩ nhiên là nhiều khi họ không đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta, nhưng điều này càng phải khiến chúng ta xử đối thân tình hơn, tươi cười dễ dãi, và dùng đến nhiều phương thế siêu nhiên hơn nữa.

53.2 Hiểu biết tha nhân để giúp đỡ.

Dọc đường, các con hãy rao giảng: nước Trời đã gần. Các con hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được lành sạch, và khử trừ ma quỉ… Lệnh truyền của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay12 phải vang lên nơi tâm hồn mọi tín hữu. Mỗi người phải thực hiện việc tông đồ trong môi trường của mình, dù là một thị trấn nhỏ hoặc một thành phố lớn, tại nơi chúng ta làm việc hoặc học tập. Chúng ta sẽ gặp những người đã chết về phần hồn, những người chúng ta phải dẫn đến với bí tích Xá Giải để phục sinh đời sống siêu nhiên cho họ. Chúng ta sẽ gặp những người yếu bệnh, những người không thể tự lo liệu và cần được giúp đỡ để trở về với Chúa Kitô. Chúng ta sẽ gặp những người phung cùi cần được lành sạch nhờ ân sủng và tình thân dành cho ho. Chúng ta sẽ gặp những người bị quỉ ám, những người cần được chữa bằng sức mạnh lời cầu nguyện và những việc hãm mình…

Phải có sự nhẫn nại. Chúng ta đừng quên các linh hồn cần có thời gian để thăng tiến.13 Chúng ta phải hiểu biết hoàn cảnh và tình trạng cá biệt của những người cần được giúp đỡ. Chúng ta biết thánh Barnabas là một người tốt lành, xứng với quí danh con của sự an ủi. Ngài đã đem bình an đến cho nhiều tâm hồn. Lần đầu tiên khi đề cập đến Barnabas, sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết ngài là một người quảng tâm, đầy cảm thông, thể hiện qua lòng rộng rãi và tinh thần siêu thoát: Barnabas… bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.14 Như thế, thánh nhân có thể theo chân Chúa với một sự tự do đích thực. Một tâm hồn quảng đại và siêu thoát sẽ sẵn sàng niềm nở và cảm thông với mọi người. Khi thấy mình được cảm thông, người ta dễ dàng để chúng ta giúp đỡ họ. Trong công cuộc tông đồ, phương thế tốt nhất để chinh phục các linh hồn là thái độ cởi mở, biết chấp nhận và thật lòng coi trọng tha nhân. Chúng ta không thể hiểu người khác nếu chúng ta không có một tình thân dành cho họ.15

Nếu muốn hiểu tha nhân, chúng ta cần phải thấy những điểm tích cực nơi họ, và phải nhìn các khuyết điểm của họ bên cạnh những phẩm chất tốt, dù những phẩm chất ấy đang triển nở hoặc còn tiềm ẩn. Nhất là chúng ta phải muốn giúp đỡ họ. Chúng ta hãy nghe lời khuyên của thánh nữ Têrêxa Avila: Chúng ta hãy luôn cố gắng để chỉ nhìn vào các nhân đức và những gì là tốt lành nơi người khác thôi, hãy luôn đặt trước mắt những tội lỗi nặng nề của mình để chúng ta mù, không còn trông thấy lỗi lầm của người khác nữa.16 Chúng ta cũng hãy nghe lời khuyên của thánh Bernard: Nếu thấy một điều xấu nào đó, anh em đừng vội kết án người khác, nhưng tốt nhất hãy tìm cách chữa lỗi cho họ trong lòng. Hãy đoán ý lành, nếu anh em không thể chữa lỗi cho việc họ làm. Hãy nghĩ họ làm như thế vì thiếu hiểu biết, hoặc bất chợt, hoặc không may. Nếu hành vi xấu quá hiển nhiên, anh em hãy tự nhủ: cám dỗ có lẽ quá mạnh mẽ.17

Chúng ta hãy học gương Chúa để sống hòa nhã với mọi người, đừng quá suy tư khi người chung quanh vẫn giữ thái độ kém cỏi và thiếu quảng đại, không đáp ứng với những nỗ lực của chúng ta. Những khuyết điểm ấy có thể do thiếu hiểu biết, cô đơn, hoặc chỉ vì mệt mỏi. Những điều tốt lành chúng ta làm phải vượt trên sự tủn mủn, và nếu chúng ta đặt trước sự hiện diện của Chúa, không còn gì là can hệ nữa.

Đừng xét đoán tha nhân. Người ta có những lý do riêng của họ cũng như bạn có những lý do riêng của bạn, điều này khiến bạn hằng ngày phải cầu nguyện nhiều hơn cho họ.18 Những ‘lý do’ của chúng ta phải phát xuất và qui hướng về nhà tạm.

53.3 Vui vẻ và tích cực trong việc tông đồ.

Hãy đàn ca Giavê, tiếng cầm réo rắt,
Tiếng cầm réo rắt, tiếng nhạc du dương
Tiếng loa vang dậy, tiếng tù và rúc
Hãy hân hoan, hãy reo hò, hãy đàn ca!19

Vì nhiệt tâm cay đắng, một số tín hữu có thể chao đảo khi thấy mọi sự chung quanh dường như đang xa lìa Thiên Chúa, và họ cảm thấy đời sống của nhiều người đáng phải bị trách phạt. Những tín hữu sốt sắng ấy cố gắng làm điều thiện, nhưng suốt ngày họ chỉ ưu phiền trước những thảm trạng chung quanh. Họ trách móc xã hội. Theo họ, xã hội cần phải áp dụng những biện pháp khắt khe để chấm dứt ngay những sự dữ… Thiên Chúa không muốn chúng ta như thế. Chúa đã hy sinh sự sống của Người một cách hiền từ trên thập giá cho trần gian. Thực là một thất bại thảm hại nếu các tín hữu lại có một thái độ tiêu cực đối với thế giới mà họ có nghĩa vụ phải cứu vớt. Chúng ta có thể thấy các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai rất vui tươi theo bước Chúa Kitô, bất chấp những bách hại khốc liệt. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, khi tường trình tình hình các cộng đoàn đang rộ lên khắp nơi, thánh Luca cho chúng ta biết Giáo Hội được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.20 Đó là sự bình an của Chúa Kitô mà chúng ta không bao giờ thiếu, nếu chúng ta theo sát bước Người. Đó cũng là sự bình an chúng ta phải thông trao cho mọi người.

Chúng ta phải noi gương Chúa Kitô và quyết tâm từ bỏ thái độ cứng cỏi, chua chát, và dễ kết án. Là tín hữu, chúng ta phải đem niềm vui đến cho thế giới, làm sao chúng ta có thể trình bày Tin Mừng như một thứ nhạt nhẽo và dễ kết án đến thế? Làm sao chúng ta có thể phê phán người khác nếu chúng ta không có những dữ liệu cần thiết để có thể phán định? Và trước tiên, chúng ta có nhiệm vụ ấy hay không? Thái độ của chúng ta đối với mọi người luôn luôn phải là thái độ cứu giúp, hòa bình, cảm thông và hân hoan… ngay cả với những người đã từng có lần đối xử bất công với chúng ta. Cảm thông là bác ái thực sự. Khi đã thực sự đạt được đức ái, bạn sẽ có một tâm hồn lớn lao, quảng tâm với hết mọi người mà không phân biệt ai. Ngay cả với những người đã xử tệ với bạn, bạn cũng áp dụng lời Chúa Giêsu một cách sinh động: ‘Hãy đến với tôi hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, tôi sẽ bổ sức cho các bạn.’21 Mỗi tín hữu là một Chúa Kitô đang đi qua những người thân, nâng đỡ gánh nặng cho họ, và chỉ cho họ con đường cứu độ.

Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, chúng ta hãy nài xin Chúa ban cho chúng ta một đức ái đã từng thúc bách thánh Barnabas đem ánh sáng Phúc Âm đến cho các dân tộc.22 Chúa sẽ ban nếu chúng ta nài xin điều ấy nhờ Mẹ Maria: Sancta Maria, Regina Apostolorum, ora pro nobis… Thánh Maria, Nữ Vương các tông đồ, cầu cho chúng con; xin giúp chúng con trong công cuộc tông đồ mà chúng con muốn thực hiện cho các thân nhân, bạn hữu, và đồng nghiệp của chúng con.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)