dongcong.net
 
 


NGÀY 22 THÁNG SÁU
THÁNH JOHN FISHER GIÁM MỤC VÀ THÁNH THOMAS MORE TỬ ĐẠO
Lễ Nhớ

Thánh John Fisher được thụ phong linh mục vào năm 1491. Thánh nhân giảng dạy tại đại học Cambridge, đồng thời vừa làm linh hướng cho nữ hoàng Margaret, mẹ của vua Henry VIII. Về sau, ngài giữ chức chủ nhiệm khoa thần học do nữ hoàng chỉ định tại đại học Cambridge. Đầu năm 1504, thánh nhân được đề cử giữ nhiệm vụ phụ tá chưởng ấn của đại học Cambridge, và cuối năm ấy, được vinh thăng giám mục giáo phận Rochester, một giáo phận nhỏ và nghèo nhất nước Anh. Hai ngày sau, thánh nhân được chỉ định làm thành viên trong hội đồng của hoàng đế nước Anh.

Thánh Thomas More học văn chương và triết lý tại Oxford, và học luật tại New Inn. Năm 1504, ngài được bầu vào quốc hội và giữ nhiều chức vụ công quyền. Thánh nhân rất có uy tín vì có kiến thức uyên bác về luật học và một đời sống liêm chính. Mặc dù cuộc sống nghề nghiệp rất bận rộn, nhưng thánh nhân luôn dành thời giờ cho gia đình, vì ngài coi đây là mối quan tâm trọng yếu nhất. Ngoài ra, ngài vẫn có giờ nghiên cứu văn chương và lịch sử. Thánh nhân đã viết nhiều sách vở và tài liệu khảo luận. Năm 1529, ngài được chỉ định làm tể tướng, mặc dù đã xác quyết lập trường không đồng thuận với quyết định hủy bỏ hôn nhân của nhà vua. Rất quan tâm đến những vấn đề thời cuộc, thánh nhân đã tận tụy trong công việc, với ước nguyện áp dụng đường lối Kitô Giáo vào luật pháp và hiến pháp.

Hai thánh John Fisher và Thomas More đều bị trảm quyết vào năm 1535 vì đã không công nhận quyền tối cao của vua Henry VIII trên Giáo Hội Anh, và việc nhà vua hủy bỏ hôn nhân.

54.1 Làm chứng cho đức tin, sẵn sàng tử đạo.

Tại nước Anh vào năm 1534, mọi công dân trưởng thành đều phải công khai tuyên nhận cuộc hôn nhân của vua Henry VIII với bà Anne Boleyn là hợp pháp. Đức vua tự phong làm thủ lãnh của Giáo Hội Anh và chối bỏ quyền bính của Đức Giáo Hoàng. Đức cha John Fisher, giám mục Rochester, và tể tướng Thomas More cương quyết không chịu tuyên thệ. Hai ngài đã bị giam tù vào năm 1534, và bị trảm quyết vào năm sau.

Thời gian ấy, nhiều người đã ủng hộ ý muốn của vua, thành ra nếu hai ngài cũng tuyên thệ, nhất định đã có thể giữ được mạng sống, tài sản, và địa vị cao sang như bao người khác.1 Tuy nhiên, hai thánh nhân đã trung thành với đức tin và sẵn sàng chịu tử đạo. Các thánh đã có thể hiến dâng mạng sống chỉ vì các ngài đã là những người sống đúng với ơn gọi, hằng ngày làm chứng cho đức tin, trong tất cả những vấn đề lớn nhỏ.

Thánh Thomas More là một người rất gần gũi với chúng ta, vì ngài là một giáo dân bình thường, biết cách hòa hợp đời sống đạo đức với nhiệm vụ một người cha trong gia đình, một luật sư, và sau cùng là tể tướng của nước Anh. Thánh nhân quí chuộng tất cả những thực tại làm nên cuộc sống, với nơi chốn và địa vị mà Thiên Chúa đã đặt ngài vào. Đồng thời, thánh nhân có một tinh thần siêu thoát và hết lòng say mê thập giá, đến độ có thể nói ngài đã kín múctừ thập giá tất cả nguồn sức mạnh cho mình.

Vào các ngày thứ Sáu, thánh Thomas More thường suy gẫm về cuộc Tử Nạn của Chúa. Khi con cái và phu nhân than thở vì những khó khăn và phiền toái thường gặp, thánh nhân cho họ biết ai muốn sống thoải mái thì đừng mong lên thiên đàng. Ngài nhắc họ nhớ đến những đau khổ Chúa đã chịu, vì đầy tớ không thể hơn Thầy. Ngoài việc lợi dụng những đau khổ nhỏ mọn, những trái ý trong cuộc sống hằng ngày để hợp nhất với thập giá, thánh Thomas More còn thực hành nhiều khổ chế khác. Nhiều khi ngài còn mặc thêm áo nhặm. Thánh nhân vẫn giữ tập quán này cả trong thời gian bị giam cầm tại tháp London, lạnh lẽo, ẩm thấp, và thiếu thốn đủ thứ suốt nhiều tháng trời đằng đẵng.2 Chính trong đau khổ thập giá, thánh nhân đã tìm được nguồn sức mạnh.

Là những tín hữu theo bước Chúa Kitô và làm chứng nhân cho Người một cách thầm lặng giữa thế giới, chúng ta đã tìm được sức mạnh trong việc siêu thoát trần tục, thực hành khổ chế, và cầu nguyện hằng ngày chưa?

54.2 Sức mạnh và đời sống cầu nguyện.

Khi từ chức tể tướng, thánh Thomas More đã tụ họp gia đình lại và bàn bạc về tương lai sắp tới, cũng như kế hoạch chi tiêu. Ngài tóm tắt sự nghiệp cả đời, Tôi được ăn học tại Oxford… làm việc trong triều chính, từ chức vụ thấp đến chức vụ cao nhất. Nhưng hiện giờ một năm chỉ còn được hưởng hơn một trăm bảng mà thôi… Sau đó, ngài đề nghị gia đình giảm chi tiêu dần dần, tập vui vẻ trong mọi mức sống. Nếu như thế mà vẫn không thể sống được – thánh nhân thanh thản nói đùa - Chúng ta có thể cùng nhau đi hành khất, hy vọng tìm được ai đó cảm thương bố thí cho… Và như thế, chúng ta vẫn đoàn tụ và vui sống bên nhau.3 Thánh nhân không để bất cứ sự gì làm tổn hại sự hợp nhất và hòa thuận gia đình, cả khi đi vắng hoặc bị giam tù. Thánh nhân sống rất siêu thoát khi giàu có, và vui mừng khi túng thiếu, kể cả những vật dụng cần thiết. Ngài luôn thắng vượt mọi hoàn cảnh. Ngài cũng nhớ mừng kỷ niệm những biến cố quan trọng, cả trong thời gian bị giam cầm. Một tác giả viết tiểu sử thánh nhân cho biết: Trong tù, vào những ngày lễ, thánh nhân ăn bận lịch lãm, tùy theo tủ đồ đơn sơ của ngài cho phép. Lúc nào ngài cũng vui vẻ và dí dỏm – thậm chí cả lúc bước lên pháp trường – bởi vì thánh nhân vững tin vào lời cầu nguyện.

Lạy Chúa nhân lành, con xin Chúa điều này, đó là cho con ơn biết làm việc hăng say. Thánh nhân không xin Chúa ban cho ngài những điều mà chỉ cần một chút cố gắng cũng có thể đạt được. Thánh nhân đã làm việc hăng say suốt đời để trở thành một luật sư uy tín trước khi được chỉ định vào chức vụ tể tướng. Tuy nhiên, ngài không bao giờ quên cầu nguyện, kể cả trong những thời gian khó khăn, nhất là trong cảnh ngộ đưa đến việc bị xử trảm. Tuy nhiên, điều đó đối với ngài không phải dễ dàng. Trong những ngày ấy, thánh nhân đã soạn một lời nguyện rất dài, lồng trong những suy tư đạo đức và xúc cảm của một con người sắp từ giã cõi trần. Thánh nhân kêu lên: Lạy Chúa, xin cho con ước muốn được ở bên Chúa, không phải để tránh những tai ương đời này, cũng không phải để thoát những đớn đau luyện hình hay hỏa ngục, cũng không phải để hoan hưởng những niềm vui thiên đàng, không chẳng phải vì nghĩ đến lợi ích cho bản thân con, nhưng chỉ vì tình yêu chân thành đối với Chúa.4

hánh Thomas More luôn được mô tả như một con người cầu nguyện. Ngài cầu nguyện trong mọi cảnh ngộ, và điều này đã giúp ngài trung thành với những trách vụ công dân và tín hữu. Đó cũng điều chúng ta phải hướng đến. Một người Công Giáo mà thiếu cầu nguyện sẽ như thế nào? Họ giống như một người lính không có vũ khí.5 Mối tương quan giữa chúng ta với Chúa Kitô hiện nay thế nào? Hằng ngày chúng ta có cố gắng sống thân mật hơn với Chúa không? Lời cầu nguyện có ảnh hưởng đến ngày sống của chúng ta hay không?

54.3 Gắn bó với lý tưởng Kitô Giáo.

Lạy Chúa nhân lành, xin ban ơn cho con, để coi đời này như không… Để tâm trí con được kết hợp với Chúa; để con không bị chi phối vì dư luận hay thay đổi của người đời… Để con hân hoan nghĩ đến Chúa và nài xin ơn Chúa trợ giúp. Để con chỉ dựa vào sức mạnh của Chúa và cố gắng mến yêu Chúa… Để con không ngừng cám tạ vì những ơn lành Chúa ban, để chuộc lại những thời giờ con đã hoang phí…6 Thánh nhân đã viết những lời như thế bên mép quyển Nhật Tụng ngài được đem vào ngục ở London. Đó là thời gian thánh nhân dùng để suy ngắm cuộc Tử Nạn của Chúa và dọn mình chết, hầu kết hợp với Chúa Kitô tử giá.

Không phải chỉ một mình Thiên Chúa biết đến những ngày sống trên trần gian của thánh nhân. Tình yêu của ngài hiển hiện trước mắt mọi người; hằng ngày trong cuộc sống gia đình; trong nếp sống giản dị, vui tươi; trong cách hành nghề luật sư; trong việc chu toàn trách vụ tể tướng của một đất nước. Qua việc hoàn thành những trách nhiệm lớn nhỏ hằng ngày, thánh Thomas More đã thánh hóa mình và giúp người khác tìm được Thiên Chúa. Những gương sáng tông đồ hiệu quả của thánh nhân đặc biệt đã tác động đến người con rể Tin Lành của ngài. Thánh Thomas đã viết thư cho con gái là Margaret như sau, Cha đã tranh luận và trình bày với chồng con nhiều quan điểm về tôn giáo, tận tình khuyên nhủ với tình cha con, nhưng không sao hoán cải anh ấy được; vì vậy, Margaret, Cha sẽ không tranh luận nữa, nhưng sẽ phó thác cho Chúa và cha sẽ về bên Chúa mà cầu nguyện cho anh ấy.7 Những lời lẽ và cầu nguyện của thánh Thomas More đã có kết quả, sau cùng Roper đã trở về với đức tin. Anh đã sống gương mẫu và chịu nhiều đau khổ để trung thành với đức tin Công Giáo.

Thánh Thomas More là một tấm gương sinh động cho đời sống tín hữu. Thánh nhân là một hạt giống bình an và hân hoan qua cuộc đời trần gian, trong gia đình cũng như nơi bạn hữu, nơi tòa án, diễn đàn, trên giảng đường đại học, trong triều đình, tại quốc hội, và trong chính phủ.

Thánh Thomas More là quan thày âm thầm của nước Anh. Ngài đã đổ máu để bảo toàn sự hợp nhất của Giáo Hội và quyền bính thiêng liêng của vị đại diện Chúa Kitô. Và vì máu các tín hữu là hạt giống đức tin, nên máu của thánh Thomas More cũng từ từ ngấm vào các linh hồn tìm đến với ngài vì uy tín, vì đức tính hiền dịu và can đảm của ngài. Thánh Thomas More sẽ là vị tông đồ thầm lặng cho cả một dân tộc hoán cải về với đức tin.8

Chúng ta nài xin thánh John Fisher giám mục và thánh Thomas More tử đạo dạy cho chúng ta noi gương các ngài trong đời sống kiên trung yêu mến Chúa trong mọi sự, trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Chúng ta hãy cầu nguyện bằng những lời của phụng vụ: Lạy Chúa, trong cái chết của các vị tử đạo của Chúa, chúng con nhìn thấy những chứng từ cao quí nhất đối với đức tin chân thật: chúng con cầu xin Chúa cho chúng con được mạnh sức nhờ lời cầu bầu của thánh Thomas More và thánh John Fisher, để trong đời sống, chúng con biết làm chứng cho đức tin mà chúng con tuyên xưng ngoài môi miệng.9

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)