|
NGÀY 29 THÁNG SÁU
THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ
Lễ Trọng
Hai
thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ được coi là những trụ cột trung
kiên, không những của giáo đoàn Roma, mà cả Giáo Hội hoàn vũ của
Thiên Chúa hằng sống, rộng mở đến những biên cương tận cùng của
thế giới (Đức Phaolô VI). Là những người đã thành lập Giáo Hội
tại Roma, Mẹ và Thầy của các cộng đồng Kitô khác, các ngài đã
đem lại sức sống và sự phát triển của Giáo Hội bằng chứng từ tử
đạo các ngài đã lãnh nhận tại Roma. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu
chọn làm nền móng cho Giáo Hội và giám mục của kinh thành muôn
thuở. Thánh Phaolô, tiến sĩ của dân ngoại, thầy dạy và bạn của
cộng đồng đầu tiên được thành lập tại đây (Đức Phaolô VI).
56.1
Ơn gọi của thánh Phêrô.
Như đa số các môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô, Simon Phêrô cũng
xuất thân từ Bethsaida, một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilê, trên
bờ biển Tiberias. Cùng với gia đình, ngài mưu sinh bằng nghề chài
lưới. Ngài đã gặp Chúa Giêsu qua môi giới của anh là thánh Anrê.
Có lẽ cuộc gặp gỡ xảy ra vào buổi chiều tối, vì suốt ngày hôm
ấy, Anrê và Gioan đã ở với Chúa Giêsu. Anrê đã không giữ kín kho
tàng vô cùng quí báu là được biết Chúa Giêsu, nên vội vã chạy
báo cho em mình biết về mối lợi lớn lao ngài đã được lãnh nhận.1
Phêrô đến gặp Thầy Chí Thánh. Intuitus eum Iesus… Chúa Giêsu nhìn
ông… Thầy Chí Thánh nhìn thẳng vào con người vừa đến và ánh mắt
Chúa đã thấu suốt tận tâm can của con người này. Có lẽ chúng ta
cũng muốn chứng kiến ánh mắt ấy của Chúa Kitô, một ánh mắt có
thể thay đổi cả một đời người! Chúa Giêsu nhìn Phêrô một cách
trìu mến và lôi cuốn. Nơi người ngư phủ xứ Galilê này, Chúa Giêsu
nhìn thấy cả Giáo Hội của Người, trải dài theo dòng thế kỷ cho
đến tận cùng thời gian. Chúa đã chứng tỏ Người đã biết trước về
con người này: Ngươi là Simon, con ông Giona! Chúa còn biết cả
về tương lai: Ngươi sẽ được gọi là Cephas, nghĩa là Đá. Những
lời này xác định ơn gọi và số phận của Phêrô; biểu thị toàn bộ
nhiệm vụ của ngài trên trần gian.
Ngay từ đầu, vị trí của Phêrô là đá tảng, trên đó tòa nhà Giáo
Hội được xây lên.2 Mọi sự trong Giáo Hội, kể cả sự trung thành
với ơn thánh của chúng ta, phải bao hàm lòng mến yêu, sự tùng
phục, và hợp nhất với Đức Giáo Hoàng như đá tảng và nền móng kiên
vững. Nơi Phêrô, sức mạnh của mọi người được củng cố,3 thánh Lêô
Cả đã nói như thế. Nếu nhìn vào thánh Phêrô và Giáo Hội trên đường
lữ hành, chúng ta có thể áp dụng lời của Chúa Giêsu: Mưa có rơi,
lụt có tràn vào, gió có thổi và đập vào nhà ấy, nó vẫn không đổ,
vì nó đã được xây trên đá.4 Từ ngày ấy, Chúa đã chọn tảng đá Phêrô,
với tất cả những lỗ chỗ và bất toàn, một ngư phủ bình thường từ
xứ Galilê, và Người cũng đã chọn những người kế vị người ngư phủ
ấy như thế.
Cuộc hội ngộ giữa Phêrô và Chúa Giêsu ắt hẳn phải gây ấn tượng
sâu sắc nơi những người chứng kiến, nếu như họ đã hiểu biết những
cảnh tương tự trong Cựu Ước. Chính Thiên Chúa đã đổi tên cho tổ
phụ Abram: Tên ngươi sẽ là Abraham, vì Ta đã đặt ngươi làm cha
đông đảo các dân nước.5 Chúa cũng đã đổi tên cho Jacob thành Israel
– vì ngươi đã tranh đấu với Thiên Chúa và con người và đã thắng
thế.6 Cái trang trọng và ý nghĩa của sự kiện đổi tên cho Simon
đã không thoát được ánh mắt của những người chứng kiến, mặc dù
cuộc gặp gỡ xem ra đơn giản và bình thường. Chúa Giêsu dường như
đã tuyên bố, ‘Ta đã sẵn có những chương trình cho ngươi.’
Đổi tên ai là chiếm dụng người ấy, đồng thời cho họ biết ý muốn
Thiên Chúa dành cho họ trên trần gian. Cephas thời ấy chưa phải
là một tên riêng, nhưng Chúa đã chọn để nói lên nhiệm vụ mới của
Phêrô, một nhiệm vụ sau này sẽ được sáng tỏ đầy đủ, khi ngài trở
thành đại diện của Chúa Kitô.7 Trong giờ cầu nguyện hôm nay, chúng
ta hãy xét lại lòng mến của chúng ta – thể hiện bằng việc làm
– đối với vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian. Chúng ta có cầu
nguyện cho ngài mỗi ngày hay không? Chúng ta có cộng tác vào việc
truyền bá các giáo huấn của ngài không? Chúng ta có hậu thuẫn
những đường hướng của ngài không? Chúng ta có sẵn lòng bảo vệ
ngài khi ngài bị công kích và bỉ báng không? Chúa Giêsu sẽ được
một niềm vui khi Người thấy chúng ta yêu mến, bằng việc làm, vị
đại diện trên trần gian của Người.
56.2
Người thủ lãnh các môn đệ của Chúa.
Lần gặp gỡ đầu tiên hôm đó với Thầy Chí Thánh chưa phải là lời
mời gọi chung quyết. Nhưng từ giờ phút ấy, Phêrô cảm thấy bị thu
hút bởi cái nhìn và con người của Chúa Giêsu. Ngài chưa bỏ hẳn
nghề chài lưới, nhưng vẫn đi theo lắng nghe những giáo huấn của
Thầy, nhiều lần được chứng kiến các phép lạ của Thầy. Có lẽ ngài
cũng có mặt trong bữa tiệc cưới tại Cana xứ Galilê, và lần đầu
tiên ngài đã gặp Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Chúng ta biết sau đó
Phêrô đã theo Chúa đến Capharnaum. Một ngày kia, bên bờ hồ, sau
mẻ cá phép lạ, Chúa Giêsu đã chính thức mời gọi Phêrô theo Người.8
Phêrô lập tức vâng theo, tâm hồn ngài đã được ơn thánh chuẩn bị
từng bước. Từ bỏ mọi sự – relictis omnibus – ngài đi theo Chúa
Giêsu, làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi với Thầy.
Thế rồi, một ngày kia tại Caesarea Philippi, khi Thầy trò đang
đi đường, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Các con bảo Thầy là ai? Simon
Phêrô trả lời: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.9 Chúa
Kitô đã trang trọng tuyên bố quyền tối cao của Phêrô trên toàn
thể Giáo Hội của Người.10 Phêrô chắc phải nhớ lại những lời tương
tự Chúa đã nói khoảng hai năm về trước, khi anh Anrê đã dẫn ngài
đến với Chúa: Ngươi sẽ được gọi là Cephas!…
Phêrô đã không biến đổi mau chóng như cái tên của ngài. Ngài không
cương quyết, vững vàng ngay được như ý nghĩa của cái tên mới mà
Chúa đặt cho. Đức tin ngài vẫn chưa kiên vững như đá. Chúng ta
thấy Phêrô với tính bốc đồng và nhiều chao đảo. Có lần Chúa Giêsu
đã quở trách con người sau này sẽ là nền móng của Giáo Hội vì
dám cản ngăn Người.11 Thiên Chúa chờ đợi đủ thời gian để đào tạo
cho từng môn đệ Người đã ưu tuyển. Trong khi đó, Người vẫn tin
vào thiện chí của họ. Nếu có thiện chí như Phêrô, sống mềm mỏng
với ơn thánh, chúng ta cũng sẽ trở thành khí cụ xứng hợp để phụng
sự Thầy Chí Thánh và chu toàn sứ mạng Người ủy thác cho chúng
ta. Nếu chúng ta cứ bắt đầu lại, nếu chúng ta hướng nhìn Chúa
Giêsu, biết mở lòng khi thụ hướng, mọi sự – kể cả những biến cố
nghịch cảnh – cũng sẽ giúp chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn, Người
không mỏi mệt mài đục giũa gọt sự thô kệch ghồ ghề của chúng ta,
như một nhà điêu khắc trước tảng cẩm thạch. Và rồi, như Phêrô,
những khi gặp gian truân, chúng ta có lẽ cũng nghe lời trách yêu:
Hỡi người kém tin, tại sao lại nghi ngờ?12 Và lập tức, chúng ta
thấy Chúa Giêsu bên cạnh và giơ tay cho chúng ta.
6.3
Trung thành và sẵn sàng tử đạo.
Thầy Chí Thánh đã tỏ dấu quan tâm đặc biệt đến Phêrô. Tuy nhiên,
khi Chúa Giêsu cần đến Phêrô, trong những giờ phút kinh hoàng
và não nề nhất, khi Chúa bị bỏ rơi và cô thế, thì Phêrô lại chối
bỏ Người. Sau sự kiện Phục Sinh, khi Simon Phêrô và các Tông Đồ
trở về với công việc chài lưới, Chúa Giêsu đã đến gặp Phêrô và
tỏ mình cho ngài qua một phép lạ mẻ cá lạ lùng khác nữa. Điều
này làm Simon nhớ lại phép lạ lần trước, khi Thầy Chí Thánh mời
gọi ngài đi theo và hứa sẽ biến ngài thành một ngư phủ chài lưới
người ta.
Giờ đây, Chúa Giêsu đang chờ ngài trên bờ biển. Chúa dùng những
thứ như củi, lửa, cá, để minh chứng sự hiện diện thực sự của Người,
và khơi lại bầu không khí thân mật Thầy trò như xưa. Sau khi mọi
người ăn xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô, ‘Simon, con Gioan,
con có yêu mến Thầy hơn những người này không?’13
Sau đó, Chúa phán với Simon: Quả thật, Thầy bảo thật cho con biết:
lúc còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng
khi đã về già, con sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng
và dẫn con đến nơi con chẳng muốn đến.14 Khi thánh sử Gioan chép
Phúc Âm, lời tiên báo này đã được ứng nghiệm, vì thế ngài đã viết
thêm: Chúa nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn
vinh Thiên Chúa. Sau đó, Chúa còn nhắc lại những lời Người đã
nói với Phêrô mấy năm trước, cũng trên bờ hồ này, và có lẽ Phêrô
giờ đây đã quên, những lời đã làm thay đổi cả cuộc đời ông – ‘Hãy
theo Thầy.’
Một
truyền tụng xưa ở Roma cho chúng ta biết vào thời kỳ bách hại
đẫm máu dưới thời bạo vương Nero, thánh Phêrô đã chiều theo ước
nguyện của cộng đồng tín hữu và đi tìm một nơi an toàn để tiếp
tục lãnh đạo Hội Thánh. Vừa đến cổng thành, thánh nhân đã gặp
Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: Lạy Chúa, Chúa đi
đâu? (Quo vadis, Domine?). Thầy Chí Thánh đáp: ‘Thầy vào thành
Roma để chịu đóng đinh một lần nữa.’ Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa.
Ngài trở vào thành và thập giá đã chờ ngài ở đó. Truyền tụng này
dường như là tiếng vang sau cùng về lời phản đối của Phêrô khi
nghe Chúa Giêsu lần đầu tiên tiên báo về cuộc khổ nạn của Người.15
Thánh Phêrô sau đó đã chịu tử đạo. Một sử gia cổ thời kể lại thánh
nhân đã xin chịu đóng đinh ngược, vì thấy không đáng được chết
như Thầy Chí Thánh. Cuộc tử đạo này đã được thánh Clement, giáo
hoàng kế nhiệm16 của thánh Phêrô ghi lại. Từ thế kỷ III, Giáo
Hội đã kính nhớ cuộc tử đạo của hai thánh Phêrô và Phaolô17 vào
ngày 29 tháng Sáu, ngày các ngài đã được gặp lại Thầy Chí Thánh.
Mặc dù có những yếu đuối, nhưng thánh Phêrô đã trung thành với
Chúa Kitô đến mức hiến dâng mạng sống. Để kết thúc bài suy niệm
hôm nay, chúng ta hãy xin thánh Phêrô ban cho chúng ta sự trung
kiên ấy, mặc dù chúng ta có thể cũng gặp những sa ngã thất bại
trên đường. Chúng ta xin ngài giúp chúng ta kiên cường trong đức
tin, fortes in fide,18 như ngài đã kêu gọi các tín hữu thời Giáo
Hội sơ khai. Chúng ta hãy xin thánh Phêrô điều lợi ích cho chúng
ta; còn gì tôn vinh ngài hơn việc chúng ta vững tin vào những
gì ngài đã tin, đó là căn nguyên sức mạnh tinh thần của chúng
ta.19
Chúng ta cũng hãy nhờ Đức Maria là Mẹ chúng ta nài xin cho chúng
ta một đức tin tinh ròng và không lay chuyển, dù chúng ta đang
sống trong bất cứ hoàn cảnh nào.
|
|