dongcong.net
 
 


NGÀY 29 THÁNG SÁU
THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Lễ Trọng

57.1 Chúa tuyển chọn các môn đệ.

Khi bị đánh ngã, Phaolô đã hỏi: Lạy Chúa, tôi sẽ phải làm gì?1 Và Chúa Giêsu trả lời: Hãy chỗi dậy và đi vào thành Damascus, và ở đó, ngươi sẽ được nói cho biết tất cả những gì Thiên Chúa đã định cho ngươi phải làm. Con người bách hại đã được ơn hoán cải, sau đó được Ananias dạy đạo và ban phép Thánh Tẩy. Khi Phaolô nhận ra Chúa Kitô là tất cả sự quan trọng cho cuộc đời ngài, chúng ta thấy ngài đã hiến thân với tất cả sức lực để truyền bá Tin Mừng, không ngại hiểm nguy, thử thách, đau khổ, và thất bại phía trước. Ngài biết mình là khí cụ được ưu tuyển để đem Phúc Âm đến cho nhiều người, như chúng ta nghe trong bài đọc Hai hôm nay: Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại.2

Thánh Augustine nói, trước khi gặp Chúa Kitô, nhiệt tâm của thánh Phaolô giống như một khu rừng rậm không thể vượt qua, mặc dù đó là một trở ngại, nhưng lại minh chứng tính chất màu mỡ của đất đai này. Sau đó, Thiên Chúa gieo vào miếng đất ấy hạt giống Phúc Âm, và hoa trái đã nẩy nở xum xuê.3 Những gì xảy đến với thánh Phaolô cũng có thể xảy cho mọi người, mặc dù những lầm lỡ của họ có thể rất trầm trọng. Hoạt động mầu nhiệm của ân sủng không thay đổi, nhưng chữa lành, thanh luyện, nâng cao và hoàn thiện những gì là tự nhiên.

Thánh Phaolô tin Thiên Chúa đã tín nhiệm ngài từ khi ngài được đầu thai trong lòng mẹ; trước khi tôi chào đời, thánh nhân đã nhắc lại nhiều lần cụm từ này. Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy Thiên Chúa đã kén chọn các ngôn sứ sẽ được sai đi như thế nào;4 và qua đó, Chúa cho chúng ta thấy sáng kiến ấy là của Người, có trước mọi công trạng của chúng ta. Thánh Tông Đồ cẩn thận lưu ý đến điểm này. Ngài giải thích cho các tín hữu giáo đoàn Êphêsô về sự kén chọn từ trước của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã chọn chúng ta từ trước khi tạo thành vũ trụ;5 và với Timothy, thánh nhân còn nói rõ hơn: Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta nên thánh, không phải do công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người.6

Ơn gọi là một quà tặng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta từ đời đời. Vì vậy, khi Thiên Chúa bày tỏ ơn gọi ấy cho ngài trên đường Damascus, thánh Phaolô đã không xin ý kiến người đời. Ngài đã không hỏi ý kiến con người, vì ngài tin chắc chính Thiên Chúa đã kêu gọi mình. Ngài đã không nghe theo lời khôn ngoan của xác thịt, nhưng quảng đại hiến thân cho Thiên Chúa. Sự dấn thân của ngài thật mau mắn, trọn vẹn, và vô điều kiện. Khi nghe Chúa Kitô mời gọi, các Tông Đồ đã tức khắc7 từ bỏ lưới thuyền và mọi sự, relictis omnibus,8 để đi theo Chúa. Thánh Phaolô, người đã từng bách hại các tín hữu, giờ đây cũng theo bước Chúa Kitô với một sự mau mắn và cương quyết như thế.

Mỗi người chúng ta, mỗi người một cách, đã lãnh nhận một ơn gọi cụ thể để phụng sự Chúa. Trong cuộc đời, chúng ta còn lãnh nhận những lời mời gọi khác để theo sát Chúa trong những hoàn cảnh mới, và chúng ta phải quảng đại trong mỗi lần được gặp gỡ Chúa. Chúng ta phải biết nài nỉ Chúa Giêsu trong lời xin tha thiết hôm nay, như thánh Phaolô: Lạy Chúa, con sẽ phải làm gì? Chúa muốn con từ bỏ những gì? Chúa muốn con sửa lại điều gì? Vào lúc này trong cuộc sống, con phải làm gì để phụng sự Chúa?

57.2 Lời mời gọi của Chúa và ơn gọi tông đồ.

Thiên Chúa đã gọi thánh Phaolô qua các dấu chỉ ngoại thường, nhưng các dấu chỉ ấy cũng sinh ra những hiệu quả tương tự như lời Chúa mời gọi chúng ta theo bước Người giữa những công việc trần thế. Thiên Chúa mời gọi mọi tín hữu nên thánh và làm tông đồ. Đó là một ơn gọi rất yêu sách, nhiều khi đòi đến mức anh hùng, bởi vì Thiên Chúa không muốn có những tín hữu nguội lạnh, những môn đệ nửa vời. Chúa Kitô mời gọi một số người hiến thân đặc biệt để khuyếch trương nước Chúa giữa nhân loại, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục những công việc bình thường giữa trần thế. Vì mỗi người đều phải đáp lại ơn gọi, nên chúng ta cần nắm vững ý nghĩa đời sống tông đồ, nếu chúng ta muốn trở nên môn đệ của Thầy Chí Thánh. Điều này dẫn chúng ta đến chỗ lợi dụng mọi cơ hội để đem tha nhân về cho Chúa Kitô, trong tình thân ngày càng thắm thiết hơn với Chúa, nhưng đồng thời, cũng đem lại cho tha nhân niềm vui, sự bình an, và cho họ cảm nghiệm được sự sung mãn trong đời sống.

Đối với thánh Phaolô, cũng như mọi tín hữu thực sự sống ơn gọi, việc tông đồ là một phần quan trọng trong đời sống - hay đúng hơn, là một phần gắn liền với đời sống của họ. Làm việc trở thành một việc tông đồ, một ước muốn trình bày Chúa Kitô. Bệnh tật và giải trí, đau đớn và nghỉ ngơi cũng thế… Nhiệt tâm tông đồ là lương thực không thể thiếu nếu chúng ta muốn hiểu biết Chúa Kitô. Biết Chúa trong tình thân sẽ đưa chúng ta đến chỗ truyền đạt sự khám phá này cho người khác. Sự truyền đạt là dấu hiệu bảo đảm rằng ta đã thực sự hiến thân cho Thiên Chúa.9 Khi việc theo Chúa Kitô trở nên một thực tại trong đời sống chúng ta, điều ấy sẽ nẩy sinh nhu cầu truyền bá, hoạt động, trao ban, giảng bảo, truyền đạt cho người khác báu tàng và ngọn lửa của chúng ta… Việc tông đồ trở thành một trương mở của linh hồn, trong sự triển nở của nhân cách được đồng hóa với Chúa Kitô và sống động nhờ Chúa Thánh Thần. Chúng ta cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải làm việc, phải cố gắng hết sức để mở rộng nước Chúa vì ơn cứu rỗi cho tha nhân, cho mọi người.10 Thánh Tông Đồ đã thở than, Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!11

Khi đem Tin Mừng đến cho người khác, chúng ta chu toàn lệnh truyền Chúa Kitô đã truyền ban: Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo.12 Khi ấy, đời sống nội tâm của chúng ta sẽ nên phong phú, như một thân cây được tưới tắm đúng thời đúng buổi. Thánh Phaolô hôm nay cho chúng ta một tấm gương và giúp chúng ta xét lại mức độ quyết tâm đem Chúa Kitô đến cho tha nhân. Được đồng hóa với Chúa Kitô là Đấng đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, và để hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người,13 thánh Phaolô đã trở nên đầy tớ của mọi người hầu thu phục được nhiều người hết sức có thể. Thánh nhân đã nói với các tín hữu giáo đoàn Côrinthô: Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái, để thu phục người Do Thái… Với người yếu đuối, tôi đã trở nên yếu đuối, để có thể thu phục những kẻ yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người để bằng mọi cách, cứu vớt được một số người.14

Hôm nay, chúng ta nài xin thánh Phaolô cho chúng ta một tâm hồn lớn lao như của ngài, để có thể bỏ qua mọi nhục nhã nhỏ nhặt và những thất bại hiển nhiên mà công cuộc tông đồ đem lại. Chúng ta hãy thưa Chúa Giêsu rằng, chúng con sẵn sàng sống thân ái với mọi người, để đem đến cho họ cơ hội được nhận biết Chúa, mà không lưu tâm đến những hy sinh và phiền toái mà chúng con có thể gặp phải.

57.3 Việc tông đồ: một nhiệm vụ vui tươi nhưng phải hy sinh.

Thánh Phaolô kêu gọi Timothy và tất cả chúng ta, Hãy rao giảng về Chúa lúc thuận tiện và lúc không thuận tiện.15 Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ nghoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.16 Dường như thánh Tông Đồ đang nói về thời đại ngày nay của chúng ta. Ngài nói với Timothy và qua người đồ đệ này, với từng người chúng ta: Hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loán báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của mình.17 Các linh mục sẽ thực hiện điều này qua việc rao giảng lời Chúa, qua đời sống gương mẫu, đức ái, và lời khuyên trong tòa giải tội. Các giáo dân – tức là phần đông dân Chúa – hãy rao truyền lời Chúa qua cuộc sống thân ái, với lời khuyên nhủ xứng hợp dành cho những người đang ngày càng xa rời Thiên Chúa, hoặc những người chưa bao giờ gần gũi với Người. Chúng ta thực hiện điều này trong môi trường làm việc hoặc học tập, trong những kỳ nghỉ hè. Cha mẹ với con cái, hãy nắm bắt những thời điểm tốt nhất, hoặc tạo ra cơ hội thuận tiện.

Đức Gioan Phaolô II II đã khích lệ các bạn trẻ – và mọi tín hữu hãy luôn sống với tâm hồn tươi trẻ – đó là một việc tông đồ mãnh liệt, trực tiếp, và hân hoan. Hãy là những người bạn thân tình của Chúa Giêsu và đem đến cho gia đình bạn, trường học bạn, khu vực bạn đang sống, tấm gương của một đời sống Kitô Giáo thực sự trong trắng và hân hoan. Hãy luôn luôn là những tín hữu trẻ trung, những chứng nhân đích thực cho giáo huấn của Chúa Kitô. Hơn nữa, hãy là những người mang Chúa Kitô giữa xã hội nhiễu nhương ngày nay, một xã hội cần đến Chúa hơn bao giờ hết. Bằng cuộc sống, bạn hãy loan báo cho mọi người rằng chỉ có Chúa Kitô mới là ơn rỗi đích thực cho nhân loại.18

Hôm nay, chúng ta hãy xin thánh Phaolô dạy cho chúng ta biết biến đổi mọi hoàn cảnh trở nên thuận tiện: Những ai đi đây đó để lo công chuyện hay để giải trí, phải nhớ rằng dù ở đâu, họ vẫn là sứ giả lưu động của Chúa Kitô, và phải sống đúng danh hiệu đó.19 Chúng ta hãy sống trong tinh thần cởi mở, tinh thần mà chỉ có tâm hồn nào coi Chúa Kitô là đích điểm cho mọi hoạt động cuộc sống mới có thể có được. Ngay cả các trẻ em cũng có thể là những công cụ xứng hợp cho Chúa Thánh Thần thực hiện công việc tông đồ, như công đồng Vatican II đã nói, vì theo khả năng của mình, chúng có thể là những chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô ở giữa bạn bè trang lứa.20

Hoạt động tông đồ của thánh Phaolô thực sự rất đáng khâm phục, ngạc nhiên, và tuyệt diệu. Mọi người yêu mến Chúa Kitô như thánh Phaolô đều cảm thấy nhu cầu phải rao giảng, vì như thánh Thomas Aquinas đã nói, điều gì làm ta khâm phục nhất, thế nào sau đó ta cũng tiết lộ, bởi vì trong lòng đầy thì miệng sẽ nói ra.21

Chúng ta hãy nài xin Đức Mẹ, Nữ Vương các Tông Đồ, Regina Apostolorum, cho chúng ta hiểu rằng việc tông đồ là một việc vui tươi, mặc dù đòi hỏi nhiều hy sinh. Chúng ta hãy nài xin Mẹ cho chúng ta ý thức về trách nhiệm nặng nề của chúng ta đối với anh chị em, nhất là với những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)