dongcong.net
 
 


NGÀY 8 THÁNG TÁM
THÁNH ĐAMINH
Lễ Nhớ

Thánh Đaminh sinh tại Caleruega vào khoảng năm 1170. Thánh nhân đã chiến đấu chống lại bè rối Albigensian bằng lời rao giảng và đời sống gương mẫu. Ngài đã sáng lập dòng Thuyết Giáo và truyền bá lòng sùng kính kinh Mân Côi. Thánh nhân qua đời tại Bologna vào ngày 6 tháng 8 năm 1221.

13.1 Nhu cầu về giáo lý chân chính. Ơn phù trợ của Đức Thánh Trinh Nữ.

Vào đầu thế kỷ XIII, một số bè rối đã gây nhiều thiệt hại đáng kể cho Giáo Hôị, nhất là tại miền nam nước Pháp. Trong chuyến tháp tùng đức giám mục đi qua miền ấy, cha Đaminh đã nhận ra những tác hại do các mậu thuyết mới lạ kia gây ra cho Dân Chúa, nhất là những tín hữu thiếu huấn luyện về giáo lý. Trong chuyến đi ấy, cha Đaminh còn nhận thức nhu cầu cần phải truyền đạt những chân lý đức tin một cách rõ ràng và đơn giản. Với lòng nhiệt thành thương yêu các linh hồn, ngài đã hiến thân cho công cuộc ấy. Một thời gian ngắn sau đó, thánh nhân đã quyết định sáng lập một hội dòng với mục đích truyền bá giáo lý Kitô Giáo và bảo vệ Giáo Hội, chống lại những sai lạc đang lan tràn khắp nơi. Dòng Thuyết Giáo đã được ra đời trong hoàn cảnh ấy và lấy việc học hiểu chân lý là một trong những điều luật căn bản của hội dòng.1 Kể từ đó, người ta gặp các tu sĩ dòng Thuyết Giáo trong mọi hình thức hoạt động tông đồ phục vụ của Giáo Hội, đem ánh sáng chân lý đến cho tâm trí nhân loại. Như thánh phụ sáng lập, các tu sĩ dòng Thuyết Giáo đã đưa đoàn sủng của mình vào cuộc sống để soi sáng cho lương tâm con người dưới ánh sáng Lời Chúa.2

Công việc truyền bá đức tin cho mọi người hiện nay vẫn là một nhu cầu cấp thiết như thời của thánh Đaminh. Đó là một sứ mạng của toàn thể Giáo Hội và ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Đức Gioan Phaolô II vẫn thường xuyên cảnh báo về nạn vô tri các chân lý căn bản của đức tin đang lan tràn. Các sai lầm về giáo lý đang lây lan và gây nhiều tổn hại trầm trọng cho các linh hồn; tình trạng lạnh nhạt với Thánh Thể, thờ ơ với bí tích Xá Giải - một bí tích thiết yếu để xin ơn tha thứ và việc đào tạo lương tâm con người - coi thường cứu cánh siêu nhiên, và nạn hạn chế đức tin vào đời sống tư riêng, tước bỏ tất cả những biểu hiện công khai của đức tin. Hôn nhân bị chối bỏ ý nghĩa tự nhiên và phẩm giá. Các điều luật cho phép phá thai là tuyên ngôn ngạo nghễ của chủ nghĩa duy vật và cá nhân trên các giá trị thánh thiêng nhất của con người. Sinh xuất giảm sút và tình trạng người già tăng cao đã đưa đến tình trạng tự tử tràn lan khắp thế giới: đó là một biểu hiện của tình trạng nghèo nàn cùng khốn về tinh thần.3

Rõ ràng nhiều người đã quên mất ơn gọi sống thân mật với Thiên Chúa, không còn ý thức về tội lỗi, về cuộc sống đời đời, và về ý nghĩa đau khổ theo Kitô Giáo. Chúng ta dễ dàng nhận ra một khi thế giới càng ít chịu ảnh hưởng của Kitô Giáo, thì càng ít nhân tính hơn. Làn sóng chủ nghĩa duy vật chối bỏ chiều kích siêu nhiên đang tác động rất tai hại đến nhiều người hằng ngày sống chung quanh chúng ta, những người Chúa đã đặt dưới sự chăm sóc của chúng ta cách này hay cách khác.

Hôm nay, chúng ta hãy suy về sự hiện diện của Thiên Chúa khi chúng ta đang đón nhận lời Đức Thánh Cha kêu gọi tái truyền giảng Tin Mừng cho thế giới. Ước chi chúng ta biết xem lại chúng ta có đang nỗ lực để học biết các giáo huấn của Chúa Kitô một cách tường tận để truyền thụ lại cho người khác hay không. Chúng ta có sửa đổi lối sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp, xã hội, và chính trị của chúng ta hay không? Chúng ta có cố gắng làm sinh động những dấu chỉ tôn giáo công khai và đời sống Kitô Giáo mà chúng ta vẫn hay coi thường hay không, chẳng hạn như mặc áo Đức Bà, đọc kinh trước và sau bữa ăn, xin làm phép tân gia, treo hình ảnh Chúa và Đức Mẹ trong gia đình và tại nơi làm việc của chúng ta?

13.2 Kinh Mân Côi - vũ khí công hiệu.

Thánh Đaminh, cũng như nhiều người noi theo gương ngài, đã sử dụng một vũ khí công hiệu để chiến thắng trong cuộc chiến mà lúc đầu dường như đã thất bại.4 Vĩ đại thay sự toàn vẹn trong giáo lý của thánh Đaminh, trong tấm gương nhân đức và trong lao nhọc tông đồ của ngài. Thánh nhân đã can trường tuyên chiến với những kẻ thù của Giáo Hội, không phải bằng sức mạnh vũ khí, nhưng bằng đức tin bừng cháy trong kinh Mân Côi. Thánh Đaminh là người đầu tiên đã thiết lập và, cùng với con cái, đã đích thân truyền bá lòng sùng kính này khắp tứ phương.5 Thánh nhân đã đòi buộc các con cái tinh thần của ngài phải thường xuyên sử dụng hình thức cầu nguyện mà chính ngài đã rút được rất nhiều lợi ích này vào việc giảng dạy. Một đàng, ngài biết được thế lực lớn lao của Đức Maria nơi Con Mẹ, Đấng luôn luôn ban phát các ân sủng của Người qua tay Mẹ. Một đàng, Mẹ là Đấng nhân ái từ bi, và Mẹ thường đến cứu giúp những ai đang gặp cơn nguy khốn, đến độ Mẹ không thể nào không phù trợ những ai kêu cầu Mẹ. Giáo Hội luôn nhìn nhận Mẹ là ‘Mẹ các ơn thánh’ và là ‘Mẹ rất nhân lành’; và từ lâu đời Giáo Hội vẫn có thói quen chào kính Mẹ như thế, trước hết là qua kinh Mân Côi. Vì vậy, các Giáo Hoàng Roma đã đề cao lòng sùng kính kinh Mân Côi bằng những lời tán dương cao quí nhất, và đã ban nhiều ân xá cho lòng sùng kính ấy.6
Với tâm tình thảo hiếu và theo lời cổ động của nhiều Giáo Hoàng, các tín hữu đã biết nhờ cậy kinh Mân Côi trong những hoàn cảnh thông thường cũng như ngoại thường, kể cả những tai họa lớn lao như chiến tranh, bè đảng bè rối, và những vấn đề nghiêm trọng của gia đình. Việc sùng kính đầy công hiệu và trường cửu này còn là một phương thế tuyệt diệu để tạ ơn. Các Giáo Hoàng gần đây rất đề cao việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình. Công đồng Vaticanô II đã nhắn nhủ các tín hữu hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Đức Mẹ và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ.7 Đức Phaolô VI đã minh nhiên giải thích những lời ấy qui về kinh Mân Côi.8
Hôm nay, giữa lúc nhân loại đang nguy khốn, chúng ta hãy xem lại tình yêu và niềm tin của chúng ta đối với Đức Mẹ, được thể hiện qua lòng sùng kính đem lại nhiều ơn thánh này. Chúng ta hãy tự hỏi chúng ta có hướng lên Mẹ trong niềm tin khi chúng ta truyền bá giáo lý thánh hảo cho những người chung quanh, nhất là những người gần gũi chúng ta đang lạc xa Thiên Chúa hay không.

13.3 Suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi.

Nếu chúng ta mỗi ngày cố gắng đọc kinh Mân Côi bằng lòng mến như thánh Đaminh, chúng ta sẽ có được nhiều ơn thánh cho bản thân cũng như cho những ai chúng ta muốn hướng dẫn đến cùng Chúa. Trong chuỗi Mân Côi, chúng ta suy niệm những mầu nhiệm chính yếu của ơn cứu độ, từ lúc Đức Mẹ được Truyền Tin cho đến khi Chúa Phục Sinh và Lên Trời, qua hồi Thương Khó và Tử Nạn.

Năm mầu nhiệm Mùa Vui hàm chứa cuộc sống mai ẩn của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Các mầu nhiệm này sẽ dạy chúng ta biết thánh hóa các thực tại cuộc sống bình thường của chúng ta. Năm mầu nhiệm Mùa Thương tiếp theo đưa chúng ta đến chỗ suy gẫm và sống lại những biến cố cuộc Tử Nạn. Các mầu nhiệm này dạy chúng ta biết thánh hóa đau khổ, bệnh tật, và thập giá trong đời sống. Qua năm mầu nhiệm mùa Mừng, chúng ta suy về những vinh thắng của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Các mầu nhiệm này đổ tràn ngập tâm hồn chúng ta niềm hoan lạc và hy vọng khi nghĩ đến vinh quang Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta, nếu chúng ta kiên trung đến cùng.

Bằng cách suy niệm những mầu nhiệm này, chúng ta đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Chúng ta cùng vui với Chúa Kitô khi nghĩ rằng Chúa cũng đã nhập thể làm người ở giữa chúng ta. Khi suy ngắm những chân lý này với tâm hồn đạo đức, chúng ta hãy hướng lời cầu nguyện của chúng ta lên, hợp với tâm hồn của Đấng đã sống mật thiết với Chúa Kitô trong thời gian Người tại thế. Như vậy, chúng ta từng bước sẽ yêu thích việc suy ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu. Kho tàng chân lý phong phú tiềm tàng trong những mầu nhiệm này mở ra trước mắt tâm trí chúng ta.9 Việc đọc kinh Mân Côi - qua đó chúng ta suy ngắm các mầu nhiệm, lặp đi lặp lại kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, với những lời chúc tụng Thiên Chúa chí thánh và thường xuyên kêu cầu Mẹ Thiên Chúa - là một hành vi tin, cậy, mến, tôn thờ và đền tạ liên lỉ.10

Vào thời thánh Đaminh, người ta thường chào kính Đức Trinh Nữ bằng việc xưng tụng tước hiệu hoa hồng, biểu tượng của vẻ đẹp và niềm vui. Những tượng ảnh của Mẹ được trang hoàng bằng các triều thiên hoa hồng để tượng trưng các hạt kinh Mân Côi. Khắp Giáo Hội, các tín hữu thường ca tụng Mẹ Maria là Vườn Hồng (tiếng Latinh là Rosarium). Danh từ chuỗi Mân Côi có nguồn gốc từ tập tục ấy.11 Chúng ta đừng quên mỗi kinh Kính Mừng là một bông hồng chúng ta dâng tiến Mẹ thiên đàng. Ước chi chúng ta đừng để những lời kinh ấy thốt ra trên môi miệng một cách vô hồn, vì thiếu lòng quí chuộng hoặc vì chia trí. Trước những ngãng trở trên đường đời, chúng ta đừng quên thứ vũ khí hiệu lực này. Chúng ta hãy đến bên Mẹ với lòng sùng kính này, khi chúng ta cảm thấy gánh nặng sự yếu đuối của bản thân: Lạy Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, con quá biết mình chỉ là một kẻ khốn nạn xấu xa, và tất cả những gì con có thể làm được chỉ là tăng thêm số tội mỗi ngày mà thôi. Hôm nọ, bạn cho tôi biết về cách bạn cầu nguyện cùng Đức Mẹ… Và tôi tin tưởng khuyên bạn hãy lần chuỗi Mân Côi. Phúc thay sự đơn điệu của những lời kinh Kính Mừng, vì nó sẽ thanh tẩy cái đơn điệu của những tội lỗi của bạn!12

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)