dongcong.net
 
 


NGÀY 27 THÁNG TÁM
THÁNH NỮ MONICA
Lễ Nhớ

Thánh nữ Monica sinh trong một gia đình có đạo tại Tagaste, miền Bắc Phi vào năm 331. Khi còn trẻ, ngài bị ép gả cho một người ngoại đạo tên là Patrick. Thánh nữ sinh được nhiều con, trong đó có Augustine, người con về sau đã trở lại nhờ lời cầu nguyện và than khóc của thánh nữ. Thánh Monica là tấm gương vĩ đại cho các bà mẹ Kitô Giáo. Thánh nữ qua đời tại Ostia, Ý, vào năm 387.

19.1 Cầu nguyện cho con là Augustine trở lại.

Phúc Âm hôm nay kể lại câu chuyện Chúa Giêsu cùng các môn đệ vào thành Naim và gặp một đám đông dân chúng. Khi đến nơi, Chúa gặp đám tang con trai của một bà góa. Khi thấy bà, Chúa động lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa.’ Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: ‘Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy.’ Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Chúa Giêsu trao anh ta lại cho bà mẹ.1 Phép lạ này vẫn được thực hiện nơi nhiều linh hồn. Nhiều người chết về phương diện thiêng liêng, không còn ơn nghĩa với Chúa, vẫn được hoán cải và phục sinh.

Suốt nhiều năm trời, Augustine, con trai của thánh nữ Monica, đã không sống trong ơn nghĩa Chúa, vì tội lỗi, nên đã chết về mặt ơn thánh. Vị thánh nữ chúng ta mừng kính hôm nay là một người mẹ tuyệt vời. Ngài đã dùng gương sáng, nước mắt, và lời cầu nguyện để xin ơn phục sinh về phương diện linh hồn cho con trai, để sau này trở nên một trong những vị thánh tiến sĩ vĩ đại nhất của Giáo Hội. Hơn nữa, đời sống trung thành với Chúa trong nếp sống hằng ngày của thánh nữ còn đem lại ơn hoán cải cho người chồng ngoại đạo là Patrick. Thánh Monica có một ảnh hưởng mãnh liệt trên tất cả những người trong gia đình. Thánh Augustine đã tóm tắt cuộc đời của mẹ mình bằng những lời này: Bà chăm sóc mọi người như thể là mẹ của họ hết thảy. Bà cũng phục vụ mọi người, như thể là con của họ hết thảy.2

Thánh nữ Monica lúc nào cũng nghĩ đến việc hoán cải con là Augustine. Ngài khóc lóc rất nhiều, kiên trì nài nỉ Thiên Chúa, và xin những người thiện chí khuyên bảo và thuyết phục con dứt bỏ đàng tội lỗi. Một ngày kia, thánh Ambrose, giám mục thành Milan, đã nói với thánh nữ những lời có sức an ủi cho các bậc cha mẹ suốt nhiều thế kỷ qua: Bà cứ ra về. Bao lâu bà còn sống, một người con của những giọt nước mắt như thế không thể nào hư mất được đâu.3 Tấm gương của thánh nữ Monica đã khắc sâu vào tâm hồn thánh Augustine, có lẽ về sau, khi nhớ về mẹ mình, thánh nhân đã viết: Bạn hãy làm mọi sự hết khả năng để đem lại phần rỗi cho những người trong gia đình bạn.4

Gia đình thực sự là một nơi thích hợp cho con cái lãnh nhận, phát triển, và phục hồi đức tin. Thiên Chúa vui lòng khi nhìn thấy gia đình Kitô hữu thực sự là một ‘giáo hội tại gia,’ một nơi cầu nguyện và truyền thụ đức tin, học tập gương sáng và cách sống đạo vững vàng của các thành viên lớn tuổi đã suốt đời kiên trung như một gia sản rất thánh thiện. Người ta nói thánh nữ Monica là ‘mẹ hai lần của thánh Augustine,’ bởi vì không những bà đã sinh Ausgustine về phần xác, mà còn sinh lại trong đức tin Công Giáo và đời sống Kitô hữu. Như thế, tất cả các bậc cha mẹ Kitô hữu đều được mời gọi hãy tái sinh con cái mình một lần nữa – về phương diện thiêng liêng, và về đời sống tinh thần trong Chúa Kitô.5 Các vị sẽ được lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa hai phần thưởng và hai niềm vui.

19.2 Truyền thụ đức tin tại gia đình. Đời sống đạo đức trong gia đình.

Các bậc cha mẹ đừng bao giờ coi nhẹ việc cầu nguyện cho con cái trong gia đình. Trong nhiều trường hợp, lời cầu nguyện có thể sinh hiệu quả rất chậm chạp, như trường hợp thánh Augustine. Tất cả những lời cầu nguyện trong gia đình rất đẹp lòng Chúa, nhất là khi được liên kết với những nỗ lực và một đời sống gương mẫu. Thánh Augustine nói về mẹ ngài: Bà cố gắng đưa chồng về với Chúa, bằng cách trình bày cho chồng biết Chúa qua các nhân đức mà Chúa đã trang điểm cho bà nên tốt đẹp, đáng cho chồng quí yêu và kính phục.6 Nếu chúng ta muốn hướng dẫn những người chung quanh đến với Chúa, trước tiên chúng ta phải có gương sáng và niềm vui. Những lời than trách, thái độ nóng nảy, chua chát không đem lại bao nhiêu, hoặc không đem lại kết quả nào cả. Thái độ nhẫn nại, an bình, vui tươi, kết hợp với lời cầu nguyện khiêm nhường và kiên trì, sẽ đem lại mọi sự.
Chúa sẽ dùng kinh nguyện, gương sáng, và tất cả những lời dạy của cha mẹ để uốn nắn tâm hồn con cái. Ngoài đời sống gương mẫu, vốn là một cách giáo dục liên lỉ, các bậc cha mẹ còn phải dạy cho con cái biết sống với Thiên Chúa một cách thực tế, nhất là trong những năm tháng thiếu thời, ngay khi chúng chưa biết bập bẹ. Con cái sẽ quen với những lời kinh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những lời kinh ngắn gọn, dễ hiểu, có sức gieo vào tâm hồn chúng những hạt mầm để sau này phát triển thành một lòng đạo đức vững vàng. Con cái sẽ quen với những lời than thở, những câu kinh sốt sắng cầu nguyện cùng Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và thánh Cả Giuse, những lời thân mật với các thiên thần bản mệnh. Dần dần, theo dòng năm tháng, chúng sẽ quen với việc chào kính các tượng ảnh Chúa Mẹ, biết đọc kinh trước và sau bữa cơm, biết cầu nguyện trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Các bậc cha mẹ đừng bao giờ quên, trước tiên, con cái họ là con cái của Thiên Chúa. Vì thế, họ cần dạy cho chúng biết sống đúng với địa vị ấy.

Giữa bầu khí vui tươi, đạo đức, và nhiều nhân đức nhân bản được thực hành – như chuyên cần, điều độ, và biết quan tâm đến người đau khổ – ơn thiên triệu tự nhiên sẽ xuất hiện. Đây chính là phần thưởng và danh dự lớn nhất mà các bậc cha mẹ có thể lãnh nhận ngay ở đời này. Đức Gioan Phaolô II kêu gọi các bậc cha mẹ hãy kiến tạo một môi trường nhân bản và siêu nhiên để khuyến khích ơn thiên triệu. Ngài nói: Mặc dù trong thời buổi các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con cái anh chị em bị lôi cuốn vào các thói xấu của thời nay, nhưng anh chị em đừng thất vọng. Chúng luôn luôn nhìn vào anh chị em, để xem anh chị em đáp ứng những lời mời gọi của Chúa Kitô như một sự trói buộc hay như một cuộc gặp gỡ vui tươi trong cuộc sống, như một niềm vui hoặc như một nguồn sức mạnh trong các công việc hằng ngày. Nhưng trên hết, anh chị em đừng bỏ bê cầu nguyện. Hãy nhớ lại thánh nữ Monica với những ưu tư và những lời kinh nguyện tha thiết khi con trai là Augustine, người sau này trở thành một giám mục và đại thánh, đang xa lạc con đường của Chúa Kitô. Hôm nay cũng có rất nhiều bà mẹ ở trong hoàn cảnh như thánh nữ Monica. Không ai có thể cám ơn họ cho đủ về những gì họ đã làm qua việc cầu nguyện và hy sinh cho Giáo Hội và cho Nước Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa trả công cho họ về điều ấy. Nếu như sự chấn hưng Giáo Hội tùy thuộc phần lớn vào các linh mục, thì cũng tùy thuộc phần lớn vào các gia đình, và đặc biệt là các phụ nữ và các bà mẹ.7 Họ có thể làm được rất nhiều trước mặt Chúa và cho gia đình họ.

19.3 Cầu nguyện trong gia đình.

Nếu lời cầu nguyện của thánh nữ Monica trong tư cách một bà mẹ đã làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì lời cầu nguyện của toàn thể gia đình còn đẹp lòng Người đến đâu. Đức Gioan Phaolô II viết, Lời cầu nguyện gia đình có những đặc điểm riêng. Lời cầu nguyện ấy cùng được người chồng và người vợ, cha mẹ và con cái, hợp nhất với nhau để thực hiện. Lời Chúa hứa rằng Người sẽ hiện diện giữa chúng ta có thể áp dụng đặc biệt vào các phần tử của một gia đình Kitô Giáo: ‘Thầy nói thật với các con, nếu ở dưới đất, hai ba người trong các con hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ’ (Mt 18:19).8 Qua việc cầu nguyện chung, các thành viên gia đình có thể trở thành một sức mạnh lớn lao, vì ở giữa họ có Thiên Chúa.

Điểm chính của lời cầu nguyện gia đình là chính cuộc sống gia đình: những niềm vui và nỗi buồn, những hy vọng và thất vọng, những lần sinh hạ và những lần mừng sinh nhật, những dịp kỷ niệm ngày thành hôn của cha mẹ, những lần lên đường, những lần chia tay, những ngày trở về, những quyết định quan trọng và khó khăn, việc qua đời của một người thân, v.v… Những giờ phút ấy đánh dấu sự can thiệp đầy yêu thương của Thiên Chúa vào lịch sử gia đình. Những biến cố ấy phải được coi như những giờ phút thích hợp để tri ân, cầu xin, và phó thác gia đình vào tay Cha trên trời. Phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Kitô Giáo như một giáo hội tại gia có thể đạt được nhờ sự phù trợ không ngừng của Thiên Chúa, một điều sẽ được ban tặng qua lời cầu nguyện khiêm nhượng và tín thác.9

Tâm điểm của gia đình Kitô Giáo là Thiên Chúa. Vì thế, bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó hiểu theo quan điểm nhân loại, cũng đều có thể hiểu được là do Thiên Chúa ban phép để mưu ích cho mọi người. Như vậy, bệnh tật hay chết chóc, một hài nhi dị dạng hoặc bất kỳ thử thách nào khác, đều được nhìn bằng con mắt siêu nhiên. Những sự thể này đừng dẫn đến chán chường hay cay đắng, nhưng gia tăng niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, và phó thác vào bàn tay Cha trên trời.

Hôm nay, chúng ta nhờ thánh nữ Monica xin cho chúng ta ơn được kiên trì trong cầu nguyện như ngài. Ước chi thánh nữ phù trợ tất cả các gia đình biết giữ gìn kho tàng lòng đạo đức trước những thói xấu ngày nay đang lan tràn. Ước chi hoàn cảnh nào cũng đưa chúng ta đến chỗ quyết tâm nhìn nhận Thiên Chúa là tâm điểm của mọi gia đình, khởi đầu là gia đình chúng ta. Như thế, đời sống gia đình sẽ là một tiền cảm của hạnh phúc thiên đàng.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)