dongcong.net
 
 


NGÀY 29 THÁNG TÁM
THÁNH GIOAN TẨY GIẢ CHỊU TỬ ĐẠO
Lễ Nhớ

Thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh duy nhất được Giáo Hội kính nhớ vào cả dịp sinh nhật và tử đạo của ngài. Vị tiền hô của Chúa Kitô đã dạy cho chúng ta bằng tấm gương can trường anh dũng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời, bất chấp mọi trở ngại.

21.1 Sự can trường của thánh Gioan Tẩy Giả.

Lạy Chúa, con sẽ nói lên chứng tri của Người trước mặt vua chúa mà chẳng thẹn thuồng; con vui mừng vì các lệnh truyền Người ban, con yêu quí chúng vô cùng.1
Giáo Hội mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng Sáu. Giáo Hội còn ghi nhớ dies natalis, ngày thánh nhân được sinh vào Nước Trời, tức là ngày tử đạo của ngài. Vua Hêrôđê, như thánh sử Marco kể lại, đã hạ lệnh xử trảm thánh nhân. Hêrôđê là một trong những nhân vật đánç thương hại nhất trong Phúc Âm. Ông cai trị vào thời kỳ Chúa Giêsu công khai rao giảng và tỏ mình là Đấng Cứu Thế muôn dân đợi trông, và ông đã được gặp mặt vị tiền hô của Chúa. Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu, ‘Đây là Con Chiên Thiên Chúa’ cho các môn đệ của ngài. Hêrôđê cũng vui lòng nghe Gioan nói.2 Đáng lý nhà vua cũng đã gặp được Chúa Kitô, Đấng mà ông khao khát được đích thân gặp mặt, nhưng ông đã phạm một tội tày đình là đã xử trảm vị có sứ mạng làm chứng về Đấng Cứu Thế. Thói xấu và nhục dục đã đưa ông đến tội ác ghê tởm, và cản trở không cho ông nhận ra Chân Lý. Cuối cùng, Hêrôđê cũng gặp được Chúa Kitô, nhưng ông đã khinh dể Chúa trời đất và đề nghị Người làm một phép lạ giúp vui cho ông và bọn quần thần.3

Gioan Tẩy Giả rao giảng cho mọi người, trong những hoàn cảnh xã hội riêng biệt của họ. Ngài đã giảng cho những người dân bình thường, những người thu thuế, những binh lính,4 những người biệt phái, những người Saducees,5 và cả cho vua Hêrôđê. Qua đời sống liêm chính, khổ hạnh và khiêm nhượng, thánh nhân đã minh chứng Đấng Cứu Thế sẽ đến.6 Thánh nhân đã cảnh cáo vua Hêrôđê: Nhà vua không được phép lấy chị dâu.7 Ngài không sợ những kẻ thế lực quyền uy, không coi sao những lời đe dọa. Thánh nhân ghi khắc trong tâm hồn lời Chúa nói với ngôn sứ Jeremiah mà chúng ta đọc trong bài đọc Một hôm nay: Còn ngươi, ngươi sẽ nai lưng, ngươi sẽ đứng dậy mà nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền dạy ngươi. Đừng sợ hãi trước mặt chúng, kẻo trước mặt chúng, Ta sẽ bắt ngươi phải hãi sợ. Phần Ta, nay Ta đặt ngươi làm một thành trì, làm trụ sắt, làm tường đồng cự lại cả xứ, cự lại các vua Giuđa, các khanh tướng của nó, cự lại hàng tư tế và dân trong xứ. Chúng sẽ tuyên chiến với ngươi, nhưng chúng sẽ không làm gì được ngươi, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.8

Chúa muốn chúng ta sống mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh. Người muốn chúng ta có cuộc sống và lời nói gương mẫu để trở nên chứng nhân cho tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội, không nao núng vì sợ hãi hoặc vị nể người đời.

21.1 Cuộc tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả.

Thánh Marco kể lại sự kiện vua Hêrôđê đã bắt Gioan và tống giam vào ngục vì Herodias, vợ của anh vua là Philip, mà vua đã lấy làm vợ.9 Bà này căm hận Gioan vì ngài đã cảnh cáo nhà vua về cuộc hôn nhân không hợp pháp của họ như một gương mù kinh khủng. Nhưng, vua Hêrôđê vẫn thích nghe Gioan nói. Vua viết Gioan là người công chính thánh thiện, vua kính sợ và che chở cho ngài. Tuy nhiên, dịp thuận tiện của Herodias đến, khi đức vua tổ chức tiệc sinh nhật và mời những người vị vọng đến dự. Con gái của Herodias ra nhảy múa trước mặt mọi người, làm vui lòng Hêrôđê và các quan khách. Đức vua liền thề hứa: Con hãy xin bất cứ điều gì con muốn, trẫm hứa sẽ ban, cho dù nửa nước cũng được. Được mẹ nói cho, thiếu nữ ấy đã xin thủ cấp của Gioan Tẩy Giả. Vua buồn sầu, nhưng vì không muốn làm phật lòng thiếu nữ và vì lời thề hứa cùng quan khách. Các môn đệ của Gioan Tẩy Giả sau đó đã đến lấy xác thầy mình và mai táng. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành môn đệ trung thành của Chúa Kitô.

Gioan Tẩy Giả đã tận trung với Thiên Chúa. Ngài đã cống hiến toàn bộ sức lực để chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế đến. Sau cùng, ngài đã hiến chính mạng sống. Thánh Bêđa tiến sĩ nói: Gioan Tẩy Giả quả thật đã chịu cảnh tù tội và xiềng xích xứng đáng là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế. Mặc dù vua Hêrôđê không đòi thánh nhân phải chối Chúa, nhưng đã ra sức làm cho thánh nhân phải im tiếng trước sự thật. Vì vậy, chúng ta có thể xác quyết rằng vị tiền hô đã được phúc tử vì đạo

Khi cái chết đã gần kề, các vị tử đạo coi như một diễm phúc nếu được chấp nhận cái chết để tuyên xưng danh thánh Chúa Kitô, hầu xứng đáng với phần thưởng cuộc sống muôn đời. Vì thế, thánh Phaolô Tông Đồ đã có lý khi nói: ‘Anh chị em không những được đặc ân khi tin vào Chúa Kitô, mà còn được vì Ngài mà chịu đau khổ nữa.’ Thánh nhân cho chúng ta biết vì sao - đối với những người ưu tuyển - chịu đau khổ vì Chúa Kitô lại là một ân huệ: ‘Những khốn khó đời này không là gì nếu sánh với vinh quang đang chờ được tỏ ra cho chúng ta ở đời sau.’10

Trải qua dòng các thế kỷ, các môn đệ thân thiết của Chúa Kitô đã vui mừng trong bách hại gian truân, thử thách và những khốn khó khôn lường vì đức tin: Sau khi chịu đánh đòn, họ vui mừng khôn tả, các tông đồ ra khỏi hội đồng cộng tọa, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu.11 Các ngài không hề sợ hãi, Mỗi ngày trong Đền Thờ và tại tư gia, các ngài không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô.12 Các ngài nhớ lại lời Chúa Giêsu đã được thánh Matthêu ghi lại: Phúc cho các con khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật trọng hậu. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước các con cũng bị người ta bách hại như thế.13

Phải chăng chúng ta đã hốt hoảng hoặc phàn nàn, nếu như đôi lúc chúng ta phải chịu đau khổ vì trung thành với ơn gọi Chúa đã dành cho chúng ta?

21.3 Vui tươi chịu đựng khốn khó.

Lịch sử Giáo Hội cho thấy tất cả những ai theo bước Chúa Kitô đều phải trải qua những giờ phút gian truân và đối diện với thập giá. Lên núi Canvê và đồng công với Chúa Giêsu không phải là con đường dễ dãi và thoải mái. Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, thánh Phêrô đã viết một bức thư cho các tín hữu để an ủi họ giữa cảnh khốn khổ. Không phải lúc nào cũng có các cuộc bách hại đổ máu, nhưng các hoàn cảnh trắc trở mà nhiều tín hữu gặp phải lại phát xuất từ việc phải sống sao cho phù hợp với đức tin. Đối với một số người, nghịch cảnh phát xuất từ gia đình: giới nô lệ phải chịu những bất công vì giới chủ nhân,14 và phụ nữ phải gánh chịu đau khổ từ chồng con của họ.15 Đối với một số khác, họ phải chịu vu khống, phân biệt đối xử, hoặc những thảm cảnh tương tự.

Thánh Phêrô nhắc cho các tín hữu rằng những gian nan họ gặp phải không hề vô nghĩa, nhưng góp phần thanh luyện họ. Đau khổ chỉ có ý nghĩa theo phán đoán Thiên Chúa, chứ không phải theo phán đoán con người. Để noi gương Chúa Kitô, chúng ta phải nhớ rằng, giữa nghịch cảnh, chúng ta có thể xin được rất nhiều ơn thánh cho chúng ta và cho những người bách hại chúng ta, kể cả ơn đức tin, như chúng ta thường thấy đã xảy ra trong quá khứ. Thánh Phêrô gọi những người chịu bách hại là những người diễm phúc và khuyến khích họ hãy vui tươi chịu đau khổ. Thánh nhân mời gọi họ hãy nhớ rằng, qua bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu đã được tháp nhập vào Chúa Kitô và thông dự mầu nhiệm Phục Sinh. Giữa khổ đau, mỗi người đều có thể chia sẻ cuộc thương khó, tử nạn, và phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng làm cho thập giá hằng ngày của chúng ta sinh hoa kết quả.16

Từ thời thánh Gioan Tẩy Giả đến nay đã có vô vàn tín hữu hiến dâng mạng sống vì trung kiên với Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã khơi dậy lòng nhiệt thành nơi các môn đệ của Người. Sự kết hợp khắng khít với Chúa sẽ đem lại niềm tin tưởng. Những lợi ích này đã tạo nên một niềm tin sống động nơi các tín hữu tiên khởi, làm cho cuộc sống của họ có một sức mạnh và sự liên đới. Những phẩm chất này hiện vẫn được bảo tồn trong cộng đồng các tín hữu. Kitô Giáo đã sinh ra những thành quả phong phú và tuyệt vời ngay từ ban đầu. Chúa Kitô đã mừng vui vì lịch sử hai ngàn năm qua. Bất chấp sự chống đối bên ngoài và sự phản kháng bên trong, đức tin đã thấm nhập thâm sâu vào các tâm hồn và đã tạo một ảnh hưởng lớn rộng trên thế giới. Giáo Hội ngày nay là nơi bảo toàn cho mọi giá trị cao quí và thánh thiêng. Giáo Hội đã vượt qua cuộc thử thách thời gian - mà Gamaliel đã nói - với sự thành công đáng kinh ngạc (Cv 5:28). Nếu Giáo Hội chỉ là công trình nhân loại, thì chắc chắn đã bị tiêu diệt từ lâu rồi.17 Chúng ta có thể nhìn thấy sức mạnh của niềm tin và lòng mến Chúa Kitô đang hoạt động nơi chúng ta và hàng triệu người khác đã tuyên xưng vào Người, mặc dù nhiều khi có những phản kháng kinh hồn.

Rất có thể Chúa không đòi chúng ta phải đổ máu để làm chứng cho đức tin. Nhưng nếu Chúa muốn, chúng ta cũng vui mừng cộng tác với ơn Chúa. Tuy nhiên, bổn phận thường ngày của chúng ta là luôn vui tươi sống giữa môi trường ngoại giáo, bất chấp vu khống, chế giễu, hoặc khinh khi. Niềm vui của chúng ta khi ấy sẽ chan chứa ngay ở đời này và sẽ tăng bội trên thiên đàng.

Chúng ta phải luôn nhìn các vấn đề dưới ánh sáng tích cực. Hãy làm sao để các trở ngại chỉ làm cho bạn trở nên lớn lao hơn. Ơn Chúa không thiếu. ‘Giữa những ngọn núi cao, vẫn có dòng nước chảy qua.’ Bạn sẽ vượt qua những ngọn núi!’18 Nhưng chúng ta cần phải có một đức tin sắc bén và sống động, một đức tin như đức tin của thánh Phêrô. Chúa đã nói, khi chúng ta có đức tin ấy, chúng ta có sức chuyển dời núi non, đó là những trở ngại không thể vượt qua - xét theo con người - hằng trổi dậy cản trở các công cuộc tông đồ của chúng ta.19

Hơn nữa, ơn an ủi của Chúa không bao giờ thiếu. Nếu có khi nào việc bước theo Chúa Giêsu trở nên quá khó khăn, chúng ta hãy đến nương náu nơi Mẹ chí thánh, Mẹ Phù Hộ các tín hữu. Mẹ sẽ chở che và bảo bọc chúng ta trong áo choàng của Mẹ.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)