dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Mùa Chay Thánh
 
 
 
<<<    

Vài khuôn mặt của tội

Mạc khải không mang lại những từ ngữ hay những ý nghĩa mới cho những danh từ đã được thông dụng. Tự nó, mạc khải cho ta thấy sự hiện hữu của Chúa Cứu Thế và mối tương giao giữa con người và Thiên Chúa do tình yêu nhưng không của Ngài. Mạc khải một trật là sự hiện dịên của Thiên Chúa cho con người và của con người cho Thiên Chúa, nghĩa là bày tỏ và phát triển trong thời gian mối tương quan liên kết con người với Thiên Chúa.

Phân tích mối tương giao đó sẽ soi sáng cho sự hiểu biết của chúng ta về TỘI (hơn là đi tìm giải thích các ý niệm về TỘI). Trong bài này, chúng ta thử làm công việc đó bằng cách giải thích, phân biệt một số bản văn của Kinh thánh để thử nhìn vài khuôn mặt của TỘI, trong ý hướng đề nghị một vài suy nghĩ về một vấn đề hệ trọng có liên quan mật thiết đến đời sống thường nhật của người Kitô hữu.

Tội như là bội tín trong Cựu ước

Trong Cựu ước, các hạn từ dùng để diễn tả tội đưa ta về hai hướng mà chúng ta có thể tóm tắt như sau:

1. Hạn từ thường gặp là chữ “hatà”, có nghĩa là làm hỏng, phá hỏng một đích điểm, không đạt được cứu cánh, mục đích. Từ ý nghĩa căn bản đó, người ta đi dần tới quan niệm có tính cách “luật lệ” về Tội: Tội là đi ra ngoài luật lệ bắt buộc, vi phạm một khoản luật nào đó. Nghĩa là: Tội xuất hiện như một lỗi lầm con người mắc phải, phạm phải; một vi phạm luật lệ của Thiên Chúa.

2. Hạn từ thứ hai ta cũng thường gặp để biểu thị Tội là hạn từ “pésha” có nghĩa là chống đối lại Thiên Chúa, cố ý đoạn tuyệt các mối tương quan t hanh bình, chính trực phải có giữa con người và Thiên Chúa. Tội là bẻ gãy một quan hệ tình yêu, là bất trung, bội tín của con người đối với Thiên Chúa.

Như thế trong Cựu ước, Tội khi thì được cảm thấy như là vi phạm lề luật, khi thì được cảm thấy như là đoạn tuyệt với Giao ước. Mà chúng ta thấy rằng Lề luật thì mật thiết tương quan với Giao ước, nghĩa là Lề luật xác định, cụ thể hoá và nói lên những đòi hỏi của Giao ước. Vì thế mà Giao ước sẽ trừu tượng, vô thực nếu Giao ước không bắt nguồn, đâm rễ trong Lề luật. Tóm lại, và đây là những nét điển hình, Tội là vi phạm và bội tín, là bất tuân và thiếu tình thương.

Trong Cựu ước, câu chuyện hai ông bà Nguyên tổ sa ngã là một bản văn nói được là phong phú nhất để diễn tả sự xung đột của mối tương giao giữa con người và Thiên Chúa.

Cái thân phận nguyên thủy của con người là sống mối tình bằng hữu và tâm phúc với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sáng tạo con người vì tình yêu (St 11:24) và thông ban cho con người tất cả những gì tốt đẹp mà không giữ lại gì cả. Để đáp lại mối tình dâng hiến đó, chỉ cần giữ có mỗi một điều kiện, và là một điều kiện không có gì là độc đoán, bất công, bởi lẽ đó là một điều kiện phải có, tối thiểu, cần và đủ để biểu thị tình trạng thực sự tương hỗ của hai người bạn! Thiên Chúa cho con người biết ước muốn của Ngài, và ước muốn đó có tính cách luật lệ: “Ngươi được ăn mọi thứ cây trong vườn, nhưng cây ‘tri thiện ác’ thì ngày nào ngươi ăn vào, ngươi sẽ phải chết” (St 2:16-17). Dĩ nhiên đó là lối nói bằng biểu hiệu, và cái biểu hiệu đó cho thấy rằng Thiên Chúa có một cái gì đó “hơn” con người, bởi vì Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, nghĩa là có quyền phép mà con người phải chấp nhận và công nhận với tư thế là “con”.

Khi Adong quyết định cho kỳ được “sự lành sự dữ”, ông đã vì kiêu ngạo mà chống lại quyền làm Cha của Thiên Chúa, ông không chịu công nhận cái “hơn” đó và lấy ưjsc muốn làm chủ số phận của mình mà không cần phải trả lẽ với ai cả. Cho nên do Tội mà con người bất tuân Lời của Cha, lấy ước muốn của mình làm luật tối hậu cho hành động của mình, và như thế con người đã bẻ gãy mối tương giao tình yêu và tâm phúc: Tội xuất hiện như là từ chối cái thân phận làm con là yêu mến và tuân phục.

Cái hệ lụy của Tội là sự sợ hãi. Con người tội lỗi cảm thấy mình không có quyền sống một cách tự do dưới cái nhìn của Cha, và tìm cách lẩn trốn cái nhìn đó. Sự đào tẩu, trốn tránh đó nói lên cái xao xuyến của tình cảm có tội do ý thức rằng mình đã tiếm quyền và chiếm đoạt vị trí riêng biệt của Cha mình, do đó sợ người Cha trả đũa, tức lấy thái độ bạo động của mình gán cho Cha mình. Tội đã bóp méo hình ảnh Thiên Chúa trong tri thức người con. Thiên Chúa không còn được nhìn nhận như là Cha mà như là đối thủ đáng lo ngại. Con người không còn tin ở lời Chúa như là lời mời gọi yêu thương. Và bản văn kết thúc bằng lời hứa đầu tiên về sự Cứu rỗi (St 3:15).

Tội trong Tân ước

Trong các dụ ngôn và qua những lời nói của Đức Kitô, trước hết, chúng ta thấy Tội xuất hiện như sự làm trở ngại, che giấu sự hiện diện của Thiên Chúa; thay vì khám phá, làm cho sáng tỏ sự hiện diện đó thì lại làm cho lời mời gọi của Chúa bị lãng đi, tiếng vọng của lời mời gọi đó không vang lên được.

Trong dụ ngôn “Ông chủ nhà mời khách dự tiệc cưới của con” (Lc 14:1-20), các lời thoái thác của kẻ được mời: “Tôi mới tậu ruộng, nhất thiết phải đi thăm,” “Tôi mới tậu năm cặp bò, phải đi thử,” “Tôi mới cưới vợ...” thực ra là những hành động tự nó, có thể biện chính được, và lý sự có thể không có gì là nghịch lý. Lỗi không phải ở tại cái kết cấu của những sinh hoạt đó mà ở tại sự kiện từ các hành động, các sinh hoạt đó là những bình phong ngăn cản tiếng gọi, lời mời của Nước Trời không vọng được đến những người nghèo khó (chứ không phải đến những người có thể tậu đất, lấy vợ, quản trị của cải...), và đến với họ như một dâng hiến chứ không phải như là sản phẩm có thể mua lấy hay chiếm đoạt được. Đó cũng là những sinh hoạt châm rễ trong cái “ngày nay”, và như thế là những sinh hoạt hữu ích, tốt đẹp. Cái rạn nứt là ở chỗ sống các sinh hoạt đó mà không nghi ngờ, lo ngại gì cả về một điều gì đó có tính cách quyết định sẽ đến hay một người nào đó mà sự hiện diện có thể làm xáo trộn và phân ly cái thường nhật, tùy cái thường nhật đó rộng mở hay khép kín đối với cái đột biết đột xuất có thể xảy đến.

Như thế, Tội xuất hiện như sự không quan tâm đến điều thiết yếu, là thiếu thức tỉnh đối với sự Chúa đến, là chọn thứ của cải tuy là chính đáng, hơn là của cải Chúa đề nghị cho, đó là một thứ thiếu sáng suốt đã bị tố cáo trong dụ ngôn người Samaritanô tốt lành, hay trong dụ ngôn về ông Lagiarô nghèo đói: Tội của người tư tế hay linh mục hay của người phú hộ không chỉ ở tại chỗ không làm gì cả mà còn là, và nhất là, chính ở chỗ không thấy gì phải làm, ngay cả ở chỗ không thấy gì để làm. Đó cũng là lời chữa lỗi của các kẻ bị cáo nhân ngày chung thẩm nói ở Mt 25:44 “Nào chúng tôi có thấy...”

Tội còn xuất hiện như từ chối thân phận làm con trong dụ ngôn “Người con trai phung phí” (Lc 15:11-32). “Con không xứng đáng được gọi là con cha nữa.” Tưởng cần quảng diễn đoạn văn này vì toàn thể mang ý nghĩa chứ không riêng đoạn kết thúc.

Tất cả những lời người Cha nói với anh con cả biểu thị được cái thân phận bình thường của con người trước Thiên Chúa. Thân phận đó là sự chia sẻ, san sẻ toàn diện và tương hỗ những gì làm nên cuộc đời của đôi bên: “Con ơi, con ở cùng cha, mọi sự của cha cũng là của con” (câu 31). Và ngược lại, sự thông hiệp yêu đương đó làm phát sinh sự sẵn sàng của con đối với cha. Sự sẵn sàng đó được biểu thị bằng những lời phục vụ và tuân phục qua câu29: “Ôi con phụng dưỡng cha đã bao nhiêu năm...”

Từ đầu đến cuối, ta thấy dụ ngôn phân biệt thân phận của kẻ làm con và thân phận của kẻ tôi đòi hay người làm công. Từ đầu đến cuối dụ ngôn, ta thấy rõ sự tuân phục của đôi bên không mang chung cùng một hình thái: người con cả của ông già, người ở lại phụng dưỡng cha, một trật vừa là không gì cả vừa là tất cả đối với cha. Cái khác nhau giữa hai hình thái tuân phục giữa người con và kẻ tôi đòi là người con chịu lụy vì yêu chứ không vì cưỡng bách, không vì miếng cơm, manh áo, vì số tiền công như người tôi đòi, kẻ làm thuê. Nghĩa là con tuân phục vì dâng hiến chứ không vì quyền lợi là hình thái tuân phục của kẻ tôi đòi.

Tội của người con thứ, người con hoang đàng, phung phí là bẻ gãy, làm đứt mối dây thông hiệp tình yêu và chia sẻ tương hỗ thường nhật. Người con thứ đòi phần của anh ta mà không nghĩ đến phần bù trừ, anh ta chiếm lấy hết quyền làm chủ của cải, anh ta muốn tự quản lý của cải của anh ta mà không chịu phục vụ cha cũng như không chịu “tính sổ” cho cha và với cha. Anh chọn chiếm đoạt một số của cải hạn định làm của riêng rẽ cho anh, của anh hơn là có tất cả trong tương quan san sẻ thường xuyên. Mối tương giao với Thiên Chúa từ nay được quan niệm như là một mặc cả đặt căn bản trên sự công bình giữa người với người, nghĩa là trên sự định giá, phân chia của cải của gia đình để rồi do dự phân chia đó, loại bỏ hay làm vẩn đục bầu khí thoả thuận, hiệp nhất của gia đình. Mối tương giao với Thiên Chúa không còn là một chờ đợi ân sủng (dâng hiến) vô giá, vô hạn ta nhận được của Thiên Chúa bằng cách sống thông hiệp với Ngài.

Tội tức là đi ra ngoài chế độ dâng hiến để hạ chết độ đó xuống ngang hàng với quyền lợi, là thay thế giao ước bằng một thoả hiệp thương thuyết với tư thế kẻ cho.

Để đạt được tự trị, người con thứ như thể thoát ly sự hiện diện của cha bằng cách bỏ nhà đi tha phương cầu thực. Tội kéo theo sự ích kỷ, bất phục tùng, kéo theo sự xa cách đối với cha: đó là những hệ lụy của Tội bởi vì Tội trước hết đâm rễ, “cắm dùi” trong một ước muốn kiêu căng của sự tự mãn. Do một ý muốn bất phục tùng mà con người trở thành tội nhân bằng cách tuyệt đối hoá cái “tội” của mình.

Tội là kinh nghiệm bị lừa gạt làm cho con người cảm thấy sự thất bại của một ước muốn huyền ảo chỉ đem con người đến nỗi khổ tâm của cô đơn. Cái làm cho con người tội lụy đau khổ chính là nỗi cô đơn. Con người tội lụy như bị mất trong cô đơn: không có đường thông qua, không có lối vào Thiên Chúa, và do đó, với tha nhân. Cậu trai hoang đàng phung phí bị đói lả là vì không có người thân ở gần cậu để chia sẻ, san sẻ miếng cơm, manh áo với cậu. Cho nên sự hệ trọng là cái hình thái của mối tương giao giữa con người và Thiên Chúa. Thật vậy, khi cậu trai hoang đàng ý thức được cuộc phiêu lưu vô vọng của mình thì điều cần cảm thấy chính là sự đổ vỡ của mối tương quan đó: “Thưa cha, con có tội cùng Trời và với cha” (câu 21). Nhờ hối hận mà con người tội lụy thấy rằng mình đã phạm tội tối với cha mình và đã mất địa vị làm con: “Con không đáng gọi là con cha nữa” (câu 21), cho nên cậu ta quyết định trở về cùng cha, trở về một cách sáng suốt, từ tốn và nhất là lưu tâm, để ý tới người khác (con lỗi nghĩa đối với cha), những thái độ ngược hẳn với ích kỷ, vô tư lự của sự đoạn tuyệt lúc ban đầu là lúc con người quyết định đòi của để ra đi chỉ nghĩ đến chính mình mà không để ý, cần gì đến tha nhân yêu thương cậu ta.

Trong khi người con còn xa xa, thì người cha đã động lòng thương, ông đi đến gặp con, “ôm lấy con mà hôn”, không cần đến sự thú lỗi của con hay đúng hơn không để ý đến sự thú lỗi của con, không thắc mắc hạch xách, trái lại tức khắc cho dọn tiệc mừng cuộc hội ngộ.

Niềm vui to lớn của người cha gặp lại con còn sống cho ta thấy cái huyền nhiệm của ơn tha thứ của Thiên Chúa: người cha không oán trách gì cả, không có cái tình cảm tự mãn cho rằng mình đã thấy trước sự thất bại đó của đứa con bội bạc, cũng không cảm thấy sự khinh miệt nào đối với con, bởi lẽ không khi nào ông nghi ngờ sự chân thật của tình yêu của con ông đối với ông. Ông chỉ tỏ ra nhạy cảm ở hai điều là con ông đã đau khổ, suýt chết và bây giờ đây con ông còn sống.

Cho nên sự tha thứ là mối thương tâm và nỗi vui sướng của Thiên Chúa đối với con người, đồng thời là một dâng hiến thông hiệp và yêu thương đã được làm mới lại.

Cuối cùng chúng ta sẽ không, hay khó, hiểu Tội là gì nếu bỏ qua không phân tích sự nhập thể của tình yêu của Thiên Chúa, bởi lẽ sự nhập thể đó đồng thời là câu trả lời và là mạc khải của tội.

Muốn hiểu Tội của con người, nhất thiết phải suy niệm, phải ngắm nhìn các khuôn mặt của tình yêu nơi Chúa Kitô qua đời sống, cái chết, và sự sống lại của Người. Bởi vì mỗi giai đoạn của cuộc sống, sự thụ nạn, và sự phục sinh đó làm nổi bật tội của chúng ta, bằng cách cho thấy rõ Chúa đã gánh chịu hết các hệ lụy của tội của chúng ta và Ngài đã hoán cải ý nghĩa của Tội. Nơi Chúa Giêsu, chẳng những ta nhận ra Đấng Cứu Thế mà còn là một người như muôn người khác trong chúng ta, và chính ở cách Ngài nhận lấy thân phận của con người mà Chúa Giêsu cho ta thấy rõ tội của con người, đồng thời Ngài loại trừ tội lỗi.

Đời sống Chúa Giêsu cho ta thấy Ngài là một người như những người đương thời, không gì “khác người”, bởi vì Ngài chia sẻ các dữ kiện các đời sống thường nhật của chúng ta như chúng ta. Trong suốt những năm ở Nagiarét, Ngài là một người thường như trăm ngàn người dân làng đó, đến độ không ai trong số đồng bào Ngài nhận ra Ngài, cũng như chính Ngài không làm gì, nói gì khác lạ để lưu tâm, kéo chú ý của người khác về mình để đề cao mình. Đời sống của Ngài thật là bình thường. Chính vì chấp nhận thân phận đó mà Chúa Giêsu đã gánh nhận tất cả hệ lụy của Tội: sống đời lao lực và nghèo khó của một người nay đây mai đó, không có đến cả cục đá để gối đầu. Nói được suốt cuộc sống của Ngài là một thử thách liên tục: từ chỗ sinh ra nghèo nàn qua sa mạc cằn cỗi đến vườn cây dầu đìu hiu, với một cơn hấp hối vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Ý nghĩa cuộc thử thách liên tục đó là để cho ta thấy rằng luôn luôn Chúa Giêsu chọn Thánh Ý Cha Ngài hơn là theo ý muốn sống và thành công riêng của Ngài.

Qua cuộc đời đó, Chúa Giêsu mạc khải cho ta thấy ý nghĩa của tình yêu. Sở dĩ Ngài chấp nhận sự thử thách đó là vì muốn phục vụ và san sẻ huynh đệ. Nếu Ngài đã chọn làm người như muôn vàn người khác và cho người khác là do chính tình yêu thúc đẩy Ngài đồng hoá với chúng ta (ngoại trừ tội lỗi). Nếu Ngài là chứng nhân trung thành của Chúa Cha, phải từ bỏ chính mình để hoàn thành sứ mệnh của Chúa Cha, là bởi Ngài yêu mến đam mê Cha Ngài. Tình yêu đó cho ta thấy bộ mặt của tội chúng ta: do mỗi nét tình yêu của Ngài đối với Cha Ngài cũng như đối với chúng ta, Ngài tố cáo, đồng thời đẩy lui Tội xuất hiện như ích kỷ và kiêu căng, ước muốn sống tuyệt đối.

Chúa Giêsu chia sẻ thân phận con người đến mức hạn cuối cùng. Ngài thông hiệp với điều kiện bi đát nhất của thân phận đó: chấp nhận chịu nạn và chịu chết. Và như thế Ngài đã hoàn thành một cách tuyệt hảo nguyện vọng sống gần gũi huynh đệ và thầm lặng bên cạnh và với con người.

Trong cuộc hành trình đi đến thông hiệp đó, Chúa Giêsu cảm thấy trong chính da thịt Ngài những dấu hiệu, những nhãn hiệu do Tội dán vào: đó là niềm cô đơn và nỗi ưu tư. Trong cuộc sống của con người, bao giờ cô đơn và ưu tư cũng gọi nhau, đi đôi với nhau. Khi con người đối diện, chạm mặt với đau khổ, với đe doạ của tử thần, con người đâm ra ưu tư bởi lúc đó con người khám phá ra cái cô đơn tuyệt đối của mình, mới “giật mình, mình lại thương mình xót xa.” Bao giờ con người cũng đau khổ một mình, chịu chết một mình, bởi lẽ những đó các nâng đỡ, vỗ về của người khác không đủ tầm vóc để “chống đỡ” thực sự con người: ưu tư chính là nỗi niềm thiếu thốn đó. Ưu tư đó là một yếu tố cực đại của sự cô đơn của con người, bởi con người khi đau khổ, khi cảm thấy như bị “bay đi”, thường bị “cám dỗ” tự khép kín lại, đóng kín lại để bám lấy cái đam mê sống cuối cùng. Chúa Giêsu đã đi qua cái cầu cô đơn, ưu tư đó trong vườn cây dầu, nhưng Ngài đã vượt lên được trên tất cả thử thách bằng ý chí từ chối không bám vào cuộc sống riêng tư của Ngài mà là theo thánh ý Cha Ngài: “Xin cho con khỏi chén đắng này, nhưng đừng theo ý con, một theo thánh ý Cha mà thôi.”

Ở đây, tình yêu Chúa Giêsu xuất hiện rõ ràng dưới khuôn mặt thực khả ái của dâng hiến, và dâng hiến đến giới hạn cực đại, tức là từ bỏ và phó thác: Ngài đã để mình bị nộp cho con người và vì con người, để cho con người chiếm lấy mạng sống của Ngài mà không chờ gì, đợi gì ở con người. Ngài đã đặt mình trong tư thế hoàn thành thánh ý của Cha Ngài bằng cách phó thác trọn lòng tin của Ngài cho sự khôn ngoan và niềm trung tín huyền nhiệm. Trong khi chấp nhận sự chết như là một dâng hiến nhưng không, Chúa Giêsu đã phá hủy tội của chúng ta, tội đó xuất hiện như sự khép kín, ước muốn chỉ muốn cứu lấy đời mình, hay sự thất vọng, mất lòng tin.

Được giải thoát khỏi đau khổ của những hăm doạ của sự chết, nghĩa là mọi hệ lụy của Tội, Chúa Giêsu đã phục sinh trong vinh quang, chứng tỏ Ngài là “người” hơn luúc nào hết, một người hoàn toàn và duy nhất của loài người, giữa loài người. Được biến cải và hoàn thiện nhờ sự hiện diện hoàn toàn của Ngài nơi Thiên Chúa, Cha Ngài, Chúa Giêsu đã thông ban cho con người chúng ta một tình yêu cực độ trong cử chỉ dâng hiến của Ngài trên thập giá, đối với Cha Ngài cũng như đối với chúng ta. Tình yêu đó bẻ gãy tất cả những giới hạn không-thời-gian, mở rộng cho tất cả mọi người và bao bọc lấy mỗi con người trong một tương giao hoàn toàn đặc dị và duy nhất. Tình yêu đó đã tung vỡ như một quyền năng đánh bại lòng ích kỷ và tử thần. Trước tình yêu đó, Tội xuất hiện như một cái màn che mất mối tương giao nói trên, như cử chỉ không liên đới với tất cả nhân loại, với tất cả mọi người, như một sự bám víu vào một thế giới cũ và như một chối từ không đón nhận cái mới tuyệt đối của Thiên Chúa. Tóm lại, thập giá dạy cho ta biết rằng Tội là ích kỷ, là bạo động, là mất tin tưởng, là không biết phó thác. Và phục sinh của Chúa mới cho ta thấy Tội là khép kín lại trong một thế giới đang đi đến chỗ chết, là từ chối tương lai và thu hình lại sau những giới hạn làm phá vỡ sự gặp gỡ với tha nhân.

“Ôi Tội sinh phúc”

Khi chúng ta thấy rõ các khuôn mặt của Tội thì việc đi “xưng tội” không còn là câu chuyện “cáo tội” một cách máy móc như một số tín hữu quen làm, mà “đi xưng tội” là một cuộc trở về, trở lại với Thiên Chúa. Sự trở về này, theo ý nghĩa Kitô g iáo, là kinh nghiệm về Tội về ơn Tha Thứ trong đời sống của một người đã nhìn nhận Thiên Chúa qua đức Tin, đã chịu phép Thánh tẩy, luôn luôn đi tìm, khám phá một Tình yêu cứu rỗi và qua trung gian của Giáo hội như là cơ cấu cứu rỗi.

Thực vậy, trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, sự ý thức về Tội không là một biến cố riêng rẽ, cũng không phải là một biến cố đầu tiên. Bao giờ Tội cũng là hệ lụy và bề trái của lòng xác tín được Thiên Chúa yêu thương và cứu rỗi trong Đức Kitô. Chỉ khi nào đã trưởng thành trong tình yêu, con người mới cảm thấy toàn vẹn những đòi hỏi của tình yêu, tức sự hiện hữu, sự có mặt và tính chất trầm trọng của những thiếu sót đối với tình yêu. Cũng vậy, sự khám phá tình yêu cứu rỗi, đối với chúng ta, không phải là một khám phá trí thức, mà trước tiên đó là chuyện tình yêu đích thực và sống động. Con đường duy nhất để hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa là dâng toàn thể đời sống của chúng ta cho Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta chỉ hiểu được tình yêu cứu rỗi nhờ sự trở về với Thiên Chúa. Cái trước hết và sau hết là lời mời yêu thương của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đáp lại lời mời gọi đó là trở về với Thiên Chúa, dĩ nhiên sự trở về đó do ân sủng thúc đẩy.

Bảo Thạch

 

<tiểu mục

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)