dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Theo Ánh Mắt Tâm Linh
 
 
John of God Khổng Nhuận
 
<<<    

NHỮNG PHƯƠNG THẾ
giúp trưởng thành tâm linh

 

Thường thường, khi đề cập tới phương thế sống đạo, phương thế lớn lên trong Chúa, chúng ta thường xoáy vào 2 phương thế cơ bản đó là Cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Hai phương thế này nghe có vẻ nghiêng về lý thuyết nên chúng ta thêm phần phục vụ để cụ thể hóa và phong phú hóa những gì mình múc được từ hai nguôn trên. Dường như chúng ta vô tình lãng quên một phương thế cực kỳ quan trọng đó là suy tư - kiếm tìm nên việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh khó có thể giúp chúng ta trưởng thành trong đời sống tâm linh. Tất nhiên còn nhiều phương thế khác do mỗi người tự khám phá ra.

Sau đây chúng tôi xin trình bày 4 phương thế căn bản qua năm bậc:

Bậc Một:
Chúa là vua, tôi là con dân của người: Tôi tôn thờ Ngài

  • Cầu nguyện: Tôi chỉ cầu xin hết on này tới ơn khác, xin mãi không cho rất có thể tôi óan trách Chúa và thậm chí dẹp bỏ lễ lậy và cuối cùng gần như là bỏ đạo luôn
  • Đọc Kinh Thánh: Cả đời chẳng bao giờ rờ tới cuốn Kinh Thánh
  • Suy tư kiếm tìm: Ồ! tôi suy tư kiếm tìm hơn ai hết, nhưng suy tư ra thật nhiều mưu đồ - dù đen tối đến dâu đi nữa - để kiếm tìm thật nhiều tiền, chứ không phải để tìm kiếm Chúa!!
  • Phục vụ: Ai phục vụ tôi thì lo phục vụ. Phần tôi, tôi chẳng cần quan tâm phục vụ ai hết, trừ những người có thể mang lại cho tôi tiền bạc, chức quyền, danh vọng.

Bổn phận duy nhất của tôi là đi lễ ngày Chúa nhật, và cố giữ mình cho sao cho đừng phạm tội trọng để khỏi phải sa hỏa ngục. Còn chuyện bị giam cầm nơi luyện ngục, tôi cầm chắc trong tay, lâu mau tùy mình phạm tội nhẹ nhiều hay ít. Mang tiếng là tôi tôn thờ Thiên Chúa, nhưng hầu như tôi chỉ tôn thờ cái thằng tôi.

Bậc Hai:
Chúa là ông chủ, tôi là người làm thuê: Tôi Tin vào ngài

  • Cầu nguyện: Chủ yếu là cầu xin, nguyện xin.
  • Đọc Kinh Thánh: Trong nhà có tới năm sáu cuốn Kinh Thánh lớn nhỏ nhưng tất cả đều được chưng trong tủ kiếng rất kỹ. Không ai chịu mở ra đọc.
  • Suy tư kiếm tìm: Tôi hầu như không một chút suy tư gì về Chúa, về chính bản thân mình. Ngay cả những bài giảng của linh mục quản xứ vào những ngày Chúa nhật, tôi cũng nghe tai này, bay qua tai kia.
  • Phục vụ: Tôi hăng hái nhiệt tình tham gia vào công việc của giáo xứ. Nhưng hầu hết những việc bên ngoài như hát lễ, thăm bệnh nhân, khuyên nhủ những người khô khan nguội lạnh đi xưng tội, tham dự thánh lễ. Rồi báo cáo là đã mang về cho Chúa hàng chục linh hồn…

Nhớ lại thời xưa, là một ca trưởng, tôi cố tập hát sao cho thật hay, nếu hay hơn các ca đòan khác thì càng tốt. Hôm nào hát bể thì cá đám như mèo cụp đuôi. Áy thế mà chúng tôi luôn tự hào là đại diện cộng đồng dân Chúa dâng lên Chúa những lời ca tiếng hát!! Chúng tôi cảm thấy mình thánh thiện hơn rất nhiều người khác trong giáo xứ. Nhưng dưới ánh mắt của Chúa, tôi chỉ là một con rối đang làm trò hề vô tích sự.

Bậc Ba:
Chúa là Cha: Tôi Yêu Ngài theo kiểu tình cảm nhân loại

  • Chầu Thánh Thể: Lâu lâu, chúng tôi Chầu Thánh Thể hàng tháng hoặc thay mặt giáo phận trong giờ chầu lượt của giáo xứ. Trong giờ thánh này, chúng tôi liên tục hát xướng, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện tự phát, lần chuỗi. Vèo một cái giờ chầu Chúa qua nhanh như gió. Thế là chúng tôi cảm thấy mình đã chu toàn bổn phận của thành viên trong cộng đoàn hay của một giáo dân trong giáo xứ.
  • Cầu nguyện: Chúng tôi đã biết ngợi khen, cảm tạ Chúa vì biết bao hồng ân Chúa đã ban cho chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi con biết chuyển cầu cho anh em, cho những người đang gặp khó khăn hoặc đang cần sự trợ giúp lời cầu nguyện của chúng tôi. Trong khi cầu nguyện, chúng tôi gọi Ngài là Cha, và mở đầu giờ cầu nguyện với lời thân thưa rất gần gũi: Lạy Cha…chủ yếu để ngợi khen cảm tạ những ơn Ngài đã ban và tiếp tục lợi dụng Ngài bằng cách xin xỏ hết ơn này tới ơn khác.
  • Đọc Kinh Thánh: Chúng tôi đọc Kinh Thánh hàng ngày nhưng phần lớn chúng tôi chẳng hiểu Chúa muốn thực sự nói gì với chúng tôi. Chúng tôi đành nghe theo những lời giải thích của các bậc lãnh đạo. Thật đáng tiêc hầu hết những lời giải thích của các bậc lãnh đạo cũng mang tính lý thuyết. Thế nên chúng tôi không biết cách nào để áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày.
  • Suy tư kiếm tìm: Trong khi chia sẻ Lời Chúa, một người nào đó đã khiến chúng tôi suy tư về một ý tưởng mới lạ những có vẻ không hợp với truyền thống, chúng tôi hoang mang không biết thế nào, trong khi đó, anh huynh trưởng cấp cao đưa ra một ý kiến khác theo đúng nguyên văn Kinh Thánh – nghĩa đen hăn hoi – để minh họa, Thế là chúng tôi líu ríu theo anh trưởng mà tiếp tục mò mẫm trong đêm tối tâm linh. Chúng tôi chẳng cần suy tư kiếm tìm nữa, cứ để cho anh huynh trưởng dẫn đi dâu, chúng tôi đi theo đó - như một bày cừu. Chúng tôi như mây lang thang trong trong bầu trời bao la, như cánh bèo trôi vô định hướng trên dòng sông cuộc đời mênh mông, không tìm đâu ra bến bờ.
  • Phục vụ: Chúng tôi thi đua nhau dấn thân loan báo Tin Mừng. Tin Mừng của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi mời những người khác vào cộng đòan càng đông càng tốt. Ngòai ra, khi cần giảng giải, chúng tôi chỉ mỗi một việc là cứ đọc những bản văn đã được dọn sẵn rồi tán rộng ra một chút. Càng trung thành nguyên văn càng được coi là người loan báo Tin Mừng tốt, mặc dù chúng tôi chẳng cảm nhận được sức sống tiềm ẩn trong bản văn.

Chúng tôi như những máy cassette vô hồn: bấm nút play, chúng tôi cứ vậy mà phát ra những gì đã ghi trong giấy. Chúng tôi rất tự hào vì chúng tôi đang thực hiện công trình của Chúa một cách nhiệt thành. Chúng tôi tôi vẫn oang oang chia sẻ với người khác rằng: Chúa ở bên tôi, đồng hành với tôi. Nhưng thực sự chúng tôi chẳng cảm nhận gì cả!!!Cụ thể là trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi vẫn coi Ngài là một ông Chúa xa vời. Bằng chứng thật rõ ràng: cả ngày chúng tôi chẳng nhớ tới Ngài được vài giây!!! Trừ một đôi khi, nhân dịp tĩnh tâm, chúng tôi có cảm giác gần Ngài hơn một chút, nhưng không bao giờ có thể chạm tới Ngài được. Thỉnh thoảng, một cái chết bất ngờ của anh em, chúng tôi lạc vào chặng BA - chặng suy tư, kiếm tìm - chúng tôi suy tư về cái chết và nhắc nhở nhau hãy sẵn sàng!! trong khi cả lũ chẳng ai biết làm cách nào để sẵn sàng, ngoài ý niệm mơ hồ: giữ mình sạch tôi trọng để khỏi sa hỏa ngục!! Rồi đâu lại vào đấy, chúng tôi tiếp tục lối sống cũ. Tất cả chỉ đơn thuần ở ngoài miệng. Tóm lại chúng tôi và Chúa vẫn nghìn trùng xa cách.

Ba bậc trên đây chỉ dẫn chúng tôi đi loanh quanh cho đời mỏi mệt vì chúng tôi luôn mang tâm thức phân biệt: Chúa cao sang, thánh thiện. Tôi thấp hèn, tội lỗi. Chúa rực rỡ ánh sáng, tôi bị mù từ lúc mới sinh!! Chúa và chúng tôi luôn có một bức tường lạnh lùng ngăn cách. Chính vì thế dù chúng tôi đã đi lễ, rước lễ, ra đi Loan báo Tin Mừng hàng trăm, hàng ngàn lần, và biết bao công phúc lớn nhỏ đã thực hiện, chúng tôi vẫn chưa thực sự bước vào con đường Tâm linh đích thực.

Bậc Bốn:
Suy tư – Kiếm tìm Thiên Chúa

Trong bậc này, Suy tư – kiếm tìm đóng vai trò chủ đạo. Nó len loi vào tất cả các phương thế trưởng thành tâm linh.

  • Viếng Thánh Thể: Tôi thường xuyên dành riêng khoảng một tiếng đồng hồ vào buổi tối để viếng thăm Chúa. Tôi leo lên tận cung thánh. Đứng ngay trước cửa nhà tạm, nhìm ngắm Chúa. Trong thinh lặng thẳm sâu tôi không nói gì, nhưng nghe lòng mình ấm hẳn lên. Một niềm bình an thấm dần, thấm dần. Trong khoảnh khắc linh thiêng đó, tôi quên tất cả, lòng nhẹ nhàng lâng lâng . Một tiếng đồng hồ vút qua mau và tôi ra về trong niềm vui khôn tả…Chính niềm vui này nâng đỡ cuộc sống gian nan vất vả của tôi trở nên nhẹ nhàng hơn.
  • Cầu nguyện: Tôi không còn lải nhải ngợi khen, cảm tạ, cầu xin nữa. Tất nhiên là trước công đòan, tôi vẫn lớn tiêng cảm tạ, ngơi khen Chúa trong tâm tình con yêu dấu của Ngài. Nhưng khi một mình với Chúa, tôi dùng nhiều cách khác nhau: Khi đêm về, tôi ngồi một mình trước mặt Chúa, hí hoáy viết nhật ký về cuộc tình giũa tôi và Chúa. Lúc đầu có vẻ khô khan .. càng ngày tình thân của tôi và Ngài càng sâu đậm hơn.

Vào những đêm khuya thanh vắng, tôi tập yên lặng nhìn ngắm Chúa. Thời gian đầu, tôi đặt mình trước mặt Chúa..Nhưng sau đó tôi tập lắng nghe sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn mình. Cả vài tháng đầu tiên, tôi chẳng cảm thấy gì…Tôi có vẻ hơi lao đao và thất vọng. Không biết con đường này dẫn tôi tới đâu?? Hay một ngày nào đó bị tầu hỏa nhập ma thì còn khổn khổ hơn nhiều. Đây là thời gian tôi thao thức , khắc khoải canh trường như kinh nghiệm của Augustino… Tuy nhiên, tôi vân kiên trì tìm kiếm Ngài. Tôi chợt nhớ lại hình ảnh Phanxicô As-si-di trong tác phẩm “Xin chọn người yêu là Thượng Đế”, ngài đã rất nhiều lần lăn lộn trong hoang mạc giữa đêm khuya, rên lên tiếng thì thầm não ruột: Lạy Ngài, Ngài là ai??? Tôi nghĩ đây chính là cây cầu tre lắc lẻo gập ghềnh mà bất cứ ai muốn thực sự gặp gỡ Ngài đều phải mò mẫm đi qua.

  • Đọc Kinh Thánh: Tôi quan niệm rằng cuốn Kinh Thánh là bức thư tình Thiên Chúa gửi riêng cho mỗi người. Tôi bắt đầu đọc rất chậm… rất chậm. Tôi cá nhân hóa vào nhân vật trong câu chuyện. Cá nhân hóa từ người tội lỗi, biệt phái, dân chúng tới các tông đồ và cá nhân hóa ngay cả Đức Giêsu nữa. Tôi không nhìn Đức Giêsu như một siêu nhân, một Thiên Chúa quyền năng nhưng Ngài chính là người anh cả rất dễ gần gũi và thân thương. Tôi mở lòng đón nhận lời của Ngài vào lòng mình và dần dần tôi cảm nhận được sự hiện hiện và sống động của Chúa. Lời Chúa dường như bám riết lấy tôi suốt ngày một cách nhẹ nhàng kín đáo. Không khuấy động, cản trở gì công việc hàng ngày của tôi. Trái lại Lời Chúa như sức mạnh thầm kín truyền công lực, khiến tôi cảm thấy công việc trở nên nhẹ nhàng hơn, không còn nặng nề khó chịu như trước kia nũa.
  • Phục vụ: Tuy công lực vẫn còn non yếu nhưng đi đâu tôi cũng chia sẻ những khám phá mới của mình, những kinh nghiệm đơn sơ của mình. Lúc đó tôi quan niệm rằng loan báo Tin Mừng chính là loan báo cho anh chị em tin mừng của chính mình đã nhận được sau mỗi thời gian suy tư kiếm tìm. Khám phá tới đâu, chúng tôi chia sẻ tới đó. Đón nhận niềm vui trong Chúa tới đâu, chúng tôi chia ngọt sẻ bùi tới đó. Tin mừng này mang đậm nét sống động chứ không khô khan lý thuyết như xưa kia tôi đã từng nói xùi cả bọt mép nhưng toàn là Lời Chúa trong sách vở và những tư tưởng của các nhà thần học lừng danh – chứ không phải của tôi - để hù ma thiên hạ!!

Bậc Năm:
Tôi nên một với Chúa

Sau nhiều tháng năm suy tư kiếm tìm, bỗng một lúc nào đó trong tích tắc tôi bỗng ngộ ra rằng tôi và Chúa vốn sống trong tôi, là nguồn sống , nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu của tôi. Thế mà tôi phải lao đao kiếm tìm bao năm qua. Nhưng nếu tôi không kiếm tìm chắc chắn tôi không thể nhận ra. Ngài giống như viên ngọc quý, giống như kho báu chôn trong ruộng, tôi phải đào bới, kiếm tìm thì mới nhận được. Gặp gỡ rồi, tôi phải tiếp tuc tập sống nên một với Chúa.

Có nhiều người hiểu lầm 2 vấn đề:

  • Vấn đề một: Họ cứ tưởng nên một với Chúa là sẽ có quyền phép, sẽ hô phong hóan vũ, sẽ thánh thiện vô cùng, sẽ không mắc một lỗi lầm nào nữa, sẽ hiền hơn cục bột, ai nắn như thế nào thì ráng chịu như vậy, không phản đối…
  • Xin thưa: Hoàn toàn không phải như vậy.

Thực ra nên một với Chúa chính là tìm lại được CÁI MÀ MÌNH CÓ SẲN. Cái mà mình có sẵn đó là cái gì vậy?

Đó chính là con người đích thực của mình: Là con Thiên Chúa, Mang hình ảnh Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, thông phần bản tánh Thiên Chúa. Tới đây, chúng ta có thể nói. Tôi nên một với Thiên Chúa hay tôi trở nên Thiên Chúa (Chúa làm người để người làm Chúa). Tất cả những kiểu nói này cuối cùng cũng chỉ để diễn tả tình trạng của một người:

  • Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi
  • Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Thần Khí Thiên Chúa sống trong tôi
  • Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa sống trong tôi

Nói thế nào cũng được vì họ đang sống một cuộc sống mới. Họ xác tín rất rõ: Thân xác tôi là Đền Thờ của Thánh Thần; Mà Thánh Thần đang ngự trong tôi là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho tôi. Như thế, tôi đâu còn thuộc về mình nữa,( Tôi hòan hòan thuộc về Chúa, nên một với Chúa)

  • Vấn đề Hai: Không phải người lên bậc năm là suốt ngày ở bậc năm, 24/24, sống tr6n mây trên gió, chẳng còn liên quan dính dang gì tới phàm trần này. Thực ra, họ cũng rất bình thừong như những người khác. Họ cũng vui, buồn, bực mình, đói, khát và cũng lỡ lầm, họ có vẻ hơi điên điên khùng khùng, thậm chí còn mang tiếng là bị quỷ ám, lạc đạo, rối đạo - vì không quan niệm như mọi người khác. Cứ xem Đức Giêsu thì rõ:
    "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" (Mc 6:3)
    "Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi! Nghe ông ấy làm gì?" (Ga 10:20)

Ai đạt tới trình độ này, người đó tự biết một các xác tín: Chúa hiện diện và sống động ngay trong tâm mình.. Và cuộc sống của họ dồi dào bình an, hạnh phúc. Bình an, hạnh phúc này chỉ là kết quả đương nhiên của quá trình gặp gỡ và sống với Chúa trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Tóm lại, tất cả các phương thế dù tuyệt vời đến đâu đi nữa - sẽ trở thành nữa vời nếu không có sự tham gia của suy tư, kiếm tìm. Như vậy Suy tư - kiếm tìm vừa là phương thế vừa là chất xúc tác giúp cho các phương thế khác hoàn tất nhiệm vụ dẫn dắt chúng ta tới bến bờ chân lý – bến bờ tình yêu Thiên Chúa – bến bờ tự đo, bình an và hạnh phúc đích thực. Nói gọn lại, Suy tư – Kiếm tìm chính là một trong những chìa khóa thần kỳ giúp chúng ta trưởng thành Tâm Linh.

Lung Linh

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)