dongcong.net
 
   
 
 
 
   

 

 
Hỏi & Đáp
 
 
L.m. Francis Lương Minh Tri,CMC Phụ Trách
 
<<<    

16. Chúa Giêsu Sẽ Trở Lại

Con quen một ông Tin lành.  Ông tin là Chúa Giêsu sẽ trở lại cai trị trời mới đất mới một ngàn năm bắt đầu năm 2000 sắp tới này?  Ông chỉ cho con đọc.  Con cũng thấy sách Khải Huyền  trong Kinh Thánh bên Công Giáo nói về ngàn năm vậy.  Nhưng tại sao các cha không ai nói cho chúng con? (LQT, Utah)  

Ông LQT thân mến, 
Không cha nào nói cho ông về một ngàn năm mà Chúa Giêsu sẽ đến cai trị trời mới đất mới bởi vì có đâu mà nói.  Giáo Hội phi bác chuyện này từ xa xưa rồi.

Lý thuyết ngàn năm (Millenarianism hay Chiliasm) dựa vào một phần đoan 20 của sách Khải Huyền.  Ðại cương lý thuyết Ngàn năm tin rằng Chúa Kitô sẽ trở lại trái đất và cai trị trên mặt đất này đúng một ngàn năm.  Khi Chúa đến,  cũng có các vị tử đạo  sống lại với ngài để cùng trị.  Cuối  ngàn năm này mới có chiến trận kinh hãi nhưng Satan sẽ bại trận trong ngày phán xét chung và kẻ dữ sẽ ra khỏi mồ sể bị quăng vào biển lửa (chết lần hai).  Các giáo phái tin theo lý thuyết này như Seventh Day Adventist, Southern Baptist Covention, Second Adventist, Primitive Baptist, Mormon và Jehovah's Witness và một số phong trào Thánh Linh. Tôi nghĩ ông Tin lành của ông là Mormon vì Utah  thủ đô của họ mà.  Nếu ông tin ông ta thì nên dọn về Missouri ở vì theo họ Chúa đến sẽ cai trị ở thành phố Independent, MO đấy.  Có nhiều giai thoại về ngày Chúa trở lại.  Nhưng xin trở lại vấn đề.  Ðầu thế kỷ 13, Gioakim Fiore quả quyết  một ngàn năm của Chúa Thánh Linh bắt đầu  năm 1260.  Năm 1525 Thomas Munzer quả quyết chỉ có người nghèo xứng hợp với một ngàn năm, ông đã khởi đầu cuộc Chiến Tranh Nông Dân để tiêu diệt mọi người giầu có.

Về phía Công giáo, một số tác gỉa cổ thời như Thư của Barnabê (15:4-9) ủng hộ lý thuyết này.  Eusebiô, Justinô, Irênê và Tertulian cũng nghĩ như vậy.   Nhưng thánh Augustinô (De Civ. Dei  20:7-8) thấy lý thuyết ngàn năm này hoàn toàn xa lạ với Tân  Ước  nên đã  ủng hộ giải thích thiêng liêng: "một ngàn năm" phải được coi là tượng trưng --  cho cả lịch sử Giáo Hội (cả dưới đất và trên trời)  từ khi Chúa sống lại cho đến ngày Chúa đến lần thứ hai.  Khi Công đồng Ephêsô nói lý thuyết ngàn năm sai lạc và hoang đường, lý thuyết này mất hẳn chỗ đứng trong tư tưởng Công Giáo.  Cũng có một nhóm Công Giáo ở Nam Mỹ loan truyền một lý thuyết nhẹ nhàng năm 1824 và ở Nam Phi cũng làm sống lại chủ thuyết này nhưng Tòa Thánh kết án lý thuyết năm 1941 (xem sắc lệnh trong Acta 36(1944), 212' xem "Responsum de millenarismo" Biblica 23 (1942),385:  "Không thể có sự an toàn đức Tin Công giáo khi chủ trương Chúa Kitô trở lại  cai trị hữu hình trên mặt đất trước ngày thế mạt.")

Theo đó, cụm từ "sống lại lần thứ nhất" là nói về  sự sống mới Chúa Kitô ban cho tội nhân trong đức tin và phép rửa (như nói đến trong Rm 6:1-8 như chết và sống lại với Chúa Kitô)  Công giáo và phần đông Tin Lành vẫn còn theo giải thích này.  Ý nghĩa tượng trưng của một ngàn năm rất phù hợp với các con số khác trong Khải Huyền.  Ðọc lại đoạn 20, chúng ta thấy thánh Gioan đang nhìn một thiên thần từ trời xuống đất (20:1).  Con rồng đã gây chiến với các con khác của người nữ (12:17). Dù  những mãnh thú đã bị quảng xuống vực, con rồng vẫn còn luẩn quẩn.  Nay con rồng bị quảng xuống vực  suốt  ngàn năm (20:2-3).  Thực tế, tất cả con số khác trong sách Khải Huyền là tượng trưng, nên coi con số một ngàn toán học là điều không hợp lý.  Một ngàn năm diễn tả một khỏang thời gian dài.  Thời đại tương đối bớt cám dỗ của ác quỉ.  Cuối cùng nó được sổ lồng một thời gian ngắn.

Ðiều khó là sang câu 20:4, thánh Gioan còn nói chuyện dưới đất hay đã tả cảnh trên trời rồi?   Chúng ta thấy thánh Gioan đã nói đến ngai tòa  đến bốn mươi bảy lần và bất cứ khi nào thánh nhân nói đến ngài tòa, thánh nhân  nói  chuyện trên trời (chỉ trừ khi ngài  nói đến ngai Satan (2:13) hay ngai mãnh thú (13:2' 16:10)).  Ở đây, thánh nhân nói đến các vị tử đạo(20:4) mà ở 6:9 thánh nhân nói đến các vị dưới bàn thờ trên trời.   Những kẻ thắng mãnh thú cũng là người đứng trên biển lưu li (15:1-2) và được hứa chia phần trong ngai tòa trên trời (3:21).

Các điều trên chứng tỏ thánh Gioan đã chuyển sang tả cảnh trên trời khi Satan bị giam một ngàn năm.  Lối đổi chuyển sân khấu có lẽ không khó hiểu với tâm hồn Á đông.  Những ai xem phim Tầu sẽ không lạ về lối diễn xuất trên nhiều sân khấu một lúc.  Các vị tử đạo trị vì với Chúa Kitô trên trời, nhưng việc trị vì của các ngài, cũng giống như việc trị vì của Chúa Giêsu, cũng cả trên đất nữa.  Hi lễ của các ngài, cũng như của Chúa Kitô, đã đem lại sự trói buộc Satan.

Tất cả ai được cứu chuộc được hứa cai trị trái đất (5:10) nhưng ở đây chỉ nói đến các vị tử đạo (20:4).  Không có gì nói đến các ngài sống trong thân xác ở đưới đất, cũng thế, Chúa Kitô.  Vậy trong lối diễn xuất hai sân khấu của Khải Huyền, chúng ta phải nói Chúa Kitô cùng các thánh cai trị trên trời  nhưng ảnh hưởng của hi lễ của các Ðấng ảnh hưởng trên đất (xem thánh Toma, ST 3.77.1-4)

Sách Giáo Lý Công Giáo 92 dạy, "Từ ngày Chúa Kitô lên trời, kế hoạch của Thiên Chúa đã bước vào giai đoạn hoàn tất. Chúng ta đã ở vào "giờ sau cùng" (1 Ga 2,18). ...  Giáo Hội trên mặt đất này đã mặc lấy một sự thánh thiện thực sự, tuy còn bất toàn". Nước của Chúa Kitô đã tỏ rõ sự hiện diện của mình bằng những dấu lạ kèm theo sự loan báo Tin mừng do Giáo Hội. Dầu đã hiện diện trong Giáo Hội của mình, Nước Chúa Kitô vẫn chưa được hoàn thành "với quyền năng và vinh quang lớn lao" (Lc 21,27) do cuộc giáng lâm của Ðức Vua trên trái đất này. Triều đại của Ngài vẫn bị tấn công bởi các lực lượng xấu xa, mặc dầu về căn nguyên thì chúng bị cuộc Phục sinh của Chúa Kitô đánh bại." 670-675)

Tóm lại, Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận lý thuyết một ngàn năm nghĩa đen này từ Công đồng Ephêsô  năm 431 và tòa thánh kết án lý thuyết hồi giữa thế kỷ qua. Sách Giáo Lý Công Giáo nhắc,  " Dầu là dưới hình thức giảm nhẹ, dưới cái tên gọi là thuyết thiên niên kỷ, thuyết này cũng bị Giáo Hội lên án như là một sự ngụy tạo Nước Thiên Chúa, (676)"   Chúng ta cần hiểu ngàn năm theo nghĩa bóng chứ không phải nghĩa đen.  Của đáng tội, khi cần hiểu theo nghĩa đen ba ông Tin Lành đó không hiểu cho như khi Chúa Giêsu nói về bánh thánh thành thịt máu Chúa, các ông bảo  tượng trương.  Nếu là tượng trương mà làm nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu sẽ gọi lại bảo các ngươi hiểu sai: đó chỉ là tượng trương thôi.  Nhưng Chúa đành chịu mất nhiều môn đệ, thì không thể nói đó là tượng trương được.

Tôi ở trong vùng đa số là Tin Lành nên cũng đôi lần tiếp xúc với họ trong quan điểm này.  Nhưng điều làm tôi ngỡ ngàng là họ tự mãn rất đóng kín , không chịu nghe ai.  Họ  rất giống những người Pharisieu ngày xưa khi Chúa đến lần đầu.  Với người Pharisiêu thì Chúa đến phải giải phóng dân Do thái, phải làm cho dân họ nở mặt nở mày.  Chính điểm này  làm Pharisieu đánh mất cơ may nhận Ngài khi Ngài đến.  Nếu ai mong chờ Chúa Giêsu đến cai trị ngàn năm, thì  đây là lúc Chúa đang trị đấy.  Ngàn năm ấy bắt đầu khoảng năm 33 cho tới nay và sẽ kéo dài đến  ...?

17. Chưa chết đã được

1. Thưa Cha, Bà thánh Luxia trong kinh cầu các thánh có phải là chị Luxia được Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima không?  Nếu đúng, tại sao chị Luxia chưa chết mà đã được phong thánh?

2.  Kinh "Dâng nhà tư cho Trái Tim Ðức Chúa Giêsu" có nhắc đến bà thánh Margarita Maria đã tỏ lòng ước ao ..." Vậy bà thánh Margarita Maria tỏ lòng ước ao điều gì?

3.  Xin cha giải thích sự khác biệt của thánh:   * Gioan Baotixita  * Gioan Tẩy gỉa * Gioan Tiền Hô. ( DTTH, MD)

DTTH thân mến,
1.  Chị Luxia nhận bà thánh Luxia trong kinh cầu các thánh làm quan thày.

2. Tôi xin lỗi vì tôi không biết kinh "Dâng nhà tư cho Trái Tim Ðức Chúa Giêsu."  Ai biết xin trả lời dùm tôi.  Không biết mà phải trả lời thì biết làm sao bây giờ?  Vậy tôi đoán bậy là từ lâu " thánh Margarita Maria đã tỏ lòng ước ao" cho mọi gia đình trưng bày ảnh Trái Tim Chúa và tôn nhận Chúa làm vua, làm chủ gia đình, cho mọi người biết tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

3. Cả ba tên là một nhân vật.  Ngày xưa dùng âm La tinh nên gọi là Gioan Baotixita về sau dùng theo nghĩa của nên gọi là Gioan Tẩy gỉa.  Tên đó chỉ rằng thánh Gioan là người đến rao giảng sự thống hối và làm phép rửa cho nhiều người trong đó có Chúa Giêsu.  Còn Gioan Tiền Hô là nói về sứ mệnh chung của ngài là đi trước Chúa để dọn đường cho Chúa.

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)