dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Một Thoáng Suy Tư
 
 
Tầm Xuân, CMC
 
<<<    

Tình Mẹ Khó Quên

Sau bữa cơm tối, Mẹ tôi gọi tôi lại và bảo: “Ngày mai con và anh con hãy theo gia đình Dì để đi Mỹ, vì ở Mỹ ăn uống sướng lắm, muốn gì được nấy.” Lòng tôi cảm thấy lo âu bồn chồn cách lạ thường, vì tôi chưa từng xa gia đình tôi để buôn ba một mình bao giờ. Và thiết nghĩ, lần này ra đi có lẽ như một cuộc hành trình vĩnh viễn sẽ không có ngày trở lại. Tôi vẫn biết rằng gia đình tôi nghèo. Mỗi bữa ăn, với một nồi cơm trộn khoai, một chảo rau luột, và một xoong canh nước nhiều hơn cái. Có nhiều lúc chỉ ăn khoai cho qua bữa. Tuy đời sống ở miền quê thiếu thốn trăm bề, nhưng tôi vẫn cảm thấy được niềm vui của gia đình, vui vì được đùm bọc trong tình thương của Ba Má và anh em. Tôi lại hỏi Mẹ tôi rằng, “Còn Ba Má và các em thì sao, cùng đi với con không?” Mẹ tôi trả lời, “Mai mốt Ba Má và các em đi sau, vì bây giờ đi nhiều người sợ công an sẽ nghi ngờ.” Lúc đó tôi mới được 12 tuổi, tuy rằng tôi rất là ham chơi nghịch ngợm, nhưng thật ra tôi là một đứa con rất giàu tình cảm, chỉ thích sống với tình thương của gia đình.

Đi Mỹ để ăn sung mặc sướng, ai chẳng thích, nhưng tôi không nỡ xa Ba Má và các em tôi. Tôi thầm nghĩ rằng, mình đang còn nhỏ mà xa Ba Má rồi ai lo cho mình hai bữa cơm, áo quần sút chỉ ai khâu vá. Tuy rằng, tôi có một người anh cùng đồng hành trên bước đường vượt biển, nhưng tình nghĩa anh em làm sao sánh được với tình mẹ con. Lời của Mẹ tôi thúc giục tôi quá mãnh liệt. Để tỏ lòng vâng lời báo hiếu, tôi đã bỏ lại Ba Má và các em tôi ở lại nơi quê cha đất tổ để vượt biển trùng khơi đi tìm một mãnh đất tự do tha phương. Tuy nhiên trong lòng tôi luôn nuôi một hy vọng là tôi sẽ được đoàn tụ với gia đình trong một ngày gần đây. Lúc đó có Ba có Má, có anh em đầy đủ thật vui sướng biết bao. Nhưng niềm mơ ước này thật quá viễn vong, vì cho tới bây giờ vẫn chưa thành hiện thực.

Với chiếc thuyền mỏng manh dập dờn với biển cả mênh mông, qua biết bao nhiêu sóng gió bão táp, nguy hiểm đói khát, cuối cùng đã cặp bến Hồng Kông. Với nếp sống của trại tị nạn, tôi cảm thấy nhớ gia đình tôi quá, đặc biệt là người Mẹ thân yêu ốm yếu gầy còm. Hằng ngày vào khoảng chiều chiều, khi bữa cơm tối được ấn định theo chương trình của trại tập thể. Tôi liếc nhìn quanh các đứa trẻ khác, thấy ai ai cũng có Ba Má và các anh chị em đầy đủ. Họ dùng bữa chuyện trò cách vui vẻ, còn tôi thì cô đơn lạc loài một mình. Lắm bữa ăn, tôi phải bưng rong chạy rảo để vơi đi niềm nhung nhớ.

Tôi cảm thấy thiếu vắng tình Mẹ hơn bao giờ hết khi tôi phải tự lo cho bản thân mình, như việc giặt quần áo, nấu cơm ăn mỗi ngày, và những việc lặt vặt khác mà đáng lẽ ra Mẹ tôi sẽ làm thay cho tôi. Tôi tủi thân, vì biết bao nhiêu người trẻ cùng lứa tuổi như tôi, họ có cha có mẹ để cậy nhờ. Nhưng riêng tôi thì phải tự mình âm thầm lo lấy. Khi sống xa Mẹ, tôi mới thấy địa vị của người Mẹ thật quan trọng như thế nào. Vai trò của người Mẹ không những mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục, mà Mẹ còn là nơi để con nương tựa khi gặp những lo toan thử thách, chia sẽ những nỗi vui buồn sướng khổ, thông cảm, ủi an lúc nguy khó. Vắng bóng Mẹ, tôi mới thấy cuộc đời thật là hiu quạnh và hình như trời đất đang chìm vào đêm tối. Nhưng những lúc có Mẹ, cho dù phải sống trong cảnh nghèo khổ thiếu thốn, tôi vẫn cảm được niềm vui của ánh sáng mùa xuân tươi mát.

Ở Hồng Kông gần được một năm, mà đêm nào tôi cũng rơi lệ đầm đìa. Khi đêm về, tôi luôn thao thức tưởng nhớ đến Mẹ, thì tự nhiên nước mắt tuôn trào tựa như giòng suối chảy mãi không ngừng. Thương hại cho chiếc gối bị ướt đẫm mà không thể nói lên lời. Khóc không phải vì thiếu ăn thiếu mặc, vì tuy ở trại tị nạn nhưng được phát cơm một ngày ba bữa đều đều, áo quần cũng đủ dùng. Nhưng tôi khóc vì thiếu vắng người Mẹ để săn sóc đỡ nâng tôi trong lúc nguy khốn. Tôi lại hồi tưởng đến lúc còn thơ ấu, nhiều lần tôi đã bị Mẹ đánh bằng roi tre, và thỉnh thoảng bị phạt quì gần mấy tiếng đồng hồ chỉ vì tính tình nghịch ngợm ngây thơ của tôi. Tôi không hề oán trách Mẹ tôi một lời nào. Mẹ đánh tôi nhiều hơn Ba. Nhưng mỗi khi có ai hỏi tôi rằng, khi lớn lên tôi muốn theo ai, không ngừng ngại một tí nào, tôi đã trả lời ngay, tôi muốn theo Mẹ. Tuy Mẹ đánh nhiều, nhưng lại thương tôi nhiều hơn. Cái đánh là để dạy dỗ cho tôi nên người. Và mỗi lần đánh con mình, Bà cũng thấy chua xót đau đớn trong lòng không ít. Vì tục ngữ có câu, “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi.” Từ nhỏ đến lớn, mỗi lần tôi cần tiền, tôi thường đến với Mẹ để xin. Tôi cảm thấy xin Mẹ thì dễ hơn xin Ba. Tuy rằng tôi là một đấng nam nhi, nhưng tình thương đối với người Mẹ thật dạt dào thắm thiết. Người ta thường nói, “Không gì ngon bằng ăn cơm với cá, không gì thắm thiết bằng tình Mẹ với con.” Thật vậy, khi một gia đình còn có bóng dáng của người Mẹ, thì gia đình đó đang được hưởng nguồn hạnh phúc, tràn ngập trong tình thương, con cái vui vẻ sống động, nếu chẳng may Mẹ mất đi, thì cả nhà trở nên buồn rầu tẻ vắng.

Cuộc sống lẻ loi buồn tẻ làm cho tôi khám phá ra rằng, để được sống vui tươi bình an hạnh phúc, người con không thể thiếu tình Mẹ. Vì nhờ Mẹ mà chúng ta được lớn lên thành người, được dạy dỗ biết cách xử thế và sống trong xã hội không thẹn với lương tâm làm người. Nhớ lại sự vất vả quên mình của Mẹ, tôi càng thấy thương Mẹ hơn và lắm lúc tự trách mình. Tại sao lúc nhỏ tôi không chịu ngoan hiền và vâng lời để Mẹ khỏi phải lo buồn khổ tâm? Và có phải vì tôi mà Mẹ già trước tuổi, làng da nhăn nheo đen sạm?

Thế rồi thời gian đẩy đưa tôi sang Hoa Kỳ. Cuộc sống ở Hoa Kỳ cũng khá đầy đủ, về tiện nghi cũng như vật chất. Tôi lại được gặp bà con và những người thân yêu. Tôi tưởng rằng với nếp sống mới, cộng thêm tình nghĩa bà con sẽ làm cho tôi vơi đi niềm nhung nhớ, vì hy vọng họ sẽ thay thế Má tôi để săn sóc cho tôi. Nhưng sống được một thời gian, tôi lại cảm thấy không có tình thương nào có thể thay thế được tình thương của người Mẹ. Vì họ không cưu mang tôi chín tháng mười ngày, không cho tôi bú mớm bằng sữa tình Mẹ. Tình thương của người Mẹ thì bao la như biển hồ lai láng, cao vời như thái sơn, rộng lớn như vòm trời, dạt dào như nước trong nguồn chảy ra. Tình Mẹ được ví như một vực thẳm không sao dò được. Không dò được vì quá tận tụy hy sinh và quên mình để lo cho đoàn con. Hay được ví như một dòng sông mát rợi trong trẻo cứ dạt dào tuôn chảy mãi một chiều. Mẹ sẵn sàng trao ban vô điều kiện, không hề tính toán, người cũng chẳng cần đền đáp công ơn gì. Có thể nói, trong tất cả các thứ tình yêu, không tình yêu nào dịu dàng, bao la, bền bỉ, quảng đại cho bằng tình yêu của người Mẹ. Dù cho tình yêu giữa vợ chồng yêu nhau nồng nàn sôi nổi đến đâu, thì lại hay có những chuyện thay lòng đổi dạ để trở nên quân địch quân thù. Dù cho tình cha thương con tuy tận tụy sâu xa, nhưng lại hay nghiêm khắc và cũng dễ phẫn nộ ghét bỏ. Duy chỉ có tình thương của người Mẹ thì lúc nào cũng lai láng dịu dàng, cho dù người con đó đã vong ân phụ bạc.

Khi nghĩ đến tình Mẹ thắm thiết này, tôi càng ước mong một ngày nào đó sẽ được về thăm lại Mẹ tôi. Lúc đó tôi sẽ nói với Mẹ tôi rằng, “Con thương Má lắm, và con rất biết ơn Má.” Và tôi thầm nghĩ rằng, tôi sẽ thực hiện bất cứ nguyện vọng gì mà Mẹ tôi mong muốn, để đền đáp một phần nào tình thương Mẹ đã và đang dành cho tôi. Ước mong của tôi đã thành hiện thực, cách đây hai năm tôi đã có dịp về lại thăm Mẹ tôi sau 10 năm xa cách. Tôi tưởng rằng lần này tôi sẽ thực hiện được nguyện vọng đền đáp mà tôi hằng ôm ấp từ lâu. Nhưng thế thái nhân tình lại biến đổi, trong khoảng thời gian trở về sống với gia đình, Mẹ tôi đã không ngừng lo lắng cho tôi từng tô bún của buổi sáng ban mai, từng đĩa bánh bèo thơm phức lúc trưa đến, rồi bữa cơm, canh cá, thịt tươi khi chiều về. Còn nữa, khi đêm về, Mẹ tôi thường loay hoay sửa giường, giăng mùng cho tôi ngủ, và mỗi buổi sáng Mẹ đã thức dậy rất sớm đứng đợi chờ tôi từ lúc nào tôi không hề hay biết. Và hình như Mẹ tôi đang ngắm tôi với đôi mắt sâu lõm, thương hại cho người con đã sống âm thầm xa tình thương gia đình. Khi tôi vừa chồm dậy thì Mẹ tôi đã cất lời chào buổi sáng, và hỏi tối qua con có ngủ ngon không? “Con đi đánh răng đi, để Má xếp mền chiếu, cuốn mùng cho con.” Tôi rất cảm động và thấy thương Mẹ tôi nhiều hơn. Tôi thầm nghĩ rằng, nếu trong mười năm qua, mà có Mẹ ở bên cạnh chắc có lẽ tôi sẽ là người hạnh phúc lắm. Một ngày sống bên Mẹ mà tôi cảm thấy hạnh phúc hơn 10 năm sống ở tha hương thiếu vắng tình Mẹ. Tôi tự nhiên thấy mình quá bất lực với những điều tôi đã dốc lòng. Thay vì đền ơn Mẹ thì Mẹ lại thí ơn cho tôi gấp bội. Thật vậy, không một người con nào có thể đền đáp công ơn của người Mẹ cho vừa. Tình Mẹ trao ban cho con một cách dạt dào thắm thiết. Phận làm con chỉ biết ghi ơn Mẹ muôn đời.

Ngày vui qua mau, không có buổi tiệc nào mà không tàn. Đã đến thời gian tôi phải chia tay với những người thân yêu một lần nữa. Tim tôi cảm thấy đau nhói như bị cắt xén trước cảnh chia ly tình mẫu tử. Tôi rất mong muốn ngày vui này đừng bao giờ trôi qua, bữa tiệc này luôn luôn đông người. Ước gì thời gian đi chậm lại, để tôi được nán lại bên Mẹ lâu hơn. Nhưng tôi bất lực, vì từ xa xưa đến nay, con người đã bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Cái mốc của thời gian cứ đi qua không hề ngoảnh mặt lại thương tiếc một ai. Những ngày sau cùng này, tôi thấy thời gian đi nhanh gấp đôi, tôi nhìn thấy ánh sáng của bình minh chưa được bao lâu, thì bóng tối đã bao trùm mặt đất. Tôi sốt ruột quá vì chưa sẵn sàng để nói lên lời chia tay với Ba Má và các em tôi. Tôi không muốn sống lại với ngày tháng buồn bã thiếu vắng tình Mẹ ở quê người.

Cuối cùng, những gì sẽ đến thì đã đến, những lời chia tay đã bắt đầu cất lên ú a ú ấ với hai hàng nước mắt lòa nhòa trên đôi má. Tôi đã cố gắng ngăn chặn dòng lệ để đừng có ai phí nước mắt vì tôi. Nhưng tôi đã không làm được, vì tự bản tính của tôi là một con người cảm tình sâu sắc, nước mắt cứ tuôn ra như mưa. Bước chân lên máy bay mà tựa như đang đi vào cõi tịch liêu. Tuy tôi đã trở về lại Mỹ, nhưng hình như tâm tình và hồn tôi đang bay nhảy ở quê Mẹ. Tôi nhớ gia đình tôi quá lắm lúc bị lẩm cẩm như một người đã về già. Nếu người khác không biết tôi đang nhớ Mẹ, thì sẽ nghĩ là tôi đang đi vào con đường lãng trí. Cũng giống như là “Người đi một nửa hồn kia mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ.” Khoảng một thời gian lâu tôi mới lấy lại thế quân bình giữa hồn và xác. Tuy nhiên, hình ảnh người Mẹ vẫn đang khắc nghi tận đáy lòng tôi, không thể nào quên được. Tôi vẫn ước mong một ngày nào đó sẽ được nhìn thấy mặt Mẹ một lần nữa.

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)