MỘT THOÁNG SUY TƯ. . .

VHD GÓP NHẶT

Trải Nghiệm “Thử Chết Để Sống Thật”

 IMG 5606
“Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình" (Tv 103,15-16).

 Lời Thánh vịnh trên đây là nội dung chính cha Giuse Phạm Văn Bình, OFM - chánh xứ giáo xứ Antôn - chia sẻ trong khóa huấn luyện “Thử chết để sống thật” được tổ chức tại giáo xứ An Nhơn, giáo hạt Xóm Mới, TGP TPHCM vào lúc 07g00 thứ Bảy, ngày 28.11.2015. Đây là một chương trình mới lạ, đặc sắc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Khóa huấn luyện đã thu hút 55 học viên từ khắp nơi đến tham dự với nhiều lứa tuổi, đại đa số từ 23 đến 50 tuổi, đặc biệt có 1 vị 61 tuổi, nhằm trải nghiệm sự chết để tái khám phá ý nghĩa của sự sống đích thực.
Trong lúc đón tiếp, một học viên là nữ tu Bác sĩ Dòng Đaminh Tam Hiệp cho biết: “Đối với soeur, ngày nào mình cũng chuẩn bị cho sự chết. Thế nhưng, để tìm được cảm giác trước sự chết, thì đây là dịp may hiếm có, để chúng ta có thể cảm nghiệm và chia sẻ cho mọi người mình phục vụ”.

Sau khi đã nhận áo, bong bóng bay được ghi tên cá nhân và người thân từ tầng trệt, mỗi học viên được bịt mắt và lần từng bước theo các bậc thang lên lầu 6, để vào phòng sinh hoạt. “Một cảm giác thật chênh vênh, đan xen chút lo sợ bị vấp ngã, nhưng cuối cùng em cũng đã đến đích và vào được hội trường để tham dự khóa học”. Em Giêrônimô Trần Tâm Phong - SV năm thứ 3, Đại học Công Nghiệp bộc bạch.

Nghi thức khai mạc với sự hiện diện của cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng - chánh xứ Giáo xứ An Nhơn, cha Giuse Phạm Văn Bình, OFM - chánh xứ Giáo xứ Antôn, nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP - Đặc trách Chương trình Chuyên đề Giáo Dục được kết thúc bằng lời nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động, để mỗi học viên sẽ cảm nhận được rằng: “Con người có thời để sinh ra, sẽ có thời để lìa đời" (Gv 3,2), từ đó mỗi người sẽ sống tốt hơn với chính mình và mọi người chung quanh.

Mong Manh Phận Người

Theo sự dẫn ý của anh Luca Nguyễn Võ Minh Tâm - Chuyên gia Huấn Luyện, Đào Tạo và vở kịch “Cái chết bất chợt”, các học viên đã dần quên đi những ồn ào, lo toan với cuộc sống thường ngày, để chú tâm đến “nội tại” của mình hơn. Chị Maria Vũ Thị Thanh Thanh, thuộc Nhà thờ Chính tòa, đang làm nghề kinh doanh cho biết: “Áp lực công việc kinh doanh khiến em nhiều lúc quá mệt mỏi. Khi nhận được lời mời, em đã bỏ hết công việc để tham dự khóa huấn luyện này nhằm tìm lại sự bình an cho tâm hồn hôm nay và tương lai”.

Hướng về tâm linh, cha Giuse Phạm Văn Bình giúp học viên hiểu rõ hơn về ý nghĩa sự chết của người Công giáo, ngài quảng diễn: “Khi còn trẻ, ít ai nghĩ đến sự chết. Nhưng đến tuổi 50, chúng ta bắt đầu nghĩ đến cái chết nhưng vẫn không muốn mình phải chết! Do đó, nhiều khi chúng ta tự hỏi - Tại sao Thiên Chúa lại để con người phải chết. Thế nhưng, với đức tin Công giáo, chúng ta nhận ra rằng: ‘Cái chết không phải là điểm đến cuối cùng’. Do đó, khi còn sống ngày nào, chúng ta hãy sống đức ái với mọi người. Sống đức ái là chia sẻ tình yêu với tha nhân, là làm chứng cho Đức Kitô là Vua Tình Yêu. Hơn thế nữa, Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hãy siêng năng lãnh nhận các bí tích, để chúng ta không còn sợ hãi khi đối diện với cái chết, nhưng thanh thản về trình diện cùng Chúa. Chỉ như vậy, cuộc sống của chúng ta mới thật ý nghĩa, như lời khuyên của Chesterfied: ‘Khi chào đời, bạn khóc; còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống làm sao để khi bạn qua đời, mọi người khóc, còn bạn thì mỉm cười’”.

Sau phần chia sẻ, các học viên đã chia nhau tìm kiếm 4 món quà trong hội trường. Từ 4 món quà trên, nữ tu Hồng Quế và anh Minh Tâm đã nhắc nhở học viên: “Đời người luôn bận rộn để lo kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình (20USD). Nhưng chính áp lực công việc làm chúng ta quên đi mái ấm gia đình, là tình cảm luôn năm trong trái tim cha (cây quạt). Ngoài ra, để đạt được hai điều trên, chúng ta cần phải đầu tư kiến thức đời sống đức tin và văn hóa, để thực sự có cái “tầm’’ giúp đời và giúp người (quyển sách). Thế nhưng, là người Công giáo, chúng ta cần hướng đến tâm linh, dành thời gian cầu nguyện với Chúa, để Ngài hướng dẫn ta sống xứng đáng là Chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay (cây thánh giá).

Trải Nghiệm Cái Chết

Sau giờ giải lao, một lần nữa học viên lại bị bịt mắt để lần từng bước lên cầu thang, bước qua bãi cát để cảm nhận thân phận kiếp người trước khi tiến vào hội trường trong tiếng nhạc nhẹ nhàng: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi...”.

   Sau khi đã ổn định chỗ ngồi bên cạnh chiếc chiếu và miếng vải trắng trong hội trường, học viên được cởi khăn bịt mắt ra và nhìn thấy trên sân khấu đã để sẵn một chiếc quan tài trong ánh đèn mờ tối. Với giọng nói trầm buồn, anh Minh Tâm hướng mọi người suy nghĩ về quãng đời ngắn ngủi còn lại của đời mình. Các bạn cùng suy nghĩ: 

- Nếu chỉ còn một ngày để sống, liệu mình sẽ tiếp tục chọn cách mình đang sống?
- Sau bao năm tháng phấn đấu học tập và làm việc, mình đã thật sự sống hết mình, sống trọn vẹn và sống xứng đáng?
- Ngày mình “ra đi”, mọi người sẽ nhớ gì về mình?

Vậy, trước khi chết bạn sẽ làm gì cho mình, cho người thân và cho đời?
Dẫu biết rằng chỉ là giả định, nhưng các học viên vẫn bồi hồi và xúc động khi đối diện với sự chết đã đến gần, mỗi học viên đã viết lá thư cuối cùng cho người thân, gia đình của mình. Sau đó, mọi người lại chìm trong bóng tối qua chiếc khăn bịt mắt, nằm xuống chiếu để nghe những lời nhắn nhủ, cùng với âm thanh và tiếng động để cảm nhận về sự chết: "Bạn thử nghĩ, nếu Bác sĩ báo cho bạn biết, chỉ còn 7 ngày nữa bạn chết! Bạn sẽ làm gì và cần phải giải quyết bao nhiêu công việc cần phải làm? Rồi thời gian cạn dần, bao công việc chưa làm được, bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng... Rồi những giây phút cuối cùng, nhịp tim chậm dần, bạn cảm thấy bàn chân bắt đầu bất động, từ từ lan tỏa đến thắt lưng, trái tim và...”. Chính lúc này, trong tiếng kèn đồng của đội mai táng, một người đại diện cho học viên - anh Nguyễn Hải Lộc, sống ở quận Gò Vấp - được đưa vào quan tài để cảm nghiệm về sự chết, trong lúc các học viên còn lại, được các tình nguyện viên phủ lên người chỉ tấm khăn trắng.

Chia Sẻ Trải Nghiệm Về Sự Chết

Sau nửa giờ cảm nghiệm về sự chết, các học viên đã chia sẻ cảm nghiệm của mình sau quá trình “chết thử”:

- Anh Nguyễn Hải Lộc chia sẻ: “Bản thân con rất muốn có dịp được nằm thử trong chiếc quan tài. Thế nhưng, trong bóng tối khi mắt bị bịt kín, các anh em Trại hòm Tiến Đệ (Xóm Mới) đưa em vào quan tài con cảm thấy sờ sợ. Đặc biệt, khi nghe tiếng búa đóng vào quan tài cùng với tiếng kèn đồng trổi bài nhạc vĩnh biệt, nỗi sợ lan tỏa vào người con. Sau một lúc trầm tĩnh, con mới cảm nhận đây chỉ là chết thử mà thôi!!”.
- Cũng vậy, một học viên là linh mục ở Giáo phận Xuân Lộc chia sẻ: “Mỗi khi cử hành bí tích Xức Dầu hoặc nghi thức an táng, bản thân tôi luôn nghĩ về sự chết cho bản thân mình. Đó là lý do tôi đến với khóa học hôm nay, hầu có thêm kinh nghiệm để thực thi tốt mục vụ của mình tại Giáo xứ”.

- Vị học viên cao niên nhất, bác Phaolô Vũ Đức Anh (61 tuổi), thuộc Giáo phận Phát Diệm bộc bạch: “Thời gian gần đây, nhiều bạn bè cùng lứa đang lần lượt ra đi khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về chết. Từ đó, tôi đã đến với khóa học, mong tìm cho mình một hướng đi tích cực trong quãng đời còn lại. Đến nay, tôi cảm nhận được rằng - Hãy chọn sự ra đi trong thanh thản bằng cách sống lạc quan, hy vọng và xứng đáng là người Công giáo, để tài sản mình để lại chính là tình yêu thương. Tình yêu thương của Thiên Chúa và tình yêu với mọi người”.

- Ngồi bên chồng cũng là học viên, chị Maria Hoàng Thị Kiều Trâm - nhân viên Marketing - nghẹn ngào nói: “Dẫu biết rằng chỉ là chết thử, nhưng khi cầm bút viết là thư cuối cùng, tôi không cầm được nước mắt khi nghĩ về cha mẹ, chồng và con cái”. 

Sau những giây phút cảm nghiệm thật thẳm sâu trong tâm hồn, các học viên đã ăn trưa nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chương trình buổi chiều.

Xin cảm ơn Ban tổ chức và Ban giảng huấn, cảm ơn sự hỗ trợ về tinh thần và cơ sở vật chất của cha Phaolô chánh xứ, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cùng quý đoàn thể và cộng đoàn giáo xứ An Nhơn đã bỏ nhiều công sức cũng như tiền bạc để giúp các học viên cảm nghiệm được sự chết, hầu sống tốt hơn trong gia đình, giáo xứ, Giáo hội và xã hội.

 
Văn Chiến

 

Phật nói rằng…
https://scontent-dfw1-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtp1/v/t1.0-9/12274274_902861503123399_5003994545377428391_n.jpg?oh=cd1d5f3af35882aa8f3395b55bbc46eb&oe=56EF0CCD
+kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chay luân hồi. Kiếp này nối tiếp kiếp khác, thừa hưởng và thừa kế lẫn nhau.

+con người gặp nhau là bởi chữ DUYÊN

+Sống và yêu nhau là bởi chữ NỢ>

+nhiều cặp vợ chồng chung sống, đôi lứa yêu nhau nhưng bỗng 1 người có tình cảm với người khác, dẫn đến chia ly… Người đời sẽ cho rằng người kia trăng hoa, đểu cáng.

Nhưng thật ra, đó chỉ là người ta đã xong NỢ…

Và đến lúc phải rời đi !

vhd sưu tầm November 30, 2015