o dongcong.net
     
 
2015 dongcong.net
 
 

Lễ Mẹ Dâng Con 2 tháng Hai   

DÂNG MÌNH CHO CHÚA NHƯ MẸ DÂNG CON

Chắc có lẽ không có hành động nào tuyệt vời cho bằng hành động dâng hiến. Ngay từ những ngày khởi đầu trong sách Sáng Thế, ta thấy Aben hành động rất tuyệt vời : Aben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa Chúa đoái nhìn đến Aben và lễ vật của ông, (St 4, 4).

Khởi đi những hành động tốt đẹp đó, ta thấy một khuôn mặt rất dễ thương sống tâm tình dâng hiến. Nhưng, ở khuôn mặt này, ta bắt gặp sự dâng hiến tuyệt vời hơn vì không dừng lại ở chuyện dâng hiến vật của lễ vật chất nhưng dâng hiến bằng cả sự vâng phục, bằng cả ý muốn của mình cho Thiên Chúa. Khuôn mặt ấy chính là khuôn mặt của Abraham.

Sự dâng hiến bắt đầu chính là vâng theo thánh ý của Đức Chúa và bỏ ý riêng của mình bằng cách bỏ quê hương (St 12, 1); chấp nhận chia tay với ông Lót (st 13, 9); đuổi Aga và Ismaen (st 21, 10). Đỉnh cao của sự dâng hiến đó chính là dâng hiến đứa con yêu duy nhất của mình (St 22).
Sự dâng hiến ấy đến thời Môsê trở thành tục lệ của người Do thái. Tục lệ là những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, bà mẹ phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế.

Với thói quen đạo đức và tốt lành cũng như tục lệ như thế để rồi những cha mẹ đạo đức thường dâng con mình cho Chúa, trong lúc mang thai cũng như sau khi sinh.

Đối với một số người Dothái, họ có thói quen dâng con cho Chúa lúc chúng còn thơ ấu. Họ đem con đến Đền thờ, cho chúng ở lại đó phục vụ các tư tế trong việc phụng tự. Chúng ta gặp thấy nhiều cuộc dâng hiến như thế, như trường hợp của Samuen và nhiều vị thánh khác.

Với Đức Maria, dẫu rằng các trang Thánh Kinh không nói gì về thời thơ ấu của ngài nhưng truyền thống nói rằng lúc lên ba tuổi, cha mẹ đã đem dâng ngài trong đền thờ.

Từ lúc chỉ mới lên ba, Đức Mẹ đã được gia đình đưa lên đền thánh để dâng mình cho Thiên Chúa và đã lưu lại đó cho tới lúc trọn tuổi mười hai. Đây là một thói quen đáng kính của các gia đình đạo hạnh và cũng là biến cố đáng ghi nhận trong đời Đức Trinh Nữ Maria. 

Có lẽ vì thế mà trong lịch phụng vụ của Giáo Hội đông phương, đã thấy xuất hiện lễ Đức Mẹ Dâng Mình từ thế kỷ VII, và tiếp theo là phụng vụ của Giáo Hội tây phương từ thế kỷ IX. Chính các Đức Giáo Hoàng Sixtô IV năm 1472 và Sixtô V năm 1585 đã cổ võ mừng kính lễ này cách đặc biệt và gần đây, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xem lễ Đức Mẹ Dâng Mình là một trong những lễ tuyệt diệu và coi đó như hình mẫu của đời dâng hiến. 

Trong thông điệp về lòng tôn sùng Maria, Giáo hoàng Phaolô VI viết: "Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ "dâng Chúa vào đền thánh", cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân ước luôn luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy" (Lc 2,21-35) (Marialis Cultur, số 7b).

Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môsê, phụ nữ sau khi sinh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái.

            Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2, 22). Dù Đức Maria và ông Giuse biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa. Các ngài đã chu toàn mọi lề luật: Như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa" (Lc 2, 23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể thế chân bằng cách dâng cúng của lễ như chim bồ câu hay chiên bò.

Thật tuyệt vời với tâm tình, với tấm lòng của Mẹ Maria không chỉ dâng mình mà dâng chính đứa con yêu của mình cho Thiên Chúa. Mẹ nghèo không có của lễ như bao nhiêu người giàu có khác và Mẹ chỉ có tấm lòng và hơn nữa đó chính là cả đời của Mẹ cũng như đứa con yêu của Mẹ. Còn gì tuyệt vời cho bằng chính hành động dâng cả cuộc đời, cả niềm trông cậy phó thác của mình cho Thiên Chúa.

Lời mời gọi hiến mình cho Thiên Chúa của Đức Mẹ, của mỗi người chúng ta phát xuất từ nền tảng là lời mời gọi của Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi giáo đoàn Côrintô : Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.  (1 Cr 6, 19-20).

Và nền tảng của sự dâng mình là Ngài đã mua chúng ta bằng giá của huyết Ngài (Kh 5, 9). Chúng ta là những nô lệ đã được Chúa mua về. Là những người tin nơi Chúa và được Chúa cứu chuộc, chúng ta đều là những nô lệ trở nên tự do bằng giá máu của Ngài để rồi chúng ta không thuộc về mình mà thuộc về Chúa. Không phải chúng ta, mà Chúa mới là Đấng có quyền trên đời sống chúng ta.

Thánh Phaolô cũng đã nhắc nhớ chúng ta : “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14, 8).

Với tất cả những nền tảng đó cũng như cung cách dâng hiến cả cuộc đời của Mẹ Maria cho Thiên Chúa, ngày hôm nay, mừng Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu con yêu của Mẹ cũng như Mẹ đã từng dâng đời Mẹ cho Chúa ta có dịp nhìn lại đời của ta.

Ta cũng có thể nói ta có gì để mà dâng cho Chúa như có người đã từng nói nhưng khi nhìn lại, ta thấy Chúa ban cho mỗi người chúng ta một thân thể để rồi như lời Thánh Phaolô gợi ý là ta có thể. Thánh Phao lô nói  Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người (Rm 12, 1).

Nói như thế, ta có thể dâng cho Chúa sức khỏe của ta. Ngợi khen Chúa vì sức khỏe Chúa cho và sử dụng sức khỏe đó cho Ngài. Dâng cho Chúa đôi bàn chân ta để đem Tin Mừng đến cho người khác. Dâng đôi bàn tay ta cho Chúa để làm các việc lành phúc đức và nâng đỡ người sa ngã. Dâng cho Chúa đôi mắt để tìm kiếm người đang lầm bước. Dâng cho Chúa đôi tai ta để nghe tiếng thở than của người nghèo và đau khổ. Và ta cũng có thể cho Chúa thời gian của ta. Chúa phải là quản lý việc sử dụng thì giờ của ta. Hãy để Ngài sắp xếp chương trình. Mọi thì giờ học hành, làm việc, vui chơi, nghỉ ngơi của ta phải được xem như là những thì giờ thiêng liêng. Hãy để Chúa hướng dẫn ta từng giờ từng phút. (Ep 5,16, Cl 4,5). " Hãy lợi dụng thì giờ."

Ta cũng có thể dâng tài năng của ta cho Chúa: Dầu ta một nén, hai nén khả năng... ta cũng có thể dâng hết cho Ngài. Ta dâng cho Chúa khả năng nói, chia sẻ lời Chúa, ca hát, viết sách, làm thơ và đặc biệt đó là lời cầu nguyện của ta cho ta, cho anh chị em đồng loại.

Với tất cả khả năng dâng Chúa đó, có lẽ điều Chúa cần hơn cả đó chính là sự hiến dâng ý chí, tâm ư, mộng ước lên Chúa. Cách đặc biệt, ta thấy nơi Samuen cũng như Chúa Giêsu như có lời chép trong Thánh Vịnh 2 : Này con xin đến thực thi ý Chúa. Ta còn nhớ : Của lễ toàn thiêu Chúa không ưng không nhận và Ngài thích nhất đó là ta thưa với Chúa : Này con xin đến".

Xin Mẹ Maria chuyển cầu cho mỗi người chúng ta, đặc biệt đó chính là tâm tình vâng phục thánh ý Chúa để ta luôn luôn vâng theo Thánh ý Chúa, dâng cả cuộc đời của ta như Mẹ đã dâng đời Mẹ, đời Chúa Giêsu theo Thánh Ý Cha.

Với tất cả những tâm tình đó, trong cuộc sống trước khi làm bất cứ điều gì, ta hãy làm, hãy nói với tất cả tâm tình vâng phục hoàn toàn theo Thánh Ý của Chúa Cha.

Huệ Minh

dongcong.net 31-1-2015

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)