May 4, 2018

suy niệm Lời Chúa..

by Huệ Minh

 

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH, NĂM B

-

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B

CV 9, 26-31; 1 Ga 3, 18-24; Ga 15, 1-8

 GẮN KẾT VỚI THẦY  

Cách đây cũng hơi khá lâu, thì dân chúng náo loạn bởi vì cái nhà thờ chính tòa ở Torino bị cháy.  Thực sự ra thì, không ai muốn nó bị cháy cả.  Nhà thờ cháy thì có thể xây lại được,  nhưng mà có một cái mà người ta phải lo lắng đó là gì? Đó chính là cái nhà thờ Tôrinô ở Ý đó chứa đựng cái khăn liệm  nổi tiếng mà người ta cho rằng đó là  khăn liệm Chúa Giêsu khi mà Chúa Giêsu chết. Hóa ra rằng là  người ta quý cái khăn liệm hơn là quý cái nhà thờ.  Bởi vì cái nhà thờ có thể xây dựng được còn cái khăn liệm thì không thể nào tìm ra.  

Nhưng mà rồi  có một người thanh niên đã liều mình chấp nhận  đổ mồ hôi máu  của mình  ra để mà đi vào đi vào tận gian cung thánh để mà cứu lấy cái tấm khăn liệm đó khỏi đám cháy và người lính cứu hỏa đã bay vào nhà nguyện và đem ra cái tấm khăn liệm còn nguyên.  Và phải nói rằng Anh ta là một người hùng, bởi vì Anh ta đã cứu lấy báu vật.   

Thật sự ra, anh ta là một người hùng đã cứu lấy  báu vật là tấm khăn liệm đó cũng đúng!  Nhưng người Kitô hữu của chúng ta được mời gọi, quan trọng hơn cái tấm khăn liệm đó chính là chúng ta giữ lấy Đức Kitô,  chúng ta ôm lấy, chúng ta mặc lấy Đức Kitô trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.  

Và trở lại với bài đọc thứ I, Chúng ta nhìn thấy gương mặt rất quen thuộc của thánh Phaolô. Thánh Phaolô gặp nhiều trở ngại, gặp rất là nhiều khó khăn,  bởi vì trước đây ngài là người bách hại Chúa, ngài đi bắt đạo.

Nhưng mà rồi, ngài lại quay đầu trở lại với Chúa Giêsu, Đấng mà trước đây ngài đã từng đi bắt. Và cuộc trở lại của thánh Phaolô chúng ta suy nghĩ cho kỹ. Nó không phải là cuộc trở lại bình thường như một người nghiện ma túy không có chơi ma túy nữa! Hay là một người đàn ông có 3, 4 bà vợ. Bây giờ trở lại không sống với  3, 4 bà vợ nữa mà sống với bà vợ của mình. Hay là một người thích đi bia ôm không uống bia nữa trở lại  với đời sống đạo đức.  

Đó là những cuộc trở lại mà chúng ta thấy xung quanh chúng ta.  Đó là những cuộc trở lại về luân lý, và đạo đức.  Nếu  mà chúng ta nhìn thấy cuộc trở lại của thánh Phaolô về  luân lý và đạo đức thì không phải.  Chúng ta nên nhớ:  thánh Phaolô là một người đạo đức và nhiệt thành, và nhìn thánh giữ luật rất là tỉ mỉ.

Chúng ta thấy người Pharisiêu nhiệt thành thì ngoài việc ăn chay 1 tuần đến 2 lần.  Còn chúng ta là người Công giáo chúng ta 1 năm ăn chay có 2 lần mà quên tới quên lui.

Có nhiều người bảo rằng là: chết rồi, ngày hôm nay ăn chay mà quên rồi! Thì bây giờ quên thì ăn lại thôi! Biết sao bây giờ !

Nhưng mà nói tới điều đó, thánh Phaolô không trở lại về mặt luân lý và đạo đức nhưng mà hơn nữa rằng là thánh Phaolô đã trở lại bằng cả cái con người với Chúa Giêsu.

Trước đây, cái con người mang tên Giêsu Phaolô ghét cay ghét đắng.  Và thậm chí, xin giấy giới thiệu để mà bắt tất cả những ai mà tin vào cái con người mang tên Giêsu. Ngày xưa thì ghét cay ghét đắng, thế nhưng mà bây giờ trở thành một con người si mê không phải si mê bình thường nữa mà chúng ta thấy cái tâm tình của Phaolô : Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi. Sống với tôi là Đức Kitô và chết là mối lợi. 

Có khi mình nghe câu nói của thánh Phaolô, Nhưng mà mình chưa thấm được cái lời, cái tâm tình của Phaolô.

Nhiều khi vợ chồng với nhau, nhưng mà có thể, một lúc nào đó hứng thì nói thôi:  Sống đối với anh là em, và anh sẵn sàng chết vì em. Nhưng mà một lúc nào đó , người ta không can đảm để mà nói lời đó! Một cái phút chóc nào đó  người ta nói lên thôi!  Chứ còn không ai dám can đảm như Thánh Phaolô để mà thay đổi cả cuộc đời của mình.

Đó là cốt lõi niềm tin Kitô Giáo. Niềm tin Kitô Giáo không chỉ là giữ một mớ luật  luân lý đạo đức.  Đó là chưa phải niềm tin Kitô Giáo đích thực. Mà niềm tin Kitô giáo đích thực đó là  gắn bó cả cuộc đời của mình với một con người mang tên là Giêsu. 

Giữ đạo, giữ luật,  giữ một cái hệ thống luân lý, hay là một cái hệ thống tư tưởng về Đức Giêsu rất là tốt! Nhưng đó chỉ là cái việc đến sau thôi. Cái điều đó là cái điều cần nhưng là cái điều căn bản nhất là mình gắn bó cuộc đời với Chúa Giêsu như thế nào?

Và cái chuyện gắn bó Cuộc của mình với  Chúa Giêsu. Ngày hôm nay Chúa Giêsu, dùng hình ảnh rất là bình thường để mà diễn tả, rất là dễ thương : Thầy là cây nho, anh em là cành.

Mối liên hệ giữa cây nho và cành cây hay là bất cứ một cái cây nào đó với cành nói lên một cái hệ tư tưởng nói lên một cái hệ thống tư tưởng đó là về Sinh Tử chúng ta liên tưởng đến cái chuyện sinh tử .

Cành cây mà lìa khỏi cây thì sao mà sống được ?  Cành cây mà lìa khỏi cây thì chỉ có chết thôi. 

Và rồi sống niềm tin Kitô giáo là, chúng ta đi sâu trong cái mối Hiệp thông với Chúa Giêsu  hơn! Nói thì   có thể là lý thuyết,  hay là xem ra có thể là thần bí.

Tưởng rằng là giữ đạo, giữ luật nhưng mà, cái tốt hơn là hiệp thông với Chúa Giêsu và để cho cái sự sống của Chúa Giêsu nó chảy trong mình, và cái sự sống của mình nó chảy trong Chúa Giêsu . Và nếu như nói đến đó nhiều người sẽ hỏi  rằng  là  làm sao sống được mối quan hệ sâu xa như vậy?  Cây nho và cành nho để diễn tả cái mối liên hệ sống còn giữa cây và cành. Cây và cành  nho là thế giới vật chất thôi!  để diễn tả cái sự sống còn đó.  

  Và rồi chúng ta nhìn đến cái hình ảnh nào để mà diễn tả cái mối liên hệ đó?

Mối tình thầy trò, chắc có lẽ chưa đủ, mối tình cha mẹ chắc có lẽ cũng chưa đủ, và  chắc có lẽ cao hơn đó chính là cái tình yêu nam nữ, cái tình yêu vợ chồng. 

Khi hai người yêu nhau không còn là hai nữa mà là một. Tình yêu của 2 người đó rất là tuyệt vời.   Niềm vui của người này cũng là niềm vui của người kia, nỗi buồn của người này cũng là nỗi buồn của người kia . Và cái tình yêu nam nữ đó chia sẻ cái sự sống với nhau. 

Và làm sao chúng ta sống cái mối liên hệ sâu xa nhất của chúng ta với Chúa Giêsu. Và chúng ta yêu như thế nào với Chúa Giêsu. Ngoại trừ những  cái mối tình sét đánh thì mình không bàn tới. Còn những mối tình yêu chân thật là họ tiếp xúc với nhau, họ khám phá nhau, họ không chỉ nhìn cái nhung nhan bên ngoài, mà họ nhìn cái cách xử sự, cái lối sống, và từ từ , dần dà nó phát sinh ra cái tình yêu. Và rồi với cái tình yêu nam nữ đó,  chúng ta lại đặt lại cái tình yêu của chúng ta với Chúa Giêsu.

Ngày mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với Chúa Giêsu qua thánh lễ. Ngày mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với Chúa Giêsu qua Lời của Ngài.

Và rồi Chúa Giêsu, đặt trong trường hợp của chúng ta,   chúng ta có hành xử theo cái lối hành xử của Chúa Giêsu hay không ?

Chúng ta có phản ứng như phản ứng của Chúa Giêsu hay không ? Khi một người hành hạ một người nói xấu một người chà đạp mình chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? và khi chúng ta bị cám dỗ chúng ta sẽ phản ứng như thế nào?

Chúng ta có đặt câu hỏi, chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu như thế nào hay không ?

Cách cụ thể của chúng ta, chúng ta diễn tả đặc biệt với Chúa Giêsu qua thánh lễ. 

«Thầy là cây nho, anh em là cành» cái câu đó diễn tả một cái niềm tin sâu sắc. Và Thánh lễ chính là cái lúc, cái thời điểm tuyệt vời nhất để diễn tả cái niềm tin, cái sự kết hợp giữa ta với Chúa.

Nhưng mà liệu ngày hôm nay, mấy ai giữ được thánh lễ cho trọn vẹn, mấy ai kết hợp mật thiết với Chúa trọn vẹn.  Dường như, người ta chỉ đi lễ cho xong và tự vấn an rằng: Tôi đã tham dự đủ thánh lễ.

Và đặc biệt khi rước lễ: vội vã, vội vàng để làm sao đi về cho lẹ. Có những người chưa kịp nhận phép lành cuối lễ, nhưng đã đi ra về rồi! bởi vì người ta không có cái thời gian đủ, để lắng đọng để kết hợp với Chúa Giêsu.

Hồi nhỏ, con nhớ cái bài hát rất là dễ thương:  

-     Trong tin yêu say đắm, con nhìn Chúa, Chúa nhìn con. Tuy Hai bên chưa nói nhưng đã hiểu nhau thật nhiều.

Khi mà mình kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể và Chúa Giêsu kết hợp với mình. Khi đó cái tình yêu rất tuyệt vời! Máu của Chúa Giêsu chảy trong ta và máu của ta chảy trong Chúa Giêsu. Và khi đó ta kết hợp nên một với Chúa Giêsu , một cái tình yêu rất tuyệt vời!  

Như cành nho gắn liền với cây nho, sinh hoa trái.  Cuộc đời của mỗi người Kitô Hữu của chúng ta nếu chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu. Chúng ta yêu thương Chúa Giêsu và chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu như thế, thì cuộc đời của chúng ta sẽ cảm thấy mình hạnh phúc.  Và không có gì chia cắt được. Như Thánh Phaolô nói:

«Không có gì tách rời tôi khỏi tình yêu Giêsu Kitô dù chiều sâu, chiều cao chiều rộng, dầu là bắt bớ dù là trần truồng, dù là đói khát ”.

Cái cảm nghiệm của thánh Phaolô ,  cái tình yêu của thánh Phaolô và Chúa Giêsu là một cái tình yêu mà chúng ta cần phải chiêm ngưỡng để chúng ta nhìn lại cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có gắn bó, chúng ta có yêu Chúa Giêsu như Thánh Phaolô đã trở lại, đã đổi cuộc đời của mình để nên một với Chúa Giêsu hay không?

 Ngày hôm nay, giữa một cái cuộc sống cơm áo gạo tiền, cũng không phải phủ nhận được ai ai cũng phải kiếm tiền để mà sống, để mà lo thân, lo tương lai. Nhưng mà đôi khi chỉ vì tiền chúng ta đánh mất, không những đánh mất tình yêu với Giêsu, mà còn đánh mất cái tình yêu với anh chị em đồng loại.

Có khi chỉ vì vài ngàn đồng bạc, vài chục ngàn đồng bạc, mà người ta đã làm tổn thương người khác. Và chỉ  có khi vài phút đồng hồ, vài giây đồng hồ mà người ta làm tổn thương tình yêu Giêsu, người ta cũng không ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.

 Xin Chúa ngày hôm nay, cho chúng ta khi nghe lại câu nói của Chúa Giêsu khi nhắc nhớ đến mối tương quan giữa cây nho và cành nho cũng nhắc nhớ cái mối tương quan giữa mỗi người chúng ta.  Để chúng ta chấn chỉnh lại cái mối tương quan của chúng ta, chúng ta có yêu Chúa chúng ta có kết hợp thực sự với Chúa không?  Nếu như chúng ta kết hợp, chúng ta yêu Chúa đủ, thì tình yêu của chúng ta với Chúa Giêsu sẽ nảy sinh ra nhiều hoa trái như lòng Chúa mong ước. Amen.

THỨ HAI TUẦN 5 PHỤC SINH

Cv 14:5-18; Tv 115:1-2,3-4,15-16; Ga 14:21-26

YÊU VÀ GIỮ LỜI

Trang Tin Mừng hôm nay nằm trong mạch văn ở phần của Tin Mừng Gioan,  một phần chính yếu với tựa đề : Giờ của Đức Giêsu – Lễ Vượt Qua của Chiên Thiên Chúa. Phần này, tác giả mô tả và thể hiện lại những lời nói, hành vi mang đậm tính “từ biệt” của Chúa Giêsu, khi Ngài thấy “Giờ của Ngài” đã đến.

Thật vậy, khi một người thấy mình sắp lìa bỏ cõi trần này, họ thường cảm thấy cô đơn, trống vắng. Họ muốn có những người thân luôn ở bên cạnh để an ủi và lắng nghe họ. Chúa Giêsu cũng không nằm ngoài qui luật thiên nhiên dành cho con người. Ngài cảm được Giờ của Ngài về cùng Chúa Cha đang gần kề, sứ vụ của Ngài sắp hoàn tất, khoá học sắp kết thúc, thế mà các Tông Đồ chẳng hiểu gì về con đường cứu độ của Ngài cả. Các ông vẫn tranh giành vương quyền, chức tước (Lc 22, 24-27 ). Ba năm theo Thầy giờ chỉ còn tranh chỗ ngồi bên tả, bên hữu... (Mt 20, 20 tt).

Vì vậy, Chúa Giêsu thấy giờ đây cần phải nhắc nhớ các môn đệ những  “ công thức” vắn gọn, dễ nhớ , dễ hiểu... mà chúng ta sẽ thấy Ngài cứ lập đi lập lại trong bài Tin Mừng Ga 14, 21-26 này.

Ở đầu câu 21, Chúa Giêsu nói : “Ai có các điều răn của Thầy và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Ở đây, chúng ta chú ý đến 2 động từ “có” và “giữ”. Người yêu luôn có, luôn chiếm làm sở hữu những gì có nơi người mà họ hằng yêu mến. Họ thích những gì người kia thích ; họ tập ăn, tập nói, tập đi đứng... như người họ yêu vậy. Họ muốn nên giống y như người họ yêu ; họ muốn nên một với nhau, khi yêu ai, chúng ta thường nhớ và luôn làm theo những lời người ấy căn dặn. Đó là mực thứơc để đo tình yêu.

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy. Chúa Giêsu chỉ rõ rằng, việc yêu mến Ngài không phải là vấn đề của những cảm xúc nhưng là của sự vâng phục các giới răn của Ngài. Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, bạn sẽ thi hành những gì mà Ngài mong muốn. Vì thế, Chúa Giêsu hứa cho những ai yêu mến Ngài rằng: Ngài và Chúa Cha sẽ đến, Ngài sẽ yêu mến và tỏ chính mình Ngài cho họ. Hơn thế nữa, Ngài và Chúa Cha sẽ ở lại trong những ai thật sự yêu mến Chúa Giêsu. Sau hết, Ngài hứa sẽ ban Thánh Thần cho các môn đệ của Ngài.

Khi chúng ta yêu Chúa Giêsu là chúng ta yêu mến cả Chúa Cha nữa. Vì : Chúa  Cha và Chúa Giêsu là một ; vì Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu, vì lời của Chúa Giêsu chính là lời của Chúa Cha. Đây là một tình yêu trong tương quan liên hoàn : Tình yêu trao ban, Tình yêu truyền từ người này sang người kia và nó càng thêm dồi dào, phong phú. Và vì thế, “Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Khi yêu nhau, ở trong nhau, thì  cả hai  sẽ biết rõ nhau hơn và càng yêu mến nhau hơn. “ Tỏ mình ra” có nghĩa là “biết nhau”, “biết” tường tận những gì người yêu mong ước đến nỗi họ cùng nhau chia sẻ vui buồn, sướng khổ. Âu sầu của người này là nỗi buồn  của người kia. Niềm vui của người kia là hạnh phúc của người này.

 Khi Chúa Giêsu nói những lời ấy xong, không biết ông Giuđa có hiểu ý Chúa không, nhưng ông đã hỏi “ Sao Chúa tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” (c.22 ). Nghe câu hỏi như có phần nào trách móc hay thiên vị một số người, nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu nghe vang lên trong một nỗi buồn man mác, khi Ngài muốn giải thích lý do “tại sao thế?” của ông Giuđa. Ngài khẳng định : “Ai yêu mến Thầy, sẽ tuân giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở lại nơi người ấy” (c.23).

Ở câu 23 này, Chúa Giêsu xác quyết lại những gì Ngài đã nói ở câu 21, nhưng thay vì nói “tỏ mình”, Ngài dùng từ “ở lại” nhằm giải thích cho Giuđa hiểu rõ ý Ngài hơn.  “Ở lại” cũng chính là “ nên một”. Nói đến đây, chúng ta nhớ lại sự “ ở lại” của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Qua việc Rước Lễ, Ngài muốn Nên Một với chúng ta, muốn lưu lại trong tâm hồn, trong cuộc đời chúng ta từng ngày, từng giờ, muốn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường ta đi trong cuộc sống.

Cũng là điều dễ hiểu khi yêu mến ai thì cũng sẵn lòng nghe lời người ấy. Thế nhưng, yêu mến Đức Giêsu và làm theo lời Ngài để rồi được Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn thì quả là một phần thưởng quá lớn lao không ai dám mơ tưởng, thậm chí không thể biến thành hiện thực được.

Dù vậy, chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều Ngài đã nói khi Ngài là Người Con Chí Ái sẵn lòng vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Và khi sống lại từ cõi chết, Ngài còn khiến điều đó trở thành khả thi cho chúng ta: làm theo lời Chúa Kitô là vác thánh giá, chịu đóng đinh với Ngài, mà ai cùng chịu chết với Ngài thì sẽ cùng Ngài sống lại.

Hơn thế nữa, Chúa Giêsu lại tái khẳng định bằng một mệnh đề phủ định “Ai không yêu mến Thầy, thì không tuân giữ lời Thầy” Ngài nói rõ Tình yêu của chúng ta đối với  Ngài là việc vâng nghe lời Ngài. Vì “lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” ( c.24). Ở đây, Chúa Giêsu tỏ lộ ý muốn của Chúa Cha và Chúa Giêsu là con người đến thi hành ý Chúa Cha mà thôi. Vì “ Chúa chẳng thích tế phẩm hay lễ vật... con liền thưa.  “Này con xin đến”. Trong sách chép về con : con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng...” (Tv 40,7-9).

Trong 2 câu cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc nhớ cho các môn đệ rằng : Điều vâng giữ Lời Chúa, Ngài đã nói khi Ngài ở với các ông và bây giờ Ngài về cùng Cha, thì Đấng Bảo Trợ là Ngôi Ba Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để dạy các ông và nhắc lại những điều Chúa đã dạy ( x.c.25-26). Nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ tất cả những gì các môn đệ phải biết mà Chúa Giêsu chưa nói. Chúa Thánh Thần cũng sẽ giúp các ông hiểu ý nghĩa của lời rao giảng và các dấu lạ của Đức Giêsu mà trước đây các ông chưa hiểu được.

Ta thấy sự hiện diện hữu hình của Chúa Giêsu được thay thế bằng một sự hiện diện thiêng liêng trong nội tâm của tất cả những kẻ yêu mến Ngài bằng lời hứa: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẻ giữ Lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và thầy và thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy” (Ga 14,26). Chúa Giêsu không ở với nhân loại nữa, nhưng Ngài cư ngụ trong tâm hồn những kẻ tin Ngài. Ngài không cư ngụ một mình nhưng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Thánh Augustino nói: “Ba Ngôi Thiên Chúa đến với chúng ta khi chúng ta đến với Ba Ngôi Thiên Chúa: Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta khi chúng ta vâng lời Ba Ngôi Thiên Chúa; Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ soi sáng chúng ta khi chúng ta chiêm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa”. Sự cư ngụ của Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm hồn ta là món quà tuyệt đỉnh mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Món quà đó Ngài ban tặng cho tất cả những ai sống xứng đáng với tình yêu của Ngài bằng cách nghe và đem Lời Ngài ra thực hành.

 Chúa Giêsu đã tặng cho chúng ta bí quyết để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời đời với Ngài: yêu mến Chúa và làm theo lời Ngài. Thích hay không thích thì thập giá cũng đã cắm đầy dẫy trong cuộc đời của chúng ta. Vấn đề là chúng ta có biết đón nhận những thập giá đó một cách mau mắn và với trọn niềm yêu mến hay không.

Ta hãy xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót và đầy quyền năng, Ngài biết rõ tâm trạng chúng ta còn u mê, nguội lạnh không hiểu được Tình Yêu của Thiên Chúa đã giành cho chúng ta qua những lời nói và việc làm đặc biệt qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu về cùng Cha, Cha đã sai Chúa Thánh Thần như ơn huệ mở đầu để soi sáng hướng dẫn và đồng hành với chúng ta trên con đường dương thế. Xin cho chúng ta một lòng yêu mến và vâng phục Ngài, để ân huệ Thiên Chúa sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống chúng ta. 

LỄ THÁNH GIUSE LAO CÔNG, 1 THÁNG 5

Mt 13, 54-58

GIUSE : MẪU GƯƠNG CỦA LAO ĐỘNG

Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao.... 

Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...

Trong lịch sử phát triển của loài người, bắt đầu từ khi loài vượn cổ xuất hiện biết cầm nắm, hái lượm dần tiến hóa thành người tinh khôn, người đứng thẳng và đến chúng ta loài người hiện đại. Loài người không ngừng lao động để cải tậo chính mình, sử dụng đôi tay để tạo ra những dụng cụ phục vụ đời sống, tạo ra lửa để nấu chín thực phẩm, thuần hóa thú nuôi, trồng trọt, cải tạo thiên nhiên, không còn ở những hang hóc mà biết xây dựng nơi trú ngụ.

Khi đã lo được cái ăn cái mặc, con người dần hoàn thiện về mặt văn hóa, lao động trí óc để sáng tạo nên những công trình vĩ đại như kim tự tháp, vạn lí trường thành…các phép tính, khám phá thiên nhiên. Nhờ lao động, con người dần đạt đến cuộc sống văn minh như hiện nay – con người đã trở thành loài thượng đẳng trên trái đất.

Ta có thể hiểu lao động là vận dụng sức mạnh tay chân hoặc trí óc thông qua công cụ lao động để cải tạo thiên nhiên nhằm mục đích tinh thần phục vụ con người. Chính nhờ lao động mà con người trd thành loài thượng đẳng và có cuộc sống văn minh như ngày nay. Tất cả mỗi người phải lao động nếu không sẽ trở thành kẻ vô công rỗi nghề không đóng góp gì cho bản thân, gia đình và xã hội.

Lao động là thước đo giá trị của con người. Lao động có nhiều hình thức: lao động xã hội, lao động công ích… Quá trình hình thành là khoảng thời gian để tạo ra một kết quả, một công việc. Hoàn thiện nhân cách là làm nên trọn vẹn phẩm chất của con người. Như thế ta có thể hiểu “lao động là quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách của con người” là vận dụng họat động chân chính của bản thân là khoảng thời gian để tạo ra trọn vẹn phẩm chất của con người.

Để có được một cuộc sống ấm no và hạnh phúc, con người phải trải qua rất nhiều vất vả lầm than qua công việc lao động. Lao động thường làm chúng ta mệt mỏi, phải đổ nhiều mồ hôi nước mắt, nhưng nhờ chính việc lao động lại giúp chúng ta kiến tạo cuộc sống tươi đẹp hơn và chúng ta cũng được cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hôm nay, Giáo Hội mừng kính một vị thánh là mẫu gương lao tác tuyệt vời mà mỗi người chúng ta được mời gọi để noi theo và nên thánh trong bổn phận của chính mình.

"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."

Bài hát hết sức thân thuộc mà chúng ta hay hát về Thánh Cả Gius. Đơn giản là vì công giáo Việt Nam nào mà thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse.... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.

Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...

Phải miệt mài lao động, vất vả làm ăn, và phải gặp rất nhiều khó khăn, thánh Giuse mới có thể giúp gia đình ổn định kinh tế và vợ con được cơm no áo ấm. Mặc dầu việc chi tiêu của thánh gia rất đơn giản, nhưng là một trụ cột trong gia đình, chắc là thánh Giuse đã phải ưu tư rất nhiều để cùng với Đức Mẹ chăm sóc chu đáo cho Giêsu. Với tình yêu và trách nhiệm của người cha, người chồng, thánh nhân chẳng ngại khó khăn, không nản lòng trước biết bao khó nhọc của nghề thợ mộc. Ngài đã miệt mài cần mẫn lao động vất vả để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Ta cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...

Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...

Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Thánh Giuse cũng muốn chia sẻ mọi khó nhọc với chúng ta. Ai ai cũng muốn cuộc đời ấm êm, sẵn sàng lao động để xây dựng một cuộc sống bình an sung túc. Trong khốn khó của phận người, chúng ta hãy đến cùng Giuse để ngài chia vơi nỗi khốn cùng của chúng ta, để ngài nài xin Thiên Chúa cho ta lấy lại sức để bước tiếp trên đường đời. Nhờ vị thế uy quyền của thánh Giuse trước nhan thánh Chúa, lời khẩn nguyện của chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhận lời và ban cho ta muôn vàn ân phúc.

Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, "Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, 'Hãy đến cùng Thánh Giusè"

Chớ gì trong mọi công việc lao động làm ăn, chúng ta luôn bắt chước thánh Giuse ân cần làm việc trong tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Để sau khi lao động hết mình, với lòng tin yêu lớn lao, chúng ta cũng được Thiên Chúa trao ban phần thưởng lớn lao là hạnh phúc Nước Trời. Bởi lẽ một người thợ biết phó thác mọi công việc mình làm thì xứng đáng đón nhận niềm vui ấy. Cho dẫu cuộc sống chúng ta còn nhiều long đong cơ cực, nhưng noi gương thánh Giuse là vị thánh miệt mài lao động với tất cả tình yêu, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh để lướt thắng mọi gánh nặng của cuộc đời.

 

THỨ BA TUẦN 5 PHỤC SINH

LUÔN LUÔN LẮNG NGHE – LUÔN LUÔN THẤU HIỂU & LUÔN LUÔN THI HÀNH

            Vô tình, thấy trên mạng có dòng chữ : “Always listening, always understanding”. Học lớp 3, trường cháy, cô giáo chết làm sao có thể hiểu được dòng chữ này. Thế là đi hỏi những người hiểu biết, họ mới dịch là : “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Và khi nghe dịch như vậy thì nhớ đây là slogan, đây là khẩu hiệu của một công ty bảo hiểm.

            Thật sự mà nói, ở đâu thì có thể nói nhưng ở Việt Nam ta, cái chuyện hưởng bảo hiểm e rằng hơi bị khó vì quá nhiều thủ tục nhiêu khê. Có người nói vui : “Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu”.

            Quả thế, luôn luôn lắng nghe và lâu lâu mới hiểu hay hiểu sai hay không chịu hiểu hay luôn luôn thấu hiểu nó biểu lộ một trạng thái của một con người, một khẩu hiệu của sự thờ ơ, một trạng thái nửa vời. Nếu đúng và đầy đủ là “luôn luôn lắng nghe – luôn luôn thấu hiểu – luôn luôn thực hành”. Anh nghe người khác, anh hiểu người khác mà anh không đem ra thực hành thì quả là quá tệ ! Chuyện cần là thực hành.

            Ông bà xưa có câu : “Cá không ăn muối cá ươn. Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.

            Câu nói ngàn đời không phai và không sai.

            Cha mẹ nào mà không thương con cái. Chính vì thương nên mới dạy con và chỉ đường cho con đi. Nếu như con không nghe lời cha mẹ và cưỡng lại lời cha mẹ  thì chắc chắn không sớm thì muộn sẽ hư đi.

            Chúa Giêsu, Ngài là Đường – là Sự Thật và là Sự Sống để rồi Ngài dẫn con người con đường về với Chúa Cha. Nhiều và quá nhiều lần Ngài nhắc đến chuyện Lời : “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy” hay là “Ai giữ Lời Thầy thì như người khôn xây nhà trên đá”, hay là “Ai giữ lời tôi chính là mẹ, là anh em tôi”.

            Vâng ! Những ai nghe và giữ Lời của Chúa thì quả thật là người yêu mến, người không và là mẹ cũng như là anh em của Chúa.

            Nhìn vào dòng chảy của lịch sử cứu độ, ta bắt gặp những khuôn mặt đã yêu mến, đã nghe và đã giữ Lời của Thiên Chúa.

            Abraham : Ông đã tin và đã thực hiện Lời của Thiên Chúa. Khi Chúa mời gọi ông sát tế chính đứa con yêu của mình, ông đã thi hành. Thế nhưng rồi, đó chỉ là dấu chỉ mà Thiên Chúa thử thách ông. Qua việc giữ Lời đó, ông được gọi là Cha của những người tin.

            Môsê : Người rao truyền Lời của Chúa và đã thi hành theo những gì Chúa nói và rồi ông đã dẫn dân qua khỏi sa mạc để đến vùng đất Hứa.

            Hẳn ta còn nhớ khuôn mặt của Samuel.

Đức Chúa quyết định chọn gọi Samuel để thay thế dòng dõi Êli, vốn đã ra hư hỏng. Samuel nghe tiếng Đức Chúa gọi vào thời “lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra” (3,1). Hơn nữa, vì “Samuel chưa biết Đức Chúa và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu” (3,7), nên cậu không dễ dàng nhận ra Đấng đang gọi mình là ai. Ba lần Đức Chúa gọi cậu, nhưng cậu lầm tưởng là tư tế Êli gọi mình. Sau lần gọi thứ ba này, cậu Samuel đã đến hỏi tư tế Êli và được ông chỉ cho cậu biết cách phải đáp lời ra sao trước tiếng gọi mầu nhiệm ấy (x. 3,9).

Đức Chúa tiếp tục gọi Samuel lần thứ tư một cách thân tình và dịu dàng như ba lần trước đó: “Samuel! Samuel!” (3,10). Lần này, Samuel đã thưa như lời tư tế Êli dạy: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (3,10). Tuy nhiên, sau sự kiện này, Đức Chúa hằng ở bên Samuel và Lời Người đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời Samuel, trở thành kim chỉ nam để ông sống và hướng dẫn dân Chúa, như lời Kinh Thánh nói: “Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (3,19).

Hơn ai hết, Mẹ Maria là kẻ đầu tiên đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa: "Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền". Lời thưa "Xin vâng" của Mẹ Maria khai mở một thế giới mới của ơn cứu rỗi và của sự sống mới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô để lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, và mối phúc lắng nghe lời Chúa và sống thực hành cũng được mở ra cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại.

Chúa Giêsu không chê bỏ dây ruột thịt đã kết hợp Người với Mẹ Maria. Người biết phải cần đến bản tính nhân loại của Mẹ Người, nhờ đó, Người cứu độ loài người. Nhưng Người muốn cho chị này hiểu về hạnh phúc thật trước mặt Thiên Chúa, không hệ ở con ruột thịt dù nó có trong sáng cao thượng. Cũng thế, Chúa không đánh giá chúng ta theo phẩm chất trí thức dù có chói sáng, theo địa vị trong Giáo Hội, theo chức vụ lãnh nhận và theo vinh quang rạng rỡ của ta.

Đối với Người, chúng ta có giá trị nhờ chúng ta có biết lắng nghe lời Chúa, biết hăng say lãnh nhận sứ điệp của Người với lòng yêu mến chân thành, biết quảng đại thực thi lời Chúa hằng ngày, biết sốt sắng làm cho mọi người cảm nhận lời Chúa, biết trung thành tuân giữ lời Chúa dù gặp những lúc gian lao khó khăn cũng như những lúc được vui mừng thuận lợi. Chúng ta có giá trị nhờ ở thiện chí vững chắc và không ngừng bước theo con đường thánh giá của Chúa luôn luôn mở ra trước mắt của chúng ta ánh sáng phục sinh cho ta ở đời này cũng như ở trời cao. Chúng ta có giá trị nhờ thực thi bác ái với người thân cận, nhờ ở hiến thân phục vụ những đại nghĩa công chính, phục vụ người nghèo và người cùng khổ thuộc mọi giới.

Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa – đây chính là cái giá phải trả để mua hạnh phúc thật, hạnh phúc Nước Trời. Nhưng làm thế nào để nghe được Lời Chúa, làm sao để kiên cường tuân giữ Lời Chúa giữa một môi trường luôn ầm ào với đủ thứ âm thanh khủng bố thính giác, với đủ thứ lo toan và mời mọc khiến lòng người không một phút lặng bình, với đủ thứ bậc thang giá trị khiến trí khôn không biết đâu mà chọn lựa ?

Vâng lời, các tông đồ đã bắt được rất nhiều cá

            Tối hôm đó, các tông đồ hẹn nhau lên thuyền, ra biển đánh cá. Các ông là những ngư phủ chuyên nghiệp, nhưng đã thất vọng vì suốt đêm không bắt được con cá nào. Khi trời đã sáng, các ông đưa thuyền vào bờ và mọi sự đã sẵn sàng cho một ngày nghỉ: đưa thuyền vào bờ, lưới chài chuẩn bị di chuyển lên đất, mặt trời mọc lên làm cho nước biển nóng, đàn cá dã tìm cách trở về nơi trú, không còn rủ nhau bơi lội tung tăng để đi kiếm mồi nữa. Thì lúc nầy, “một người” đang đứng trên bãi biển “bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá (x. Ga 21,6). Khi kéo lưới vào bờ, lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách (x. Ga 21,11).

Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm (Cv 5,29)

Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà kìa các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” Bấy giờ ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm.” (Cv 5, 27-29)

Ngày hôm nay, có quá nhiều tiếng gọi của các giáo phái, của người phàm để rồi nếu không khéo, con người sẽ ngã theo những lời ngon ngọt đó. Đứng trước cơn bão tố của thông tin, của truyền thông, ta phải xin Chúa cho ta tỉnh táo để phân định những nguồn tin mà chúng ta nghe để rồi đâu là lời thật. Và, chắc có lẽ, mãi muôn đời, chỉ có Lời Chúa mới là kim chỉ nam cho đời chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta khi đối diện với Lời Chúa thì luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và luôn luôn thi hành.

            Lời Chúa mãi mãi là đèn soi cho cuộc đời chúng ta để rồi xin Chúa cho chúng ta có một tấm lòng rộng mở và con tim nhạy bén để nghe và nhất là giữ Lời Chúa trong cuộc đời chúng ta. Có như thế, khi nghe và giữ lời Thầy thì Thầy và Cha Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

CTHỨ SÁU TRONG TUẦN THỨ 5 PHỤC SINH

Cv 15:22-31; Tv 57:8-9,10-12; Ga 15:12-17

YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc.

Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Tình yêu tuyệt vời như chính Chúa Kitô đã nói: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Có người sẽ phản bác: “Còn có một tình yêu lớn hơn nữa, đó là tình yêu của kẻ chết vì thù địch của mình”. Thì Chúa Giêsu cũng chính là một con người như thế, và hơn bất cứ ai.

Thư gởi giáo đoàn Rôma viết: “Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì những người lương thiện. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,6-8). Và trên thập giá, Chúa đã cầu nguyện cho chính những kẻ đóng đinh mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

          Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy (Ga 15, 9). Vậy ta thử xét coi Ðức Giêsu yêu mến loài người như thế nào. Và ta cũng chỉ giới hạn cái việc Ðức Giêsu yêu mến loài người theo như Phúc âm hôm nay ghi lại mà thôi. Nếu xét tất cả những việc Ðức Giêsu làm vì yêu mến loài người trong toàn bộ Phúc âm, thì không biết bao giờ ta mới nói hết. Chúa Giêsu đã yêu mến loài người bằng cách chấp nhận cuộc tử hình thập giá để chuộc tội loài người.

Ðó là lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 13). Thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm người đó kín đáo, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Ðó là cách thế Ðức Giêsu đã làm để trở nên bạn hữu với ta: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thẩy đã cho anh em biết (Ga 15, 15).

Thánh Âu-tinh nói: “Khi yêu thì không đau khổ, mà nếu có đau khổ thì người ta sẽ yêu thích cả nỗi khổ ấy”. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: các Tông đồ bị điệu ra trước tòa, bị đánh đòn, bị cấm không được rao giảng về Chúa Giêsu phục sinh, rồi được thả ra. Các ngài ra về, “lòng hân hoan vui mừng” không phải vì được trả tự do nhưng vì thấy mình đã “được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41).

Đối với các Tông đồ, được chịu khổ vì Đấng mình yêu mến cũng là một ân huệ mà không phải ai cũng có! Tình yêu mạnh hơn sự chết. Có tình yêu –nghĩa là biết mình đang yêu hoặc đang được yêu– thì không sợ gì nữa. Thánh Phaolô đã trải nghiệm mãnh liệt “chân lý” này. Ngài chia sẻ kinh nghiệm ấy trong thư Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm đao? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta …” (Rm 8, 35-37).

Ðức Giêsu chính thức tuyên bố lệnh truyền của Ngài: "Hãy yêu thương nhau" - một tình yêu vô vị lợi vì yêu như chính mình. Yêu vô vị lợi nghĩa là yêu thương mà không đòi phải đáp trả, như Ðức Giêsu đã không nói: "Hãy yêu Thầy như Thầy đã yêu anh em" mà Ngài nói: "Hãy yêu nhau như Thầy yêu anh em". Yêu như chính mình là tình yêu cao trọng nhất, là dám hy sinh mạng sống mình như Ðức Giêsu đã tự hiến vì chúng ta. Ðó là tình yêu đích thực mà Ðức Giêsu và mỗi người môn đệ của Ngài đều thực thi.

Yêu thương, nếu chỉ là một cảm giác dễ chịu thì chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu thật là phải cho đi, phải hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng đúng nghĩa. Bởi thế Chúa Giêsu nói : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.” Câu Tin Mừng này khiến tôi liên tưởng tới một câu chuyện tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tựa đề “Anh phải sống” : hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi. Chỉ có một khúc cây đủ sức cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo các con”. Người vợ cũng bảo chồng “Anh phải sống”. Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.

Việc thực hành lệnh truyền của Chúa, đòi chúng ta phải hy sinh, quên mình và chỉ nghĩ đến tha nhân, làm điều tốt cho tha nhân, tôn trọng phẩm giá của tha nhân. Yêu thương nhau là tình yêu không bờ không bến; tình yêu không biên giới.

Tình yêu loại trừ sự thù hận, xúc phạm đến tha nhân, nói xấu, dèm pha, ghen ghét nhau, vì nó đi ngược lại lệnh truyền của Chúa, chối bỏ chân lý về con người và về Thiên Chúa.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôsê đã nói : “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.” (Cl 3, 12). Như lời sách Phúc Âm theo Thánh Mát Thêu: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7). “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” (Cl 3,13). Đã đến lúc mọi người chúng ta tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau.

Trong gia đình, mọi người hãy yêu thương nhau, sống hòa thuận với nhau để làm cho tổ ấm gia đình được bình an, hòa thuận mãi mãi. Nếu có điều gì sứt mẻ, hãy lấy tình yêu thương mà tha thứ, làm hòa với nhau. Hãy hàn gắn mọi vết thương để loại trừ những đố kỵ, bất hòa bằng tình yêu thương nhân hậu, tình yêu nhân từ, tình yêu nhân ái, như Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.

 

THÁNH ANTHANASIA, GM, TS 2 THÁNG 5

Cv 15:1-6; Tv 122:1-2,3-4,4-5; Ga 15:1-8

KẾT HỢP VỚI THẦY NHƯ CÀNH NHO KẾT HỢP CÂY NHO

Thánh Athanasiô sinh khoảng năm 295 có lẽ tại Alexandria. Gia đình Ngài rõ ràng là khá giả vì sau này Ngài có dịp trốn ở phần mộ của gia đình, Ngài đã theo môn cổ học và sau này thường trích dẫn các tác giả cổ. Có lẽ Ngài cùng theo học tại một trường Giáo lý ở Caêsarêa nên tư tưởng của Ngài thấm nhuần Thánh Kinh, cả những chú giải Thánh Kinh và cũng theo truyền thống các giáo phụ nữa.

Vào khoảng 25 tuổi Athanasiô đã có một thời sống với Thánh Antôn ẩn tu. Bốn mươi năm sau, Ngài đã mời Thánh An tôn ẩn tu về Alexandria để góp phần bảo vệ đức tin. Khi qua đời, thánh ẩn tu đã nhường lại cho Athanasiô cái áo choàng Ngài vẫn dùng đắp mình khi ngủ và tấm da chiên để dùng sưởi ấm lúc tuổi già. Những năm chung sống nơi sa mạc với vị thánh ẩn tu này đã tạo nên nét thánh thiện và nhân cách của Athanasiô.

Ngay khi còn là một thầy phó tế trẻ, ngài đã được Đức Giám mục Alexandria, Giám mục của ngài, chọn tháp tùng đi dự công đồng Nicêa, vào năm 325 CN. Các nghị phụ chú ý đến ngài bởi tầm học thức và tài khéo léo qua đó ngài bảo vệ đức tin. Năm tháng sau, Đức cha Alexander khi sắp qua đời, đã dặn dò lại Hội Thánh Alandria chọn ngài làm người kế vị ngôi vị Thượng phụ Giáo chủ Alxandria. Ở lại trong nhiệm vụ này 46 năm, vị Thượng phụ Giáo chủ mới đứng mũi chịu sào mọi cuộc tấn công của những người theo Ariô, và thường là trong cảnh cô thân và không được bảo vệ.

Thánh Athanasiô đứng vững không lay chuyển chống lại cả bốn hoàng đế Rôma, là những người phát vãng ngài năm lần, và ngài là mục tiêu cho những sỉ nhục, vu khống và xuyên tạc mà những người theo Ariô đã có thể nghĩ ra. Ngài sống liên tục trong nguy hiểm phải chết. Dù ngài cứng rắn, mạnh mẽ như kim cương trong việc bảo vể đức tin, nhưng lại hiền lành và khiêm nhường, dễ thương và lưu loát trong ăn nói, và không ai vượt qua được trong lòng nhiệt thành vì các linh hồn. Từ các nơi lưu đày, ngài đã viết những công trình lớn để dạy dỗ và củng cố đàn chiên; đấy là những tác phẩm phong phú trong tư tưởng và uyên bác, rõ ràng, sắc sảo và vững bền trong cách diễn tả.

Thánh Athanasiô đã viết những tác phẩm vĩ đại nhất trong 30 năm xáo trộn. Cuốn Uncarnatione Verbi hoàn thành năm 337, cuốn Virginitate và Orationes khoảng năm 357, cuốn Contra Arianô có thể sau năm 362. Ngài đã viết rất nhiều và mọi tư tưởng Ngài cũng như cuộc sống Ngài tập trung vào hai ý niệm: Chúa Con là sự bày tỏ của Chúa Cha, và Giáo hội là sự bày tỏ của Chúa Con. Giáo hội Tây phương kính nhớ Ngài như "Thánh Tiến sĩ Chúa Ba Ngôi", nhưng trước hết, Ngài là Thánh Tiến sĩ về Mầu nhiệm Nhập thể và về Ơn thánh.

Trong cuộc sống đời thường, những gì thuộc phạm vi thiêng liêng tinh thần thì chúng ta không thấy được, và rất khó hiểu khi ta nghe nói tới. Nhưng nó không xa sự vận hành thực tế của vạn vật của con người trong vũ trụ. Thiên Chúa thường dùng những gì là hữu hình khả giác, để mạc khải cho con người những cái vô hình siêu nhiên thiêng liêng. Trong chiều hướng ấy, Chúa Giêsu cũng thường dạy dỗ dân chúng và các môn đệ Ngài, dựa vào đời sống thực tế trong nhân gian. Bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu chọn cây nho và cành nho để trò chuyện với các môn đệ của Ngài.

Chúa Giêsu long trọng khẳng định một cách tuyệt đối và siêu việt, có âm vang Messia: “Thầy là cây nho thật”, và Thiên Chúa Cha là người trồng nho. Như vậy Chúa Giêsu có phẩm tính thần linh, và sự  sống mà Ngài chuyển thông cho những cành nho của Ngài là sự sống thần linh. Chính Giáo Hội và tất cả những người Kitô hữu là cành nho, nhất thiết phải gắn liền với thân cây nho là Đức Giêsu Kitô, để đón nhận nhựa sống thần linh của Ngài. Nước rửa tội, rượu Thánh Thể sẽ là những chính lộ của sự chuyển thông ấy từ cây nho đích thực, là cây nho ban sự sống, để thân cây nho và cành nho hình thành nên chỉ một cây nho duy nhất.

Và ta thấy đây là một hình ảnh rất thân thương mật thiết của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Ngài. Đức Giêsu là cây nho thật, cây nho hoàn hảo, cây nho sinh hoa trái như Chúa Cha mong muốn nơi Đức Kitô, là qui tụ các kitô hữu làm nên một dân riêng mới của Thiên Chúa, dân mà Ngài đã chuyển thông sự sống cho. Người kitô hữu  sống kết hợp với Chúa Kitô  nhờ đức tin thì mới có sự sống thần linh, và mới có thể sinh hoa trái cho sự sống đời đời. Cây nào sinh hoa trái thì Thiên Chúa  cắt cành tỉa lá để chúng nảy sinh nhiều hoa trái hơn.

Ta thấy đây chính là công việc của Thiên Chúa đang thực hiện trong Hội Thánh và trong mỗi kitô hữu. Ngài cắt tỉa nhiệm nhặt như không chút xót thương qua những thử thách, bằng cách chịu bách hại, đau khổ và hi sinh vì Chúa, để tôi luyện đức tin, lòng cậy trông và tình mến Chúa, vì như lửa thử vàng thì gian nan lại thử đức. Chúa gởi thử thách để thanh luyện những kẻ yêu mến Ngài, để họ trở nên những con người đem lại nhiều kết quả cho Nước Trời. Luật cắt tỉa cứng rắn như vậy, người kitô hữu mới không trở thành những cành khô héo. Nhưng Chúa Giêsu cũng an ủi các môn đệ của Ngài: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em”.

Vì lời Chúa ở trong các ông đã trở nên một sức mạnh biến đổi nội tâm các ngài, sức mạnh của lời Chúa giải phóng các ông khỏi gian dối và tội lỗi. Chúa Giêsu còn mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” vì “không có Thầy anh em không làm gì được”.

Lời rất thật và rất gần này của Chúa muốn chỉ về cuộc sống siêu nhiên, không ai có thể nhờ phương thế riêng mình mà có thể đạt được hay tăng trưởng được. Chúa Giêsu còn nói lên tính hiệu lực của lời cầu nguyện khi chúng ta biết kết hiệp mật thiết với Đức Kitô: “nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu diễn tả mối bận tâm của Ngài là làm vinh danh Chúa Cha, thực hiện thánh ý Chúa Cha. Điều đem lại vinh quang của người trồng nho chính là chất lượng của trái nho, cũng như sự sai trái của chùm nho. Như vậy, các môn đệ góp phần vào vinh quang của Chúa Cha bằng đời sống thánh thiện của các ngài, và bằng những kết quả sáng chói của sứ vụ các ngài thực hiện, lúc đó các ngài mới là môn đệ thực sự của Đức Giêsu Kitô.

Với ảnh rất cụ thể về sự sinh trưởng của cây nho, sự tương quan gắn bó chặt chẽ giữa cây nho và cành nho, chúng ta suy niệm để khám phá ra mối tương quan cần thiết giữa chúng ta với Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày, để chúng ta biết tin vào Chúa Kitô và biết kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô, làm mọi việc với Chúa, vì Chúa để có kết quả thiêng liêng đời đời trong ngày cánh chung. Chúng ta siêng năng chịu các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể để chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu hơn, mới có thể sống đời sống thiêng liêng dồi dào và sản sinh hoa trái.

Và rồi muốn cho đời sống chúng ta có kết quả phong phú, chúng ta còn cần sống lời Chúa và để lời Chúa thanh luyện chúng ta, tẩy sạch chúng ta khỏi các tính mê tật xấu. Mỗi lần lời Chúa tiêu diệt một tính xấu, là một lần chúng ta sinh thêm hoa trái thiêng liêng. Càng tin vào Thiên Chúa càng sống bác ái với tha nhân và càng trở nên hoàn thiện cho bản thân, càng làm cho Thiên Chúa được vinh quang. Chúng ta luôn kết hợp với Chúa Kitô và để cho lời Chúa cắt tỉa chúng ta, dù phải hi sinh chịu đau khổ cách nào, thì đời sống đạo chúng ta mới thăng tiến được.

THÁNH PHILIPPHE VÀ GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ 3 THÁNG 5

Cv 15:7-21; Tv 96:1-2,2-3,10; Ga 15:9-11

 

THẤY THẦY LÀ THẤY CHA

Thánh Philipphê là người Bétxaiđa, cùng quê với Thánh Anrê và Thánh Phêrô (x. Ga 1,44). Trước khi theo Chúa Giêsu, Ngài là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài đã giới thiệu Chúa Giêsu cho  ông Nathanael (Ga 1,45-46). Trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? Philipphê trả lời: Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút" (Ga 6,5).

Qua trang Tin Mừng hôm nay ông đã mạnh dạn xin Chúa Giêsu “Cho thấy Chúa Cha” (Ga 14,8). Chúa Giêsu đã cho ông biết: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14, 9). Sau ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đi truyền giáo tại Sitti, rồi giảng dạy ở Hiêrapoli, xứ Rigie và chịu đóng đinh vì danh Chúa tại đây.

Thánh Giacôbê, còn gọi là Giacôbê hậu, là anh em bà con với Chúa Giê-su (Mt 13,55 - Mc 6,3) và là con của ông Anphê (Mt 10,3 - Mc 3,18 - Lc 6,15 - Cv 1,13). Ngài được Chúa Kitô phục sinh hiện ra cách riêng (1Cr 15,7). Ngài đã từng lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem (Cv 12,17 - 15,13 - 21,18) và giúp cho nhiều người Do thái đón nhận đức tin (Cv 15,13-31). Ngài có một địa vị quan trọng trong cộng đoàn sơ khai.

Nhờ đâu, chúng ta khẳng định như vậy? Thứ nhất, khi Phêrô được thiên thần giải thoát khỏi ngục tù đã nói: "Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết" (Cv 12,17). Thứ hai, sau khi trở lại, Thánh Phaolô đã từng gặp Giacôbê, và lần cuối cùng gặp Giacôbê khi ông đang họp với hàng niên trưởng (Cv 21,18). Thứ ba, Thánh Phaolô cũng nhắc đến Giacôbê trong thư Côlôsê: "Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu hiệp thông" (Gl 2,9). Thánh Gia-cô-bê để lại một bức thư. Ngài chịu tử đạo năm 62.

Được sống với Thầy, được nghe những bài giảng của Thầy về Chúa Cha, Philipphê nhận ra Chúa Cha là Đấng cao cả nhưng cũng rất tốt lành, là nguồn hạnh phúc, cho nên ông và các tông đồ khác đã ước ao được thấy Chúa Cha: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện ! Qua đó, chúng ta thấy được tấm lòng khao khát tìm kiếm chân lý của Philipphê và các Tông đồ.

Ước nguyện ấy lại được Chúa Giêsu đáp ứng một cách dễ dàng không ngờ : ai Thấy Thầy là thấy Cha! Một ước vọng có vẻ cao sang nhưng lại được được đáp ứng quá nhanh chóng đến độ bất ngờ như thế, thực sự là một Tin vui hạnh phúc cho loài người chúng ta trên hành trình tìm kiếm chân lý, nhưng nhiều khi cũng vì quá dễ dàng, nên chân lý vĩ đại này lại thường bị bỏ quên. Người ta thích đi con đường dài và  hiểm trở (để quan trọng hóa vấn đề) hơn là chọn con đường có vẻ quá đơn giản như thế. Người ta đi tìm Chúa nơi nao trong khi Chúa ở rất gần, ở bên cạnh, ở trong lòng ta thì lại không biết, không thấy ! Người ta thích suy tư lý luận dài dòng phức tạp nhưng lại quên rằng Thiên Chúa của chúng ta và đường lối của Ngài lại rất đơn sơ.

Có lẽ Philipphê và Giacôbê cùng các Tông đồ sau khi được Chúa dạy dỗ bài học hôm nay, đã ý thức để sống thân mật với Chúa hơn, lãnh nhận chân lý với niềm tin yêu, và sau này các Ngài đã đổ máu đào để làm chứng cho chân lý ấy.

Đối với chúng ta hôm nay, chúng ta có khát khao tìm kiếm chân lý, tìm kiếm hạnh phúc đích thực không? Có người vất vả đi tìm hạnh phúc tạm bợ, giả tạo nơi tiền bạc, danh vọng, lạc thú…; có người đi tìm ở triết thuyết này, đạo pháp kia; có người biết là phải đi tìm Chúa nhưng không biết tìm ở đâu! Thì đây, Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời đễ dàng đến bất ngờ : Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Thì ra gặp Chúa Giêsu là gặp Chúa Cha nguồn Sự thật, thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha nguồn sự sống, yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến chính Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Mà làm thế nào để tìm biết Chúa Giêsu?

Nếu anh biết Thầy, anh cũng sẽ biết Cha. Bi đát là cho đến hôm nay nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết Chúa Giêsu, mặc dù ta mang danh là Kitô hữu, ta vẫn nghe Kinh Thánh mỗi ngày, vẫn rước Chúa mỗi ngày! Nếu một người lương dân hỏi: Chúa Kitô là ai? Có lẽ phần đông chúng ta cũng gặp khó khăn trong câu trả lời đấy!

Và rồi phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách sống đạo của chính mình, kẻo chúng ta cũng bị trách như Chúa Giêsu trách Philipphê: Thầy ở với anh bấy lâu mà anh không biết thầy ư? Phải chăng chúng ta cần tiếp cận Kinh Thánh một cách ý thức hơn, dành thời giờ học hỏi Kinh Thánh nhiều hơn, để biết đọc, biết suy, biết cảm nếm, để chúng ta có thể gặp được Đức Kitô Phục sinh đang sống động trong từng trang, từng Lời Kinh Thánh và để chính Đức Kitô sống động trong cuộc sống thường ngày của ta.

Nhiều người, qua những biến cố thăng trầm đã nói : “Bây giờ tôi mới biết Đức Kitô là ai, bây giờ tôi mới cảm nghiệm tình Chúa yêu tôi như thế nào! Trước đó họ vẫn đọc Kinh Thánh chứ, vẫn nghe Kinh Thánh, vẫn học giáo lý, vẫn nghe giảng dậy hàng ngày, nhưng có lẽ những hiểu biết, Đức Tin, lòng yêu mến có được chỉ là vay mượn, không đích thật là của mình, cho nên nó hời hợt, không có chiều sâu và dễ bị nghiêng ngả chao đảo khi gặp thử thách đau khổ.

Khi và chỉ khi nào chính chúng ta khám phá, trải nghiệm thì Đức Tin vào Đức Ki tô mới kiên vững, tình mến vào Chúa Kitô mới nồng nàn, và như thế chúng ta sẽ gặp được Chúa Cha là nguồn chân lý, bình an và hạnh phúc, và khi đó, chúng ta có thể làm được những điều như Chúa Giêsu đã làm, đó là làm nhân chứng cho Tin Vui phục sinh ở mọi nơi, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Chúa con, để nhân loại được hạnh phúc trong Tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Là những người có đức tin, chúng ta sẽ có một câu trả lời tích cực, chúng ta sẽ dễ dàng trả lời được rằng: “Chúng ta sống ở đời để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự và yêu anh em như mình, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, để sau này sẽ được  hưởng hạnh phúc đời đời”.

Hạnh phúc thật của con người, như thánh Tôma khẳng định, không phải là ở đời này, nhưng là ở đời sau. Như vậy, đời sống con người trên trần gian này chỉ là một cuộc hành trình, một hành trình hướng về Thiên Chúa, là tình yêu tuyệt đối, là chân lý và là sự Thiện tuyệt hảo.

 

THỨ BẢY TUẦN 5 PHỤC SINH

Cv 16:1-10; Tv 100:1-2,3,5; Ga 15:18-21

NƯỚC TA KHÔNG THUỘC THẾ GIAN

 “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (c18). Đây là một sự thật mà người môn đệ phải can đảm đón nhận trong thực tế. Đón nhận với niềm tin tưởng và hân hoan vì nghĩ mình được thuộc về Thầy và được nên giống Thầy. Nếu người môn đệ tránh né sự ghét bỏ này, thì hóa ra họ lại muốn thuộc về thế gian ư?

            Ca dao Việt Nam có câu:

Yêu nhau yêu cả đường đi,

Ghét nhau ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng.

            Thật đúng với hoàn cảnh cuộc đời của các môn đệ khi các ngài đã được Chúa Giêsu Phục sinh trao ban một sứ vụ đặc biệt: rao giảng Tin Mừng cho khắp mọi loài thụ tạo trên thế giới này. Hành trình rao giảng đó đã gặp không ít những khó khăn, thế nhưng các môn đệ vẫn kiên tâm để Tin Mừng của Chúa được loan truyền cho đến ngày nay, thuộc mọi nước, mọi dân.

Thánh Gioan, khi ghi lại đoạn Tin mừng hôm nay, chắc chắn cũng đã nhìn thấy cảnh tàn sát dã man mà các tín hữu  tiên khởi đã trải qua dưới thời hoàng đế Néron. Có lẽ, khi nhìn cảnh tượng này, Gioan nhớ lại lời Thầy: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”.

Sứ mạng của Thầy Giêsu là loan báo sự thật, tình thương và công lý của Vương Quốc Nước Trời. Sứ điệp ấy đã bị thế gian chối từ và bắt bớ: “ Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em . . . họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em” (c.20.21).

Thân phận của Thầy thế nào, thì người môn đệ cũng rập theo số phận ấy. Nhưng đây lại là một vinh dự lớn lao cho người môn đệ đích thật của Tôn Sư Giêsu, vì đã được Thầy chọn và tách biệt ra khỏi thế gian (x.c.19).

Lý do duy nhất có thể giải thích việc các Kitô hữu bị bách hại chính là vì thế gian đã ghét Đức Giêsu. Vì ghét và ‘loại bỏ’ Chúa Giêsu, thế gian cũng ghét và loại trừ người Kitô hữu; Thật đúng như câu tục ngữ: “Thương nhau thương cả lối đi; ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”.

Chính Chúa Giêsu đã đến thế gian, Ngài đã bị thế gian lên án và giết chết. Do đó, tất cả những ai là môn đệ của Ngài cũng phải chịu đồng số phận. Bị thế gian thù ghét không phải là điều bất thường đối với người kitô hữu; cái bất thường của Kitô hữu chính là cuộc sống dễ dãi, thỏa hiệp, buông theo dòng thác của thế tục.

Điều này thật dễ hiểu vì Kitô hữu thuộc về Chúa Giêsu, sống giáo huấn Chúa Giêsu dạy, là bước đi trong ánh sáng, tình yêu và sự thật. Trong khi đó, ‘thế gian’ thuộc về satan, thuộc về sự gian dối, bóng tối và thù hận.

Người Kitô hữu chọn Chúa và chọn cách sống khác hẳn lối sống của thế gian; mà thế gian lại ghét những gì không thuộc về nó. Do đó, Kitô hữu đích thực là chấp nhận lội ngược dòng đời.

Thánh Grêgorio nói : “Ta là người công chính khi bắt đầu làm mất lòng kẻ không làm đẹp lòng Thiên Chúa”.

Thánh Augustinô nói: “Ta phải lấy làm  buồn vì  không được thế gian ghen ghét mới phải ! Vì như vậy, ta sẽ không giống Thầy!”

Thánh Phaolo bảo ta “Nếu ta cùng lao khổ với Người, thì cũng được vinh hiển với Người” (Rm 8,17).

Đó cũng là tâm tình, là ý lực sống của các tông đồ, cũng là của người Kitô hữu chúng ta, được diễn tả qua sách Công vụ Tông đồ: “Các tông đồ hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41).

           Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan tường thuật lại lời dạy dỗ, an ủi của Chúa đối với các môn đệ khi các ngài bị những kẻ thuộc thế giới của bóng tối ghét bỏ. Nghĩ lại cũng đúng thôi vì Chúa mà họ còn sỉ nhục, giết chết thì huống gì là các tông đồ. Thế nhưng, Chúa vẫn khuyên các tông đồ đừng sợ, đừng nản lòng khi đi rao giảng Lời Chúa vì biết bao nhiêu người còn đang khao khát, đang mong chờ được giải thoát khỏi bóng tối của lầm lạc, tội lỗi để được sống và bước đi trong ánh sáng phục sinh.

Thế gian ghét Chúa Giêsu vì những lời nói và hành động của Chúa đã vạch trần bộ mặt xấu xa, giả dối và tội ác của họ. Họ cảm thấy xấu hổ và tìm cách loại trừ, chống đối lại Ngài. Giờ đây, các tông đồ cũng là đối tượng bị ghét bỏ, chống đối của họ, vì đã sống và rao giảng những lời của Chúa Giêsu. Thế nhưng, những kẻ yêu mến và khao khát kiếm tìm chân lý thì luôn mong chờ ơn cứu độ đến với họ để họ cũng được sống trong ánh sáng của chân lý, chứ không còn lần mò trong đêm tối và lầm lạc nữa.

            Tin Mừng này được đọc trong mùa Phục sinh đề nói lên rằng sứ mệnh rao giảng và đem Tin Mừng Phục sinh đến với muôn dân là điều cấp bách dù biết rằng những khó khăn luôn sẵn chờ phía trước, nhưng ánh sáng phục sinh sẽ chiếu tỏa trên tất cả những ai đón nhận và ban cho họ sức mạnh, ân sủng, để họ cũng trở thành những nhân chứng về tình yêu và niềm vui của Chúa Phục sinh.

Thầy muốn chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc thế gian, vì đã được Thầy kén chọn để thuộc về Vương Quốc Nước Trời. Như thế chúng con sẽ bị người đời cho là thiếu thực tế và ảo tưởng, vì mọi người đang chạy theo lối sống duy vật chất và hưởng thụ.

Thầy dạy chúng ta theo Thầy trong nếp sống từ bỏ, để dấn thân phục vụ anh em và cho Danh Cha cả sáng. Còn thế gian thì đua chen nhau để dành lợi ích cho bản thân, sẵn sàng chà đạp người khác để tiến thân.

Vâng, lạy Thầy kính mến, chúng ta biết mình sẽ bị thua thiệt, bị khinh khi, bị hạ nhục, bị lên án . . . Nhưng lạy Thầy, chúng ta vẫn muốn được nên giống Thầy, dành cả cuộc đời cho vinh danh Cha và lợi ích cho anh em.

Lạy Chúa ! Xin cho mỗi người chúng con luôn vững tâm can đảm theo Thầy trong mọi bước đường Thầy đã đi qua, vì chúng con đã được Thầy yêu thương và tuyển chọn, chúng con thuộc về Thầy chứ không thuộc về thế gian.

 

by Huệ Minh

May 4, 2018