Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B
 
 


Lạy Thầy Con Tin!

Sau ngày Chúa Giê-su chết, lòng các Tông Đồ tràn ngập bao nỗi kinh hoàng; các ngài như những chiến sĩ bại trận; một nhóm người mất hết tinh thần, ý chí; một nhóm người sống trong sự sợ hãi và mất hết niềm tin. "Sợ" là yếu tố quan trọng, được Thánh Gioan diễn tả qua bài Tin Mừng hôm nay: "Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái" (Ga 20:19). Các ngài sợ đến nỗi không dám bước chân ra ngoài. Cửa đóng, then cài, ngày qua ngày, các Tông Đồ im hơi lặng tiếng, khép mình trong căn phòng chật hẹp.

Rồi đột nhiên, Chúa Giê-su hiện ra, đứng giữa các môn đệ và nói: "Chúc anh em được bình an!" (Ga 20:19). Hơi thở ấm áp của Chúa thổi lên các ông, khiến lòng các ông tràn ngập niềm vui khó tả, như người sắp chết đuối vớ được phao! Nhận được ơn bình an và Chúa Thánh Linh do Chúa Giê-su ban cho, các Tông Đồ không còn sợ hãi nữa và cảm thấy như thoát khỏi mọi xiềng xích ràng buộc từ bao lâu nay.

Hôm ấy, Tôma không có mặt, nên khi nghe các môn đệ khác kể lại sự việc Chúa hiện ra; Tôma cho là chuyện bịa đặt, một việc rất khó tin, nên đã trả lời một cách quyết liệt: "Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin" (Ga 20:25). Cũng như các Tông Đồ khác, Tôma rất sợ người Do-thái và tin rằng câu chuyện Chúa sống lại là một ảo tưởng. Tôma không tin!

Khi Chúa hiện ra lần thứ hai với các môn đệ, có cả Tôma, ông đã thấy, đã tin và thốt lên với nỗi vui mừng trong cơn bàng hoàng sửng sốt: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga 20:28).

Có lẽ, chúng ta nên dừng lại đây đôi phút để tự suy xét. Trong thế giới ngày nay, ai là người khi mới nghe qua việc Chúa sống lại và tin ngay, không cần phải hỏi lại hoặc tìm hiểu? Sự "cứng lòng" của Tôma có đáng chê trách không? Tại sao Chúa để cho sự việc "không tin" của Tôma xảy ra? Tại sao với quyền năng cao cả, Chúa lại để các Tông Đồ là những người đã sống kề cận Chúa trong ba năm trường, phải chịu cảnh lo âu, sợ hãi, yếu đuối như bất cứ người yếu hèn nhất trên thế gian này? Chúng ta có quyền đặt ra trăm ngàn câu hỏi "tại sao?".

Nhưng ví thử các môn đệ có cùng một niềm tin là Chúa sẽ sống lại và vững lòng chờ đợi, không cần phải sợ sệt, nghi nan, thì liệu rằng các ngài có thể tránh được sự nghi ngờ khi dân chúng nghĩ rằng mình đã bị mê hoặc vì các Tông Đồ đã bịa đặt, bịt mắt mọi người khiến cho ai nghe qua cũng phải tin theo?

Có thể chúng ta phải cảm kích sự yếu đuối của các Tông Đồ và nhất là sự "cứng lòng" của Tôma, vì nhờ các ngài đã sống trong tình trạng lo âu, sợ hãi, hầu như hoàn toàn thất vọng, và khi Chúa đến đã mang lại cho các Tông Đồ nguồn an vui, tràn đầy hy vọng và một niềm tin trọn vẹn, để nhờ đó dù có bị tan xương nát thịt, các ngài cũng không sờn lòng khi làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh; và cũng nhờ đó mỗi người chúng ta mới được thừa hưởng một Giáo Hội vững mạnh ngày nay.

Chúa Kitô đã sống lại vinh hiển. Với lòng tin mạnh mẽ của các Tông Đồ, Tin Mừng đã tràn lan đến tận cùng trái đất. Riêng Thánh Tôma, một thân một mình đã vượt ngàn dặm, mang Tin Mừng cho hàng triệu người tại Ấn Độ. Sự kiện này làm ứng nghiệm lời tuyên bố của Gamaliel trước Thượng Hội Đồng Sanhedrin trong phiên tòa xử các Tông Đồ: "Nếu công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được." (TĐCV 5:38-39)

Pt. Nguyễn Văn Đức

“Phúc thay những người không thấy mà tin!”
(Ga 20, 19-31)

 19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! “20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! “29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! “

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

***

Thánh Tô-ma cứng lòng tin, nhưng không chỉ thánh nhân, mà tất cả các tông đồ khác nữa. Thật vậy, Đức Ki-tô phục sinh khiển trách thánh Tô-ma, như đã khiển trách các tông đồ, vì đã không tin khi nghe lời chứng của các chứng nhân (x. Mc 16, 9-15 ; bài Tin Mừng của thứ bảy, tuần Bát Nhật Phục Sinh). Nhưng tại sao thánh nhân lại muốn thấy và không chỉ muốn thấy, mà còn muốn đụng ? Và rồi khi Chúa tỏ mình ra, Người mời gọi đụng vào Chúa, nhưng thánh nhân không dám đụng ? Đó là vì Người vừa là Đức Giê-su trước cuộc Thương Khó và vừa là Đức Chúa, là Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và sự chết, vừa là Đấng Khác Hẳn, vượt không gian và thời gian. Vì thế, người ta không thể tự mình nhận ra ngay, mỗi khi Người tỏ mình ra.

Xin cho chúng ta có lòng ước ao mạnh mẽ « thấy » Chúa để đi theo Người một cách cụ thể ; và xin cho chúng ta vượt qua bình diện thấy thể lí, để có thể nhận ra Đức Giê-su Ki-tô, là Đức Chúa Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ sáng tạo, sự sống, cuộc đời, ơn gọi, Lời Chúa, Thánh Thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời của chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể nhận ra sự hiện hiện của Chúa ngay trong lòng chúng ta, vì Người đã từng nói : « Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. »

  1. Sợ hãi và vui mừng (c. 19-20)

Trong ngày đầu tiên của mầu nhiệm Phục Sinh, những người đã từng đi theo Đức Ki-tô đang ở trong những hoàn cảnh rất khác nhau :

- Ngày thứ nhất trong tuần, sáng sớm, bà Maria Mác-đa-la ra khỏi nhà, đi đến mộ trong buồn đau, chạy về, chạy ra trong lo âu, rồi lại chạy về trong niềm vui khôn tả.

– Bà nói với các Tông Đồ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

- Ngày thứ nhất trong tuần, buổi chiều, các môn đệ ở trong nhà, các cửa đều đóng kín, tâm trạng sợ hãi.

 

– Và đặc biệt với tông đồ Tô-ma: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người… tôi chẳng có tin.

Các môn đệ đang ở trong tâm trạng sợ hãi, vì thế, ơn điều tiên mà Đức Ki-tô phục sinh muốn thông truyền cho các môn đệ là ơn bình an: “Bình an cho anh em!” Bình an của sự sống mới, nhưng Chúa lại muốn thông truyền cho các môn đệ và cho chúng ta ngay trong sự sống đầy thách đố này; bởi lẽ chính Ngài đã sống ơn bình an này ngay trong cuộc Thương Khó đầy nhọc nhằn và đau đớn. Đức Ki-tô phục sinh sẽ “viếng thăm”, “đi ngang qua” những tình huống khác nhau của những người thuộc về Ngài, của từng người chúng ta, của cả nhân loại để khơi dậy lòng tin nơi Ngài, Đấng chiến thắng Sự Dữ và sự chết; một lòng tin có sức mạnh “tái sinh” chúng ta cho niềm vui của sự sống mai sau, ngay hôm nay giữa những thử thách của thân phận và số phận con người.

Chắc chắn chúng ta cũng đã trải qua những hoàn cảnh như thế, và có kinh nghiệm về sự viếng thăm của Đức Ki-tô phục sinh, ngang qua Lời của Ngài. Chúng ta có thể nhớ lại những kinh nghiệm này. Xin cho chúng ta cũng nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa trong cầu nguyện và trong ngày sống của chúng ta, và nhất là trong những thử thách làm chúng ta sợ hãi và đóng kín.

Như tất cả các lần hiện ra khác, Chúa luôn luôn cho thấy mình chính là Người đã bị đóng đinh: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Điều này cho thấy:

  • Sự sống mới phát xuất từ con đường Thập Giá. Như thế, tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui Phục Sinh.
  • Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Đức Ki-tô phục sinh vừa rất khác, khiến cho những người đã từng sống với ngài không nhận ra, nhưng vửa vẫn là một.
  • Tuy Ngài đã đi vào sự sống mới, nhưng tất cả những gì đến từ cuộc Thương Khó, mãi mãi gắn bó với ngôi vị của Ngài. Đó chính là để chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót vô hạn của Chúa.

Hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an và niềm vui, không chỉ vì Đức Ki-tô đi vào sự sống mới, nhưng còn là vì, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa có liên quan sâu xa đến cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui Phục Sinh, và sự sống Phục Sinh đã được gieo và sinh hoa kết quả ngay hôm nay.

  1. Ơn huệ Thánh Thần (c. 21-23)

Đức Ki-tô phục sinh, thay vì trở lại nắm quyền, Ngài tin tưởng trao lại hết cho các môn đệ: Đức Ki-tô phục sinh lại ban ơn bình an một lần nữa cho các môn đệ, vì trong tương lai đầy thách đố của ơn gọi và của sứ vụ, các môn đệ và chúng ta cũng vậy, cần ơn bình an của Đức Ki-tô phục sinh biết bao. Xin cho chúng ta được bình an, vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136), tình thương mà Chúa Cha dành cho chúng ta nơi Đức Ki-tô, như thánh Phaolo diễn tả:

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

(Rm 8, 38-39)

Như Chúa Cha đã sai thầy, thì thầy cũng sai anh em”. Tương lai không còn thuộc về chúng ta nữa, nhưng thuộc về Chúa: sống là sống cho Chúa; và chết cũng chết cho Chúa. Cuộc đời của chúng ta giờ đây trở thành sứ mạng, được Chúa sai đi để sống từng ngày như là những chứng nhân. Và Chúng ta cần hiểu lời trao ban sứ mạng này xuất phát từ sự thông truyền sự sống và tình yêu và được thúc đẩy một cách tự nhiên bởi ơn huệ sự sống và tình yêu.

Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúa đã được đầy Thánh Thần thế nào, Ngài cũng muốn chúng ta được đầy Thánh Thần như thế, đế có thể sống sứ mạng đến cùng. Thánh Thần sẽ thêm sức, làm cho can đảm không sợ hãi, chữa lành và nhất là dẫn chúng ta vào Chân Lý của Đức Ki-tô, để làm cho chúng ta hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô mỗi ngày mỗi hơn.

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Đức Ki-tô phục sinh tin tưởng trao ban cho các môn đệ một quyền, thuộc về Thiên Chúa, đó là quyền tha tội, bởi vì con người không thể sống, mà không cần được tái sinh bởi ơn tha thứ. Chúng ta không có chức thánh, nhưng vẫn có thể làm chứng về lòng thương xót của Chúa, bằng con tim bao dung và tha thứ. Và Ngài trao cả quyền cầm giữ nữa, không phải để giết chết, nhưng là để phục vụ cho sự sống. Đã có lúc Giáo Hội dường như đã mê quyền cầm giữ hơn quyền tha tội. Không gắn bó với Đức Ki-tô, không hiểu Ngài cách sâu xa, nhất là mầu nhiệm Thập Giá, không nhớ lại kinh nghiệm được thương xót, không để cho Thánh Thần dẫn dắt,chúng ta rất dễ sử dụng quyền bính Chúa ban để giết chết thay vì để cứu sống. Giáo Hội được đặt xây dựng trên đá tảng Phê-rô, nhưng đá tảng Phê-rô lại được nâng đỡ bởi lòng thương xót. Hãy cảm nếm lòng tin của Đức Ki-tô phục sinh dành cho các môn đệ và cho chúng ta hôm nay.

  1. Tông Đồ Tô-ma (c. 24-31)

Trong phần còn lại của bài Tin Mừng, thánh sử Gioan kể cho chúng ta nghe về hành trình đức tin của thánh Tô-ma và mời gọi chúng ta nhận ra mình nơi hành trình này. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta ít nhất nghe thánh Tô-ma lên tiếng bốn lần :

  • “Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16).
  • “Thưa Thầy, chúng con không biết được Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết được đường đi” (14, 5).
  • “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (20, 25). Khởi đi từ hai lời nói trước của thánh Tô-ma, chúng ta có thể nhận ra tâm tình thật sự ẩn đàng sau lời nói, vẫn bị coi là cứng lòng tin, đó là “tôi khao khát Thầy vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này, hiện hữu bằng xương bằng thịt, để tôi tiếp tục đi theo Thầy”.
  • Cuối cùng là lời tuyên xưng đức tin vượt qua vô hạn điều ông Tô-ma nhìn thấy: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

Qua những lời này, chúng ta có thể nhận ra nơi thánh Tô-ma một sự quyết tâm rất lớn muốn đi theo Đức Giêsu, không phải trong tư tưởng, nhưng bằng « chính đôi chân của mình ». Đây đã một lời gọi đầy ý nghĩa đối với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, cứ mỗi lần ông Tô-ma lên tiếng, Đức Giêsu đều mời gọi ông đi từ bình diện hữu hình sang bình diện vô hình, từ bề ngoài sang bề trong, từ bề mặt sang bề sâu : cuộc Thương Khó và nhất cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá không đơn giản như ông Tô-ma nghĩ, nghĩa là « thôi thì đi chết với Thầy cho rồi đời » (x. Tv 139 : « ước gì bóng tối bao phủ tôi ») ; đường đi không phải là đường « Đồng Khởi », nhưng là chính ngôi vị của Đức Giêsu, bởi vì chính Đức Ki-tô là Đường, chứ không phải là bất cứ điều gì khác.

Đáng lẽ ra, với lời chứng của các tông đồ khác, ông Tô-ma đã phải tin rồi. Vì khi gặp ông Tô-ma, Đức Giêsu Ki-tô phục sinh sẽ trách ông : “Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma vẫn muốn có được Đức Giêsu như xưa kia, trong khi Ngài đã đi vào trong sự sống mới. Vì thế, tương quan với Thầy, việc đi theo Thầy cũng sẽ mới. Đức Ki-tô không còn hiện diện với các môn đệ, và với chúng ta hôm nay một cách thể lý nữa, nhưng qua Thần Khí của Ngài, qua Lời của Ngài, qua các bí tích, qua những ơn huệ, qua những con người mà chúng ta được sai đến để phục vụ, nhất là những người bé nhỏ, nghèo hèn, bị thua thiệt, qua tương quan hiệp nhất, qua hành vi « bẻ bánh » của chúng ta, nghĩa là chia sẻ sự sống.

Tám ngày sau ; có nghĩa là đúng một tuần. Đó là đêm tối của đức tin, nhưng cũng là thời gian cần thiết để đi tới đức tin đích thật. Thực vậy, ông Tô-ma đã trở thành con người khác, sau thời gian một tuần : ông đã không làm điều ông tuyên bố, mặc dù chính Đức Giêsu mời ông thực hiện. Đức Ki-tô “chiều” ông Tô-ma biết bao, nhưng là để mời gọi ông đi xa hơn và sâu hơn trong cách thức tin, hiểu, yêu và đi theo Đức Ki-tô Phục Sinh. Ông tuyên xưng :

Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.

Bởi lẽ, Đức Giêsu phục sinh mà ông « nhìn thấy » trước mặt ông là một « Đấng Khác », không như ông đã nghĩ. Đó là sự hiện diện thần linh, sự hiện diện của Đấng vô hình. Biến cố hiện ra này, cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh của bà Maria Mác-đa-la, của hai môn đệ trên đường Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta mới nhận ra, bởi vì Đức Ki-tô sau cái chết đã đi vào sự sống mới.

Tương quan giữa chúng ta cũng cần vượt qua sự hiện diện hữu hình : tuy không thấy nhau, chúng ta vẫn được mời gọi sống sự hiện của nhau, ngang qua quà tặng, ngang ơn huệ. Điều này đặc biệt quan trọng trong huấn luyện : giữ tương quan ngay trong sự vắng mặt. Xin cho mỗi chúng ta hưởng được mối phúc mà Đức Ki-tô công bố :

Phúc thay những người không thấy mà tin.

Nghĩa là nhận ra, ở lại, đi theo và trở nên một với Đấng Phục Sinh ngang qua kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện và nhận ra Ngài hiện diện nơi các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh thể, và cả trong đời thường nữa với những hoàn cảnh và biến cố xẩy ra trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; như thánh Gioan kết luận sách Tinn Mừng của Ngài : « Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người. »

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc-dongten.net

Suy Niệm

“Chúng tôi đã được thấy Chúa”
Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ.
Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, chết và chôn cất,
nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi.
Ðộng từ “thấy” được nhắc đến 6 lần trong bài Tin Mừng này.
Thấy Thầy vẫn như xưa, với những dấu đinh và vết đâm.
Nhưng Thầy cũng khác xưa, nên không dễ nhận ra ngay.
Maria Macđala cứ tưởng Thầy là người làm vườn.
Ðể thấy được Chúa phục sinh, cần có đức tin.
Ai tin mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.

“Phúc cho ai không thấy mà tin”
Chúng ta vẫn tin bao điều mình không thấy.
Các bạn trẻ vẫn tin vào tình yêu, tình bạn.
Các đôi vợ chồng vẫn tin vào sự chung thủy của nhau,
dù chẳng ai thấy rõ hết lòng dạ con người.
Tin không phải là một hành vi mù quáng, phi lý.
Tin chẳng hề làm hạ giá con người.
Trái lại, chỉ con người mới biết tin và dám tin.
Nhờ tin, tôi không còn bị giam trong thế giới chật hẹp
của cân đo đong đếm, của vật chất khả giác,
nhưng được đưa vào một thế giới phong phú hơn nhiều:
thế giới của những ngôi vị tự do, của chính Thiên Chúa.
Tin là chấp nhận bấp bênh, là có thể bị lừa.
Nhưng nếu không tin thì không thể sống được.
Vấn đề là tôi phải biết tôi đã tin vào ai.

Khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng niềm tin:
niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào con người.
Cả hai niềm tin nâng đỡ nhau và cho tôi hạnh phúc.
Ông Tôma không tin vào lời chứng của các bạn,
nên ông chậm tin vào việc Chúa phục sinh.
Khi Chúa giúp ông lấy lại niềm tin vào Chúa,
ông sẽ gắn bó hơn nhiều với cả tập thể.

Chúng ta là những kẻ không thấy mà tin.
Không thấy bằng mắt thường,
nhưng vẫn thấy bằng con mắt đức tin.
Tin là một cách thấy nghiêm túc.
Người tin là người thấy bằng trái tim.
Họ thấy được Ðấng Vô Hình rõ hơn cả cái hữu hình.
Kitô hữu là người tin Chúa, nên cũng là người thấy Chúa.
Thấy Thiên Chúa hiện diện như người Cha nhân từ.
Thấy Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người trên trái đất,
sống chết chỉ vì say mê Cha và say mê con người
và đã sống lại để cho cuộc đời một ý nghĩa mới.
Thấy mọi người là con cái Cha và là anh em của nhau.

Dù những điều chúng ta tin thật là mầu nhiệm,
nhưng đó không phải là chuyện mơ hồ, viễn vông.
Thế giới hôm nay chỉ tin vào những người đã thấy.
Ước gì chúng ta dám mạnh dạn tin Chúa hơn,
để có thể thấy Chúa tỏ tường hơn
và giúp người khác thấy điều mình đã thấy.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin (Ga.20;27) 

         Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ hai Phục sinh hôm nay, Chúa cho con có dịp soi rọi niềm tin của con vào Thiên Chúa và Hội Thánh Người. 

          Đọan Tin mừng thuật lại việc Chúa hiện ra với các tông đồ đã qúa quen thuộc với con. Lời Chúa nói với ông Tô-Ma chúng con vẫn thường nói cho nhau nghe:”Phúc cho kẻ không thấy mà tin” mỗi khi có ai còn nghi ngờ về một điều nào đó  “khó tin mà có thật “ hôm nay. Rồi chúng con cũng còn mạnh miệng phê phán Tô-Ma ngày ấy là người cứng lòng vì đã có đến 10 người làm chứng Chúa đã sống lại và hiện ra, nhưng ông vẫn không chịu tin, dẫn đến thái độ lên án anh chị em: “cứng lòng như Tô-Ma “. 

          Ngày hôm nay, con đang sống trong một xã hội mà ở đó hằng ngày xảy ra biết bao điều giả dối, lừa lọc.Trên các phương tiện truyền thông biết bao tin tức, sự kiện “ảo” được loan báo. Những chiêu quảng cáo hấp dẫn nhưng không có thật diễn ra một cách công khai. Rồi trong quan hệ giữa người với người, bao lời hứa hão của người trên đối với kẻ dưới, những lời thề thốt của người này với người kia không được thực hiện, khiến cho câu nói :”thấy mới tin “ hay :”Nói vậy nhưng không phải vậy” trở thành câu nói quen thuộc trên môi miệng con người thời đại. 

          Con có tin Chúa đã sống lại ? 

          Con có tin có Chúa thật ? 

          Trong đời sống đạo, con tự nhận mình là người tin Chúa, con vẫn tuyên xưng mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng. Nhưng những lời tuyên xưng ấy nào có ý nghĩa gì nếu cuộc đời con không thay đổi từ sự Phục sinh của Chúa. Lòng tin của con nếu không có những hành động cụ thể đi kèm hầu biến đổi đời con, thay đổi thái độ sống của con, theo gương Chúa, với anh chị em đang cùng sống với con; thì dù có được Chúa hiện ra như Người đã hiện ra với TôMa, tận mắt nhìn thấy Chúa, tận tay xỏ vào lỗ đinh nơi bàn tay Chúa chưa chắc con đã sống niềm tin ấy được . 

          Xin cho con, trong cuộc sống mỗi ngày, luôn biết minh chứng niềm tin của mình. Con thật có phúc vì chưa thấy được Chúa hữu hình, nhưng con tin và chính niềm tin ấy sẽ giải thóat con khỏi mọi sự dữ, giúp con trở nên người con yêu dấu của Chúa. 

          Xin ánh sáng từ trái tim của Lòng Thương Xót Chúa chiếu rọi vào tâm hồn con, để con luôn cảm thấy lòng mình ấm lên, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa “LẠY CHÚA GIÊSU CON TÍN THÁC NƠI NGÀI – JESUS, I TRUST IN YOU “. AMEN. 

 Fx Đỗ Công Minh .     

  

LỮ KHÁCH BÌNH AN

                                               

Bình an là một ân huệ cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Vì, bình an vừa là trạng thái hạnh phúc sống động lại vừa mang dấu ấn của Chúa Thánh Linh. Thật vậy, khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài chỉ ban cho các tông đồ một “món quà” duy nhất là  “Bình an cho anh em”. (Ga20,19.20.26) Và có lẽ đây cũng là câu nói đầu tiên sau khi Chúa Giêsu sống lại và Ngài thường lập lại mỗi khi hiện ra các tông đồ. 

Như thế, bình an là cái mà nhân loại luôn luôn khao khát và mong ước đạt đến, thế nhưng nhân loại sẽ không bao giờ đạt được nếu không có Đấng Phục sinh ban bình an. Thánh Luca đã thuật lại : khi Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau với dáng vẻ một lữ khách, nhưng rất bình an, bình an đến độ bình thường nên hai môn đệ không nhận ra Ngài. Khi Chúa lên tiếng hỏi họ : « Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ? » (Lc 24,17). Chưa được câu trả lời thì Chúa đã bị trách là người đứng ngoài cuộc : « Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay » (Lc24,18). Vì là khách nên bàng quang, nên không hay biết chuyện gì, chuyện cả thế gian đều biết riêng chỉ có mình ông là không biết… và vì là khách nên hai môn đệ mới mời Đức Giêsu ở lại: « Mời ông ở lại…» (Lc24, 28). 

Cũng vậy, Thánh Gioan tường thuật, khi bà Maria Macdala đến mồ Chúa, không thấy Chúa, bà khóc lóc ; nhưng khi Chúa đứng trước mặt thì bà lại tưởng là người làm vườn (Ga 20,15). Với Maria, Đức Giêsu chẳng những bình thường mà còn rất tầm thường nữa, bình thường như một người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác người chết : « Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về. » (Ga20, 15). 

Đức Giêsu, không vì là Đấng ban bình an nên Ngài phải bình an. Nhưng vì Ngài đã yêu đến cùng, yêu đến không còn giữ lại cho riêng mình một khoảng cách, một sự khác biệt nào đó để người khác có thể nhận diện. Ngài trở nên bình thường như một lữ khách, như người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác. Tuy nhiên, dung mạo của Đức Giêsu dù là bình thường đến tầm thường đi nữa, nhưng chỉ những ai nhìn ở góc độ tình yêu thì mới có thể nhận ra Ngài. Thật thế, hai môn đệ trên đường Emmau không nhận ra Chúa qua giọng nói, hình dáng, quần áo… mà nhận ra Chúa cầm bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ (Lc24, 30-31). Còn Maria chỉ nghe Chúa gọi “Maria” là đã nhận ra Thầy. Trong tình yêu có những bí mật thật dễ thương là thế. 

Nếu Đức Giêssu được xem là một lữ khách bình an, thì hai môn đệ của Ngài là những lữ khách không bình an. Hai môn đệ trên đường trở về quê hương với sự thất vọng đến chán chường, thất vọng vì cho rằng  những quyết định của mình là sai lầm, có lẽ các ông tiếc nuối vì đã bỏ công lao, sức khoẻ, thời gian đã qua để đi theo một con người và hy vọng người ấy sẽ khôi phục Israel, hy vọng mình sẽ có một chỗ đứng trong vương quốc ấy. Maria cũng thế, chắc hẳn tuyệt vọng lắm, vì chỉ còn cái xác của Thầy thôi mà cũng bị lấy cắp. So với các tông đồ, Maria đơn giản hơn nhiều, bà không hy vọng Thầy khôi phục Israel hay trông đợi Thầy làm việc gì lớn lao vĩ đại, bà cũng không tranh giành chỗ ngồi bên hữu và bên tả Thầy như hai anh em con ông Giêbêđê. Đối với Maria, đơn giản chỉ là tình yêu. Tuy nhiên, với bà, tình yêu đối với Chúa Giêsu có phần trở nên ích kỉ, có phần như sở hữu Chúa cho riêng mình, đành rằng bà rất yêu Chúa. Vì thế, Chúa trong tâm trí bà là do bà vẽ nên, một hình ảnh có phần chủ quan mà bà đã yêu thương. Hơn thế, bà muốn giữ mãi tình yêu đó, muốn Chúa ở mãi trong cuộc đời bà theo cách thức của bà, theo một khuôn mẫu bà vạch sẵn… Nhưng Chúa Giêsu là con người cho mọi người và tình yêu của Ngài được dành cho tất cả nhân loại chứ không của riêng ai. Vì Chúa Giêsu không như bà nghĩ, cho nên, dung mạo Chúa Phục sinh đứng trước bà vừa thân thương nhưng lại vừa xa lạ là thế. 

Thế thì, các tông đồ, mỗi người suy nghĩ và muốn Chúa thực hiện chương trình cứu độ của Cha theo cách riêng của mình, nên khi không được như ý thì các ông lại không bình an. 

Người lữ khách trong bài hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” của tôi là một lữ khách mang dấu ấn của người con được Thiên Chúa yêu thương. Người lữ khách này không đi trên đường về Emmau như hai môn đệ, cũng không trên đường ra mộ Chúa như Maria… mà đang lữ hành trong thân phận làm người, làm con Thiên Chúa của mình, người lữ khách ấy đang lữ hành trên con đường trần gian và đang tiến về miền đất yêu thương vĩnh cửu.  Khi sáng tác bài hát này, hơn bao giờ hết tôi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và cảm nghiệm rất sâu sắc thân phận làm người của mình, một người con đã ngụp lặn trong thân phận bất toàn và đã cảm nghiệm hơn bao giờ hết nỗi bất lực ấy. Với những ước muốn rất là con người, rất ư tầm thường mà tôi đã viết ca khúc, không chỉ cho chính mình, mà cho cả anh chị em đang sống xung quanh, những người cùng đang chia sẻ thân phận làm người và làm con Thiên Chúa với mình và khao khát “BÌNH AN”. 

Cũng như hai môn đệ, Maria và các tông đồ… Người lữ khách ấy là tôi, là anh, là bạn, là nhân loại đang khắc khoải trong cảm giác không bình an của mình. Không bình an vì nhiều nguyên do, với hai môn đệ và các tông đồ, rào cản cho sự bình an là nỗi thất vọng cho một dự tính nhằm vào vương quốc Israel, nhắm vào quyền hành, vào vị thế… rào cản của Maria là một tình yêu không ban phát.  Còn tôi, anh, bạn và nhân loại… chắc hẳn mỗi người có một vị thế khác nhau trong xã hội, trong Giáo hội nên chắc chắn mỗi người có những rào cản khác nhau khiến chúng ta không bình an. 

Ca khúc thể hiện những cụm từ : tiền tài, danh vọng, kiêu căng, ganh tị, tự mãn và đau khổ… xem ra rất quen thuộc và rất tầm thường ấy nhưng lại là rào cản khó vượt cho những ai khao khát sống bình an. Đặt tâm trạng vào bài hát, sẽ cảm nghiệm những tranh giành ảnh hưởng lên nhau đều bắt nguồn từ mưu lợi, là sức mạnh, là tiếng nói có thế giá của con người, của chế độ ; nó có sức chi phối, thậm chí đè bẹp lên vị thế và nhân phẩm của người khác, khiến Thiên Chúa không còn là nguồn bình an, mà trớ trêu thay, trở thành rào cản cho những toan tính của chúng ta. 

Những toan tính ấy chắc chắn sẽ chi phối, sẽ biến thái tình cảm : “ganh ghét, giận hờn, so đo…”, là những ngôn từ thể hiện bản chất rất là con người của lữ khách. Nhưng lữ khách của tôi ý thức được những điều ấy không đẹp lòng Chúa, cũng chẳng hợp lòng nhau. Có thể thành công của người này lại là thất bại của người khác, hạnh phúc của mình có khi là đau khổ của những anh chị em khác. Vì thế, lữ khách của tôi tìm về nguồn xuất phát của sự bình an là Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã phó thác vào tay Cha, yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương, và tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ… Tôi nhận thức rằng, khi tha thứ những ai đã xúc phạm đến mình, là chính ta tạo được bình an trong tâm hồn, và tự bản chất “BÌNH AN” của Thiên Chúa và toan tính của thế nhân sẽ loại trừ nhau, “Bình an” phủ định danh vọng, tiền tài, ganh ghét, giận hờn, kiêu căng, tự mãn hay đau khổ ; chúng sẽ không tồn tại bên nhau. Tuy nhiên, vì là con người nên “cỏ lùng và lúa” vẫn phải sống chung trong một ruộng của chủ cho đến ngày tận thế. 

Còn tôi, là một dân đen, tôi không có tham vọng khôi phục “vương quốc” hay đạt được một vị trí nào đó trong xã hội hay trong Giáo hội… Vì thế, rào cản làm cho tôi không bình an chắc hẳn không phải là tiền tài, vì tôi không có nhiều tiền đến nỗi phải chi phối cuộc sống của người khác, cũng không phải là danh vọng, thế giá, vì tôi có “danh” đâu mà “vọng”, cũng chẳng có vị thế để đứng trên “giá”. Có thể, với tôi là một kiến thức giới hạn, vì có kiến thức là có suy tính, đúng sai, khoa học… và rồi trong tình yêu tôi cũng sẽ phán đoán đúng sai, cách khoa học như thế với Thiên Chúa, với anh chị em quanh tôi. Trong khi thước đo tình yêu là con tim mà con tim thì không cần kiểm chứng bằng khoa học, việc bái ái không cần phán đoán đúng hay sai… Điều mà xem ra rất nghịch lý nhưng lại rất hợp lý đối với tình bác ái, với tình yêu thương… 

Điều chắc chắn là Chúa không bảo tôi – trong xã hội nầy, hôm nay – yêu đồng loại mà không cần có kiến thức. Nếu như bình an và tính toán loại trừ nhau, thì kiến thức và con tim tồn tại song song bên nhau. Con tim cần có lý trí để thể hiện tình yêu cách phải lẽ. Tình yêu và lý trí bổ sung cho nhau, dung hoà lẫn nhau để tạo lòng bác ái, và để từ đó những lời nói xoa dịu những vết thương lòng, để từ đó phát sinh nghĩa cử, vì như Thánh Giacôbê đã nói : “Đức tin không hành động là đức tin chết”. 

Xã hội hôm nay có thể nói là một xã hội điện toán, cho nên con người hôm nay là những con người có tính toán ; tính như thế nào để có thể tiện lợi, đạt thành quả cao nhưng phải rất “nhanh như điện”. Tôi cũng vậy, dù muốn dù không cũng phải sống trong dòng chảy ấy. Và vì thế, trong cuộc sống thay vì tôi phải nằm trong chương trình của Thiên Chúa, phải là công cụ để Chúa điều khiển cho công trình cứu độ của Ngài, phải là người để được Thiên Chúa yêu thương, thì tôi lại đặt Thiên Chúa vào trong chương trình của tôi, vào sự sắp xếp của tôi, tôi chỉ dành riêng cho Chúa một góc trong tâm hồn và một khoảng thời gian giới hạn để gặp gỡ. Nhưng khoảng thời gian gặp gỡ ấy mấy khi được trọn vẹn và ở bên Ngài như ở bên một người xa lạ. 

Bài hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” thấm đậm tâm hồn tôi, vì những tính toán xem ra rất nhỏ nhoi ấy lại là rào cản rất lớn cho bước chân tôi đến với Chúa, đến với với tha nhân. Lời của ai đó làm tôi nhớ mãi : « Đừng thấy nhỏ nhoi mà tưởng trong nó thứ gì cũng nhỏ ». Thật vậy, tội nhỏ mà tôi thường gọi là tội nhẹ, cũng như những tật xấu cỏn con mà tôi xem thường, thật ra, có sức công phá mãnh liệt, và nếu không lưu tâm sẽ có thể làm tôi quỵ ngã bất cứ lúc nào. 

Lời bài hát như vừa là một lời thầm nguyện cầu, như vừa khắc khoải sâu lắng từ trong cõi thâm sâu của tâm hồn, như vừa là một bài học nhắc nhở tôi luôn ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là suối nguồn bình an.  Nơi ấy, tôi học được bài học phó thác, yêu thương ; tôi hiểu được Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình cứu độ của Ngài trên sự yếu đuối, bất toàn của tôi và của anh chị em sống bên tôi. 

Giờ đây xin mời Bạn cùng với tôi, chúng ta hãy bắt đầu nhón gót để làm người “LỮ KHÁCH” bước đi trong “BÌNH AN” cuộc đời. 

 Văn Duy Tùng   

 

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)