dongcong.net
 

 

 
CHIA SẺ TIN MỪNG
 
 
Alphonse Marie Trần Bình An
 
<<<    

Chia sẻ Tin Mừng Lễ Phục Sinh  (Lc 24,1-12) năm 2016

 

Tôi đã thấy Chúa!

Tour de France thường được xem như là cuộc đua xe đạp khó khăn nhất thế giới mặc dù thật ra địa hình đường đua không đòi hỏi cao hơn hai cuộc đua xe đạp vòng quanh quốc gia khác: Giro d’Italia (Vòng đua nước Ý) và Vuelta a Espana  (Vòng đua Tây Ban Nha). Đúng ra chính là các tay đua đã làm cho cuộc đua khó khăn hơn: ở đây người ta đua nhanh hơn, cứng rắn hơn và không nhân nhượng nhiều hơn tất cả các cuộc đua xe đạp khác.

Cuộc đua bắt đầu từ năm 1957 bằng phần gọi là prologue (khởi đầu), phần đua cá nhân tính giờ (khoảng 5 đến 10 km). Trong 20 chặng đua tiếp theo đó, sau mỗi chặng thường có 1 đến 2 ngày nghỉ, nước Pháp  được luân phiên chạy vòng theo chiều kim đồng hồ hay ngược lại.  Sau vụ tai tiếng về chất kích thích (doping) trong năm 1998,  chiều dài tổng cộng được giảm còn vào khoảng 3.500 km. Đường đua và các địa điểm cho từng chặng thay đổi hằng năm, chỉ có đại lộ Champs Élysées ở Paris, địa điểm chấm dứt Tour de France từ năm 1975 là không thay đổi. Một số đèo qua núi cao cũng được đưa vào đường đua hầu như mỗi năm.

Các ngày đầu tiên của Tour de France hầu như lúc nào cũng mang dấu ấn của các chặng đường bằng phẳng miền bắc nước Pháp, thích hợp cho các cuộc so tài ở tốc độ nhanh trước khi kết quả chung cuộc được quyết định trên các vùng núi cao Pyrénées và Alpes. Ngoài ra trong Tour de France còn phải đua tính thời gian cá nhân hai lần và từ năm 2000 lại có đua tính thời gian thời gian đồng đội.

Ngay từ thời kỳ đầu, đường đua đã vượt biên giới nước Pháp trong vài chặng riêng lẻ, từ năm 1954 địa điểm xuất phát cũng được tổ chức trong các nước lân cận không theo một quy luật nhất định (cho đến nay là ở Đức, Tây Ban Nha, Ý  các nước thuộc nhóm Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan, Luxembourg), Thuỵ Sĩ, Anh và Ireland. Kế hoạch tổ chức xuất phát Tour de France từ New York hay từ các phần đất nước Pháp ngoài Châu Âu tuy đã có từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện, vì các vấn đề về tiếp vận quá lớn. (Wikipedia)

Cuộc đua Tour de France tranh chiếc áo vàng, cùng tiền thưởng sôi động hằng năm, có thể gợi ý cho Tín hữu Kitô nhớ đến cuộc chạy của quý bà đạo đức, hai môn đệ Phêrô và Gioan, hối hả không kém, cùng chạy ra ngôi mộ trống tìm Chúa Phục Sinh. Tuy chẳng danh lợi, nhưng phần thưởng cực kỳ cao quý. Mỗi người tham gia đều nhận được một phần thưởng riêng, tuỳ theo thành quả đạt được từ tình yêu, tâm hồn nhiệt thành và quyết tâm tích cực.

Trích đoạn Tin Mừng thánh Luca của đêm vọng Phục Sinh, không nhắc đến kết quả mỹ mãn của bà Maria Mắcđala, nhưng các thánh sử Matthêu, Marcô và Gioan đều công bố bà Mắcđala đã được gặp Đức Giêsu sống lại. Vậy bà chính là người đầu tiên được diễm phúc hạnh ngộ với Chúa Phục Sinh. Nhờ đâu bà được diễm phúc như thế?

Lửa mến

Thánh sử Luca chỉ vắn tắt kể về bà Maria Mắcđala và quý bà đạo đức đi viếng mộ. “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn…”(Lc 24, 1-11) Ba thánh sử còn lại đều tường thuật tương tự, nhưng khá chi tiết hơn. Chính xác, thánh sử Máccô còn quả quyết khẳng định: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mắcđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.” (Mc 16, 9) Thánh sử Gioan còn đặc biệt dành riêng một trường đoạn tường thuật khá tỉ mỉ cuộc hạnh ngộ: ”…. Bà Maria Mắcđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20, 11-18)

Sau khi được Đức Giêsu giải thoát khỏi bảy quỷ ám, khỏi những tội lỗi chế ngự, bà Maria Mắcđala hân hoan đón nhận ơn gọi theo Chúa ngay từ Galilê. Hăng say, nhiệt thành, rộng rãi, bà đóng góp của cải, lẫn công sức vào hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Trời. “Thời gian sau đó, Ngài rảo qua các thành, các làng, mà rao giảng và loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa. Có nhóm mười hai đi với Ngài, và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỉ dữ cùng đau yếu: Maria gọi là người Mắcđala, có bảy quỉ đã xuất ra khỏi bà và Yoanna vợ của Khuza, viên quản lý của Hêrôđê, và Susanna cùng nhiều bà khác: họ đã lấy của cải của mình mà trợ giúp Ngài.” (Lc 8, 1-3)

Trong khi các môn đệ đồng loạt trốn chạy, bỏ rơi Đức Giêsu cô đơn chịu khổ nạn, bà Maria Mắcđala và các bà đạo đức vẫn âm thầm đồng hành với Người suốt chặng đường thập giá. Cả bốn thánh sử đều ghi tỏ tường bà Măcđala và các bà đứng chứng kiến giây phút sầu thảm trên đỉnh đồi Golgotha. (Mt 27, 55-56; Mc 15, 40-41 & Lc 23, 49) Dưới chân thập giá, ngoài Đức Mẹ Maria và môn đệ Gioan, vẫn không thiếu vắng Maria Mắcđala. (Ga 19, 25)

Rồi bà Maria Mắcđala và các bà cũng tiếp tục hiện diện trong cuộc mai táng Đức Giêsu trong mồ do ông Giôxếp chủ trì tẩm liệm, với “chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương”. (Mt 17, 57-61; Mc 15, 42-47; Lc 23, 50-55). “Cùng đi với ông Giôxếp có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.” (Lc 23, 55-56)

Chỉ có thể lý giải vì lửa mến hừng hực, nồng nàn, mãnh liệt, bà Maria Mắcđala mới có thể trung thành, kiên trì theo Chúa từ Galilê đến tận đỉnh Golgotha. Chẳng lo ngại tính mạng, chẳng sợ bạo lực quân dữ, lẫn cơn say máu của giới lãnh đạo tôn giáo và quần chúng điên cuồng, bà Maria Mắcđala và quý bà đấm ngực, đau đớn, khóc lóc than thở, đều can đảm đồng hành với Chúa chịu khổ hình, đến tận Núi Sọ. “Ði theo Ngài, có đám dân đông đảo cùng phụ nữ: các bà này đấm ngực và khóc than Ngài.”  (Lc 23, 27)  

Tình yêu còn thêm đậm đà ngát hương từ bình dầu thơm, mang ra mộ vào sáng sớm tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần. Thánh Luca có lẽ muốn diễn tả lửa mến rất nồng thắm, thuần khiết, tinh tuyền và bền vững của bà Maria Mắcđala dành cho Đức Giêsu.

Niềm tin

"Làm sao các ngươi đi tìm Ðấng sống giữa những người chết? Ngài không có đây, nhưng đã sống lại. Các ngươi hãy nhớ lại Ngài đã nói làm sao với các ngươi, khi còn ở Galilê, rằng: "Con người phải bị nộp trong tay những người tội lỗi, bị đóng đinh thập giá, và sống lại ngày thứ ba." Lời thiên sứ phán dạy, mặc khải trực tiếp mầu nhiệm Phục Sinh cho bà Maria Mắcđala và những người đi cùng.

Đồng thời thiên sứ trao cho họ trách nhiệm làm chứng nhân cho Chúa Phục Sinh. Nhờ tình yêu Chúa dẫn dắt, họ sớm được vinh dự đón nhận hồng ân tin cậy vào Lời Chúa. “Và họ đã nhớ lại các lời của Ngài.” Vội vàng trở về, Bà Maria Mắcđala đã thành chứng nhân, Tông đồ cho các Tông đồ (Apostola Apostolorum). “Ði thăm mộ về, họ đã nói lại hết các điều đó cho nhóm Mười một, và các kẻ khác hết thảy, Ðó là các bà Maria người Mắcđala, Gioanna, và Maria mẹ của Giacôbê. Và các bà khác làm một với họ, đều nói các điều đó với các tông đồ. Nhưng trước mắt các tông đồ, các lời nói ấy có vẻ là lời nói sảng, và họ không tin các bà.”(Lc 24, 9-11)

 

Tiếc thay, các đấng còn nặng nề thành kiến, kỳ thị, phân biệt giới tính, không hề tin họ. Bất ngờ cuộc đua marathon xảy ra tự phát giữa các ông Phêrô, Gioan và bà Maria Mắcđala.”Nhưng Phêrô chỗi dậy chạy đến mồ. Cúi mình nhìn vào, ông thấy chỉ có những dải vải mà thôi. Và ông lui về nhà, kinh ngạc về sự đã xảy ra.” (Lc 24, 12)

Hạnh ngộ

Chung cuộc, chỉ có ông Gioan“đã thấy và đã tin.” (Ga 20, 8) Còn ông Phêrô vốn thủ lãnh, thì chỉ dám dè dặt ghi nhận sự kiện nóng bỏng ngôi mộ trống, cùng băng vải và khăn che đầu đã cẩn thận sắp xếp lại.“Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.” (Ga 20, 10)

Chỉ còn lại kiên trì một mình bà Maria Mắcđala, nước mắt giọt vắn giọt dài, vừa thống hối tội lỗi mình, vừa thương nhớ Đức Giêsu, lẫn hy vọng trông cậy.“Bà Maria Mắcđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ.” (Ga 20, 11) Bà lại thấy hai thiên thần mặc áo trắng xoá. “Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu. Nói xong, bà quay lại và thấy Ðức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Ðức Giêsu. Ðức Giêsu nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” (Ga 20, 13-15)

Trước lửa mến nồng nàn, tuyệt đỉnh yêu thương, Đức Giêsu không thể nào nhẫn tâm làm ngơ, chẳng nỡ từ chối lòng khao khát cháy bỏng. Bà Maria Mắcđala liền được diễm phúc hạnh ngộ, được Người thương yêu đáp lại, gọi đích danh.“Ðức Giêsu gọi bà:"Maria!"Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: "Rápbuni!"nghĩa là “Lạy Thầy,” Ðức Giêsu bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (Ga 20, 16-17)

Tình yêu dẫn đến niềm tin, rồi niềm tin dẫn đến cậy trông, hy vọng và tình yêu đáp lại. Bà Maria Mắcđala đã chân thành yêu Chúa, hoàn toàn tin Lời Chúa và đã hạnh phúc gặp được Chúa Phục Sinh. Bà đã nghe, đã sống trọn vẹn Tin Mừng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11, 9-10)

“Chúa hiện diện bên con, không phải chỉ là một tâm tình, nhưng Chúa phải chiếm hữu cả con người con, hướng dẫn, yêu thương, an ủi con.” (Đường Hy Vọng, số 241) 

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh hằng sống, Chúa đang hiện diện bên con, đang ẩn giấu trong anh chị em tha nhân. Xin Chúa mở mắt, mở tai, mở tâm hồn chúng con, để chúng con hạnh phúc như bà Maria Mắcđala, được gặp Chúa, nhìn thấy Chúa, cũng như lắng nghe được tiếng Chúa luôn mời gọi chúng con mãi đi theo Chúa.

Lạy Mẹ Maria, suốt đời Mẹ đồng hành cùng Chúa, nhất là trong mầu nhiệm thương khó và Phục Sinh. Xin Mẹ san sẻ, thương ban cho chúng con tình yêu Mẹ dành cho Con Mẹ, để tâm hồn chúng con bùng lên, nóng hổi lửa mến, niềm tin, đức cậy, để luôn được hạnh ngộ cùng Chúa Giêsu Phục Sinh. Amen.

AM. Trần Bình An

 

 

Chia sẻ Tin Mừng CN Phục Sinh NC (Ga 20, 1-9) năm 2013

Nẻo đường tìm Chúa Phục Sinh

Hôm nay Lễ Phục Sinh, bài Tin Mừng của Thánh sử Gioan, chỉ có 9 câu ngắn ngủi, nhưng gói ghém thật cô đọng hành trình đi tìm Chúa Phục Sinh của ba người: Bà Maria Mácđala, ông Phêrô và Gioan, Người Môn Đệ Đức Giêsu Thương Mến.

Nẻo đường của ông Phêrô

Ông Phêrô sau khi chối Chúa ba lần trước khi gà gáy, đã kịp thời ăn năn khóc lóc thảm thiết, ngay khi gặp cái nhìn đầy yêu thương trìu mến và thương xót của Chúa Giêsu (Lc 22, 61). Ông vẫn theo Chúa xa xa. Vẫn nhận thức vai trò Đá Tảng mà Chúa Giêsu trao phó. Vẫn hăng hái và nhiệt thành. Nên nghe bà Mácđala báo tin ngôi mộ trống, bèn cùng ông Gioan, chạy đến ngay.

Sự mau mắn của ông biểu lộ lòng chân thành và tinh thần trách nhiệm cao độ. Ông vẫn hăng hái hành động, như từng rút kiếm, tấn công quân dữ đến bắt Chúa Giêsu, nhưng lóng ngóng, chỉ dám chém đứt tai người đầy tớ của thượng tế. Đáng tiếc thay, ông Phêrô đã mất thói quen cầu nguyện, nên thay thế vào đó cách xử dụng hung bạo, làm mất cơ trí đi, và lòng nhiết thành của ông trở thành một thứ hăng say trái mùa. (ĐGM Fulton Sheen)

Thậm chí, sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra an ủi, chúc bình an, thổi hơi, ban Đức Chúa Thánh Thần, ông vẫn chưa mấy biến chuyển. Vẫn vô tư rủ bạn chài đi đánh cá. Nhọc nhằn thâu đêm chẳng được gì, thì tảng sáng Chúa hiện đến, chỉ các ông thả lưới  bên phải mạn thuyền. Tức thời trúng thật đậm. Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến mới nhắc ông: “Chúa đó!” (Ga, 21, 7) Ông Phêrô chỉ biến đổi hoàn toàn, sau ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi đã được tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần.

Hành trình tìm Chúa Phục Sinh thật gian nan với ông Phêrô, tuy ông cũng được thấy Chúa hiện ra, nhưng đúng hơn là Chúa chủ động tìm đến với ông, thay vì ngược lại. Những tấm khăn liệm, băng vải, khăn che đầu đã che khuất tầm nhìn của ông, những hoạt động hăng say quá bận rộn bên ngoài, đã khuấy động tâm hồn ông, vốn rất ngay lành, đâm ra u mê, tăm tối. 

Như thế, nếu tôi cũng chỉ nhiệt thành giữ đạo theo thói quen, chỉ hành động xuông như tập quán, kinh sách đọc rổn rảng, vô hồi kỳ trận, mà thiếu mất tâm tình cầu nguyện sốt sắng, mật thiết, và còn thiếu lòng ăn năn thống hối như Phêrô, thiếu ý chí và cố gắng nên tốt lành hơn. Bởi vì những thứ trên chỉ là phương tiện giúp nên thánh, mà phải có ý chí sửa đổi thì ân sủng Chúa mới hoạt động, ân sủng Chúa chỉ sinh hoa trái, khi có sự hợp tác của linh hồn mà thôi. Hơn nữa, tôi còn thiếu cả Thánh Thể, Của Ăn Đi Đàng, lẫn thiếu Lời Chúa dẫn dắt, làm sao tìm và gặp được Chúa Sống Lại trong tôi?  

Nẻo đường của ông Gioan

Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến trái lại, trẻ trung, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, chạy đến ngôi mộ trống trước ông Phêrô. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. (Ga 20, 5) Ông Gioan được cho là chàng thanh niên đã bỏ chạy khi Chúa Giêsu bị bắt. (Mc 14, 51) Nhưng sau đó, vẫn can đảm theo Chúa vào dinh cựu thượng tế Khanan, rồi còn giúp đỡ ông Phêrô lọt vào bên trong. (Ga 18, 16). Cho đến khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ông Gioan cũng đứng dưới chân thánh giá cùng với Đức Mẹ Maria, bà Maria vợ ông Cơlopat, và bà Maria Mácđala.

Tuy đến ngôi mộ trước, ông chỉ cúi xuống, nhìn thấy băng vải trong đó, không vào ngay, mà nhẫn nại chờ đợi đại huynh Phêrô đến. Có nhiều cách giải thích sự chờ đợi này. Có thể vì kính trọng quyền huynh thế phụ, không dám vô lễ qua mặt ông Phêrô, bậc đàn anh? Có thể còn nghi ngại sợ hãi, nhát đảm, sợ bóng vía chăng?  Hoặc là sợ đụng chạm vào khăn liệm, băng vải lỗi phạm lề luật chăng?

Nhưng chắc chắn là ông Gioan đã theo cùng ông Phêrô vào mộ. “Thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi…  Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20, 7- 8)

Khi nhìn thấy băng vải và khăn che đầu xếp lại gọn ghẽ, tươm tất, đâu đó, cách xa nhau, ông Gioan có lẽ liên tưởng ngay đến thói ngăn nắp thứ tự thường nhật của Đức Giêsu, mà trước đây ông vẫn thường chứng kiến và đã quá quen thuộc. Ông liền nhận ra dấu chỉ kín đáo đó và đã mạnh dạn tin tưởng Chúa Phục Sinh.

Tuy chưa được gặp Chúa sống lại, nhưng lòng trung thành, tâm hồn tỉnh thức, nhạy bén, đã giúp hành trình ông gặp Chúa Phục Sinh đạt kết quả mỹ mãn. Ông đã gặp được Chúa ngay trong tâm hồn, mặc dù ông cũng chưa hiểu lời Kinh Thánh đã tiên báo mầu nhiệm này.

Ngày nay, Chúa vẫn ban phát rộng rãi những dấu chỉ, để nhận ra, và hiểu được Thánh Ý Chúa. Nhưng tôi có biết mở mắt, mở tai, mở lòng ra dón nhận hay không? Hay chỉ biết chạy theo dư luận, chạy theo những thông tin, những điềm báo kỳ dị, quái gở, ma thuật, có thể đe dọa, lấn át, khuynh đảo đức tin của tôi, vốn đang rất mong manh, yếu đuối?

Nẻo đường của bà Maria Mácđala

Bà Maria Mácđala đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi bảy quỷ dữ (Lc 8, 3). Sau đó bà theo Chúa Giêsu và dùng tiền của giúp Ngài, cũng như các môn đệ đi truyền giáo. Bà đã âm thầm, can đảm đi theo Chúa suốt cuộc khổ nạn. Bà cũng hiện diện dưới chân Thánh Giá cùng với Mẹ Maria và bà Maria, vợ ông Cơlopat, cùng ông Gioan, để chia sẻ nỗi đau khổ tận cùng Chúa Giêsu. (Ga 19, 25), Bà Mácđala cũng tham dự mai táng Chúa Giêsu trong huyệt mộ. (Lc 24, 55)

Vào ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn tối, bà đã vội chạy ra mộ Đức Giêsu để xức dầu thơm trên thi thể Ngài. Nhưng phát hiện ngôi mộ trống, tảng đá chắn mộ đã lăn ra. Bà hốt hoảng, tức tốc về báo tin ngay cho các môn đệ, ông Phêrô và Gioan.

Thoạt tiên, tưởng chừng tảng đá chặn ngôi mộ đã cản trở bà Mácđala tìm thấy Chúa Phục Sinh. Nhưng không, bà đã kiên trì  đi trở lại ngôi mộ trống lần nữa để nhớ nhung, tiếc thương và than thở khóc lóc. Bà đã cầu nguyện theo cách riêng cũa bà, biểu lộ công khai lòng yêu mến Chúa tột cùng. Thậm chí bà cũng chẳng để ý hai thiên sứ đột nhiên xuất hiện. Bà quay lại thấy Chúa Phục Sinh, lại tưởng người làm vườn. Nhưng khi nghe Chúa thân thương gọi: “Maria!” bà liền nhận ra ngay Chúa Giêsu đã sống lại. (Ga 20, 16)

Bà Mácđala được Chúa ủy thác loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ, để các ông đi rao truyền khắp thế gian. “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là của Cha của anh em. Lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (Ga 20, 17)

Bà Mácđala đắm mình vào cầu nguyện, tâm tình với Chúa Giêsu, không còn bận tâm đến môi trường chung quanh, không chia lòng chia trí, dù các thiên thần tận tình hỏi han. Chính nhờ sự chuyên tâm và khát khao Chúa tột độ, bà là người đầu tiên so với các tông đồ, được diễm phúc thấy Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển. Nẻo đường tìm Chúa Phục Sinh của bà Macđala rất thực tiễn, viên mãn và hiệu quả nhất, so với hai nẻo đường vòng vo kia.

Người hy vọng là người cầu nguyện,. Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm họ đề hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài. (Đường Hy Vọng, 964)

Lạy Chúa, xin dạy con biết tìm kiếm Chúa mọi nơi, mọi lúc, qua những lời cầu nguyện chân thành, để con được sống lại với Ngài.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đồng hành cùng Chúa Giêsu trong mầu nhiệm khổ nạn, xin Mẹ dẫn dắt, chỉ bảo và cầu bầu cho con, cảm nhận được Chúa Sống Lại trong tâm hồn, để con được cứu rỗi, đồng thời trở nên Chứng Nhân, phục vụ mọi người. Amen..

AM Trần Bình An ( March 23, 2016 )


-dongcong.net

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)