dongcong.net
 
 

Suy Niệm tuần thánh của LM Lợi, năm C

Tuân Thánh năm 2016
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT3/17/2016

TUẦN THÁNH NĂM 2016 : NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA


THỨ HAI THÁNH : YÊU CHÚA TUYỆT VỜI
Is 42,1-7 ; Ga 12,1-11

Câu chuyện Maria lấy dầu thơm hảo hạng xức chân cho Chúa và lấy tóc mình lau chân Chúa đã gây ấn tượng lớn cho nhiều người.Thực tế, với số tiền 300 quan lúc đó, một số tiền xem ra không to lắm nhưng cũng nuôi sống được nhiều người. Maria đã có lòng yêu mến Chúa tuyệt đối. Cô Maria đã không sợ những người Do Thái, đặc biệt bọn Pharisêu, Kinh sư, Biệt phái.Maria có thể bị họ làm khó dễ khi làm những cử chỉ thật dễ thương nhưng cũng rất là can đảm như thế ! Giuđa Iscariốt đã rất khó chịu với Maria trước hành động, cử chỉ của cô đối với Chúa Giêsu. Do đó, Giuđa Iscariô đã phê bình Maria một cách thẳng thừng rằng “ sao cô không dùng tiền đó vào việc khác ? “. Giuđa nói thế không phải vì thương Chúa nhưng vì tư lợi, ông tỏ ra ích kỷ và ghen tương.

Maria đã thương Chúa thật tình, cô đã không tiếc tiền, không tiếc điều quí nhất của người phụ nữ là tóc của mình, cô đã dùng tóc mà lâu chân Chúa thay vì dùng khăn như tập tục, như mọi người thường làm.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được luôn biết khiêm nhường quay về với Chúa, mỗi lần chúng con làm mất lòng Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao cô Maria lại lấy dầu thơm hảo hạng để xức chân Chúa và dùng tóc mà lau chân Chúa ?
2.Giuđa Iscariốt là người thế nào ?



THỨ BA THÁNH : TÍN THÁC NƠI CHÚA CHA
Is 49,1-6 Ga 13, 21-33.36-38

Đứng trước thử thách, đau khổ, thất bại, khó khăn, đau khổ, con thường dễ sinh ngã lòng, chán nản và thường muốn bám víu lấy những gì dễ thấy, dễ tìm. Nên, nhiều khi đối diện với những thử thách gian nan như thế, con người dễ quên Chúa, dễ bỏ đường lối công chính của Thiên Chúa để chạy theo những cám dỗ của người đời, những xúi giục của ma quỷ vv…Các bài đọc hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng của thánh Gioan cho thấy : “ Chính Chúa cũng bị xao xuyến, giao động “ , xao xuyến và giao động vì Giuđa, một môn đệ mà Chúa tin tưởng giao chức quản lý đã phản bội bán Chúa, một Phêrô xem ra cứng cát, mạnh mẽ nhưng lại chối Thầy.

Chúa xao xuyến, tâm thần xem ra chao đảo, chấn động, bấn loạn, nhưng Ngài vẫn một mực trung kiên tiến tới vì Ngài biết Thiên Chúa là Cha của Ngài sẽ cho Ngài chiến thắng. Bởi vì có thử thách, có đau khổ, vác thập giá mới đạt tới chiến thắng vinh quang.

Lạy Chúa Giêsu, đã bao lần gặp chông gai thử thách, chúng con đã nản chí muốn bỏ cuộc, xin cho chúng con luôn vững tin, luôn can đảm để vững bước bước theo Chúa cho tới cùng.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Đứng trước khó khăn, thất bại, ÔBAE có thái độ nào ?
2.ÔBAE có tin tưởng, tín thác thực sự vào Chúa không ?


THỨ TƯ THÁNH : BẤT TRUNG
Is 50. 4-9a Mt 26, 14-25

Trong đời sống không có gì làm cho con người ngao ngán, bất an khi mình bị phản bội : chồng vợ bất trung với nhau, bạn bè lừa dối nhau, con cái bất hiếu với cha mẹ vv…Sự đời như thế luôn làm con người đau khổ, sống không yên ổn vv…

Chúa Giêsu cũng rơi vào trường như thế vì cả những người Ngài tin tưởng nhất cũng phản bội Ngài, cũng bỏ rơi Ngài, cũng giơ chân đạp Ngài như lời ngôn sứ Isaia thốt lên! Trước sự bội phản nặng nề, trắng trợn của Giuđa, Chúa đã phải thốt ra lời :” Thà nó đừng sinh ra thì hơn “. Lời của Chúa Giêsu khi xưa vẫn như văng vẳng bên tai mọi người.

Xét lại, mỗi người chúng ta trong đời sống đã rất nhiều lần chúng ta phản bội Chúa, quên đi cố tình hay vô ý những lời của Chúa dạy bảo, những lời giáo huấn của Chúa mà tiếp tục đi vào con đường tội lỗi…


Lạy Chúa Giêsu, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa, xin Chúa ban cho chúng con lòng can đảm, sự khiêm nhường để chúng con biết sám hối ăn năn thật lòng quay trở về với Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Khi bị phản bội, ÔBAE có thái độ nào ?
2.Trung tín của cần trong đời sống của chúng ta không ?
3.Chúa đã làm gương cho ta về sự trung tín như thế nào ?


THỨ NĂM THÁNH : RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ
RỬA CHÂN CHO NHAU
Xh 12,1-8.11-14 1 Co 11, 23-26 Ga 13, 1-15

Chúa Giêsu trước Lễ Vượt Qua, đặc biệt vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh đã làm ba việc để đời : Rửa chân cho các môn đệ, Ban giới luật yêu thương, Lập phép Thánh Thể.

Ba việc làm thánh thiêng của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly nói lên tình thương vô bờ của Thiên Chúa đầy tình thương xót. Chúa không để lại bạc tiền, gia tài, của cải theo cái nhìn của trần gian, của con người. Ngài để lại những điều quí hóa nhất mà con người đời này qua đời nọ phải bái phục suy tôn.

Rửa chân cho các môn đệ, trong việc làm này, Chúa đã dạy chúng ta và cả nhân loại bài học khiêm nhường và yêu thương đến cùng. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Thầy mà cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài chứng tỏ Ngài phục vụ chứ không đến để được người ta hầu hạ, phục vụ. Cùng với việc rửa chân, Ngài ban bố giới luật yêu thương “ Yêu thương như Thầy “Ga 15, 12 “.” Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau “.

Bí Tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu, Bí tích nuôi sống.Thật cảm động khi Chúa lấy chính Mình Máu của Người để nuôi sống nhân loại, nuôi sống chúng ta. Không có tình yêu nào cao vời, quí trọng như thế. Chúa đành hy sinh mạng sống để cứu chuộc con người, cứu rỗi chúng ta. Tình yêu của Chúa hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhưng không. Ngài đành lòng cứu chuộc chúng ta bằng sự vâng phục Chúa Cha. “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Chúa truyền lệnh cho các môn đệ làm việc này mà nhớ đến Chúa. Các môn đệ đã được Chúa phong chức linh mục, giám mục và rồi thánh lễ sẽ được tái diễn trên bàn thờ trên khắp cùng thế giới mọi ngày cho đến tận thế để lương thực là Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện để nuôi sống nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho nhân loại Bí tích nhiệm mầu là Mình Máu Thánh của Người, xin ban thêm niềm tin cho chúng con để chúng con luôn yêu mến Bí tich Thánh Thể vì nhờ Mình Máu Thánh của Chúa mà chúng con được sống. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1,Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta ba điều gì ?
2.Rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì ?
3.Tại sao Chúa Giêsu lại nói :” Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy ?”.
4.Chúa đã phong chức linh mục, giám mục trong trường hợp nào ? Ở đâu ?


THỨ SÁU TUẦN THÁNH : YÊU CHO ĐẾN CÙNG

Is 52,13-53,12 Hr 4, 14-16; 5, 7-9 Ga 18, 1-19, 42

Trong một bài thơ viết về “ Cây Thập Giá “, Trầm Thiên Thu đã viết : “
Thập giá ê chề nhục nhã thay !,
Đau thương, tủi hổ với chua cay,
Giêsu tuân phục theo Thiên Ý
Nhân thế thoát ly khỏi đọa đày “.

Thập giá là hình khổ nhục vô cùng đau thương cho những tử tù thời Chúa Giêsu. Với án tử hình dù Chúa hoàn toàn vô tội, Ngài phải vác Thập giá đi lên đồi Golgotha…Thật ê chề, thật nhục nhã. Chúa chịu xỉ nhục thảm thương. Tuy nhiên, thập giá đã trở nên cây quả phúc vì chính nơi thập giá ơn cứu độ chứa chan nơi Đức Kitô. Như Môisen theo lệnh Chúa đã đúc một con rắn đồng, treo lên một cây gỗ, hễ ai bị rắn độc cắn, nhìn lên con rắn đồng sẽ được khỏi. Ngày nay và muôn thời, bất kỳ ai có lòng tin khi nhìn lên thập giá Chúa với tâm tình ăn năn sám hối, với lòng tin thẳm sâu, sẽ được Chúa cứu, giải thoát khỏi tội lỗi.

Chúa đã yêu thương nhân loại tới cùng và đã chấp nhận chịu chết trên thập giá vì yêu nhân loại, yêu con người chúng ta “ Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Do đó, chúng ta đừng đang tâm phạm tội, xúc phạm đến Chúa bởi vì mỗi lần chúng ta phạm tội là mỗi lần chúng ta đóng thêm những mũi đanh lên thân xác của Đấng vô cùng thánh là Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng ta làm những điều bất xứng phạm đến Chúa vì như thế chúng con đã tiếp tay với kẻ thù đóng thêm đinh nhôn lên Thân Thể của Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Thập giá là gì ?
2,Tại sao khi phạm tội là chúng ta đóng thêm những mụi đanh lên Thân Thể của Chúa ?
3.Có khi nào ÔBAE nghĩ rằng mình đã tiếp tay lên án tử hình cho Chúa ?


THỨ BẢY TUẦN THÁNH : THINH LẶNG VỚI MẸ MARIA
HY VỌNG PHỤC SINH
Rm 6, 3-11 Lc 24, 1-12

Mẹ Maria thinh lặng để kết hiệp với cuộc thương khó của Con Mẹ là Đức Giêsu Kitô. Mẹ thinh lặng vì Mẹ đã ôm xác thánh của Chúa Giêsu trong lòng và trao lại để các môn đệ, và những người nhiệt tâm chôn xác Chúa Giêsu trong mồ đá mới. Mẹ thinh lặng cầu nguyện trong khi các môn đệ của Chúa hoang mang, tán loạn, xao xuyến vì cái chết của Thầy. Mẹ Maria đã hiểu rất rõ lời loan báo của Kinh Thánh và lời do chính miệng Chúa loan truyền. Chúa sẽ sống lại đúng như lời Kinh Thánh, đúng như lời Chúa đã loan báo trước. Mẹ tin tưởng chờ đợi giờ phút khải hoàn của Con Mẹ. Giờ phút ấy thiên thần đã hân hoan nói với các người phụ nữ ra thăm mộ từ sáng sớm ngày đầu tuần :” Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trổi dậy rồi “.

Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa mời gọi nhân loại nhìn vào Dung Mạo của Chúa Giêsu giầu lòng thương xót như các người lính đã nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu ( Ga 19, 37 ). Họ nhận ra Đấng đó là ai, là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ nhân trần.

Suốt 40 ngày chay thánh, chúng ta đã sống theo lời Chúa dạy, đã sống theo những lời giáo huấn của Giáo Hội, giờ đây chúng ta hân hoan mừng lễ Phục Sinh. Chúa đã sống lại thật như lời Kinh Thánh. Chúa đã chiến thắng tử thần, Chúa đã chiến thắng tội lỗi và Chúa hứa cho chúng ta được sống lại với Người.

Chúa sống lại thật. Alléluia. Alle1luia.Alléluia! Tuy chúng ta yếu hèn tội lỗi
Nhưng tin vào lòng thương xót thứ tha của Chúa, chúng ta hy vọng tràn trề vì Chúa sẽ cho chúng ta cùng được sống lại với Người.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống những giây phút thật căng thẳng, xao xuyến và giao động, nhưng Mẹ đã hoàn toàn tin tưởng, hy vọng, cậy trông, phó thác. Xin Mẹ giúp chúng con đến với Chúa Phục Sinh để chúng con được hưởng hạnh phúc vinh quang với Người. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Mẹ Maria đã thinh lặng để làm gì ?

 

Tam nhật thánh :

THỨ NĂM TUẦN THÁNH : THÁNH LỄ TIỆC LY
YÊU CHO ĐẾN CÙNG
Ga 13, 1-1512

 

Thánh lễ chiều nay sẽ tưởng niệm lại việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ.Rõ ràng trong thánh lễ này, chúng ta nhận ra tình thương cao vời của Chúa đối với nhân loại, đối với con người, đối với mỗi người. Để diễn tả tình thương vô biên Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Thịt và Máu của Người để nuôi sống chúng ta.

Chúa Giêsu đã ăn Lễ Vượt Qua lần cuối cùng với các môn đệ nơi nhà Tiệc Ly, trong bữa ăn này, Ngài làm một cử chỉ rất đặc biệt, cử chỉ của người tôi tớ, người nô lệ, Ngài đứng dậy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây là hành động của một Thiên Chúa rất mực khiêm nhường: cúi xuống rửa chân nói lên tình thương vô biên của Chúa. Rửa chân cho các môn đệ xong, Ngài lại tiếp tục bữa ăn và rồi Ngài đã cầm bánh và rượu lập nên Bí Tích Thánh Thể. Bánh đã trở nên Mình Chúa và rượu đã trở nên Máu Chúa. Đây là Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Tình yêu.Bí Tích nuôi sống con người phần hồn phần xác. Quả thực, khi sống nơi trần gian, đến giờ chấp nhận ý định của Thiên Chúa Cha cứu độ con người, Chúa Giêsu trước khi về với Chúa Cha, Ngài không để lại cho nhân loại của cải, tiền bạc, Ngài không để lại gia tài kếch sù để con người chia chác cho nhau, nhưng Ngài đã để lại cho nhân loại của ăn không bao giờ hư mất, Ngài đã nuôi sống con người bằng chính thịt máu của Ngài. Ngài đã đem lại cho con người sự sống mới, sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời. Chúa lập Bí Tích Thánh Thể để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha, giữa chúng ta với Ngài. Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn Chúa Cha, trao cho các môn đệ mà nói :” Này là Mình Ta “. Bánh ấy đã trở nên chính thịt của Ngài. Thánh Thể là một lễ tế. Thánh Thể là một cuộc giao hòa. Nên, khi cầm chén rượu nho, tạ ơn Chúa Cha, trao cho các môn đệ và nói :” Này là chén Máu Ta, Máu giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được khỏi tội “. Rượu nho đã trở nên chính Máu của Chúa. Thật diệu kỳ, thật mầu nhiệm !

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã phong chức thánh cho các môn đệ để các môn đệ tiếp tục sứ mạng cứu thế của Chúa ở trần gian này. Ngài thiết lập chức linh mục thừa tác để các môn đệ cử hành thánh lễ và truyền phép. Chúa Giêsu quả thực đã quá yêu thương nhân loại, yêu thương con người. Ngài yêu thương con người, nên để lại cho nhân loại kho tàng quí giá là các Giám mục, các Linh mục để các Ngài thay mặt Chúa ban phát Bí tích cho con người. Do đó, người ta có thề tự hiểu, nếu không có các giám mục, các Linh mục sẽ không có thánh lễ và như thế, đâu có Bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu còn để lại cho chúng ta một giới răn mới, giới luật yêu thương:” Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con “ hoặc :” Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau “. Giới luật mới của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược với luật của các luật sĩ, thượng tế và biệt phái, nhóm này quan niệm :” Ai thương mình thì thương, còn ai ghét mình thì mình ghét “. Chúa dạy con người : “ yêu thương cả kẻ thù “. Đây là luật bác ái, luật tình yêu. Chúa Giêsu đã sống, đã thực hành giới luật ấy một cách tuyệt đối :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Như vậy, Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly, bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, đã làm ba cử chỉ đẹp nhất, cao quí nhất là rửa chân cho các môn đệ, lập Bí tích Thánh Thể và ban giới luật mới, giới luật yêu thương. Thật lạ lùng, thật linh thánh và kỳ diệu, Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại kho tàng quí giá không người trần gian nào có thể có được, có thể để lại như Ngài…

Lạy Chúa, trong bữa Tiệc Ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Đức Giêsu đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người “. ( Lời nguyện Nhập lễ Thánh Lễ Tiệc Ly ).


THỨ SÁU TUẦN THÁNH : VINH QUANG THẬP GIÁ
Ga 18,1-19.42

Thứ Sáu Tuần Thánh đối với chúng ta là một ngày thánh thiêng, một ngày chay trọng thể, để kính nhớ cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta chay kiêng cho tới tối Vọng Phục sinh và sau đó chúng ta vui mừng, mừng Chúa sống lại.
Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội Thánh đề cao vinh quang thập giá hơn là những đau khổ, những tủi nhục, những tang thương của sự thương khó. Hội Thánh kính nhớ cuộc thương khó của Chúa Giêsu và sự sống lại của Ngài. “ Đức Kitô phải chịu thương khó đã để vào trong vinh quang “ ( Lc 24, 26 ). Thập giá và vinh quang đan quyện lấy nhau. Chúng ta chỉ có thể đón nhận mầu nhiệm Thập Giá và Vinh quang sống lại khải hoàn qua đức tin của chúng ta.

Hôm nay, thật sự ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không còn là một ngày ảm đạm sầu đau, nhưng ngày Chúa chịu chết lại là một ngày thật tốt đẹp, ngày cao cả bởi vì Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình cứu độ của Ngài :” Khi nào Ta được giương lên cao, đã sẽ kéo mọi người lên cùng Ta “. Đây là cao điểm cuộc đời hiến dâng của Chúa cứu thế. Chúa Giêsu chết trên giá, cái chết của Ngài không phải là sự tang tóc theo kiểu suy nghĩ của người đời, Ngài chết theo ý Chúa Cha, Ngài chết để cứu độ con người, cứu chuộc loài người. Cái chết của Ngài có mục đích, có ý nghĩa thẳm sâu. Chúa chết vì yêu thương con người bởi nơi Thập giá chứa chan ơn cứu chuộc. Chúa chết thay cho tất cả mọi người, Ngài vô tội nhưng đã gánh tội lỗi cho chúng ta để cứu rỗi chúng ta. Ngài biết chúng ta cần Ngài, nhưng Ngài yêu thương chúng ta trước, cứu chuộc chúng ta trước khi chúng ta biết mình được hạnh phúc ấy.

Đồi Canvê là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Tuy nhiên, chẳng khi nào chung ta hiểu thấu ý nghĩa cao sâu của việc Chúa hy sinh chết trên Thập giá, chẳng bao giờ chúng ta hiểu thấu tình thương vô biên của Chúa đối với chúng ta. Cuộc hành trình đức tin vẫn kéo dài. Cuộc lữ hành trần thế vẫn có những thử thách, những mong manh, những đau khổ, con người vẫn có nhièu lỗi phạm, chúng ta vẫn phản nghịch cùng Chúa và vẫn thích làm theo ý chúng ta. Chúa không muốn để chúng ta phải chết tuy chúng ta thật đáng tội chết. Chúa đã chết cho chúng ta được sống và sống dồi dào, sống tự do như Ngài đã nói :” Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào “ ( Ga 10, 10 ).

Do đó, chúng ta phải bỏ con người cũ để mặc lấy Đức Kitô. Từ bỏ tội lỗi, từ bỏ đời sống xấu xa để chúng ta được đẹp lòng Chúa. Chúng ta cũng phải thương yêu người đồng loại và đem Chúa cho họ.

Thứ Sáu Thánh, chúng ta hãy nhìn lên Thập giá Chúa Giêsu :” Đây là cây thánh giá. Nơi đã treo Đấng cứu độ trần gian “. Chúng ta hãy tự suy nghĩ và hồi tâm bởi đâu Chúa chịu chết như vậy ? Phải chăng do tội lỗi con người, do tội lỗi chúng ta mà Chúa chịu đau khổ và chịu chết thảm sầu trên thánh giá ? Chúng ta hãy thực lòng ăn năn thống hối để xin Chúa thứ tha và chúc lành.

Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con vô ngần, Chúa đã vui lòng cho con một Chúa đổ máu đào trên thập giá để hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, đem lại ơn cứu độ cho loài người. Giờ đây, xin Chúa nhớ lại tình thương ấy mà thánh hóa và che chở đoàn con luôn mãi “. Amen. ( Lời nguyện đầu ngày Thứ Sáu Thánh “.


THỨ BẢY VỌNG PHỤC SINH: CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

VỌNG PHỤC SINH, LỄ ĐÊM, năm C
Lc 24, 1-12

Một biến cố đã làm đảo lộn tất cả. Bởi vì, ngay các tông đồ, các người phụ nữ trước đó vẫn chưa tin Chúa sống lại. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng luôn tôn trọng sự tự do của con người. Ngài cho họ quyền nghi ngờ và phủ nhận Ngài. Tuy nhiên, trong những ngày lo âu, sợ sệt và hết sức hoang mang hồi hộp, một biến cố hay nói một cách siêu nhiên, mầu nhiệm Đức Giêsu đã ra khỏi mồ, đã chiến thắng sự chết, đã phục sinh làm đảo lộn mọi người : thế giới, các tông đồ, những người phụ nữ và làm đảo lộn tất cả…

Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng của Thánh Gioan đã gợi lại cho thế giới, cho tất cả nhân loại và cho chúng ta một mầu nhiệm, chứ không tường thuật một câu chuyện. Các Thánh sử đã không mô tả việc Chúa Giêsu chỗi dậy và ra khỏi mồ thế nào. Các Ngài nói về một mầu nhiệm ( un mystère ). Điều này giúp chúng ta tin tưởng mãnh liệt vào việc Chúa sống lại,và đảm bảo cho nhân loại, cho chúng ta về chứng từ không thể sai lầm của các Tin Mừng. Giáo Hội đêm nay qua Phụng vụ gợi lại mầu nhiệm Phục sinh khi công bố Tin Mừng Phục sinh bên cây nến cháy sáng lung linh tượng trưng cho Đức Giêsu sống lại khải hoàn :” Ôi đêm thật hạnh phúc, chỉ mình ngươi đã được biết giờ này …”. Đức Giêsu đã phục sinh thật. Sống lại có nghĩa là không chết nữa. Sự sống lại của Đức Giêsu hoàn toàn khác với sự hồi sinh của con bà góa thành Naim, hay của Lazarô, bởi vì con bà góa thành Naim hay Lazarô được Chúa cho hồi sinh, sau đó sống thêm thời gian nữa ở trần gian và rồi cũng lại chết, không thể sống lại nữa. Đức Giêsu sống lại không bao giờ chết nữa, Ngài được đưa vào hưởng vinh quang với Thiên Chúa. Tin Mừng thánh Luca đêm nay cho hay :” …Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ “ ( Lc 24, 3 ). Thánh Luca viết tiếp :” Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết “ ( Lc 24, 5 ). Đây là một bằng chứng từ trời cao do chính các thiên thần minh chứng cho các người phụ nữ.Rồi sự kiện mồ trống, những cuộc hiện ra với những người phụ nữ và sau đó chính Chúa trực tiếp hiện ra với nhóm mười hai. Các người phụ nữ từ tình trạng hoang mang, bất ngờ đã nhận ra Chúa phục sinh. Các bà đã hối hả loan báo cho các tông đồ. Việc các tông đồ cho rằng các phụ nữ là những người vớ vẩn, việc họ nói là chuyện đàn bà đến việc chính các Ngài đã tin và tuyên xưng nơi Chúa phục sinh là một mầu nhiệm đức tin thẳm sâu.

Thực tế, lời loan báo Tin Mừng của các tông đồ : Đức Giêsu đã phục sinh và đang hiện diện. Đây là cốt lỗi của Kéryma tiên khởi của các tông đồ. Các tông đồ khi đã xác tín và cảm nghiệm sâu xa về Chúa phục sinh.Các Ngài đã hiên ngang, bất khuất sống niềm tin ấy và nhiệt tâm bất khuất loan truyền Tin Mừng phục sinh cho mọi người bất chấp gian nan, ngay cả phải hy sinh chính mạng sống của mình.Tuy nhiên để tin như thế, các tông đồ cũng đã phải trải qua một thời gian giao động, hoang mang, xáo trộn, thất vọng, nghi nan và đơn giản là không tin.Cuối cùng chính các chứng từ và trực tiếp các tông đồ đã nhìn thấy Đấng phục sinh, nên họ đã tin và nhứt nhứt đã tin vào Chúa phục sinh để để rồi sống mầu nhiệm phục sinh một cách trọn vẹn.Các tông đồ đã tin, đã làm chứng và đã chết vì lời các Ngài rao giảng.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết:” Bàn tay cứu độ của Chúa nâng đỡ chúng ta, và như thế, ngay từ bây giờ, chúng ta có thể hát vang bài ca của những người được cứu thoát, bài ca mới của những người đã sống lại: alléluia! Amen “.

Vâng sứ điệp Phục Sinh loan báo Đức Giêsu sống lại. Ngài vẫn sống và đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con mau mắn nhận ra Chúa như Phêrô khi nghe thánh Gioan nói :” Thầy đó “, Phêrô đã vội vã đi trên mặt biển mà đến với Chúa.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tin Mừng Phục Sinh nói cho chúng ta những gì ?
2.Hai người đàn ông mặc áo trắng là ai ?
3.Các tông đồ có tin Đức Giêsu Phục Sinh ngay không ?
4.Đức tin của các tông đồ phải trải qua những giai đoạn nào ?
5.Tại saoĐức Giêsu Phục Sinh lại gọi là một mầu nhiệm ?

 

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)