dongcong.net
 
 


Trong Thiên Chúa không ai bị loại trừ
NS-DMHCG

Chúa nhật 24 thường niên, năm c
Xh 32:7-11,13-14; 1Tm 1:12-17; Lc 15:1-7

Câu chuyện trong Tin Mừng mở đầu bằng một sự đối nghịch, một đàng các người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người , đàng khác các là các luật sĩ và các kinh sư nghi ngờ tránh xa Chúa vì thái độ hành xử của Người.  Họ tránh xa bởi vì Chúa Giêsu tới gần những người tội lỗi. Những người này kiêu căng, họ tin mình là những người công chính, những người tuân giữ luật Môse một cách nhiệm nhặt.
Dụ ngôn trong Tin Mừng xoay quanh ba nhân vật: mục tử, con chiên lạc và số còn lại của đàng chiên.  Nhưng chỉ có mục tử là người hành động, chứ không phải các con chiên.  Như vậy, mục tử là nhân vật chính và điểm nhấn là những hành động nơi người mục tử này. Dụ ngôn được dẫn nhập bằng một câu hỏi: “Ai trong các ngươi, nếu có một trăm con chiên và mất một con, lại không bỏ chín mươi chín con trong sa mạc và đi tìm con chiên lạc, cho tới khi tìm ra nó?”  Đây là một mâu thuẫn dẫn đưa tới chỗ nghi ngờ hành động của người mục tử: có khôn ngoan không khi bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc như vậy?  Còn hơn nữa bỏ chúng không phải trong một chuồng chiên mà trong sa mạc?  Theo truyền thống Kinh thánh, sa mạc là nơi của chết chóc, khó mà tìm ra nước và thực phẩm, không có chỗ trú ngụ và bị bỏ rôi cho thú dữ và tôm cướp.  chín mươi chín con chiên để lại sẽ không được bảo vệ? Tuy nhiên, sự mâu thuẫn tiếp tục khi nói rằng người mục tử, sau khi tìm thấy con chiên, vác nó lên vai, về nhà, gọi bạn bè và hàng xóm láng giềng tới chung vui.  Dường như người mục tử không trở vào trong  sa mạc để dẫn chín mươi chín con chiên trở về đàng!  Duy chỉ hướng đến con chiên đi lạc, xem ra người mục tử quên chín mươi chín con chiên kia.  Nhưng thật ra không phải vậy!
Giáo huấn của Chua Giêsu muốn dạy cho chúng ta, đó là không có con chiên nào bị hư mất.  Chúa không chịu để một ai phải hư mất dù chỉ một người nhỏ bé nhất.  Hoạt động của Thiên Chúa là hoạt động của người đi tìm các con cái bị mất để rồi vui mừng với tất cả vì tìm  lại được họ.  Đây là một ước muốn không thể nào kìm hãm được: chín mươi chín con chiên có thể kéo chân người mục tử lại, và giữ ông trong chồng chiên.  Ông có thể lý luận như sau: tôi có chín mươi chín con chiên mất một con thì chẳng có gì là quá đáng! Nhưng không!  Người mục tử đi tìm con chiên lạc ấy vì mỗi một con chiên đều rất quan trọng đối với ông, và con chiên đó là con chiên cần được giúp đỡ nhất, con chiên bị bỏ rơi nhất, bị gạt bỏ nhất và ông đi tìm nó.
Tất cả chúng ta đều cảm nhận lòng xót thương của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi là cách thức hành động của Thiên Chúa và Ngài tuyệt đối trung thành với lòng xót thương ấy.  Không có gì và không có ai lấy đi khỏi Chúa ý muốn  cưú rỗi của Ngài.  Thiên Chúa không biết tới nền văn hóa lại bỏ của chúng ta ngày nay.  Trong Thiên Chúa không có điều đó.  Thiên Chúa không loại bỏ một người nào.  Ngài yêu thương tất cả mọi người.  Ngài tìm kiếm tất cả mọi người.  Tất cả!  Từng người một.  Ngài không biết từ “loại bỏ người ta,” bởi vì Ngài là tất cả tình yêu và tất cả lòng thương xót.
Đàn chiên của Chúa luôn luôn tiến bước.  Nó không chiếm hữu Chúa.  Nó không thể nuôi ảo tưởng nhốt Ngài trong các lược đồ và chiến thuật của con người.  Người mục tử ra đi để tìm thất con chiên bị lạc ở bất cứ nơi dâu.  Như vậy người mục tử là chủ thể của hành động.  Ngài muốn đến gặp gỡ chúng ta, chứ không phải chúng ta yêu sách muốn tìm thất Ngài.  Không có cách nào khác có thể quy tụ đàn chiên nếu không theo con đường do lòng thương xót của người mục tử vạch ra. 
Trong khi người mục tử tìm con chiên lạc, người mục tử mời gọi chín mươi chín con khác đến tham dự vào viẹc tái hiệp nhất đàn chiên.  Khi đó không chỉ con chiên lạc được mang trên vai, mà tất cả sẽ theo mục tử trở về nhà để chung vui với các bạn bè và hàng xóm láng giềng.
Chúng ta phải năng suy tư dụ ngôn này, bởi vì trong cộng đoàn Kitô luôn luôn có ai đó thiếu và đã ra đi bỏ chỗ mình trống.  Đôi khi điều này khiến nản lòng, và khiến cho chúng ta tin rằng một sự mất mát là điều không thể tránh được, một tật bệnh không có thuốc chữa.  Và khi đó chúng ta có nguy cơ khép kín mình trong chuồng chiên, nơi sẽ không có mùi của chiên, nhưng mùi hôi của việc đóng kín.  Và người kitô hữu không được phép đóng kín, vì chúng ta sẽ có mùi hôi của những gì đón kín.  Không bao giờ!  Chúng ta phải ra khỏi việc đóng kín nơi chính mình, trong các cộng đoàn nhỏ, trong giáo xứ.
Chúng ta đón kín mình khi thiếu lòng hăng say truyền giáo.  Đóng kín mình khiến chúng ta không còn muốn đến gặp gỡ người khác.  Trong nhãn quan của Chúa Giêsu, không có con chiên nào bị mất vĩnh viễn, nhưng chỉ có các con chiên cần tìm về.  Chúng ta phải hiểu rõ điều này, đối với Thiên Chúa không có ai bị hư mất vĩnh viễn.  Không bao giờ!  Cho tới phút cuối cùng, Thiên Chúa vẫn tìm kiếm và cứu vớt.  Chúng ta hãy nghĩ tới anh trộm lành.  Trong Thiên Chúa không có ai bị hư mất vĩnh viễn, mà chỉ có các con chiên được tìm thấy.
Vì thế viễn tượng hoàn toàn năng động, rộng mở, khuyến khích và sáng tạo.  Nó thúc đẩy chúng ta tìm bước đi trên một con đường của tình huynh đệ.  Không có khoảng cách nào có thể giữ người mục tử ở xa và không có đàng chiên nào có thể khước từ một người anh em.  Tìm ra người anh em đã mất là một niềm vui của chúng ta trong tư cách tham dự vào sứ mạng của Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu.  Và đó cũng là niềm vui của cả đàn chiên là cộng đoàn dân Thiên Chúa!  Chúng ta tất cả đều là các con chiên được tìm lại và được quy tụ do lòng xót thương của Chúa, được mời gọi cùng Ngài thu thập thành đàn chiên. Amen.
(Bài giảng của ĐTC Phanxicô ngày 3 tháng 5 n ăm 2016)

CAO VỜI KHÔN VÍ  
(CN 24-TN-C-2013)
 

Đoạn văn mở đầu bài Tin Mừng hôm nay (CN XXIV/TN-C – Lc 15, 1-32) có nêu nhận định của đám người Pha-ri-sêu và các kinh sư về Đức Giê-su Ki-tô: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Trước đó, cũng đám kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thắc mắc như vậy và đã được Đức Giê-su trả lời thẳng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5, 31-32). Biết quá rõ về đám người này chỉ chuyên đi “nhìn người” để săm soi, xét nét, rồi kết án nọ kia; nên lần này Đức Giê-su không trả lời thẳng vào thắc mắc của họ, mà kể cho họ nghe 3 dụ ngôn liền: “Con chiên bị mất”, “Đồng bạc bị đánh mất” và “Người cha nhân hậu”. 

Dụ ngôn thứ nhất nói về con chiên lạc đàn. Đối với chiên cừu thì những con đi hai bên cạnh hoặc ở cuối đàn thường hay bị lạc bầy, lạc đàn. Lý do chiên bị lạc thường chỉ vì đồng cỏ phía trước mặt đã bị những con chiên đi trước ăn trụi, chỉ còn ở hai bên mới có cỏ, vì thế nên mải mê với những bãi cỏ non xanh, quên mất hoặc không nghe được tiếng chủ chăn, lạc xa bầy đàn. Chủ chăn với tấm lòng nhân hậu, thương đàn chiên như con cái, khi kiểm diện nếu thấy có chiên bị lạc, thì dù chỉ có một con trong tổng số cả trăm con, chắc chắn sẽ bằng mọi cách tìm lại con chiên lạc ấy. Và khi tìm được, sẽ vác nó trên vai đem về với sự vui mừng hân hoan khôn tả và mời mọi người đến "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. Dụ ngôn kết bằng Lời Đức Giê-su: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15, 4-7). 

Đến dụ ngôn thứ hai nói về người phụ nữ có 10 đồng quan, đánh mất một đồng, liền thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm, và khi tìm được thì mời hàng xóm láng giềng lại để "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất” (Lc 15, 8-10). Thực tế, có thể không có trường hợp tương tự như người phụ nữ trong dụ ngôn. Mất có một đồng quan, tiếc của, tìm cho kỳ được thì có thể; nhưng mời xóm giềng lại chung vui thì hơi quá! Tuy nhiên phải hiểu đây là một dụ ngôn, mà đã nói đến dụ ngôn (ví ngầm) là muốn nói đến cái ngụ ý ẩn trong câu chuyện kể hiện thực. Cụ thể hơn, đó là cách dùng con vật (chiên, cừu), hoặc vật chất (đồ dùng, tiền bạc) để nói về con người. Ca dao hay truyện cổ Việt Nam cũng không thiếu những ngụ ngôn dùng cách này. Đức Ki-tô đã kết lụân dụ ngôn này rất rõ ràng: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối." 

Cuối cùng, dụ ngôn thứ ba (Lc 15, 11-32) kể lại chuỵên một người có hai đứa con trai. Khi được chia gia tài thì người con thứ hai đã chứng tỏ mình là một “phá gia chi tử” (người con phá nhà) bằng cách “thu góp tất cả (phần tài sản được chia) rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”. Khi đã nhẵn túi, anh ta mới “Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không” (Nguyễn Gia Thiều), đến cám heo cũng không có mà ăn, liền hồi tâm và “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chay ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.” (Lc 15, 20-21). Chính nhờ vậy mà anh được người cha vui mừng đón tiếp rất nồng hậu ("Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”). 

 Một đứa con hoang đàng tội lỗi biết ăn năn hối cải trở về với gia đình hoặc một con chiên lạc mất mà tìm lại được, mở tịêc mời bà con lối xóm đến chung vui thì còn có thể hiểu được, nhưng đến như mất một đồng quan mà tìm lại được cũng mời hàng xóm tới chung vui thì… kỳ quá! Thực tế có thể không có chuyện đó, nhưng đây là một dụ ngôn nên những hành động biểu hiện bên ngoài chỉ là một cách diễn tả ngụ ý bên trong. Và ẩn ý trong cả ba dụ ngôn đó chính là: “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15, 10). Con chiên hay đồng bạc chỉ là một hình ảnh ẩn dụ về một người lầm lạc, sa vòng tội lỗi (như người con hoang đàng). Và mục đích chính của dụ ngôn nhắm tới chính là biểu hiện tấm lòng bao dung độ lượng đầy tính nhân đạo của chủ đàn chiên, người chủ đồng tiền hay người cha nhân hậu của đứa con hoang đàng. 

Như vậy là đã rõ: con chiên lạc, đồng tiền bị mất hay đứa con hoang đàng cũng chỉ là hình ảnh phản ánh trong muôn một bản tính con người trần thế. Kể từ khi Nguyên tổ loài người sa vòng tội lỗi, bị tội lỗi thống trị, đã kéo theo hệ luỵ cho con cháu đến muôn đời muôn kiếp, để tội lỗi trở nên như một bản tính cố hữu. Nói đến tội lỗi là nói đến bản chất con người. Là con người thì không ai là không có những thiếu sót, lỗi lầm, “nhân vô thập toàn” là điều hiển nhiên. Vấn đề đặt ra là bản thân có nhìn ra được những sai lầm tội lỗi hay không, và khi đã nhận ra những thiếu sót lầm lỗi, thì có biết ăn năn hối cải hay không. 

Đối với chủ con chiên bị lạc, chủ đồng tiền bị mất hay người cha của đứa con hoang đàng, thì luôn luôn và mãi mãi vẫn rất vui mừng khi tìm lại được con chiên, tìm thấy đồng bạc hoặc đứa con biết ăn năn sám hối trở về. Người chủ, người cha ấy đối với những cảnh “đã lạc, đã mất nay lại tim thấy, đã chết nay lại sống” luôn tỏ ra bao dung độ lượng với tấm lòng nhân hậu vô bờ bến. Đó chỉ có thể là Thiên Chúa với Tình Yêu vô lương dành cho con người. Một minh hoạ sống động cho cảnh “người con đã chết nay lại sống”, là chính tác giả bài đọc 2 trong Thánh lễ CN hôm nay: Thánh Phao-lô với biến cố Đa-mat (Cv 9, 1-19). 

Thánh Phao-lô trong Thư gửi tín hũu Ti-mô-thê đã bày tỏ rõ ràng sự vui mừng mà Đức Giê-su Thiên Chúa ban cho ngài. Thánh nhân chân thành cảm tạ Thiên Chúa, vì ngài đã được đón nhận cách lạ lùng lòng thương xót của Chúa. Nếu Thiên Chúa không thương xót thánh nhân, thì Phao-lô suốt đời chỉ là Sao-lô, một biệt phái rất thông thái nhưng đã tiêm nhiễm giáo lý sai lạc của Do-thái giáo, sống với não trạng và thái độ kỳ thị, chỉ có mình và “phe ta” là đáng được hưởng ân huệ của Thiên Chúa, còn những kẻ khác (thuộc nhóm “theo Ki-tô”) thì không xứng đáng và cần diệt đi. Sao-lô đã là một con chiên không những lạc bầy mà còn a dua theo sói dữ quay lại mưu toan hãm hại chủ chiên và cả đàn chiên (lùng bắt Ki-tô, sát hại những người theo Ki-tô). 

Rõ ràng não trạng tôn giáo của biệt phái, của Sao-lô đã sai lầm về Chúa, sinh ra sai lỗi về đồng bào, kỳ thị người khác và hết coi họ là anh em. Lòng Thương xót của Chúa không vì thế mà bị suy giảm, trái lại càng tăng trưởng mãnh liệt, vì “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Và với biến cố Đa-mát, Đức Giê-su Thiên Chúa đã làm cho một kẻ đã chết là Sao-lô được sống lại thành Phao-lô Tông đồ kiệt xuất. Thánh nhân khẳng định chắc nịch: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.” (1Tm 1, 15-16). 

Người Ki-tô hữu hôm nay rất cần thiết nhìn lại mình xem có phải mình cũng cách nào đó giống Sao-lô hoặc những biệt phái, Pha-ri-sêu… với cái não trạng hẹp hòi ích kỷ, chỉ biết “săm soi người” mà không biết “xét tật mình”. Từ đó, sám hối để trở về cùng Người Cha Nhân Lành, cũng tức là thể hiện tinh thần hoà giải với Thiên Chúa và với anh em. Muốn đạt được hiệu quả tốt thì phải biết đổi mới tận gốc rễ con người của minh, mà muốn đổi mới thì phải biết nhìn lại mình để thấy được những sai lầm tội lỗi và quyết tâm thống hối. Hãy cầu nguỵên xin cho được cùng chết đi với Đức Ki-tô để được cùng sống lại với Người. Hãy cùng với Thánh Phao-lô dâng lời tôn vinh: “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.” (1Tm 1, 17). 

Ôi! Lạy Chúa! “Cao vời khôn ví, tình yêu của Chúa cao vời khôn ví, tình yêu của Người, con lấy gì, Chúa ơi, đền đáp cho cân, Chúa ơi, con lấy gì đền đáp cho cân (là đền đáp cho cân). TK: Thương con thủa rất xa vời (là vời), từ khi chưa chưa có (í-a) mặt trời, (trăng) mặt trăng. Khi chưa tạo tác (í-a) gian trần, người luôn ấp ủ (í-a) một niềm, một niềm son sắt son.” (TCCĐ “Cao vời khôn ví”). Ôi! Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con. Amen. 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

Người con cả là chúng ta.
Chúa Nhật 24-C-2013 :



Bài Tin Mừng dài hôm nay kể luôn 3 dụ ngôn “mất và tìm lại được” độc quyền của Luca. Chỉ xét về con số mà thôi, thì 3 dụ ngôn : chiên lạc, đồng tiền, người con hoang, có một bước lùi dần dần về sở hữu : có 100 mất 1; có 10 mất 1; và có 2 mất 1… , nhưng cái tỉ lệ mất nhân lên : 1%, 10% và 50%… Nếu mất 1% , 10% tìm lại được thì mừng rỡ, thì dụ ngôn người con hoang đàng, có hai mất một, tức mất 50% khi tìm lại được, niềm vui phải lớn biết bao, nếu như không có bóng dáng người con cả.

Đã nhiều lần chúng ta nghe về người con hoang đàng, về người cha nhân từ. Hôm nay chúng ta để mắt tới người con cả trong dụ ngôn nổi tiếng của Chúa Giêsu mà chỉ mình thánh Luca ghi lại, với hai câu hỏi : (1) Tại sao ta lại để mắt tới người con cả ; và (2) Làm sao để ta thoát khỏi thái độ như người con cả.

1. Tại sao lại để mắt tới người con cả ?

Vì mỗi người chúng ta có dáng dấp giống anh ta. Anh ta đi làm về, nghe trong nhà đàn ca múa hát. Anh khoát tay dò hỏi một đứa ở, nó cho biết cha của anh đang bày tiệc mừng đứa con đi hoang mới về. Anh nổi giận, không thèm vào nhà. Người cha phải ra tận nơi để dỗ dành anh ta. Anh phân phô hơn thiệt –rất có lý khiến người cha đứng nghe từ đầu đến cuối (khác người con thứ không cho nó nói hết câu)- : “Đã bao năm, con ở với cha, chẳng trái lệnh cha điều nào. Thế mà có bao giờ cha thí cho con một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn đâu ? Vậy mà khi cái thằng con của cha kia đã ngốn hết gia tài của cha cùng với gái làng chơi, thì nay trở về cha lại làm thịt bò tơ béo tốt để ăn mừng nó !”

Lập luận lý lẽ của người con cả này không xa lạ gì với chúng ta lắm đâu –nếu một ngày nào chúng ta nhận ra rằng Chúa cũng cứu, cũng cho vào thiên quốc những người chưa theo đạo, hoặc những người theo đạo mà chẳng lễ lạy gì, hay tệ hơn nữa, như lời Chúa nói : “Tôi nói thật cho các ông : những người thu thuế tội lỗi đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông”.

Chúng ta, những người đạo gốc, đi lễ hàng ngày, hoặc ít ra cũng giữ lễ Chúa Nhật, giữ trọn 10 điều luật của Chúa, chịu thương chịu khó dậy sớm đến nhà thờ, tối thì đọc kinh, theo Chúa trọn đạo, vậy mà Chúa thình thoảng cũng cư xử dửng dưng, thử thách này nọ ; còn một số kẻ khác ăn no ngủ kỹ, hoặc 10 điều răn thì lỗi cả chục, tự do phóng túng…, ấy vậy mà cuối cùng Chúa lại cư xử với họ thật nồng hậu. Cái ấm ức làm sao không có được. (Ở đây ta không nói họ phải có điều kiện như thế nào thì Chúa mới đoái thương, nhưng mình nghĩ cho dù họ hội đủ điều kiện, thì cùng lắm tha thứ, cho qua là xong, chứ đây lại là tiếp đãi linh đình ra như thể khuyến khích đi hoang !)

Hoạ sĩ thiên tài Rembrandt đã hiểu thật hay ý hướng sâu sắc của bài dụ ngôn này, nên vẽ bức tranh như sau : Người con thứ ở trong bóng tối, đang quì, quay lưng với khán giả, khuôn mặt vùi giấu trong lòng người cha. Còn người cha là một cụ già đáng kính và toả sáng tuy cặp mắt đã loà vì khóc nhiều. Hai bàn tay run rẩy vẫn đặt tì trên vai chàng trai như để giữ anh ta lại. Một nhân vật khác –con cả– đứng đó, nhìn nghiêng một bên, hay nhắm một mắt –tất cả thái độ của anh ta toát ra sự khinh bỉ, và hai bàn tay co quắp như diễn tả sự nhờm tởm của toàn thân trước cảnh cha già bạc nhược ! Còn từ trong bóng tối, Rembrandt vẽ hai người đầy tớ, những nhân vật phụ nhưng dáng vẻ láu cá như đang cố rình xem chuyện gì sẽ xảy ra giữa cha con nhà họ. Đó, thái độ của chúng ta, không phải tất cả, nhưng hầu như phần đông, trong đó có tôi, đều dễ có thái độ như người con cả : khó chịu, tức tối khi Chúa đối xử nhân từ với những người xem ra tội lỗi.

2. Làm thế nào để ta tránh khỏi ý nghĩ và thái độ như người con cả này ?

Ngoài câu trả lời căn bản là đừng ganh tị với lòng nhân lành của Chúa, -như câu ông chủ trả lời trong dụ ngôn những người thợ làm vườn nho, sau một ngày công, ai nấy đều được một đồng, khiến người làm từ sáng sớm ghen tức với kẻ chỉ làm được mỗi một giờ ! Người chủ nói : hay là anh ghen tị với tôi vì tôi xử nhân từ với họ- Ngoài lời khuyên đừng ghen tị, ta có thể nương theo mẩu thoại của hai cha con trong dụ ngôn này : người con cả nói : “Thằng con của cha” (ra điều như chẳng liên hệ gì đến mình). Đáp lại , người cha nói : “Đứa em của con” (ừ, thì dẫu sao nó cũng là em của con) khác với chỉ là “đứa con của cha.”

Làm anh (làm chị) thì phải quảng đại. Có đại ca, đại huynh nào mà không rộng lượng với đàn em không ? Vậy thì trong mức độ nào đó, chúng ta, những người đạo gốc là đàn anh trong đức tin đối với người khác. Hoặc nếu cùng một đức tin, thì ta cũng là đàn anh trong sự trung tín vì ta không đi hoang, ở nhà với cha. Hãy coi họ như là em (đứa em của con) để dễ có quảng đại mừng vui vì đàn em trở về.

Truyện 1001 đêm của Ba Tư có kể lại câu chuyện này : Có hai anh em nhà kia bắt trói được thủ phạm giết chết người cha của mình. Ra toà, thủ phạm thú nhận tội lỗi, nên luật mắt đền mắt, mạng đền mạng được áp dụng. Nhưng trước khi xử, hắn ta xin ân huệ cuối cùng là được trở về nhà trong 3 ngày để giải quyết một vấn đề liên hệ tới người cháu đã được giao phó cho hắn chăm sóc từ nhỏ. Hắn hứa sau 3 ngày sẽ trở lại để chịu tử hình. Quan toà và dân xem chừng không tin… thì giữa đám đông có một bàn tay giơ lên : Tôi xin bảo đảm lời cam kết của tử tội, nếu 3 ngày sau hắn không trở lại thì cứ xử tử tôi thay hắn ! Tên tử tội được tự do 3 ngày để giải quyết việc gia đình. Hết hạn 3 ngày, y… trở lại để chịu tử hình. Trước khi bị hành quyết, y nói lớn : “Tôi đã giải quyết xong việc riêng, giờ đây tôi trở lại chịu tội, tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi, để người ta không nói được rằng chữ trung tín không còn trên mặt đất này nữa. Sau lời phát biểu của tử tội, người đàn ông bảo lãnh cũng đứng ra tuyên bố : Tôi đứng ra bảo lãnh vì tôi không muốn người ta nói rằng lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa. Nghe hai lời tuyên bố trên, cả đám đông thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi thể hiện những gì là cao quí trong lòng người. Bỗng từ giữa đám đông, hai người con trai của người cha đã bị giết tiến ra thưa với quan toà : Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta không còn nói được rằng : lòng khoan dung tha thứ không còn có trên mặt đất này nữa.

Toàn câu chuyện không liên hệ gì lắm tới bài Tin Mừng, nhưng 3 lời tuyên bố của 3 người trong câu chuyện lại gắn chặt với điều chúng ta rút ra từ Tin Mừng. Người con cả (là chúng ta đây) đã có ít ra được chữ tín (vì ở mãi với cha) nay nếu thêm lòng quảng đại nữa, thì sẽ dễ dàng vui mừng đón nhận sự khoan dung tha thứ của Người Cha đối với đứa em.

Xin Chúa giúp chúng ta giàu lòng quảng đại để vững tin vào một Thiên Chúa không những toàn năng, mà là nhân từ nữa mà kinh Tin Kính chúng ta sắp tuyên xưng : một Thiên Chúa là CHA toàn năng, tuy không nói “nhân từ,” nhưng chữ CHA đã bao gồm lòng nhân từ đó, mà suốt cả chiều dài kinh Tin Kính chúng ta tiếp tục tuyên xưng lòng trung tín, sự quảng đại, lòng nhân từ của Người Cha đó.

An-phong Nguyễn Công Minh, ofm

 

KHOAN DUNG
(CN 24 TN-C)

Bạn thân mến,
Có bao giờ bạn bị lạc mất một món đồ mà phải vất vả đi tìm không?  Lúc chưa kiếm được thì tâm trạng bạn ra sao?  Có bồn chồn nóng nảy, bực mình cay cú không?  Còn khi tìm được rồi thì bạn cảm thấy thế nào nhỉ?  Có thấy vui và nhẹ nhõm không? 

Tuần trước tôi để cái thẻ nhớ của máy chụp hình trong chiếc áo khoác ngoài mà quên bẵng đi.  Rồi cứ loay hoay cả buổi đi tìm.  Moi móc từng góc cạnh của căn phòng nhỏ để tìm cho bằng được.  Tìm mãi không ra, cứ ngỡ rằng đã mất, mãi cho đến khi tình cờ đem quần áo đi giặt, lục túi áo mới bắt gặp nó.  Tôi thở phào nhẹ nhõm!

Mất cái thẻ nhớ của máy hình thì tôi có thể mua mấy cái khác thay thế.  Nhưng tôi quyết tâm kiếm cho được vì trong đó có chứa một vài tấm hình phong cảnh tôi chụp ở VN.  Những tấm hình đó có đầy ở trên internet, có khi còn đẹp hơn là hình tôi chụp nữa.  Nhưng đây là những tấm hình quan trọng, có giá trị với tôi nên tôi đã vất vả đi tìm. 

Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói lên một tâm tình tương tự như thế.  Ba dụ ngôn của Tin Mừng Luca chương 15 nói về con chiên lạc, đồng bạc bị mất, và người con đi hoang.  Cả ba dụ ngôn đều nói lên trọn vẹn tâm tình của một Thiên Chúa yêu thương và nhẫn nại.  Cả ba đều diễn tả niềm vui khi tìm được cái đã mất.  Cả ba dụ ngôn đều nhấn mạnh vào hai cụm từ được lập đi lập lại: “mất” (Hy lạp: apollymi) và “tìm đuợc” (heuriskô) và sự  vui mừng khi tìm thấy điều đã thất lạc.

Này nhé, trong dụ ngôn con chiên lạc, ta nghe thấy: "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?  Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.  Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó!’”

Cũng tương tự như thế trong dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất, ta lại nghe: "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất."

Và trong dụ ngôn người cha và hai đứa con, ta cũng nghe: "Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.  Và họ bắt đầu ăn mừng...  Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

Trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, điểm nhấn là hai dụ ngôn đầu chứ không phải là dụ ngôn thứ ba vốn đã được đọc trong Chúa nhật thứ IV Mùa Chay năm nay.  Ở đây nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa cho từng cá nhân.  Lòng khoan dung của Thiên Chúa, chứ không phải thái độ ăn năn thống hối của tội nhân, là đề tài Hội Thánh mời chúng ta cùng suy tư. 

Con chiên, đồng bạc và người con thứ bị thất lạc trong những hoàn cảnh khác nhau.  Con chiên đi lạc vì nó không định hướng được với đàn.  Có thể vì nó u mê đi lạc, có thể vì nó ham ăn quên cả đường về, hay có thể vì nó vấp ngã đâu đó, bị cả đàn bỏ lại đằng sau.  Còn đồng bạc không tự mình đi, nhưng có thể nó bị mất vì rơi rớt đâu đó.  Có khi nó bị lẫn lộn trong hàng trăm thứ vật dụng cỏn con.  Nhưng đồng bạc lại không thể kêu lên như con chiên để người chủ đi kiếm.  Nó phải an phận trong bóng tối cho đến khi ai đó tìm thấy được.  Còn người con thứ thì có đủ tự do chọn lựa, nhưng anh ta đã chọn lầm và đã phải trả một giá đắt cho sự sai lầm của mình.  Thông thường chúng ta nghĩ rằng anh ta ra đi vì ham chơi đua đòi, muốn độc lập, hoặc bất mãn với cha mình.  Nhưng biết đâu đó là vì hoàn cảnh mà anh ta phải ra đi.  Có thể vì cuộc sống ở gia đình quá ngột ngạt buồn tẻ, có khi vì người anh ganh tị chèn ép.  Dù sao anh ta cũng đã bỏ nhà ra đi, và đối với gia đình làng xóm, anh ta đã thất lạc. 

Dù đến từ nguyên nhân nào, sự thất lạc cũng đều gây cho người bị mất mát một nỗi xót xa nuối tiếc.  Một con chiên, có thể là một con chiên nhỏ trong đàn, có đáng giá là bao mà người chăn phải vất vả đi tìm cho kỳ được?  Một đồng bạc, chỉ là một đồng trong chuỗi tiền dùng làm đồ trang sức, có giá trị thế nào để người đàn bà phải đốt đèn quét nhà tìm cho kỳ được?  Phải chăng hai dụ ngôn này cho thấy hình ảnh của mỗi người chúng ta trong ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa? 

Từ cấp số 100 đến cấp số 10, Thiên Chúa luôn quan tâm đến từng cá nhân và quý trọng từng người một, như họ là những người duy nhất.  Không phải bởi vì 99 con chiên không lạc mà Ngài bỏ qua một con nhỏ nhoi.  Không phải vì 9 đồng bạc còn đó mà Ngài bỏ mặc một đồng bị rơi vào xó xỉnh nào đó.  Càng tha thiết gắn bó với của bị mất bao nhiêu, thì càng thôi thúc kiếm tìm bấy nhiêu.  Càng quý trọng vật bị mất bao nhiêu, thì càng làm cho nỗi vui mừng thêm chất ngất khi tìm gặp lại bấy nhiêu. 

Đó cũng là tâm tình của người cha.  Ông vui mừng khôn tả khi thấy bóng con thất thểu từ đằng xa.  Ông quên hết những ưu phiền sầu muộn, những sỉ nhục dằn vặt mà đứa con thứ đã để lại cho ông khi nó đòi chia của rồi ra đi.  Ông quên hết tất cả.  Ông tha thứ tất cả.  Bây giờ chỉ còn lại trong ông là nỗi vui mừng hoan hỉ vì “con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.”  Niềm hân hoan sung sướng là tiếng cười dòn dã, là lời khoe báo tin vui cho mọi người.

Thiên Chúa của chúng ta là thế đó.  Như lời thánh vịnh mô tả “Ngài chậm giận và chan chứa tình thương.  Ngài không xử với ta như ta đáng tội.  Và không trả cho ta theo giá của ta” (TV 103).   

Như người chăn chiên tìm lại được con chiên bị lạc, như người phụ nữ kiếm được đồng bạc bị mất, như người cha mở tiệc, giết bê béo ăn mừng, Thiên Chúa hân hoan vui mừng khi một người con của Ngài ăn năn trở về hơn là bao người lành thánh.  Và Ngài mong ước chúng ta chia sẻ niềm vui này với nhau.  Trong dụ ngôn thứ ba người cha kiên nhẫn mời người anh cả bước vào bàn tiệc để cùng chung vui với cha, với em.

Ba dụ ngôn của Tin Mừng Luca chương 15 là câu trả lời của Đức Yêsu cho những lời phàn nàn và ganh tị của người Biệt Phái.  Nhưng đó cũng là những lời cảnh tỉnh cho chúng ta hôm nay.  Thông thường mỗi khi phạm tội, chúng ta có khuynh hướng khoan hồng nhân nhượng với chính mình, nhưng lại ít khoan dung với kẻ khác.  Qua ba dụ ngôn này Đức Yêsu nhắc nhở chúng ta về lòng thương xót vô lượng của Thiên Chúa, cho chúng ta và ngay cả cho những người chúng ta không chấp nhận trong cuộc sống của mình - những người mà chúng ta coi là con chiên lạc hay người con hoang đàng.

Trong cuộc sống chúng ta hôm nay có biết bao người sa đọa, lầm đường lạc lối.  Như người con thứ, họ cũng đã phải trả một giá khá đắt cho những sai lầm của họ.  Nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận họ trở về?  Liệu chúng ta có là những chướng ngại vật ngăn cản họ đến với Chúa Cha?  Liệu thái độ xét đoán và óc phê bình của chúng ta có làm họ chùn bước để trở về với Thiên Chúa qua Hội Thánh?  Liệu chúng ta có tập mở rộng lòng thương xót, đồng cảm để đón nhận họ như người anh chị em cùng một Cha trên trời?

Lòng quảng đại và khoan dung của chúng ta là thước đo mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa.  Chúng ta cần tập lòng khoan dung để có thể đón nhận người anh chị em lầm đường lạc lối với lòng thương xót, như lòng từ bi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.  Và như thế, chúng ta tiếp tay với Thiên Chúa để chia sẻ sự tha thứ và hoà giải trong thế giới hôm nay. 

Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng khoan dung với anh em con như Chúa đã khoan dung nhân hậu với con

Antôn Bảo Lộc

Mọi sự của Cha đều là của con
CN 24 TN-C (Lc 15, 32)

        Bài Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay cho con nhận ra được lòng thương xót của Chúa với con người thật là cao cả.” Để cứu rỗi chúng con, Người đã từ trời xuống thế” ( Kinh Tin kính ), và còn hơn thế nữa, những người tội lỗi lại là những người đựoc Chúa thương một các đăc biệt. Không vì tán đồng những hành vi của họ, nhưng là thương xót, không muốn để họ phải hư mất. Người đã đến với họ, cùng ăn chung một bàn, cùng ngồi chung một chiếu. Sẵn sàng lắng nghe họ, tìm hiểu họ, với mục đích chỉ ra cho họ con đường  thóat khỏi xiềng xích của ác thần, dẫn dắt họ trở về với tình thương yêu, trở về với Cha để đón nhận đựoc tình thương của Ngài. Tuy nhiên việc Chúa làm lại bị những kẻ giả hình phê phán : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng “. 

    Đức Giêsu đã mô tả việc một người tội lỗi trở về là một niềm vui, cho họ được cơ hội đón nhận tình yêu thương của Chúa, qua đó nói lên sứ mạng của Người khi đến trần gian. Như người chăn chiên đau đáu trong lòng khi có một con chiên trong đàn bị thất lạc, bằng bất cứ giá nào ông sẽ đi tìm về , thậm chí dám rời bỏ cả đòan 99 con,  để đi tìm lại một con. Chúa cũng nêu hình ảnh một người phụ nữ tiếc xót thế nào khi đánh mất một đồng quan trong nhà. Bà không  quản ngại tìm cho được, dù phải thắp đèn, moi móc, quýet dọn  để tìm cho ra. Và khi tìm thấy thì vui mừng vô kể, mời xóm giềng đến chia vui . Và còn hơn thế nữa, chuyện người cha nhân hậu  càng làm cho con nhận ra được Chúa yêu thương con người xiết bao. 

   Người Cha trong tin mừng chính là Thiên Chúa, đấng luôn ngóng trông con mình tội lỗi trở về đã củng cố cho con niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Hành động người con hoang đàng trở về là một mẫu gương cho con trong đời  sống. Con cũng bao lần bỏ nhà ra đi, cũng bao lần đựoc Cha chia gia tài là ơn Chúa, là khả năng, là phúc lộc. . . vậy mà con vẫn bỏ đi, phung phá, sa vào mọi  điều xấu. Đã nhiều lúc lâm vào tình trạng kiệt quệ, thay vì trở về với cha, con lại tìm đến cầu cứu nơi các thế lực đen tối khác, để mong thóat ra khỏi cơn nguy nan. Con không nhận ra Chúa vẫn dang tay gọi mời . 

        Lạy Chúa, 

       Xin cho con khi nhận biết tình Chúa yêu con, con dám can đảm đứng lên, rời bỏ quá khứ tội lỗi  để trở về với Chúa, Đấng là Cha hết mọi người. Con biết rằng thân phận con thì mỏng dòn yếu đuối. Con biết được, khi trở về ở nhà rồi, được mấy ngày, lại tìm cách kiếm ít tiền của rồi trốn đi, ăn chơi, sa ngã. Tái đi tái lại bao lần. Sợ Cha rầy la, không chấp nhận, nên con ngã lòng đến nỗi bỏ đi thật xa. Tư tưởng ấy tồn tại trong con, cho thấy lòng tin của con vào tình thương của Chúa còn non yếu. Xin Chúa giúp con, xin Người ban thêm đức tin cho con. 

      Xin cho con biết nhìn nhận mình yếu đuối, phải cây dựa vào Lòng Chúa xót thương, biết thưa lên như người con thứ trong Tin Mừng : “Cha ơi! Nay con đã về, về đây cùng ở với Cha. Bao nhiêu tháng năm hoang đàng, một lần ghi dấu ăn năn. Con xin làm người tôi hầu, về đây bên Cha dấu yêu. Rồi đây những khi ưu sầu, con được tình Cha xót thương nhiều ” . AMEN.  

         Fx Đỗ Công Minh.  

 

 

CHÚA NHẬT 24 C

Tinh thần Chúa: cứu kẻ có tội cho nước Trời

Lc 15,1-7

15,1  Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Chúa mà nghe Người giảng. 

15,2  Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm, "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng". 

(Những người thu thuế và tội lỗi bị người Do thái khinh thường, nhưng Chúa Giêsu đón nhận và dạy dỗ họ để cứu rỗi họ cho Nước Trời.

(Người Pharisêu và kinh sư "lẩm bẩm, chê trách Chúa? Vì họ coi như Chúa là đạo sĩ Dothái mà không giữ luật. Chúa nói truyện, tiếp xúc,  ăn uống với những kẻ mà người Dothái đạo đức gọi là “phường tội lỗi”, là "Dân của đất".

Ngược lại, Đạo sĩ Dothái quyết giữ những điều này:

1/ Xếp tất cả những ai không tuân giữ luật pháp vào chung một hạng, gọi những người “dân của đất”. 

2/ Dứt khoát không liên lạc, giao tiếp, gả con gái làm vợ,  trao tiền, lấy chứng cớ, nói điều gì bí mật, cho coi trẻ  mồ côi, cho giữ của bố thí, đi đường, mời dùng bữa, nhận lời mời của họ, mua bán gì với họ...

Chúng ta sẽ hiểu những dụ ngôn này đầy đủ hơn, nếu chúng ta nhớ rằng người Dothái ngoan đạo không nói, “Cả thiên đàng mừng vui vì một tội nhân ăn năn hối cải”, nhưng họ nói,”Cả thiên đàng mừng vui vì một tội nhân bị hủy diệt trước mặt Thiên Chúa “. Họ hướng đôi mắt độc ác chờ xem sự hủy diệt tội nhân, chứ không mong chờ tội nhân được cứu thoát. (Tin mừng Chúa nhật năm C trang 195-196)

15,3   Chúa kể cho họ dụ ngôn này: 1/  Dụ ngôn con chiên lạc mất

15,4   "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho được con chiên bị mất?

(Đồng hoang là nơi người Palestin thường thả chiên ăn cỏ) 

 15,5  Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 

 15,6  Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói, "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó".

15,7  Vậy, tôi nói cho các ông hay, trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

(Trời ám chỉ Thiên đàng).

---

*Tìm hiểu và Suy gẫm:  Con chiên lạc được tìm thấy, một người tội lỗi ăn năn sám hối...

1- Người Dothái mừng rỡ vì con chiên lạc được tìm thấy:

Thời xưa, chăn chiên là nghề chính của người Dothái cũng như làm ruộng là nghề chính của người Việtnam.

Chăn chiên là một công việc khó khăn và nguy hiểm. Khó khăn, vì người chăn chiên phải chịu trách nhiệm trực tiếp về bầy chiên. Nếu một con chiên bị mất, thì người chăn phải mang về nhà cái "dấu tích" gì đó để chứng tỏ là nó đã chết như thế nào. Nguy hiểm, vì phải đương đầu với chó sói để giữ lại nguyên vẹn bầy chiên.

Có  nhiều bầy chiên là tài sản chung thuộc một làng, và có hai hay ba người chăn. Những người chăn có bầy chiên còn đầy đủ thì có thể về nhà đúng giờ, và báo tin cho làng rằng, còn có một người chăn còn đang lặn lội trên sườn núi để tìm kiếm con chiên lạc. Cả làng sẽ chờ đợi, rồi khi thấy từ đàng xa một người chăn chiên đang vội vã trở về, trên vai vác một con chiên, cả làng sẽ cùng nhau reo vui... (Tin mừng Năm C trang 197)

2- Cả Thiên đàng mừng rỡ vì một người tội lỗi ăn năn sám hối để được cứu chuộc

Trong niềm vui sướng chan hòa, các thiên thần các thánh hiểu thế nào là sự mất mát muôn đời, nên các Ngài vui mừng khi một người ăn năn để được rỗi. -Tại sao phần rỗi quý trọng đến thế? Vì là chuyện còn, chuyện mất đời đời. Có tới 6 lí do:

1/ Chúa Cha phải sai Con Một bỏ trời xuống thế để cứu rỗi loài người. Kinh Tin kính đọc trong thánh lễ Chúa nhật, lễ Trọng có câu "vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế",

2/ Chúa ban Thánh giá qua sự chết đau đớn, nhục nhã để nên giá cứu chuộc linh hồn người ta,

3/ Chúa ban Thánh Thể của Người để nên của ăn nuôi sống muôn đời  (Ga)

4/ Chúa ban Thánh Tâm Người, năm 1678, qua nữ tu Magarita, như nguồn ơn cứu rỗi, 

5/ Chúa ban Trái Tim Mẹ Người, năm 1917, qua 3 em Fatima, như phương thế cứu rỗi linh hồn.

6/ Chúa ban Lòng Thương xót Người, năm 1934, Qua  nữ tu Faustina, người Ba lan, như phương thế cuối cùng để cứu rỗi tội nhân.

 

Đó là những lý do cả Thiên đàng mừng rỡ vì một tội nhân ăn năn trở lại như con chiên lạc được tìm thấy.

 

*Khi còn sống ở trần gian, Chúa Giêsu Kitô đã quyết chắc nịch: Thà chột mắt, cụt tay, què chân mà được vào Nước Trời còn hơn lành lặn mà sa hỏa ngục, nơi sâu bọ không hề chết, và lửa không hề tắt"(Mc 9,43-48)

*Và lần khác Chúa nói: "Được lời lãi cả thế gian mà mất Thiên đàng thì lấy chi đổi lại cho cân?(Mt 16,26).

Ngược lại, quỷ dữ tìm mọi cách ranh ma bịp bợm để dụ dỗ, cướp đoạt linh hồn người ta xuống hỏa ngục với nó càng nhiều càng tốt, nó có ý làm vô ích công cuộc cứu chuộc của Chúa. Khi xuống hỏa ngục, như nai sập bẫy, còn thoát sao được. Nó lừa được rất nhiều người bằng phương pháp "từ từ, không vội". Truyện ngụ ngôn sau đây minh chứng:

Ngày kia, Satan hỏi các quỉ con: - Làm thế nào để bắt được các linh hồn? Thằng quỉ 1 trả lời: - Tôi sẽ rỉ bên tai họ: không có Chúa, không có Chúa.

- Satan nói: Kế này không hay. Nhìn vũ trụ bao la xinh đẹp, chúng không thể nào chối không có Chúa.

Quỉ 2 góp ý: - Tôi sẽ rỉ tai họ: chết là hết, chết là hết, không có thiên đàng hỏa ngục gì ráo trọi.

Satan nói: Kế này cũng không hay. Sự đời đời đã được khắc sâu vào chính giữa trái tim của mỗi người.

 

Satan và các quỉ trầm ngâm nghĩ ngợi. Bỗng quỉ 3 già hơn, từ từ đứng dậy nói: - Tôi sẽ nhắc đi nhắc lại cho mọi người biết rằng: Có Chúa, chết chưa hết đâu, có đời đời, có thiên đàng, có hỏa ngục, hãy ăn năn trở về cùng Chúa, nhưng tôi sẽ rỉ tai họ: Vội gì!  Từ từ, còn nhiều giờ, để tính sau, cứ từ từ, không vội.

- Quỉ vương Satan đập bàn cười ha hả: - Tuyệt chiêu! Tuyệt chiêu! Theo kế hoạch này chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

3- Nghe lời Đức Mẹ dạy ở Fatima: Mẹ rất nhân từ quyền phép đã khuyên 3 phương pháp cứu độ: 1/ Ăn năn cải thiện, 2/ Lần hạt Mân côi, và 3/ Tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Ai nghe Mẹ, chắc chắn sẽ được cứu rỗi. "Có Mẹ mọi lẽ đều xuôi, quỉ ma đừng hóng thò đuôi vào rờ".

Thánh Antôninô kể truyện này: Có một người từng sống bê bối trong tội lỗi, một hôm nằm mơ thấy như mình đứng trước tòa Chúa Giêsu phán xét. Ma quỉ đóng vai cáo tội, Mẹ Maria làm trạng sư biện hộ. Quỉ dâng lên trước tòa Chúa một cuốn sổ dài ghi những tội ông ta phạm cả đời. Sổ đó đặt lên cán cân công lý đã làm trĩu nặng xuống và nhấc bổng đĩa cân bên phúc lên. Đức Mẹ tới gần, đặt một tay dịu dàng lên đĩa cân bên phúc, cán cân chĩu nặng nhấc bổng tội lên. Đức Mẹ căn cứ vào đó mà giảng cho ông hiểu rằng: ông sẽ được tha thứ, nếu ông chịu cải tạo cuộc đời, cậy tin vào Mẹ.

Sau giấc mơ đó, ông đã từ bỏ cuộc đời tội lỗi và sống một đời sống mới tốt lành và chết lành trong tay Đức Mẹ. (Thánh Anphongsô, Vinh quang Đức Mẹ tập I, trg 173)

* Tôi hỏi tôi:

1/ Tôi có Nói hay làm gì cho tôi, cho người ta xa Chúa, xa Giáo hội Công giáo không? Tôi Có cầu nguyện, hi sinh cho các linh hồn không?

2/ Xin Mẹ Maria giúp con...Con trông cậy Mẹ.

Lời nhớ: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào lời lãi gì? (Mt 16,26)

(Ca: Chúa vẫn chờ con, Bích Hiền)

Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa

Bàn tiệc Lời Chúa hôm nay thiết đãi chúng ta một bữa tiệc thiêng liêng vô cùng thịnh soạn trong bầu khí vui nhộn. Với ba dụ ngôn liên tiếp như một chuỗi giai điệu âm thanh dồn dập và đầy sức thuyết phục người nghe về mọi khía cạnh cao sâu, dài rộng của tình yêu thương hải hà, mà Thiên Chúa chí thánh luôn dành cho từng người trong chúng ta.

"Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn" (Lc 15:7). Đối với Thiên Chúa không có tình yêu tổng quát, chung chung. Mỗi linh hồn là một vũ trụ quý giá trước mắt Thiên Chúa. Sự trân trọng yêu thương Thiên Chúa dành cho từng người không thể đem sánh với một loài thọ tạo nào, hay lấy một vật gì để bù đắp sự mất mát khi một linh hồn lià xa tình thương Thiên Chúa. Mỗi linh hồn chúng ta là báu vật độc nhất vô nhị trong ánh mắt từ ái của Người. Chúng ta có can đảm tin điều này không?

Người chăn chiên đã bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm chú chiên lạc cho kỳ được. Người đàn bà vội vàng thắp đèn, quét tước, lục lọi khắp nơi cố tìm ra đồng bạc bị đánh mất. Người cha già mòn mỏi trông ngóng đứa con thứ đang phiêu bạt nơi chân trời vô định. Những hình ảnh ấy không đủ sức minh chứng rằng: Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu vô lượng từ bi đó sao? Sự đi hoang của người con thứ, sự lạc đàn của chú chiên ham vui, và sự vô ý đánh mất đồng bạc hoàn toàn không bởi lỗi của Thiên Chúa, nhưng chính là vì chúng ta lạm dụng quyền tự do để đi ngược lại đạo lý hiếu nghĩa với Trời, với người. Thế nhưng Thiên Chúa chẳng thắc mắc tại sao, hay than trách sự phũ phàng của con người. Ngài luôn đi bước trước để tìm kiếm chúng ta. Do đó, nguồn gốc của những cuộc hoán cải luôn hệ tại vào cung lòng từ ái của Thiên Chúa.

Người chăn chiên băng rừng lội suối tìm chiên lạc chẳng xá chi những vết thương do chặng đường gian khổ để lại. Người đàn bà quên nhọc để chia sẻ với bè bạn niềm vui tìm lại đồng bạc. Và tâm hồn người Cha đang mở hội khi nhận lại người con đã đi hoang. Tiếp đón không oán trách, yêu thương không điều kiện, và tin tưởng không hoài nghi là phương thuốc thần diệu mà người Cha trên trời thường dùng để chữa lành các thương tích tâm linh của nhân loại. Nép bóng bên Cha hiền, chúng ta không có quá khứ mà chỉ có những cảm nghiệm được yêu, được thứ tha, được tôn trọng và tin cậy. Sà vào lòng Cha, chúng ta ngụp lặn trong bể yêu thương để ơn an bình và niềm hạnh phúc đích thực của Thiên Chúa Ba Ngôi tác sinh chúng ta, và hướng dẫn chúng ta cách đáp trả tấm lòng nhân hậu vô ngần của Người Cha trên trời.

Lạy Chúa, mãi đến ngàn đời con cũng sẽ không đủ sức diễn cảm hết mọi chiều kích lòng thương xót của Cha hằng tuôn chảy trên cuộc đời con, nhất là những khi bước đời con sa vào màn đêm lỡ lầm, tội lỗi. Vâng, tình Cha là bầu khí quyển luôn bao bọc con, trao tặng con dưỡng khi niềm hy vọng, là những tia nắng giúp con hồi sức, là những áng mây che chở khích lệ bước chân con mau quay về nhà Cha. Nguyện đời con tận hiến trong vòng tay quan phòng của Cha, và khao khát đáp trả tình thương dung thứ Cha dành cho con bằng đời sống bác ái đối với tha nhân, quảng đại đón nhận sự hồi tâm không chút suy xét, cùng trao ban tình thương vô vị lợi chẳng chút tính toán. Hầu nhờ đó, con được bơi lội giữa đại dương tình ái của Cha và hăng say rao truyền đạo lý yêu thương ấy cho những ai con gặp gỡ. Amen.

Sr. Magdalena Oanh, MTGQN

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)