dongcong.net
 
 


CN 34 TN-C
Vua An Bình, Yêu Thương và Phục Vụ

Nói đến "vua", chúng ta lập tức liên tưởng đến một nhân vật đầy uy quyền, với trăm ngàn người hầu hạ, với cung điện nguy nga, y phục lộng lẫy, với cuộc sống vượt trên mọi người... Nhưng nếu đó là những hình ảnh và đặc điểm của bậc vua chúa, thì qủa thực, người thanh niên sinh quán tai Belem và lớn lên tại Nadarét có tên là Giêsu, nhất định không phải là vua, vì Anh xuất thân từ một gia đình nghèo, sinh ra tại một chuồng bò, sống bằng nghề thợ mộc, và sau cùng chấp nhận cái chết ô nhục, đau thương, phải chôn nhờ nơi phần mộ của người khác. Thế nhưng, trong cuộc sống của Anh thợ mộc này, có những điều làm chúng ta suy nghĩ:

- Dù Anh sinh ra tại một chuồng bò, nhưng các đạo sĩ ở Đông Phương lại nói: "Đó là Vua người Do Thái mới sinh ra, nên chúng tôi tới đây mang theo lễ vật để triều bái Ngài" (Mt 2,2).

- Khi dân chúng muốn tôn phong Anh làm vua, thì Anh lại trốn đi một nơi khác (Gio 6,15).

- Thấy Anh cỡi lừa vào Giêrusalem, dân chúng lớn tiếng tung hô Anh: "Hoan hô vua Israel" (Gio 12,13).

- Khi Anh bị dẫn đến trước tòa án, vấn đề "làm vua" lại được đặt ra. Thật vậy, khi Philatô hỏi: "Anh có phải là vua không?", Anh đã thẳng thắn và dõng dạc đáp: "Ông nói đúng..." (Mat 27,11; Lc 23,23).

- Chính lúc Anh bị đóng đinh trên thập giá, người ta lại nhìn thấy phía trên thập giá có hàng chữ "Giêsu Nadarét, Vua người Do Thái" (Gio 17,19; Mt 27,37).

- Sau cùng, trước giờ chết, khi một tử tội cùng bị đóng đinh với Anh nói với Anh: "Thưa Ngài, khi nào Ngài trở lại vương quốc của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi với", Anh hứa ngay: "Ngay hôm nay, ngươi sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta" (Lc 23,42-43).

Như vậy, Đức Kitô qủa thực là một vị vua, nhưng là một vị vua khác hẳn với các vua chúa trên trần gian; vương quốc của Ngài không thuộc về trần gian này, cũng không nằm trong những ý niệm mà người ta vẫn thường có, khi nghĩ về một vị vua chúa. Chính Ngài đã khẳng định trước mặt Philatô: "Tôi là vua... nhưng nước tôi không thuộc về trần gian này" (Gio 18,36). Tuyên bố như thế, Chúa Kitô cho chúng ta hiểu rằng: Ngài là một vị vua có những tâm tình và chủ trương khác hẳn với mọi vua chúa trần gian. Thay vì bắt người ta phục vụ mình thì Ngài hạ mình xuống, đích thân phục vu mọi người. Ngài nói: "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ mọi người" (Mc10,45). Đồng thời Ngài cũng kêu gọi con dân trong nước Ngài phải noi gương Ngài: "Anh em biết rằng, những người được coi là lãnh tụ trong các quốc gia thì cai trị dân chúng, còn anh em thì không được như thế. Ai làm lớn thì hãy trở thành đầy tớ cho anh em mình, ai muốn thành người thủ lãnh thì hãy trở thành nô lệ cho mọi người" (Mc 10,43-44). Về điểm này, đức Kitô đã đích thân làm gương khi Ngài qùy gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Thay vì mọi người phải bảo vệ mạng sống cho vua thì Ngài lại liều chết để cứu sống con dân của mình. Thay vì dùng lãnh thổ, ngôn ngữ, màu da để xác định công dân của mình thì Ngài dùng giới luật yêu thương làm nguyên tắc nhập tịch cho những ai muốn trở thành công dân trong nước của Ngài; và đây cũng là điều luật căn bản trong quốc gia của Ngài. Ngài nói: "Người ta cứ dấu này mà nhận ra anh em là môn đệ của Thày, là anh anh em thương yêu nhau" (Gio 13,35b); "Yêu thương nhau chính là giới răn mới mà Thày truyền cho anh em" (Gio 15:12, 17).

Ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta chính thức trở thành công dân trong vương quốc của Vua Giêsu. Xin cho ân sủng của bí tích giúp chúng luôn sống xứng đáng là những công dân tốt trong vưong quốc này, vương quốc của an bình, của yêu thương và phục vụ.

Lm. Bùi Mạnh Tín

 

Hoả ngục và Thiên đàng

Chúa nhật Lễ Chúa Kitô Vua - Năm C -2007

Một tu sĩ già ngôi bên gốc cây. Mắt ông nhắm lại, hai chân xếp bằng, hai tay để trên đầu gối. Ông đang chìm sâu vào sự thiền định. Thình lình một người lính Nhật đến phá tan sự chiêm ngắm của ông với thái độ châm biếm và bằng một giọng thô lỗ: "Này ông già! Hãy nói cho tôi nghe về thiên đàng và hỏa ngục!" Thoạt tiên vị tu sĩ không phản ứng gì. Sau ông từ từ mở mắt ra, mỉm cười trong khi tên lính tỏ vẻ mất kiên nhẫn. Ông đáp: "Anh bẩn thỉu. Tay chân anh đầy bụi đất, tóc rối bù, người anh hôi hám,... Anh xấu xí, trông dữ tợn và ăn mặc đáng tức cười. Anh muốn hỏi tôi về thiên đàng và hỏa ngục ư?" Người lính Nhật giận dữ, mặt đỏ gay, tuốt gươm ra, sẵn sàng chém đầu vị tu sĩ. Khi lưỡi gươm đang hạ xuống, người tu sĩ điềm nhiên nói: "Đó là hoả ngục". Lời nói xuyên thấu tận tim óc anh, anh giật mình, tỉnh ngộ, và chợt cảm thấy kính phục và yêu mến vị tu sĩ dịu dàng này, ông đã liều chết để dạy cho anh một bài học về hoả ngục. Anh bỏ gươm xuống, mắt ngấn lệ, nhìn vị tu sĩ với ánh mắt biết ơn. Vị tu sĩ lại nhẹ nhàng nói: "Đấy là thiên đàng" (Phỏng theo THE SECRETS OF HEAVEN AND HELL - Fr. John W. Groff Jr.)

Trên đồi Canve năm xưa, Chúa Giêsu cũng đã giải đáp câu hỏi của tên lính Nhật. Cả hai tên trộm đều đã phạm tội. Nhưng tên trộm dữ không biết hối lỗi, lại còn bất tín và bất kính với Thiên Chúa, anh đã không xin được cứu. Anh tự mình quyết định đi vào hoả ngục. Trong khi người trộm lành nhận lỗi mình: "Chúng ta nhận lãnh hình phạt đáng với tội mình..." và hướng lòng tin cậy vào Chúa Giêsu: "Khi về nước Ngài xin nhớ đến tôi!" Chúa Giêsu lập tức phán: "Ngay hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta!" Mỗi khi ta phạm tội ác, xúc phạm tình yêu và sự kính trọng đối với bản thân ta và người khác, và từ khước Thiên Chúa, là ta đã lạc xa thiên đàng. Mỗi khi ta hối hận, thay đổi thù thành yêu, và chạy đến với Thiên Chúa là ta đã quay về Thiên đàng.

Thiên đàng không chỉ gồm những người lành thánh suốt từ đầu đời đến khi nhắm mắt lâm chung, nhưng gồm đủ mọi hạng người. Đó là mục đích Chúa đến cứu độ trần gian, kêu gọi người tội lỗi hoán cải. Đó là sứ mạng của một Vị Vua trong tâm hồn con người. Chúa nói "Ta là vua, nhưng Nước Ta không thuộc về thế gian này... Ta đến để làm chứng cho sự thật... Ai sống trong sự thật thì nghe tiếng Ta...". "Vua Chúa trần gian cai trị con người bằng bạo lực, nhưng Thiên Chúa cai trị bằng Tình yêu, ân sũng, và sự tha thứ". Một vị Vua chấp nhận chịu đóng đinh vào thập giá vì Tình Yêu và Chân lý.

Tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa. Chúng ta đều kinh nghiệm sự yếu đuối, bất toàn, ngay cả tội lỗi, nhưng chúng ta vẫn được mời gọi vào Nước Chúa bằng việc mở lòng ra, chấp nhận chính mình, chấp nhận lẫn nhau, tha thứ và cùng nhau đi đến với Thiên Chúa, để sống với nhau thân tình trong Đại Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi, ngang qua việc đón nhận Chúa Giêsu là Vua trong tâm hồn và trong cuộc sống tại thế của mình.


Sr. Tố Nhung - NS-TTĐM

 

LỄ CHÚA LÀ VUA NĂM 2013

“…ĐỂ LÀM GIÁ CỨU CHUỘC”


Hôm nay chúng ta tuyên xưng Vương quyền của Chúa Giêsu, một Vương quyền tuyệt đối: Người là Vua Vũ Trụ; Người là Vua của mọi tâm hồn; Người là Vua cứu độ, Vua nắm vận mệnh đời đời của từng người. Lẽ ra, với quyền cao cả như thế, khuôn mặt của Vua Giêsu sẽ đầy uy quyền, sẽ rạng rỡ, sẽ đáng khiếp sợ…

Nhưng không, trong khi tuyên xưng Vương quyền cao cả của Chúa, Hội Thánh lại trình bày khuôn mặt của một vị Vua đầy đau khổ, đầy chấp nhận, dù phải chịu roi đòn, dù phải chịu khổ hình thập giá, dù phải bị giết chết, dù phải cam chịu ruồng bỏ…

Đặc biệt, ngay phần mở đầu bài Tin Mừng, trong khi bị treo trên thánh giá, xung quanh Chúa Giêsu chỉ toàn những lời nhạo báng. Những lời nhạo báng ấy, đại diện cho mọi tầng lớp, mọi thành phần của loài người.

- Trước tiên là sự cười nhạo của các thủ lãnh. “Các thủ lãnh buông lời cười nhạo: ‘Hắn cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được Chúa tuyển chọn!’ ” .

- Lính tráng, chỉ là kẻ thừa lệnh, cũng lên tiếng cười nhạo Chúa: “Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: ‘Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!’ ”.

- Kẻ trộm cướp, dù mang thân phận đầy tội lỗi, cũng không đứng ngoài cuộc: “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: ‘Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa!’ ” .

Như vậy, với bài Tin Mừng chứa đầy lời nhạo báng, Hội Thánh không nhắm trình bày khuôn mặt Vua của Chúa Giêsu theo kiểu suy nghĩ của người trần thế, nhưng trình bày Vương quyền của Đấng đã từng phán: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20.27-28).

Vì thế, nhìn vào khuôn mặt Vua của Chúa Giêsu, chúng ta không ngần ngại khẳng định: Chúa làm Vua là để phục vụ ơn cứu độ, phục vụ sự sống đời đời của loài người. Người làm Vua không phải để thống trị, không phải để thể hiện quyền bính, nhưng là “phó mạng sống làm giá cứu chuộc” loài người. Chính vì thế, trong kinh Tin Kính, chúng ta xác tín mạnh mẽ: “Vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” nhập thể làm người, chịu khổ hình, chịu đóng đinh vào thánh giá, chịu chết và sống lại…

Vậy, đứng trước Vương quyền tình yêu của Vua cao cả, chúng ta phải sống làm sao cho xứng hợp?

Trọn bài Tin Mừng, không phải chỉ bao gồm những lời nhạo báng, mà còn có lời thú tội hết sức khiêm nhường của người trộm cùng bị chết treo với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Nếu có ba lời nhạo báng của ba hạng người, thì lời cầu xin ơn tha thứ của người trộm cũng gợi lên trong ta ba tâm tình giúp ta sống, nhằm khả dĩ đáp lại phần nào tình yêu của Đức Vua. Ba tâm tình đó là:

1. Như người trộm, chúng ta hãy chân nhận Vương quyền của Chúa trên cuộc đời mình. Lời cầu nguyện: “Khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” của người trộm, cho thấy anh nhìn nhận Chúa có quyền trên mình. Bằng sự chân nhận nhận Vương quyền của Chúa, chúng ta trung thành và tận tụy từng giây phút của đời mình sống cho Chúa, vươn lên sự thánh thiện và biết thanh luyện nội tâm để luôn luôn được là người sống trong Chúa, sẵn sàng để Chúa làm chủ đời mình.

2. Như người trộm, chúng ta tin tưởng phó mình trong tay Chúa. Lời cầu xin: “Xin nhớ đến tôi” của người trộm, cho thấy anh một lòng tín thác cho Chúa. Cũng vậy, đã là người mang lấy đức tin, chúng ta hãy tin tưởng, hãy trọn vẹn tín thác cho Chúa đời mình, mọi hoàn cảnh xảy ra trong đời mình. Chúng ta không ngần ngại hiến dâng lên Chúa mọi ngày sống, mọi năng lực sống, mọi sức sống, mọi chiều kích sống trong suốt đời mình. Quyết một lòng để Chúa dẫn đưa đến bến bờ bình yên của ơn cứu độ do Chúa thực hiện.

3. Như người trộm, chúng ta chân thành nhìn nhận lỗi lầm của mình để ăn năn chừa tội. Trong lời đối đáp với người đồng bọn, người trộm khẳng khái: “Chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm”. Đó là bài học về lòng sám hối tội lỗi của chúng ta. Hãy mềm lòng để ơn hoán cải Chúa ban có thể thấm vào cuộc đời, thấm vào từng hành động, từng lời ăn tiếng nói, từng biểu hiện sống, từng mối tương quan… của chúng ta. Hãy để ơn hoán cải thấm sâu vào tâm hồn, để chúng ta luôn biết ăn năn tội thật lòng, và không ngần ngại dọn tâm hồn bằng bí tích hòa giải, bằng việc xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

November 25, 2015

QUYỀN NĂNG TỐI THƯỢNG

(CN XXXIV/TN-C – ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – VUA VŨ TRỤ)

Để diễn tả quyền năng tột đỉnh của Đức Giê-su Ki-tô, Vua Vũ Trụ, Giáo Hội đã chọn bài Tin Mừng mỗi năm Phụng vụ khai triển về một khía cạnh khác nhau. Năm A với bài Tin Mừng Mát-thêu (Mt 25, 31-46), tôn vinh Đức Vua Giê-su như một vị Thẩm phán tối cao ngự trên ngai toà vinh hiển xét xử muôn loài.  Năm B với bài Tin Mừng Gio-an (Ga 18, 33-37) dùng chính miệng Phi-la-tô tuyên xưng Đức Giê-su là Vua, nhưng là Vua của một “nước không thuộc thế gian”. Từ đó, đưa ra một cái nhìn thần học về uy quyền của Đức Giê-su là Lời Thiên Chúa nhập thể và nhập thế để làm chứng cho Sự Thật: Thiên Chúa yêu thương con người đến độ sai Con Một xuống thế chịu khổ hình và chịu chết để cứu độ nhân loại. Năm C với bài Tin Mừng Lu-ca (Lc 23, 35-43) trình thuật Vua Giê-su hiển trị từ trên thập giá. Vương quyền của Người là do việc Người tuyệt đối vâng phục Chúa Cha để tiêu diệt tội lỗi, đem lại sự sống vĩnh cửu cho loài người. 

Ngoài ra, đọc cả 4 sách Tin Mừng  sẽ thấy các môn đệ cũng như nhiều người khác đều tuyên xưng Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Vua It-ra-en. Đó là những chứng tích minh hoạ cho ngôi vị Vương Giả của Đức Giê-su. Thánh danh Giê-su có nghĩa là “Đấng Cứu Độ” (Mt 1, 21; Lc 2, 11) – Đấng Cứu Độ là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật – mà Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, vậy chẳng phải Người chính là Vua Vũ Trụ đó sao? Một cách cụ thể thì có thể khẳng định ngôi vị Vua Vũ Trụ đã được tiền định từ trước vô cùng, nên trong Cựu Ước đã tiên báo (“Con Người đang ngự giá mây trời mà đến… Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.” – Đn 7, 13-14; xc thêm Is 9, 1-6; 52, 7-10). 

Cũng đã có một số người chê đạo Công Giáo vẫn còn duy trì chế độ quân chủ (vua làm chủ) lỗi thời, vẫn sùng bái tôn thờ một vị Giáo chủ một triều đại cách đây 2000 năm gọi là Vua Giê-su, thậm chí còn coi vị Giáo chủ ấy là Vua cả vũ trụ. Cái chế độ quân chủ ấy vẫn được tiếp nối đến tận ngày nay và gọi những vị Giáo chủ là Giáo hoàng (hoàng: vua), gọi nơi làm việc của Giáo hoàng là thủ đô (Giáo đô La Mã) và gọi bộ máy hoạt động là triều đình (Giáo triều Rô-ma). Trong khi đó thế giới đã hầu như không còn chế độ quân chủ, mà hầu hết đều theo chế độ dân chủ. Cứ kể xét về mặt từ ngữ, về tên gọi, thì nhận định trên không sai. Nó cũng không khác bao nhiêu với những quan điểm nhận định đánh giá con người qua cái áo, qua bộ cánh (sang trọng hay thấp hèn) và như thế là đã quên mất cái cốt lõi của vấn đề, bởi “cái áo không làm nên thầy tu”. 

Danh hiệu vua thực chất chỉ là một cách gọi những người đứng đầu trị vì một quốc gia thời phong kiến, mà về sau được gọi bằng danh xưng khác như: tổng thống, thủ tướng, quốc trưởng, chủ tịch nước v.v… Với Đức Giê-su thì vì Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật (điều này không phải chỉ do Người tự xưng – đến nỗi đã bị nhóm Pha-ri-sêu cho là phạm thượng – mà còn được chính Thiên Chúa Cha phán bảo khi Người chịu phép rửa trên sông Gio-đan, khi Người biến hình trên núi Ta-bo, đồng thời Chúa Thánh Thần còn linh hứng, mạc khải cho các Thánh sử, các vị tiên tri, ngôn sứ nữa). 

Còn một điều mấu chốt là Đức Giê-su tuy được tôn xưng là Vua Vũ Trụ, nhưng Người không hề sống như kiểu các ông vua phong kiến hay các ông trị vì quốc gia hiện đại (hét ra lửa, mửa ra khói). Người đã hành xử vương quyền bằng cách “không ngựa xe đưa rước, không võng gấm lọng vàng, không tiền hô hậu ủng”, mà đến với những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi. Người thu nhận môn đệ nơi những giai cấp thấp cổ bé miệng (chài lưới, nông phu, lao động…), hoặc bị xã hội lên án là tội lỗi (người thu thuế). Một ông vua mà lại quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, đầy tớ của mình, rồi còn nói “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15). Và những Lời Người giảng dậy thì toàn là khuyên bảo ăn ngay ở lành, thật thà công chính, khiêm nhường bác ái, thậm chí còn dậy người ta yêu thương cả kẻ thù (Mt 5, 43-44). Người không chỉ dậy bằng Lời, mà bằng hành động, bằng việc làm, bằng chính cả sinh mạng của Người khi bị treo trên thập giá cho đến chết để đền thay tội lỗi loài người. Trước khi chết treo trên thập tự, Người còn cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ đã đóng đinh mình: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 34). Đức Vua Giê-su là như vậy đó. 

Rõ ràng Đức Giê-su Ki-tô chính là “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình” (Cl 1, 15-16). Người là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ, muôn loài; như vậy Người là chủ muôn loài, chủ vũ trụ (Vua vũ trụ) cũng là lẽ đương nhiên. Đó là xét về mặt danh nghĩa, nhưng còn mặt thực chất của vấn đề, và cũng là điều quan trong nhất, ấy là Người đã vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Không cần nói đến những phép lạ, những linh hứng, mạc khải, mà chỉ cần suy niệm vào chính cuộc đời trần thế của Người (từ cách sống, cách giảng dạy, cách chữa trị bệnh nhân, đến chính việc hy sinh cả tính mạng mình vì yêu thương loài người tội lỗi), cũng đủ để xác tín Người chính là Vua – VUA TÌNH YÊU. Và chính điều này một lần nữa khẳng định Đức Giê-su Ki-tô thật sự là Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa, Người chính là VUA VŨ TRỤ vậy. 

Ôi! Lạy Chúa! Từ xưa đến nay, chúng con vẫn luôn xưng tụng Đức Giê-su là Vua của loài người, của vũ trụ, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Tuy nhiên, hành động của chúng con, cách cư xử và đời sống của chúng con dường như lại đi ngượic với những lời chúng con tuyên xưng. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí Tình Yêu cho chúng con, để chúng con đủ can đảm sống đúng những điều chúng con tuyên xưng. Ôi! Lạy Chúa! Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng con xin tuyên xưng từ ngay trong bản thân, trong gia đình chúng con, qua chính cách sống và hành động của chúng con: Đức Giê-su Ki-tô là Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa, Người chính là Vua Vũ Trụ, Vua của mỗi người, mỗi gia đình chúng con. 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Đức Giê-su Ki-tô, Vua Vũ Trụ). 

.JM. Lam Thy ĐVD.

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV TN ( C ) ( Lc 23, 35 -43 )

 Alpha & Omega ( Kh 1, 8 ; 21, 6 ; 22, 13) 

Kinh thưa quý vị! Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng kính trọng thể và tôn thờ một Vị Vua, một Vị Vua đích thực, Người là Vua Sự Thật, Vua Tình Yêu, Vua Sự Sống. Vâng, Vị Vua ấy là” Giêsu Nzaret”, một Vị Vua mà trong bối cảnh Tin Mừng hôm nay ( Lc 23,35-43) cho chúng ta thấy về “Người Tôi Tớ của Giavê”. Có nghĩa là : Vị Vua mà chúng ta tôn thờ không phải ở trên ngai vàng, mà là ở trên một “cái ngai cao hơn ngai vàng”, vâng , cái ngai ấy chính là “Thập giá”. Thập giá là một hình phạt cao nhất dành cho tội nhân của người Dothai, nhưng Vua Giêsu đã chọn lấy, dù Người vô tội, đó là một bản án bất công nhất, vì một án phạt nặng nhất lại dành cho một “Con Người “vô tội. Nhưng đối với Vua Giêsu là một bản án “vì tình”, bởi vì Người là” Vua Tình Yêu”. 

Đoạn Tin Mừng ( Lc 23, 35-43) hôm nay là đoạn Tin Mừng diễn tả một mầu nhiệm chóp đỉnh của sự đau khổ. Mầu nhiệm ấy gọi là mầu nhiệm Thập giá, bởi vì từ cổ chí kim và mãi mãi , duy nhất trong lịch sử loài người, không có một cảnh tưởng nào hãi hùng, khinh khiếp bằng cảnh tượng Thập giá. Vì nơi đó, đã thỏa mãn cơn điên loạn, sự độc ác, sự căm thù, sự ích kỷ , sự nhỏ nhen thâm độc nhất của loài người, tất cả cũng chỉ vì muốn thỏa mãn tính người, tính ngạo mạn của satan, phủ nhận chân lý, muốn xóa mờ tình yêu của Thiên Chúa, muốn khỏa lấp Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa đối với người công chính. Vì thế, thảm cảnh Thập giá đã xảy ra, nhưng tình yêu đã chiến thắng. Vì Thiên Chúa là tình yêu. 

Lời lẽ sỉ nhục Đức Kitô, là lời lẽ thách thức Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa không theo bất cứ thế lực nào, bất cứ lời lẽ nào, vì Ngài là Thiên Chúa. Một ý nghĩa chân lý là nếu Thiên Chúa theo tư tưởng của loài người thì không có mầu nhiệm ơn Cứu Độ. Vì:“ Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của loài ngườibấy nhiêu ”.

(                 ). Nên chi, Đấng Cứu Thế Kitô phải chịu khổ hình và treo lên, vì chương trình cứu độ của Thiên Chúa chính là Thập giá Đức Kitô. Khi nhân tính biểu lộ trọn vẹn sự hữu hình trong mầu nhiệm tử nạn, đồng thời cũng là lúc Thiên Tính biểu lộ trọn vẹn quyền phép cao cả của Thiên Chúa, và giá trị siêu nhiên cùng với ơn Cứu Độ được hình thành nơi Đức Kitô- Giêsu. 

Vinh quang Thiên Chúa không dừng lại nơi Thập giá, mà là vinh quang của Thiên Chúa chính là sự Phục Sinh của Đức Kitô. Thập giá, nơi biểu lộ tình yêu, chứ không phải nơi biểu lộ quyền năng, Thập giá , nơi biểu lộ án phạt mà nhân loại phải chịu. Nhưng, kẻ có tội, thì mất quyền tha thứ, mất quyền tự do, không thể cứu người khác được. Nên chi, theo lẽ tự nhiên là thế, Thiên Chúa phải dùng lẽ tự nhiên bởi một Người vô tội, là Đấng Cứu Thế, có nghĩa là Kitô. Đấng vô tội chịu mức án của kẻ có tội, như vậy mới có giá trị “cứu” kẻ có tội. Xét theo lẽ tự nhiên, đó là sự bất công, nhưng theo lẽ siêu nhiên, thì đây là Hy Lễ Cứu Chuộc. Như vậy, Thập giá là Hy Lễ Cứu Chuộc. Mà Hy Lễ ấy được một Con Người vô tội thực hiện, thì có giá trị vô song. Nhưng mầu nhiệm Cứu Chuộc không dừng lại nơi Thập giá, mà là bước qua Thập  giá ( không phải theo nghĩa đen là “ quá khóa “), mới đến Vinh Quang của Thiên Chúa 

Đức Kitô là Vị Vua không tự tìm vinh quang cho mình, mà là “Vị Vua” tìm vinh quang cho Thiên Chúa. Nơi trần gian, con người tìm gì ? Chắn chắn là tìm vinh quang trần thế. Vinh quang trần thế chắc chắn không phải là vinh quang Nước Trời. Vì vậy, con người trần thế muốn tìm vinh quang thế trần, thì họ phải tôn thờ những thứ “vua” của trần thế. Còn thần dân của Nước Trời, thì phải tôn thờ “Vua Giêsu”, là Vua trên các Vua, Chúa của các chúa. Đó là hợp lẽ. 

Theo trần gian, người nào tài giỏi về một điều gì đó, thì người ta gọi là vua, như vua dầu lửa, vua xe ơi, vua caphê, vua bóng đá v.v.... Nhưng tất cả những vị vua đó chỉ tìm vinh quang cho họ, chứ không tìm vinh quang cho Thiên Chúa. Ai tìm vinh quang cho Thiên Chúa là thần dân trong Nước Của Vua Giêsu, Vị Vua của chân lý, tình yêu và sự thật. 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến thế gian không tìm vinh quang của trần thế, mà là đã chọn Thập giá là vinh quang cho Hy lễ Cứu Chuộc. Xin thương cho chúng con biết tôn thờ sự thật ấy, là vinh quang vĩnh cửu cho chúng con, vì Chúa là Vua mà chúng con tôn thờ ./. Amen 

24/11/2013

P.Trần Đình Phan Tiến

 

LỄ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA 

Nói đến Vua là nói đến quyền lực, sức mạnh, sự giàu sang phú quý. Nhưng với vị vua Giê-su thì điều hoàn toàn ngược lại. Sức mạnh nơi Ngài là tình yêu, quyền lực của Ngài là sự khiêm hạ, và giàu sang của Ngài là phục vụ. Giáo Hội suy tôn Ngài là Vua vũ trụ, bởi chính Ngài là khởi thủy, và cùng tận. 

Vua tình yêu 

Thiên Chúa là tình yêu. Định nghĩa của Gioan rất đơn giản nhưng chứa đựng cả một bể khơi nguồn tình yêu. Đức Giê-su đã tế hiến cuộc đời của mình cho tình yêu nhân loại. Ngài là vua của tình yêu. Vương quốc của Ngài không xây dựng trên bạo lực, bạo quyền, mà được xây dựng trên tình yêu thương. Khí giới Ngài dùng là đỉnh cao Thập Giá. Phía trên đầu Ngài là tấm bảng được ghi: “ Đây là vua người Do Thái”(Lc 23,38).

 Vua khiêm hạ

Thông thường các vị vua chúa trần gian hay kiêu căng, ác độc. Hê-rô-đê bạo chúa đã gây biết bao tội ác và đưa đến cái chết cho Gioan Tẩy Giả. Tần Thủy Hoàng với Vạn lý trường thành đã nhuộm đỏ máu xương của biết bao người. Kiêu ngạo và độc ác đã gây nên biết bao là oan khiên. Còn Đức Giê-su, vị vua không biên cương lãnh thổ, không triều đình không quân lính. Vị vua cỡi trên lưng lừa trong ngày vào thành Giê-ru-sa-lem để hoàn tất cuộc đời mình, với cái chết cô đơn trên Thập Giá, giữa những người gian phi. 

Vua phục vụ 

Ngài đến trần gian là để hầu hạ và phục vụ con người. Bao năm rao giảng Tin mừng, Đức Giê-su đã tận tụy phục vụ một cách nhưng không cho con người. Ngài rong ruổi khắp nơi, để tìm kiếm và cứu chữa con người. Những người đau ốm, những kẻ bị quỷ ám, những người đơn côi, những kẻ tội lội đều được Ngài tận tình chăm sóc cả hồn lẫn xác. Cử chỉ phục vụ của Ngài được thể hiện cô đọng lại trong đêm bị trao nộp. Ngài đã cúi xuống và rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ của một người tôi tớ phục vụ cho các ông chủ của mình. Ta đến không phải để   phục vụ mà là phục vụ muôn người: “ Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng mình là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, thì hãy nên như người phục vụ” (Lc 22, 25-26). 

Lạy Đức Vua Giê-su, xin cho chúng con là những kẻ tôi tá Ngài biết sống yêu thương, khiêm nhường và phục vụ anh chị em mình. Xin cho chúng con chỉ biết phụng sự, và tôn thờ một mình Ngài là Vua của chúng con. Amen. 

Lm Giacobe Tạ Chúc

 

Chúa Nhật 34 Thường Niên Năm C

Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua

Ðức Giêsu Làm Vua Trên Thánh Giá

(2 Samuel 5,1-3; Thư Colosê 1,12-30; Tin Mừng Luca 23,35-43)

 

Phúc Âm: Lc 23, 35-43

"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người Này Là Vua Dân Do Thái".

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua

2 Samuel 5,1-3; Thư Colosê 1,12-30; Tin Mừng Luca 23,35-43

Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua. Giáo hội muốn mừng trước lễ sẽ diễn ra và được cử hành cực kỳ long trọng vào lúc thời gian tận cùng khi mà Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang thâu hồi tất cả tạo vật được cứu độ đưa vào trong hạnh phúc trường sinh. Hơn nữa, Giáo hội muốn đặt ngày trọng đại ấy trở nên ngọn Hải đăng chói sáng hướng dẫn con thuyền Hội Thánh vượt biển trần gian mà không bao giờ lạc hướng... Nói cách khác Giáo hội ao ước càng tiến xa trên đường đời chúng ta càng nhìn thấy ảnh hưởng và uy quyền của Chúa Kitô càng ngày càng tỏ hiện cả chiều rộng và chiều sâu. Muốn như vậy chúng ta phải hiểu rõ tước hiệu làm Vua và thực quyền thống trị của Chúa Kitô là gì, để do đó chúng ta biết sống ở trong Nước Người và làm cho Nước Người luôn lan rộng thêm.

 

1. Ðavít, Hình Ảnh Báo Trước Về Chúa Kitô Vua

Bài sách Samuel nhắc lại chuyện Ðavít đã trở thành vua Israel như thế nào. Nó cho chúng ta biết nguồn gốc Vương Quyền của Chúa Kitô vì chính Người vẫn được dân Cựu ước chờ đợi như là Con Vua Ðavít sẽ đến trị vì trên Dân Chúa.

Vậy Ðavít bấy giờ mới chỉ là vua xứ Giuđa. Các chi tộc Israel ở phía Bắc vẫn chưa công nhận Vương Quyền của ông. Họ còn lưu luyến nhà Saulê. Nhưng hai cuộc ám sát xảy ra đã khiến họ đổi ý... Ishbaal con của Saulê bị sát hại sau khi vị tướng của Israel là Abner bị giết. Ðầu mục các chi tộc kia liền đến Hêbron yết kiến Ðavít và xin qui phục vương quyền của ông. Chúng ta hãy lưu ý những lý lẽ họ đã đưa ra:

+ Ngài (tức là Ðavít) cũng là cốt nhục với chúng tôi.

+ Ngài đã từng là tướng triều Saulê, Vua nước chúng tôi.

+ Ngài đã được Thiên Chúa chọn để chăn dắt và lãnh đạo dân Người.

Ðó không phải là lời lẽ của những người đầu hàng; nhưng là những lời có tính toán và đặt điều kiện. Nói đúng hơn, những lời này cho thấy các đòi hỏi tiên quyết nơi một vị Vua của Israel... Ông phải có cốt nhục với đồng bào của ông; ông đã phải vào sinh ra tử cho Ðất nước của ông; và nhất là ông phải được Thiên Chúa chọn; vì làm vua nơi dân Chúa không phải như nơi các dân tộc của những quốc gia khác, nói đến Vua Chúa là phải nghĩ ngay đến cai trị và lãnh đạo. Còn nơi Israel, làm vua trước hết là chăn dắt dân như mục tử và phải hiểu việc lãnh đạo ở đây theo cung cách của kẻ chăn chiên.

Ðavít hội đủ những điều kiện ấy. Ông là cốt nhục với Israel. Ông đã vào sinh ra tử khi còn ở triều đình Saulê để chống quân Philitinh. Và ông đã được xức dầu là chứng Thiên Chúa đã chọn ông và ông đã nhận được thần trí của Thiên Chúa... Người ta không sợ ông sẽ dùng quyền cai trị như các bạo chúa thời xưa. Bản thân ông đã là mục tử. Dáng điệu của ông hiền lành khiêm nhu. Mọi nơi đều ca ngợi lòng quảng đại của ông ngay đối với cả địch thù.

Ðavít hiểu ý các đầu mục Israel. Ông chấp nhận ý kiến của họ và ông ký kết với họ một giao ước ở Hêbron, trước nhan Thiên Chúa. Và họ đã xức dầu tấn phong ông làm vua các chi tộc ở phía Nam.

Chúng ta có thể thắc mắc vì sao có thể xức dầu cho Vua mình được. Nhưng xức dầu ở đây chỉ là nghi thức công nhận quyền làm Vua của vị đã được xức dầu. Chính lần được xức dầu do "Người của Thiên Chúa", tức là do vị tiên tri của Người mới đáng kể. Và Ðavít đã được Samuel xức dầu ân sủng đó khi Thiên Chúa đã quyết định từ bỏ Saulê. Kể từ ngày đó Ðavít đã là Người Chúa chọn và đã mang thần trí của Người. Hôm nay các đầu mục Israel làm lại nghi thức xức dầu không phải để ban ân sủng cho Ðavít nhưng để công nhận ân sủng đã có sẵn ở nơi ông. Và tất cả những điều này đều có ý nghĩa để nói về Chúa Kitô Vua. Người đã được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần... nhưng có thể nói, một cách mầu nhiệm quá như trường hợp của Ðavít tại nhà ông, trong vòng thân mật và kín đáo, lúc ông còn nhỏ tuổi. Và cũng như Ðavít phải vào sinh ra tử cho dân trước khi được dân công nhận, thì Ðức Kitô cũng phải đi qua khổ nạn mới đạt tới vinh quang.

Ở đây chúng ta không thấy nói rõ Ðavít đã kết ước với Israel như thế nào. Nhưng theo ý dân đã biểu lộ trong dịp xức dầu đặt Saulê làm Vua (1S. 8,10-17), các đầu mục Israel hẳn đã nhấn mạnh đến việc Ðavít phải xuất chinh đi trước và giao chiến các cuộc chiến của họ. Cũng như theo những sự việc xảy ra sau này, dường như họ chỉ công nhận vương quyền của Ðavít nhưng chưa muốn sát nhập với Giuđa và cũng chẳng hứa sẽ tùng phục người kế vị Ðavít. Tức là họ chỉ công nhận Ðavít là Vua của họ khi Ðavít hứa luôn xuất chinh đi trước họ.

Những điều này cũng vậy sẽ cho chúng ta nhiều yếu tố để tìm hiểu vương quyền của Chúa Kitô. Có thể nói vương quốc của Người chỉ có ở nơi Người. Cũng như vương quốc của Ðavít chỉ có ở nơi Ðavít vì Israel và Giuđa một phần nào vẫn chưa muốn hoàn toàn là một Nước như ở nơi chúng ta còn quá nhiều yếu tố cách biệt và chia rẽ. Và vương quyền mà Israel công nhận nơi Ðavít, họ không sẵn sàng công nhận nơi người kế vị thành ra đó là vương quyền không chia sẻ và truyền ngôi. Ðiều này cũng cho thấy trước tính cách bất khả chia sẻ của vương quyền nơi Chúa Kitô. Nhưng điều chú ý nhất trong giao ước ký kết giữa Ðavít và Israel là buổi lễ được đặt trước nhan Thiên Chúa, để công nhận việc giữa loài người với nhau chỉ có giá trị nếu Thiên Chúa đảm bảo. Chính Người là cánh tay xây dựng mọi công trình tốt đẹp của loài người, và nếu Người không xây thì công việc của các tay thợ nề đều vô ích và luống công. Nước của Chúa Kitô Vua cũng vậy. Ðó là công trình của Thiên Chúa và hoàn toàn lệ thuộc Người; nên không thể lấy các quan niệm về những vương quốc thế gian mà hiểu. Chúng ta phải có những quan niệm của Thiên Chúa để hiểu về Nước Chúa Kitô. Và vì thế chúng ta không sợ nói đến tước hiệu Vua Kitô ở bất cứ hoàn cảnh nào vì Nước của Người không thuộc về thế gian này nên không được hiểu theo lẽ thế gian.

Dù sao bài sách Samuel hôm nay cũng đã cho chúng ta thấy một trường hợp làm vua rất đặc biệt. Câu chuyện Ðavít được công nhận làm Vua có nhiều yếu tố giúp chúng ta hiểu trường hợp làm Vua của Chúa Kitô. Ông Vua mục tử Ðavít đầy nhân ái và đạo đức đã là hình ảnh báo trước về Vua Thiên Sai sẽ đến cứu dân và xây hạnh phúc cho dân Chúa. Cả hai đã được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng vương quyền của cả hai đều phải vào sinh ra tử cho dân mới được dân công nhận. Không phải rồi sau đó cả hai vương quyền đều đã trị vì trên dân theo kiểu các quyền bính thế gian, nhưng vai trò của các người là bảo hộ bênh vực để dân Chúa được bình an và hạnh phúc. Vương quyền ấy là quan hệ giữa người với người hơn là biểu thị thành thể chế có thể nhìn thấy được vì Nước của Ðavít cũng chỉ rõ ràng ở nơi ông mà thôi.

Chúng ta ghi nhận những tư tưởng này để xem Ðức Kitô đã thể hiện hình ảnh báo trước về vương quốc của Người như thế nào?

 

2. Ðức Giêsu Làm Vua Trên Thánh Giá

Ai cũng biết suốt đời Ðức Giêsu chẳng có vẻ gì là một ông Vua. Người còn nhất mực từ chối mỗi khi dân chúng có ý tưởng tôn Người làm Vua. Nhưng bỗng dưng Người có một thay đổi bất ngờ. Hôm vào Giêrusalem, Người muốn tỏ ra mình là một ông vua thái hòa. Người cỡi lừa, ung dung để cho người ta lấy lá, lấy áo lót đường cho Người đi, và Người chấp nhận để cho người ta tung hô mình là Con Vua Ðavít, vua của Israel.

Nhưng trong cuộc rước ấy, Người vẫn âm thầm. Và Người cũng không có một cử chỉ hoàng đế nào trong dịp nô nức ấy. Thế rồi Người bị nộp, bị trói, bị đánh, bị điệu ra trước tòa. Chính ở đây và từ đây Người mới có thái độ làm vua.

Chúng ta hãy hạn chế tư tưởng trong khuôn khổ bài Tin Mừng hôm nay. Có quá nhiều yếu tố để chúng ta còn phải đi tham khảo ở những nơi khác trong Kinh Thánh.

Ðức Giêsu bấy giờ đã bị đóng đinh trên thập giá ở giữa hai tên gian phi. Như để cho người ta thấy Người không phải như hai kẻ kia, tác giả Luca lập tức đã viết rằng: "Bấy giờ Ðức Giêsu nói: Lạy Cha xin tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm". Lời nói này khẳng định vị trí của Ðức Giêsu không những ở giữa hai tên gian phi, mà còn ở giữa tất cả mọi người. Cả nhân loại là tội nhân, duy mình Người là Ðấng Công Chính có khả năng cầu xin ơn tha tội cho mọi người hết thảy.

Xếp đặt vị trí xong, tác giả Luca lần lượt cho chúng ta thấy thái độ của mọi hạng người... Trước hết có dân. Họ đứng nhìn. Luca có cảm tình với họ. Ông không coi họ là đám dân chúng đã la ó xin đóng đinh Ðức Giêsu. Ông gọi họ là dân để tỏ ý coi họ như dân Chúa, dân mà Chúa muốn cứu vớt và tha thứ tội. Họ đứng nhìn để xem công việc của Thiên Chúa. Họ thấy gì?

Các đầu mục thì nhạo báng mà rằng: nó đã cứu những ai khác, thì nó hãy cứu lấy mình nếu nó là Ðức Kitô của Thiên Chúa, Ðấng đã được chọn. Họ tỏ ra thông thái, nhưng thật ra sự thông thái này lại lên án họ vì đó là sự thông thái mù tối. Họ biết Ðức Giêsu đã cứu chữa nhiều người.

Ðó là dấu sức mạnh của Thiên Chúa đậu ở nơi Người. Người thật là Ðấng Kitô, là vị được Thiên Chúa chọn. Lẽ ra họ phải bắt chước các đầu mục Israel ngày xưa khi biết Thiên Chúa đã chọn Ðavít thì đến công nhận vương quyền của ông. Ðàng này họ chưa coi việc Ðức Giêsu cứu vớt những người khác là dấu hiệu chắc chắn. Họ muốn Người cứu chính mình nữa và coi hành vi này mới có giá trị quyết định. Họ đúng là kẻ thông thái mù quáng, khôn ngoan theo lẽ thế gian xét mọi việc không ở dưới khía cạnh bác ái và cứu thế nhưng theo mức độ ích kỷ và vinh thân. Vì hẹp hòi và xấu bụng, họ không ngờ đã muốn cho vị hoàng đế của dân Chúa cũng phải như họ là ích kỷ và trước hết phải lo cho bản thân mình. Họ không xứng đáng với Ðức Giêsu.

Hạng người thứ ba cũng giống như họ. Ðó là lính tráng, những người Rôma đến cai trị Do Thái. Họ tiêu biểu cho lương dân ở dưới chân thập giá Ðức Giêsu. Họ không thể có suy nghĩ cao thượng hơn các đầu mục Do Thái. Họ muốn rằng: nếu là vua Do Thái, thì Người phải cứu lấy mình. Tâm tư của hai hạng người trên, của cả Do Thái lẫn lương dân, được phụ họa đúc kết và vọng lên một cách mãnh liệt trong lời mắng nhiếc của một trong hai kẻ gian phi: "Phải chăng mày là Kitô, hãy cứu lấy mình và chúng ta với".

Ðó là lời thách thức ghê tởm. Nó bộc lộ luận lý khôn ngoan của loài người tội lỗi. Phải nghĩ đến mình trước rồi mới đến người khác. Còn đâu ý nghĩa phục vụ? Câu "mục tử tốt thí mạng vì đàn chiên" còn ý nghĩa nào nữa? Và những câu như: "Ai tìm sự sống mình thì sẽ mất" bây giờ ở đâu? Người ta chưa hiểu Ðức Giêsu. Người ta quên hình ảnh Vua Ðavít chịu oan uổng trong đền vua Saulê. Người ta không nhớ các lời tiên tri nói về Người Tôi Tớ đau khổ sẽ thống trị. Bao nhiêu lời Kinh Thánh báo trước về vua thiên sai, vua hòa bình, vua cứu thế dường như đã vô ích hoàn toàn.

Không, tiếng nói của kẻ tội lỗi to thật, dữ thật, nhưng không phải là tiếng nói cuối cùng. Kẻ gian phi bị treo ở phía bên kia đã lên tiếng: "Mày không kính sợ Thiên Chúa sao, ngay lúc mày cũng mắc đồng một án?" Nghĩa là đây là lúc để nhớ đến Thiên Chúa và kính sợ Người, lúc người ta gặp hoạn nạn, đau thương và nhất là sắp chết. Không được lăng mạ, lộng ngôn hay nói lời nào hư hốt nữa. Phải có tình liên đới, phải biết nhận lỗi mình và cầu xin ơn tha thứ. Thế nên, người ấy đã nói tiếp: chúng ta đáng tội, nhưng, Người không hề làm điều gì trái.

Vì sau người ấy đã nói được như vậy? Vì đã có giờ quan sát Người trên đường thập giá hay vì từ nãy đến giờ đã nghe lời những hạng người kia. Họ trách mắng Người, nhưng bao giờ cũng để hở ra những tư tưởng thật đáng suy nghĩ. Tất cả đều đã mở miệng bằng những câu: nếu là Kitô, nếu là Ðấng Thiên Chúa chọn, nếu là vua Do Thái..., vì sao lại nghi vấn như thế? Và hết thảy đều đã tha thiết muốn thấy ơn cứu độ, nên đã nói: hãy cứu lấy mình, hãy cứu lấy chúng ta nữa.

Chúng ta không dám quyết người kia đã có thể suy nghĩ như vậy để có thể làm một bước "liều" mà đa số những người kia chưa gần sự chết và chưa thấy khẩn trương cầu ơn cứu độ nên đã không làm được. Còn người này, giống như Pascal nói, có liều cũng chỉ có lợi chứ không thiệt gì. Nên y đã liều tin Ðức Giêsu là công chính và đã diễn tả niềm tin dấn thân ấy trong câu: Lạy Ðức Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài đến trong Nước của Ngài: Y trông cậy sự bảo hộ, chiếu cố của Người một cách thật cảm động và thành khẩn. Và Ðức Giêsu đã nói với người ấy: "Quả thật, Ta bảo ngươi: hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta".

Ðây không phải là lời lẽ của chính Thiên Chúa ư? Ðã bao lần trong cuộc sống, khi lấy uy tín của Thiên Chúa để giảng dạy, Ðức Giêsu đã bắt đầu tuyên bố bằng câu: "Quả thật, Ta bảo các ngươi". Người tuyên bố bình thản, chắc chắn. Người nói là làm, nên mới có chữ: "hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta". Người dùng kiểu nói: "ở trên thiên đàng làm một với Người" để đáp lại lời xin được Người nhớ đến khi Người đến trong Nước của Người, khiến chúng ta thấy lòng quảng đại của Người vượt quá lời xin của Người kia. Anh ta chỉ xin Người nhớ đến anh; nhưng Người đã cho anh ở làm một với Người. Anh chẳng hiểu rõ Nước của Người là gì; nhưng Người đã cho anh biết đó là thiên đàng nơi người công chính được hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa.

Vậy, Ðức Giêsu thật là vua. Người làm vua trên thánh giá, tức là trong hành vi trở thành của lễ đền tội mọi người. Ai không bỏ mình mà tin Người thì không được cứu độ. Còn ai kính sợ Thiên Chúa mà tin thì được đưa vào Nước của Người. Người thực hiện các lời tiên tri về vua thiên sai, vua hòa bình, vua cứu thế quá sự chờ mong của mọi người, vì trên thánh giá, không những Người là Vua mục tử hơn Ðavít mà còn là Người Tôi Tớ đau thương của Thiên Chúa sẽ thống trị địa cầu.

Tuy nhiên thành thật mà nói bài Tin Mừng của Luca chưa nói hết mọi khía cạnh về việc Chúa Kitô làm vua đâu. Còn một khía cạnh rất quan trọng phải đi đôi với khía cạnh cứu chuộc mà Luca chưa nói và không có điều kiện để nói ở đoạn văn này... Bài thư Phaolô hôm nay bổ khuyết cho chúng ta.

 

3. Ðức Giêsu Là Ðệ Nhất Vô Song

Phần lớn đây là một khúc trong ca vãn về Chúa Kitô. Phaolô viết gởi giáo dân Colôsê đang bị dao động về đức tin. Có nhiều người đến nói với họ rằng: Chúa Kitô không phải là đệ nhất vô song đâu? Còn có các thiên phủ, ông sao này, ông sao kia; và còn có nhiều bậc tiên tri và giáo chủ khác. Phaolô nói với giáo dân Colôsê, đừng tin những chuyện nhảm nhí ấy; và hãy tạ ơn Thiên Chúa đã kéo chúng ta ra khỏi quyền lực tối tăm và chuyển chúng ta vào Nước của Con chí ái Người. Rồi Phaolô làm chứng Ðức Kitô là vua vì vừa sáng tạo vừa cứu chuộc.

Chúng ta không cần nhấn mạnh lý lẽ sau vì hai bài Kinh Thánh trên đã cho thấy Ðức Giêsu là vua trong mầu nhiệm cứu thế, gỡ dân ra khỏi tội lỗi. Ở đây chúng ta chỉ cần nhớ: Phaolô chú ý đến việc phục sinh. Chính mầu nhiệm sống lại đã làm Ðức Giêsu trở thành trưởng tử giữa các vong nhân để ai theo Người và nhận sự lãnh đạo của Người và sẽ được Người cho khỏi chết trong tội lỗi mà được sống lại trong ân sủng.

Nhưng ở đây chúng ta phải để ý nhất là đến địa vị của Ðức Giêsu là trưởng tử giữa mọi thụ sinh. Thực tế Người đã không sinh ra trước hết mọi loài đâu. Người là con vua Ðavít mà! Nhưng tuy đã không sinh ra trước hết, Người vẫn là trưởng tử giữa mọi thụ sinh, vì mọi sự đều được tạo thành nhờ Người và cho Người. Không những Người là lý do để Thiên Chúa dựng nên tất cả, như Thiên Chúa đã dựng nên vạn vật vì con người, và con người Adong cũng chỉ là hình ảnh của con người Giêsu Kitô; nhưng hơn nữa chính trong Người mà vạn vật được tác thành, dù là thiên tòa, thiên phủ... Như vậy tất cả đều là của Người, Người là vua vũ trụ. Vạn vật là chiên của Người. Những chiên này vì tội lỗi đã xa lạc, Người đã thí mạng để chuộc chúng lại và làm vua chúng một lần nữa sau khi đã là vua chúng vì đã tạo dựng nên chúng.

Chúng ta và thụ tạo ngày nay chỉ có thể lại được sự sống của Người khi chấp nhận lễ hy sinh của Người là mục tử tốt ở nơi thập giá... Chính Người đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta nơi bàn tiệc thánh thể. Ở đây nếu chúng ta có lòng thống hối ăn năn và cầu xin tin tưởng như "người trộm lành", chúng ta sẽ được ân sủng của Người, được chính Người cho ta được làm một với Người, để Người là Ðầu của thân thể ta, giúp ta thánh hóa thêm tâm hồn và đời sống, làm cho ảnh hưởng và Nước Người lan rộng thêm. Ðó là mục tiêu chúng ta phải nhắm tới trong ngày lễ Chúa Kitô Vua hôm nay. 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm....)

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ
TÔN THỜ VUA GIÊSU


Lịch sử nước Anh có kể rằng hồi ấy, nước Anh có một ông vua rất đạo đức tên là Canut III. Vì là vua của một cường quốc nên xung quanh vua thương có những quan nịnh thần xu nịnh, ton hót.

Một hôm trong một buổi triều yết, các quan nịnh thần tâu rằng: “Thánh Thượng” là vua trên hết các vua, là chúa trên các chúa, có quyền trên mặt đất và trên biển cả.

Nghe vậy nhà vua muốn cho họ một bài học, nên vua liền mời tất cả đi ra ngoài biển. Đứng trước đại dương, vua tuyên bố: Ta là vua trên hết các vua, có quyền trên đất liền và trên biển cả. Vậy ta truyền cho sóng biển không được tới đây. Nhưng nhà vua nói xong, nước vẫn dâng lên, sóng vẫn ập tới làm ướt áo cẩm bào của vua cũng như triều thần.

Sau đó, nhà vua đi vào trong một nhà thờ đến trước tượng Chúa Giêsu chịu nạn, nhà vua lấy chiếc vương miện của mình đội lên đầu Chúa Giêsu và nói: “Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Vua trên hết các Vua, là Chúa trên hết các Chúa”.

Anh chị em thân mến,
Nhà vua trong câu chuyện trên đã khiêm tốn nhìn nhận thân phận hèn kém của mình và tôn vinh chỉ có Chúa mới là Vua trên hết các Vua, là Chúa trên hết các Chúa.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta tôn vinh Chúa là vua vũ trụ. Ngài là Đấng thống trị duy nhất toàn thể vũ trụ và thống trị đời chúng ta!

Tôn vinh Chúa Kitô làm vua vũ trụ, có nghĩa là chúng ta tôn kính, tin nhận và để cho Chúa làm chủ trên cuộc đời chúng ta, trên trọn cả cuộc sống của chúng ta và trên cả vũ trụ này, đồng thời quyết tâm sống xứng đáng là công dân trong Nước của Ngài.
Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta có để cho Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta hay không?

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường tôn phong nhiều vị vua: Nào là “vua thuốc lá”, “vua bia rượu”, “vua cờ bạc”, “vua tiền bạc”, “vua lạc thú” v.v… nhiều khi chúng ta đặt các vua này trên cả vua Giêsu. Chúng ta thường dễ dàng quỳ gối, cúi đầu trước sức mạnh của các thứ vua vật chất này mà bỏ qua giới răn lề luật của Vua Giêsu.

Năm phụng vụ chấm dứt với Chúa nhật hôm nay. Đây là dịp để chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời mình. Chúng ta là con dân Nước Chúa, vậy thì chúng ta có tin nhận và để cho Chúa làm vua và làm chủ cuộc đời của chúng ta không?

Chúng ta có nỗ lực sống theo luật yêu thương của Vương Quốc Tình yêu bằng cách bác ái, sống chan hòa tình Chúa và chan chứa tình người không?

Lạy Chúa Giêsu là Vua vũ trụ và là vua cõi lòng chúng con, xin Chúa mãi ngự trị trong vũ trụ này, thế giới này và trong cõi lòng mỗi người chúng con để thống trị, hướng dẫn và làm chủ chúng con. Xin giúp chúng con sống xứng đáng là con dân nước Chúa. Amen.
(Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng).2015

 

CHÚA KITÔ VUA TÌNH YÊU 

Giáo hội Kitô giáo luôn luôn kết thúc năm phụng vụ với lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. 

Lễ Chúa Kitô Vua chỉ mới được thiết lập vào năm 1925 mà thôi.  Trong cuộc đời Chúa Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giêsu là biến cố Chúa lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trong vinh quang. "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Ta."  Ðó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước khi sai các Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.  Như vậy, ngày lễ Chúa Thăng Thiên có thể nói là ngày mừng kính vương quyền của Chúa Giêsu Kitô một cách phù hợp hơn cả.  Thế nhưng tại sao Giáo Hội lại mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ? 

Năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Thiên Chúa và cuối cùng trở về với Ngài.   Thiên Chúa là khởi đầu và là cuối cùng của lịch sử.  Kết thúc năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc lại giây phút chấm dứt, giây phút vũ trụ đạt đến cùng đích tột cùng là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang.  Trong viễn cảnh này thật là điều thích hợp cho việc Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ.  Ngài đã nhập thể làm người trong một lịch sử dân tộc cụ thể để thiết lập Nước Thiên Chúa trong lịch sử con người, và kể từ giây phút đó, Nước Thiên Chúa luôn luôn được phát triển, được lan rộng, cho đến mức thành toàn cuối cùng khi Chúa Giêsu Kitô ngự đến và đưa tất cả về cùng Thiên Chúa Cha. 

Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Ðavid, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu sinh động.  Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Ngài như một vương quốc phàm trần và bằng những phương tiện phàm trần như chiến tranh, chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực.  Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột đỉnh của cuộc đời của Chúa trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. 

Chúa Giêsu Kitô là vua khi Người bị treo lên thập giá.  Thiên Chúa đã dùng hành động bêu xấu của quan Philatô khi quan này cho khắc ghi trên thập giá Chúa dòng chữ: "Ðây là Vua dân Do Thái."  Thiên Chúa đã muốn dùng hành động bêu xấu này như muốn nhắc nhở con người, để mạc khải cho con người một sự thật không thể chối bỏ được rằng: Chúa Giêsu Kitô là Vua.  Ngài trổi vượt lên trên mọi người không những vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, mà vì Ngài đã thực hiện một hành động cao cả tuyệt vời: hy sinh mạng sống mình vì yêu thương con người để cứu rỗi con người. 

Truyện cổ tích Ai-len có kể lại một nhà vua không có con nối dòng.  Muốn đi tìm hoàng tử để truyền ngôi lại cho, và chỉ có một điều kiện duy nhất mà vị hoàng tử phải có là chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và đối với con người ở mức độ cao nhất.  Nhiều người đã đến trình diện với nhiều cách, nhiều bằng chứng về tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và đối với anh  chị em xung quanh, nhưng những bằng chứng đó không có sức thuyết phục nhà vua.  Cuối cùng, có một chàng thanh niên đến trình diện với một bộ đồ cũ rách.Chàng thanh niên này được nhận.  Chàng không cần phải dài dòng thuyết phục nhà vua vì chàng thanh niên này chính là người mà nhà vua đã gặp chiều hôm trước:  

Số là vì nhà vua đã cải trang làm một người hành khất để thử lòng những vị hoàng tử tương lai của mình.  Nhiều chàng thanh niên đã đi qua, nhìn thấy người ăn xin rách rưới, và xa tránh, chỉ có người thanh niên này dám dừng lại, hy sinh luôn cả chiếc áo mới của mình và dám mặc lại chiếc áo cũ để vào trình diện nhà vua.  Tình yêu nằm trong con tim con người chứ không nằm trong chiếc áo bên ngoài. 

************************

Quí vị và các bạn thân mến,

Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của mình bằng cái chết trên thập giá.  Ngài đáng làm vua nêu gương cho chúng ta sống theo Ngài.  Phúc Âm (Lc 23,35-43) ghi lại cảnh Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá làm căn bản cho những suy niệm cho chúng ta trong ngày lễ Chúa Giêsu Kitô Vua. 

Ðọc lại đoạn Tin Mừng trên, chúng ta có thể lưu ý rằng giữa bao người lăng mạ, nhạo báng Chúa và vương quyền của Ngài thì có một người nhìn nhận vương quyền của Chúa, và người đó lại chính là kẻ tội phạm cùng chịu đóng đinh với Chúa.  Anh ta đã khám phá ra tình thương bao la của Chúa: Một kẻ vô tội mà bị nguyền rủa nhưng lại tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình.  Anh ta đã khám phá nơi hành động của Chúa như một dấu chỉ mạc khải tình thương của Ngài, và từ đó nhìn Chúa là vua và bày tỏ ước muốn được sống trong Nước Tình Thương này.  "Lạy Chúa, khi nào về Nước Ngài, thì xin nhớ đến tôi cùng." 

Chúa Giêsu đã mạc khải vương quyền của Ngài bằng hành động cao cả nhất của tình thương là hy sinh chính mình.  Không ái có tình yêu thương hơn kẻ hiến mạng sống mình cho người mình thương và chỉ những ai khám phá ra tình thương của Chúa thì mới tin nhận Chúa làm vua và đáng bước vào trong Nước Chúa. 

Xưa cũng như nay, luôn có những người không hiểu xuyên tạc, và cười nhạo vương quyền của Chúa Kitô: Nếu Chúa là vua tại sao không dùng quyền của mình để thoát chết, để trả thù, để thống trị, để hưởng lợi.  Nhưng trớ trêu thay, con người đã dùng thập giá để bêu xấu, để loại trừ Chúa Giêsu Kitô, nhưng lại chính đó là dấu chỉ Thiên Chúa dùng để thiết lập và mạc khải vương quyền của Chúa trên cả mọi sự.  Chúa Giêsu Kitô là vua, Ngài làm vua bằng tình yêu thương và để gieo rắc khắp nơi tình yêu thương đó.

 

************************ 

Lạy Chúa Kitô Vua, trước sự xấu xa và ngoan cố của con người.  Xin cho chúng con được can đảm bước vào trong nước yêu thương của Chúa bằng con đường thập giá mà Chúa đã đi qua. Amen. 

R. Veritas

...

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)