Suy Niệm của Huệ Minh

 

Chúa nhật IV Thường Niên
Gr 1, 4-5, 17-19; Lc 4, 21-30
HÃY LÀ NGÔN SỨ CỦA CHÚA


Mở đầu Trang Tin Mừng hôm nay là câu đầy ý nghĩa của Trang Tin Mừng tuần trước. Thật vậy, rõ ràng là sự gì Kinh Thánh đã nói về Người, thì “hôm nay” được ứng nghiệm. Điều đó đồng nghĩa với: “Tôi là Đấng cứu Thế” đây. Từ “hôm nay”, có nghĩa là đã đến lúc Thiên Chúa thực hiện Lời Hứa từ ngàn xưa.

Hình bóng của Giêrêmia chính là hình ảnh của Đấng Cứu Thế hôm nay. Trang Tin Mừng (Lc 4, 21) hôm nay, nhắc lại câu nói tuần trước của Chúa Giêsu. Vâng! Thưa quý vị: “Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).
Giêrêmia là một trong bốn đại ngôn sứ thời Cựu Ước, đã được Thiên Chúa cho biết :” Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”.
Thật sự Thiên Chúa đã chuẩn bị và đã chọn Giêrêmia từ xa xưa. Thiên Chúa sai ông đi “để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá”. Tiếc thay, sứ vụ của ông quả đã thất bại, chính ông cũng chết tại Ai cập, nhưng dung mạo của ông không ngừng lớn lên sau khi ông chết.

Nhìn vào cuộc đời, ta thấy ông là một người có tâm hồn hiền hậu. Ông vốn dĩ sinh ra để được yêu mến, luôn luôn nêu cao những liên lạc thân mật tâm hồn phải có đối với Thiên Chúa. Đọc kỹ cuộc đời ông, ta thấy ông đã quên mình, chịu đau khổ để phục vụ Thiên Chúa và quả thật ông đã trở thành một dung mạo của Chúa Kitô.
Ta thấy ngôn sứ là người được sai đi để nói Lời của Thiên Chúa. Mặc nhiên, ngôn sứ chính là Lời của Thiên Chúa. Người được thay thế nói Lời của Thiên Chúa, như vậy chúng ta thấy ngôn sứ thật diễm phúc.

Trong lịch sử Thánh Kinh, ta thấy rất nhiều ngôn sứ, nhưng có một số ngôn sứ nổi bật như ngôn sứ Giêrêmia. Như trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “Đây Ta đặt Lời nói Ta trong miệng ngươi”.

Ta thấy ngôn sứ Giêrêmia thật là diễm phúc, như vậy, lời của ông nói ra chính là Lời của Thiên Chúa được đặt vào miệng ông.

Chúa Giêsu cũng vậy khi ta thấy lời của Chúa Giêsu hôm nay cũng được mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài.
Thật vậy, Chúa Giêsu đúng là một “người đặc biệt nhất” trong những người đặc biệt, một “dị nhân” chính hiệu, khiến ai cũng phải tâm phục và khẩu phục. Thế nhưng đáng tiếc là người ta đã cố tình không nhận ra Chúa và dã tâm tìm cách hại Ngài.

Chúa Giêsu biết lòng dạ xấu xa của họ nên Ngài nói với họ như thế này: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” (Lc 4, 23).

Người ta có dã tâm không phải vì Chúa Giêsu làm gì sai trái, mà vì tính đố kỵ, thói ghen ghét, không muốn người khác hơn mình, sợ mình lép vế. Ngài thản nhiên nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24). Câu nói này vẫn đúng ngay trong những ngày này dù cây nói này quả là quá xa với thời đại của chúng ta!

Thấy họ im lặng, không đối đáp được câu nào, mà làm sao họ cãi lại chứ? Rồi Chúa Giêsu nói một hơi: “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn.

Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi” (Lc 4, 25-27).

Quá rõ, thật thấm thía và đau điếng, trúng tim đen mà! Còn ai cãi được gì nữa?
Tưởng chừng họ ngưỡng mộ và tin vào lời của Chúa nhưng tiếc thay họ lật mặt như trở bàn tay, mới khen nức lòng mà lại chống đối ngay. Thánh sử Luca kể: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực” (Lc 4,28-29).

Nhìn họ, ta thấy lòng dạ của họ quá dã tâm và nham hiểm. Cũng chính vì lòng chai dạ đá nên họ chẳng làm gì được người chính trực. Thấy họ phẫn nộ, Chúa Giêsu thản nhiên “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 30). Chắc hẳn lúc đó bọn ác nhân muốn lộn ruột gan và phát điên lên được.

Cũng vậy, ngày hôm nay ta thấy cũng không thiếu những lòng dạ mưu mô nham hiểm với người khác. Loại người này ở đâu cũng có, chẳng trừ nơi nào, y như ma quỷ có mặt mọi nơi để rình rập người tốt vậy!

Sự thật luôn phũ phàng, vì: “Không một ngôn sứ nào được đón nhận tại quê hương mình” (c 24). Vâng! Chính Chúa Giêsu đã nói như vậy. Tại sao? thưa, bởi vì họ không đón nhận sự thật, họ không muốn nghe sự thật, và không tin sự thật. Chỉ có ai muốn đón nhận sự thật, thì mới lắng nghe sự thật. Vì “sự thật thì mắc lòng”.
Và như thế! Là họ, người Nazaret không phải là những người nghèo được đón nhận Tin Mừng. Vì họ không đón nhận ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa. Họ tìm vết bới lông, họ soi mói nguồn gốc lai lịch của Đấng Cứu Thế và như vậy, họ khinh dễ Chúa Giêsu.

Như vậy, họ hay Chúa Giêsu bị thất bại tại Nazaret, quê hương của Người Trước đó chính họ đã ngưỡng mộ Chúa Giêsu, họ khâm phục những gì từ miệng Người nói ra (c. 22). Nhưng chính Người đã đọc được ý nghĩ ngay trong thâm tâm của họ, vì Chúa không muốn họ khâm phục Người bằng môi miệng. Người đã kể tội của họ và tội của cha ông họ, thế là họ tìm cách trục xuất Chúa Giêsu ra khỏi họ.

Phần ta là Kitô hữu được kêu gọi làm ngôn sứ của Chúa Cha cho thời đại chúng ta, cũng như Chúa Giêsu từng là tiên tri của Chúa Cha cho thời đại của Ngài. Đây chính là sứ vụ mà chúng ta lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và thêm sức. Chúng ta hãy lập lại lời thánh Phaolô; “Người Kitô hữu chúng ta được Chúa kêu gọi để toả sáng như các vì sao giữa lòng thế giới tăm tối này” (Pl 2, 15).

 

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Thường Niên Năm C-2019

Gr 1, 4-5, 17-19; 1 Cr 12, 31 - 13, 13 (bài dài); Lc 4, 21-30

LOẠI BỎ THÁI ĐỘ KHINH THƯỜNG

          Chúa Giêsu khởi sự công việc rao giảng của Ngài bằng việc vào Hội Đường như ta thấy hôm nay trong Tin Mừng.

          Thoạt đầu, Ngài đã gây được hứng khởi nơi người nghe. Thánh Luca viết về những hoạt động của Ngài trong lúc này như sau: Danh tiếng Ngài lan tràn cả miền chung quanh. Ngài giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Nhưng cũng chính thánh Luca đã cho chúng ta thấy một cách sống động rằng ngay từ điểm khởi đầu này, lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã tạo nên những chống đối. Chẳng hạn ngày hôm nay, những người làng Nadarét sau khi đã ca ngợi Ngài, thì họ bắt đầu thắc mắc về Ngài. Họ bàn tán: Ông này hẳn không phải là con bác phó mộc Giuse hay sao?

          Và từ thắc mắc, họ đi đến chỗ căm thù, thậm chí còn muốn thủ tiêu Ngài, như lời thánh Luca đã viết: Mọi người trong hội đường đều đầy lòng căm phẫn, họ đứng dậy, đuổi Ngài ra ngoài thành và điệu Ngài lên tận triền núi, nơi thành họ được xây cất, cố ý xô Ngài xuống cho chết.

          Thánh Luca đã ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc và giải thích đoạn sách của tiên tri Isaia, những người trong hội đường xì xầm với nhau: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?". Có lẽ, câu nói này không diễn tả một thái độ nghi ngờ, trần tục hóa sự thiêng liêng cao cả của Chúa Giêsu, bởi vì họ vừa mới chăm chú lắng nghe và thán phục những lời thốt ra từ miệng Người.

          Thật vậy, ta thấy đúng hơn rằng câu nói đó như diễn tả một sự toan tính đầy ích kỷ, tư lợi của những người đồng hương với Chúa. Họ mang một tâm tính vốn rất thường gặp ở đời: "Một người làm quan cả họ được nhờ". Nếu người này là con ông Giuse, bây giờ trở thành tiên tri và làm được các phép lạ, vậy tại sao chúng ta lại không lợi dụng địa vị đó để mưu ích cho thôn xóm, bản làng của mình. Câu ngạn ngữ Chúa Giêsu trưng dẫn để nói với họ: "Thầy lang ơi! Hãy chữa lấy mình" cho thấy, họ muốn Chúa hãy làm cho họ hưởng các phép lạ trước rồi sau đó mới cho người khác được hưởng. Họ muốn đưa ra một tối hậu thư bi đát ép Chúa phải phục vụ họ trước. Vậy Chúa Giêsu đã xử trí thế nào trước thái độ hẹp hòi của họ.

          Ta thấy những người làng Nadarét của thánh Luca, cũng như những hình ảnh gia nhân không tiếp đón Ngài của thánh Gioan, phải chăng là những hình ảnh tượng trưng cho người tín hữu chúng ta. Bởi vì mặc dù đã biết Chúa mà nhiều lúc chúng ta vẫn không tin Chúa. Mặc dù nhận lãnh những ơn lành của Chúa mà nhiều lúc chúng ta vẫn lăng nhục và thù ghét Chúa. Mặc dù đã được Chúa thứ tha, mà nhiều lúc chúng ta vẫn xua đuổi Chúa. Hãy khử trừ tội lỗi và hãy thực thi những điều Chúa truyền dạy, để nhờ đó chúng ta không cứng lòng như những người làng Nadarét, cũng như không xua đuổi Chúa như những gia nhân mà thánh Gioan đã nói đến.

          Đôi mắt của người dân Nadarét đã bị che phủ bởi thành kiến nên họ đã không nhận ra vai trò và sứ mạng cao cả của Chúa Giêsu. Với thành kiến rằng Chúa Giêsu chỉ là một anh thợ mộc bình thường con của bác thợ Giuse, bà con thân thích của Ngài đâu có ai sáng giá... nên họ đã không tin Ngài. Họ đã để tuột khỏi tầm tay một cơ hội ngàn vàng, đã đánh mất hồng ân vô giá.

          Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng từng cay đắng để thốt lên rằng: "không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình". Người ta dễ "gần chùa gọi Bụt bằng anh". Người ta xem thường đồng hương. Dù biết rằng tình đồng hương rất cần vì "tối lửa tắt đèn có nhau". Dù biết rằng kẻ láng giềng rất cần thiết, cần thiết hơn là anh em ruột thịt mà ở xa, như lời cha ông đã nói: "bán anh em xa, mua láng giềng gần".

          Thế nhưng, thực tế cho thấy, người hàng xóm lại dễ mất lòng nhau. Người hàng xóm lại dễ ganh tỵ với nhau. Thay vì sống với nhau để mang lại sự chia sẻ, cảm thông, nhưng lại gây sóng gió cho nhau. Có mấy ai ở bên nhau mà không lời qua tiếng lại? Có mấy ai ở bên nhau mà đùm bọc lấy nhau như là bí với bầu "tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"? Chúa Giêsu cũng từng bị đồng hương tìm cách loại trừ. Đã có lần người ta cho rằng Người đang bị mất trí.

          Bị những người thân quen của mình khước từ là một việc tổn thương sâu sắc. Chúa Giêsu đã đau buồn bởi những điều đã xảy đến với Người ở Nadaret, nhưng Người đã không trở nên cay cú và chôn vùi những ân huệ của Người. Người đã làm điều Người có thể làm cho những kẻ đã tin Người ở Nadaret, và rồi Người mang những ân huệ của Người đi nơi khác.

          Chính vì cái nhìn thiển cận và đầy thành kiến của người đồng hương nên Chúa Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào nơi quê hương mình. Hôm nay, sau thời gian dài, Ngài đi rao giảng và làm nhiều phép lạ, Ngài trở về dưới cái nhìn xem thường của đồng hương. Họ không tin một Giêsu con bác thợ mộc lại có thể làm nhiều phép lạ như lời đồn. Nói đúng hơn, là họ không thể chấp nhận sự thật về con người Giêsu mà họ đã biết từ khi ấu thơ, nay lại có thể có những khả năng phi thường như vậy. Họ đã bị vấp phạm vì Người. Họ đã tìm cách loại trừ Chúa Giêsu, nhưng Người đã băng qua giữa họ mà đi.

          Chúa Giêsu đã nhìn xa hơn nữa, không những Người thấy những kẻ đồng hương với Người ở Nagiarét không muốn chấp nhận Người; nhưng qua họ, Người còn thấy rõ cả dân tộc Do Thái nữa cũng sẽ không đón nhận. Họ cậy mình đã có luật pháp và không muốn bị xáo trọn bởi một luồng gió mới nào nếu người khởi xướng không làm được những dấu lạ điềm thiêng như Môsê ngày trước. Nghĩa là họ chỉ muốn mãi mãi là những người xác thịt, coi trọng những cái bề ngoài và không bao giờ muốn trở nên trưởng thành, biết ý thức về ý nghĩa của luật pháp như các tiên tri thường hướng dẫn. Tín ngưỡng của họ trở thành thứ tôn giáo của chữ viết, và của hình thức, chứ không muốn là sự sống tinh thần như Thiên Chúa kêu gọi. Do đó, họ rất ít nghe lời các tiên tri.

          Hơn nữa, họ còn bỏ rơi các ngài. Thường khi họ còn giết chết các ngài nữa. Mà các ngài đâu có thiếu gì các quyền năng? Êlya không có quyền đóng góp cửa trời và làm mưa sao? Thế mà có ai trong dân Do Thái được nhờ ông? Trái lại một góa phụ ở Sarepta thuộc dân ngoại đã được ông cứu đói. Êlisê cũng vậy. Ông là tiên tri rất mạnh thế.

          Để cảnh tỉnh họ, Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy chỉ vì tổ tiên họ ngày trước đã không đón nhận các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến cho mình, nên đã đánh mất những ân huệ lớn lao. Cụ thể là vào thời ngôn sứ Isaia, khi trời hạn hạn suốt ba năm sáu tháng, dân Israel phải lâm vào cơn đói khát trầm trọng, vậy mà ngôn sứ Isaia được sai đến, không phải để cứu giúp các bà goá trong dân Israel thời đó, mà là để cứu đói cho hai mẹ con bà goá ngoại giáo nghèo khổ thành Sarépta, miền Siđôn.

          Khi Chúa Giêsu giảng trong hội đường Nagiarét thân quen, họ đã ngỡ ngàng thán phục trước lời Ngài nói. Hãnh diện biết mấy khi một thành viên trong làng nay được tiếng tăm lẫy lừng khắp miền Galilê! Nhưng tin Chúa Giêsu là một ngôn sứ lại là điều họ không làm được.

          Tin là thái độ căn bản trong cuộc sống. Chẳng ai có thể sống mà không tin. Không tin người này nhưng lại tin người kia. Không tin lý thuyết này nhưng lại tin giả thuyết nọ. Thành ra ai cũng phải chọn một niềm tin. Không phải chọn một cách vu vơ, mù quáng, nhưng một cách sáng suốt và tự do.

          Chúa đi tìm đức tin còn họ đi tìm lợi lộc. Khi đi rao giảng, Chúa muốn đem cho ta niềm tin. Niềm tin đã là khởi điểm của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin. Niềm tin đã là kết quả của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi phép lạ dẫn đến niềm tin. Nhưng dân làng Nazareth không nhìn thấy điều đó. Họ không tin Người là Đấng Cứu Thế. Lời giảng của Người không đưa họ tới đức tin và Thiên Chúa, vào Nước Trời. Họ chỉ mong được có phép lạ. Vì họ chỉ mong được lợi lộc vật chất: được khỏi bệnh; được ăn no. Mong ước của họ không gặp được mong ước của Chúa.

          Dân chúng Galilê tin vào Thiên Chúa và mong đợi Đấng Messia. Thiên kiến làm mờ mắt họ, không nhận ra Chúa Giêsu đến thành toàn niềm tin và mong đợi của họ. Vậy mà chúng ta biết rằng tiến trình của đức tin luôn luôn vấp phải những bất ngờ khiến người ta bối rối. Đức tin sống động không ưa thứ tư tưởng đặt thành hệ thống và những việc làm theo thói quen máy móc. Thanh luyện tâm trí, chuẩn bị tâm trí sẵn sàng nghênh tiếp Thiên Chúa là một trong những yêu cầu chủ yếu của sự tiến bộ trong đức tin.

          Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình. Vợ chồng cần có nhau để bổ túc và mang lại hạnh phúc cho nhau. Con cái cần đến cha mẹ để nương nhờ cậy trông. Hàng xóm cần đến nhau để "tốt lửa tắt đèn có nhau". Và một khi đã nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình, thì hãy sống tôn trọng và kính trọng lẫn nhau, để cùng nhau xây dựng cuộc sống cho nhau những niềm vui và hạnh phúc.

 

Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm lẻ

Dt 11, 32-40; Mc 5, 1-20

MẠNH DẠN ĐỂ CHIẾN ĐẤU VỚI MA QUỶ

          Qua trang Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô cho chúng ta thấy sức mạnh, quyền năng và lòng xót thương của Thiên Chúa đã chiến thắng trên ma quỷ và giải thoát con người khỏi sự giam hãm của chúng.

          Một chàng thanh niên bao năm bị quỷ thần điều khiển, hành hạ. Mang thân xác, hình hài con người nhưng anh bị dân làng, bà con lối xóm xa lánh, trốn chạy chỉ vì anh là quỷ, là ma với một lối sống sinh hoạt khác người như sống trên núi đồi, nơi mồ mả, miệng la hét, tự đập đầu... và không gông cùm, xích xiềng nào có thể giam hãm anh ta lại (Mc 5, 3-6). Nhưng may mắn và phúc lành cho anh, hôm nay Chúa Giêsu tình thương chính là Người đã giải thoát anh khỏi ách thống trị của ma quỷ và cho anh được tự do hòa nhập lại với cuộc sống dân làng.

          Quỷ ô uế làm cho anh ra thân tàn ma dại: anh lang thang nơi mồ mả; anh hung dữ đến độ xiềng xích anh cũng bẻ gãy; anh “tru tréo và lấy đá rạch mình”. Thế  nhưng, Chúa đã dùng quyền năng giải cứu anh khỏi ách thống trị của quỷ. Ai có cảm nghiệm được nỗi thống khổ của anh thì mới hiểu được niềm hạnh phúc của anh khi được giải thoát. Và nhất là hiểu niềm tri ân sâu xa của anh muốn đi theo Ngài để đền ơn cứu mạng. Thế mà lạ thay, Chúa lại nói anh trở về với thân quyến, nhưng lần này trở về như một con người mới và với sứ mạng loan báo cho người thân của mình biết quyền năng Chúa và lòng thương xót của Ngài.

          Chúa Giêsu đã giải thoát anh khỏi sự thống trị của thần ô uế để anh ta có thể trở về với đời sống cộng đoàn. Hành động trừ quỷ của Chúa Giêsu nói lên lòng xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài không nỡ để con cái mình bị trói buộc bởi thế lực của bóng tối, nhưng muốn dẫn họ tới nguồn ánh sáng và tự do. Tuy nhiên, chứng kiến những việc Chúa Giêsu đã làm, dân thành Ghêrasa lại xin Chúa rời khỏi vùng đất của họ, vì họ cho rằng sự xuất hiện của Chúa làm thiệt hại tài sản và khuấy động nếp sống yên ổn trong dân.

          Sau khi được trừ quỷ, Chúa muốn người này trở về nhà với thân nhân và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh và Người đã thương xót anh như thế nào. Đối với người này thì Chúa bảo ở lại với thân nhân, còn đối với người khác Chúa lại dạy hãy đi theo Người.

          Trong Hội Thánh hiệp nhất và hiệp thông, mỗi người được Chúa trù liệu cho một nhiệm vụ. Nhưng dù đó là nhiệm vụ gì thì cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta thuật lại cho những người xung quanh biết Chúa đã thương xót mình như thế nào.

          Thế gian, ma quỷ và xác thịt là ba kẻ thù lớn nhất ngăn cản người Kitô hữu chúng ta trên con đường tiến lên hoàn trọn như Cha của chúng ta là Đấng hoàn trọn. Bộ ba kẻ thù này luôn rảo quanh, rình rập và tìm mọi cơ hội để kéo chúng ta xa khỏi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng bất chấp, không vị nể bất cứ ai, dù người đó là thánh thiện, dù người đó đạo đức, dù người đó là bậc tu hành hay dù người đó có lý chí vững vàng... chúng cũng không buông tha. Bộ ba kẻ thù này như ma lực trực chờ ta sơ hở kéo ta sa vào đường tội lỗi. Vậy làm thế nào để người Kitô hữu có thể tự giải thoát mình khỏi những sự kìm kẹp này? Không gì khác hơn là tin vào sức mạnh, quyền năng và lòng xót thương của Thiên Chúa. Đồng thời chúng ta khiêm nhường thống hối, trung thành với lời cầu nguyện và năng lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa.

          Ma quỉ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỉ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.

          Tuy vậy, hành động đi bước trước của Chúa Giêsu đem lại hai thái độ đáp trả hoàn toàn khác nhau. Nếu như chàng thanh niên được giải thoát khỏi ma quỷ, anh muốn được ở với Người (Mc 5, 18) hay anh mạnh dạn ra đi rao truyền tất cả những gì mà Người đã làm cho anh (Mc 5, 20). Trái lại, đám đông dân chúng khi biết Chúa Giêsu thực thi, giải thoát cho anh, họ lại “đuổi khéo” Người.

          Thay vì được chứng kiến một phép lạ cả thể như thế, họ sẽ hân hoan vui mừng mời Ngài ở lại với họ. Nhưng tất cả là không, họ đã quen thuộc với những việc làm của chàng thanh niên, những hành động kỳ quái của ma quỷ. Thay vì phải khước từ quyền lực của quỷ ma, dân làng lại chối từ Đấng có sức mạnh trên ma quỷ (Mc 5,17). Hai thái độ, hai hành vi đáp trả hoàn toàn trái ngược. Chàng thanh niên được giải thoát khỏi ma quỷ đã thành tâm, khiêm tốn đón nhận lòng xót thương và thực sự đã trở nên chứng nhân của lòng thương xót (Mc 5, 20). Đám đông, dân làng khép mình, đóng cửa và trốn chạy khỏi Đấng xót thương.

          Trên con đường nhân đức tiến về quê hương Nước Trời, đôi khi chúng ta cũng mang tâm tưởng của đám đông. Chúng ta bám víu, níu kéo những thực tại trần gian như quyền lực, lợi lộc, danh vọng... mà không dám mạnh dạn nói không với “ba thù” để rồi đời sống đức tin của người con cái Chúa bị chao đảo, khủng hoảng khi phải đối diện với những nghịch cảnh, bệnh tật, đâu khổ, khó khăn và tội lỗi...

          Chúa vẫn đứng đó mời gọi, mong chờ sự tự do đáp trả của mỗi người để có thể bước vào cuộc đời của họ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện tại, vẫn còn có những người khước từ lời mời gọi yêu thương của Chúa vì đắm chìm trong những đam mê, vì sợ hy sinh hoặc vì không thể từ bỏ cái tôi cũng như ý riêng của mình.

          Ước mong sao chúng ta luôn biết năng nhận Bí Tích Giao Hòa để lắng nghe và đón nhận lòng nhân từ từ nơi Cha Nhân Lành để rồi mạnh dạn ra đi, rao truyền về tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa cho anh chị em đang sống xung quanh chúng ta.

 

 

Thứ Năm Mùa Thường Niên 

Mùng 3 Tết Kỷ Hợi

Dt 12, 18-19. 21-24; Mc 6, 7-13

TRAO VÀO TAY CHÚA CÔNG VIỆC CỦA MÌNH

          Có người nghĩ rằng công việc là do bàn tay lao động của mình. Trí óc là do khả năng tích lũy của mình. Đất đai tự nó tốt, tự nó có mầu có mỡ. Không, Giáo Hội là người Mẹ hiền luôn nhìn thấy những gì do mình, điều gì do Chúa. Chính vì vậy, giữa bôn ba của cuộc đời, giữa những ngày vui chơi ăn tết, con người vì vẻ bề ngoài, vì lao mình vào các thú vui, vì say xưa chè chén, họ sao nhãng việc thiêng liêng, quên đi " Làm bởi bay, ban bởi Ta ". Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày mồng ba tết để xin Chúa thánh hóa ruộng vườn, mùa màng, cây cối và xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Thánh Phaolô đã viết một câu mạnh mẽ nhưng hoàn toàn hợp lý:" Không làm việc thì đừng ăn ", na ná như câu:" Đừng nằm chờ sung rụng "...

          Để được Chúa thánh hóa công ăn việc làm, con người phải biết tùy theo khả năng siêng năng, lanh lẹ làm cho của cải sinh hoa kết quả tốt. Con người phải hiểu rằng Chúa đến trong thế giới, nhận một gia đình để được sinh ra và để sống là vì Chúa đem lại cho lao động, cho cuộc sống một giá trị, một ý nghĩa hoàn toàn mới. Chúa nâng đời sống lao động và thánh hoá đời sống lao động, Chúa làm gương về đời sống phục vụ, mỗi giọt mồ hôi, mỗi sự mệt mỏi trong lao động của Chúa Giêsu đều mặc một giá trị cứu rỗi.Con người luôn phải ý thức lời Kinh Thánh viết, hướng dẫn và chỉ bảo:" Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt, còn vun còn trồng; bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên" hoặc: " bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi" (Tv 64, 2).

          Mọi sự trên thế gian này là của Chúa, nhưng Ngài muốn cho con người quản trị, đổi mới và làm cho phong phú thêm. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, còn chúng ta là nguyên nhân đệ nhị của vũ trụ. Ngay sự quan phòng hằng ngày của Thiên Chúa trên vạn vật cũng là một cuộc sáng tạo không ngừng. Chúng ta là nguyên nhân đệ nhị và chỉ có thể góp phần vào với nguyên nhân đệ nhất. 

          Lao động là hoạt động đặc thù của con người, giúp con người tạo ra của cải vật chất và tinh thần, góp phần phát triển khoa học, văn hóa và đạo đức. Vì vậy, lao động mang một ý nghĩa lớn đối với đời sống con người.

          Chính Chúa Giêsu là một người lao động. Ngài làm nghề thợ mộc tại làng Nazareth, một nghề tầm thường trong xã hội bấy giờ, để dễ dàng gần gũi với người lao động nghèo. Tin Mừng của Ngài là "Tin Mừng của lao động", vì người rao giảng Tin Mừng ấy chính là một người lao động. ngài thuộc về thế giới lao động, ưa chuộng lao động, tôn trọng sự lao động của con người. Trong lời giảng của Ngài ta thấy toát lên chân lý căn bản về vấn đề lao động, một chân lý đã được diễn tả trong tất cả truyền thống, ngay từ sách sáng thế.

          Thiên Chúa là chủ tể mọi loài mọi vật, con chúng ta là những tôi tớ của Ngài. Ngài trao cho mỗi người chúng ta những nén bạc là: đức tin, sức khỏe, tài năng, cơ hội, nghị lực, tiền của, ân nhân, nền giáo dục... Mỗi người được trao những nén bạc khác nhau, kẻ nhiều người ít, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta phải cố gắng hết mình để sinh lời tùy theo cuộc sống và hoàn cảnh của mỗi người. Chúng ta sử dụng tài năng, sức khỏe, tiền của, cơ hội Chúa ban để làm việc và tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội hầu làm vinh danh Chúa và mang lại lợi ích cho tha nhân.

          Chương đầu của sách Sáng thế, ta thấy Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người "giống hình ảnh Ngài" (St 1, 26). Các nhà chú giải Thánh kinh cho rằng loài người giống Thiên Chúa nhờ sự thông minh và tự do, giống Thiên Chúa ở điểm loài người có uy quyền bá chủ trên vạn vật:"Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu" (St 1, 26).

          Như vậy, theo nghĩa chung, lao động tinh thần hay vật chất đều mang ý nghĩa trọng đại:"cộng tác vào việc sáng tạo" của Thiên Chúa. Giữa ý niệm lao động và giáo thuyết về sáng tạo có một tương liên mật thiết.

          Gương mẫu và giáo huấn của Chúa Giêsu đã ảnh hưởng tới các môn đệ theo Ngài, đặc biệt là thánh Phaolô. Thánh nhân không ngừng nêu gương và khuyên nhủ các tín hữu về giá trị của lao động. Khi ngỏ lới các kỳ mục ở Êphêsô, thánh Phaolô nói: "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20, 34-35). Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, thánh nhân khẳng định: "Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em"(2Tx 3, 8) hay ngài chỉ thị "ai không chịu làm thì cũng đừng ăn" (2Tx 3,10).

          Tất cả chúng ta là những người lao động. Hằng ngày chúng ta vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên đồng ruộng, vất vả trong các nhà máy, miệt mài với những trang sách, tất bật ngược xuôi ngoài chợ. Đó là vinh dự cũng là một trách nhiệm Thiên Chúa trao cho chúng ta để cộng tác với Ngài trong việc xây dựng thế giới này.

           Năm mới này, chúng ta phải quyết tâm bắt chước người đầy tớ thứ nhất và thứ hai trong dụ ngôn, cố gắng làm việc tốt để sinh lời từ "nén bạc" Chúa trao. Muốn vậy, chúng ta phải sử dụng những ơn riêng như lời khuyên của thánh Phêrô: "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (1Pr 4,10-11).

          Đồng thời chúng ta cũng quyết tâm xóa bỏ tư tưởng biếng nhác, nghi ngờ của người đầy tớ thứ ba để luôn làm việc theo tinh thần Tin Mừng. "Bất cứ làm việc gì, chúng ta làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời, vì biết rằng chúng ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người ". (x.Cl 3,23-24)

          Chúa đã thánh hóa công ăn việc làm do tự lòng tin của chúng ta. Đọc Kinh Tiền Tụng chúng ta nhận ra rằng:" Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Chúa còn sai Con một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện công trình cứu độ muôn dân ". Chúa đã lao động để làm gương cho nhân loại, cho con người. Chúa giúp con người làm việc làm ra cơm áo và hơn nữa để xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế.

           Với người môn đệ Chúa lao động trí óc hay chân tay đều do quyền Chúa. Ngài có chúc lành, có ban ơn thì công việc mới tốt lành được. Chúa Giêsu cũng đã làm việc và làm việc không ngừng. Ngài đã làm việc để nêu gương cho nhân loại và để mang lại cho lao động ý nghĩa cao cả. Lao động đối với Ngài là lời tạ ơn, là cầu nguyện, là cứu độ, là nâng cao phẩm giá con người. Thánh Phaolô đã viết một câu thật chí lý:" Không làm thì đừng có ăn ".

          Không dừng lại ở đó việc làm và làm việc còn là cách thế để chúng ta bày tỏ lòng yêu mến biết ơn và sự tín trung của chúng ta với Chúa, và còn là để có điều kiện chúng ta thực thi đức bác ái. Thánh Phaolô còn nhắc cho chúng ta một thái độ làm việc khác quan trọng hơn là làm ăn tìm kiếm của cải vật chất để giúp tự mình nuôi sống bản thân, làm tăng phẩm giá con người và còn là để chia sẻ giúp đỡ những người thiếu thốn vì: Cho thì có phúc hơn là nhận. Mỗi người đã nhận lãnh nhận rất nhiều từ Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải biết rộng mở đôi tay để cho đi và chia sẻ.

          Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Ngài điều khiển mọi loài. Ngài là Đấng cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Ngài là Đấng ban lại cho chúng ta sự thành công trong công việc mà thánh vương Đa-vít đã từng nói: "Nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công".

          Tất cả là hồng ân. Thiên Chúa luôn tưới gội hồng ân của Ngài xuống trên con người. Thiên Chúa luôn làm biết bao việc kỳ diệu cho con người. Con người chỉ là loài thụ tạo được thừa hưởng muôn ơn lộc Chúa ban mà thôi.

          Hôm nay, ngày xin ơn thánh hoá công ăn việc làm, chúng ta hướng về Cha trên trời, là Đấng làm chủ mọi loài, là Đấng quan phòng kỳ diệu, xin Chúa chúc lành cho chúng ta một năm bình an hạnh phúc, một năm an khang thịnh vượng. Chúng ta dâng lên Chúa những ưu tư hoài bão của chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho một năm "mưa thuận gió hòa", mùa màng trĩu hạt. Xin Chúa là Đấng quyền năng chúc lành cho công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Thường Niên 

Dt 13, 1-8; Mc 6, 14-29

THÂN PHẬN NGƯỜI NGÔN SỨ

          Ngôn Sứ là những người thay mặt Chúa, thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa cho dân; sứ mệnh của các ngài chính là việc dạy dỗ, khuyên răn dân đi theo đường lối của Thiên Chúa để được sống; đồng thời, lên tiếng tố cáo những việc làm sai trái mà dân đang thực hiện. Mặt khác, các ngài cũng không quên một nhiệm vụ quan trọng, đó là nhắc dân từ bỏ con đường bất chính gian tà để trở về với Thiên Chúa. Chính vì thế, các ngài thường bị dân chúng giết chết để khỏi trướng tai gai mắt họ.        

          Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cái chết anh dũng của thánh Gioan Tẩy giả. Ngài đã bị trảm quyết vì đã dám lên tiếng tố cáo cuộc sống vô luân của vua Hêrôđê, là người đã bỏ vợ để lấy vợ của anh cùng cha khác mẹ của mình. Mang trong mình sứ mệnh răn bảo, sửa dạy, và kêu mời dân chúng hoán cải, từ bỏ lối sống tội lỗi để trở về đường ngay nẻo chính, Gioan không thể làm ngơ trước cuộc sống vô luân có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và luân lý của toàn dân. Khi tố cáo cuộc sống tội lỗi của Hêrôđê, Gioan không chỉ tố cáo tội lỗi của một cá nhân, mà còn cảnh cáo giới lãnh đạo thời đó đã vì địa vị, danh vọng, mà để mặc cho bất công ngự trị, tung hoành.

          Hêrôđê là một con người tha hóa, nhu nhược. Bà Hêrôđia là một con người thời cơ lợi dụng, âm mưu và tội lỗi. Con gái bà Hêrôđia là người không có phán đoán, sống theo hưởng thụ và sẵn sàng cộng tác vào những điều bất chính.

          Hêrôđê thì cho rằng Chúa Giêsu là ông Gioan đã trỗi dậy. Xuất phát từ một cuộc sống bất an và một lương tâm bị giày vò mà Hêrôđê có suy nghĩ như vậy. Hêrôđê biết rõ Gioan là một vị ngôn sứ, là người của Thiên Chúa, là người công chính thánh thiện. Nhà vua nể sợ vị ngôn sứ và thích nghe ngài mặc dù có phân vân. Hêrôđê đã tống giam Gioan để mình được tự do với những ham mê dục vọng của bản thân, nhưng đồng thời chính Hêrôđê cũng bị giam hãm trong các thói hư tật xấu và như thế Hêrôđê mới chính là kẻ tù tội thật sự. Gioan đã không thể không tố cáo tội lỗi của Hêrôđê vì vua đã không xứng đáng với nhiệm vụ lãnh đạo của mình.

          Khi Gioan tố cáo Hêrôđê, thì đồng nghĩa với việc ông lên tiếng phản đối cả một hệ thống lãnh đạo suy đồi khi cùng với vua hưởng lạc trong lúc chứng kiến con gái bà Hêrôđia múa hát để chiêu mộ lòng vua !

Sự thật thì mất lòng! Gian dối lên ngôi! Tội lỗi hoành hành! Và, nhất là một con người nhu nhược, không có lập trường như Hêrôđê, Gioan đã bị giết dưới lưỡi gươm của tội lỗi!

          Thánh Gioan đã chu toàn sứ mạng của mình cách trọn hảo. Ngài đã dám sống và dám đánh đổi ngay cả mạng sống mình để trung thành với sứ mạng làm chứng cho sự thật dù phải thiệt thân. Dung mạo của Gioan loan báo trước dung mạo của Chúa Giêsu, đến nỗi khi Chúa Giêsu đến vua Hêrôđê tưởng rằng ông đã sống lại. Ước gì đây là khuôn vàng thước ngọc cho người Kitô hữu chúng ta trong cuộc sống hiện tại để dám sống và trung thành bảo vệ chân lý Tin Mừng như Gioan dù có thể bị oán ghét, thiệt thòi.

          Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.

          Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu.

          Thực ra, việc đề cập đến cái chết của Gioan Tẩy Giả là có dụng ý của thánh sử. Số mạng củaGioan Tẩy Giả báo trước số mạng của Chúa Giêsu cũng như định mệnh các môn đệ của Ngài. Con đường làm chứng cho Tin mừng Nước Thiên Chúa là con đường chông gai, đau khổ, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

          Con người ngày nay quá say mê với danh vọng, vật chất thế gian mà sẵn sàng chà đạp lên sự thật, công lý. Chính lối sống đó đã đẩy người ta vào tình trạng sa đọa và chết chóc muôn đời. Ngược lại, nếu ta dân thấn vì Tin mừng cho đến độ có thể phải mất mạng sống mình như Gioan Tẩy Giả và các môn đệ xưa kia, thì ta sẽ được chỗi dậy với Chúa cho một đời sống mới. 

          Sứ mạng của Gioan được nhấn mạnh qua chi tiết đã được thân phụ là Giacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho Gioan: “Con là tiên tri của Đấng Tối Cao. Gioan đi trước dọn đường cho Chúa”. Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn cách tốt đẹp. Không những Gioan dọn đường cho Chúa đến bằng sự rao giảng ăn năn thống hối, nhưng còn bằng chính cái chết của mình nữa. Chết vì trung thành với sự thật và cái chết của Gioan đã ám chỉ đến cái chết của Chúa Giêsu. Gioan chu toàn sứ mạng của mình một cách trọn hảo. Dung mạo của Gioan loan báo trước dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu đến, vua Hêrôđê tưởng rằng hiện thân của Gioan sống lại. Đây cũng là bài học đáng chúng ta suy nghĩ về hành động chân thực bảo vệ chân lý đức tin của Gioan.

          Tất cả những cách sống của những nhân vật như: Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả, Hêrôđê, bà Hêrôđia và con gái bà, chúng ta có thể thấy rất nhiều trong môi trường ngày nay, và đôi khi cũng là chính khuôn mặt của chúng ta.

          Vua Hêrôđê và bà Hêrôđia đều đã hành động bất công theo bản năng hơn là tinh thần: Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, phụ tình với chồng, tìm cách giết Gioan; còn vua Hêrôđê, một con người ngoan cố, dám làm nghịch lại với lương tâm mình vì quyền hành và danh vọng. Mặc dù ông vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí: ông biết rằng không nên sống với người đàn bà không phải là vợ mình; ông biết rằng không nên chiều theo những ước lệ của bạn bè; ông biết rõ không được giết người, vì sự sống con người là thánh thiêng. Nhưng ông đã làm những điều xấu đó, ông đã làm nghịch lại lương tâm vì áp lực xã hội.

          Hãy để cho chân lý của Tin Mừng đi sâu vào tâm hồn và đời sống gia đình. Gia đình chúng ta hãy siêng năng đọc sống và sống Lời Chúa dạy, sống hòa thuận yêu thương nhau, mọi người biết tôn trọng nhau, phục vụ nhau, sống chân thành với nhau, và biết từ bỏ những thái độ xấu của bản thân, chẳng hạn như sống giả dối, lường gạt, làm ăn phi pháp, …

          Sống và làm chứng cho Phúc âm không chỉ mang lại ơn ích cho gia đình, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các gia đình xung quanh, qua đời sống bác ái yêu thương của mỗi gia đình. 

          Ta hãy kiểm điểm lại thái độ sống, nhất là về lời nói và việc làm của chúng ta có trình bày cho anh em xung quanh nhận ra Chúa Kitô hay không? Chúng ta đã sống mệnh lệnh của Chúa: “Chúng con hãy làm chứng về Ta”. Đó là mệnh lệnh Chúa Giêsu trao ban cho các Tông đồ, cho mỗi người đồ đệ của Chúa. Chúng ta đã thực hiện điều này đến mức nào? Thánh Phaolô đã thực hiện điều này và ngài ra lệnh: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô”.

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Thường Niên 

Dt 13, 15-17, 20-21; Mc 6, 30-34

LÒNG CHẠNH THƯƠNG   

         

           Thầy Giêsu nhìn thấy những vất vả, nhọc nhằn vẫn còn in trên khuôn mặt các đồ đệ của mình và quan trọng hơn nữa: Ngài muốn các môn sinh có thời gian nghỉ ngơi phần xác, giống như sau sáu ngày làm việc Thiên Chúa đã nghỉ ngơi. Còn về phần hồn, thì “các trò” có giờ nghiền ngẫm lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho người trần qua bàn tay và tiếng nói của họ. Vì thế, Chúa mới ân cần nói: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

          Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.( Mc 6, 31- 32).

          Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng vì “Họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Họ không được qui tụ trong một đàn, họ tản mác, họ tự lo kiếm ăn và họ tự bảo vệ lấy mình. Họ không có bình an, hạnh phúc. Chúa Giêsu thương họ, Người muốn qui tụ họ. Nhưng trước hết, Người dạy dỗ họ nhiều điều. Chắc có lẽ Chúa Giêsu sẽ dạy họ về sự đoàn kết, về việc phải quy tụ nhau lại thành một.

          Và rồi Tin Mừng lại trình bày tiếp: “ Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Rõ ràng, tình yêu của Thiên Chúa không dừng nơi sự mệt nhọc thể lý của con người mà lại tiếp tục nhân rộng tình thương đến vô tận. “Chạnh lòng thương” ở đây không còn là từ ngữ nữa, nhưng là cái đụng chạm đến con tim, một con tim của Thiên Chúa đã vì yêu thương xuống thế làm người, ở với con người, dạy dỗ con người để cứu độ con người. Hỏi trên đời này, có ai quan tâm đến chúng ta hơn Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc chúng ta không? Và đã có bao nhiêu người để ý tới điều đó để nhận ra cả cuộc đời mình đều là hồng ân của Chúa.

          Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô đã liên kết dân Do Thái và dân ngoại thành một.” Bức tường ngăn cách là sự thù ghét bị phá đổ. Không còn thù ghét thì trước hết phải có lòng yêu thương, rồi tha thứ cho nhau, để dẫn đến sự bình an. Chúng ta có thể liên kết với nhau, có thể tha thứ cho nhau vì chúng ta nhận biết và được sống trong Tình Yêu của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chính trong Người, chúng ta được hòa giải với nhau và với Chúa. Có nghĩa là, chúng ta ra sức làm cho nhau có sự bình an, hạnh phúc. Điều đó chỉ có thể có được khi chúng ta biết yêu thương, biết làm điều tốt cho nhau. Hay nói một cách khác, nhờ cuộc sống yêu thương, chúng ta nhận ra chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới có sự bình an. Từ cuộc sống yêu thương, chúng ta loan báo sự bình an trong Chúa Giêsu. Ta thấy Chúa Giêsu đã dạy dỗ họ nhiều điều, trong đó có cả cách sống với nhau để đem lại cho nhau sự bình an, mà cốt lõi phải có Tình Yêu Thương nhau.

          Nhìn vào xã hội ngày hôm nay, thái độ sống vô cảm với nhau ngày một gia tăng, không còn tấm lòng nhạy bén trước hoàn cảnh của tha nhân, chỉ sống có biết mình và cho mình mà thôi… Có lẽ cũng vì lý do này mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở Năm Thánh lòng thương xót chăng? Với cương vị là Mục tử tối cao của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm nhận cũng như thấy được cách sống của con người xã hội ngày hôm nay khi sống với nhau. Cũng vì thế, mà người luôn kêu gọi mọi người hãy sống vì tình thương yêu đối với toàn thể vũ trụ như: bảo vệ môi trường, không khí, giúp đỡ người nghèo, người vô gia cư… và nhất là người cũng luôn kêu mời chúng ta hãy có một tấm lòng thương xót và yêu thương nhau.

          Vì thế, trước lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta hãy sống noi gương Chúa Giêsu là luôn biết rung cảm trước những hoàn cảnh của tha nhân khi chúng ta có cơ hội gặp gỡ; có như thế, chúng ta mới giúp nhau sống hạnh phúc và khi mọi người hạnh phúc, thì chính chúng ta cũng hạnh phúc.

          Người mục tử thực sự phải có một trái tim nồng nàn và cái nhìn xuyên suốt. “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương.” (Mc 6, 34) Trái tim Người không thể nghỉ yên bao lâu đám đông còn chìm trong cảnh thương tâm vì lầm lạc, nô lệ, tội lỗi. Người biết rõ tất cả chỉ vì thiếu một khuôn mặt lãnh đạo, nghĩa là không có ai đủ khả năng vạch ra một đường hướng mới cho dân tộc và nhân loại. Người biết rất rõ nhu cầu đám đông, nên Người càng muốn hi sinh tất cả cho quần chúng.

          Chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hi sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10, 14-15) Từ khi Chúa Giêsu xuất hiện, bầy chiên thực sự đã có người chăn dắt, không còn lo lạc đàn và bị lâm nguy vì sói dữ nữa. Tất cả nhờ sự hi sinh lớn lao của người chủ chiên là Chúa Giêsu.

          Muốn trở thành chủ chiên như Chúa Giêsu, các Tông đồ cũng phải có một tâm hồn và cái nhìn như Chúa Giêsu. Nhưng nếu thực sự muốn thế, các ông phải biết lánh xa quần chúng.

          Thật là diệu kỳ. Người lãnh đạo ở một vị trí vừa gần vừa xa quần chúng mới đạt được mục đích lớn lao. Quá lánh xa không thể hiểu quần chúng. Quá gần không thể thấy được vấn đề vì những ồn ào đám đông. Bởi thế, trong khi các ông hí hửng báo cáo “cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”, thì “Người bảo các ông: ‘Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’.” (Mc 6, 30-31) Các ông hiểu ý nên “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6, 32) Thầy trò đều muốn có những giây phút thoải mái nghỉ ngơi và bồi dưỡng trước khi tiếp tục công tác. Chắc chắn trong nơi hoang vắng đó, Thày trò có thể cầu nguyện dễ dàng. Các Tông đồ cũng có thể đón nghe những mạc khải mới. Nhờ đó tâm hồn và trí óc có thể sáng suốt hơn, phục vụ đắc lực hơn.

          Sau khi dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu và ở lại với Người, Người đã dạy dỗ họ nhiều điều và chăm sóc họ bằng của ăn thể xác lẫn tinh thần. Vâng, Chúa Giêsu không những trao ban của ăn tinh thần mà còn trao ban của ăn nuôi thể xác con người ở mọi thời đại. Trong xã hội hôm nay, nhiều nơi còn thiếu thốn rất nhiều của ăn thể xác lẫn của ăn tinh thần, nhưng hầu như thời đại hôm nay của ăn tinh thần thiếu thốn một cách trầm trọng hơn. Vì lẽ đó mà Chúa Giêsu luôn kêu gọi các tông đồ hãy trở nên những nhà chăm sóc tinh thần, mà cả của ăn thể xác nữa.

          Ước gì mọi mục tử – là những người muốn noi gương Chúa Giêsu một cách đặc biệt và triệt để hơn những Kitô hữu bình thường khác – cũng có khả năng "chạnh lòng thương" trước những nỗi cùng khốn của những "con chiên" mình chăn dắt. "Chạnh lòng thương" để sẵn sàng hy sinh cho họ: chẳng hạn hy sinh giấc nghỉ trưa, giờ đọc kinh nguyện, thậm chí cả giờ nghỉ đêm… khi họ cần mình giúp đỡ.

 

 

huệ minh- February 14, 2019