dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Thần Đô Huyền Nhiệm
 
 
Phần Thứ Hai
CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI
 
<<<    

 

29. TỪ NÚI TABÔRÊ ĐẾN LỄ RƯỚC LÁ

Đã hơn hai năm rưỡi rồi, Chúa Giêsu thi hành sứ mạng của Ngài, bằng lời giảng dậy và bằng phép lạ. Nay đã gần tới thời giờ Ngài phải nộp mình chịu chết và trở về với Cha Ngài. Ngài quyết định cho các tông đồ được nhìn thấy Thân Xác Ngài biến hình vinh quang trước khi bị bọn đao phủ làm mất dạng, để niềm tin của các vị không bị lung lay khi thấy Thầy mình tử nạn. Cuộc biến hình vinh quang này xảy ra tại núi Tabôrê, cách Naxarét hai dặm, y như Phúc Âm đã thuật lại. Gương mặt Chúa giãi sáng như mặt trời, y phục Ngài trắng hơn tuyết, toả rạng ngời ánh sáng.

Nhưng có một điều Phúc Âm không nói đến là: lúc một vài thiên thần đi tìm ông Maisen và ông 'lia để làm chứng nhân cho cuộc hiển vinh đó, các thiên thần cũng đi rước Mẹ Maria lên núi Tabôrê. Chúa Giêsu yêu mến Mẹ Ngài lắm, không thể để Mẹ không được dự vào cuộc biến hình này, một cuộc biến hình không những xứng với vẻ cao trọng khôn tả của Mẹ, mà còn xứng với Mẹ đồng công vào cuộc Tử Nạn Cứu Chuộc của Chúa. Mẹ vượt trên các chứng nhân của cuộc biến hình về cao trọng và công nghiệp, Mẹ cũng vượt cao trên họ về cách nhận thức mầu nhiệm này. Không những Mẹ nhìn thấy Nhân Tính biến hình của Chúa Giêsu Kitô, mà Mẹ còn nhìn thấy cả Thần Tính của Ngài, trong suốt cuộc biến hình lạ lùng ấy nữa. Mẹ nhìn mà không sợ hãi như các tông đồ, nhưng với một lòng thán phục bình thản và khoái thú. Ngoài ra, nhiều lần khác, Mẹ đã từng nhìn thấy Thể Xác Con chí thánh Mẹ giãi chiếu ánh huy hoàng của Linh Hồn Ngài. Nhưng hiệu quả cuộc Chúa biến hình lần này sinh ra trong Mẹ còn lớn lao hơn nữa. Khi ra khỏi cuộc chiêm ngắm này, Mẹ hoàn toàn bừng cháy tình yêu, hoàn toàn nên như Thiên Chúa, và Mẹ vẫn duy trì y nguyên hình ảnh sống động của quang cảnh đó suốt những ngày còn lại của Mẹ ở đời này.

Sau cuộc Chúa biến hình bồi dưỡng thêm này, Mẹ lại được rước về nhà Naxarét. Nơi đây, Chúa Giêsu đến gặp lại Mẹ ngay, nhưng Chúa ở lại nhà ít thời gian thôi, vì lễ Vượt Qua đã gần đến. Trước khi từ biệt ngôi nhà đáng tôn kính này lần cuối cùng, Chúa cảm tạ Chúa Cha đã ban hữu thể nhân loại cho Ngài, và dâng lại cho Thiên Chúa để cứu rỗi loài người. Ngài thưa lên: "Con hân hoan sắp làm thoả nguyện phép công bình của Cha, và hoà giải con cháu Adong với Cha. Con sắp sửa đi dựng cờ Thánh Giá, để những ai yêu mến nhân đức sẽ chiến đấu dưới bóng cờ này".

Mẹ Maria nhìn thấy trong Linh Hồn Chúa Giêsu, như trong một tấm gương, tất cả tâm tình của Chúa, và đem hết tâm hồn hợp nhất với những tâm tình ấy. Mẹ cũng nối tiếp thưa lên với Thiên Chúa rằng: "Lạy Thiên Chúa toàn năng, con cảm tạ Chúa vì ngay ở đời này, Chúa đã nâng con lên tới chức làm Mẹ của Con Chúa, đã ban tràn ngập cho con nhiều ân sủng khi con được cùng sống với Ngài, trong suốt ba mươi năm. Con sắp đi tham dự vào lễ hi sinh mạng sống của Ngài. Ước chi một mình con được chịu tất cả những đau khổ đang chờ đón Ngài". Dâng kinh nguyện ấy xong, Mẹ và Chúa cùng nói với nhau nhiều chuyện. Trong cuộc chuyện vãn này, đau khổ và hứng vui đã pha lẫn với những lời Mẹ than vãn rất thiết tha, vì Mẹ không thể ngăn cản được cuộc Tử Nạn của Chúa, và không được chết cùng với Chúa.

Mang đầy những tâm tình đó, Chúa và Mẹ rời Naxarét để đi Giêrusalem. Hồi này, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ lẫy lừng hơn những phép lạ đã làm trước, khi đi qua xứ Giuđêa. Mẹ Maria đôi khi mới rời xa Chúa để làm một vài công việc đặc biệt, nhưng lúc đó lại có ông Gioan ở liền bên Mẹ, thấu hiểu được những mầu nhiệm cao cả giấu ẩn trong Trái Tim Mẹ. Trong những ngày sau cùng của Chúa, noi theo gương Chúa, Mẹ ban nhiều ân huệ cho loài người: cải hoá các tội nhân, chữa lành các bệnh nhân, cứu trợ những người nghèo khó và đau khổ. Nhưng vì luôn bừng cháy một tình yêu cực lực đối với Con của Mẹ, nên Mẹ cảm thấy một nỗi đau buồn buốt nhói vì phải xa cách mặt Ngài, và một khát vọng nóng bỏng được gặp lại Chúa, đến nỗi khi Chúa chậm trở về với Mẹ hơn thường, Mẹ đã bị ngất xỉu. Về phía Chúa Giêsu, Chúa cũng thoả nguyện với những tâm tình của Mẹ, nên Chúa không thể xa lìa Mẹ lâu được. Ngoài ra, trong linh hồn vô nhiễm mĩ lệ và rạng ngời của Mẹ, Chúa còn tìm được một xoa dịu rất quý báu cho những đau khổ Ngài chịu trong Thân Xác.

Chính vào thời gian này, Chúa Giêsu phục sinh cho Laxarô tại Bêtania, nơi Chúa dừng lại sáu ngày trước lễ Vượt Qua. Trong bữa tiệc dọn đãi Chúa, Maria Mađalêna đã chứng tỏ lòng quảng đại tôn kính Ngài theo cách của bà sáng nghĩ. Bà tưới trên chân Chúa một thứ hương thơm cao giá, rồi lấy tóc mà lau. Bà lại đập vỡ luôn cả chiếc bình bằng bạch ngọc đựng hương thơm ấy mà đổ hết những giọt cuối cùng trên đầu Đấng Thương Xót cứu chuộc bà, như bà đã làm khi mới trở lại.

Tên Giuđa tham lam lớn tiếng chỉ trích bà: "Làm cái gì mà phung phí thế kia?" Khi Chúa Giêsu lên tiếng biện hộ cho bà, y chỉ trích luôn cả Chúa. Lòng đầy hờn giận và căm phẫn, y quyết tâm tìm cách hại cả mạng Thầy chí thánh mình. Rất buồn khổ vì tội ác quái gở đó, Mẹ Maria, ngay trong đêm ấy, đã gọi tên tội lỗi khốn nạn đó, dùng những lời hết sức cảm động và vừa khóc vừa tỏ cho y biết ý định ghê gớm của y, nài xin y hãy báo thù chính Mẹ, nếu y còn cố chấp gan lì trong mối hờn giận Chúa Giêsu. Mẹ lại đem tặng y nhiều tặng vật mà Mẹ nhận được của Mađalêna biếu Mẹ, với chủ ý ấy. Nhưng y không hề mềm lòng trước lòng nhân từ bao la của Mẹ, y càng sắt đá thêm ra, và thâm hiểm lặng im để chứng tỏ mối căm phẫn câm nín của y. Chưa thất vọng, Mẹ đầy tình thương còn đi tìm gặp Chúa Giêsu, vừa sấp mình xuống dưới chân Chúa vừa chan hoà nước mắt, Mẹ đem hết tình cảm thương nói với Chúa, làm cho Chúa cảm nghiệm được một an ủi rõ ràng trong nỗi buồn chí tử mà ác tâm sâu sắc của Giuđa đã gây ra cho Chúa.

Sau đó, theo thói quen, Mẹ ở lại với Chúa trong phòng nguyện, bắt chước Chúa cầu xin. Chúa phủ phục trước uy nhan Cha Ngài, và một lần nữa, với một tâm hồn nhẫn nhục tuyệt cao, chấp nhận chịu đau khổ và nhục nhã trong cuộc tử nạn để tôn vinh Cha Ngài và cứu rỗi nhân loại. Mẹ Maria cũng khóc với Chúa và Mẹ hợp nhất với lễ hi sinh Ngài dâng. Lễ dâng kép đôi ấy rất đẹp lòng Cha hằng hữu, nên trước lúc nửa đêm, Cha đã hiện ra dưới hình Người cùng với Chúa Thánh Thần và rất đông vô số thiên thần. Cha phán với Con Ngài: "Cha chấp nhận lễ hi sinh của Con, và bằng lòng thi hành phép công bằng nghiêm thẳng của Cha trên Con, để tha tội cho loài người. Và con nữa, hỡi Maria, Cha muốn con theo gương Cha mà trao nộp Con của con để cứu chuộc loài người". Mẹ trả lời: "Lạy Chúa, con chỉ là tro bụi, muôn nghìn lần chẳng đáng làm Mẹ của Con Chúa, con xin dâng Người cho Chúa và con xin dâng mình con cùng với Người. Con nài xin Chúa cho con được đau khổ như Người".

Thiên Chúa nâng cả hai Mẹ Con lên và đặt Ngôi Lời Nhập Thể trên ngai của Ngài và bên hữu Ngài. Nhìn thấy thế, Mẹ Maria hứng khởi một nguồn vui thánh thiện và lại được mặc một vẻ lộng lẫy thiên đàng. Mẹ đọc lên những câu đầu của thánh vịnh 109 thành một khúc hát cao quang. Thiên Chúa áp dụng vào Con Ngài những lời khác của thánh vịnh ấy. Bài bình giảng của Thiên Chúa gồm lại hai điểm chính là: tôn vinh Con Ngài và hạ nhục kẻ tội lỗi, cừu thù của Ngài xuống. Để làm đảm bảo và hình ảnh của cuộc vinh phong trong tương lai này, Ngài quyết định Chúa Giêsu phải vào đô thành Giêrusalem bằng một cuộc khải hoàn rạng rỡ như Thánh Kinh tiên báo. Trong phần đêm còn lại, Chúa Giêsu và Mẹ Ngài đã nối tiếp những cuộc hàn huyên thân thiết.

Buổi sáng một ngày nọ ứng với Chúa Nhật Lễ Lá sau này, Chúa Giêsu lên đường về Giêrusalem, có rất đông thiên thần tháp tùng ca ngợi tình thương của Ngài đối với nhân loại. Các thánh ký đã thuật lai cuộc đón tiếp tưng bừng mà mọi người say sưa hoan hô Chúa: "Vạn tuế Đức Vua nhân danh Chúa đến với chúng ta! Hoan hô con Vua Đavít!" Tuy nhiên, bề ngoài chẳng có gì tỏ ra xứng với một cuộc tung hô khải hoàn như thế. Chúa đến, cỡi trên một con lừa nhỏ, chẳng có gì lộng lẫy. Nhưng chính thánh ý Thiên Chúa đã muốn rằng, trong ngày hôm đó, tất cả các tâm hồn đều phải dâng cho Con Ngài một niềm tôn kính huy hoàng. Tại Bêtania, nơi Mẹ lưu ngụ, Mẹ nhìn thấy tất cả quang cảnh tưng bừng ấy, và nghe thấy tiếng Thiên Chúa Cha phán tỏ cho mọi người tham dự đều nghe hiểu được: "Cha đã tôn vinh Con rồi, Cha sẽ còn tôn vinh Con nữa".

Thiên Chúa cũng muốn cuộc khải hoàn này có một tầm mức rộng rãi khác thường. Ngài sai Đức Tổng Thần Micae đem tin đó xuống u ngục. Tại đây, các thánh được thấy tất cả những gì diễn biến tại Giêrusalem, các ngài hát lên nhiều ca vịnh mừng Chúa Cứu Chuộc chiến thắng tội lỗi, sự chết và hoả ngục. Ngoài ra, tất cả những người đã biết Chúa Giêsu bất cứ cách nào, không những ở Palestina, mà cả ở Aicập hay các nơi khác, đều được Thiên Chúa ban cho một ánh sáng, làm họ hân hoan và tăng thêm niềm tin và nhân đức của họ. Chúa cũng không để cho ngày vui đó phải nhuốm mầu tối tăm cái chết: không một ai chết trong ngày đó. Chúa cũng không cho phép ma quỷ thu được một lợi lộc nào trong suốt thời gian khải hoàn ấy, chúng bị xô xuống vực sâu hoả ngục hết.

Suốt trong hai ngày, chúng cuống lên vì xấu hổ và điên cuồng trong hoả ngục. Luxiphe tiết lộ cho chúng quỷ biết y sợ rằng con người khải hoàn dị thường vào Giêrusalem là Đấng Cứu Thế. Y nói: nếu đúng thế đừng thúc giục bọn Dothái giết Ngài, như đã xúi giục trước nữa, trái lại phải ngăn cản, vì cái chết của Ngài sẽ tiêu diệt nhà nước nó và cứu rỗi thế gian. Sau quyết định đó, Satan đã hiện thành người đến bảo Giuđa thôi ý định tội lỗi của y, hắn tặng cho y tất cả vàng bạc y muốn. Nhưng tên phản phúc bỉ ổi nhất đó, vì mất ân sủng rồi, nên cứ lì lợm với quyết định của y. Hoả ngục cũng thổi cho mấy ông biệt phái ý tưởng đừng giết Chúa Giêsu trước lễ Vượt Qua, với hi vọng ngăn cản được về sau. Quỷ lại mớm cho phu nhân của trấn thủ Philatô những áy náy về số phận của Chúa, và cho cả nhà cai trị yếu bóng vía đó chống lại cuộc lên án mà ông ta thấy rõ là bất công oan uổng.

Phần Chúa Giêsu, Ngài cứ chuẩn bị cho môn đệ suốt trong ba ngày theo sau cuộc khải hoàn. Ngài đàm đạo với họ về mầu nhiệm Thánh Giá rất vĩ đại, trong những cuộc đi với họ lên Giêrusalem hai ngày đầu để giảng dậy dân chúng. Nhưng nhất là với Mẹ Maria, trong khoảng thời gian Ngài còn ở lại với Mẹ, Chúa Giêsu đã thông trao tràn trề ánh sáng về việc Cứu Chuộc, mà mục đích tối cao là tôn vinh Thiên Chúa.

LỜI MẸ HUẤN DỤ

Hỡi con, con phải hết sức yêu thích chịu đau khổ, sao cho đối với con, đau khổ lớn hơn hết là không được đau khổ, vì Chúa chỉ làm ta đau khổ để ban ơn trợ giúp xuống cho ta hân hoan. Trong cuộc Chúa biến hình, sau khi tự hạ trước nhan Cha hằng hữu, Chúa đã dâng lên Cha một kinh nguyện chỉ một mình Mẹ được biết, để đảm bảo nguồn an ủi nói trên. Kinh nguỵện ấy như thế này: "Xin Cha ban cho thân xác người nào chịu đau khổ vì yêu mến Con, được thông phần vào vinh quang của Thân Xác Con cân xứng với công nghiệp họ lập".

Nếu thân xác chỉ làm việc chút ít mà còn được thưởng, phần thưởng của những người chịu đựng những đau khổ lớn lao, những người tha thứ sỉ nhục, chỉ biết lấy ơn báo oán, như Mẹ Con Mẹ đã làm cho Giuđa, họ còn đáng thưởng đến đâu nữa! Không những Con Mẹ đã bình thản giữ nguyên vẹn danh dự là tông đồ cho y, mà còn xử nhân từ với y, đến nỗi chỉ tại y đã tự ý phó mình cho ma quỷ rồi, nên mới không thể trở về đường lành được nữa.

Được thế gian giả dối hoan hô, chẳng có gì quan trọng cả. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới thực sự tôn vinh những ai đáng tôn vinh. Vì thế, Con chí thánh Mẹ mới chỉ chịu khải hoàn vào Giêrusalem với mục đích là làm sáng tỏ quyền năng Thiên Chúa, làm cho cuộc Tử Nạn Người chịu thêm nhục nhã, và dậy cho loài người biết là họ không được hưởng vinh dự ở đời này vì họ, mà vì một mục đích cao cả hơn họ phải quy hướng những vinh dự ấy về, đó là vinh quang Đấng Tối Cao.

Mẹ thấy con ước ao biết tại sao Mẹ lại không đi với Chúa trong cuộc khải hoàn đó, nên Mẹ trả lời cho thoả ý con. Trước khi rời bỏ Bêtania, Ngài đã cho Mẹ được chọn, nên Mẹ xin Ngài để Mẹ lại Bêtania, nhưng khi nào Ngài đi chịu nạn chịu chết xin cho Mẹ đi cùng: Mẹ tin rằng nếu Mẹ dâng mình đồng công với Ngài trong những sự nhục nhã Ngài chịu trong cuộc Tử Nạn, làm vui lòng Ngài hơn là chia sẻ với Ngài về những vinh quang trong cuộc khải hoàn ấy. Rất có thể là cuộc khải hoàn ấy cũng cho Mẹ được vinh dự một phần, vì Mẹ là Mẹ Ngài, nhưng Mẹ chẳng muốn chút vinh dự nào về cho mình. Mặt khác, Mẹ chẳng tham dự chút nào vào Thần Tính Thiên Chúa, mà mọi vinh dự đều phải quy về; và những vinh dự Mẹ có thể nhận được, lại rất có thể chẳng thêm gì cho vinh quang của Ngài cả.

Đó là một bài học đặc biệt gợi cho con biết chán ghét vinh dự trần gian, những vinh dự tựu trung chỉ là hư ảo gồm hết mọi hư ảo, và chỉ làm cho tâm trí thêm phiền muộn.

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)