dongcong.net
 
 


CHÚA BA NGÔI VÀ ĐỨC MA-RI-A

Xem:
- Chúa Thánh Thần và Đức Ma-ri-a
- Phụng Vụ

Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã lưu ý rằng Đức Ma-ri-a chỉ là một thụ tạo của Thiên Chúa (LG 53, 55, 60), nhưng cũng xác nhận địa vị ưu tuyển của Mẹ: “Lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm Ái Nữ của Chúa Cha và Cung Thánh của Chúa Thánh Thần” (LG 53).

Chương 8 bàn về Đức Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a trong hiến chế Tín Lý về Giáo Hội đã bắt đầu bằng việc nhắc lại mầu nhiệm cứu độ đã được Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Thần hoạch định và thực hiện, một mầu nhiệm liên quan đến một “Người Nữ,” đó là Mẹ Chúa Ki-tô (LG 52). Và chương này kết thúc bằng những lời “hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia” (LG 69), nói lên mục đích hết sức quan trọng của sự hiện hữu và lời cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.

Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã cổ động lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a khi đề cao “sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời Nhập Thể, và lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần” (LG 66). Hòa nhịp với lời thánh Công Đồng, Đức Phao-lô VI đã nhận định: “Việc đạo đức tôn sùng Đức Ma-ri-a phải hiện đủ nét Ba Ngôi và Đức Ki-tô. Thực vậy, tự bản chất, việc tôn thờ qui hướng trực tiếp về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (MC 25).

Để Thánh Mẫu học mang đậm nét thần học Chúa Ba Ngôi, điều bắt buộc là phải khởi sự từ lịch sử ơn cứu độ như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã làm. Trong tiến trình lịch sử ấy, Chúa Ba Ngôi đã tỏ mình trong hoạt động “nhiệm cuộc” và hướng ngoại. Theo Thánh Kinh, ơn cứu độ có một hình thái Chúa Ba Ngôi vì được Thiên Chúa thực hiện, Đấng đã lập nên giao ước, Đấng đã sai Con Người đến với tư cách là Đấng Cứu Thế khi thời gian viên mãn, và qua Ngài mà quảng phát Chúa Thánh Thần ban ơn nhận làm nghĩa tử (Gl 4:5-5; Rm 8:16).

Có thể đưa Đức Trinh Nữ Ma-ri-a vào lãnh vực cứu chuộc học (soteriological horizon, khác với lãnh vực hữu thể học của triết học Hy Lạp) vì những quan hệ giữa Mẹ và Thiên Chúa Ba Ngôi xuất phát từ một ý niệm tĩnh (static conception) và mang một ý nghĩa cứu chuộc. Như thế, lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a được đưa vào phạm vi sùng kính của Ki-tô giáo “một lòng sùng kính tự bản chất qui hướng về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hay theo ngôn ngữ của phụng vụ là tôn thờ Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần” (MC 25).

1. Đức Ma-ri-a và Kinh Nghiệm Phượng Thờ Chúa Cha

Trong mặc khải Tân Ước, Chúa Cha giữ vai trò của nguyên khởi và cùng đích. Chương trình cứu độ phát xuất từ Chúa Cha và mọi công việc của Chúa Ki-tô trong Chúa Thánh Thần cũng đều hướng về Chúa Cha. (1Cr 8:6,15; Ep 1:3-14; Cl 1:19-20). Vì thế cần thiết phải đặt Đức Ma-ri-a vào giữa quĩ đạo tình yêu phát xuất từ Chúa Cha và qui hướng về Chúa Cha, đồng thời bao gồm luôn Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Điều này sẽ dẫn đến những hệ luận đáng ghi nhận sau đây:

a) Việc qui hướng về Chúa Cha sẽ giữ chúng ta khỏi sai lầm khi coi Đức Ma-ri-a như một hữu thể tuyệt đối hay độc lập tự hữu do khẩn thiết nội khởi. Đức Ma-ri-a là một thụ tạo lệ thuộc hoàn toàn vào Đấng Tạo Thành, và Mẹ hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô chỉ vì Thiên Chúa ưu tuyển Mẹ cách tự do và nhưng không. Bất cứ một khảo luận nào về Đức Ma-ri-a cũng không được phép đặt Mẹ ra ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Theo Công Đồng Va-ti-ca-nô II, chúng ta phải luôn qui hướng về công trình và ý định Thiên Chúa khi giải thích sứ mạng phổ quát của Đức Ma-ri-a cũng như khi suy tư về những chặng đời đa dạng của Mẹ, “Thiên Chúa Cha rất nhân từ đã muốn...” (LG 56); “vì đẹp lòng Thiên Chúa” (LG 59).

Ngay cả mẫu tính của Đức Ma-ri-a đối với Chúa Ki-tô cũng như đối với chúng ta cũng nên được coi như một dự phần và bắt nguồn từ tư cách làm Cha tối cao của Thiên Chúa (x. Ep 3:15). Hoặc hơn nữa, “Mẫu Tính” của Đức Ma-ri-a là một biểu hiệu của mối ân cần từ mẫu của Thiên Chúa, Đấng mà tiên tri I-sa-i-a đã trình bày vừa là Cha vừa là Mẹ (x. Is 49:15; 66:13).

b) Được đưa vào mối liên hệ với Thiên Chúa Cha, Đấng đã tỏ mình ra trong lịch sự cứu độ, Đức Ma-ri-a đã thực hiện chức năng phục vụ với tinh thần đầy trách nhiệm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Các đặc ân của Mẹ không còn là những đặc ân cá nhân nhưng mang một chiều kích phổ quát của ơn cứu độ, chẳng hạn như đặc ân làm Nữ Tử Ưu Ái của Thiên Chúa, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội và ơn làm Mẹ Thiên Chúa.

Thực sự, đây là viễn tượng Phúc Âm thánh Lu-ca đã phác tả về ơn gọi của Đức Ma-ri-a. Theo Pơ-rê-tô (E. Peretto): "Những câu như: 'Đầy ơn phúc' (Lc 1:28); 'Chúa ở cùng Bà' (Lc 1:28); 'Bà đã được phúc với Chúa' (Lc 1:30) là những lời nói lên sự thỏa lòng của Thiên Chúa và một địa vị đặc tuyển trước mặt Ngài, chứ không về một tình trạng tĩnh tại (static). Những lời ấy mang một ý nghĩa về chức năng và tác vụ. Ma-ri-a được gọi là Kecharitomene, tức là đầy ơn sủng Chúa ban. Mẹ là Nữ Tử của ơn sủng tuyệt vời... và Mẹ được dụng ý trình bày như một biểu hiện rất đặc biệt để đề cao vai trò của Mẹ. Không đề cập gì đến những sử liệu về cá nhân Đức Ma-ri-a, thánh Lu-ca đã chú ý đến chức năng tác vụ, vị trí ưu tuyển và mật thiết với sứ vụ cứu độ của Mẹ.”

c) Trong mối liên hệ với Thiên Chúa Cha, “Đức Ma-ri-a còn được coi như đỉnh cao việc sửa soạn đón chờ Đấng Mê-si-a của dân tộc Ít-ra-en, Mẹ là Nữ Tử Si-on,” trổi vượt giữa các người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa” (LG 55). Trong kinh nghiệm cuộc sống thánh thiện sâu xa của mình, Đức Ma-ri-a khám phá ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, toàn năng, báo phục cho người nghèo, từ nhân và trung tín (Lc 1:46-55). Nhưng trước hết, trong quan hệ với Chúa Giê-su, ít nhất là từ ngày tìm được Chúa trong Đền Thờ, Mẹ càng ngày càng nhận ra Thiên Chúa là “Cha.”

d) Như Đức Phao-lô VI nhận định trong tông thư Lòng Sùng Kính Đức Ma-ri-a, Phúc Âm trình bày một sự tương đồng giữa những lời của Đức Ma-ri-a và những lời của Chúa Cha nói về thái độ cần có đối với Chúa Giê-su. Mẹ đã nói với các gia nhân tại tiệc cưới Ca-na: “Hãy làm những gì Ngài bảo” (Ga 2:5). “Những lời này mới đầu chỉ giới hạn trong ý muốn giải quyết vụ mất mặt cho đám tiệc, nhưng nếu được xét trong bối cảnh Phúc Âm thánh Gio-an lại là những lời dân Ít-ra-en trước kia đã tung hô giao ước trên núi Si-nai (x. Xh 19:8; 24:3,7; Đnl 5:27) và làm mới lại quyết tâm của họ (x. Gs 24:24; Ed 10:12; Nkm 5:12). Những lời ấy hòa hợp kỳ diệu với những lời Thiên Chúa Cha phán trong cuộc thần hiện trên núi Ta-bô-rê: Các ngươi hãy nghe lời Ngài (Mt 17:5)” (MC 57).

e) Sau cùng, lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a mời gọi chúng ta hướng đến sự phượng thờ và yêu mến Thiên Chúa Cha (LG 65). Nếu mục đích ki-tô hữu là sống như con cái Thiên Chúa, thì ta phải nhớ rằng ngay đoạn Tân Ước viết về Đức Ma-ri-a sớm nhất đã nói đến sứ mệnh Chúa Ki-tô là đem đến cho chúng ta phận phúc được làm nghĩa tử Thiên Chúa (Gl 4:4-5).

Sống như “con cái Đức Ma-ri-a” theo gương của người-môn-đệ-được-Chúa-yêu (Ga 19:25-27) có lẽ vừa là kết quả vừa là trợ lực của đời sống sốt sắng làm con cái Thiên Chúa với tất cả những ý nghĩa kèm theo. Theo thánh Lu-i Ma-ri-a đơ Mong-pho, lòng sùng Đức Ma-ri-a vun đắp ý thức phượng thờ Chúa Cha. “Những ai thực hiện cách tôn sùng này cách trung thành sẽ được tận hưởng tự do dành riêng cho con cái Chúa. Họ được giải thoát khỏi mọi lo lắng, sợ sệt, áy náy có thể giày vò ràng buộc một linh hồn, in sâu vào tâm khảm họ một niềm tin tưởng vô biên vào lòng Cha nhân ái, và thông cho họ một tình yêu cha con tha thiết” (Thành Thực Sùng Kính, 169).

2. Đức Ma-ri-a và Đời Sống Trong Chúa Ki-tô

Chúa Ki-tô là tâm điểm chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha (Ep 1:18-23). Ngài là Đấng Cứu Thế, là Đức Chúa, là Đấng Mặc Khải và là Trung Gian duy nhất (Ga 4:42; 8:12; Dt 8:6; 1Tm 2:5-6). Ngài cũng là mẫu gương cho đời sống ki-tô hữu (Rm 8:29; Cl 3:34,21-15; Ga 11:24; 14:26).

Về liên hệ giữa Đức Ma-ri-a với Chúa Ki-tô và đời sống ki-tô hữu, ta cần lưu ý các điểm sau đây:

a) Chúa Ki-tô là tâm điểm sống động của đức tin và giáo lý. Trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô, Đức Ma-ri-a được coi như một thành phần, một tàng ẩn. Theo dòng thời gian, dần hồi địa vị của Mẹ trong chương trình của Thiên Chúa đã được Giáo Hội công nhận. Dù sao chúng ta cũng phải trở lại với những cộng đoàn ki-tô hữu sơ khởi, những người đã nhận ra thân vị Đức Ma-ri-a sau khi hiểu biết của họ về Chúa Ki-tô đã tiến triển: “Qua Chúa Giê-su đến Mẹ Ma-ri-a.”

Nhìn từ góc độ Ki-tô học, vai trò của Đức Ma-ri-a can hệ ở tư cách là Mẹ “rất đáng tôn kính của Đấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Mẹ đã là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa” (LG 61). Tất cả những sứ vụ hay đặc ân này đã đưa Đức Ma-ri-a vào mối liên hệ mật thiết với Chúa Ki-tô và công trình của Ngài, và như thế ta sẽ không còn coi Mẹ như một nhân vật song đồng hay độc lập với Chúa nữa.

Theo đức cha Bốt-su-ê (Bossuet), mẫu tính của Đức Ma-ri-a không thuần chỉ là một chức năng thể lý mà còn là sự kiên kết đức tin làm cho Mẹ trở thành ki-tô hữu tiên khởi, người môn đệ đệ nhất của Chúa Ki-tô và trao cho Mẹ sứ vụ quang vinh tiền định đem Đấng Cứu Độ đến cho thế gian.

Sự cộng tác đặc biệt vào công trình cứu độ không đưa Mẹ lên bình diện ngang hàng với Đấng Trung Gian duy nhất vì Mẹ là một thụ tạo được Con Mẹ cứu chuộc. Mẫu tính tinh thần của Mẹ “bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Ki-tô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Ki-tô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Ki-tô” (LG 60).

Thành ra, khi trình bày Đức Ma-ri-a trong mối liên kết mật thiết bền bỉ với Chúa Ki-tô và công trình của Ngài, chúng ta luôn phải thận trọng đề cao tính ưu việt của Chúa Ki-tô: “Nơi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, mọi sự đều liên hệ và tùy thuộc vào Chúa Ki-tô” (MC 25).

b) Lòng sùng kính Đức Ma-ri-a phải được gắn liền cách hữu cơ vào một sự tôn thờ duy nhất được gọi đích danh là Ki-tô giáo, vì do Chúa Ki-tô mà có và sinh hữu hiệu, chính nhờ Chúa Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần, mà nó đưa tới Chúa Cha” (MC, Phần Dẫn Nhập).

Điều này được thể hiện chủ yếu trong phụng vụ, như khi mừng kính các lễ Mẹ hoặc khi tìm được niềm phấn khích nơi Mẹ như tấm gương cho Giáo Hội về thái độ tinh thần phải có khi cử hành và sống các mầu nhiệm (MC 16).

Cũng thế, trong một linh đạo hướng dẫn các hoạt động cuộc sống, việc qui hướng về Đức Ma-ri-a không được tách rời khỏi mối tươngå quan với Chúa Ki-tô vì mối tươngå quan này luôn là nền tảng và đặc trưng của Ki-tô giáo. Cuộc sống các thánh nam nữ là một chứng từ cho thấy lòng sùng kính Đức Ma-ri-a không hề tạo ra một đời sống thiêng liêng thứ hai, nhưng chỉ là một cách sống mới trong Thiên Chúa. Điều này nói lên rằng vương quyền của Đức Ma-ri-a không hề đối kháng, nhưng hoàn toàn qui hướng về vương quyền Chúa Ki-tô. Theo thánh Lu-i Ma-ri-a đơ Mong-pho, tận hiến cho Đức Ma-ri-a là việc làm mới lại cách hoàn hảo những lời hứa quyết của bí tích Thánh Tẩy (TTSK, 120). Đối với các tín hữu, Đức Ma-ri-a trở thành một lời gọi sống động mời họ hãy như Mẹ, quyết tâm chọn Chúa Ki-tô và biến lời “Xin Vâng” của Mẹ trở thành của chính họ (Lc 1:38) và làm mới lại giao ước giữa họ với Chúa Ki-tô, giao ước trong tình yêu vâng phục (Ga 2:5).

3. Đức Ma-ri-a và Việc Tiến Bước Trong Chúa Thánh Thần

Trong Tân Ước, Chúa Thánh Thần được trình bày như ngôi vị Thiên Chúa ẩn ngự trong lòng ki-tô hữu để “canh tân tâm hồn và giúp họ sống như con cái Thiên Chúa trong tự do (thoát khỏi gông cùm xác thịt) và trong tình yêu” (Rm 5:5; 8:12-16; 1Cr 12:13). Các tín hữu vì thế phải dấn bước trong Chúa Thánh Thần và để Ngài hướng dẫn (Gl 5:16-18; Rm 8:4) nhằm biến đổi thân xác hay chết của họ. Đối với chân lý đức tin mà các ki-tô hữu phải sống này, khi tôn kính Đức Ma-ri-a bắt buộc phải đề cập đến Chúa Thánh Thần.

a) Trước hết, để tránh một nội dung Thánh Linh học vu vơ và khuynh hướng lấy Đức Ma-ri-a thay thế Chúa Thánh Thần, chúng ta phải xác định rõ những mối tương quan giữa Mẹ với Chúa Thánh Thần. Những tương quan này được tỏ hiện trong những hoạt động chính yếu của Thần Khí Chúa Ki-tô nơi Mẹ Thiên Chúa” (thư Đức Phao-lô VI gửi hồng y Su-ê-nen, ngày 13-5-1975).

Đọc những đoạn liên hệ đến Đức Ma-ri-a trong Tân Ước, người ta thấy rằng biến cố Truyền Tin chính là một lễ-Hiện-Xuống-trước riêng cho Mẹ. Trong hai biến cố, người ta đều gặp những từ ngữ tương đồng: “quyền năng Thiên Chúa, Thánh Thần Chúa ngự xuống” (Lc 1:35; TĐCV 1:8). Và cả hai biến cố ấy đều được tiếp theo bằng nhiệt tâm truyền giáo và những thông truyền đặc sủng (Lc 1:39-45; TĐCV 1:8; 431; 8:4-14). Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Mẹ Ma-ri-a công trình đầu thai trinh khiết của Chúa Ki-tô (Lc 1:35; Mt 1:20), và tạo thành nơi Mẹ một trái tim mới mà các sứ ngôn đã tiên báo (Ed 36:26-27; Gr 31:31), một trái tim biết đáp ứng với trọn vẹn niềm tin (Lc 1:38).

Sự hiểu biết về mầu nhiệm Thiên Chúa và bài ca Magnificat của Đức Ma-ri-a đều được cho là phát nguyên từ ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, Đấng đã phán dạy qua các tiên tri (Lc 1:46-55). Hơn nữa, dưới chân Thập Giá, Đức Ma-ri-a đã thực thi nhiệm vụ hiền mẫu và liên kết (unitive) của mình. Điều này phù hợp với giáo lý Phúc Âm Gio-an vốn nhìn nhận Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong việc tái sinh, biến đổi chúng ta thành con cái Thiên Chúa (Ga 3:5) và hợp nhất mọi tín hữu (Ga 14:16; 16:13-14). Cũng như Đức Ma-ri-a, Chúa Thánh Thần cũng là “gia bảo” chính Chúa Giê-su đã trối lại (Ga 19:27-30) cho chúng ta.

Trong nhà Tiệc Ly, Đức Ma-ri-a cùng cầu nguyện với các Tông Đồ và môn đệ đợi chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống (TĐCV 1:14).

Vinh quang thiên đàng hiện nay của Đức Ma-ri-a cũng là công trình Chúa Thánh Thần, Đấng phục sinh cho kẻ chết và ban cho họ cuộc sống vĩnh hằng (1Cr 15:42-45).

Trong cái nhìn của Thánh Linh học, Đức Ma-ri-a không hề là vật cản hay đối kháng với Chúa Thánh Thần. Ngược lại, Mẹ còn là con đường dẫn đến hiểu biết Chúa Thánh Thần và các hoạt động của Ngài.

b) Lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a phải được tháp hợp vào chân trời bao la là sống theo soi động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần “nhớ rằng hoạt động của Mẹ Giáo Hội vì thiện ích cho những người được cứu độ không hề được thay thế hay cạnh tranh với hoạt động phổ quát thường hằng của Chúa Thánh Thần. Nhưng, Đức Ma-ri-a nài xin và dọn đường cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Mẹ thực hiện việc này bằng cầu nguyện can thiệp phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, Đấng mà nay Mẹ đang được chiêm ngưỡng trong phúc hưởng kiến. Mẹ còn thực hiện bằng ảnh hưởng trực tiếp của các gương lành, quan trọng nhất là tấm gương thuần thục trọn hảo trước những ơn soi động của Chúa Thánh Thần” (thư Đức Phao-lô VI gửi hồng y Su-ê-nen ngày 13-5-1975).

Người ta thấy, hàm chứa trong những lời Đức Thánh Cha điều trước tiên là cần tôn kính và luôn nhớ đến Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm lễ Hiện Xuống phải chiếm địa vị ưu tiên hơn là quan hệ với Đức Ma-ri-a trong đời sống chúng ta, bởi vì đời sống ki-tô hữu trước hết chính là sống trọn vẹn trong Chúa Thánh Thần và theo Chúa Thánh Thần (Rm 8:1-14; Gl 5:16-25).

Sự can thiệp của riêng Đức Ma-ri-a chỉ có ý nghĩa trong phạm vi sự can thiệp lớn lao của Chúa Thánh Thần (Rm 8:26-27). Để tránh khuynh hướng muốn lấy Đức Ma-ri-a thay thế Chúa Thánh Thần, điều cần là các tước hiệu và đặc ân của Đức Ma-ri-a phải được nhìn dưới lăng kính bản chất của các tước hiệu và đặc ân ấy, đó là sự thông phần vào công trình Chúa Thánh Thần thực hiện trong Giáo Hội. “Vì thế, Mẹ Ma-ri-a luôn luôn trong sự lệ thuộc vào Chúa Thánh Thần dẫn dắt các linh hồn đến cùng Chúa Giê-su, đào luyện họ theo hình ảnh Ngài, soi dẫn họ bằng những điều lành. Và Mẹ là mối liên kết tình yêu giữa Chúa Giê-su và các tín hữu” (Đức Phao-lô VI).

Trên phương diện mục vụ, theo ý kiến của Muy-lê (H. Muhler) không cần thiết phải “định hướng lại lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a vốn đã rất sâu đậm trong những thế kỷ gần đây, mục đích làm cho việc tôn sùng ấy trở thành việc Giáo Hội tôn thờ Chúa Thánh Thần hơn.” Cũng không nên tìm cách dập tắt lòng tôn sùng ấy như một cơn cám dỗ mà lắm người vẫn sợ. Ngược lại, hãy coi việc tôn sùng Đức Ma-ri-a như một cách sống “trong” Chúa Thánh Thần, như một con đường tiến đến sự kỳ diệu của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và đến với Mẫu Tính tinh thần của Mẹ.

Đức Ma-ri-a là một thụ tạo đã được Chúa Thánh Thần sở hữu và sửa dọn để trở nên Mẹ Đồng Trinh của Chúa Ki-tô Cứu Thế. Mẹ là tín hữu đệ nhất trong giao ước mới. Mẹ là từ mẫu của các tín hữu, là hình-ảnh-mặc-khải của Chúa Thánh Thần và cũng là nguyên bản của Giáo Hội sống động được mời gọi để nhờ Chúa Thánh Thần kiến lập Nước Chúa trên trần gian.

Ở đây, chúng ta cũng phải công nhận tầm quan trọng của Phong Trào Đặc Sủng Công Giáo, một phong trào đã bất ngờ xuất hiện sau Công Đồng, khởi sự từ kinh nghiệm sống Chúa Thánh Thần. Những thành viên phong trào này đã phục sinh những giá trị Ki-tô giáo như suy niệm Lời Chúa, kinh nghiệm chúc tụng, hiệp thông đức ái, đặc sủng nói tiếng lạ và chữa bệnh, và khả năng khám phá ra thân vị Đức Ma-ri-a trong tương quan với Chúa Thánh Thần.

Đức Ma-ri-a hướng chúng ta về cuộc sống “theo Thần Khí” vì Mẹ là mẫu gương đón nhận Chúa Thánh Thần (Lc 1:26-38), đón nhận Phép Rửa của Ngài (TĐCV 1:5-16), và nhờ Ngài, Mẹ đã được ban đặc sủng hiểu được các ngôn ngữ như một hình thức ý niệm tiếp xúc với Thiên Chúa, hay nói khác đi, là kinh nguyện chúc tụng (TĐCV 2:5-13). Theo cha Lô-ran-tanh (R. Laurentin), kinh nghiệm sống Đức Ma-ri-a trong tâm điểm của Phong Trào Đặc Sủng được coi là một trong những tặng ân Thánh Linh quí báu nhất .

4. Kết Luận

Qui hướng về Chúa Ba Ngôi là điều vô cùng quan trọng đối với Thánh Mẫu học và việc tôn sùng Đức Ma-ri-a, vì nhờ đó Thánh Mẫu học và lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a sẽ tìm được chỗ đứng và mục tiêu chính thực của mình. Đức Ma-ri-a là người đầu tiên được mặc khải - mặc dù bằng những ngôn từ ẩn ngụ - về mầu nhiệm Ba Ngôi Vị của Đấng Tối Cao, vì nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã hạ sinh Chúa Ki-tô Cứu Thế, Con Thiên Chúa cao cả (Lc 1:28-33).

Như thế, đối với các ki-tô hữu, Đức Ma-ri-a trở thành nơi gặp gỡ với Ba Ngôi Thiên Chúa và là nơi mặc khải công trình của Ba Ngôi. Với mẫu gương Đức Ma-ri-a, đời sống ki-tô hữu trở thành cuộc hành trình đến với Chúa Ba Ngôi chí thánh. Đời sống của các vị thánh nổi bật về lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a là chứng từ hùng hồn về điều này.

Đơ Phi-ô-rê

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)