dongcong.net
 
 


TƯỚC HIỆU CỦA ĐỨC MA-RI-A

Xem:
- Nữ Tử Si-on
- Vô Nhiễm Nguyên Tội
- Nhiệm Vụ Chuyên Cầu của Đức Ma-ri-a
- Mẹ Giáo Hội
- Mẹ Thiên Chúa
- Mẫu Tính Tinh Thần
- Nữ Vương
- Người Tôi Tớ Thiên Chúa

Danh từ “tước hiệu” có nhiều nghĩa. Ở đây tước hiệu được dùng như một danh xưng nói lên uy phẩm, danh dự, nét cá biệt hay tính cách siêu việt gắn liền với một nhân vật do địa vị, nhiệm vụ, tiền trạng, đặc ân, hay thành đạt của họ. Như thế, số các tước hiệu của Đức Ma-ri-a sẽ hầu như nhiều vô cùng. Tước hiệu hay được dùng nhất trong các văn kiện chính thức về giáo lý, phụng vụ, pháp luật v.v...của Giáo Hội là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.

Các ngôn ngữ có rất nhiều biến thức của tước hiệu này. Trong Anh Ngữ có “Đức Bà” (Our Blessed Lady), “Đức Mẹ” (Our Blessed Mother), “Đức Trinh Nữ Ma-ri-a” (The Virgin Mary). Các ngôn ngữ khác với “Đức Thánh Trinh Nữ,” “Đức Trinh Nữ Rất Thánh” và “Mẹ Thiên Chúa.” Ý Ngữ với “Madona” và Pháp Ngữ là “Notre Dame.”

Có những tước hiệu gắn liền với thánh danh Mẹ. Cũng có những tước hiệu gắn liền với nhiệm vụ của Mẹ (là người cộng tác với Chúa Ki-tô trong công trình cứu độ). Những tước hiệu quan trọng loại này gồm: Đấng Trạng Sư, Đấng Cộng Tác, Mẹ Diễm Phúc, Nữ Tử Si-on, Đấng Nêu Gương, Nữ Tì Thiên Chúa, Đấng Phù Hộ Các Tín Hữu, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Trung Gian, Mẹ Giáo Hội, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Nhân Lành, Nữ Vương Hòa Bình, Tòa Đấng Khôn Ngoan.

1. Đấng Trạng Sư

Danh xưng “Đấng Trạng Sư” đề cao vai trò trung gian chuyển cầu của Mẹ Ma-ri-a với Chúa Con hay với Chúa Cha. Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, thánh I-rê-nê đã trình bày Đức Ma-ri-a là Trạng Sư cho E-và, và thánh Âu-gu-tinh đã gọi các thánh là những vị “trạng sư” cho chúng ta vì các ngài được thông dự vào “tư cách trạng sư” của Chúa Ki-tô. Nhất là thời Trung Cổ, danh xưng này còn được dùng trong kinh Chào Kính Nữ Vương và trong các tác phẩm của thánh Bê-na-đô.

Đến thời Hiện Kim, Đức Pi-ô VII, Đức Pi-ô X, Đức Pi-ô XI, và Đức Pi-ô XII đã sử dụng tước hiệu này. Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng sử dụng tước hiệu này cùng với tước hiệu Đấng Trung Gian trong chương 8 hiến chế Lumen Gentium: “Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt đến hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Đức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, Vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ, và Đấng Trung Gian. Tuy nhiên, phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đấng Trung Gian duy nhất” (LG 62).

Công Đồng còn chính thức giải thích tước hiệu này: “Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một tạo vật ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và cứu chuộc; nhưng cũng như chức linh mục của Chúa Ki-tô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất. Vai trò tùy thuộc ấy của Đức Ma-ri-a, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng” (LG 62).

2. Đấng Cộng Tác

Danh hiệu “Đấng Cộng Tác” ra đời trong giai đoạn Hiện Kim vì danh xưng này dễ dàng được chấp nhận hơn danh hiệu “Đấng Đồng Công” khi trình bày nhiệm vụ của Đức Ma-ri-a trong công trình cứu độ do Chúa Ki-tô Con Mẹ thực hiện. Đức Pi-ô XII đã ủng hộ việc dùng danh hiệu này, và ngài đã dùng thay vì danh xưng “Đấng Đồng Công.” Đức Ma-ri-a là “Đấng Cộng Tác cao quí của Chúa Cứu Thế Chí Thánh” (tông huấn về Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời).

Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng dùng danh xưng này thay vì danh xưng Đấng Đồng Công: “Theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian này Đức Ma-ri-a đã trở nên Mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, là Vị Cộng Tác quảng đại và tôi tớ khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong Đền Thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thập Giá, Đức Ma-ri-a đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn” (LG 61).

Mặc dù người ta thừa nhận danh xưng này mơ hồ, không nói lên rõ ràng những điều Đức Ma-ri-a đã làm trong thực tế, nhưng tước hiệu này cũng nói lên đôi điều với con người hôm nay. Một người “cộng tác” là một người làm việc chung với một người khác, chẳng hạn như trợ tá luật sư, trợ giảng, phó xứ. Người cộng tác cũng đảm trách phần nào công việc của người giữ trách nhiệm chính. Như thế, Đức Ma-ri-a thực sự thông phần vào công trình cứu độ của Chúa Ki-tô. Mẹ là một nhân tố gắn liền trong công trình này theo chương trình của Thiên Chúa vì nhờ Mẹ, Chúa Ki-tô mới có thể nhập thể và cứu độ nhân loại.

3. Đức Mẹ

Các tín hữu yêu thích thói quen tôn xưng Mẹ Chúa Giê-su bằng danh hiệu Đức Mẹ. Trong bức thư mục vụ về Đức Trinh Nữ Ma-ri-a (số 70-71), các giám mục Hoa Kỳ đã giải thích lý do ấy.

Theo nhiều phương diện, danh hiệu này cũng được hiểu giống như danh hiệu “Đấng Trung Gian.” Tuy nhiên, danh hiệu này vẫn có giá trị đặc biệt riêng. “Mẹ” là tiếng nói lên việc thông truyền sự sống. Ở đây là sự sống của chúng ta trong Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô thường so sánh Giáo Hội như một thân thể, có Chúa Giê-su làm Đầu và các tín hữu là những chi thể. Trong dụ ngôn về cây nho và nhành Chúa đã dạy, hình ảnh Giáo Hội, “Thân Thể Chúa Ki-tô” là một hình ảnh sống động có cùng một sự sống liên kết các chi thể với Đầu, cũng như các nhành với Cây Nho.

Ngay từ nguyên sơ, Giáo Hội đã được coi như một người mẹ: “Mẹ Giáo Hội.” Dần dần, Đức Ma-ri-a cũng được coi là “Mẹ Tinh Thần” trong tương quan giữa Mẹ và các con cái nam nữ của Giáo Hội. Là mẹ thể lý của Chúa Ki-tô, Đầu Giáo Hội, Đức Ma-ri-a cũng là Mẹ của các chi thể của Người về mặt tinh thần. Mẹ là Mẹ của toàn nhân loại vì Chúa Ki-tô đã chết cho hết mọi người. Mẹ đặc biệt là Mẹ các tín hữu, như lời Đức Phao-lô VI đã tuyên bố trong Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Mẹ là “Mẹ Giáo Hội.”

Hiểu được ý nghĩa danh xưng “Đức Mẹ” là điều quan trọng. Đức Ma-ri-a là Mẹ tinh thần của nhân loại không phải chỉ vì Ngài là Mẹ thể lý của Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, ý nghĩa thiên chức làm mẹ của Đức Ma-ri-a đối với Chúa Giê-su cũng bao hàm cả ý nghĩa sâu xa về thiên chức làm mẹ tinh thần của Mẹ đối với anh chị em của Chúa Giê-su nữa. Ý nghĩa sâu xa này là một chân lý được mặc khải trong các Phúc Âm, và từ ấy vẫn luôn được coi trọng trong tâm thức và lòng đạo đức của các tín hữu. Đức Ma-ri-a đã chấp nhận trong đức tin để trở thành Mẹ của Chúa Giê-su.

Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã kế thừa truyền thống liên tục của Giáo Hội khi nói rằng, “khi Sứ Thần truyền tin, Đức Nữ Trinh Ma-ri-a đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian” (LG 53). Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn với trọn hữu thể của Mẹ trước khi cưu mang Chúa trong cung lòng. Đức tin Đức Ma-ri-a đi trước mẫu tính của Mẹ đối với Chúa Giê-su. Đức tin cũng là chìa khóa mở ra mẫu tính tinh thần của Đức Ma-ri-a. Nhờ đức tin, Mẹ đã trở thành bằng chứng tuyệt hảo của điều các Phúc Âm nói về “Mẫu Tính Tinh Thần.”

Theo lời Chúa Cứu Thế, “mẹ” Ngài là bất cứ ai nghe và giữ lời Thiên Chúa. Tất cả những ai thực sự bước theo Chúa Ki-tô đều trở thành “mẹ” Ngài, vì nhờ đức tin của mình, họ sẽ sinh Ngài lại nơi tha nhân.

Là một môn đệ hoàn hảo, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã nghe và giữ lời Thiên Chúa. Mọi thế hệ về sau sẽ vui mừng ca khen Mẹ diễm phúc. Niềm xác tín Công Giáo tin rằng ngày nay trong sự hiệp nhất với Chúa Ki-tô Phục Sinh, Đức Ma-ri-a vẫn ân cần vì lợi ích chúng ta, vẫn khát mong cho chúng ta được ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su, Trưởng Tử của Mẹ hơn. Mẹ Chúa Giê-su ước mong cho tất cả mọi con cái Mẹ, nam cũng như nữ, đều đạt đến sự trưởng thành viên mãn của Chúa Ki-tô (Ep 4:13; Cl 1:28).

4. Nữ Tử Si-on

Xem:
- Nữ Tử Si-on

5. Đấng Nêu Gương

Công Đồng Va-ti-ca-nô II công nhận Đức Ma-ri-a là tấm gương tuyệt hảo nhất của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái và sự hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Ki-tô (LG 63). Điều này trước nhất chỉ về tâm ý (interior disposition) Giáo Hội vẫn hằng kết hiệp, kêu cầu và nhờ Đức Ki-tô mà phụng thờ Thiên Chúa Cha hằng hữu (hiến chế về Phụng Vụ Thánh, 7).

Những đặc tính gương mẫu của Đức Ma-ri-a gồm:

a) Đức tin lắng nghe. Đức Ma-ri-a đã tiếp nhận Lời Chúa bằng đức tin. Đây là căn bản mọi hành động cũng như mọi quyền lợi và đặc ân của Mẹ. Giáo Hội cũng thế, nhất là trong phụng vụ, với đức tin, Giáo Hội đón nhận, công bố và tôn kính Lời Chúa, phân phát Lời Chúa đến các tín hữu như bánh hằng sống, và dưới ánh sáng Lời Chúa, tìm hiểu các dấu chỉ thời đại rồi giải thích và sống các biến cố lịch sử ấy.

b) Cầu nguyện. Đức Ma-ri-a đã cầu nguyện trong chuyến thăm viếng bà Ê-li-sa-bét (Lc 1:46-55). Tại tiệc cưới Ca-na, Mẹ đã cho Con Mẹ biết nhu cầu thiếu rượu của đôi tân hôn (Ga 2:1-2). Và trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, Mẹ đã cùng cầu nguyện với các Tông Đồ (TĐCV 1:14). Giáo Hội cũng cầu nguyện, ngày lại ngày dâng lên Thiên Chúa Cha những nhu cầu của con cái mình và không ngừng ngợi khen Thiên Chúa (hiến chế Phụng Vụ Thánh, 83).

c) Đấng Trinh-Mẫu. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a làm mẹ mà không cần sự can thiệp của con người (Lc 1:35). Đây là tư cách làm mẹ kỳ diệu Thiên Chúa đã kiến tạo như mẫu gương cho sự phong nhiêu của Giáo-Hội-Mẹ-Trinh-Nữ, vì Giáo Hội cũng được làm mẹ nhờ quyền năng Thiên Chúa bằng việc sinh sản con cái vào đời sống thiêng liêng qua phép Rửa Tội.

d) Hiến tế. Đức Ma-ri-a đã hiến dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ (Lc 2:22-35) và trên núi Can-vê (Ga 19:25). Giáo Hội hiến dâng hy lễ Tạ Ơn, kỷ niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô hằng ngày cho đến tận thế.

Tuy nhiên, Đức Ma-ri-a không những là mẫu gương cho toàn Giáo Hội trong việc phượng thờ Thiên Chúa mà còn là thày dạy đời sống thiêng liêng cho từng ki-tô hữu. Trước hết, Mẹ là mẫu gương của đức phượng thờ, nhất là bằng việc dâng hiến đời sống mình nên một của lễ hiến dâng Thiên Chúa. Đây là một giáo lý xa xưa nhưng vẫn luôn mới mẻ khi mỗi tín hữu biết nghe theo giáo huấn của Giáo Hội và khi suy niệm tiếng “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a (“Xin hãy nên trọn nơi tôi điều ngài truyền,” Lc 1:38). Vì lời Xin Vâng ấy chính là bài học vâng phục thánh ý Thiên Chúa, chính là con đường, là phương thế nên thánh cho mỗi người.

6. Nữ Tì Thiên Chúa

Danh hiệu “Nữ Tì” hay “Đầy Tớ” là danh hiệu Đức Ma-ri-a đã tự xưng trong ngày Truyền Tin: “Này tôi là nữ tì Chúa. - Người đã đoái nhìn đến phận hèn nữ tì” (Lc 1: 38-48).

Danh từ Hy Lạp “doule” được dùng trong Phúc Âm thuộc hình thức âm tính. Cựu Ước thường dùng danh từ ấy để chỉ “nô lệ” hay “đầy tớ” của Thiên Chúa. Đó là một danh hiệu tôn vinh các ngôn sứ trong Cựu Ước, thánh Phao-lô cùng các Tông Đồ trong Tân Ước.

Đức Ma-ri-a đã xưng mình bằng danh hiệu này để nói lên thái độ hoàn toàn sẵn lòng thuận hợp trước công trình cứu độ đang chờ đợi Mẹ đáp ứng. Mẹ đã tuyên bố cộng tác tích cực vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu độ. Vì thế, danh hiệu này nói lên một thái độ tuyên nhận vững chắc địa vị siêu việt của Thiên Chúa và thái độ vâng phục trọn vẹn của Mẹ đối với chương trình cứu độ của Người.

Theo ý nghĩa đó, Đức Ma-ri-a đã đứng vào hàng ngũ những đầy tớ Thiên Chúa: Ít-ra-en, Áp-ra-ham (St 18:3) và Người Nghèo của Đức Gia-vê.

Sau cùng, danh hiệu Nữ Tì của Đức Ma-ri-a còn là âm vang của danh hiệu Người Tôi Tớ tuyệt vời của Đức Gia-vê là Chúa Giê-su Ki-tô - Người Đầy Tớ Đau Khổ đã trở thành một sự vâng phục cho đến chết để thực hiện công trình cứu độ.

Đồng thời, danh xưng “Nữ Tì” còn đề cao vai trò mô phạm của Đức Ma-ri-a cho mọi ki-tô hữu. Mỗi tín hữu phải là “đầy tớ Thiên Chúa” (Lc 1:28) thể hiện qua đức nghèo, đức khiêm tốn, tinh thần phục vụ Đức Ki-tô, và can đảm bước theo Đức Ki-tô đau khổ.

Danh hiệu “Nữ Tì” đặt Đức Ma-ri-a vào hàng ngũ những người thấp hèn, nghèo khó và bệnh tật. Nó đặt Mẹ vào vị trí thực sự thấp kém nhất giữa chúng ta... Địa vị xã hội của Mẹ - chúng ta có thể nói là địa vị của một người hèn mọn nhất, địa vị của một người phụ nữ Do Thái thời xưa. Mẹ không có một hào nhoáng bên ngoài nổi bật, và dù thuộc về hoàng tộc, nhưng triều đại của hoàng tộc ấy đã chấm dứt ngay trong bản thân Mẹ rồi. Mẹ chỉ là một người bình thường ở giữa số đông những người bình thường... “Người Nữ Tì” dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta từ Thiên Chúa mà có và chúng ta lệ thuộc vào Ngài: “Ngài đã thương đoái phận hèn nữ tì Ngài.” Chúa đã ban cho Mẹ những đặc ân và nâng Mẹ lên bậc vinh quang tối cao” (Đức Phao-lô VI).

7. Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu

Ngay từ buổi sơ khai, các tín hữu đã tìm đến nương ẩn nơi Đức Ma-ri-a trong những lúc gian nan, thử thách, nạn bè rối, bị bắt bớ, chiến tranh... minh chứng qua bản kinh Trông Cậy có từ thế kỷ III. Lý do thật dễ hiểu và đã được Đức Lê-ô XIII trình bày:

“Đức Trinh Nữ đã được giữ gìn khỏi tì vết nguyên tội và được ưu tuyển làm Mẹ Thiên Chúa. Vì vậy, Mẹ đã liên kết với Chúa trong công trình cứu độ nhân loại, Mẹ được những đặc ân và quyền năng đối với Con Mẹ lớn lao hơn mọi người, mọi thiên thần đã từng được hay có thể có được.”

“Và vì niềm vui lớn lao nhất của Đức Ma-ri-a là phù trợ giúp đỡ cho những ai kêu cầu Mẹ, nên không có lý do gì để mà nghi ngờ - không những Mẹ muốn nhận lời kêu cầu của Giáo Hội toàn cầu mà Mẹ còn khắc khoải muốn làm như vậy nữa.”

Thieu 32-34

a) Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa tại Công Đồng Ê-phê-sô
b) Đức Ma-ri-a và cuộc tranh luận tại Tây Phương
c) Đức Ma-ri-a trong Giáo Hội Đông Phương
d) Hướng về một cộng đồng biệt hợp

Gương mẫu và quyết tâm: Những cuộc hiện ra, dấu chỉ sự hiện diện của Đức Ma-ri-a.

30. Đức Ma-ri-a, Con Đường Dẫn đến Chúa Ba Ngôi

Xem: Chúa Ba Ngôi với Đức Ma-ri-a

a) Đức Ma-ri-a và kinh nghiệm sống với Đức Chúa Cha
b) Đức Ma-ri-a và cuộc sống với Chúa Ki-tô
c) Đức Ma-ri-a tiến bước trong Chúa Thánh Thần

Gương mẫu và quyết tâm: Hằng ngày lần hạt Mân Côi.

31. Tận Hiến cho Đức Mẹ

Xem: Tận Hiến

a) Tận hiến bản thân
b) Tận hiến cho Đức Mẹ
c) Tận hiến người khác cho Đức Mẹ

Gương mẫu và quyết tâm: Thánh Lu-i Ma-ri-a đơ Mong-pho, tông đồ của việc tận hiến cho Đức Mẹ.

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)