dongcong.net
 
 


MẪU TÍNH TINH THẦN

Xem:
- Công Đồng Va-ti-ca-nô II và Đức Ma-ri-a

Một trong những chủ điểm cốt yếu trong chương 8 hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Va-ti-ca-nô II là xác định sứ mệnh từ mẫu của Đức Ma-ri-a đối với chúng ta. Trong chương này, tước hiệu “Mẹ Các Tín Hữu” (hay “Mẹ Nhân Loại”) thực tế đã tổng hợp cụ thể mọi khía cạnh về hoạt động của Đức Ma-ri-a cùng với những ân tình Mẹ dành cho chúng ta.

1. Một Tiến Trình Phát Triển Lâu Dài

Mặc dù ngay từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên ki-tô đã có những nhận thức và xác quyết về giáo lý Đức Ma-ri-a - Hiền Mẫu Tinh Thần (như của thánh I-rê-nê, Ê-pi-phan, Am-rô-si-ô và Âu-gu-tinh), nhưng những chứng cứ ấy còn hiếm hoi, ít ỏi. Phải chờ mãi đến giữa thời Trung Cổ người ta mới thấy một sự khởi đầu phát triển thực sự của thần học về giáo lý này. Ngày nay, càng ngày người ta càng coi trình thuật Phúc Âm Gio-an 19:25-27 (Đức Ma-ri-a trên đỉnh Can-vê) như một chứng từ trình bày thực tại thiên chức hiền mẫu tinh thần của Đức Ma-ri-a đối với các môn đệ Chúa Giê-su, nhưng về mặt lịch sử mà nói người ta chỉ hiểu được những hàm ý khá phong phú của trình thuật này một cách tiệm tiến.

Ở đây, chúng ta phải đối diện với một thực tại mà Giáo Hội và các tín hữu đã cảm nghiệm được về mặt thiêng liêng trước khi nội dung thần học của thực tại ấy được giải thích rõ ràng. Thái độ ý thức chính yếu của các ki-tô hữu trong trường hợp này không giống như thái độ của họ trước một chân lý được mặc khải hoặc được khám phá qua lý luận trừu tượng. Thực tại này tự tỏ hiện những gì ẩn chứa bên trong dần dần qua sự hiện diện và hoạt động của Đức Ma-ri-a trong cuộc sống của chúng ta. Tương quan mẹ con là một loại suy phổ biến và chân xác nhất có thể nói lên được kinh nghiệm về mẫu tính của Đức Ma-ri-a đối với chúng ta trên bình diện tinh thần.

Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã xác nhận tầm quan trọng của kinh nghiệm sống động này: “Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Ngài, họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian Cứu Thế’’ (LG 62).

Những lời trên cho thấy rõ ràng Công Đồng đang nói về vai trò từ mẫu của Đức Ma-ri-a.

2. Nội Dung

Khi gọi Đức Ma-ri-a là “Mẹ,’’ chúng ta trực giác hiểu ngay được ý nghĩa trọng tâm của danh xưng này vì nó gợi lên những ký ức kinh nghiệm vừa bao quát vừa sâu lắng của chúng ta. Nhưng khi phải giải thích rõ ràng chính xác nội dung của danh xưng này thì vấn đề không giản đơn chút nào. Trước hết, vì sự phong phú của nội dung, nó thực sự bao hàm mọi khía cạnh hoạt động của Đức Ma-ri-a đối với chúng ta. Vì vậy nếu muốn làm sáng tỏ danh hiệu này, ta phải xét đến mọi khía cạnh liên hệ. (Tùy từng phương diện, mọi đề mục trong từ điển này đều mô tả và giải thích sứ mạng của Đức Ma-ri-a, nên đều là những đề mục liên hệ đến Mẫu Tính Tinh Thần của Đức Ma-ri-a).

Hơn nữa, Đức Ma-ri-a là “Mẹ’’ chúng ta một cách loại suy thiết yếu (necessarily analogical). Các nhà thần học hiểu những điều này rất rõ vì họ luôn nhớ những giới hạn và sự siêu việt (transcendence) của danh xưng này. Những giới hạn rõ ràng phát xuất từ sự kiện chúng ta không thể áp dụng vào Mẹ Ma-ri-a tất cả mọi thực tế (realities) của một người mẹ tự nhiên, chúng ta không phải là “con ruột” của Đức Ma-ri-a trên bình diện thể lý (theo phương diện này, Đức Ma-ri-a là Chị của chúng ta), nhưng trên “bình diện ân sủng’’ (LG 61). Trong một số phạm vi nào đó, Mẫu Tính của Đức Ma-ri-a đối với chúng ta xét ra không bằng người mẹ tự nhiên, nhưng trong một số phạm vi khác, thì lại cao vượt hơn nhiều. Thí dụ, phẩm cách đời sống làm con Thiên Chúa của chúng ta, cuộc sống mà Đức Ma-ri-a đã trợ giúp để đem lại cho chúng ta đã nâng cao và làm phong phú đời sống nhân loại của chúng ta một cách khôn lường. Sự hoàn hảo trong việc Mẹ hiến thân cho sứ mạng hiền mẫu vượt xa tất cả những bà mẹ tốt nhất trên trần gian. Hơn nữa, ơn gọi hiền mẫu của Đức Ma-ri-a còn mang tính phổ quát, và như thế có một mối tương quan riêng giữa Mẹ với từng người chúng ta.

Chúng ta có thể rút từ chương 8 hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) những đặc tính cốt yếu của Mẫu Tính nơi Đức Ma-ri-a.

a) Trong và qua việc phục vụ Chúa Giê-su Con Mẹ, Đức Ma-ri-a trong thời gian tại thế đã thể hiện nhiệm vụ làm Mẹ đối với chúng ta.

Do việc Hài Nhi được Mẹ cưu mang trong ngày Truyền Tin là Đấng Cứu Thế, nên Đức Ma-ri-a đã ban cho thế giới “Đấng là chính sự sống, Đấng canh tân mọi sự’’ (LG 56). Chúng ta hãy đi sâu vào vấn đề này.

Công Đồng, kế thừa Truyền Thống không những trình bày mức độ hiến thân đầy tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a đối với riêng Chúa Giê-su, mà còn ghi nhận rằng, như một tôi trung của Chúa và do thánh ý Thiên Chúa, Mẹ đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình cứu độ Con Mẹ thực hiện: “Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa...Đức Ma-ri-a đã hiến mình tận tuyệt như một Nữ Tì Thiên Chúa cho con người và công việc của Con Mẹ, tùy thuộc vào Người và cùng với Người...phục vụ mầu nhiệm ơn Cứu Độ’’ (LG 56; x. 61).

Mẫu Tính Tinh Thần của Đức Ma-ri-a đối với chúng ta có cùng trương độ (coextensive) như sứ mệnh Mẹ phục vụ Chúa Giê-su Cứu Thế. Tất cả những gì Mẹ làm cho Chúa Giê-su và với Chúa Giê-su đều liên quan đến cuộc sống làm con Thiên Chúa của chúng ta: “Mẹ cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong Đền Thánh và cùng đau khổ với Con trên Thập Giá, Đức Ma-ri-a đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Đức Ma-ri-a là Mẹ thật của chúng ta’’ (LG 61).

b) Ngày nay Đức Ma-ri-a vẫn tiếp tục thể hiện Mẫu Tính Tinh Thần của Mẹ: “Trong nhiệm cuộc ân sủng, Đức Ma-ri-a luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin - sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên Thập Giá - cho đến lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục tiên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời’’ (LG 62).

Nhưng Công Đồng không chấm dứt ở câu Đức Ma-ri-a thực thi chức năng từ mẫu này “bằng việc liên lỉ cầu bầu,’’ Công Đồng còn thêm rằng “với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế...’’ Chúng ta có thể coi đó như một gợi ý về tính cách riêng tư trong mối quan hệ giữa Đức Ma-ri-a với từng người chúng ta. Quan hệ ấy không phải đơn giản chỉ là một quan tâm chung chung vì chúng ta lúc nào cũng cần được cầu nguyện. Những lời Công Đồng làm tăng thêm niềm tin tưởng của chúng ta mỗi khi kêu nài Đức Ma-ri-a “cầu nguyện cho chúng ta,’’ một niềm tin tưởng đến độ xác tín rằng Mẹ hiểu biết, nhìn xem, và nghe lời chúng ta.

Hoạt động thể hiện sứ mệnh hiền mẫu của Đức Ma-ri-a đối với chúng ta còn là một hình thức diễn tả tinh thần hoàn hoàn phục vụ Chúa Giê-su của Mẹ nữa:

c) Mục đích của hoạt động từ mẫu của Đức Ma-ri-a là hiệp nhất chúng ta với Chúa Ki-tô đến mức độ hoàn toàn, để mỗi người chúng ta đều có thể nói: “ Sự sống tôi đang sống đây không phải là của tôi; chính Chúa Ki-tô đang sống trong tôi’’ (Gl 2:20), ngõ hầu Chúa Ki-tô trở nên “mọi sự trong mọi người’’ (x. Cl 3:11).

Nói cho cùng, ân sủng là sự sống của Chúa Ki-tô trong chúng ta, sự sống của Đấng “mà Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử giữa đoàn em đông đảo’’ (Rm 8:29), tức là các tín hữu mà Mẹ đã cộng tác sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ (LG 63).

Mặc dù Mẫu Tính Thần Linh (Divine Motherhood) của Đức Ma-ri-a đối với Chúa Giê-su phải được phân biệt với Mẫu Tính Tinh Thần của Mẹ đối với chúng ta, nhưng không được tách biệt hai mẫu tính này. Mẫu Tính thứ hai phát nguyên từ Mẫu Tính thứ nhất và được Mẫu Tính thứ nhất làm minh sáng ý nghĩa. Mẫu Tính Tinh Thần giống như độ trương rộng của Mẫu Tính Thần Linh, bởi vì - theo cách diễn tả thật tuyệt vời của thánh Mong-pho thì - Mẫu Tính Tinh Thần hệ ở chỗ “đúc chúng ta trong Chúa Giê-su Ki-tô và đúc Chúa Giê-su Ki-tô trong chúng ta.”

d) Nhiệm vụ từ mẫu của Đức Ma-ri-a đối với chúng ta hoàn toàn là kết quả hành vi cứu độ của Chúa Ki-tô; bắt nguồn từ đó và tùy thuộc tất cả vào đó: “Vai trò làm Mẹ của Đức Ma-ri-a đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Ki-tô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy” ( LG 60; x. 61). Công trình cứu độ của Chúa Ki-tô vô cùng dư dật đến độ Ngài ban cho mọi người Ngài đã cứu độ đều được trở thành những cộng tác viên của Ngài. Người trước nhất cộng tác theo cách thế cá biệt và phổ quát là Mẹ Ngài, Đấng Ngài ngỏ lời và ban phương thế để hoàn tất sứ mạng từ mẫu đối với chúng ta.

e) Hơn nữa, Đức Ma-ri-a đã cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác mình nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đấng đã rợp bóng trên Mẹ (Lc 1:35). Cũng chính quyền năng Chúa Thánh Thần, Linh Hồn của linh hồn Mẹ, Sự Sống của sự sống Mẹ mà Mẹ đã có được “khả năng sinh sản” (fecundity) để làm Mẹ của chúng ta.

3. Tương Quan Mẹ - Con

Đức Ma-ri-a đã sử dụng tất cả năng lực tinh thần và thể lý để phục vụ sứ mệnh làm Mẹ Chúa Giê-su. Mẹ cũng làm như thế để phục vụ “độ trương rộng” của sứ mệnh ấy - làm Mẹ Tinh Thần đối với chúng ta.

Điểm đáng lưu ý là Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã sử dụng những từ ngữ chất chứa cảm tình rất sâu đậm dịu dàng khi nói về liên hệ giữa Đức Ma-ri-a và chúng ta. Thí dụ Công Đồng nói: “Với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc những anh em của con Mẹ...” (LG 62). Công Đồng cũng dùng những ngôn ngữ như thế khi mô tả thái độ, hoặc thái độ nên có của từng người chúng ta nói riêng cũng như toàn thể Giáo Hội nói chung đối với Mẹ. Đức Ma-ri-a là “chi thể của Giáo Hội... Giáo Hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Mẹ tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu” (LG 53). Và mặc dù Công Đồng lưu ý rằng “lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật,” nhưng Công Đồng tiếp ngay, “đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Như thế, lòng sùng kính chân chính không bị rơi vào thói cảm tình ủy mị hoặc quá chuộng cảm giác. Nhưng dù có nguy cơ này đi nữa, thì đó cũng không phải là cớ để chối bỏ hay hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề là: để phát triển đến mức trưởng thành trong Chúa Ki-tô, chúng ta phải cần đến hoạt động từ mẫu của Đức Ma-ri-a, và đó là thánh ý Thiên Chúa. Về phía mình, chúng ta nên cố gắng duy trì một quan hệ sinh động với Đức Ma-ri-a, một quan hệ áp dụng hài hòa mọi khả năng của hữu thể chúng ta, kể cả phương diện cảm tình như trong quan hệ của chúng ta đối với Đức Ki-tô. Tình từ mẫu thiêng liêng của Đức Ma-ri-a nhắc nhở chúng ta hãy sử dụng cả chiều kích tình cảm của con cái Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta.

Để kết luận, chúng ta hãy trở về với nền tảng là Lời Chúa Ki-tô trên núi Can-vê được Phúc Âm ghi lại: “Đây là con Bà” - “Đây là Mẹ Con,” và những lời Mẹ Ma-ri-a nói với những gia nhân tại tiệc cưới Ca-na: “Hãy làm điều Ngài bảo các anh.” Những lời này, Mẹ nói với chúng ta không bao giờ mỏi mệt. Mẹ hằng ở bên chúng ta như một người mẹ để giúp chúng ta sống trọn vẹn những lời ấy.

A. Đơ-lơ-san

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)