dongcong.net
 
 


NGƯỜI NỮ

Xem:
- Cana
- Đức Ma-ri-a dưới Chân Thập Giá
- Người Tôi Tớ Thiên Chúa

1. Đức Ma-ri-a, Người Nữ Hoàn Hảo

Theo Phúc Âm Gio-an, Chúa Giê-su đã hai lần gọi Mẹ Người bằng danh xưng “Bà” (Ga 2:4; 19:26). Điều này chứng tỏ rằng Đức Ma-ri-a chính là người đại diện và là hiện thân của dân tộc Đấng Mê-si-a. Và có thể nói được Mẹ là E-và Mới. Mẹ của chúng sinh dưới chân Thập Giá đã cộng tác trong mối liên hệ như Hiền Thê của A-đam Mới để sinh ra Dân Tộc Mới của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần.

“Theo lời tiên báo trong Sáng Thế Ký 3:15, Người Nữ này đã được tiền định làm người cộng tác với Thiên Chúa trong chiến trận chống lại Sa-tan. Bà chính là Mẹ của Đấng sẽ đạp dập đầu kẻ thù. Tuy nhiên, theo viễn ảnh tiên báo của Cựu Ước, Miêu Duệ của Người Nữ ấy, Người sẽ chiến thắng thần dữ hình như nhất thiết phải là một con người.”

“Ở đây, có sự kiện kỳ diệu về Đấng Nhập Thể, Miêu Duệ của Người Nữ ấy, Người sẽ hoàn tất lời tiên báo không phải là một người thường. Ngài có bản tính nhân loại thực sự nhờ Người Nữ, Mẹ Ngài, nhưng đồng thời Ngài cũng là Thiên Chúa thật. Ngay từ ban đầu, giao ước giữa Thiên Chúa và Người Nữ đã mang một chiều kích mới. Đức Ma-ri-a đi vào giao ước này với tư cách là Mẹ Thiên Chúa.”

“Để song đối với hình ảnh người nữ ban đầu đã phạm tội, Thiên Chúa đã tạo nên một người nữ hoàn hảo, người có sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa. Giao ước mới này cao vượt trên phạm vi một cuộc giao hòa đơn thuần. Vì giao ước này đã nâng Người Nữ ấy đến một tầm cao không ai có thể tưởng tượng được” (Đức Gio-an Phao-lô II, ngày 4 tháng 1 năm 1984).

2. Nữ Tính của Đức Ma-ri-a

Ngoài những ý nghĩa tiềm tàng trong Thánh Kinh, từ ngữ “người nữ” còn gợi lên một chiều kích riêng của Đức Ma-ri-a như một người nữ trưởng thành và đầy trách nhiệm vì Mẹ hoàn toàn chấp nhận hoàn cảnh và ơn gọi của mình. Mẹ là “Người Nữ của dân tộc Ít-ra-en,” Mẹ đi sâu vào lòng dân tộc và lịch sử Ít-ra-en.
Mẹ là “Người Nữ” theo nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ này vì Mẹ hành xử với tư cách một người trưởng thành. Chúng ta thấy Mẹ đón nhận các trách nhiệm của mình trong biến cố Truyền Tin, một biến cố sẽ mãi mãi an bài vận mệnh của Mẹ. Mẹ không hề khoa trương về đặc ân của mình, không hề lãng phí khối tình duy nhất dành cho Chúa Con để mong giữ Ngài lại cho riêng mình. Ngược lại, ý thức về sứ mệnh của Chúa Giê-su, Mẹ muốn Ngài cứ xúc tiến chương trình ấy: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2:3). Trong giai đoạn hoạt động công khai của Chúa, Mẹ luôn ẩn mình phía sau, nhưng trong giờ Thập Giá, Mẹ đã hiện diện. Mẹ không hề phật lòng khi được nhắc nhở phải thay đổi cách xử đối như mọi người mẹ thế gian phải làm lúc con bà khôn lớn, trong trường hợp của Mẹ lại mang một chiều kích ngoại lệ vì ngôi vị Thiên Chúa của Con Mẹ. Vì ngoài những chiều kích tự nhiên của mối quan hệ mẹ con, còn có những chiều kích đức tin vượt trên mọi tương quan máu mủ. Sự “từ bỏ” của Mẹ sâu xa đến độ Mẹ đã chấp nhận cái chết của Chúa Giê-su trên Thập Giá vì phần rỗi thế gian.

Vì thế, người ta không thấy nơi Đức Ma-ri-a thái độ nhỏ nhen canh giữ Chúa Giê-su cho riêng Mẹ. Mẹ biết rằng Người không thuộc về riêng Mẹ. Mẹ hiểu rằng Chúa thuộc về tất cả mọi người. Đức Ma-ri-a không bị trói buộc trong thái độ “bo bo” làm thui chột sự phát triển của Mẹ lẫn Con. Trung tâm hiện hữu của Mẹ không phải là Mẹ, nhưng là Chúa Con, Đấng ban cho sự hiện hữu của Mẹ tất cả ý nghĩa. Thái độ đó chính là nguyên lai cho cuộc sống cá nhân thực sự của Đức Ma-ri-a, với ý thức trách nhiệm và tình nguyện biết đưa ra sáng kiến khi cần thiết (Lc 1:38; Ga 2:3). Đức Ma-ri-a hiến mình để phụng sự Chúa Con, và tìm được tự do của Mẹ khi để cho Chúa theo tự do của Người.

Đức Ma-ri-a là người nữ hoàn hảo vì bên cạnh ơn gọi đặc biệt làm trinh nữ, làm vợ và làm mẹ, Ngài đã mang nơi mình một nữ tính trọn vẹn thể hiện qua những đặc điểm như trực giác, tinh tế, nhạy cảm, ân cần đến tha nhân và các nhu cầu của họ. Đó là lý do khiến các ki-tô hữu có một niềm tin tưởng phó thác vào Mẹ gần như theo bản năng.

Sau cùng chúng ta hãy chiêm ngắm con người Đức Ma-ri-a, một người nữ với nét bình dị, anh dũng và rất “người” của Mẹ. Trong tông thư Lòng Sùng Kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Đức Phao-lô VI trình bày những đường hướng để tái khám phá con người Đức Ma-ri-a như một người nữ đức tin, một người nữ chủ động và đầy trách nhiệm. Đức Thánh Cha nói: “Thực tế mà nhìn sẽ thấy khó mà đưa hình ảnh Đức Mẹ - theo như một số văn chương đạo đức diễn tả - vào hiện trạng của xã hội sống ngày nay, đặc biệt của giới phụ nữ... Do đó, một số người không thích việc tôn sùng Đức Ma-ri-a bởi vì khó mà nhận Đức Ma-ri-a làng Na-da-rét làm gương mẫu cho cuộc sống bởi khung cảnh của Mẹ bị coi là quá hẹp so với tầm hoạt động bao la đang mở ra cho con người thời nay” (MC 34).

“Giáo Hội luôn luôn đưa Đức Ma-ri-a làm gương mẫu cho các tín hữu, không nhằm giới thiệu lối sống hay cảnh vực văn hóa mà Mẹ đã sống, vì cả hai đều lỗi thời, nhưng chỉ nhắm đến việc Đức Ma-ri-a đã hoàn toàn thực hiện ý Chúa trong thực trạng của đời sống (Lc 1:38). Đúng hơn, Mẹ được nêu gương cho các tín hữu vì cung cách mà Mẹ, trong cuộc sống đặc thù của Mẹ, đã chấp nhận thánh ý Thiên Chúa một cách trọn hảo, đầy ý thức trách nhiệm, vì Mẹ đã lắng nghe thực thi Lời Chúa, và vì đức ái và tinh thần phục vụ luôn thúc bách hướng dẫn các hoạt động của Mẹ. Mẹ xứng đáng cho mọi người noi gương vì Mẹ là môn đệ số một và trọn hảo nhất của Chúa Ki-tô. Tất cả các điều đó có giá trị nêu gương mãi mãi cho thế giới” (MC 35; 37).

3. Đức Ma-ri-a và Phụ Nữ Ngày Nay

Trong bức thư mục vụ năm 1973 mang tựa đề “Đây là Mẹ Con” đầy ý nghĩa, các giám mục Hoa Kỳ đã trình bày Đức Ma-ri-a theo các khía cạnh đa diện trong cuộc sống phức tạp của ki-tô hữu thời nay. Các ngài đã đề cao Mẹ như mô phạm cho tất cả tự do thực sự của phụ nữ, nhấn mạnh đến vai trò của Mẹ trong công cuộc thăng tiến phụ nữ, và Mẹ là hình ảnh tiên báo vai trò của phụ nữ Ki-tô giáo trong Giáo Hội và xã hội hôm nay.

“Theo các Phúc Âm, Chúa Ki-tô đã tỏ ra một thái độ khai sáng cho các phụ nữ: qua cuộc nói chuyện với Ngài với người đàn bà Sa-ma-ri-a bên bờ giếng; qua mối tình thân hữu Ngài dành cho chị em Mát-ta và Ma-ri-a, đặc biệt là việc bênh vực cho Ma-ri-a khi bà say sưa lắng nghe lời Ngài thay vì lo phục vụ; qua thái độ Ngài đối với người đàn bà gốc Phê-ni-xi xứ Xi-ri-a và con gái yếu bệnh của bà (Mc 7:29); qua việc Chúa hiện ra với Ma-ri-a Ma-đa-lê-na sau khi sống lại và sai bà đi loan báo tin mừng cho các Tông Đồ. Những sự kiện trên - được hiểu theo bối cảnh văn hóa thời ấy - cho chúng ta một căn bản để xúc tiến cuộc thăng tiến và giải phóng thật sự cho phụ nữ.”

“Phẩm giá mà công cuộc cứu độ của Chúa Ki-tô mang lại cho mọi phụ nữ đã được thể hiện một cách tuyệt hảo nơi Đức Ma-ri-a, mô phạm cho tất cả tự do thực sự của phụ nữ. Trong Phúc Âm, Mẹ Chúa Giê-su được mô tả với những đặc tính như:

* Thông minh (trong biến cố Truyền Tin, Mẹ hỏi: “Điều ấy làm sao có thể được?”);

* Nhiệt thành với tinh thần tông đồ (trong cuộc viếng thăm bà Ê-li-sa-bét);

*Đầy tinh thần tìm hiểu và chiêm niệm (trong lúc Chúa bị lạc mất trong Đền Thờ);

*Khéo ứng xử và sáng kiến (tại tiệc cưới Ca-na);

*Đầy cảm thông và can đảm (trên núi Can-vê);

*Và đầy tràn đức tin.

Những điểm tiềm tàng ấy trong cuộc sống của Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a ấy cần được trình bày cặn kẽ trong một nền thần học lành mạnh khi bàn về vai trò của phụ nữ Ki-tô giáo trong bối cảnh Giáo Hội và xã hội hôm nay” (số 141-142).

Đức Phao-lô VI đã phác thảo một nội dung thần học như thế về Đức Ma-ri-a trong bức tông thư “Lòng Sùng Kính Đức Trinh Nữ” ban hành năm 1974. Ngài trình bày vai trò của Đức Ma-ri-a và người phụ nữ thời nay: “Mẹ là tấm gương phản ảnh những ước vọng của phụ nữ thời nay” (số 37).

1) Phụ nữ ngày nay mong muốn tham dự vào quyền quyết định các vấn đề của cộng đồng. Như thế họ có thể vui mừng chiêm ngưỡng Đức Ma-ri-a, người “đối thoại với Thiên Chúa và nói lên sự ưng thuận tích cực tự do để giải quyết không phải một vấn đề nhất thời, nhưng chính là biến cố quan trọng của toàn nhân loại, tức là biến cố Ngôi Lời Nhập Thể.”

2) Phụ nữ ngày nay sống trong một thế giới đề cao giá trị hôn nhân và coi khinh đời sống đồng trinh như một “lối sống thui chột” (counterproductive). Qua việc nhận biết vì sao Đức Ma-ri-a đã lựa chọn cuộc sống trinh khiết, cuộc sống chuẩn bị cho Mẹ đi vào mầu nhiệm Nhập Thể theo chương trình Thiên Chúa, họ sẽ hiểu rằng không phải “Mẹ phủ nhận các giá trị của đời sống hôn nhân, nhưng vì đó là một sự lựa chọn can đảm, nhằm tận hiến toàn thân cho tình yêu Thiên Chúa.”

3) Phụ nữ ngày nay sống giữa một thế giới rất coi trọng thái độ khẳng định bản thân (self-assurance). Họ sẽ ngạc nhiên vui sướng khi thấy rằng “Đức Ma-ri-a thành Na-da-rét hoàn toàn phó thác theo thánh ý Chúa, nhưng Mẹ không phải là một người phục tùng cách thụ động hay tôn kính Chúa cách nô lệ, mà là một người nữ can đảm tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng nâng đỡ người hèn mọn yếu đuối và đánh đổ kẻ quyền thế trên đời” (x. Lc 1:51, 53).

4) Phụ nữ ngày nay ước muốn ủng hộ những lực lượng giải phóng quần chúng và xã hội. Họ có thể nhận ra “Đức Ma-ri-a đứng hàng đầu trong những kẻ nghèo hèn của Chúa. Mẹ là người nữ đã nếm mùi khó nghèo và đau khổ, trốn tránh và lưu đày (x. Mt 2:13-23).”

Từ những nhận định trên, ki-tô hữu có thể hiểu biết thêm về Đức Ma-ri-a, mẫu gương cho phụ nữ ngày nay. Dĩ nhiên để được như thế, họ phải đọc Thánh Kinh dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần và những khám phá của các nghành khoa học con người cũng như những hoàn cảnh đa dạng của thế giới hôm nay.

A. Đơ-lơ-san - A. Buy-ô-nô

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)