dongcong.net
 
 


NHIỆM VỤ CHUYỂN CẦU CỦA ĐỨC MA-RI-A

Xem:
- Mẫu Tính Tinh Thần
- Nữ Vương
- Đức Ma-ri-a Trung Gian

Theo nhiều sách vở đạo đức, nhiệm vụ chuyển cầu của Đức Ma-ri-a được rút gọn vào việc “chuyển” các lời cầu nguyện và cầu xin giùm chúng ta. Một thần học gia đã viết: “Sự chuyển cầu của Đức Ma-ri-a được nhìn nhận như một hành vi tấu trình lên Chúa Ki-tô để xin các ơn sủng cho chúng ta.”

Như thế là làm nghèo đi lời cầu nguyện của Đức Ma-ri-a và cả sự cộng tác của chúng ta đặt vào lời cầu nguyện ấy như Mẹ ao ước. Trước tiên, lời cầu nguyện của Đức Ma-ri-a là một lời ca tụng và tạ ơn, điển hình qua bài ca Magnificat. Theo lời thánh I-rê-nê, qua việc mời gọi chúng ta cùng å cất lên bài Magnificat, bài ca tạ ơn của Giáo Hội, Mẹ đặt trên môi miệng chúng ta lời chúc tụng không bao giờ ngừng phát xuất từ con tim một người con nhỏ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Đức Ma-ri-a là mẫu gương tuyệt vời về niềm hoan lạc tri ân, tràn đầy ngưỡng mộ trước những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa. Vậy thì còn gì thích hợp đối với chúng ta hơn cho bằng việc học tập bí quyết trong bài ca Magnificat của Mẹ một lời cầu nguyện “tạ ơn” đúng nghĩa để biến thành của riêng ta?

Ngoài ra, chúng ta hãy thường xuyên chạy đến cầu xin cùng Mẹ, vì thế lực lời cầu xin của Mẹ Thiên Chúa, Người mà Chúa Con không muốn chối từ điều gì. Chúng ta, những người ki-tô hữu nếu không có thói quen thì ít là hãy sẵn sàng chạy đến cùng Mẹ như những người túng nghèo. Hơn nữa, Thánh Truyền Giáo Hội và tấm gương tín thác của các thánh luôn khích lệ chúng ta: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời ...” (kinh Hãy Nhớ).

1. Tín Thác vào Lời Cầu của Đức Ma-ri-a

Niềm tin này dựa vào hiệu lực chuyển cầu của Đức Ma-ri-a. “Đức Ma-ri-a chuyển cầu với Con của Mẹ bằng tất cả thế lực lời cầu của một người mẹ,” Đức Thánh Cha Pi-ô IX đã xác định như thế trong bửu sắc định tín giáo lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Và Đức Phao-lô VI trong tông huấn Marialis Cultus số 18 đã nhắc lại: “Mẹ luôn cầu nguyện từ lúc Giáo Hội sơ sinh đến mãi mãi, vì tuy đã lên trời, Đức Ma-ri-a vẫn giữ sứ mạng chuyển cầu và cứu độ của mình.”

Một chứng từ cổ xưa về lòng tín thác vào Đức Ma-ri-a là kinh Trông Cậy. Các sử gia tin rằng bản kinh này đã có từ thế kỷ III. Kinh Trông Cậy trưng dẫn tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) đồng thời vớiá các công đồng vĩ đại bảo vệ giáo lý Thiên Chúa Ba Ngôi và giáo lý Chúa Ki-tô:

Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời,
Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện.
Trong cơn gian nan thiếu thốn,
Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng,
Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. A-men.

Kinh Trông Cậy sinh hiệu quả nhờ tính cách đơn sơ trẻ thơ. Đó là một lời kinh tha thiết xin Đức Ma-ri-a trợ giúp “trong cơn gian nan.” Các tín hữu kêu cầu Mẹ Thiên Chúa vì nơi Mẹ có tình yêu ân cần hiền mẫu, và kêu Mẹ là Mẹ Chúa Giê-su vì Chúa không thể từ chối Mẹ điều gì. Với người Mẹ này bên cạnh, người con nhỏ u sầu sẽ luôn luôn có được một nơi náu nương an toàn và ấm áp tình yêu.

2. Nền Tảng Lòng Tín Thác

Các ki-tô hữu tín thác nơi Đức Ma-ri-a là vì Mẹ đã và vẫn mãi hợp nhất với Chúa Ki-tô. Tôn sùng Mẹ là tin nhận vào thế lực của một người mẹ trên tấm lòng của Chúa Con, nhưng hơn nữa, còn là tin nhận mối hiệp nhất giữa Mẹ Đồng Trinh với Chúa Giê-su trong công trình cứu độ thế giới.

Nhờ Mẹ Ma-ri-a, các ki-tô hữu nài xin Chúa Ki-tô. Nương nhờ vào lời khẩn nguyện toàn năng của Đức Ma-ri-a làm cho lời nguyện xin của chúng ta thêm “nặng ký.” Nhưng không hề có vấn đề nhờ Mẹ - như đôi khi có người vẫn nói - để làm nguôi cơn giận của Con Mẹ, Đấng mà họ nghĩ là đang thịnh nộ với chúng ta. Đúng ra, chúng ta tín thác vào Đức Ma-ri-a vì Mẹ hợp nhất mật thiết với Chúa Giê-su.

Sự “lệ thuộc” vào Chúa Giê-su của Đức Ma-ri-a mà Công Đồng Va-ti-ca-nô II (LG 62) nói đến là một sự lệ thuộc đầy tình yêu, không hề gây tổn hại cho sự thắm thiết và mức hoàn hảo của mối hợp nhất giữa hai Đấng. Vì Mẹ đã thuận hợp với công cuộc lòng nhân từ của Chúa Giê-su: “Ta đến vì tội nhân.” Lời cầu nguyện của Đức Ma-ri-a có một thế lực vô song đối với Trái Tim Chúa Giê-su. Vì hiểu Con Mẹ và sứ mạng lòng nhân từ mà Chúa Cha đã trao cho Ngài, Mẹ yêu cầu chúng ta hãy vâng phục với niềm tín thác: “Hãy làm những gì Ngài bảo” (Ga 2:5).

Như thế là có một nền tảng kép đôi, đó là sự hiệp nhất của Mẹ trong công trình cứu độ và nhiệm vụ từ mẫu không giới hạn mà Chúa đã trao cho Mẹ. Do đó, mọi lời cầu nguyện thành tâm nhờ Mẹ Ma-ri-a dâng lên Chúa Giê-su sẽ trở nên xứng đáng. Mẹ sẽ liên kết những lời cầu nguyện ấy với tâm tình thờ phượng từ mẫu của Mẹ để dâng lên và mong được Chúa chấp nhận.

Trong ngày Truyền Tin, Đức Ma-ri-a đã thực hiện bước đầu tiên của công việc làm “Nữ Tì Thiên Chúa,” Mẹ đã chấp nhận sứ mạng Thiên Chúa ưu tuyển trao phó cho Mẹ. Dưới chân Thập Giá, Mẹ đã tiếp nhận lời phú thác làm từ mẫu. Khi chúng ta đến với Mẹ lúc cầu nguyện, Mẹ sẽ tiếp nhận để hoàn thành sứ mạng của mình. Giờ đây bên Chúa Giê-su trong vinh quang thiên đàng, lòng Mẹ vẫn không quên đau khổ cũng như tội lụy của đoàn con.

Trên thiên đàng chắc chắn Mẹ Ma-ri-a không hề vô cảm trước những khổ đau của chúng ta. Theo cha Ga-lô (J. Galot): “Phúc vinh quang thực sự càng làm cho Mẹ cảm thông sâu xa với chúng ta trọn đủ hơn, vì trạng thái vinh phúc càng mở rộng Trái Tim Mẹ ra hơn nữa trước những chiều kích của tình yêu Thiên Chúa.Từ khi Mẹ về trời, những thống khổ và nhu cầu của chúng ta tất cả càng vang âm hơn nữa trong lòng Mẹ. Mẹ bầu cử cho chúng ta với một lòng thương cảm thật sự, và những tâm tình thương xót nhân lành mà chúng ta vẫn nói về Mẹ không phải chỉ là những lời ẩn dụ bóng bẩy.”

3. Lời Cầu Nguyện của Đức Ma-ri-a

Có Ảnh Hưởng đối với Thiên Chúa Không?

Đây là điều khó hiểu đối với một số người. Họ gặp khó khăn giống như vướng vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan: hoặc là Đức Ma-ri-a có thể thay đổi được ý định Thiên Chúa, hoặc là sự chuyển cầu của Mẹ không có thực chất, chỉ là hình thức suông mà thôi.

Khó khăn là vì họ đã “chụp” cho Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su cái tinh thần cạnh tranh đặc trưng của thế giới kinh doanh. Như thế, không những chỉ xúc phạm đến Đức Ma-ri-a mà còn xúc phạm đến Thiên Chúa, vì họ coi Ngài như một người độc tài cố chấp, ương ngạnh đến nỗi chỉ có dùng thủ đoạn mới hòng thay đổi được những quyết định của Ngài mà thôi.

Đức Ma-ri-a hoàn toàn phục tùng thánh ý Thiên Chúa, một thánh ý toàn yêu toàn thương. Để hiểu được vai trò chuyển cầu của Mẹ trên trời, chúng ta phải cặn kẽ tìm hiểu đức vâng phục của Mẹ khi còn tại thế như Phúc Âm đã trình bày.

“Đức Ma-ri-a đã hoàn toàn thực hiện ý Chúa trong thực trạng của đời sống (Lc 1:38), Ma-ri-a đã nghe và đã thực hiện, đức ái và tinh thần phục vụ là động lực của hành động ... Mẹ là môn đệ thứ nhất và hoàn hảo nhất của Chúa Ki-tô” (MC 35) .

Trong vinh quang thiên đàng, Đức Ma-ri-a vẫn một lòng giữ thái độ tuân phục, một thái độ phát xuất từ niềm vui thuận hợp với Thiên Chúa chứ không từ nỗi sợ hãi nô lệ hay tư kỷ. Đối với chúng ta là những tội nhân, đôi khi dường như yêu sách của thánh ý Thiên Chúa gây khó khăn và đau đớn. Tội lỗi che mù trí năng và làm chai đá con tim chúng ta. Trong một số tình huống phải cực kỳ khó khăn chúng ta mới có thể thưa lên lời: “Vâng, lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện.”

Nhưng với Đức Ma-ri-a thì không phải như thế. Thực sự, có thể nói rằng Mẹ có một sự “thuận hợp tự phát” (spontaneous coincide) trước những gì Thiên Chúa muốn - và đơn giản chỉ vì Thiên Chúa đã muốn điều ấy. Chúng ta cũng thấy một sự tương tự nơi tình yêu nhân loại, tình yêu đưa đến một sự thuận hợp tự nhiên trước những sở thích của người chúng ta yêu mến, đơn giản chỉ vì đó là những điều họ thích. Phúc Âm ghi lại trường hợp một môn đệ đã tuyên bố vô điều kiện: “Con sẽ theo Thầy dù Thầy đi bất cứ nơi đâu” (Mt 8:19; Lc 9:57). Điều này lại càng đúng nơi Đức Ma-ri-a, người môn đệ hoàn hảo nhất đã yêu mến Thiên Chúa trọn vẹn với con tim trinh khiết hoàn toàn là sở thuộc của Chúa Thánh Thần.
Đức Ma-ri-a muốn điều Con Mẹ muốn bởi vì Mẹ chỉ có một khối tình duy nhất, khối tình đã làm Chúa Cha động lòng “ban Con Một của Người” (Ga 3:16), khối tình đã hợp nhất Mẹ và Chúa Giê-su trong công trình cứu độ nhân loại, và khối tình ấy Mẹ cũng dành cho chúng ta trọn vẹn. Thế lực chuyển cầu của Mẹ không phải là thế lực nhờ địa vị như kiểu thế lực của “mẹ vua đối với vua,” nhưng đặt nền tảng trên mối hiệp nhất của Mẹ trong công trình cứu thế của Con Mẹ. Đức Ma-ri-a được hiển vinhâ vì Mẹ đã là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc: “Đức Ma-ri-a đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng, chính Chúa Giê-su khi hấp hối trên Thánh Giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ” (LG 58).

Uy thế toàn năng chuyển cầu của Đức Ma-ri-a phát xuất từ sự cộng tác Mẹ đã tự do chấp nhận trong cuộc Tử Nạn cứu thế. Vì lý do ấy, Đức Ma-ri-a muôn đời hiển vinh là Mẹ và là Đấng Cộng Tác với Chúa Cứu Thế, có uy thế và mức độ khả tín của một chứng nhân ưu việt của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã yêu dấu và đã hiến mình vì chúng ta” (x. Ep 5:2; Tt 2:14).

H. Hô-tanh

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)