dongcong.net
 
 


NIỀM VUI MẸ MA-RI-A

Xem:
- Chuỗi Mân Côi
-Nỗi Đau Mẹ Ma-ri-a

Việc kính nhớ những niềm vui của Đức Ma-ri-a có nguồn gốc từ Phúc Âm, qua trung gian phụng vụ.

1. Phúc Âm

Một số người lưỡng lự khi dùng từ “hãy vui lên” để thông đạåt sứ điệp ngày Truyền Tin mặc dù niềm vui Chúa Cứu Thế Giê-su đem đến đã được đề cập nhiều lần trong Phúc Âm thánh Lu-ca chương 1 và 2: “Hài nhi (Gio-an Tẩy Giả) trong lòng tôi nhảy mừng” (Lc 1:44); “Tâm hồn tôi vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1:47); “Ta đến loan báo tin mừng cho các ngươi - đó là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay trong thành Đa-vít, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi.” (Lc 2:10-11).

Nơi Đức Ma-ri-a, Thiên Chúa ban ra niềm vui mà qua các tiên tri Ngài đã hứa cho Nữ Tử Si-on (Sp 3:14, Dcr 9:9; Is 54:1, v.v...). Đức Ma-ri-a trân trọng và suy niệm những điều Mẹ ấp ủ trong ký ức: niềm vui ngày Truyền Tin, niềm vui thăm viếng bà Ê-li-sa-bét, niềm vui Chúa Giáng Sinh. Và cùng với các Tông Đồ, Mẹ sống niềm vui lớn lao khi Con Mẹ sống lại và lên trời hiển vinh (x. Lc 24:41, 52).

2. Phụng Vụ và Lòng Đạo Đức

Bên Tây Phương, từ đầu thế kỷ XI, các tín hữu đã kính nhớ các niềm vui của Đức Ma-ri-a qua việc hát hai vịnh khúc lễ nghi Bi-dan-tin là Gaude, Dei Genitrix và Ave Maria. Cả hai đều được lấy từ Phụng Vụ Giờ Kinh của lễ ngoại lịch về Đức Trinh Nữ rất phổ biến vào thời ấy.

Mừng vui lên, hỡi Mẹ Thiên Chúa, Đấng Trinh Nữ Vô Nhiễm.
Mừng vui lên, Mẹ đã nhận được niềm vui Sứ Thần đem đến.
Mừng vui lên, Mẹ đã cưu mang ánh quang của Ánh Sáng muôn đời.
Mừng vui lên, Mẹ ơi.
Mừng vui lên, Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa.
Mọi tạo vật ca ngợi Mẹ.
Mẹ nguồn Ánh Sáng, xin cầu cho chúng con.

Người ta cho rằng lời chào kính “Thiên Chúa ở cùng Bà” trong kinh Kính Mừng là những lời diễn tả tinh túy niềm vui của Mẹ Ma-ri-a.

Bằng cách nhắc lại với Đức Ma-ri-a mầu nhiệm ngày Truyền Tin, nguồn vui của Mẹ trên dương thế, các tín hữu cảm thấy rằng họ đang chuẩn bị chính mình để được cùng Mẹ chia sẻ niềm vui muôn đời bên Chúa.

3. Các Việc Sùng Kính

Cuối thế kỷ XI, người ta có ý ghép từng câu trong vịnh khúc Gaude (Mừng vui lên) với một biến cố mừng vui trong cuộc đời Đức Ma-ri-a. Những ngày đại lễ trong phụng vụ làm thành năm biến cố mừng vui cố định: Truyền Tin, Sinh Nhật, Tử Nạn - Phục Sinh, Chúa Lên Trời và Mẹ Lên Trời. Ngày Chúa Lên Trời được coi như một niềm vui cho Đức Ma-ri-a vì ngày đó Xương Thịt được Mẹ sinh ra và bản tính nhân loại của chúng ta được vinh quang. Các hình thức tôn kính năm niềm vui Đức Mẹ rất nhiều và đa dạng. Các tín hữu thường suy niệm chung với một số kinh Kính Mừng.

Đến thế kỷ XII, nhiều tín hữu nhận thêm hai biến cố nữa là Ba Vua đến thờ lạy và Chúa Thánh Thần hiện xuống. Như thế tổng cộng gồm bảy niềm vui, tương ứng với bảy giờ kinh Thần Vụ và bảy ngày trong tuần. Về sau, một số người chuộng biến cố dâng Chúa vào Đền Thánh hoặc thăm viếng bà Ê-li-sa-bét hơn, vì họ cho rằng hai biến cố ấy liên hệ gần gũi với Đức Ma-ri-a hơn là biến cố Chúa lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Đến thế kỷ XIII, dòng Phan-xi-cô ngay vừa được thành hình đã cổ động việc sùng kính bảy niềm vui mừng Đức Ma-ri-a. Thánh Bê-na-đi-nô Si-ê-na (1444) và các môn đệ của ngài truyền bá lòng sùng kính ấy với hình thức cố định, vòng hoa những niềm vui hoặc chuỗi 72 kinh Kính Mừng. Mục đích là để tôn vinh vừa bảy niềm vui Đức Ma-ri-a (Truyền Tin, Thăm Viếng, Chúa Giáng Sinh, Ba Vua thờ lạy, Tìm được Chúa trong Đền Thờ, Chúa Phục Sinh và Mẹ Lên Trời) vừa kính nhớ những năm tháng cuộc đời dương trần của Mẹ.

Những bài suy niệm mười lăm niềm vui Đức Ma-ri-a của Tê-pha-nô Sa-e (Stephan Sallai - địa phận York, từ 1225-1250) là một ví dụ điển hình về lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a của dòng Xi-tô, một lòng tôn sùng được nuôi dưỡng nhờ Thánh Kinh, phụng vụ và những tác phẩm của thánh Bê-na-đô, hoàn toàn qui hướng về việc sống với Chúa Ki-tô.

Mỗi niềm vui gồm một bài suy niệm, một câu thưa với Đức Mẹ “Mừng vui lên,” và sau cùng là một lời nguyện với một kinh Kính Mừng được quảng diễn ít nhiều. Mười lăm niềm vui được chia thành ba nhóm:

1) Sự khốn khổ của thế gian tội lỗi và sự kiện Đức Ma-ri-a ra đời.

2) Cuộc sống vô cùng thánh hảo của Đức Ma-ri-a, người “đã kéo” Con Thiên Chúa xuống cho chúng ta.

3) Tổng thần Gáp-ri-en đến chào kính Đức Trinh Nữ.

4) Công việc của Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha sai Con Ngài đến nhập thể.

5) Đức Ma-ri-a đi thăm viếng và phục vụ bà Ê-li-sa-bét.

Suy niệm ngắn: Địa vị sự cao trọng của Đức Trinh Nữ. Trong Mẹ, Chúa Giê-su đã cư ngụ suốt chín tháng.

6) Đức Mẹ sinh Chúa mà vẫn còn đồng trinh và vui mừng vì được sống chung với Chúa Giê-su.

7) Các Đạo Sĩ từ Phương Đông đến.

8) Đức Ma-ri-a đem Chúa Giê-su vào Đền Thờ để kính tiến Chúa Cha.

9) Đời sống đáng ngưỡng mộ của Chúa Giê-su Ki-tô, và Đức Ma-ri-a giữ lại tất cả những điều ấy để suy niệm trong lòng.

10) Những phép lạ Chúa làm , việc biến nước thành rượu.

Suy niệm ngắn: Niềm vui khi Đức Ma-ri-a nhìn thấy mọi việc Chúa Giê-su đã thực hiện từ khi chịu phép Rửa cho đến khi tử nạn.

11) Con Thiên Chúa tự hiến mình cho Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.

12) Đức Ma-ri-a học biết về cuộc Phục Sinh và nhìn thấy Con sống lại.

13) Vinh quang cuộc lên trời của Chúa Giê-su.

14) Mẹ cùng các Tông Đồ cầu nguyện và đón nhận tặng ân Thánh Thần.

15) Niềm vui hoàn tất cuộc đời dương thế và Mẹ được lên trời ngự bên Chúa Con.

Suy qua những nội dung giá trị trên đây do cha Guyn-ma (Dom Willmart) biên tập, ta không thể không bị ấn tượng vì chiều sâu và sự sung mãn ý nghĩa đạo đức. Các tín hữu kính nhớ các niềm vui của Đức Ma-ri-a, nhưng trung tâm lòng sùng kính này vẫn là những mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể.

Mười lăm niềm vui của Đức Ma-ri-a còn được truyền bá qua một hình thức giản đơn hơn qua Phụng Vụ Giờ Kinh (ở Pháp, từ cuối thế kỷ XIV về sau). Chúng ta trích dẫn niềm vui thứ mười một theo sách Giờ Kinh Phụng Vụ của Cha Rơ-nê An-du (René Anjou):

“Ôi Trinh Nữ dịu hiền, vì niềm vui lớn lao trong cuộc sống và nỗi đắng cay khi Con yêu dấu của Mẹ là Chúa Giê-su Ki-tô chịu chết đau thương trên Thập Giá vì chúng con.”

“Ôi Trinh Nữ dịu hiền, nguyện cầu cùng Chúa, chớ gì cuộc tử nạn Chúa Giê-su đã chịu, hãy giải thoát con khỏi chết muôn đời trong hỏa ngục. Kính mừng Ma-ri-a...”

Những niềm vui trên trời của Mẹ cũng được chứa đựng ít nhiều trong những lời chào kính rất phong phú: Kính mừng Nữ Vương các thiên thần; Kính mừng Nữ Vương thiên đàng; Hãy reo mừng, hỡi các thánh hãy dâng lời ca ngợi v.v ....

Sang thế kỷ XIII, để chống lại khuynh hướng quá thiên về lịch sử, việc kính nhớ bảy niềm vui thiên đàng của Đức Ma-ri-a đã ra đời. Xin tóm tắt như sau:

1) Vinh quang Đức Ma-ri-a vượt trên vinh quang của tất cả các thánh.

2) Sự rực rỡ vĩ đại của Mẹ chói chang thiên đàng.

3) Đức Ma-ri-a là Nữ Vương thiên đàng.

4) Lời Mẹ xin luôn được Chúa nhậm lời.

5) Thiên Chúa ban thưởng cho những ai tôn kính Mẹ.

6) Đức Ma-ri-a là người gần gũi Thiên Chúa Ba Ngôi nhất.

7) Những niềm vui của Đức Ma-ri-a bền vững muôn đời.

Chúng ta còn thấy được âm hưởng của việc sùng kính này trong kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng, hãy vui mừng, a-lê-lui-a,và trong mầu nhiệm Chúa ân thưởng cho Mẹ trên thiên đàng.

Đôi khi người ta còn cho ghép năm niềm vui đời này vào bảy niềm vui đời sau của Đức Ma-ri-a thành một việc sùng kính lấy tên là Triều Thiên Mười Hai Ngôi Sao (x. Kh 12:1).

Đầu thế kỷ XIII, các việc sùng kính các niềm vui Đức Ma-ri-a đa dạng trên còn được làm phong phú thêm bằng những suy niệm về các nỗi đau Đức Mẹ. Tập quán đạo đức tôn sùng Đức Mẹ này được chân phước A-la-nô đơ Rốc (1435), dòng Đa-minh gồm tóm lại trong mười lăm mầu nhiệm kinh Mân Côi ngài cổ động, và sau đó được phổ biến rộng rãi nhờ các hội Mân Côi.

4. Ý Nghĩa

Như chúng ta đã biết, việc tôn kính các niềm vui Đức Mẹ dường như bắt nguồn từ năm câu “Mừng vui lên” trong ngợi khúc Gaude, Dei Genitrix. Đây là một phát kiến quan trọng vì toàn bộ ý nghĩa của ngợi khúc ấy như một âm hưởng thi vị của kinh Kính Mừng, đều rút từ sự kiện trung tâm là mầu nhiệm Nhập Thể. Chúng ta ca ngợi và cầu xin cùng Mẹ vì Mẹ hoàn toàn tùy thuộc vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô.

Qua việc sùng kính niềm vui từ sự kiện được làm mẹ của Đức Ma-ri-a, các tín hữu thời Trung Cổ đã ca ngợi những mầu nhiệm về Ngôi Lời Nhập Thể với khát vọng muốn được hợp nhất với Ngài. Đức Ma-ri-a là người đầu tiên đã được hoan hưởng hạnh phúc của sự hợp nhất ấy, và Mẹ sẽ vui lòng chia sẻ cho tất cả những ai đến cùng Mẹ mưu tìm hạnh phúc ấy.

Do khuynh hướng muốn làm cho những niềm vui Đức Ma-ri-a trùng với những biến cố lớn trong cuộc đời Chúa Ki-tô và Mẹ, nên lòng sùng kính ấy bớt trực tiếp qui hướng về mẫu tính của Đức Ma-ri-a, vì mẫu tính ấy chỉ là nguồn vui khi có nhân tố quyết định là sự hiện diện thể lý của Chúa Ki-tô. Ngay ý tưởng niềm vui cũng có khuynh hướng nhường chỗ cho ý tưởng mầu nhiệm. Nhưng nói chung, khát vọng mong gặp được Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể vẫn là trung tâm của lòng sùng kính Đức Ma-ri-a dựa trên nền tảng Phúc Âm.

“Cận kề bên Chúa Ki-tô, Đức Ma-ri-a chung kết mọi niềm hoan lạc. Tràn ngập niềm vui thánh thiện (Mater plena sanctae laetitiae), Mẹ đã cảm hưởng niềm vui trọn vẹn Thiên Chúa hứa ban cho Giáo Hội. Với lý do chính đáng, con cái gian trần hướng về và kêu cầu Mẹ, vì Mẹ là Mẹ niềm hy vọng và ân sủng và gọi Mẹ là nguồn vui của họ” (Đức Phao-lô VI).

J. Lô-ren-sô

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)