dongcong.net
 
 

Suy niệm phục sinh, năm A
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

**************

PHỤC SINH
(Tđcv 10, 34a. 37-43; Col 3, 1-4; Ga 20, 1-9).

Chúng ta đang bước đi trong niềm tin sống đạo. Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là niềm hy vọng tuyệt đối cho những ai tin. Niềm tin của chúng ta dựa vào lời dạy của Chúa Giêsu, niềm tin của Giáo Hội và của các nhân chứng. Sự kiện mồ trống là dấu chỉ đầu tiên cho chúng ta nhận biết là xác của Chúa không còn ở trong mồ. Các chứng nhân tiên khởi đã tường thuật sự kiện rất đơn sơ: Ngày đầu tuần, Maria Madalena đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ (Ga 20, 1). Maria báo tin cho các môn đệ, Phêrô cùng Gioan chạy ra mộ, các ông cũng thấy ngôi mộ trống và khi bước vào trong chỉ thấy khăn liệm và băng vải. Các ông nghiệm ra được những lời Kinh Thánh đã báo trước về Đức Giêsu. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh đem lại cho các ông sự phấn chấn và vui mừng.

Tông đồ Gioan mục kích sự việc đã xảy ra, ông thấy và ông tin: Bấy giờ môn đệ kia mới vào dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin (Ga 20, 8). Chính Gioan đã viết sách Phúc âm kể lại câu truyện này. Gioan là tông đồ trẻ và được Chúa Giêsu đặc biệt ưu ái. Ông đã được hiện diện trong những biến cố quan trọng và ở sát gần bên Chúa, như khi Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, Chúa biến hình trên núi, giây phút buồn sầu trong vườn Cây Dầu và trên thập giá, Chúa đã trao Mẹ của Ngài cho thánh Gioan phụ dưỡng. Gioan là tông đồ duy nhất không lãnh triều thiên tử đạo, nhưng đã trung thành cho tới cùng đường và giữ vững đức tin. Ngài là nhân chứng sống động cho tới tuổi già chuyên lo truyền đạt chân lý phúc âm.

Câu truyện tưởng tượng: Một người thanh niên hỏi ông Giuse thành Ari-ma-thê, bây giờ ngôi mộ ông cho Chúa mượn đã được trả lại. Ông định làm gì với ngôi mộ đó? Ông Giuse nhìn anh một lúc rồi nói: Khi nghe Ngài sống lại, tự nhiên là tôi chạy đến mộ. Ngài không còn ở đó. Ngài đã trả lại ngôi mộ cho tôi. Điều tôi sẽ làm sau đó là: Tôi đặt một ghế băng dưới gốc cây, đối diện với ngôi mộ trống. Buổi chiều, tôi tới ngôi mộ đó và suy gẫm: Đức Giêsu Nazarét đã ngủ yên trong ngôi mộ này và Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết. Giuse Ari-ma-thê cũng sẽ nằm trong ngôi mộ này và điều Chúa sẽ làm cho ta là gì? Chúa Giêsu đã nói: “Ta sống và người sẽ sống”, tôi có thể tin vào lời đó.

Các môn đệ không chỉ chứng kiến cảnh ngôi mộ trống nhưng đã được nhìn xem, đụng chạm, đàm đạo và ăn uống với Chúa Kitô Phục Sinh: Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại (Tđcv 10, 40). Như sau một chiến trận hoang tàn, có kẻ phản bội, có người chối Chúa, một số bỏ chạy và và một số khác ẩn mình trốn tránh khỏi tai mắt thiên hạ vì sợ người Do-thái. Tâm hồn của các môn đệ dĩ nhiên có nhiều hoang mang lo lắng và buồn đau. Nay con tim đã vui trở lại. Nhưng niềm vui hoàn toàn khác biệt, niềm vui của hy vọng vào cuộc sống trường sinh bất diệt.

Sách Tông Đồ Công Vụ tiếp tục tường thuật rất nhiều những chi tiết về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Khởi đầu, chứng kiến cảnh Chúa bị khổ hình và bị chết treo thập giá, có nhiều môn đệ tỏ ra chán nản, thất vọng và muốn bỏ cuộc. Các tông đồ một phần vì buồn nản và một phần sợ sệt vì bị mất vị thủ lãnh. Loan tin Chúa Kitô sống lại từ cõi chết là một tin hoàn toàn mới lạ quá sức tưởng tượng của các ngài. Các môn đệ vừa mừng, vừa vui và vừa ngờ ngợ về sự thật choáng ngợp này. Chúa Kitô Phục Sinh lại bắt đầu gặp gỡ từng cá nhân và từng nhóm trong những hoàn cảnh khác nhau để củng cố niềm tin của các ông. Vì sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa không hiện hữu thường hằng cụ thể với các môn đệ như trước, nhưng Chúa chỉ xuất hiện trong chấp nhoáng dưới nhiều hình thức. 

Các tông đồ bắt tay vào sứ mệnh làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bắt đầu thấm nhuần và được áp dụng cụ thể vào cuộc sống. Các ngài không còn đi tìm vinh quang giả tạo của thế trần, nhưng đã thấu triệt ý nghĩa của cuộc hành đạo. Tất cả các môn đệ can đảm xả thân và mỗi người ra đi một hướng để rao giảng Tin Mừng phục sinh cho mọi dân nước. Rao giảng Chúa Kitô Phục Sinh là trung tâm điểm của tất cả Tin Mừng. Kinh Thánh đã làm chứng về Ngài: Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội (Tđcv 10, 43). Sự sống lại của Chúa Kitô là niềm hy vọng vào sự sống và sự sống lại đời đời. Chúa Kitô trở thành trung gian giữa Chúa Cha và vũ trụ muôn loài. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Đấng xóa tội trần gian.

Niềm tin vào Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta hướng về cuộc sống mới. Mỗi người khi được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội là được tham dự vào đời sống ân sủng của Chúa. Cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa và cùng đích. Trong cuộc lữ hành trần thế, bước chân của chúng ta vẫn còn chạm đất và lo toan sự đời này, nhưng mắt tâm hồn chúng ta ngước lên hướng về trời cao: Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa (Col 3, 1). Đặtniềm hy vọng vào cuộc sống viên mãn đời sau, chúng ta không còn lo lắng và sợ hãi như những người lang thang không biết đi về đâu. Hãy vui mừng lên vì Chúa của chúng ta đã chiến thắng tử thần rồi.

Hằng năm, Giáo Hội Mẹ mời gọi chúng ta cử hành các biến cố tưởng niệm cuộc đời của Chúa Kitô, để chúng ta được hun đúc niềm tin và tiến bước trên con đường trọn lành. Mùa Chay đã qua và Mùa Phục Sinh bắt đầu. Ngó nhìn lại những tháng ngày qua, đôi khi chúng ta quá thờ ơ và dửng dưng với những lời mời gọi ăn năn sám hối trở về cùng Chúa. Đôi khi chúng ta mải mê thế sự, lo lắng tất bật làm ăn và kiếm sống. Biết rằng đang phải sống giữa một xã hội xô bồ, tranh dành và hưởng thụ, nhưng chúng ta cũng chẳng có thể làm cho ngày dài thêm hay trẻ trung trở lại. Đừng để lỡ cơ hội tìm về nguồn sự sống để hiểu biết về ý nghĩa của những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.

Tự vấn, Chúa Kitô phục sinh có mang lại niềm vui cho tâm hồn chúng ta hay không? Sự kiện Chúa Kitô chịu chết và sống lại có ý nghĩa gì không? Chúng ta đang cố công vun đắp cho sự sống này, nhưng đừng quên niềm hy vọng sự sống vĩnh cửu đời sau. Cuộc lữ hành trần thế của chúng ta phải hướng tới cùng đích: Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang (Col 3, 4). Chúa Kitô là ánh sáng và sự sống. Hãy gắn kết chặt chẽ với Chúa Kitô là nguồn sự sống. Chúa Giêsu nói rằng không có Thầy, chúng con không thể làm gì được. Có Chúa, chúng con sẽ có tất cả. Hãy dục lòng tin, cậy và mến, để chúng ta biết phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã phục sinh từ cõi chết. Alleluia. Chúa Kitô là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc, xin cho chúng con biết đặt niềm tin yêu và hy vọng vào sự phục sinh của Chúa, hầu chúng con cũng sẽ được tham dự vào sự sống vĩnh cửu ngày sau.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

. - dongcong.net April 17, 2014

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)