Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới - REUTERS

25/10/2015 11:50
PHẦN:

VATICAN. Trong thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thế giới về gia đình, ĐTC mời gọi toàn Giáo Hội tiếp tục tiến bước noi gương lòng cảm thương của Thiên Chúa.

 Sau 3 tuần làm việc khẩn trương, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về ”ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay” đã kết thúc với thánh lễ 10 giờ sáng chúa nhật 25-10-2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô.

 Có 314 vị đồng tế với ĐTC, gồm các nghị phụ và các linh mục dự thính viên và cộng tác viên, trong số này có 71 Hồng Y, 7 vị Thượng Phụ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, và 174 Giám Mục, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu. Có nhiều người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình lớn đặt tại quảng trường thánh Phêrô.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nói:

 ”Tất cả 3 bài đọc của Chúa nhật này đều trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Thiên Chúa, tình phụ tử của Chúa, được biểu lộ chung kết trong Đức Giêsu.

 Ngôn sứ Gêrêmia, giữa thảm họa của đất nước, loan báo Chúa đã cứu dân Ngài, phần còn lại của dân Israel (31,7).. Đoạn thư gửi tín hữu Do thái cũng trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Chúa Giêsu. Chúa mặc lấy những yếu đuối của chúng ta để cảm thương những người ở trong sự u mê, lầm lạc..

 ĐTC diễn giải nhiều về bài Tin Mừng kể lại Chúa Giêsu chữa lành người mù Bartimeo. Ngài nói:

 ”Có một chi tiết đặc biệt hay. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài đi gọi Bartimeo. Các môn đệ nói với người mù bằng hai kiểu nói mà Chúa Giêsu sử dụng trong phần còn lại của bài Tin Mừng. Trước hết các môn đệ nói với người mù: ”Hãy can đảm lên!”, một từ có nghĩa đen là ”hãy tin tưởng, hãy phấn khởi!”. Thực vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại cho con người sức mạnh để đương đầu với những tình cảnh trầm trọng nhất. Thành ngữ thứ hai là: ”Hãy đứng lên!” giống như Chúa Giêsu nói với bao nhiêu bệnh nhân, cầm tay họ và chữa lành họ. Các môn đệ của Ngài không làm gì khác hơn là lập lại những lời khích lệ và có sức giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn người mù đến thẳng với Chúa, mà không giảng giải gì. Cả các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay cũng được kêu gọi làm như vậy, nhất là ngày nay: nghĩa là đặt con người tiếp xúc với lòng Thương Xót cảm thương cứu độ. Khi tiếng kêu của nhân loại trở nên mạnh mẽ hơn, như nơi ông Bartimeo, không có câu trả lời nào khác ngoài những lời nói của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận làm của mình và nhất là noi theo tâm hồn của Chúa. Những tình trạng lầm than và xung đột, đối với Thiên Chúa, là những dịp thực hành lòng thương xót. Ngày nay là thời kỳ của lòng thương xót!

 Nhưng có một số cám dỗ đối với những người theo Chúa Giêsu. Tin Mừng làm nổi bật ít là 2 cám dỗ. Không có môn đệ nào dừng lại như Chúa Giêsu đã làm. Họ tiếp tục tiến bước, tiến hành như thể không có gì xảy ra. Nếu ông Bartimeo là người mù, thì họ là những người điếc: vấn đề của ông không phải là vấn đề của họ. Tình trạng này cũng có thể là nguy cơ của chúng ta; đứng trước những vấn đề liên lỉ, tốt hơn nên tiếp tục tiến bước, không để cho mình bị phiền toái. Theo cách thức ấy, giống như các môn đệ, chúng ta ở với Chúa Giêsu, nhưng không suy nghĩ như Chúa. Ta ở trong nhóm của Ngài, nhưng nếu ta không cởi mở tâm hồn, thì sẽ mất đi lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn và lòng nhiệt thành, và có nguy cơ trở thành những người quen thuộc với ơn thánh. Chúng ta có thể nói về Chúa, làm việc với Chúa, nhưng sống xa tâm hồn của Chúa, một tâm hồn hướng về ngừơi bị thương. Đó là một cám dỗ: một thứ linh đạo ảo ảnh: chúng ta có thể tiến qua sa mạc của nhân loại mà không thấy điều thực sự hiện hữu, nhưng chỉ thấy điều chúng ta muốn thấy; chúng ta có khả năng kiến tạo những quan niệm về thế giới, nhưng chúng ta không chấp nhận điều mà Chúa đặt trước mắt chúng ta. Một niềm tin không biết ăn rễ trong đời sống của dân chúng thì nó khô cằn, và thay vì là một ốc đảo xanh tươi, thì lại tạo nên những sa mạc khác.

 ĐTC nói tiếp:

 ”Có một cám dỗ thứ hai, đó là rơi vào một đức tin đã hoạch định. Chúng ta có thể tiến bước với dân Chúa, nhưng chúng ta đã có lịch trình tiến hành, qui định trước tất cả: chúng ta biết đi đâu và cần bao nhiêu thời gian; tất cả đều phải tôn trọng nhịp độ của chúng ta, và mọi điều bất tiện đều làm phiền chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở thành những người trong Tin Mừng mất kiên nhẫn và khiển trách ông Bartimeo. Trước đó họ đã khiển trách các trẻ em (Xc 10,13), nay họ trách người hành khất mù: ai gây phiền toái hoặc không thích hợp thì bị loại bỏ. Trái lại Chúa Giêsu muốn bao gồm, nhất là những người bị gạt ra ngoài lề và kêu lên Ngài. Những người, như Bartimeo, có đức tin, vì biết mình cần ơn cứu độ là cách thức tốt nhất để gặp Chúa Kitô.

 Và sau cùng, Bartimeo lên đường theo Chúa Giêsu (Xc v.52). Không những ông ta phục hồi được thị giác, nhưng còn hiệp với cộng đoàn những người đồng hành với Chúa Giêsu.

 Anh chị em tham dự Thượng Hội đồng thân mến, chúng ta đã đồng hành với nhau. Tôi cám ơn anh chị em vì con đường chúng ta đã đi chung với cái nhìn hướng về Chúa và anh chị em, trong sự tìm kiếm những con đường mà Tin Mừng chỉ cho thời đại chúng ta ngày nay để loan báo mầu nhiệm tình yêu gia đình. Chúng ta hãy tiếp tục con đường mà Chúa muốn. Chúng ta hãy xin Chúa một cái nhìn được chữa lành và cứu độ, biết loan truyền ánh sáng, vì nhắc nhớ vẻ huy hoàng đã soi chiếu. Không bị lu mờ vì sự bi quan và tội lỗi, chúng ta hãy tìm kiếm và thấy vinh quang của Thiến Chúa, chiếu tỏa trong con người đang sống”.

 Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng: Hoa, Pháp, Ba Lan, Anh và Hindi, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và các GM, cho các gia đình Kitô, các vị lãnh đạo chính quyền, kinh tế và công nghệ, những người nghèo, người đau khổ và cô đơn, sau cùng là cho các thừa sai.

 Sau thánh lễ, ĐTC đã lên lầu 3 của dinh Giáo Hoàng để đọc kinh truyền Tin lúc 12 giờ trưa với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến Thượng HĐGM thế giới về gia đình vừa kết thúc và cũng gợi lại bài Tin Mừng, nói lên sự quan tâm và lòng thương xót của Chúa đối với dân của Người.

 G. Trần Đức Anh OP

 

 

Giáo Hội có thêm 4 vị Hiển Thánh mới

Giáo Hội có thêm 4 vị Hiển Thánh mới - AP

18/10/2015 12:28
PHẦN:

 VATICAN. Chúa nhật 18-10-2015, Giáo hội đã có thêm 4 vị hiển thánh mới, được ĐTC Phanxicô tôn phong đầu thánh lễ trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô, trong khuôn khổ Thượng HĐGM thế giới về gia đình.

 Đứng đầu danh sách là cha Vincenzo Grossi, người Italia, vị sáng lập dòng các nữ tử Oratorio, tiếp đến là Thánh Nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, người Tây Ban Nha, mẫu gương bác ái; sau cùng là Ông Bà Louis Martin và Zélie Guérin, song thân của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

 Cha Vincenzo Grossi (1845-1917) sinh trưởng trong một gia đình có 10 người con tại tỉnh Cremona. Năm 1864, 19 tuổi, Vincenzo đậu bằng tú tài rồi ngày 04.11 cùng năm ấy, được nhận vào chủng viện Cremona, và thụ phong linh mục năm 1869. Năm 1885, cha thành lập dòng các nữ tử Oratorio cùng với Maria Caccialanza, chuyên chăm sóc các thiếu nữ nghèo khổ về tinh thần lẫn vật chất. Cha qua đời năm 1917 tại Vicobellignano. Năm Thánh 1975, cha được Đức Giáo hoàng Phaolo 6 tôn phong lên bậc chân phước.

 Vị thánh thứ hai là Nữ tu Maria Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Bề trên tổng quyền dòng các nữ tu Thánh Giá (1926-1998) ở Sevilla, Tây Ban Nha. Nữ tu qua đời năm 1998, thọ 72 tuổi, và được phong chân phước tại Sevilla ngày 18-9 năm 2010 trong buổi lễ do ĐHY Angelo Amato, SDB, đại diện ĐTC Biển Đức 16 chủ sự, trước sự tham dự của 45 ngàn người tại sân vận động thế vận thuộc thành phố Sevilla. Chỉ 5 năm sau, Mẹ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm được phong hiển thánh.

 Louis Martin và Zéli Guérin, song thân thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Đây là lần đầu tiên một đôi vợ chồng được phong thánh trong cùng một buổi lễ.

 Lúc 10 giờ 15 phút, đã có hơn 50 ngàn tín hữu hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu. Đồng tế với ĐTC có các HY và GM thuộc ban lãnh đạo cũng như các nghị phụ Thượng HĐGM, cùng với các HY, GM và LM liên hệ với 4 vị thánh được tôn phong, trong số này có 80 LM cùng với 100 cha thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô đảm nhận việc cho các tín hữu rước lễ. Tổng cộng có 90 Hồny y hiện diện trong thánh lễ.

 Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của ĐTC, cộng đoàn đã hát kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, và nghi thức phong hiển thánh bắt đầu: ĐHY Angelo Amato, dòng Don Bosco, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin ĐTC ghi tên 4 chân phước Vincenzo Grossi, Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Louis Martin và Marie Azélie Guérin, đôi vợ chồng, vào sổ bộ các thánh. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử 4 vị, trước khi ĐTC mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin ơn phù trợ của các thánh qua kinh cầu:

 Tiếp đến, ĐTC đã long trọng tuyên đọc công thức phong thánh:

 ”Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Vincenzo Grossi, Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, Louis Martin và Marie Zélie Guérin là hiển thánh và chúng tôi truyền ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

 ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 4 vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng la tinh và hy lạp, ĐTC đã quảng diễn các bài đọc, nhất là bài Tin Mừng nói về quyền bính như một sự phục vụ. Ngài cũng nhấn mạnh tấm gương khiêm tốn phục vụ của 4 vị thánh mới.

 ”Chúa Giêsu là Tôi Tớ của Chúa: cuộc sống và cái chết của Người hoàn toàn diễn ra dưới hình thức phục vụ (Xv Pl 2,7), là nguyên nhân mang lại ơn cứu độ và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc loan báo, trọng tâm của Tin Mừng, làm chứng rằng trong cái chết và sự sống lại của Người những lời tiên tri về Người Tôi Tớ Chúa được viên mãn. Trình thuật của thánh Marco mô tả cảnh tượng Chúa Giêsu ”đụng độ” lần đầu tiên các môn đệ Giacôbê và Gioan: hai ông được bà mẹ hỗ trợ, và muốn ngồi bên hữu và bên tả của Người trong nước Thiên Chúa (Xc Mc 10,37), đòi những chỗ danh dự, theo cái nhìn của họ về phẩm trật Nước Chúa. Viễn tượng theo đó họ hành động càng bị ô nhiễm vì ước mơ những thành đạt trần thế. Bấy giờ Chúa Giêsu ”giáng” cú đầu tiên vào những xác tín ấy của các môn đệ, Người nhắc lại con đường của Người trên trần thế này: ”Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải Thầy ban điều ấy; điều ấy dành cho những người được chỉ định (vv.39-40). Với hình ảnh chén ấy, Chúa cam đoan với hai môn đệ là họ có thể tham gia số phận đau khổ của Người, nhưng không bảo đảm những chỗ danh dự mà họ mong muốn. Câu trả lời của Chúa là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, loại trừ cám dỗ trần tục muốn ngồi chỗ nhất và điều khiển người khác.

 Đứng trước những người xoay sở ”mánh mung” để đạt được quyền bính và thành công, các môn đệ được kêu gọi hãy làm ngược lại. Vì thế, Chúa cảnh giác họ: Các con biết rằng những kẻ được coi là người cai trị các dân nước thống trị trên dân và các thủ lãnh ấy áp bức dân. Nhưng nơi các con không được như vậy; ai muốn trở nên kẻ lớn trong các con thì hãy trở thành người phục vụ các con” (vv.42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ việc phục vụ như cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không nuôi ảo tưởng, là người thực sự thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi não trạng và đi từ sự ham hố quyền hành đến niềm vui được ẩn mình và phục vụ; loại trừ bản năng thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm tốn.

 Và sau khi trình bày một kiểu cách không nên bắt chước, Chúa Giêsu cống hiến bản thân như lý tưởng cần tham chiếu. Trong thái độ của Thầy, cộng đoàn tìm được động lực cho viễn tượng mới trong cuộc sống của mình: ”thực vậy cả Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (v. 45). Trong truyền thống Kinh Thánh, Con Người là vị lãnh nhận từ Thiên Chúa ”quyền bính, vinh quang và vương quốc” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới và xác định rằng Người có quyền bính trong tư cách là người tôi tớ, được vinh quang trong tư cách là người có thể hạ mình xuống, và được vương quyền vì sẵn sàng hoàn toàn hiến mạng sống mình. Thực vậy, với cuộc khổ nạn và cái chết, Người chiếm được chỗ cuối cùng, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và trao tặng cho Giáo Hội của Ngừơi.

 ĐTC nói thêm rằng: ”có một sự không thể dung hợp giữa cách thức quan niệm quyền bính theo các tiêu chuẩn trần thế và sự khiêm tốn phục vụ phải là đặc tính của quyền hành theo giáo huấn và tấm gương của Chúa Giêsu. Không thể dung hợp giữa những tham vọng, ước muốn thành đạt với sự theo Chúa Kitô; không thể dung hợp giữa những vinh dự, thành công, danh tiếng, những chiến thắng trần tục, với tiêu chuẩn của Chúa Kitô chịu đóng đanh. Trái lại có sự dung hợp giữa Chúa Giêsu ”chuyên chịu đau khổ và sự đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhớ cho chúng ta điều đó, thư này trình bày Chúa Kitô như vị Thượng Tế chia sẻ thân phận làm người của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi: ”Chúng ta không có một vị thượng tế không biết tham phần vào những yếu đuối của chúng ta: chính Ngài đã bị thử thách trong mọi sự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (4,5). Chúa Giêsu chủ yếu thi hành một chức linh mục thương xót và cảm thông. Người đã trải qua kinh nghiệm trực tiếp về những khó khăn của chúng ta, Người biết từ bên trong thân phận phàm nhân của chúng ta; sự kiện Người không cảm nghiệm tội lỗi không ngăn cản Người hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phải là là thứ vinh quang tham vọng hoặc khao khát thống trị, nhưng là vinh quang được yêu mến con người, đảm nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng hành trình sầu muộn của họ với lòng dịu dàng vô biên.

 Mỗi người chúng ta, trong tư cách đã được chịu phép rửa, đều tham phần vào chức linh mục của Chúa Kitô; các tín hữu giáo dân tham gia chức linh mục chung, các LM tham gia chức LM thừa tác,. Vì thế tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận tình thương xuất phát từ con tim rộng mở của Chúa, cho bản thân chúng ta cũng như cho tha nhân: chúng ta trở thành những máng chuyển tình thương, sự cảm thông, đặc biệt là đối với những người đang đau khổ, lo âu, thất vọng và cô đơn.

 Tiếp tục bài giảng, ĐTC đề cập đến 4 vị thánh mới:

 ”Những vị được tôn phong hiển thánh hôm nay, đã liên tục khiêm tốn phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm tốn và bác ái đặc biệt, qua đó các vị noi gương Thầy Chí Thánh. Thánh Vincenzo Grossi là cha sở nhiệt thành, luôn quan tâm đến các nhu cầu của dân, nhất là tình trạng dòn mỏng của giới trẻ. Thánh nhân nhiệt thành bẻ bánh Lời Chúa cho mọi người và trở thành người Samaritano nhân lành cho những người túng thiếu nhất.

 Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã đích thân sống sự phục vụ những người rốt hết với lòng khiêm tốn sâu xa, với sự quan tâm đặc biệt đến những con cái của những người nghèo và người bệnh.

 Hai vị thánh phối ngẫu Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã sống việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đầy tin yêu, và trong bầu không khí đó đã này mầm những ơn gọi của cac con, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

 Ước gì chứng tá rạng ngời của các vị thánh mới này thúc đẩy chúng ta kiên trì trên con đường phục vụ vui tươi dành cho anh chị em chúng ta, tín thác nơi ơn phù trợ của Thiên Chúa và sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, giờ đây xin các ngài canh giữ và nâng đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu quyền năng của các ngài.

 Trong phần lời nguyện giáo dân, bằng các thứ tiếng Anh, Bồ đào nha, Ý, Hoa, và Tây Ban Nha, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo Hội, cho Thượng Hội đồng GM, các quốc hội lập pháp, cho các tín hữu Kitô bị bách hại và cho những người trẻ đang tìm kiếm ơn gọi.

 Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC tái lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Thánh Địa. Ngài nói: Tôi rất lo âu theo dõi tình hình rất căng thẳng và bạo lực đang xảy ra tại Thánh Địa. Trong lúc này cần có can đảm rất nhiều và nhiều sức mạnh tâm hồn để từ chối oán thù và thực thi những cử chỉ hòa bình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố nơi mọi người, chính quyền và công dân lòng can cảm chống lại bạo lực và thực hiện những bước cụ thể để tạo sự lắng dịu.”

 G. Trần Đức Anh OP

 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 11-10-2015

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 11-10-2015

11/10/2015 14:59
PHẦN:

 VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 11-10-2015 với 30 ngàn tín hữu, ĐTC kêu gọi từ bỏ lòng quyến luyến của cải. Ngài cổ võ việc bảo vệ thiên nhiên, và liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố hôm 10-10-2015 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ

 Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 28 thường niên thuật lại giai thoại Chúa Giêsu gặp chàng thanh niên giàu có muốn theo Ngài:

 Huấn dụ của ĐTC

 Anh chị em thân mến, chào anh chị em

 Tin Mừng hôm nay, trích từ chương thứ 10 của Phúc âm theo thánh Marco, gồm 3 cảnh tượng, với 3 cái nhìn của Chúa Giêsu.

 Cảnh thứ I trình bày cuộc gặp gỡ giữa Thầy Chí Thánh và một người kia - mà theo đoạn song song trong Phúc âm theo thánh Mathêu, thì đó là một ”thanh niên”. Người này chạy đến gặp Chúa Giêsu, quì gối xuống và gọi Ngài là ”Thầy nhân lành”. Rồi ông hỏi Ngài: ”Con phải làm gì để được sự sống đời đời?” (v. 17). ”Sự sống đời đời” không phải chỉ là cuộc sống đời sau, nhưng là cuộc sống sung mãn, trọn vẹn, không giới hạn. Chúng ta phải làm gì để đạt tới sự sống ấy? Câu trả lời của Chúa Giêsu tóm tắt các giới răn nói về lòng yêu người. Về điểm này chàng thanh niên không có gì đáng trách; nhưng hiển nhiên là sự tuân giữ các giới răn không đủ đối với anh, không làm cho ước muốn sự sung mãn của anh được mãn nguyện. Và Chúa Giêsu trực giác thấy ước muốn mà chàng thanh niên mang trong tâm hồn; vì thế câu trả lời của Ngài được biểu lộ qua cái nhìn nồng nhiệt, đầy dịu dàng và yêu thương: ”Chúa chăm chú nhìn anh ta, Ngài yêu mến anh” (v.21). Nhưng Chúa cũng hiểu đâu là nhược điểm của người đối thoại, và Ngài đưa ra một đề nghị cụ thể với anh: hãy cho người nghèo tất cả tài sản của anh và đến đây theo Ngài. Nhưng người thanh niên ấy có con tim bị chia sẻ giữa hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc, và anh ra buồn sầu ra đi. Điều này chứng tỏ rằng đức tin và sự gắn bó với giàu sang không thể sống chung với nhau. Vì thế, sau cùng, lòng nhiệt thành ban đầu của chàng thanh niên bị xẹp đi trong sự bất hạnh của một sự theo Chúa bị tắt lịm.

 Trong cảnh thứ hai, thánh sử Phúc Âm trình bày đôi mắt của Chúa Giêsu và lần này, đó là cái nhìn suy tư, và cảnh giác: ”Chúa nhìn chung quanh và Ngài nói với các môn đệ: Vào nước Thiên Chúa, thật là điều khó dường nào đối với những người sở hữu của cải giàu sang!” (v.23). Trước sự kinh ngạc của các môn đệ tự hỏi ”Vậy thì ai có thể được cứu rỗi?” (v.26), Chúa Giêsu trả lời bằng cái nhìn khích lệ - đó là cái nhìn thứ ba, và Ngài nói: ”Đúng vậy, sự cứu rỗi là điều không thể đối với con người, nhưng đó là điều có thể đối với Thiên Chúa!” (v.27) Nếu tín thác nơi Chúa, chúng ta có thể vượt thắng tất cả những chướng ngại ngăn cản chúng ta theo Chúa trên con đường đức tin.

 Và thế là chúng ta tiến đến cảnh thứ ba: cảnh Chúa Giêsu long trọng tuyên bố: ”Thật, Thầy bảo các con: ai bỏ mọi sự để theo Thầy, thì sẽ được sự sống đời đời trong tương lai và được gấp trăm lần trong hiện tại” (Xc vv.29-30). ”Sự gấp trăm” này gồm những sự trước đây đã sở hữu, rồi bỏ đi, nhưng nay chúng trở lại được gia bội vô biên. Ai từ bỏ của cải và giải thoát mình khỏi sự nô lệ của cải thì đạt được tự do phụng sự vì yêu thương, ai từ bỏ sở hữu thì được niềm vui của sự trao ban.

 Người thanh niên không để cho mình được cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu chinh phục, vì thế anh ta không thể thay đổi. Chỉ khi nào khiêm tốn và biết ơn đón nhận tình thương của Chúa, chúng ta mới giải thoát mình khỏi sự cám dỗ của các thần tượng và sự mù quáng của những ảo tưởng chúng ta. Tiền bạc, khoái lạc, thành công làm chóa mắt, nhưng rồi chúng làm thất vọng, chúng hứa mang lại sự sống, nhưng rồi gây ra sự chết. Chúa yêu cầu chúng ta đừng gắn bó với những thứ giàu sang giả dối ấy để bước vào cuộc sống đích thực, đời sống sung mãn, chân chính, sáng ngời.

 Xin Mẹ Maria giúp chúng ta mở rộng con tim cho tình yêu Chúa Giêsu, là Đấng duy nhất có thể làm mãn nguyện khát vọng hạnh phúc của chúng ta.

 Lời kêu gọi

 Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc nhở các tín hữu rằng:

 Anh chị em thân mến, thứ ba tới đây, 13-10, là Ngày Thế giới giảm bớt thiên tai. Nhưng đáng tiếc ta phải nhận thực những hậu qủa của các thiên tai thường trở nên trầm trọng hơn vì sự thiếu chăm sóc của con người dành cho môi trường. Tôi hiệp với tất cả những người, do sự sáng suốt, đang dấn thân trong việc bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, để thăng tiến một nền văn hóa hoàn cầu và địa phương, giảm bớt các thiên tai và hậu quả lớn của các thảm họa ấy, bằng cách hòa hợp những kiến thức mới với những kiến thức truyền thống, và đặc biệt quan tâm đến các dân tộc dễ bị tổn thương nhất.

 Sau khi chào thăm các phái đoàn hành hương, đến từ Italia và nhiều nước trên thế giới, ĐTC còn đưa ra lời kêu gọi sau cuộc khủng bố tại Thổ nhĩ kỳ hôm 10-10 vừa qua chống một đoàn người biểu tình ôn hòa, làm cho gần 90 người chết và hàng trăm người bị thương. Ngài nói:

 ”Hôm qua, chúng ta đã đau lòng được tin về cuộc thảm sát kinh khủng xảy ra tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Đau lòng vì nhiều người bị thiệt mạng. Đau lòng vì những người bị thương. Đau lòng vì những kẻ khủng bố đập những người biểu tình ủng hộ hòa bình. Trong khi tôi cầu nguyện cho Quốc gia yêu quí, tôi cầu xin Chúa đón nhận linh hồn những người qua đời và an ủi những người đang chịu đau khổ và thân nhân của họ”.

 G. Trần Đức Anh OP

kinh truyền tin với ĐTC tháng 10

 

Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình

ĐTC chào tín hữu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 4-10-2015 - OSS_ROM

04/10/2015 15:54
PHẦN:

Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và Kinh Truyền Tin

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 4-10-2015 ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ đồng tế trọng thể khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế có 314 vị gồm các Nghị Phụ và các cộng sự viên, trong đó có 71 Hồng Y, 7 Thượng Phụ, 2 Tổng Giám Mục Trưởng, 72 Tổng Giám Mục, 102 Giám Mục và 58 Linh Mục. Tham dự thánh lễ có khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng Tầu, Tây Ban Nha, A rập, Bồ Đào Nha và Swahili: cầu cho Giáo Hội biết chiêm ngắm và giữ gìn công trình sáng tạo của Thiên Chúa; cho các nghị phụ được Chúa Thánh Thần soi sáng trợ lực trong nhiệm vụ hướng dẫn tín hữu theo Chúa Kitô; cho các nhà lập pháp và giới lãnh đạo biết thăng tiến công ích, công lý và hòa bình; cho giới trẻ và những người đính hôn khám phá ra vẻ đẹp của sự nhưng không, lòng trung thành và sẵn sàng hy sinh và tha thứ; cho các gia đình bị thử thách đau khổ đuợc ơn thánh Chúa an ủi, được các anh chị em khác và các cơ cấu trợ giúp. Đã có 70 linh mục và phó tế giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ.

Cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh xin các vị bầu cử cho Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra tốt đẹp như ý Chúa muốn.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc Chúa Nhật thứ 27 thường niên năm B, tập trung trên ba đề tài: thảm cảnh sự cô đơn của con người, tình yêu giữa người nam và người nữ, và gia đình. ĐTC nói: Trong vuờn Địa Đàng Thiên Chúa để cho Adam đặt tên cho mọi thụ tạo, nhưng con người cảm thấy cô đơn, vì không tìm ra một sự trợ giúp tương xứng với mình (St 2,20). Sự cô đơn là thảm cảnh của biết bao nhiêu người ngày nay: người già bị bỏ rơi bởi cả con cái và những người thân trong gia đình; những người goá bụa; biết bao nhiêu người bị chồng hay vợ bỏ rơi; biết bao nhiêu người cảm thấy cô đơn, không được hiểu biết và lắng nghe; những người di cư tỵ nạn chạy trốn chiến tranh và bách hại; biết bao ngưởi trẻ, nạn nhân của nền văn hóa tiêu thụ, dùng rồi vất bỏ và của nền văn hóa loại trừ. ĐTC nhận xét thế giới ngày nay như sau:

Ngày nay, người ta sống sự mâu thuẫn của một thế giới toàn cầu hóa, trong đó chúng ta trông thấy biết  bao chỗ ở xa hoa và các nhà chọc trời, nhưng càng ít hơi ấm của mái nhà và gia đình; biết bao nhiêu dự án tham vọng, nhưng ít thời giờ để sống điều đã được thực hiện; biết bao nhiêu phương tiện giải trí tân tiến vượt  bực, nhưng càng nhiều sự trống rỗng trong con tim hơn; biết bao nhiêu thú vui, nhưng ít tình yêu; biết bao nhiêu tự do, nhưng ít tự lập. Càng ngày càng có nhiều người cảm thấy cô đơn, nhưng cũng có người khép kín trong ích kỷ, trong buồn chán, trong bạo lực tàn phá, hay trong nô lệ thú vui và thần tiền bạc. Ngày nay chúng ta cũng sống kinh nghiệm của Adam xưa kia: biết bao nhiêu quyền lực bị đi kèm bởi biết bao nhiêu cô đơn và dễ mang thương tích. Và gia đình là hình ảnh phán chiếu thực tại đó. Người ta luôn ngày càng ít nghiêm chỉnh hơn trong  việc tiếp tục một tương quan tình yêu vững chắc và phong phú: trong lúc khỏe mạnh cũng như trong bệnh tật, trong lúc giầu có cũng như khi nghèo túng, trong may mắn cũng như trong rủi ro. Tình yêu bền bỉ, trung thành, ý thức, ổn định và phong phú ngày càng bị chế nhạo hơn, và bị coi như đổ cổ. Xem ra các xã hội tân tiến lại là các xã hội có số sinh thấp và có nhiều vụ phá thai, ly dị, tử tử và ô nhiễm môi sinh và xã hội hơn.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một sự trợ giúp tương xứng vói nó” (St 2,18). Các lời này của Chúa chứng minh cho thấy không có gì khiến cho trái tim của một người hạnh phúc như một trái tim giống trái tim của nó. Chúng cũng chứng minh rằng Thiên Chúa đã không tạo dựng con người để nó sống trong buồn chán hay ở một mình, nhưng để nó sống hạnh phúc, chia sẻ con đường của mình với một người khác bổ túc cho nó, để nó sống kinh nghiệm tình yêu tuyệt vời: nghĩa là để được yêu và để thấy tình yêu của mình phong phú nơi con cái, như nói trong thánh vịnh (Tv 128). Trả lời câu hỏi bẫy sập liên quan tới luật ly dị được đưa ra, Chúa Giêsu  đưa tất cả trở về nguồn gốc việc tạo dựng, để dậy rằng Thiên  Chúa chúc phúc cho tình yêu nhân loại, chính Ngài kết hiệp các con tim trong sự hiệp nhất và bất khả phân ly. Điều này có nghĩa là tình yêu hôn nhân không chỉ là sống với nhau, nhưng là yêu nhau luôn mãi.

“Như thế con người không thể phân rẽ điều Thiên Chúa đã kết hợp”. Đây là một khích lệ tín hữu thắng vượt mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa và vụ luật lệ, che dấu một sự ích kỷ hà tiện và một nỗi sợ hãi  gắn bó với ý nghĩa đích thực của lứa đôi và tính dục nhân bản trong chương trình của Thiên Chúa.  Thật vậy, chỉ dưới ánh sáng sự điên dại của tình yêu nhưng không phục sinh của Chúa Giêsu mới có thể hiểu được sự điên dại tình yêu hôn nhân nhưng không duy nhất cho tới chết.

ĐTC ghi nhận rằng con người ngày nay tuy thường chế nhạo chương trình ấy của Thiên  Chúa, nhưng lại cảm thấy bị lôi cuốn hấp dẫn bởi mọi tình yêu chân thật, vững vàng, phong phú, trung thành và vĩnh cửu. Nó chạy theo các tình yêu tạm bợ, các thú vui xác thịt, nhưng mơ ước tình yêu đích thật, và ước mong tận hiến hoàn toàn. Các thú vui bị cấm hết hấp dẫn khi được phép.

Tiếp đến ĐTC đã khẳng định rằng trong bối cảnh xã hội và hôn nhân này Giáo Hội được mời gọi  sống sứ mệnh của mình trong sự trung thành, trong chân lý và bác ái. Trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu bảo vệ tình yêu trung tín, và khích lệ các gia đình sống hôn nhân biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa; bảo vệ sự thánh thiêng của mọi sự sống; bảo vệ sự hiệp nhất và tính bất khả phân ly của hôn nhân. Sống sứ mệnh trong chân lý, không chạy theo các mốt mau qua và các ý kiến thống trị. Sống sứ mệnh trong bác ái không chỉ tay phán xử người khác, nhưng trung thành với bản chất là mẹ, tìm săn sóc  các cặp vợ chồng bị thương tích với dầu tiếp đón và thương xót; là bệnh xá chiến trường, với cánh cửa luôn luôn rộng mở tiếp đón bất cứ ai gõ cửa xin trợ giúp và nâng đỡ; đi ra khỏi chuồng chiên hướng tới những người khác với tình yêu chân thành để đồng hành với nhân loại bị thương tích và dẫn nó tới suối nguồn ơn cứu độ. “Phải luôn luôn lên án và chống lại sự sai lầm và sự dữ, nhưng người té ngã hay sai lầm  phải được thông cảm và yêu thương. Chúng ta phải yêu thương thời đại chúng ta và trợ giúp con người thời đại chúng ta”, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói (Diễn văn nói với Phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia, 30-12-1978: Giáo huấn I (1978),450)

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với 50.000 ngàn tín hữu và du khách hành hương. Đề cập tới công việc của các Nghị Phụ trong ba tuần nhóm họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 14 ĐTC nói

Chúng tôi sẽ hướng cái nhìn dán chặt vào Chúa Giêsu để, dựa trên nền tảng giáo huấn chân lý và thương xót của Chúa, nhận ra các con đường thích hợp nhất cho dấn thân của Giáo Hội với và cho các gia đình, để chương trình ban đầu của Đấng Tạo Hóa đối với người nam và người nữ có thể hiện thực trong tất cả vẻ đẹp và sức mạnh của nó trong thế giới ngày nay.

Khi bỏ cha mẹ để kết hiệp với vợ và trở nên một thịt xác duy nhất, một sự sống duy nhất các cặp vợ chồng thông truyền sự sống cho các con người mới, trở thành cha mẹ và tham dự vào công trình và quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, và người ta chia sẻ công trinh của Ngài khi yêu thương với Ngài và như Ngài. Tình yêu mà Thiên Chúa đổ vào trong lòng chúng ta cũng là tình yêu được ban cho các cặp vợ chồng trong bí tích hôn nhân. Nó là tình yêu nuôi dưỡng tương quan của họ  trong những lúc  vui buồn sưóng khổ, thanh thản và khó khăn. Nó là tình yêu dấy lên ước muốn có con cái, chờ đợi, tiếp đón, nuôi nấng giao dục  chúng. Nó cũng chính là tình yêu mà Chúa Giêsu bầy tỏ cho các trẻ em.

ĐTC đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho tất cả những người làm cha mẹ và các nhà giáo dục trên toàn thế giới để họ là các dụng cụ của sự tiếp đón và tình yêu của Chúa Giêsu. Ngài đặc biệt nghĩ tới các trẻ em đói khát, bị bỏ rơi, bị khai thác bóc lột, bị bó buộc tham chiến, bị khước từ. Thật là đau lòng trông thấy các hình ảnh trẻ em bất hạnh với cái nhìn lạc lõng, chạy trốn nghèo đói và xung khắc gõ cửa nhà và con tim của chúng  ta khẩn cầu trợ giúp. Xin  Chúa giúp chúng tra đừng là xã hội chiến lũy,  nhưng là xã hội gia đình có khả năng tiếp đón với các luật lệ thích hợp.

ĐTC cũng xin mọi người cầu nguyện cho các công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục để Chúa Thánh Thần khiến cho các Nghị Phụ ngoan ngoãn đối với các linh hứng của Ngài, qua lời bầu cử của Đức Bà Pompei mà hôm qua tại đền thánh tín hữu đọc lời kinh Khẩn nài Đức Bà Mân Côi. Ngài cũng chia buồn và cầu nguyện cho các nạn đất lở chôn vùi một làng bên Guatemala và nạn nhân bão lụt tại Côte D’ Azur của Pháp.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải