Lễ Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa,

Ngày cầu cho hòa bình thế giới, 1 tháng Giêng năm 2017

Lắng nghe nhịp đập của con tim Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại

Cử hành chức làm mẹ của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa trong ngày đầu năm mới, có nghĩa là nhắc cho chúng ta nhớ rằng, mình là một dân với một Bà Mẹ, chứ không mồ côi. Nó giúp chúng ta biết rằng con người chỉ có thể tìm thấy bầu khí, hơi ấm cho phép nó học hiểu và lớn lên thành người một cách nhân bản, chứ không phải là các đồ vật được mời gọi tiêu thụ và bị tiêu thụ, như hàng hoá trao đổi. Chúng ta hãy noi gương Mẹ biết lắng nghe nhịp đập của con tim Thiên Chúa trong lịch sử loài người.

ĐTC nói như trên trong bài giảng thánh lễ đầu năm dương lịch kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày hoà bình thế giới. Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC lúc 10 giờ sáng trong đền thờ thánh Phêrô có hàng trăm vị gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Hiện diện trong thánh lễ có ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh và 8.000 giáo dân.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã nêu bật thái độ sống của Mẹ Maria. Thay vì muốn hiểu hay chế ngự tình hình, Mẹ Maria là phụ nữ biết duy trì, nghĩa là che chở,  giữ gìn trong tim biến cố Thiên Chúa đi qua trong cuộc sống dân Ngài. Từ cung lòng mình Mẹ đã học biết lắng nghe nhịp đập của trái tim Con mẹ, và điều này đã dậy cho Mẹ trong suốt cuộc đời mình khám phá ra nhịp đập của Thiên Chúa trong lịch sử. Mẹ học biết làm mẹ, và trong việc học hỏi ấy mẹ trao ban cho Chúa Giêsu kinh nghiệm đẹp biết mình là Con.  ĐTC giải thích thêm như sau:

Nơi Mẹ Maria, Ngôi Lời vĩnh cửu không chỉ nhập thể, mà còn học nhận biết sự dịu dàng hiền mẫu của Thiên Chúa. Với Mẹ Maria Thiên Chúa - Hài Nhi học biết lắng nghe các khát vọng, các âu lo, các niềm vui và niềm hy vọng của dân Chúa, và khám phá ra chính mình như là Con của dân tộc thánh thiện trung thành của Thiên Chúa.

Trong các Phúc Âm Đức Maria xuất hiện như phụ nữ ít nói, không có các diễn văn lớn, cũng không có khuynh hướng trở thành nhân vật chính, nhưng với một cái nhìn chăm chú biết giữ gìn sự sống và sứ mệnh của Con mình, và vì thế của tất cả những gì Ngài yêu. Mẹ đã biết giữ gìn các lúc bình minh của cộng đoàn kitô tiên khởi, và như thế Mẹ đã học làm mẹ của nhiều người. Mẹ đã đến gần các tình trạng khác nhau nhất để gieo vãi niềm hy vọng. Mẹ đã đi kèm các thập giá được vác trong thinh lặng của con tim con cái Mẹ. Sự thật này được nhắc đến bởi biết bao nhiêu sùng kính, biết bao nhiêu đền thánh, nhà nguyện tại những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, và bởi biết bao nhiêu hình ảnh rải rác trong các nhà đó đây trên thế giới. Mẹ Maria đã cho chúng ta hơi ấm hiền mẫu, hơi ấm bao bọc chúng ta trong những lúc khó khăn. Hơi ấm hiền mẫu ấy không cho phép gì và không cho phép ai làm tắt đi giữa lòng Giáo Hội cuộc cách mạnh của sự hiền dịu, mà Con Mẹ đã khai mào. Nơi đâu có một bà mẹ, nơi đó có sự dịu hiền. Và với chức làm mẹ của mình Đức Maria chỉ cho chúng ta thấy rằng sự khiêm nhường và hiền dịu không phải là các nhân đức của những người yếu đuối, nhưng là các nhân đức của những người mạnh mẽ. Mẹ dậy chúng ta rằng không cần phải đối xử tàn tệ với những người khác để cảm thấy mình quan trọng (x. Tông huấn Avangelii gaudium, 288). Và từ luôn luôn, dân thánh trung thành của Thiên Chúa  đã nhận biết và chào Mẹ như là Thánh Mẫu của Thiên  Chúa.

Tiếp tục bài giảng ĐTC khẳng đinh rằng cử hành chức làm mẹ của Đức Maria như Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta vào đầu năm mới có nghĩa là nhắc nhớ một xác tín sẽ đồng hành với các ngày sống của chúng ta: chúng ta là một dân tộc với một Bà Mẹ, chúng ta không mồ côi.

Các bà mẹ là thuốc giải độc mạnh nhất chống lại các khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ của chúng ta, chống lại các khép kín và lãnh đạm của chúng ta. Một xã hội không có các bà mẹ sẽ không chỉ là một xã hội lạnh lùng, mà còn là một xã hội đã đánh mất con tim của mình nữa, đánh mất đi “hương vị gia đình”. Một xã hội không có các bà mẹ sẽ là một xã hội không thương xót, chỉ dành chỗ cho tính toán và đầu cơ. Vì các bà mẹ, cả trong những lúc tồi tệ nhất, cũng biết chứng tỏ sự dịu hiền, lòng tận tụy vô điều kiện, và sức mạnh của niềm hy vọng. Tôi đã học được nhiều từ các bà me có con trong tù, hay nằm bẹp trên giường một nhà thương, hoặc mang ách nô lệ của ma tuý; với cái nóng cái lạnh, với trời mưa và hạn hán họ không đầu hàng, và tiếp tục chiến đấu để  cho con họ điều tốt đẹp nhất. Hay các bà mẹ  trong các trại tỵ nạn, hoặc cả ngay giữa chiến tranh, ôm con và nâng đỡ nỗi khổ đau của con cái, mà không chao đảo. Các bà mẹ trao ban cuộc sống để không có người con nào bị mất đi. Ở đâu có mẹ, ở đó có sự hiệp nhất, có sự tuỳ thuộc, sự tuỳ thuộc của con cái.

ĐTC nói thêm trong bài giảng: Bắt đầu năm mới bằng cách nhớ tới lòng lành của Thiên Chúa nơi gương mặt Mẹ Maria, nơi gương mặt hiền mẫu của Giáo Hội, nơi gương các mặt các bà mẹ của chúng ta, che chở chúng ta khỏi bệnh làm hao mòn của sự “mồ côi tinh thần”, sự mồ côi mà linh hồn sống, khi cảm thấy không có mẹ và thiếu sự dịu hiền của Thiên Chúa. Sự mồ côi mà chúng ta sống, khi tắt ngấm đi trong chúng ta ý thức tuỳ thuộc một gia đình, một dân tộc, một quê hương, Thiên Chúa. Sự mồ côi ấy tìm ra không gian trong con tim chiêm ngắm chính mình, chỉ biết nhìn vào mình và các lợi lộc của mình,  và nó lớn lên, khi chúng ta quên rằng sự sống đã được ban cho chúng ta như một món quà chúng ta đã nhận được từ những người khác, và chúng ta được mời gọi chia sẻ nó trong căn nhà chung này.

Sự mồ côi tự quy chiếu về mình này là cái đã đưa Cain tới chỗ nói: “Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9), như thể là tuyên bố rằng: nó không thuộc về tôi, tôi không biết nó. ĐTC giải thích thêm về sự mồ côi tinh thần này như sau:

Một thái độ của sự mồ côi tinh thần như thế là một ung thư gặm mòn trong thinh lặng và hạ cấp linh hồn. Và như thế chúng ta từ từ hạ cấp mình, từ lúc không ai tuỳ thuộc chúng ta nữa, và chúng ta không tuỳ thuộc ai: tôi hạ cấp trái đất  vì nó không thuộc về tôi, tôi hạ cấp các người khác vì họ không thuộc về tôi, tôi hạ cấp Thiên Chúa vì tôi không thuộc về Ngài… Và rốt cuộc là chúng ta hạ cấp chính mình, bởi vì chúng ta quên mình là ai và chúng ta có “tên gọi” thiên linh nào. Việc mất đi các mối dây hiệp nhất là đặc thái của nền văn hoá bị gẫy vụn và chia rẽ của chúng ta, khiến cho ý thức mồ côi này lớn lên,  và vì thế có sự trống rỗng lớn và cô đơn. Việc thiếu tiếp cận vật lý, chứ không phải tiếp cận ảo, đang nung thịt con tim chúng ta (x. Thông điệp Laudato si’, s. 49) khiến cho nó mất đi khả năng sống hiền dịu và kinh ngạc, từ bi và cảm thương. Sự mồ côi tinh thần làm cho chúng ta mất đi ký ức việc là con, là cháu, là ông bà, là bạn hữu, là tín hữu có nghĩa là gì. Nó làm cho chúng ta mất đi ký ức giá trị của trò chơi, của tiếng hát, của nụ cười, của nghỉ ngơi, của sự nhưng không.

Tiếp đến ĐTC nhấn mạnh ý nghĩa của lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Ngài nói: Cử hành lễ Thánh Mẫu của Thiên Chúa khiến cho nụ cuời lại nở trên gương mặt chúng ta, khiến cho chúng ta cảm thấy mình là dân tộc, tuỳ thuộc nhau; làm cho chúng ta biết rằng chỉ trong một cộng đoàn, một gia đình con người mới có thể tìm thấy “bầu khí”, “hơi ấm” cho phép nó học hiểu và lớn lên thành người một cách nhân bản, chứ không phải là các đồ vật được mời gọi tiêu thụ và bị tiêu thụ, hay hàng hóa để trao đổi, nhưng là con cái, là gia đình, là dân của Thiên Chúa. Cử hành lễ Thánh Mẫu của Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta tạo ra và săn sóc các không gian chung trao ban cho chúng ta ý nghĩa tuỳ thuộc, cội nguồn và làm cho chúng ta cảm thấy là nhà trong các thành phố, cộng đoàn, hiệp nhất và nâng đỡ chúng ta.

Trong lúc trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta trên thập giá  Chúa Giêsu đã không muốn giữ lại gì cho mình, mà ban cả Mẹ Ngài cho chúng ta nữa. Chúng ta muốn tiếp nhận mẹ vào trong nhà, vào trong các gia đình, các cộng đoàn, các quốc gia  của chúng ta. Chúng ta muốn gặp cái nhìn hiền mẫu của mẹ. Cái nhìn ấy giải thoát chúng ta khỏi sự mồ côi; nó nhắc cho chúng ta biết chúng ta là anh em tuỳ thuộc nhau, vì là cùng một thịt xác. Cái nhìn ấy dậy cho chúng ta biết rằng chúng ta phải học săn sóc sự sống trong cùng cách thức và với cùng sự hiền dịu, qua đó Mẹ săn sóc nó bằng cách gieo vãi niềm hy vọng, sự tuỳ thuộc và tình huynh đệ.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã ra cửa sổ Dinh Tông Toà để đọc kinh Truyền Tin với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn ngài nêu bật gương sống của Mẹ Maria đã nói hai tiếng “xin vâng” và sẵn sàng cộng tác với chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, chú ý tìm hiểu điều Thiên Chúa muốn nơi mình ngày qua ngày. Mẹ cũng nhận ra nơi biến cố các mục đồng đến kính viếng thờ lậy Chúa Hài Nhi sự chuyển động của ơn cứu rỗi, sẽ nảy sinh từ công trình của Chúa Giêsu, và Mẹ sẵn sàng đối với mọi đòi hỏi của Chúa và cộng tác với Con Mẹ trong chương trình cứu độ. Sau cùng ĐTC đã dâng lên Mẹ lời cám ơn Mẹ về tất cả những gì Mẹ đã làm trong cuộc sống, và xin Mẹ cầu nguyện cho chúng ta tất cả, là các kẻ lữ hành trong thời gian, xin Mẹ giúp chúng ta bước đi trên con đường hoà bình.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành đầu năm cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chúc mừng Năm Mới mọi người và nói: Năm mới sẽ tốt lành trong mức độ từng người trong chúng ta, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tìm làm việc thiện mỗi ngày. Và như thế là xây dựng hoà bình, bằng cách nói “không “ - bằng các việc làm - với  thù hận và bạo lực, và nói “có” với tình huynh đệ và sự hoà giải. Cách đây 50 năm chân phước Phaolô VI đã bắt đầu cử hành Ngày Hoà Bình Thế Giới để củng cố dấn thân chung xây dựng một thế giới an bình và huynh đệ. Trong sứ điệp cho năm nay tôi đã đề nghị “sống không bạo lực như kiểu mẫu cho một nền chính trị hoà bình.”

ĐTC nhắc tới vụ khủng bố xảy ra tối giao thừa tại Istanbul khiến cho gần 40 người chết. Ngài gần gũi và cầu nguyện cho các người qua đời và thân nhân của họ, cũng như cho các nguời bị thương và toàn dân Thổ Nhĩ Kỳ.

ĐTC cũng cám ơn tổng thống Italia đã chúc mừng năm mới ngài trong sứ điệp gửi toàn dân tối giao thừa. Ngài cũng xin Chúa ban phúc lành cho toàn dân Italia, để với sự đóng góp trách nhiệm và liên đới của tất cả đất nước Italia có thể nhìn về tương lai với lòng tin tưởng và niềm hy vọng. Ngài cũng cám ơn tất cả các sáng kiến hoà bình của các tổ chức và hiệp hội đó đây trên toàn thế giới, trong đó có cuộc tuần hành cho hoà bình tại Bologna  do HĐGM, Caritas, Công Giáo Tiến Hành và Hoà Bình Chúa Kitô Italia tổ chức, cũng như các tham dự viên cuộc biểu tình “Hoà bình cho mọi vùng đất” do cộng đồng thánh Egidio phát động. Sau cùng ngài chúc mọi người một năm hoà bình trong ơn thánh Chúa và sự chở che hiền mầu của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha Phanxicô:

Giảng Lễ Mẹ Thiên Chúa Ngày đầu Năm 1-1-2017

"Việc cử hành mừng Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa và là mẹ của chúng ta vào đầu một năm mới là để nhắc lại một niềm vững tâm hằng theo đuổi tháng ngày sống của chúng ta: chúng ta là một dân tộc có Mẹ chứ không phải là thứ mồ côi".

"Một xã hội vắng bóng những người mẹ chẳng những là một xã hội lạnh lùng, mà còn là một xã hội thiếu mất con tim, thiếu mất 'cái cảm giác gia đình'. Một xã hội thiếu những người mẹ sẽ là một xã hội thiếu thốn tình thương, một xã hội chỉ có chỗ cho tính toán và suy đoán".

"Việc mừng vị Thiên Chúa Thánh Mẫu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là những hàng hóa khả hoán hay những bộ máy chế biến dữ liệu"

"Việc mừng vị Thiên Chúa Thánh Mẫu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có một Người Mẹ. Chúng ta không phải là những kẻ mồ côi"

"Đức Maria lưu giữ tất cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng mình" (Luca 2:19). Nơi những lời này Thánh Luca đã diễn tả thái độ Mẹ Maria thể hiện trong tất cả những gì xẩy ra vào những ngày ấy. Không phải chỉ cố gắng hiểu biết hay nắm bắt được tình hình, Mẹ Maria còn là một người nữ có thể lưu giữ, tức là bảo vệ và gìn giữ trong lòng mình những diễn tiến Thiên Chúa thực hiện nơi đời sống dân của Ngài. Tận thâm tâm của mình Mẹ đã biết lắng nghe nhịp tim đập của Con Mẹ, những nhịp tim đập trở thành những gì dạy cho Mẹ, trong suốt cuộc đời của mình, khám phá ra nhịp tim đập của Thiên Chúa trong lịch sử. Mẹ đã biết làm mẹ như thế nào, và theo tiến trình học biết ấy Mẹ đã cống hiến cho Chúa Giêsu cái cảm nghiệm đẹp đẽ về kiến thức làm một Người Con. Nơi Mẹ Maria, Lời hằng sống chẳng những hóa thành nhục thể mà còn nhận ra niềm êm ái dịu dàng từ mẫu của Thiên Chúa nữa. Nhờ Mẹ Maria Con Trẻ Thiên Chúa này đã biết lắng nghe những thao thức, những trục trặc, các nỗi hân hoan cùng các niềm hy vọng nơi thành phần dân của lời hứa này. Ở nơi Mẹ Maria, Người đã thấy được thành phần dân trung thành của chính Người Con Thiên Chúa.

Trong các Phúc Âm, Mẹ Maria xuất hiện như là một người nữ nói có mấy lời thôi, chẳng có những bài nói hay việc làm lớn lao vĩ đại, mà là một ánh mắt chuyên chú có thể gìn giữ sự sống và sứ vụ Con của Mẹ, và vì thế có thể gìn giữ hết tất cả những gì Người yêu thương. Mẹ đã có thể trông nom những ngày đầu tiên của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, và như thế là Mẹ đã biết làm mẹ của một đám đông. Mẹ đã gần gũi với các trường hợp khác nhau nhất để gieo rắc niềm hy vọng. Mẹ đã cứu giúp những thánh giá âm thầm xuất phát trong tâm can của con cái Mẹ. Biết bao nhiêu là việc tôn sùng, đền thánh và nguyện đường ở những nơi xa xôi nhất, biết bao nhiêu là hình ảnh nơi nhà của chúng ta, nhắc nhở chúng ta về sự thật lớn lao cao cả này. Mẹ Maria đã cống hiến cho chúng ta tình nồng ấm của một người mẹ, một tình nồng ấm che chở chúng ta giữa những trục trặc, một tình nồng ấm từ mẫu giữ cho bất cứ một sự gì hay bất cứ một ai khỏi bị tàn tạ trong lòng Giáo Hội cuộc cách mạng của niềm êm ái dịu dàng được Con của Mẹ khai mở. Ở đâu có mẹ thì ở đó có niềm êm ái dịu dàng. Nhờ vai trò làm mẹ của mình, Mẹ Maria tỏ cho chúng ta thấy rằng sự khiêm nhượng và niềm êm ái dịu dàng không phải là các nhân đức của kẻ yếu mà của người mạnh. Mẹ dạy cho chúng ta rằng chúng ta không được đối xứ với người khác để cảm thấy mình quan trọng (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 288). Dân thánh của Thiên Chúa bao giờ cũng nhìn nhận và kính chào Mẹ là Thiên Chúa Thánh Mẫu.

Việc cử hành mừng Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa và là mẹ của chúng ta vào đầu một năm mới là để nhắc lại một niềm vững tâm hằng theo đuổi tháng ngày sống của chúng ta: chúng ta là một dân tộc có Mẹ chứ không phải là thứ mồ côi.

Các bà mẹ là chất giải độc mạnh nhất đối với những khuynh hướng duy ngã và vị kỷ của chúng ta, đối với việc chúng ta thiếu cởi mở và thái độ lãnh đạm của chúng ta. Một xã hội vắng bóng những người mẹ chẳng những là một xã hội lạnh lùng, mà còn là một xã hội thiếu mất con tim, thiếu mất "cái cảm giác gia đình". Một xã hội thiếu những người mẹ sẽ là một xã hội thiếu thốn tình thương, một xã hội chỉ có chỗ cho tính toán và suy đoán. Vì các người mẹ, cho dù vào những lúc gian nan khốn khó nhất, vẫn có thể chứng tỏ cho thấy niềm êm ái dịu dàng, sự hy sinh tự hiến vô điều kiện và sức mạnh của niềm hy vọng. Tôi đã biết được nhiều điều như vậy từ những người mẹ có con bị tù ngục, hay ở trong các nhà thương, hoặc đang nghiện ngập, thế nhưng dù lạnh hay nóng, dù mưa ướt hay khô cằn, vẫn không bao giờ thôi tranh đấu về những gì tốt nhất cho chúng. Hoặc những người mẹ ở trong các trại tị nạn, hay ở giữa chiến tranh, không ngừng ôm lấy và nâng đỡ những khốn khổ của con cái mình. Những người mẹ đã thực sự cống hiến sự sống của mình để không một người con nào của bà bị chết chóc. Ở đâu có mẹ là ở đó có hiệp nhất, có những gì là sở hữu, cái sở hữu là con cái.

Việc bắt đầu một năm bằng cách nhớ lại lòng nhân hậu của Thiên Chúa nơi dung nhan từ mẫu của Mẹ Maria, nơi dung nhan từ mẫu của Giáo Hội, nơi những gương mặt của những người mẹ chúng ta, bảo vệ chúng ta khỏi chứng bệnh hao mòn là "những đứa trẻ mồ côi thiêng liêng". Nó là thứ cảm giác bị mồ côi mà linh hồn cảm thấy khi nó thiếu vắng tình mẫu thân và thiếu thốn niềm êm ái dịu dàng của Thiên Chúa, khi cảm quan thuộc về một gia đình, một dân tộc, một đất nước, thuộc về Thiên Chúa của chúng ta, trở nên u ám. Cái cảm giác bị mồ côi này ẩn nấp nơi một tâm can tự ái chỉ biết tìm kiếm bản thân mình cùng với các lợi ích riêng của mình. Nó gia tăng khi chúng ta quên rằng sự sống là một tặng ân chúng ta đã lãnh nhận - và mắc nợ người khác - một tặng ân chúng ta được kêu gọi để thông phần vào ngôi nhà chung này.

Đó là một tình trạng mồ côi qui kỷ đã khiến Cain chất vấn rằng: "Chẳng lẽ tôi là người canh giữ em tôi hay sao?" (Khởi Nguyên 4:9). Như thể em tôi không thuộc về tôi; tôi không nhìn nhận nó. Thái độ về tình trạng mồ côi thiêng liêng này là một thứ ung thư âm thầm gặm nhắm linh hồn và hạ giá linh hồn. Tất cả chúng ta càng bị mất giá vì không ai thuộc về chúng ta và chúng ta cũng chẳng thuộc ai. Tôi hạ giá trái đất vì nó không thuộc về tôi; tôi hạ giá những người khác vì họ không thuộc về tôi; tôi hạ giá Thiên Chúa vì tôi không thuộc về Ngài, cuối cùng chúng ta hạ giá chính bản thân của chúng ta, vì chúng ta quên chúng ta là ai và quên đi cái "danh xưng gia đình" thần linh chúng ta có được. Cái mất mát của những liên hệ gắn bó chúng ta, thật tiêu biểu cho nền văn hóa phân mảnh và chia rẽ của chúng ta, đang làm gia tăng cái cảm quan về tình trạng mồ côi này, gây ra một thứ trống rỗng và lẻ loi cô độc. Sự thiếu mất mối liên hệ về thể lý (chứ không phải mối liên hệ ảo) là những gì đang làm chai cứng tâm can của chúng ta (xem Thông Điệp Laudato Si', 49) và làm cho chúng ta mất khả năng dịu dàng và ngẩm nghĩ, khả năng thương xót và thương cảm. Tình trạng mồ côi thiêng liêng làm cho chúng ta quên đi cái nghĩa lý của việc làm con cái, làm cháu chắt, làm cha mẹ, làm ông bà, làm bạn hữu và làm tín hữu. Nó làm cho chúng ta quên đi tầm quan trọng của việc chơi đùa, ca hát, mỉm cười, nghỉ ngơi, tri ân.

Việc mừng vị Thiên Chúa Thánh Mẫu làm cho chúng ta một lần nữa mỉm cười khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một dân tộc, rằng chúng ta thuộc về, rằng chỉ ở trong một cộng đồng, trong một gia đình chúng ta mới có thể là những con người tìm thấy "bầu khí", "cái nống ấm" giúp chúng ta có thể tăng trưởng về nhân bản, chứ không phải chỉ như là những đồ vật để "tiêu thụ và bị tiêu thụ". Việc mừng vị Thiên Chúa Thánh Mẫu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là những hàng hóa khả hoán hay những bộ máy chế biến dữ liệu. Chúng ta là con cái, chúng ta là gia đình, chúng ta là Dân của Thiên Chúa.

Việc mừng vị Thiên Chúa Thánh Mẫu dẫn chúng ta đến chỗ kiến tạo và chăm sóc cho các nơi chung có thể cống hiến cho chúng ta một cảm quan thuộc về, một cảm quan xuất thân, một cảm giác quen thuộc ở trong phố xá của chúng ta, ở trong các cộng đồng liên kết và hỗ trợ chúng ta (xem Thông Điệp Laudato Si', 151).

Chúa Giêsu, ở vào giây phút tự hiến tột đỉnh của mình trên cây thập tự giá, đã chẳng tìm kiếm gì cho bản thân mình, và khi phó trao sự sống của mình, Người cũng trao Mẹ của Người cho chúng ta. Người đã nói cùng Mẹ Maria rằng: Đó là con của bà; con cái của bà đó. Chúng ta cũng muốn đón nhận Mẹ về nhà của mình, về gia đình của chúng ta, về cộng đồng và quốc gia của chúng ta. Chúng ta muốn chạm được ánh mắt từ mẫu của Mẹ. Ánh mắt giải cứu chúng ta khỏi bị mồ côi; ánh mắt nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là anh chị em, rằng tôi thuộc về anh chị em, rằng anh chị em thuộc về tôi, rằng chúng ta thuộc cùng một huyết nhục. Ánh mắt dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải học cách chăm sóc cho sự sống cùng một cách thức và cũng êm ái dịu dàng như Mẹ đã thực hiện: bằng việc gieo rắc niềm hy vọng, bằng việc gieo rắc một cảm quan thuộc về và tình huynh đệ.

Việc mừng vị Thiên Chúa Thánh Mẫu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có một Người Mẹ. Chúng ta không phải là những kẻ mồ côi. Chúng ta có một Người Mẹ. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng chân lý này. Tôi xin mời anh chị em hãy hô lên 3 lần, đứng lên (tất cả đứng dậy), như tín hữu thành Êphêsô rằng: Thiên Chúa Thánh Mẫu, Thiên Chúa Thánh Mẫu, Thiên Chúa Thánh Mẫu.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

January 1, 2017