dongcong.net
 
 

Mùa chay thánh 2011

 

bài 52-
CẢM NGHIỆM MÙA CHAY 2011

Nếu như Mùa Vọng, Giáng Sinh, một vài giáo xứ không tổ chức tĩnh tâm cho các giới. Có chăng vị mục tử chăn dắt giáo xứ mời một số vị mục tử từ các nơi về ban bí tích hòa giải vào những tuần cuối cùng trước khi bước vào đại lễ. Nhưng, Mùa Chay và Phục Sinh thì lại khác hoàn toàn. Gần như 99% các giáo xứ đều tổ chức các buổi tĩnh tâm cho toàn thể dân Chúa, được chia làm nhiều ngày, dành cho các giới, thường vào tuần thứ 3 Mùa Chay trở đi. Một điều nữa trong nhịp sống của người Kitô hữu, ngoài việc chu toàn giới răn của Thiên Chúa, người Kitô hữu còn được mời gọi tuân giữ giới luật của Hội Thánh. Một trong 6 giới luật của Hội Thánh là điều răn thứ 4 “ Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh”( luật buộc). Điều này cho ta thấy Mùa Chay và Phục Sinh rất quan trọng trong đời sống của Giáo Hội và của người Kitô hữu.

Vâng! Không quan trọng sao được? Vì từ cổ chí kim con người vẫn khát khao tìm cho mình những phương dược để “cải lão hoàn đồng” hoặc “trường sinh bất tử”, nhưng tất cả đều hoài công và gần như vô vọng như: Tần Thủy Hoàng, các đại đế, quan trường… Ngay như Lararô, chàng thanh niên thành Naim, những con người đã được Đức Kitô “cải tử hoàn sinh” nhưng chỉ sống được một thời gian, rồi cũng chết như bao người khác. Duy chỉ mình Đức Kitô, Ngài đã Phục Sinh Vinh Hiển sau khi trải qua biết bao nhục nhằn và cái chết. Lịch sử Kinh Thánh đã minh chứng một cách đồng bộ và rõ nét qua bốn thánh sử Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan.

Thiên Chúa là khởi nguyên và là cùng đích, nơi Ngài có sự sống và sự sống vĩnh cửu. Thế nên, khi tác dựng con người nhân loại, Ngài cũng ban tặng cho con người nhân loại sự sống vĩnh cửu. Nhưng bởi vì con người nhân loại được tác dựng từ bùn đất, vì thế mà yếu đuối, mỏng dòn. Chính vì yếu đuối và mỏng dòn, mà con người đánh mất đi mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, tồi tệ hơn là đánh mất sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng. Tội lỗi, khổ đau và cái chết đã ngự trị nơi con người nhân loại. Từ đây con người nhân loại phải khổ đau, phải chết, phải trở về với bùn đất, tro bụi (x.St. 1,2,3).

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng Thương Xót, Ngài đã không bỏ mặc con người, như lời Thánh Vịnh đã diễn tả: “ Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ ” (Tv.16,10). Thế nên, Thiên Chúa đã hoạch định chương trình cứu độ con người và đem lại cho con người sự sống. Mầu nhiệm Phục sinh Vinh Hiển của Đức Kitô đã minh chứng và biểu lộ tình thương của Thiên Chúa cho con người nhân loại, đem lại cho con người nhân loại niềm vui và hy vọng. Rồi đây, con người nhân loại, tuy là bùn đất, là tro bụi nhưng nhờ sự khai mở của Đức Kitô, con người nhân loại cũng sẽ được phục sinh với Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài. Đây chính là đích điểm mà Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng về.

Phục sinh là gì? Nhiều suy nghĩ cho rằng sự Phục Sinh chỉ thành sự, và cần thiết khi con người giã từ cuộc sống này! Điều này đúng chứ không sai. Nhưng Phục Sinh đúng nghĩa hơn, đó là khởi đầu của cuộc sống mới. Với những lỗi lầm, bệnh hoạn, khổ đau… của kiếp người, đây là những hệ lụy mà quyền lực sữ dữ gây nên. Để rồi khi trong cuộc sống con người luôn gặp những thử thách những khổ đau từ nội tâm cho đến thể xác, trong những lúc như thế, người ta thường than vãn với nhau: “sống đó, mà như đã chết!”. Vâng! Với những hệ lụy của kiếp người yếu đuối và mỏng dòn, người ta sống đó nhưng đôi khi như đã chết, chết vì sa ngã và tội lỗi, chết vì những bệnh tật và khổ đau… Vì thế, sự Phục Sinh hay nói đúng hơn là một cuộc sống mới, một cuộc sống an vui và hạnh phúc, một cuộc sống hoàn thiện luôn là điều mơ ước của kiếp người. Tất cả những điều đó đều khởi đi từ Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Đặc biệt là từ nơi Đức Kitô, Đấng đã từ cõi hư nát qua cái chết, Phục Sinh và sống bất diệt. Nhưng, làm sao ta có thể đón nhận sự Phục Sinh từ Thiên Chúa ngay cuộc sống hiện tại cũng như khi ta nhắm mắt xuôi tay về bên kia thế giới? Xin Thưa:  

Để có được vinh quang nơi mầu nhiệm sự Phục Sinh Vinh Hiển, Đức Kitô đã phải trải qua tất cả những nỗi thống khổ của một kiếp người. Khởi đầu là việc nhập thể vào cung lòng cô thôn nữ Maria qua quyền năng của Chúa Thánh Thần; kế đến Ngài sinh ra trong khó khăn cơ cực, lớn lên trong một gia đình nghèo hèn; sống trong chay tịnh, cầu nguyện  40 đêm ngày nơi sa mạc trước khi bước vào đường sứ vụ; trên đường sứ vụ Đức Kitô đã gặp không ít những chống đối, thử thách và buồn phiền. Cuối cùng là gánh chịu bao đắng cay, tủi nhục, đau đớn và cái chết! Với ta là người tin và đang chập chững bước theo Đức Kitô trên bước đường lữ hành, ta không thể nào đi ra ngoài quỹ đạo mà Đức Kitô đã đi qua và đã nên gương cho ta. Hơn nữa ta mong ước đời ta sẽ được ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô soi rọi, tiếp sức. Điều quan trọng nhất của đời người sau khi bôn ba nơi thế trần, ta mong được Phục Sinh, mong được đoàn viên cùng với Thiên Chúa nơi Vương Quốc vĩnh hằng.

Để giúp ta đạt được hy vọng, niềm vui, bình an, ơn cứu độ và đạt được Vương Quốc vĩnh hằng qua mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần đã tác động vào Giáo Hội, qua Giáo Hội, Ngài giúp cho con cái Thiên Chúa bước theo con đường mà Đức Kitô đã đi qua. Đặc biệt trong bốn mươi ngày Chay Thánh.

Cùng với toàn thể Giáo Hội qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ta bước bào mùa Chay Thánh, khởi đầu là thứ tư lễ tro. Qua nghi thức sức tro, điều này nhắc nhở cho ta nhận ra thân phận yếu đuối và thấp hèn của mình. Dù ta có là gì giữa cuộc sống này như: Ta đang sống trong ngập tràn “gấm vóc lụa là” hay “bần cùng, khố rách áo ôm”; ta đang ngồi trên đỉnh cao của quyền lực, hay chỉ là những con người mà “một chữ bẻ đôi không biết”…thì tất cả chỉ là tro bụi trước mắt Đấng Tối Cao, tất cả chỉ là hư không như lời Kinh Thánh: “ Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv.1,2). Đây không là lời ta thán cho một kiếp người, nhưng lời này gột tả và diễn tả cái chân thực của một đời người và tất cả những gì liên hệ, mưu ích cho đời người khi hiện hữu giữa thế gian.

Bước vào Mùa Chay Thánh gợi mở ta nhớ lại sự kiện 40 ngày đêm ông Môsê ở trên núi Sinai đón nhận giao ước và giới luật của Thiên Chúa; hành trình 40 năm trong sa mạc của dân Do Thái khi họ tiến về miền đất hứa (x. Xh.1đến 40); ngôn sứ Êlia dong duổi 40 ngày đêm để đến núi Khôrếp gặp gỡ Thiên Chúa (x.1V.19,1-18). Đặc biệt Mùa Chay Thánh giúp ta nhớ lại sự kiện Đức Kitô đã vào hoang địa sống trong chay tịnh, cầu nguyện, chịu cám dỗ trước khi Ngài lên đường thi hành sứ vụ Chúa Cha giao phó. Qua những gợi mở đó, ta cũng được mời gọi bước vào sa mạc, vào hoang địa trong 40 mươi ngày Chay Thánh để thanh tẩy cõi lòng và đời mình trong chay tịnh và cầu nguyện.

Sống Mùa Chay, có phải chăng ta giũ bỏ hết tất cả nhịp sinh hoạt riêng cũng như chung trong bổn phận của một kiếp người rồi vào hoang địa, vào sa mạc như một vị ẩn tu? Chắc chắn là không phải như thế. Ngôn sứ Isaia đã giới thiệu cho ta cách sống mùa chay và ăn chay rất đẹp lòng Thiên Chúa giữa cuộc sống thường nhật như sau:

“ Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?

Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is.58,6-7).

Đức Kitô đã dạy ta cách sống mùa chay và ăn chay khi Ngài phán: “ Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con ” (Mt.6,16-18).

Giữa một thời đại mà bạo lực lan tràn, công lý và sự thật bị xem thường, đạo đức và lương tâm con người bị tục hóa và tha hóa một cách trầm trọng. Là người Kitô hữu ta luôn được Thiên Chúa mời gọi thắp lên ánh sáng Phục Sinh và loan báo tin vui Phục Sinh như bà Mađalêna năm xưa, đặc biệt trong Mùa Chay Thánh 2011. Nhưng, với ta chỉ là những con người mà như sách Giảng Viên đã mô tả: “ Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau” (Gv.1,18). Điều này tác giả cũng muốn gởi đến ta một chân lý:  Đời người càng thêm tuổi thì càng thêm lỗi lầm.

Chính vì thế mà trong từng ngày sống, nhất là trong Mùa Chay,  ta luôn được Thiên Chúa mời gọi hãy sống tâm tình ăn năn, sám hối: “Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót” (Ge. 2,13-13).

Thiên Chúa là Đấng Nhân Hậu, Từ Tâm và đặc biệt Tín Trung. Một khi ta cất bước trở về với Thiên Chúa trong ăn năn sám hối, trong cầu nguyện và lòng tin tưởng thì Ngài sẽ thực hiện lời hứa như Ngài đã hứa qua miệng ngôn sứ Isaia:

“Có lời rằng: "Hãy mở đường khai lối, và san cho bằng phẳng,
dẹp bỏ mọi chướng ngại trên đường nẻo dân Ta.

Bởi vì Đấng muôn trùng cao cả, Đấng ngự chốn vĩnh hằng,
Đấng mang danh chí thánh, Người phán như sau:
Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện,
nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát,
để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung,
và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát.

Vì Ta chẳng trách cứ luôn luôn, không giận hờn mãi mãi” (Is.57,14-16)

Hơn thế nữa, Ngài còn thực hiện nơi ta những điều ta không thể ngờ.

“ Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây! "
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở
gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,

nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ

Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi,
giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng;
xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.
Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm
như mạch suối không cạn nước bao giờ.

Nhờ ngươi, người ta sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa,
ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các thế hệ trước,
người ta sẽ gọi ngươi là người sửa lại những lỗ hổng,
là kẻ tu bổ phố phường cho người ta cư ngụ” ( Is.58, 10-12).

Lạy Chúa! Cảm tạ chúa đã yêu thương và ban cho con biết bao ơn lành trong cuộc sống. Chúa ơi! Bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu lần mùa chay đi qua đời con, nhưng có lẽ con chẳng bao giờ sống đúng với tâm tình mùa chay mà Chúa luôn mời gọi, có chăng chỉ là hình thức. Mùa chay này, xin Chúa đánh động hồn con, biến đổi con và giúp con hãy bắt chước anh mù Batimê vứt bỏ chiếc áo choàng, đây là tài sản quý nhất của anh, để đến với Chúa. Xin cho con và giúp con vứt bỏ tất cả những gì làm vướng bận đôi chân yếu đuối của con, để con dễ dàng tiếp cận tình thương của Chúa. Nhờ đó mà con mới thực sự sống đúng nghĩa với mùa chay và qua mùa chay con được sức sống mới, được biến đổi nhờ quyền năng và sự Phục Sinh của Chúa. Amen

Sài Gòn ngày 04/03/2011
Antôn Lương Văn liêm


Lương Văn Liêm- dongcongnet 17-3-2011


 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)