dongcong.net
 
 

Sống Mùa vọng…



(Tâm Tình Mùa Vọng - sưu tầm nhiều tác giả )

Đức Kitô mời gọi: ''hãy đứng thẳng và ngẫng đầu lên''
Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Ngày 6.11.2009, hãng phim Sony Pictures, Mỹ Quốc, đã cho ra mắt bộ phim bom tấn với chi phí lên đến 200 triệu USD, mang tựa đề “Thảm họa 2012”, của đạo diễn nỗi tiếng về phim thảm họa, Roland Emmerich. Bộ phim mô tả hành tinh chúng ta đang sống bị một hành tinh lạ đâm sầm vào đúng vào ngày 21.12.2012, thời điểm kết thúc một vòng lịch theo cách tính của người Maya cổ đại. Tác giả kịch bản đã lấy ý tưởng từ bộ lịch của người Maya cổ, dự đoán sự kết thúc của nền văn minh loài người vào ngày 21.12.2012. Động đất làm cho thành phố Los Angeles chìm xuống biển, Vatican sụp đổ, sóng thần trùm lên Nhà Trắng. Một quả cầu lửa sẽ làm nước biển dâng lên và làm cho trái đất chìm ngập trong biển nước và lửa. Thế giới sẽ bị hủy diệt.

Đó là chuyện phim và cũng là đề tài nhiều người bàn tán trên các trang mạng điện tử liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên mới đây cơ quan NASA của Hoa Kỳ trả lời một số thắc mắc của độc giả đã khẳng định rằng không hề có những thảm họa cho địa cầu như những dự đoán đồn đại về ngày tận thế gần kề.

Tuy nhiên, có một nguồn tin rất đáng tin cậy và đáng lưu tâm hơn. Nhân sự kiện người ta trầm trồ về vẽ đẹp của đền thờ Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã tiền báo về biến cố Giê-ru-sa-lem bị quân Rôma tàn phá bình địa vào năm 70 sau CN (Lc 21,5-6.20). Quan trọng trọng hơn, Đức Giê-su tiền báo một cách chắc chắn rằng ngày tận thế sẽ đến với những điềm báo trước: chiến tranh, loạn lạc, chia rẽ, động đất, đói kém, tiên tri giả xuất hiện (Lc 21,8-11). Tuy nhiên, Ngài lại không nói ngày nào tháng nào năm nào và nhân loại không thể nào biết được khi nào việc ấy xảy đến. Có lẽ đối với Thiên Chúa sẽ không có ngày tháng năm vì Ngài vượt ngoài không gian và thời gian?! Và chính vì thế, điều người ta quan tâm nhất đó là thời điểm nào sẽ đến ngày ấy.

Đức Giê-su cho thấy điều đó không đáng quan tâm nếu chúng ta luôn luôn luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Ngày ấy không phải là một thảm họa để người ta phải hoảng sợ lo lắng nhưng là một ngày hồng phúc muôn dân hằng mong đời, ngày cứu độ. Thật vậy, Đức Giê-su đã báo trước: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.”(Lc 21,25-27). Ngài cũng mời gọi con dân của Ngài hãy tự hào vui sướng trong gờ phút này: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28). Lẽ ra, con dân của Chúa phải rất mừng vui, sung sướng mong mỏi, chờ đón ngày đó. Vì ngày đó là ngày con được gặp Chúa Cha mặt đối mặt, ngày mà Thiên Chúa đón rước chúng ta về bên Chúa mãi mãi. Nếu chúng ta cảm thấy hoảng sợ thì giả thiết một điều là chúng ta không thích được gặp Thiên Chúa- Cha của mình hoặc giả chúng ta không sẵn sàng.

Đức ki-tô mời gọi “hãy đứng thẳng và ngẫng đầu lên vì anh em sắp được cứu độ”. Động tác xem ra rất đơn giản trong ngày cánh chung. Tuy nhiên, để có thể làm hai động tác đơn giản ấy vào ngày cánh chung thì phải có một chọn lựa đúng đắn cách dứt khoát và một tiến trình hy sinh bước đi trên hành trình ấy. Cuộc thanh luyện và chuẩn bị bắt đầu từ tiếng khóc chào đời của mỗi người. Và điều quan trọng không phải tôi sống bao lâu, đi được bao nhiêu kilômét trên hành trình dương thế nhưng là tôi đi thế nào, sống như thế nào trên hành trình ấy. Điều đó quyết định tôi có thể đứng thẳng và ngẩng đầu lên trước Chúa hay không. Thực ra, ngày tận thế không phải là ngày xử án của Chúa và Thiên Chúa không phải là một quan án đáng sợ. Đó đơn thuần chỉ là một ngày đoàn tụ của những người con lưu lạc chốn gian trần với người Cha trên trời.

Bình tâm suy gẫm lại một cách nghiêm túc: đích tôi đang hướng đến là gì? Phương tiện tôi đang có là gì? Và tôi đang bước đi thế nào? Tôi cần thay đổi gì nữa? Thiết nghĩ điều quan trọng nhất, đích đến hấp dẫn nhất của mỗi con người đó là làm người, tôi được gọi là người và tôi phải làm sao làm người cho được và Thiên Chúa chỉ mong có thế. Nếu một ngày nào đó tôi chưa thực sự là người đúng nghĩa ngày ấy chính là ngày tai họa. Đức Giê-su đã từng nói: “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34;Mt 6,21). Nếu đặt cùng đích, kho tàng của đời mình là vinh hoa phú quý, danh vọng địa vị trên thế gian này thì chắc chắn con người sẽ vun trồng và chăm chút cho những thứ ấy mà không để tâm chút nào đến việc xây xựng Nước Trời. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24; Lc 16,13). Chọn lựa là một điều hết sức quan trọng vì chọn lựa đúng là bước đầu để dẫn đến đích, chọn lựa sai sẽ không bao giờ đến đích. Chúng ta không thể đi về Miền Nam khi khởi hành bằng chuyến xe về Miến Bắc và ngược lại. Khi đã chọn lựa đúng rồi còn phải luôn luôn trung thành với chọn lựa ấy nữa. đó là điều mà Đức Giê-su gọi là “tỉnh thức”: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”(Lc 21,36). Sự tỉnh thức là một tiến trình kéo dài liên lỉ mỗi ngày chứ không phải chỉ một đêm, hai đêm hay một thời điểm nào đó. Đó là một lối sống chứ không phải là một thái độ đối phó qua loa vì chúng ta sẽ không biết ngày nào giờ nào Chúa đến với mỗi người. Tỉnh thức đòi hỏi “phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34). Còn bận bịu với “sự đời” quá sức thì không thể toàn tâm toàn ý với việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Xa lạ với Nước Thiên Chúa thì làm sao vào Nước Thiên Chúa được?

Thật ra, không phải Thiên Chúa định ngày nào giờ nào thế giới này bị tàn phá nhưng ngày ấy giờ ấy nằm ngay chính trong chọn lựa của mỗi cá nhân. Nếu lúc nào đó tôi suy nghĩ và hành động không như một con người, thì ngay lập tức tai họa đã ập đến cho chính tôi và còn liên lụy đến người khác. Người ki-tô hữu hay nói bống bẩy là chúng ta phải làm sao sống xứng đáng là con Chúa? Sống xứng đáng là Con Chúa là thế nào đây? Đơn giản đó là làm người, một con người đúng nghĩa và trọn vẹn như thuở ban đầu Chúa tạo dựng nên. Nhưng có phải chỉ khi nào tôi trở nên một con người hoàn thiện thì tôi mới được cứu độ? Da thưa không! Chỉ cần cả cuộc đời tôi đã làm tất cả, đã cố gắng hết sức để trung thành với sứ vụ làm người, làm con Chúa thì cho dù đến cuối cùng tôi vẫn chưa hoàn thiện, Chúa vui lòng và đón nhận những cố gắng ấy!

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp mỗi người chúng ta hiểu ra điều quan trọng và cần thiết nhất cho cuộc đời mình là gì để mỗi người khỏi bị lạc đường. Xin Ngài giúp cho mỗi người chúng ta chọn lựa chính xác và can đảm dấn thân trên đường mình đã chọn. Amen!

 

Tỉnh đi kẻo phải trầm kha
TỈNH ĐI KẺO PHẢI TRẦM KHA


Tỉnh đi kẻo phải trầm kha,
Xa rời tình Chúa rồi ra dại khờ.
Quỷ ma nhả khói mịt mờ,
Ánh trăng che khuất mây mờ tối đen.

Những điềm lạ. Con Người quang lâm. (Mt 24,29 -31; Mc 13: 24 -27 )

25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."Đó là lời Chúa."

Đời sống của chúng ta nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Người Kitô hữu hiểu điều đó…
Hãy tạ ơn Chúa , hãy lắng nghe,suy niệm :

  Chúa ơi! nghe tiếng tơ lòng,
Chân con vướng mắc tay còng quỷ ma.
Mặt trời lên đỉnh chiều tà,
Lạc xa tình Chúa là Cha nhân hiền.


Tỉnh đi kẻo phải buồn phiền,
Lệnh truyền Chúa đến theo liền thân tôi.
Ngồi nhìn ngắm ánh trăng trôi,
Giờ nầy mới thấy bồi hồi tiếc thương.

Mùa vọng lại về; Mùa Vọng cũng là thời gian để chúng ta hồi tâm nhớ đến ngày Chúa đến với chúng ta lần thứ hai vào ngày cuối cùng của thế giới này (ngày Tận Thế). Mùa Vọng còn là thời gian tĩnh tâm dài để chúng ta cầu nguyện và suy nghĩ về ngày cuối cùng của mỗi người chúng ta, ngày chúng ta qua khỏi đời này để bước sang cuộc sống vĩnh cửu đời sau.

"TA KHÔNG QUÊN NGƯƠI ĐÂU"

Làm sao Chúa quên được con,
Tình thương giá máu Chúa Con vào đời.
Loài người hơn thú cao vời,
Hồn thiêng bất tử nên lời tạ ơn,

Ăn ăn, ngủ ngủ lơn tơn,
Như loài thú dữ lớn khôn giữa đời,
Trí khôn sáng suốt gọi mời,
Biết suy, biết nghĩ, nói lời yêu thương.

Tình yêu Thiên Chúa vấn vương,
Ngài luôn mong mỏi tơ vương loài người.
Người Ki-tô hữu vui tươi,
Sống đời nhân chứng mười mươi vẹn mười.

Trên cao, Thiên Chúa luôn nhìn, đoàn con cái Chúa sống đời chứng nhân, theo đường Anh Cả Giêsu gọi mời, ban muôn ơn thánh dư đầy, cho chúng ta vững bước bên Ngài trung kiên…

Trần gian bến tạm kia mà, ngày về mới thật sống đời vinh quang, thiên đàng Cha đã sắm sẵn để chờ đợi ta, cho dù tình huống nổi trôi, ta lìa lắm dạo nhưng Cha luôn hiền, vẫn chờ vẫn đợi con về với Cha, cho dù nước chảy đá mòn, chờ con đến phút cuối đời cũa con.

Tình Cha nghĩa Mẹ luôn chờ, lời thiêng phát nhẹ tâm tôi bồi hồi, quyết tâm can đảm lắng nghe gọi mời, còn giờ hồng phúc đợi chờ…

"Ta không quên ngươi đâu." (Is 49:14-15)
Chỉ có con lạc xa tình Chúa, mê đời phù hoa, chứ nào Chúa có bỏ con. Nhiều đêm thức giấc cầm canh, lo cho cuộc sống không còn nhớ thương, không có giờ nhớ Chúa đang chờ đợi con, để ban cho con những ơn cần thiết, khôn ngoan can đảm sống giữa chiến trường quỷ ma…

Đời tôi, bãi bể nương dâu,
Chạy theo lạc thú cắm đầu mãi mê.
Thích tiền không chỗ nào chê,
Bỏ quên lối rẽ đường về quê Cha

Giờ nầy xót dạ, thở ra,
Nhà cao cửa rộng cho ta được gì.
Nhìn lên Thánh Giá thì thầm,
Lạy Thầy Chí Thánh phù trì thương con.

Ẩn trong tình Chúa nỉ non,
Chúa thương chờ đợi lòng son dâng Ngài.
Quyết tâm thoát xích tiền tài,
Con xin chọn Chúa, ca bài tri ân.

Thánh Kinh Lời Chúa chuyên chăm,
Màn đêm buông xuống nguyện thầm Giê-su.
Từ nay quyết chí chân tu,
Tâm thành không để mờ lu tình Thầy.

Cúi đầu tạ tội vong ân, xin ăn năn qùy trườc thiên nhan, con tin rằng Chúa từ nhân.
Càng suy, càng gẫm, càng thấy tình Cha quan phòng.
Có ai sống mãi để rồi hoan ca…

(1Thesalonica 3:12-4:2), Thánh Phao-lô cũng bảo chúng ta hãy cố gắng sống những điều Thánh Phaolô đã chỉ dẫn, hãy sống thương yêu hoà hợp với nhau, sống thánh thiện "không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với các Thánh."

Hôm nay thế giới quay cuồng,
Cuộc vui trần thế lắm tuồng hờn ghen.
Lắng lo cuộc sống bon chen,
Lòng người đổi trắng thay đen ra gì?

Ngay trong gia đạo báo tri,
Tình yêu phu phụ liên chi gập ghềnh.
Gia đình hết chốn chung tình,
Trên cao, Thiên Chúa lắng nhìn xót thương.

Trần gian có lắm tai ương,
Vì xa luật Chúa vấn vương tình đời.
Hôm nay Lời Chúa gọi mời,
Về đi, Cha chờ, Cha đợi hồi âm.

Chúa là gia nghiệp đời con, Xin Ngài bảo toàn thân con…
Loài người có lãng quên và chối từ Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn mời gọi và giúp đỡ chúng ta tìm kiếm Ngài để được sống và sống hạnh phúc bên Ngài.

Đời con giá lạnh về đêm,
Đắng cay, cay đắng, êm đềm trôi qua.
Con xin ôm Chúa thiết tha,
An bình vui sống trường ca tình Ngài.

"Vui mừng biết bao cho những tâm hồn tìm kiếm Chúa" (Tv 105).
Chúa là tình yêu cao vời trên ngàn mây xanh, ấm lòng cho người lữ hành, Chúa là tình yêu.

Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!

 Nam Giao 2012

 

MỘT LỐI NHÌN VỀ MÙA VỌNG
by Tu sĩ Giuse Vũ Đức Phán. MF


Dẫn nhập

Một Mùa Vọng nữa lại về. Đây đó trên đường đời, dù trong nhà thờ hay ngoài phố chợ hoặc trên các nẻo đường quê, nhiều sắc thái mang âm hưởng của Mùa Vọng, lại được dịp ngân lên thánh thót qua những bài thánh ca, qua tâm tình chuẩn bị và qua thái độ đợi trông. Thêm một lần nữa, chúng ta có dịp sống lại ý nghĩa của Mùa Vọng mà Giáo Hội dạy con cái mình qua các bài Thánh Kinh, các nghi thức và những bài giáo huấn. Tuy nhiên, trong thực tế, nói đến Mùa Vọng, người ta thường có xu hướng nghĩ ngay đến đại lễ Giáng Sinh. Không khí tưng bừng của việc chuẩn bị mọi công tác cho đại lễ Giáng Sinh làm cho Mùa Vọng trong tâm thức của con người hôm nay ngày càng thêm rộn rã.

Vậy, đâu là ý nghĩa đích thực cùa Mùa Vọng? Và chúng ta phải sống tâm tình của Mùa Vọng như thế nào trong bối cảnh hôm nay?

1. Ý nghĩa của Mùa Vọng

Thông thường, mỗi khi Mùa Vọng về, dường như đâu đâu người ta cũng lo các công tác chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh: tập hát thánh ca, làm hang đá với đèn sao lấp lánh khắp nơi, chuẩn bị chương trình canh thức, văn nghệ… Điều đó không có gì lạ, bởi hôm nay, không chỉ người Kitô hữu mừng lễ Giáng Sinh mà đại lễ này, từ lâu đã trở nên ‘toàn cầu hoá’. Từ châu Á đến châu Âu, từ châu Mỹ đến châu Phi và châu Úc, đâu đâu cũng thấy dấu ấn của niềm vui Giáng Sinh. Thậm chí, không chỉ người Kitô hữu mà ngay cả các tín đồ của các tín ngưỡng tôn giáo khác, đến cả những người vô tín vẫn coi Giáng Sinh là một dịp nghỉ lễ mà họ hằng hân hoan trông đợi. Vô tình, vì nhiều lý do khác nhau nên, ngay cả đối với người Kitô hữu, dấu ấn của đại lễ kỷ niệm biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh dường như đã choán chiếm hết cả ý nghĩa của Mùa Vọng.

Tuy nhiên, Mùa Vọng không chỉ dừng lại ở việc kỷ niệm biến cố Giáng Sinh. Thật vậy, khi diễn tả về Mùa Vọng, Giáo Hội dạy: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan trông đợi” (AC 39). Như thế, đọc kỹ hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy: đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng ‘chỉ’ là việc kỷ niệm một sự kiện đã xảy ra. Ngôi Hai Thiên Chúa đã Giáng Sinh hơn hai ngàn năm rồi; vì thế, việc mừng lễ Giáng Sinh, dù là lễ trọng, cũng ‘chỉ’ là một hành vi thờ phượng mang âm hưởng của việc kính nhớ. Vì đã được hưởng ơn cứu độ nên việc sống đặc tính thứ hai của Mùa Vọng mới là yếu tố cần thiết cho con người hôm nay. Giáo Hội đã dạy rất rõ rằng: qua việc kính nhớ lần thứ nhất Con Thiên Chúa đến với loài người, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế.

Từ đây, chúng ta thấy một nghịch lý: ngày hôm nay, khi nhấn mạnh biến cố Giáng Sinh, dường như con người vẫn sống trong ‘tâm trạng’ của người Do Thái xưa, tức là chờ đón Chúa đến lần thứ nhất. Khác ở chỗ, người Do Thái xưa chờ mong Chúa đến, còn con người hôm nay dừng lại ở việc kỷ niệm biến cố Giáng Sinh đã xảy ra. Thật thế, để cho đại lễ Giáng Sinh lấn át hết cả ý nghĩa của Mùa Vọng cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ chuyên chăm sống đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng! Và, như một điều tất yếu, đặc tính thứ hai của Mùa Vọng: hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế, bị lãng quên! Thật ra, lúc này không phải là thời điểm chúng ta khẩn xin hay trông chờ Đấng Emanuel nữa, vì Đấng ấy đã đến rồi. Do đó, bây giờ là lúc chúng ta cần phải thốt lên với tất cả niềm tin và hy vọng thể hiện trong cuộc sống của chính mình: “Marathana – Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20), như lời các Kitô hữu tiên khởi đã khao khát và chờ mong Chúa đến giải thoát, mà thánh Gioan Tông Đồ đã trình thuật trong sách Khải Huyền.

Nhìn vào cấu trúc của Mùa Vọng, chúng ta thấy Giáo Hội dành khoảng thời gian từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng cho đến hết ngày 15.12 để hướng các tín hữu vào đặc tính thứ hai: hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Từ ngày 16 cho đến hết ngày 24.12 mới là khoảng thời gian dành riêng cho đặc tính thứ nhất: chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người. Cách thức Giáo Hội phân chia thời gian (thời gian dành cho đặc tính thứ hai dài hơn thời gian dành cho đặc tính thứ nhất) như thế, tự nó, cũng đã cho thấy: ngày hôm nay, đặc tính thứ hai quan trọng và cần thiết hơn đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng.

Đối với thời của thánh Gioan, đặc tính chờ mong Chúa đến cứu độ nhân thế là tối quan trọng. Nhưng, ngày hôm nay, kế hoạch cứu độ đã được hoàn tất nơi Đức Giêsu, cho nên việc hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế mới là điều người Kitô hữu cần phải hướng tới. Giáo huấn của Giáo Hội đã chẳng khẳng định rõ: qua thái độ kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế, đó sao?

Tuy nhiên, thái độ mà con người thời nay cần phải có trong khi chờ đón Chúa đến không khác với tâm thức của người Do Thái thời thánh Gioan Tiền Hô. Xưa kia, để chuẩn bị chờ đón Chúa đến lần thứ nhất, Gioan được sai đi thực thi sứ mạng dọn đường: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Tất nhiên, ai cũng hiểu, các yếu tố như thung lũng, núi đồi, khúc quanh co, đường lồi lõm… đã được nhân cách hoá. Nghĩa là, việc chuẩn bị phải được thực hiện và thể hiện nơi cung lòng, như lời bài hát “Để Chúa Đến” mà ngày hôm nay chúng ta vẫn ngân lên trong Mùa Vọng: “Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến…”.

Quả thật, tâm thế của con người thời đại hôm nay cũng giống như tâm thế của con người vào thời Gioan xưa kia. Gần hai ngàn năm trước, khi thời gian chờ đợi Đấng Cứu Thế đến đã viên mãn và Nước Thiên Chúa sắp đến thời kỳ khai mở, Gioan kêu gọi dân chúng chuẩn bị sẵn sàng để lãnh nhận ân huệ Nước Trời nơi Ngôi Hai Giáng Thế lần thứ nhất. Ngày hôm nay, giáo huấn về sự chuẩn bị nơi Gioan vẫn vang vọng nơi mỗi người chúng ta, nhưng khác ở chỗ, lời mời gọi ấy nhắm tới khía cạnh cánh chung, hơn là chỉ để kỷ niệm biến cố Ngôi Hai Giáng Sinh. Bởi vì, lễ Giáng Sinh, dù là một đại lễ, cũng chỉ là việc kỷ niệm một sự kiện đã xảy ra. Vì thế, ngày hôm nay, sự chờ đợi trong hy vọng phải hướng tới chiều kích cánh chung: chờ đón Chúa đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Việc mừng lễ trọng Giáng Sinh phải là chiếc cầu nối để dẫn đưa con người tới sự chuẩn bị với niềm tin và hy vọng trong khi đợi chờ ngày Chúa quang lâm.

2. Để sẵn sàng chờ đón Chúa đến lần thứ hai

Vậy, con người hôm nay cần phải cần phải làm gì để sẵn sàng nghênh đón Chúa đến lần thứ hai? Câu trả lời vẫn là sự chờ đợi trong hy vọng. Tuy nhiên, đó không phải là một sự chờ đợi suông hay một sự chờ đợi thụ động, mà phải là một sự chờ đợi chủ động và sẵn sàng. Nhưng, làm thế nào để chủ động chờ đợi? Chắc chắn, chúng ta vẫn phải nại đến giáo huấn của thánh Gioan Tiền Hô: sám hối.

Đọc kỹ các trình thuật về Gioan trong Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy, để chuẩn bị cho Chúa đến lần thứ nhất, Gioan được sai đến. Sứ mạng chính yếu của Gioan là dọn đường để Thiên Chúa thực thi sứ vụ cứu độ. Việc dọn đường này của Gioan thể hiện ở chỗ, Gioan đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,1). Tin vào lời kêu gọi sám hối của Gioan nên “người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (Mt 3,5-6). Ở đây, chúng ta thấy: sám hối dẫn đưa con người đến hành động. Không có sám hối, dân chúng đã không xin Gioan làm phép rửa. Không sám hối, thì lời dạy của thánh Gioan: “mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5) trở nên vô nghĩa. Thậm chí, không sám hối, thì dù Nước Trời có đến cũng vô tác dụng, bởi vì chỉ có những ai sám hối và tin vào Tin Mừng thì mới thích hợp và phần nào xứng đáng với giá trị của Nước Thiên Chúa. Như thế, chính việc sám hối dẫn đưa con người đến hành động và có hành động theo sự chỉ dẫn của sám hối thì người ta mới có hy vọng vào ơn cứu độ và có hy vọng thì sự chờ đợi ngày Chúa quang lâm mới tròn đầy ý nghĩa. Do vậy, nếu sám hối là yếu tố nền tảng để đón mừng Chúa đến lần thứ nhất ban ơn cứu độ thì ngày hôm nay sám hối cũng vẫn là điều kiện cần thiết để chờ đón Chúa đến lần thứ hai. Bởi đó, sám hối để sẵn sàng chờ đón Chúa đến lần thứ hai cũng chính là ý nghĩa sâu xa của Mùa Vọng.

Là một sự biến đổi tận căn, sám hối đòi hỏi một sự đổi mới cuộc đời, một sự biến cải con người cũ và làm cho các giá trị Tin Mừng bén rễ vào trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Thật vậy, xưa kia, bên cạnh việc làm phép rửa cho dân chúng như một dấu chỉ biểu lộ lòng sám hối, thánh Gioan còn đưa ra lời khuyên về sự ‘cải biến’ cho từng đối tượng đến với ông. Đối với đám đông, thánh nhân dạy: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). Đây chính là bài học về sự tương thân tương ái trong tình huynh đệ. Đối với những người thu thuế, thánh nhân hướng dẫn họ về một lối hành xử theo kiểu công bằng xã hội: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc 3,13). Và đối với binh lính, Gioan khuyên họ sống chính trực và bằng lòng với thực tại của cuộc sống: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (Lc 3,14). Như thế, đối với Gioan Tiền Hô, sám hối là trách nhiệm của từng cá nhân và lời mời gọi sám hối thực sự cũng hướng tới từng cá nhân chứ không phải là một định thức chung cho tất cả mọi người. Trong Tin Mừng thứ tư, thánh nhân mạnh mẽ quả quyết:“Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Ga 3,9).

Đối với người Kitô hữu hôm nay, không có sám hối thì sự chờ đợi Chúa đến lần thứ hai của chúng ta sẽ là sự chờ đợi trong vô vọng. Bởi, nếu không sám hối, tự thân chúng ta không thích hợp với Nước Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta không biết ngày nào, giờ nào Con Người đến, như lời Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng Mátthêu: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44). Vì thế, cuộc sống hôm nay phải là một sự sám hối liên tục không ngừng nghỉ. Trong ngày Chúa đến, “tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12). Vì không biết ngày nào, giờ nào, Con Người đến nên, không chỉ trong Mùa Vọng hay bất cứ mùa nào trong năm phụng vụ, mà trong mọi giây phút của cuộc sống, sự sám hối của người Kitô hữu phải luôn có tính hiện tại và phải luôn “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,8) như lời thánh Gioan xưa kia đã nhắc nhở những người thuộc phái Pharisêu và Xađốc đến xin ông làm phép rửa cho họ. Thậm chí, Gioan từng cảnh báo người Do Thái rằng: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham” (Mt 3,9) là có thể đảm bảo một vị trí trong Nước Thiên Chúa sắp khai mở. Ngày hôm nay, ý nghĩa của lời cảnh báo ấy của Gioan cũng dành cho con người trong thời đại chúng ta: đừng tưởng rằng mình có phép rửa là đã đủ để có thể sẵn sàng nghênh đón Chúa đến lần thứ hai trong ngày Người quang lâm.

Vì thế, giáo huấn của thánh Gioan vừa là lời mời gọi vừa là lời nhắc nhở chúng ta hãy “Sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,8), bởi vì, “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Ga 3,9). Đó là một thực tế mà chúng ta phải ý thức trong khi chờ đợi Chúa đến lần thứ hai để quy tụ tất cả về một mối trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Kết luận

Sống Mùa Vọng là sống tâm tình chờ đợi trong niềm hy vọng Kitô giáo. Để sống trọn ý nghĩa của Mùa Vọng, giáo huấn của Giáo Hội dạy chúng ta không chỉ dừng lại ở việc kỷ niệm biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh, mà cuộc sống của người Kitô hữu phải luôn sẵn sàng vang lên lời khẩn xin: “Maranatha – Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến” (Kh 22,20). Nói đúng hơn, việc mừng đại lễ Giáng Sinh phải là chiếc cầu nối để đưa người Kitô hữu đến với tâm thức sẵn sàng chờ đón Chúa đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì vậy, để có thể hưởng kiến Thần Nhan trong ngày quang lâm vinh hiển bất chợt xảy đến, lời mời gọi của Gioan vẫn còn đó cho chúng ta suy gẫm: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,1), và nhắc nhớ bản thân hãy biết: “Sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,8).

Tu sĩ Giuse Vũ Đức Phán. MF

Mùa Vọng của Thiên Chúa và con người
Lm. Thái Nguyên

Mùa vọng là thời gian mong chờ Chúa đến, nhưng đừng quên Chúa là Đấng đã chờ đợi ta trước khi ta chờ đợi Ngài; Đấng đã hy vọng về ta, để nhờ đó ta biết hy vọng vào Ngài. Mọi sự đều là sáng kiến và khởi đầu của Thiên Chúa, Đấng quyền năng vô biên và yêu thương ta vô bờ. Quyền năng và tình yêu Ngài là sự bảo đảm duy nhất cho niềm hy vọng của chúng ta. Ngoài Chúa ra, mọi hy vọng vào trần thế này hay bất cứ thần tượng nào cũng sẽ là vô vọng.

I. MÙA VỌNG : THIÊN CHÚA HY VỌNG VỀ CON NGƯỜI.

1. Do hy vọng và cho hy vọng

Do hy vọng, Thiên Chúa đã tác sinh con người giống hình ảnh Ngài, cho họ bước vào vận hành sự sống của chính Ngài.

Cho hy vọng, Thiên Chúa đã không ngừng hứa hẹn và kết ước yêu thương với loài người, dù cho họ có ngàn lần sa ngã lỗi phạm và xa bỏ Ngài.

- Ngay từ Cựu Ước, Thiên Chúa đã phán qua tiên tri Ezekiel : “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”.

- Qua dân Israel, Thiên Chúa không ngừng tái lập lại các Giao ước mà con người luôn phá vỡ, do sự bất trung bất tín với Thiên Chúa, và bất nhân bất nghĩa với nhau.

Vì vậy, Mùa Vọng là mùa qua đó Giáo Hội muốn khắc họa rõ hơn dung mạo của Thiên Chúa: Đấng đã hy vọng về con người qua lịch sử dân Chúa; Đấng vẫn hy vọng về con người trong lịch sử Giáo Hội; và Đấng mãi hy vọng về con người trong chính cảnh huống cụ thể của từng đời người.

Dung mạo Thiên Chúa ấy được thể hiện nơi Đức Kitô Đấng đã đến viếng thăm nhân loại lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài đã đến cách lặng lẻ và sống âm thầm giữa mọi người, đã đảm nhận lấy thân phận con người cho đến tột cùng bằng cái chết để rồi Phục Sinh mở ra con đường cứu độ cho những kẻ tin. Và Ngài hứa sẽ đến lần thứ hai vào ngày cánh chung, để đặt mỗi người đối diện với chính Ngài như chuẩn mực phân chia đôi bờ thiện ác, và đặt mỗi người đối diện với chính mình như trách nhiệm cuối cùng đối với ơn cứu rỗi. Ngày đó là ngày thiết lập công bình tuyệt đối, nên: “Thiện ác đối đầu chung hữu báo”.

Lần thứ nhất do hy vọng, Chúa đến gieo mầm cứu rỗi. Lần thứ hai cho hy vọng, Người đến thu hoa lợi từ những gì đã gieo. Tuy nhiên, giữa hai lần đến chính thức ấy thì Đức Kitô vẫn âm thầm đến với chúng ta qua từng biến cố, từng con người, từng hoàn cảnh, từng sự việc... Nhưng bất ngờ lớn nhất giữa những cái bất ngờ vẫn là giờ và cách Chúa đến với mỗi cá nhân trong cảnh tranh sáng tranh tối của cuộc đời. Chúa đến bất ngờ không phải để bắt chợt chúng ta, nhưng muốn thấy được tình yêu của chúng ta đã triển nở và đang sinh hoa kết trái như lòng ước mong.

2. Thiên Chúa – Người Cha luôn hy vọng về con cái

Việc Thiên Chúa hy vọng vào con người được mạc khải rõ nhất qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32). Thiên Chúa qua hình ảnh người Cha chấp nhận cho con mình tự do ra đi, chấp nhận cho con mình từ bỏ mình, để rồi từ đó trông ngóng, chờ mong và hy vọng không ngừng ngày nó trở về… Khi đứa con ngông cuồng dở sống dở chết trở về thì từ ở đàng xa người Cha đã thấy, ông vô cùng vui mừng chạy ra đón con...

Quả thực, Thiên Chúa đã tự xóa mình trước con người. Ngài là Đấng quyền năng vô biên, nhưng cũng là Đấng khiêm hạ vô ngần. Hy vọng có một danh xưng khác là sự khiêm hạ. Jean Tauler cho biết: “Sự khiêm hạ là nhân đức ẩn tàng nơi sự sâu thẳm của Thiên Chúa”.

Mặc dù là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài không muốn chiếm giữ hay chiếm hữu tình yêu của con người nếu họ không muốn. R. Tagore đã nghiệm ra chân lý này, và ông diễn đạt lời của Đấng Toàn Năng như sau: “Ta yêu người và xin người cho lại một tấm tình. Chúng ta khao khát tình yêu, vì cả hai cùng thiếu thốn. Ta là Tạo hóa, có thể tạo ra tất cả, trừ tình yêu tự nguyện, tình yêu tận hiến”.

Đó không phải là điều mà Chúa Giêsu nói lên trên Thập giá sao? “TA KHÁT”. Khát điều gì? Chẳng lẽ Ngài khát một chút nước trước khi chết? Cái khát tận cùng đó không gì khác hơn là khát tình yêu của con người.

Do đâu mà chúng ta có thể nói về niềm hy vọng của Thiên Chúa về con người? Thưa do tình yêu vô hạn của Thiên Chúa là Cha. Trong tiếng Dothái, có hai từ để chỉ tình yêu của Thiên Chúa: Hesed và Rachamim.

- Hesed nói lên một tình yêu có màu sắc nam tính, cho thấy một Thiên Chúa uy dũng và tín thành, là sự bảo đảm cho ta.

- Rachamim được Cựu Ước sử dụng, có nghĩa đen là “lòng dạ người mẹ”, nói lên một tình yêu có màu sắc nữ tính: tình yêu của một người mẹ, không phải vì công trạng nào của con, nhưng chỉ vì nó là con mình (x. Is 49,14-16 ; 63,16 ; Gr 31,20 ; Tv 131). Tình yêu phát xuất từ lòng dạ người mẹ là một tình yêu đầy lòng trắc ẩn (compassion). Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn nên hằng chờ mong và hy vọng nơi con cái mình. Ngài yêu thương như một người mẹ, bằng một tình yêu nhưng không, một tình yêu trung tín dù con người bất tín bất trung.

Dù mọi người đã hoàn toàn thất vọng về ta, và dù chính ta cũng đã thất vọng về mình, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hy vọng vào ta. Chính tình yêu vô biên của Thiên Chúa làm cho Ngài hy vọng về chúng ta, và rồi cũng chính tình yêu đó mà Ngài cho chúng ta hy vọng vào Ngài. Chính vì lạ lùng trước một Thiên Chúa hy vọng về con người, khiến con người hy vọng vào Thiên Chúa.

II. MÙA VỌNG : CON NGƯỜI HY VỌNG VÀO THIÊN CHÚA

1. Tỉnh thức trong hy vọng

Tỉnh thức trong hy vọng là nhận thức rằng đời mình có một Thiên Chúa là Cha yêu thương chí tình, nên đời mình có một vận mệnh tương lai sáng ngời. Nếu dụ ngôn người Cha nhân lành cho thấy Thiên Chúa hy vọng về con người, thì cũng chính dụ ngôn ấy cho thấy con người hy vọng vào Thiên Chúa. Tiếc thay, đứa con quay về trước tiên không phải vì yêu thương Cha nó, mà chỉ vì đói rách, khốn cùng, nhục nhã, tuyệt vọng trước thế thái nhân tình, và nhất là đứng trước một tương lai bế tắc không lối thoát. Dù vậy người Cha vẫn vui mừng khôn tả để đón nhận con mình, vì nó là con, thế thôi.

Ngạo nghễ thay khi đứng trước ngưỡng cửa của văn minh tiến bộ của thế kỷ 19, với nhiều thành tựu khoa học và kỹ thuật lớn lao, người ta đã trương ra khẩu hiệu: “Con người là tương lai của con người’’. Điều này có nghĩa là con người bất cần đến Thiên Chúa, hay chẳng có Thiên Chúa nào khác ngoài chính con người là chủ vận mệnh tương lai của mình. Nhưng tương lai ngay sau đó là gì? Thưa là hai cuộc thế chiến đẩm máu, đem lại tang thương khốn cùng và để lại những hậu quả thảm khốc trên đời sống con người.

Chỉ hy vọng vào con người thôi là sự hão huyền trên mọi hão huyền. Nói như thế không phải ta thất vọng về con người, nhưng phải nhận ra sự giới hạn của khả năng con người và lòng người, để đừng rơi vào ảo tưởng. Chẳng ai và chẳng có cơ cấu hay chế độ nào có thể bảo đảm tương lai cho loài người ngoài một mình Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm của nhân loại trong nhiều sự kiện lịch sử của xã hội cũng như cá nhân. Thánh Kinh cũng cho thấy: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” (Gr 17, 9).

Trong Thánh Kinh, sự kiện sụp đổ tháp Babel cũng chính là biểu tượng sụp đổ niềm hy vọng của con người vào con người mà không cần đến Thiên Chúa. Đó cũng là kinh nghiệm sống chết của người con hoang đàng trước tình cảnh bi đát bị đồng loại bỏ rơi, đến nỗi muốn ăn chút cám heo thừa thãi mà người khác cũng không cho.

Kết cục chỉ có một mình “Thiên Chúa là tương lai của con người”. Theo nghĩa này, đúng là những ai không biết đến Thiên Chúa, cho dù người ấy có bao thứ hy vọng, thì cuối cùng cũng chỉ là vô vọng (x. Eph 2,12). Niềm hy vọng vững vàng, bất chấp mọi thất vọng chỉ có thể là Thiên Chúa – Đấng đã yêu thương chúng ta và yêu thương “đến cùng” (x Ga 13:1; 19, 30). Chỉ tình yêu Ngài mới ban cho chúng ta khả năng kiên vững ngày qua ngày, mà không đánh mất đi nhiệt tình của niềm hy vọng trong một thế giới không hoàn thiện tự bản chất.

Chỉ tình yêu của Thiên Chúa mới bảo đảm cho sự hiện hữu đích thực, là sự sống “viên mãn” mà ta vẫn trông đợi. Dù con đường chúng ta đi hôm nay phải ù qua bao thung lũng âm u, thì vẫn là con đường hy vọng. Niềm hy vọng vào Thiên Chúa cho ta vượt vượt qua mọi biên giới của sự thất vọng.

2. Ba tiêu chí để sống niềm hy vọng

“Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm gọi họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài” (ĐHV 964). Để sống niềm hy vọng vững vàng vào Thiên Chúa, trong Thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđictô đưa ra ba tiêu chí: Cầu nguyện; dám dấn thân và chịu đau khổ; hướng đến cuộc phán xét.

- Cầu nguyện như trường học của niềm hy vọng. Con người đã được dựng nên cho Thiên Chúa, nhưng tâm hồn con người lại quá hẹp hòi, nhỏ bé để đón nhận Ngài. Vì thế, cầu nguyện là tập mở rộng lòng mình ra với Thiên Chúa, và nhờ đó cũng mở rộng lòng ra với đồng loại. Nhờ cầu nguyện, ta biết thanh luyện ước muốn và hy vọng của mình. Cầu nguyện làm thức tỉnh lương tâm ta, cho ta khả năng xóa mờ cái “tôi” ảo tưởng của mình, để có thể lắng nghe chính Chúa và vững tâm hy vọng vào Ngài.

- Đau khổ như những môi trường học hỏi hy vọng. Thánh Phêrô đã nói với chúng ta: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4, 13). Nhờ kết hợp với Đức Kitô trong đau khổ mà ta được tinh luyện để sống đức tin trưởng thành hơn, góp phần làm cho thế giới này được tươi sáng và nhân bản hơn. Đau khổ vì lòng yêu mến đem lại cho ta niềm hy vọng mạnh mẽ hơn.

- Hướng đến cuộc phán xét như phương cách sống hy vọng. Từ thời xa xưa, viễn ảnh cuộc phán xét đã ảnh hưởng đến các Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày. Họ coi cuộc phán xét như là tiêu chuẩn để tổ chức lại đời sống hiện tại của mình; như một sự mời gọi hoán cải tâm hồn; và như niềm hy vọng vào sự công bình của Thiên Chúa.

Như vậy hy vọng vào Thiên Chúa là cách sống rất hiện sinh và cụ thể để làm đẹp cuộc sống mỗi người hôm nay.

3. Mẹ Maria - Ngôi sao hy vọng

Bằng một thánh thi được viết vào khoảng Thế kỷ IX, Giáo Hội đã chào mừng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa như “Ngôi sao biển”: Ave maris stella.

Cuộc đời như hành trình trên đại dương lịch sử, lắm khi u tối và đầy bão táp, cần có những ngôi sao đích thực dẫn đường cho cuộc đời ta. Chắc hẳn Đức Kitô là ánh sáng chính danh, là mặt trời chính ngọ bừng sáng trên mọi bóng tối của lịch sử. Nhưng để đi tới Ngài, chúng ta cần đến những điểm sáng gần gũi, là những người đang phản ảnh ánh sáng của Đức Kitô, để giúp ta dễ định hướng cho lộ trình của mình. Vậy ai có thể hơn Đức Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta.

Đức Maria là con người tuyệt vời, vì đã sống niềm hy vọng tuyệt hảo. Mẹ tuyệt trần vì đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa tuyệt đối. Mẹ tuyệt mỹ vì đã được cưu mang và sinh hạ Đấng là niềm hy vọng tuyệt luân của Israel và nhân loại.

Đẹp thay hình ảnh một Từ Mẫu đã vững vàng đứng dưới chân thập giá của con mình, và đã trở thành Mẹ của những kẻ tin. Lưỡi gươm đâm thâu qua trái tim Chúa Giêsu cũng là đâm thâu qua lòng Mẹ để niềm hy vọng cứu độ lan tràn tới mọi tâm hồn. Niềm hy vọng đó đã đạt tới đích điểm là niềm vui Phục Sinh của ngày thứ nhất trong tuần, để Mẹ thành Mẹ Thiên Chúa.

Đức Maria quả thật là Ngôi sao hy vọng, là Mẹ của hy vọng, là mẫu mực của chúng ta, những người gieo hy vọng vào đời sống nhân loại.

III. SỐNG MÙA VỌNG, CHÚNG TA TRỞ NÊN NHỮNG NGƯỜI GIEO HY VỌNG

Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận đã xác định như sau: “Người Kitô hữu là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát, và là một hy vọng giữa một nhân loại thất vọng”. (954). Chắc chắn câu này ngài họa lại lời Chúa Giêsu: “Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5, 13). “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14).

Thánh Phaolô cũng đã kêu gọi: “Giữa một thế hệ gian tà và sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2, 15). Bởi vậy, “Không thể quan niệm được một Kitô hữu mà không say mê đem niềm hy vọng ngập tràn thế giới.” (ĐHV 972).

Chị Chiara Lubich với kinh nghiệm nội tâm, cũng nói với chúng ta rằng: “Với hy vọng, các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc, và các bạn sẽ làm cho mọi người hạnh phúc”. Nên nhớ đây là kinh nghiệm sống niềm hy vọng và rắc gieo niềm hy vọng, chứ không phải là hiểu biết suông về niềm hy vọng. Chúng ta có thể hiểu biết rất nhiều khi nói về niềm hy vọng, nhưng hiểu biết đó sẽ trở thành hư không, nếu nó không được kinh nghiệm, cảm nghiệm, chứng nghiệm, để trở thành sức sống cho tâm hồn mình và cho mọi người chung quanh.

Gieo hy vọng không chỉ là gieo tư tưởng hay ý thức cho người khác, mà chính yếu là gieo hạt mầm sự sống cho một tâm hồn, nên đòi hỏi hy sinh, quên mình. Câu chuyện ngắn sau đây của O Henry cho ta thấy được tâm tình cao thượng và hy sinh cao cả của người gieo niềm hy vọng:

Có một nữ bệnh nhân chỉ còn biết đếm ngày sống thoi thóp của mình bằng những chiếc lá rụng dần từ một cành cây nhìn thấy qua khung cửa sổ. Đến khi trên cành chỉ còn chiếc lá duy nhất, thì cô nói với người thân rằng: “Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng không còn nữa, em sẽ chết”. Niềm hy vọng của cô gái đang tắt dần, chỉ còn lại những giây phút tuyệt vọng. Ở phòng trọ bên dưới có một họa sĩ tình cờ nghe được. Thế là nữa đêm, giữa trời tuyết lạnh, người họa sĩ bắc thang leo lên vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây khô khi chiếc lá thật đã rụng xuống. Sáng hôm sau, người bệnh thức giấc, vội nhìn ra ngoài, thấy chiếc lá vàng vẫn còn đó. Thế là cô an tâm và bảo: “Em vẫn còn có thể sống thêm ngày nữa”.

Chiếc lá vàng được vẽ đã cứu mạng sống người con gái đang thoi thóp chờ chết. Không biết cô còn sống thêm được bao lâu, nhưng cô có ngờ đâu mạng sống của cô đã được đánh đổi bằng mạng sống của người họa sĩ, vì anh ta đã bị lạnh cóng giữa trời đêm băng giá, và đã âm thầm từ giã cõi đời.

Kitô hữu không phải là người vẽ lên cho đời chiếc lá hy vọng sao? Vì chúng ta là hiện thân của Đấng là niềm hy vọng cho sự sống bất diệt của nhân loại. Do đó, người gieo hy vọng không thể mang tính cách nào khác ngoài tính cách của Đức Kitô: là con người dấn thân phục vụ và hy sinh chính mình vì tha nhân.

Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, chúng ta hãy làm sáng lên niềm hy vọng cho thế giới hôm nay, một thế giới còn đang bị bao phủ bởi bóng đêm sự chết.

Kìa! Đức Kitô đang đến, hãy ra đón Người. (x. Mt 25, 6)
by Lm. Thái Nguyên

Vọng mùa hồng ân

Đăng bởi

Lịch phụng vụ một lần nữa dẫn đưa chúng ta trở lại cuộc hành trình vào thuở ban đầu, khi mà mọi người đang mong chờ Vị Cứu Tinh. Hành trình bắt đầu đồng nghĩa với hành trình nhìn lại chính mình. Lắm khi ta tự hỏi sao cứ phải bắt đầu khi mà ta đã đi quá xa so với điểm bắt đầu ấy? Phải, vì ta đã đi quá xa nên bây giờ cần nhìn lại và trở về để tìm lại đường hướng thuở ban đầu và để biết ta đang đi đúng hay sai. Thành thử ra, có thể nói rằng mùa vọng là mùa của hồng ân.

Bất cứ ai biết nhìn lại mình thì sẽ cảm được mùa hồng ân này. Nhìn lại để thấy mình rõ hơn. Nhìn lại để biết mình đang ở đâu trong cuộc đời này. Nhìn lại để xem thử cuộc sống của mình có thật sự khao khát Chúa không? Nhìn lại để thấy cuộc đời mình cần Vị Vua Cứu Thế đến cỡ nào. Quả thật, cuộc đời ta tựa hồ như con thuyền trôi nỗi trên đại dương trần thế. Lắm khi nó đi ngang qua vùng trời bình yên của đại dương. Nhưng cũng lắm khi con thuyền ấy bị bão táp, phong ba… Sau mỗi lần như thế, con thuyền hư hao, cần được sửa chữa để tiếp tục hành trình cuộc đời. Vì thế, mùa vọng mời gọi con thuyền đời ta nên nghỉ ngơi và tự duyệt xét lại chính mình và thấy được những sai sót, những lỗ hổng của con thuyền nhằm có đủ sức bước đi trong một năm Phụng Vụ mới.

Mùa hồng ân càng có ý nghĩa khi ta không chỉ biết nhìn lại mà còn hành động. Biết được những chỗ hư hao của con thuyền là một chuyện, nhưng ta có muốn sửa nó không lại là chuyện khác. Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta hãy sửa lối cho thẳng để Người đi (Mt 3,3). “Sửa lối” là động từ diễn tả hành động, nghĩa là không phải chỉ ngồi đó tự đấm ngực, khóc lóc, kêu than, mà hãy tự đứng dậy, đảm đương những sai sót của mình và khắc phục nó. Thuyền đời của mỗi người cần được sửa chữa cụ thể, rõ ràng thì mới có thể có đủ nghị lực, lòng can đảm và sẵn sàng đối mặt với bão táp ở tương lai.

Mùa hồng ân còn mời gọi mọi người hãy để Chúa làm trung tâm đời mình. Tư thế của một người mong chờ Chúa đến là tư thế của hy vọng, của sự giải thoát. Người sống trong niềm mong chờ luôn khắc khoải mau đến thời điểm mong chờ. Lúc đó, mọi mong chờ sẽ vỡ òa trong cõi lòng sâu thẳm nơi lòng người hy vọng. Thế nên, người chờ mong Chúa đến cũng luôn sống trong niềm hy vọng ấy và trong bất cứ mọi hành động của đời thường đều hướng về Chúa.

Xin hãy để Vị Cứu Tinh làm cầu nối giữa ta với Chúa Cha trong những giờ phút nhìn lại mình. Xin hãy để Đấng Thiên Sai dẫn ta đến hành động đích thực trong việc sửa sai. Xin hãy mang Chúa về lại trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Quốc Đạt, S.J.

 

SỰ BẤT TÍN CỦA CON NGƯỜI

Các bạn trẻ thân mến,

Người ta thường thích kể về quá khứ của mình với những chiến tích lẫy lừng và vang danh hơn là những thất bại hay vết xấu. Và nếu có lưu lại sử thế, hẳn là ai cũng chọn cho mình những điều tuyệt vời để kể. Ta lại thấy điều ngược lại nơi dân Do Thái năm xưa. Toàn bộ cuộc hành trình của họ trong đất hứa chỉ là tập họp của những lần bội nghĩa và bất tín với Thiên Chúa. Dường như lịch sử ấy đại diện cho toàn bộ lịch sử của mỗi người chúng ta. Hai hành trình luôn đi song song nhau, một bên là lòng trung tín của Thiên Chúa, còn bên kia là vô số những lần bội phản với vong ân.

Nghe tiếng kêu than ai oán của dân Do Thái nơi vùng đất Ai Cập, Thiên Chúa nhớ lại lời hứa với Apraham. Chạnh lòng thương, Ngài đã sai Môsê đến gặp vua Pharaô để xin vua để dân Do Thái được rời Ai Cập mà trở về với vùng đất quê hương của mình. Trước sự cương quyết của Pharaô, Thiên Chúa đã phải thực hiện nhiều dấu lạ qua tay Môsê. Cuộc giải cứu ngoạn mục nhất có lẽ là việc Thiên Chúa đã rẽ nước đại dương ra làm đôi, khiến toàn thể dân chúng đi qua và dìm chết vô số chiến binh chiến mã hùng mạnh của Pharao. Chứng kiến cảnh tượng uy hùng đó, không ai lại không thán phục trước quyền năng to lớn của Thiên Chúa. Tại Núi Xi Nai, họ đã đồng lòng kí kết một giao ước với Thiên Chúa, hứa rằng trọn đời trọn kiếp chỉ thờ phượng một mình Chúa mà thôi. Nhưng khi máu tế chưa kịp khô, họ đã quay sang sùng bái bò vàng, một hình tượng vô tri, vô giác.

Ngày còn ở Ai Cập, họ sống một kiếp thân nô lệ. Sống không bằng chết! Họ một mực kêu than đến Chúa, xin Chúa đến giải phóng họ. Lúc đó, họ chỉ mong ước một điều là nhanh chóng được rời khỏi mảnh đất tai họa này để trở về vùng quê yên ấm của họ. Ngày Thiên Chúa đến giải thoát, họ như được hồi sinh. Ai cũng hừng hực sức sống, hăng hái lên đường. Vậy mà khi được dẫn đi trong sa mạc, chịu một chút đói chút khát, họ đã ta thán đủ điều. Họ trách Chúa sao để họ phải vất vả lầm than. Thấy thế, Chúa cho trời mưa xuống manna làm lương thực. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, họ lại tiếp tục đòi hỏi. Chúa lại chiều chuộng họ khi ban chim trời làm của ăn. Chẳng mấy chốc, họ ta than vãn. Họ còn lớn tiếng trách cứ Môsê rằng tại sao không để họ chết ở Ai Cập, lại kéo họ vào đây, nơi sa mạc khô cằn này để chịu biết bao cay đắng. Dường như giao ước tại Xi Nai năm xưa chỉ một mình Thiên Chúa thực thi. Lòng trung nghĩa của Thiên Chúa đã được đền đáp bằng hàng loạt những thất tín và vô ơn của dân Ngài.

Các bạn trẻ thân mến,

Hình ảnh dân Do Thái năm xưa có lẽ cũng phản ánh phần nào hình ảnh của chúng ta ngày nay. Nhận lãnh từ Thiên Chúa biết bao nhiêu hồng ân, nhưng chưa bao giờ ta một lòng một dạ thờ phượng Người. Thiên Chúa đã cho chúng ta hiện hữu trong tư cách một con người, đã mời gọi chúng ta vào trong gia đình Hội Thánh của Người, ban cho chúng ta biết bao ơn lành hồn xác qua các bí tích, đã cứu chúng ta khỏi biết bao tai ương rình rập trên đường. Vậy mà có bao giờ ta thành tâm nhìn nhận Chúa là Chúa tể của cuộc đời ta chưa? Ta đi lễ, ta đọc kinh, ấy là vì ta yêu Chúa và muốn bày tỏ tình cảm ta dành cho Chúa với trọn con tim, hay chỉ vì ta thấy đó là những bổn phận bắt buộc? Ta thực hành những điều ấy vì được lòng yêu mến thúc đẩy, hay vì ta lo sợ sẽ bị Chúa phạt? Những khi ta lâm vào cảnh khó khăn, ta chạy đến với Chúa, xin Ngài ra tay chở che nâng đỡ. Đến khi mọi chuyện qua đi, ta sống một lối sống như thể không biết Ngài. Đối với ta, Chúa không còn là Chúa của ta, nhưng chỉ là một vị thần có nhiệm vụ phải đáp ứng tất cả những đòi hỏi của ta. Đối với ta, Chúa chỉ là Chúa khi ngài thỏa mãn những nguyện vọng của ta. Mỗi lần phạm tội, ta thấy bất an. Khi đã được thứ tha, ta sốt sắng hứa với Chúa đủ điều, hứa sẽ cải thiện đời sống, sẽ dốc lòng ăn năn, hứa sẽ sống bác ái hơn, yêu người hơn. Nhưng khi thời gian trôi qua, ta thậm chí không còn nhớ là đã nói gì với Chúa. Ta và dân Do Thái xưa, tuy cách xa nhau ngàn vạn năm, nhưng sao giống nhau quá.

Đến muôn đời, Chúa vẫn luôn là một Thiên Chúa của tình yêu và trung tín. Dù ta có đối xử với Ngài thế nào, Ngài vẫn cho mặt trời mọc lên ban ánh sáng cho ta, vẫn cho mưa rơi thấm đất, cho cây cối mọc lên, trổ sinh hoa trái cho chúng ta hưởng dùng. Có bao giờ các bạn thấy hỗ thẹn vì sự bất tín và bội nghĩa của mình không? Có bao giờ các bạn nghĩ đến những hy sinh mà Người phải chịu khi lúc nào cũng yêu thương ta, còn ta lúc nào cũng hứa rồi lãng quên không?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 


dongcongnet 1-12-2012

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)