Tháng Cầu Cho Các Linh Hồn

Bài 69 suy tư

THÁNG CÁC LINH HỒN


 



THÁNG CÁC LINH HỒN BY LM. ANPHONG TRẦN ĐỨC PHƯƠNG 2014

Trong tháng 11, tháng cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta nhớ đến những người đã ra đi trước chúng ta. Trong số đó, có những vị đã được thưởng công trên nước trời, đó là các vị “đã nên thánh”, mà chúng ta kính chung vào ngày Lễ CÁC THÁNH (01/11); có những người còn đang được thanh tẩy trong Luyện ngục mà chúng ta cầu nguyện chung cho họ vào ngày Lễ CÁC LINH HỒN (02/11). Tháng 11 cũng thường được gọi là THÁNG CÁC LINH HỒN và là tháng để chúng ta cầu nguyện nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục. Tất nhiên không phải chúng ta chỉ cầu cho các linh hồn quá cố vào tháng 11; nhưng chúng ta vẫn nhớ đến các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bà con thân thuộc, các linh hồn ‘mồ côi’ trong các Thánh Lễ và kinh nguyện hằng ngày; đặc biệt trong các Ngày Giỗ, ngày các vị đã ra đi khỏi cuộc đời này.

Tháng 11, tháng cuối cùng của Niên Lịch Phụng Vụ, cũng là tháng để chúng ta nhớ đến giờ phút chúng ta sẽ ra khỏi cuộc đời này mà không ai trong chúng ta biết được lúc nào và cách nào. Điều đó không làm cho chúng ta bi quan về cuộc sống. Trái lại trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh và lên trời vinh hiển để mở đường ‘về trời’ cho chúng ta, chúng ta vẫn luôn vui sống cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta cần luôn sống sẵn sàng đón chờ Chúa đến với chúng ta bất cứ lúc nào (theo tinh thần bài Dụ ngôn “Mười Trinh Nữ” trong Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXXII (Năm A). Trong khi chờ đợi, chúng ta cần dùng thời giờ và những gì Chúa ban, tùy theo hoàn cảnh mỗi người, để ‘sinh lời’ là các ‘việc lành phúc đức’ (Theo tinh thần Dụ ngôn “Những Nén Bạc” trong Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII (năm A). Những điều chúng ta cần phải làm hơn cả, đó là giúp đỡ những người nghèo khó, không cơm ăn áo mặc, và những nạn nhân do thiên tai, chiến tranh, khủng bố, và bịnh nhân…(Đó là tinh thần Dụ Ngôn “Cuộc Phán Xét Cuối Cùng” của Bài Tin Mừng Chúa Nhật cuối cùng trong Năm Phụng Vụ, Lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ (Năm A):

“Khi Ta đói các con đã cho Ta ăn,
“ khi Ta khát các con đã cho ta uống,
“ khi Ta bịnh hoạn, các con đã đến viếng thăm…
“ Vì khi các con làm như thế cho những người nghèo khó nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta đó…( Xin đọc Mát-Thêu 25,31-46).

Vậy chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau , để bao lâu chúng ta còn sống trong cuộc đời này , chúng ta luôn biết sống “khôn ngoan như Năm Cô Trinh Nữ Khôn Ngoan chờ Chàng Rể đến…”

 

MẤT HẾT CẢ ĐỜI NGƯỜI
- sưu tầm 11-2013  
 

Chiều hôm ấy, một nhà bác học đứng trên bãi biển thấy nước phẳng lặng, trời trong veo, ông liền gọi một ngư phủ lấy thuyền chèo đưa ông ra khơi.  Hai người cùng trò chuyện: Nhà bác học hỏi người chèo thuyền có biết đọc không?   Người chèo thuyền trả lời: “Không”. 

Nhà bác học nói: “Vậy thì anh mất hết nửa đời người rồi, uổng quá!  Vì biết đọc sách, người ta sẽ tiếp thu được biết bao điều hay, học thêm được bao nhiêu điều mới lạ”. 

Rồi ông bắt đầu kể cho người ngư phủ: nào là lòng sâu của biển cả, nào là tuổi đời cũng như độ bơi của bao nhiêu loài cá.  Người ngư phủ thích thú lắng tai nghe.  Nhưng kìa, trên vòm trời xanh thấy điểm nhiều mây đen từ đâu bay đến, rồi từng cơn gió mạnh quấy động mặt nước, biển nổi sóng.  Gió càng thổi mạnh, mây càng hạ thấp.  Người ngư phủ đâm ra lo sợ và báo cho nhà bác học hay một cơn giông tố sắp xảy đến.  Nói chưa dứt thì một làn sóng mạnh đã lật úp chiếc thuyền nan của hai người. Người ngư phủ lớn tiếng hỏi nhà bác học: 

- “Thưa ông, ông có biết bơi không?” - “Tôi không biết bơi”, nhà bác học trả lời.

- “Thưa ông, thế thì ông mất hết cả đời người rồi!”

Người ngư phủ lại hỏi thêm:

- “Thưa ông, ông có tin đời sau không?”

Nhà bác học vừa lặn hụp chống chọi dưới làn sóng vừa trả lời:

- “Đời sau là cái gì.  Im đi!  Để ta chết!” 

Nhưng người ngư phủ lại nói thêm: “Thưa ông, thế thì ông chẳng những mất cả đời nầy mà còn mất cả đời sau nữa.  Thật vô phúc cho ông!” Một cơn sóng lớn đã cuốn hút nhà bác học vào lòng sâu biển cả. 

************************************************

Thưa anh chị em,

Đời như ví như cuộc vượt biển trùng khơi: có khi phẳng lặng, có khi đầy sóng gió.  Trong cuộc đời ấy, có người tin rằng: sau cuộc đời dương thế còn có cuộc đời mai sau.  Nhà bác học trong câu chuyện trên đây cũng như những người theo phái Sađốc trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho hạng người không tin có cuộc sống đời sau.  Còn người ngư phủ đại diện cho hạng người tin có cuộc sống bên kia cái chết, trong đó có chúng ta. 

Chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.  Đó là tột đỉnh của niềm hy vọng mà Chúa Kitô đem lại cho chúng ta.  Vì nếu không có sự sống lại và cuộc sống đời sau thì tất cả đời người đều vô nghĩa. 

Hầu hết các tôn giáo đều nghĩ rằng: chết chưa phải là hết.  Con người sau khi chết sẽ được đưa sang một thế giới khác, hoặc được dẫn đến một nơi khác để tiếp tục sống.  Nhưng đời sau, đối với họ, là đêm tối, buồn thảm và không có gì hấp dẫn cả.  Lý do là vì đó là thế giới của sự chết, của âm phủ. 

Các tôn giáo khác có thể tin có sự sống đời sau, nhưng không có tôn giáo nào nói đến sự phục sinh của người chết như Kitô giáo.  Ngay cả Do Thái giáo, niềm tin vào sự phục sinh của người chết cũng không dứt khoát rõ ràng.  Bài đọc I hôm nay trích sách Maccabêô đã nói lên niềm tin nầy: Anh em Maccabêô đã thưa với nhà vua đang định giết hại họ: “Vua chỉ cất mạng sống chúng tôi ở đời nầy, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi là những kẻ đã chết vì lề luật của Ngài, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.  Vào thời Chúa Giêsu, người Biệt phái cũng tin như vậy.  Nhưng những người thuộc phái Sađốc lại không tin có sự sống lại.  Chẳng những không tin mà họ còn chế nhạo những ai tin thân xác con người ngày sau sẽ sống lại.  Vì vậy, hôm nay họ kéo đến chất vấn Chúa Giêsu để “chọc quê” Ngài.  Vì nếu có sự sống lại của kẻ chết thì sau này một người đàn bà đã lần lượt lấy bảy anh em làm chồng theo luật pháp, sẽ là vợ của ai?  Chúa Giêsu đã giải đáp bằng cách cho họ biết rằng cuộc sống sau phục sinh không phải là một sự tái diễn của cuộc sống trên trần gian.  Thân xác phục sinh sẽ là một thân xác được biến đổi, không còn đau ốm bệnh tật, không còn già cả và chết chóc nữa. Những người phục sinh sẽ giống như các thiên thần, không còn cần phải cưới vợ lấy chồng để có con cái nối dõi tông đường nữa. 

Chúa Giêsu còn dựa vào Ngũ Thư để chứng minh rằng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là Chúa của kẻ sống.  Nếu Thiên Chúa đã là Thiên Chúa của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop thì các Tổ phục là những người đang sống với Chúa, đang có sự sống lại.  Ở đây, Chúa Giêsu đã không tả rõ sự sống lại như thế nào.  Điều ngài muốn khẳng định ở đây, đó là “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống”.  Và trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu qua những lời giảng dạy và nhất là qua thái độ của Ngài, Chúa Giêsu đã muốn cho người ta hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng ban sự sống, Đấng làm cho sống.  Và ngay cả những người tội lỗi, Ngài cũng không muốn họ phải hư mất, trái lại, muốn họ hối cải để được sống và sống một cách dồi dào.  Những phép lạ chữa bệnh hay làm cho kẻ chết sống lại của Chúa Giêsu là những dấu chỉ về một Thiên Chúa yêu chuộng sự sống.  Và khi Chúa Giêsu đón nhận cái chết trên thập giá, đó cũng là để toàn thắng cái chết, và để trả lại cho loài người sự sống đời đời.  Chỉ có căn cứ vào những gì chúng ta biết về Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta mới thấy rõ về cuộc sống của chúng ta sau khi chết.  Chúng ta sẽ được sống lại với Ngài. 

Chính vì Chúa Kitô đã sống lại mà chúng ta xác tín vào sự phục sinh của những người đã chết. “Thiên Chúa của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop là Thiên Chúa của kẻ sống”.  Những người mà chúng ta gọi là đã chết là những người đang sống và sẽ sống đời đời với Thiên Chúa hằng sống.  Chối bỏ sự sống lại của những người đã chết là chối bỏ Thiên Chúa hằng sống và chân thật. 

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống.  Một lời đầy an ủi cho tất cả chúng ta.  Đừng thất vọng trước cái chết của một người Kitô hữu, của những người thân yêu chúng ta.  Sự chia ly chỉ có trong một thời gian và tất cả sẽ gặp lại nhau.  Lúc đó, chúng ta sẽ thấy một tình trạng mới của những người con Chúa là được giống như các thiên thần và nhất là nên giống Chúa Kitô trong vinh quang phục sinh. 

Còn sống trên trần gian, chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa hằng sống.  Ngài luôn yêu thương chúng ta và muốn cho tất cả chúng ta, ngày sau sẽ được sống với Ngài mãi mãi.  Ngay bây giờ, hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng một đời sống tốt đẹp hơn, tin tưởng và hy vọng vào Đấng sẽ phục sinh chúng ta trong cuộc sống hạnh phúc đời đời.

“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.”  Amen!

 Sưu tầm October 28, 2020

 

GIÁO HỘI THANH LUYỆN
by P. Trần Đình Phan Tiến
2013

 “Yêu mến người chết”, đó là thực thi bác ái, giáo hội đã định hướng như vậy cho con cái mình.

Tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời: “Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo.  Hội thánh lữ hành đã hết lòng kình nhớ, dâng lời cầu cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh (2Mcb 12,45).  Chúng ta hãy dâng thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.”

Vâng! đó là lời của giáo hội, đã nhắc nhở con cái mình, thực thi đức bác ái với người đã chết, “yêu người chết”.  Xin trích dẫn lời của giáo hội để xác tín điều thiêng liêng đối với người đã khuất, dù người thân ruột thịt, hay người chưa từng quen biết.  Lời cầu nguyện của người còn sống rất cần thiết cho họ.  Tôi cầu nguyện, xin lễ cho ông bà, cha mẹ tôi, người thân, ân nhân, bạn hữu của tôi thì không sai.  Nhưng còn những người khác thì sao có thể là những người tôi chưa từng thấy, chưa từng gặp, hoặc đã gặp, nhưng chưa quen.  Tất cả và tất cả, họ là những người đã từng hiện diện trên cõi đời nầy, mà nay đã khuất.  Tôi phải có bổn phận cầu nguyện cho họ.

Đức ái Kitô giáo, trổi vượt hơn chính là ở điểm nầy.  Vì không phải chết là hết, cũng có nghĩa là hết, hết còn trong thân xác, nhưng tín lý dạy rằng, con người được Thiên Chúa dựng nên là bất tử, cả hồn và xác, cũng chính vì điều nầy mà Thiên Chúa đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại.

Có nghĩa là thân xác con người là dấu chỉ hy vọng bởi linh hồn bất tử, siêu linh và huyền nhiệm bởi được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng siêu nhiên và toàn năng, là nguồn sống cho loài thụ tạo.  Vì vậy, linh hồn cũng như thân xác của con người không thể chết được, chỉ qua một gian đoạn phải nghỉ ngơi, bởi sự hữu hạn của nó.

Tín lý của niềm tin Kitô giáo hệ tại điểm nầy, vì qua Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, con người không thể chết, nhưng họ cần được nâng đỡ.  Bởi tính xác thịt nặng trĩu và tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự chưa đủ trưởng thành trong họ, vì vậy cho nên họ chưa nên trọn hảo trước Thánh Nhan Thiên Chúa.

Tình yêu của Thiên Chúa không gì có thể so sánh được, đứng trên tội lỗi của con người, nhưng sự thanh luyện là cần thiết, vì sự thanh luyện chính là tình yêu của Thiên Chúa.  Tình yêu đòi buộc sự công bằng, sự thanh khiết, sự liêm chính.  Như vậy, lửa thanh luyện là một phương tiện của tình yêu. Vì bản chất sinh ra bởi tội, lại được cứu độ bằng Máu, được thanh tẩy bởi Nước, Máu, Tình yêu, nhưng con người vẫn chưa trở nên hoàn thiện, thì giờ đây con người phải được luyện bằng lửa.  Lửa tình yêu là phương tiện cuối cùng dành cho con người sau khi lìa đời.

Thánh là tất cả những con người đang hưởng Nhan Thánh Thiên Chúa trên Nước Trời, nhưng những linh hồn nơi luyện ngục cũng là những linh hồn được cứu rỗi, đang chờ ngày nên thánh, vì mỗi linh hồn nơi luyện tội được siêu thoát về Trời có nghĩa là ngày họ được nên thánh.  Tuy nhiên, họ chưa đủ sức nên thánh, vì vậy sự lập công của người còn sống trên trần gian, gọi là giáo hội lập công sẽ tiếp sức với họ, giúp vào việc nên thánh của họ, để khi họ được nên thánh, là khi họ được vào Thiên Quốc, họ sẽ là những vị thánh của Thiên Chúa, lúc bấy giờ tình yêu của Thiên Chúa sẽ lan tỏa trên linh hồn họ,và lời cầu bàu của họ sẽ sáng giá như những vị thánh hiện thời, mà chúng ta tôn kính.

Như vậy, lửa luyện tội không phải là hình thức trừng phạt, khác với lửa hỏa ngục, lửa luyện tội là nơi tạo cơ hội cuối cùng cho những người không còn cơ hội lập công, nhưng nhờ vào các Thánh trên Thiên Đàng, các người lành dưới thế cầu bàu cùng Thiên Chúa là Cha Nhân lành, để nhờ tình yêu liên kết, của Thiên Chúa, của các thánh, của nhân thế, mà họ sớm được giảm sự thanh luyện, để hưởng Thánh Nhan muôn đời.

Sự đau khổ của các đẳng linh hồn nơi luyện hình không hẳn nhiên là sức thiêu đốt của lửa, mà là sự chưa được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa.  Sự xa cách tình yêu của Thiên Chúa, họ không được sống trong ân sủng như người trên trần gian, vì vậy, chúng ta phải hy sinh nhiều lần có thể, để cầu nguyện cho họ.  Họ không được rước Chúa, không được nhận lãnh những ân phúc như người trần gian hằng ngày, vì vậy gọi là giáo hội đau khổ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để cứu chuộc những người tội lỗi, và ban cho họ nhiều cơ hội lập công, nhưng họ vẫn không ý thức, và còn thờ ơ.  Vì vậy khi họ được gọi về, thì họ chưa đầy đủ, nên họ phải chịu sự thanh luyện, đó cũng là một phương tiện của tình yêu, tuy không được chủ động.  Nhưng nhờ lời bầu cử của các thánh trên Trời, và các người lành dưới thế, xin Chúa thương xót họ bằng tình thương mà Chúa đã ban cho họ là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa, để họ được sớm giải thoát. Amen!

P. Trần Đình Phan Tiến Nov. 7, 2013

 

Tháng đại xá

Tháng Mười Một huyền ảo trong làn khói tỏa nghi ngút từ những nén nhang tại các gia đình, trong các nhà thờ và ở các nghĩa địa, cùng với những ánh sáng lung linh từ những ngọn đèn, cây nến,... Đó là biểu hiện bề ngoài mang đậm dấu ấn tâm tình lồng trong từng thánh lễ, lời kinh nguyện, việc bác ái, sự hy sinh,… của những lữ-khách-trần-gian thành kính dâng lên Thiên Chúa để xin đại xá cho các đẳng linh hồn.

Nét đạo đức và vẻ thánh thiện ấy đẹp biết bao, chắc chắn Thiên Chúa rất vui lòng mà phóng thích các linh hồn thoát khỏi chốn cực hình khốn khổ!

Tháng Mười Một là Tháng Đại Xá, vì có biết bao ơn đại xá được thực hiện dành cho các linh hồn. Tháng Mười Một cũng là Tháng Bổn Phận, Tháng Yêu Thương, Tháng Đền Ơn Đáp Nghĩa, vì những người còn lưu ký trần gian có dịp đền đáp công ơn của các vị tiền nhân – tổ tiên, ông bà, cha mẹ,…

Tháng Mười Một nhắc nhở mỗi người chúng ta đều phải “uống nước nhớ nguồn” và “ăn cây nào rào cây nấy”, không chỉ cố gắng sống Hiếu Thảo trong cuộc sống đời thường mà còn cả trong đời sống tâm linh.

Tháng Mười Một đẹp thật! Đẹp vì bao hồng ân và ơn nghĩa hòa quyện thành khối yêu thương kính dâng Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Tháng Mười Một còn đẹp vì trời đất đang mùa Thu, thiên nhiên biến đổi, không khí chuyển lạnh, cây cối thay lá,… Ở các nước Tây phương có những loại lá với nhiều sắc màu, rực rỡ như hoa, thế nên người ta gọi lá chính là “hoa của mùa Thu”. Tháng Mười Một nở rộ Hoa Linh Hồn, những Tân Thánh Nhân được nhập đoàn Chư Thánh nơi Thiên Quốc.

Tháng Mười Một là lúc bước gần cuối năm, một năm kết thúc gợi nhớ thời điểm chấm dứt đời người. Những chiếc lá vàng úa gợi nhớ sự từ giã trần gian, người này chia tay những người khác để bước vào cõi vĩnh hằng.

2 Mcb 12:43-46 cho biết: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi”. Chúng ta vẫn luôn tin rằng “xác người ta sẽ sống lại”, và khi linh hồn ra khỏi luyện ngục thì sẽ được vào Thiên quốc, thế nên chúng ta tích cực và chân thành cầu xin Thiên Chúa tha hình phạt cho các linh hồn nơi luyện ngục. Và rồi chính những linh hồn đó sẽ cầu bầu cho chúng ta.

Không chỉ từ ngày 1 tới ngày 8 tháng Tháng Mười Một, mà là cả Tháng Mười Một, thậm chí là hàng ngày trong suốt năm, chúng ta vẫn có thể lãnh ân xá và làm các việc lành để nhường cho các linh hồn. Dù một việc rất nhỏ, và dù chỉ là việc cá nhân, nhưng chúng ta làm vì yêu mến Chúa và cứu các linh hồn, thì việc nhỏ đó vẫn được Thiên Chúa coi là công phúc, độc đáo là người này có thể làm việc lành thay cho người khác. Thiên Chúa quá đỗi “hào phóng” với chúng ta.

Trong Chuỗi Mân Côi, sau mỗi chục, chúng ta cũng vẫn cầu xin Lòng Chúa Thương Xót: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn. Lời cầu nguyện chứa chan yêu thương, thật đẹp biết bao!

Ngày đầu Tháng Mười Một là ngày kính mừng các-thánh-hiển-vinh, ngày thứ nhì tưởng nhớ các-thánh-tương-lai, công việc tốt lành đó được thực hiện bởi các-thánh-đang-chiến-đấu-trên-đường-lữ-hành-trần-gian, tức là chính chúng ta, cũng là các-thánh-tương-lai. Mọi người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy đều là thánh, vì thế mà gọi là Hội Thánh. Hội Thánh ấy do Chúa Giêsu thiết lập, gồm ba thành phần: Hội Thánh vinh hiển, Hội Thánh đau khổ, và Hội Thánh chiến đấu hoặc lữ hành. Đó là mầu nhiệm “các thánh cùng thông công”. Một chuỗi liên đới yêu thương. Tuyệt vời lắm!

Thánh Phaolô nói: “Chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6:5). Ai cũng phải nên thánh, vì Chúa Giêsu muốn như vậy. Không thể không nên thánh, dù chỉ là thánh vô danh, là thánh nhỏ nhất trên Thiên Quốc!

Muốn làm thánh thì phải tin Đức Kitô là Thiên Chúa làm người cứu độ chúng ta và phải thật lòng ăn năn sám hối. Ăn năn có hai dạng: Ăn năn tội cách trọn và ăn năn tội cách chẳng trọn.

Ăn năn tội cách trọn là dạng tích cực, dạng “cao cấp”, là vị tha. Tội nhân ăn năn tội cách trọn là ăn năn vì yêu mến Chúa, vì cảm thấy mình xấu xa bất xứng với Đấng Chí Thánh, chứ không sợ bị luận phạt.

Ăn năn tội cách chẳng trọn là dạng tiêu cực, dạng hạ cấp, là vị kỷ. Tội nhân ăn năn tội cách trọn là ăn năn chưa hẳn vì yêu mến Chúa, chưa hẳn cảm thấy mình xấu xa bất xứng với Đấng Chí Thánh, mà chỉ vì sợ bị luận phạt, sợ phải sa hỏa ngục.

Tuy nhiên, thật là may phúc cho chúng ta, bởi vì dù chúng ta “ăn năn tội cách trọn” hoặc “ăn năn tội cách chẳng trọn” thì Thiên Chúa vẫn vui lòng chấp nhận. Đó là một dạng “siêu đại xá” Thiên Chúa dành cho chúng ta!

Cực hình hoặc lửa nơi luyện ngục và hỏa ngục không như cực hình và lửa như chốn trần gian. Cực hình khốn khổ nhất là không được diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa, còn lửa trần gian chỉ là “gió mát” so với “siêu lửa” ở luyện ngục và hỏa ngục. Cực hình và lửa thiêu ở luyện ngục và hỏa ngục giống nhau, chỉ khác điều này: Linh hồn ở luyện ngục chịu cực hình một thời gian rồi được phóng thích, còn linh hồn ở hỏa ngục chịu cực hình đời đời. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Ở đời thường còn vậy, huống chi cõi vĩnh hằng!

Chúa Giêsu luôn thao thức vì không muốn mất bất kỳ một người nhỏ bé nào trong chúng ta, Ngài muốn tất cả phải nên thánh, vĩnh cư với Ngài trên Thiên Quốc, nhưng điều đó hoàn toàn tùy thuộc mỗi chúng ta, vì Ngài cho chúng ta hoàn toàn tự do chứ Ngài không hề ép buộc. Cả chương 17 (gồm 26 câu) trong Tin Mừng theo Thánh sử Gioan là lời cầu thống thiết của Chúa Giêsu kính dâng Chúa Cha trước khi Ngài “uống chén đắng”, làm hy tế đền tội thay cho chúng ta qua cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Chúa Giêsu khao khát mọi người NÊN MỘT, và Ngài muốn rằng Ngài ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó. Thánh Tâm Ngài đầy ắp yêu thương và tốt lành vô cùng, không trí tuệ nào có thể tưởng tượng nổi!

Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng con, chúng con xin cảm tạ Ngài. Xin giúp chúng con biết đoàn kết để “nên một” theo Thánh Ý Ngài, để bất kỳ ai gặp chúng con thì cũng đều nhận thấy Chúa hiện diện nơi chúng con, và xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng với Giá Máu Cứu Độ của Ngài. Vì công nghiệp của Đức Kitô, xin Chúa xót thương mà tha thứ hình phạt cho các linh hồn, và cho các linh hồn được hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Lễ Thánh Martin de Porres,

Tu sĩ “tấm lòng vàng” của Dòng Đa-minh, 3-11-2013

 

Tháng các linh hồn: Lung linh ánh nến gọi mời

Jos. Hoàng Mạnh Hùng11/6/2013

LUNG LINH ÁNH NẾN GỌI MỜI

Sau hơn năm tháng thi công với mong ước có nơi khang trang, sạch đẹp cho các linh hồn chờ ngày Phục Sinh. Chiều ngày lễ các Thánh, nghĩa trang giáo xứ tôi nhộn nhịp hẳn lên với Thánh Lễ tạ ơn, làm phép tượng đài Đức Mẹ Sầu bi, bàn thờ và khánh thành nhà hài cốt. Cụm công trình mới được xây dựng rực sáng trong buổi chiều tà và những phần mộ được sửa sang sạch sẽ, trang hoàng nến hoa và nghi ngút khói hương như dấu chỉ sự hiệp thông giữa kẻ sống – người chết. Thánh Lễ đồng tế trọng thể chiều nay thể hiện sự hiệp thông của Giáo Hội lữ hành nơi trần thế và Giáo Hội đang thanh luyện nơi luyện ngục cùng Giáo Hội vinh thắng trên thiên quốc chuyển thông các công phúc cho nhau trong Mầu Nhiệm Giáo Hội cùng thông công.

“Con người có tổ, có tông,

như cây có cội như sông có nguồn”

Người Việt Nam thường lấy chữ hiếu làm trọng, nhà có người qua đời được gọi là “nhà hiếu”. Chữ hiếu cũng đã được cha ông ta nâng lên thành đạo: Đạo Hiếu. Với đạo Công Giáo, Giáo Hội luôn nhắc các tín hữu hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai.” (Cn 6,20), “Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ.” (Lv 19,3), “Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ!” (Đnl 27,16) và mạnh mẽ hơn “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó.” (Lv 20,9).

Vì thế, Giáo Hội Công Giáo, đã dành trọn tháng 11 hằng năm là tháng cuối cùng trong niên lịch Phụng vụ, để cầu nguyện cho các linh hồn đồng thời để nhắc nhở chúng ta nhớ đến những ngày cuối cùng của thế giới và của mọi người chúng ta. Trong tháng này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang, chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn ...

Khi thắp nén nhang, cây nến chắc hẳn lòng ta không khỏi bùi ngùi khi tưởng nhớ những người đã khuất. Đối với người đời, chết là hết, là trở về với cát bụi vì “… hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi …”. Vâng, đời người như một cơn gió thoảng, mây bay "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2) nhưng từ chỗ phù vân ấy, người Công Giáo “nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người” (Gv 3,14).

Qua giáo huấn của Giáo Hội chúng ta đã được biết: có thiên đàng để thưởng người lành, có địa ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống kiếp làm người với những tội lỗi như chúng ta: tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân …. Họ là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về nơi mà họ đã được Thiên Chúa tạo dựng từ bụi đất.

Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái. Khi thực hiện mầu nhiệm tín điều các thánh cùng thông công, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho họ, bởi vì họ chưa được về cùng Chúa, nên họ còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.

Dòng người đổ về nghĩa trang mỗi lúc một đông hơn và từng tốp quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân hướng về bàn thờ trên lễ đài. Thắp cây nến trên mộ phần người cha và người em đã ra đi trước tôi. Ánh sáng tỏa chiếu từ ngọn nến trước di ảnh cha và em tôi là ánh sáng của cây nến đức tin vào Thiên Chúa - đã được thắp từ cây nến Chúa Giêsu phục sinh - mà ngày xưa họ đã tiếp nhận ngày lãnh nhận Bí Tích rửa tội. Ánh sáng đó còn là lời cầu nguyện, lòng yêu mến biết ơn và tưởng nhớ. Ánh sáng đó còn nói lên lòng tin tưởng: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Sự tin tưởng càng được rõ nét hơn trong bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ ngoài trời tại nghĩa trang Verano của Roma ngày 1/11/2013: “Hôm nay chúng ta nhớ đến những anh chị em chúng ta đã sống trước chúng ta và bây giờ đang ở trên trời, họ ở đó vì họ đã được rửa sạch bằng máu Chúa Kitô. Đó là hy vọng của chúng ta, và niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng. Nếu chúng ta sống cuộc sống của chúng ta cùng với Chúa, Người sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng”.

Thánh lễ đã xong, hoàng hôn đang bàng bạc phủ xuống trên Thánh giá nơi lễ đài trung tâm nghĩa trang. Một số người như không muốn rời xa giây phút hiệp thông linh thiêng đã trở lại tụ tập cùng nhau bên mộ người thân của mình cất lên những lời kinh nguyện cuối trước khi trở về. Những lời kinh kết thúc râm ran: "Giêsu - Maria - Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn" hàm chứa tất cả các đẳng linh hồn trong luyện ngục cũng như hết tất cả các linh hồn trong Giáo Hội lữ hành nơi trần thế; các linh hồn tội lỗi cũng như các linh hồn vô tội, những người hấp hối, những kẻ vô thần ...

Trời nhá nhem tối, mọi người lục tục ra về khi những ngọn nến hình như sáng hơn trên mỗi ngôi mộ. Những ánh nến lung linh như những con mắt dõi theo từng bước chân của những người thân nhắc nhở sự hiệp thông trong lời cầu nguyện và chờ đợi gặp nhau trong ngày Phục Sinh sau hết như lời Chúa Giê-su đã phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11, 25-26)

Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Tháng các linh hồn 2013

 

Tháng các linh hồn: Lời kinh chiều Emmaus
Lê Đình Bảng11/6/2013

LỜI KINH CHIỀU EMMAUS

Từ vực thẳm, tôi trông lên, lạy Chúa
Mảnh trời riêng, sao rét mướt linh hồn
Suốt dặm dài, xa tít tắp Sion
Chong mắt đợi, đêm muộn màng, góa bụa

Tôi nghe đáy hồn mình đương trở gió
Tiếc thời gian không đủ để làm người
Giữa bời bời xô dạt những dòng khơi
Trăm bến đỗ, thuyền đi, chưa kịp tới

Tôi nghe rõ mỗi gập ghềnh, trôi nổi
Trĩu trên vai gánh nặng của đời mình
Của phận người, của một kiếp phù sinh
Như thiếu phụ nửa khuya chờ trở dạ

Từ vực thẳm, tôi nhìn lên, xa qúa
Bóng mây che, che khuất cửa thiên đường
Sao nhọc nhằn,mải miết những chiều sương
Nghe gió thở ướt đầm rung ngực áo

Thuở nhan sắc đỏ rực trời hoa gạo
Trách mà chi, muôn ảo ảnh lụa là
Khi lòng mình buồn, ngã rẽ năm ba
Lúc đi giữa hai hàng cây thắp nến

Em lặng lẽ quỳ bên tôi cầu nguyện
Ngày chia xa, chưa kịp chạm tay gần
Lại một mùa Chay tím ngát hoa xoan
Những khóc giấu với yêu thầm chưa ngỏ

Từ vực thẳm đáy hồn tôi, lạy Chúa
Những cơn mê dằng dặc, bão không mùa
Những mạch ngầm u uất của nghìn xưa
Hoa có rụng, xin rụng vàođất sạch

Làm hương khói gửi qua miền thể phách
Và hơi may reo ngoài nội trăng tà
Mỗi nhạt nhòa, rơi rớt, mỗi phù hoa
Cả vũ trụ mênh mông trong hạt cát

Tôi nghe rõ nhịp đầy vơi, khoan nhặt
Từ cõi hư không, từ nẻo vô thường
Nơi đầu ghềnh, nơi cuối bãi mù sương
Những còn mất, những xa gần, khép mở

Từ vực thẳm, con kêu lên, lạy Chúa
Chở che tôi, dù ngọn lửa, tim đèn
Để bằng lòng chịu sự khó cho nên
Chỉ có tiếng thơm mới bay ngược gió

Ngài cứ đến, cửa nhà tôi mở ngỏ
Xác hồn tôi đang khô khát, nghẹn lời
Lạy Chúa Trời, xin ghé mắt thương tôi
Cây lau dập, vướng chân người qua lại

Đừng để tôi ra biếng lười, ươn ái
Ngày tháng rong rêu, se cát dã tràng
Nỗi đau đời, xin chịu lụy riêng mang
Sống hay thác, trông nhờ ơn cứu độ

Từ thăm thẳm luyện hình, than lửa đỏ
Tôi van xin, tôi hạn hán mong mưa
Mỗi đoạn đường còn in dấu tuổi thơ
Mỗi ngọn cỏ cũng thì thầm nỗi nhớ

Đến muông thú, chim trời còn có tổ
Chỉ mình tôi không viên đá gối đầu
Emmaus hề, chiều đã muộn, về đâu?
Xin ở lại cùng tôi, vâng lạy Chúa

Chiều đã muộn, đêm chập chờn ngoài cửa
Tôi mong manh, tôi dễ vỡ vô cùng
Chỉ đụng hờ, chỉ một sợi tơ rung
Tôi đợi Chúa hơn đợi vàng đủ tuổi.

 

Suy tư Tháng Các Linh Hồn: Ý nghĩa sự chết
Lm. Nguyễn Hữu Thy 11/7/2013

Suy tư Tháng Các Linh Hồn: Ý nghĩa sự chết

Quyền lực của sự chết thì vô hình. Nó biến đi, rồi lại xuất hiện. Lúc ẩn lúc hiện, nó luôn theo đuổi và đồng hành với con người trong mọi bước đường: lúc quá đói, lúc quá no, lúc đau ốm bệnh hoạn, lúc khỏe mạnh, và ở trong gia đình, ở trên các trục giao thông, ở các bệnh viện, ở trên rừng, ở dưới biển. Khắp nơi đều ẩn hiện bóng dáng sự chết. Người ta có thể nói rằng sự sống và sự chết là những thành phần gắn liền với cuộc đời con người, cả hai chỉ tách biệt nhau bằng một khoảng cách mỏnh manh đường dao cắt. Và dầu muốn hay không, con người cũng phải đối mặt với sự chết vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống của mình; không ai có thể chạy thoát được sự chết.

Điều đó cũng muốn nói rằng, sự chết đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời con người. Vâng, sự đào thải và bào mòn của vật chất là định luật tự nhiên cho ta thấy rằng cái gì được bắt đầu thì đương nhiên cũng sẽ chấm tận, đã ra đi thì sẽ có ngày trở lại, đã được sinh ra thì cũng sẽ có ngày phải chết. Các vật dụng trong đời thường trước kia chưa có, nay có và một ngày nào đó chúng sẽ không còn hiện hữu nữa; nước biển bốc hơi lên trời làm mây bay khắp mọi phương hướng, và khi khí trời thuận tiện thì biến thành mưa tắm mát cỏ cây hoa lá trên rừng xanh và trong các đồng nội hay róc rách trong các khe suối, rồi cuối cùng một ngày nào đó cũng sẽ chảy lại ra biển cả; và các sinh vật được sinh ra và rồi sẽ chết dưới bất cứ hình thức nào đó, chứ không có gì tồn tại vĩnh viễn trong cuộc đời này cả. Còn con người thì ngoài thân xác hay chết, còn có linh hồn thiêng liêng bất tử, nên sau khi thể xác chết đi và tan vào lòng đất mẹ, thì linh hồn thiêng liêng bất tử sẽ trở về với Tạo Hóa, Đấng đã tạo dựng nên nó cũng như muôn loài khác.

Đó là định luật cố hữu của thiên nhiên, xưa nay vẫn vậy. Nhưng trong cái định luật tự nhiên „sinh-tử“ ấy của mọi tạo vật, người ta lại nhận ra một diễn tiến tất nhiên đi kèm theo, đó là sự „bào mòn“ hay sự „đào thải“, tùy theo đối tượng để gọi. Ví dụ một sự vật thì từ khi có cho đến khi biến khỏi mặt đất này, nó phải trải qua giai đoạn bị bào mòn một cách tiệm tiến bởi thời tiết, khí hậu hay sự sử dụng của con người. Còn các sinh vật như con người chẳng hạn, thì từ khi được sinh ra cho đến lúc chết, cũng phải trải qua một quá trình bị đào thải một cách tiệm tiến, tức các tế bào sẽ bị chết hay bị đào thải tuần tự, cũng như sự sinh hoạt hay sự vận động của các cơ quan trong con người sẽ bị thoái hóa từ từ, mãi cho tới một giới hạn nào đó thì chấm dứt hẳn. Và sự chấm dứt hẳn ấy được gọi là sự chết.

Nhưng sự đào thải hay sự thoái hóa ấy của các tế bào cũng như của các cơ năng trong con người được diễn biến qua những hiện tượng cụ thể trên cơ thể mà người ta gọi là sự đau ốm, bệnh tật. Và xin nhắc lại là những hiện tượng trong quá trình đào thải hay thoái hóa ấy là một định luật tự nhiên, tức một định luật đã được Tạo Hóa thiết đặt cho mọi vật chất, nên không thể thay đổi được. Một khi xác tín được một cách rõ ràng định luật tự nhiên ấy như là ý Tạo Hóa, người ta sẽ cảm thấy bớt đau khổ, bớt căng thẳng và sống thanh thản hơn khi các thứ bệnh tật này nọ xảy đến cho mình. Vâng, „quân tử úy thiên mệnh“, người hiền đức thì biết phụng mệnh trời, biết vâng theo ý Chúa. Và đây chính là nhân sinh quan Kitô giáo.

Vậy, điều quyết định ở đây là con người có ý thức đầy đủ và sống một cuộc sống tương xứng với định luật ấy hay không; hay nói cách khác, con người có được một sự xác tín và một cuộc sống Kitô giáo hay không! Đây là quan điểm đã được triết gia Công Giáo Robert Spaemann và nhà thần học Tin Lành Bernd Wannenwetsch, đồng tác giả của tác phẩm „Guter schneller Tod – Von der Kunst, menschenwürdig zu sterben“ (Cái chết lành nhanh chóng – dưới phương diện nghệ thuật là chết xứng với nhân phẩm), đã trình bày tuy ngắn gọn nhưng rất rõ ràng. Hai tác giả đã thành công trong việc trình bày cái nhìn Kitô giáo sâu sắc về cuộc sống hiện tại và đồng thời chứng minh cho thấy rằng đối với con người nếu cuộc sống cũng như cái chết mà thiếu vắng niềm tin Kitô giáo thì thật là một sự trống rỗng và mất mát không gì có thể bù đắp được.

Thực ra, theo sự trình bày của hai tác giả thì việc chống lại sự hợp thức hóa hành động muốn gây ra cái chết cho một người nào đó là điều đương nhiên, vì sự sống con người phải được đặt lên trên tất cả và vì chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng duy nhất mới có toàn quyền trên sự sống và sự chết của con người mà thôi.

Hai tác giả muốn bàn về „những lý do biện minh cho tính chất hợp lý của sự cấm cản việc trợ tử và sự đứng vững của nó.“ Nhưng tại sao sự đòi hỏi việc thực hành trợ tử mỗi ngày mỗi tăng thêm?

Ngày nay, hầu như tất cả các bệnh viện to nhỏ trên khắp thế giới đều được trang bị các máy móc giúp bệnh nhân hô hấp khi khả năng tự nhiên của cơ thể họ bất lực, tức hô hấp nhân tạo; nói cách khác, máy móc là phương tiện cần thiết giúp con người kéo dài thêm được sự sống của mình trong một thời gian nhất định nào đó. Nhưng điều đó cũng muốn nói rằng, kỹ thuật đóng vai chủ động trong cuộc sống con người: chỉ bật hay tắt một cái nút điện là sự sống con người được tiếp tục hay bị chấm dứt. Theo quy định cũ của các thầy thuốc là phải kéo dài sự sống người bệnh bao lâu có thể, thì nay đã trở thành vấn đề của kỹ thuật máy móc, nhưng những dụng cụ hay phương tiện này lại thường vượt quá phạm vi „phương tiện“ của chúng, để nắm giữ vai chủ động của Tạo Hóa.

Tiếp đến, yếu tố mang tính cách quyết định thứ hai là não trạng lấy sự hưởng thụ (Hedonismus) làm mục đích cuộc sống của xã hội ngày nay. Tất cả mọi giá trị cao quý đối với cuộc sống không còn được khám phá trong chính bản thể của con người nữa, ngược lại, con người tự giảm thiểu giá trị của mình và coi mình là một chủ thể chỉ tìm thụ hưởng an vui thoải mái. Điều đó muốn nói rằng người ta phải tránh, vâng, phải loại trừ sự đau khổ ra khỏi cuộc sống bằng mọi giá. Và ở đâu người ta không xóa bỏ được sự đau khổ bằng một cách nào khác, thì phải loại trừ chính chủ thể chịu đau khổ. Đó là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng đầy ngụy biện của thời đại với danh xưng hấp dẫn „trợ tử“ hay tự kết liễu đời mình để tránh đau khổ: tự tử hay tự quyên sinh.

Nhưng người ta đừng quên rằng cuộc sống con người không phải tự nhiên mà có hay tự con người tạo ra cho mình – vì tự bản chất của nó vật chất không thể tự hữu được – nhưng là được Tạo Hóa sáng tạo nên và mang trên mình hình ảnh của Người. Bởi vậy, cuộc sống của mỗi người chứa đựng một phẩm giá linh thiêng cao cả trong chính mình, mà không một ai có quyền xúc phạm hay lấy đi được. Và cũng bởi vậy, là một điều thiếu sót, nếu chúng ta chỉ đánh giá cuộc sống theo tiêu chuẩn là liệu nó có thể bị loại trừ hay không, hai tác giả phát biểu: „Cũng như đối với chính cuộc sống, chúng ta thường coi nhẹ ý nghĩa cuộc sống, và vì thế chúng ta cũng không thể nhận thức được một cách đầy đủ về nó trong bất cứ khoảnh khắc nào của sự sống.“ Do đó, người ta không thể dựa theo bất cứ lý do nào để biện minh cho sự trợ tử hay sự tự tử. Quy ước của sự „chết lành“, tức cái chết xảy ra đúng với sự an bài của Tạo Hóa càn khôn, không thể chấp nhận những người tự cho mình có toàn quyền trên sự chết của mình được.

Theo hai tác giả thì phán quyết cuối cùng về cuộc sống con người chỉ một mình Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Trong tác phẩm „Die Abschaffung der Menschen“ (Sự loại bỏ con người) của ông, Clive Staples Lewis, giáo sư văn chương người bắc Ái Nhĩ Lan, đã chứng nhận rằng: „Sự diễn tiến mà nếu người ta không ngăn cản nó, thì nó sẽ tiêu diệt con người, đó là sự diễn tiến xảy ra bất khả lường trước được nơi những người cộng sản, nơi những người dân chủ cũng như nơi những người quân phiệt.“ Không chỉ ở xã hội Thụy Sĩ và Hòa Lan người ta không thấy ghê sợ rùng mình trước những sự „giết người hợp pháp“, nhưng ở nhiều nước khác trên thế giới người ta còn cho việc „giết người hợp pháp“ là một điều cần thiết, chẳng hạn ở những nước còn có luật xử tử các tội nhân. Nhưng theo nguyên tắc tự nhiên mà Tạo Hóa đã thiết định „ngươi không được giết người“ thì không bao giờ có cái gọi là „giết người hợp pháp“ cả. Tất cả mọi hành động giết người dù dưới bất cứ hình thức hay danh nghĩa nào – trợ tử, tự tử, phá thai, bỏ đói, xử tử, v. v… – đều bất hợp pháp trước Tòa Thiên Chúa tối cao, đều bị cấm chỉ nghiêm ngặt, ngoại trừ sự tự vệ chính đáng và cần thiết. Con người chỉ có quyền gìn giữ và thăng tiến sự sống, chứ không có quyền hủy diệt hay làm tổn hại. Lý do đơn giản là con người không thể tự tạo ra được sự sống, thì con người cũng không có quyền loại bỏ hay hủy diệt nó.

Trong trường hợp các thánh Tử Đạo, những Kitô hữu đã can trường chẳng thà chết chứ không từ bỏ đức tin Kitô giáo của mình, sự chết không hề là kẻ chiến thắng, ngược lại là kẻ thất bại. Vì thế, các thánh Tử Đạo là „hạt mầm khai sinh sức sống của Giáo Hội.“ Vị tử đạo chân chính luôn tôn trọng và bảo toàn sự sống của mình, chứ không bao giờ đi tìm kiếm cho mình sự chết. Nhưng nếu khi hoàn cảnh đòi hỏi phải làm chứng nhân cho đức tin Kitô giáo, thì người Kitô hữu không từ nan trước bất cứ thử thách đau khổ nào, kể cả sự chết. Anh xác tín một cách sâu xa lời dạy của Đức Kitô: „Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.“ (Mt 16,25). Vì thế, các vị Tử đạo là những chứng nhân anh hùng, là những gương mẫu chói lọi cho mọi tín hữu noi theo.

Nhưng ngày nay, người ta lại thường quan niệm về gương mẫu có tính cách một chiều. Theo họ, để được gọi là gương mẫu khi nó có thể giúp cho người ta phát huy được con người cụ thể của họ. Trong cuộc sống có nhiều gương mẫu hay nhiều biện pháp có thể soi đường chỉ lối cho con người. Dĩ nhiên, biện pháp ở đây không có tính cách quy phạm, nghĩa là nó vẽ ra cho ta những đường hướng phải theo hay những mẫu mực phải làm, mà là giúp cho ta có thể so sánh và cân bằng được những điều kiện khả dĩ của ta với chính những thực tại cụ thể của ta.

Những người hoàn toàn đồng ý với hành động tự tử, thì xác tín rằng hành động tự tử nói lên sự tự do của con người. Nói cách khác, con người sống hay chết không bị lệ thuộc ai cả. Mỗi người có toàn quyền được tự do quyết định trên sự sống chết của mình. Nhưng đó là một quan niệm hoàn toàn chủ quan, một chiều và vô lý. Vì con người đâu tự tạo ra cho mình sự sống, nhưng là đã được nhận lãnh. Vậy, nếu đã được nhận lãnh thì con người đâu có quyền gì trên sự sống chết của mình cũng như của các đồng loại khác! Tiếp đến, theo quan điểm này thì sự chết trở thành một ý niệm của sự vô nghĩa, nó phải biến đi và một câu hỏi phi lý được đặt ra: „Phải chăng chết là một điều tệ hại?“

Spaemann và Wannenwetsch nhìn thấy một nguyên nhân nghịch lý trong việc đòi hỏi hành động giết người không bị trừng trị. Con người tự cho mình là chủ thể hoàn toàn tự quyết trên chính sự sống chết của mình, và rồi nhìn nhận những người khác có ngôi vị và có nhân phẩm như mình, nghĩa là cũng có đầy đủ quyền tự quyết. Dĩ nhiên, ở đây „ngôi vị“ không có nghĩa là „một người nào đó“ với những phẩm chất và đặc điểm riêng biệt cụ thể và rõ ràng, như: sự ý thức, sự trải nghiệm, sự hoài cổ hay ký ức, tình yêu hay sở thích, v.v… „Ngôi vị“ ở đây mang tính cách trừu tượng; hay nói cách khác, là biểu tượng quy tụ và cụ thể hóa các phẩm chất và các đặc điểm ấy lại thành cá thể duy nhất mà thôi. Theo nghĩa này, các trẻ sơ sinh, các người tàn tật về trí não và những người trong giấc ngủ say đều không phải là những „ngôi vị“, hay ít là những „ngôi vị“ không trọn vẹn. Nhưng sự nhận định về ngôi vị con người như thế là hoàn toàn phiến diện. Nếu một người đã không ý thức được ngôi vị là gì, thì tất nhiên cũng không thể phán quyết gì về sự sống và sự chết được.

Khi một người tự tiện hành động theo ý riêng chứ không theo một nguyên tắc luân lý hay lệnh truyền nào, thì cũng tương tự như thể tự cho rằng mình được quyền „ăn trái cấm“ từ „cây biết lành biết dữ“ trong cuộc sống và sau đó cứ tiếp tục sống theo sự suy nghĩ riêng của mình. Đó là một dấu chỉ cho thấy „một người như thế không đủ khả năng sống theo một cuộc sống gắn kết với Thiên Chúa, nguồn mạch mọi nhận thức và mọi sự sống.“ Việc kỹ thuật hóa sự chết để làm tăng phẩm chất sự sống theo phương thức những người vô thần và duy vật, thì kết quả sự diễn tiến sẽ hoàn toàn khác, chứ không mang lại kết quả tự nhiên của một sự tiến bộ bình thường; hay nói cách khác, đó là một hành động thất bại, tức không phải là một phương tiện chống lại sự chết, nhưng là một hình thức càng làm cho chính sự chết lan rộng thêm, và đồng thời làm cho sự sống cũng như sự chết của con người mất hết ý nghĩa trọng đại của chúng.

Dĩ nhiên, một quan điểm chân chính về sự chết chỉ khả dĩ trong một môi trường sống Kitô giáo mà thôi. Đối với tư tưởng một người bị tục hóa thì quan điểm đó là một điều xa lạ, không thể hiểu được. Nhà thần học Tin Lành Bonhoeffer, một nạn nhân của chế độ Đức Quốc Xã, cũng đã có chung cùng một quan điểm về sự chết như thế khi ông phát biểu „Totsein heißt Lebenmüssen“ - Chết có nghĩa là phải sống. Theo nghĩa này, sự chết được suy tư trong những điều kiện của sự thất bại (tức sự sa ngã). Ở đây người ta thấy quan điểm của Bonhoeffer về sự chết trùng hợp với „văn hóa sự chết“ của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Theo Bonhoeffer, thì trong trường hợp sa ngã với một mình „conditio humana“ là hoàn toàn bất khả, không có lối thoát, mặc dù con người phải tiếp tục sống theo các khả năng riêng của mình: „Anh ta thực hiện điều đó (tức sống theo giới luật), chính khi anh ta sống từ sự bất ổn nội tâm của mình, chính khi anh ta sống với sự thiện hảo của mình từ cái bất hảo và với cái bất hảo của mình từ cái thiện hảo.(…) Anh ta sống trong cái vòng tròn ấy, anh ta sống từ chính bản thân mình, anh ta hoàn toàn một mình; nhưng anh ta không thể làm được như vậy, bởi vì anh ta không còn sống nữa, trong cuộc sống này anh ta là kẻ đã chết.“ (Daniel Steffen Schwarz: Das Sünsencerständnis Bohoeffers und Luthers, trang 46).

Ngày nay, sự chết và kỹ thuật học cùng sát cánh bên nhau, bởi vì kỹ thuật học chính là „kỹ thuật giữ vai trò chủ động.“ Nhưng vai trò chủ động này chỉ có tính cách hão huyền. Theo tinh thần Kinh Thánh thì các máy móc được sử dụng trong y khoa chỉ là một phương tiện kỹ thuật trong việc điều trị ở phạm vi „dominium terrae“, ở phạm vi chủ động trên trái đất mà thôi. Điều đó muốn nói rằng mục đích của y khoa là chỉ nhằm tới sự sống, nhằm kéo dài sự sống bằng mọi giá, chứ y khoa không đủ khả năng để đề cập tới viễn tượng siêu nhiên, tới sự sống lại của con người. Hơn nữa, nếu máy móc giữ vai trò chủ động trong mọi điều trị bệnh tật, thì sự trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân chỉ còn là điều thứ yếu.

Nói tóm lại, trong một xã hội vô thần, duy vật và bị tục hóa một cách trầm trọng như xã hội nhân loại ngày nay, quan niệm con người về sự sống và cái chết hoàn toàn vượt ra ngoài quan niệm truyền thống. Cuộc sống được quan niệm như một chuỗi các hưởng thụ. Vì thế, một khi sự hưởng thụ mất hết điều kiện và phương tiện để tồn tại, thì cuộc sống cũng không còn lý do để tồn tại nữa. Nói cách khác, theo họ thì một cuộc sống bất hạnh thì không đáng tồn tại, cần phải chấm dứt. Và đó là lý do khiến người ta có sáng kiến bày ra cái gọi là “trợ tử” và đồng thời cũng khiến người ta dễ dàng coi thường và hủy diệt mạng sống của chính mình.

Điều đó muốn nói rằng chết là hậu quả tất yếu của một cuộc sống bất hạnh, tức một cuộc sống không còn điều kiện để hưởng thụ. Nhưng một quan niệm về cuộc sống và sự chết như thế là quá phiến diện, thiển cận và đã thu hẹp ý nghĩa cuộc sống con người lại trong phạm vi vật chất: sự thụ hưởng!

Trên thực tế, cuộc sống con người có một giá trị nội tại đầy thiêng liêng và cao quý, chứ không chỉ giới hạn trong các giá trị vật chất mà thôi, nhưng còn vươn tới các giá trị tinh thần và siêu nhiên nữa, vì con người không chỉ có thể xác hay chết mà còn có linh hồn thiêng liêng bất tử nữa. Vâng, con người được Thiên Chúa dựng nên không chỉ để hưởng thụ, nhưng còn có những sứ mệnh thiêng liêng cao quý mà Người đã giao phó cho mỗi người để chu toàn, khi Người dựng nên họ.

Đó là những bổn phận đối với Thiên Chúa, đối với xã hội đồng loại và đối với chính mình. Và tất cả được tóm tắt trong một câu ngắn gọn: “Tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và thương yêu anh chị em đồng loại như chính mình.” Cuộc sống là một hồng ân hoàn toàn nhưng không mà Thiên Chúa ban cho con người để bảo toàn, thăng tiến và hoàn thiện nó, chứ không phải để sử dụng nó một cách tùy tiện theo ý riêng mình được. Chỉ một mình Người là Đấng Tạo Hóa toàn năng mới có toàn quyền quyết định trên sự sống và sự chết của con người mà thôi.

Xác tín một cách sâu xa được triết lý sống của cuộc đời như thế, nhà côn trùng học thời danh người Pháp Jean Henry Fabre đã chí lý phát biểu: “Cuộc sống con người không phải là một sự khoái lạc, cũng không phải là một cực hình, nhưng là một bổn phận mà ta phải tận lực chu toàn cho tới khi Thiên Chúa cho ta được nghỉ ngơi.” Và Blaise Pascal, một nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp khác còn bổ túc thêm bằng lời nguyện đậm tinh thần Kitô giáo sâu sắc của ông: “Lạy Chúa, con không xin Chúa sự sống, con cũng không xin Chúa sự chết. Con không xin Chúa sự sung sướng, con cũng không xin Chúa sự đau khổ. Con chỉ xin Chúa cho con biết nhận ra và thực thi ý Chúa trong mọi sự. Amen

suy tư tháng các linh hồn...

 

NẾU CHÚA GỌI CON VỀ …by Củ Khoai 11-11-2013

Nếu bạn tin rằng bạn phải chết, rằng có một cõi đời đời, rằng bạn chỉ có thể chết một lần, và nếu [lúc bạn được Chúa gọi về] bạn có sai lầm lỗi, lầm lỗi ấy sẽ là mãi mãi, không thể sửa chữa lại được, tại sao bạn lại không biết lựa chọn để bắt đầu ngay bây giờ là làm tất cả với sức lực của mình để bảo đảm một cái chết tốt? - Thánh Alphonsus di Liguori.

Cái chết là một điểm dừng mà tất cả chúng ta ai cũng sẽ đến, và ai ai cũng biết điều đó, thế nhưng chúng ta lại làm tất cả để gạt nó sang một bên.  Chúng ta sợ nó đến nỗi chúng ta tìm mọi cách, thậm chí ngay cả mê tín dị đoan để thay đổi định mệnh của mình, tất cả để trốn tránh cái chết.  Thậm chí có nhiều nơi người ta mê tín đến nỗi đành lòng hạ danh giá của người con dâu đã có thai khi rước dâu về nhà bằng cách rước dâu vào ngõ sau để ngăn ngừa cái chết trong gia đình.  Đúng là một lối suy nghĩ ngớ ngẩn.  Sự chết là gì đối với mỗi người chúng ta mà tại sao chúng ta lại sợ nó đến như vậy?  Còn tệ hại hơn nữa là khi biết mình sợ cái chết mà còn dùng nó để lấn át và lấy quyền hành trên người khác. Thật sự chúng ta có bao giờ nhìn lại cái chết và tự hỏi nó có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta?  Có bao giờ chúng ta mang nỗi sợ hãi ấy vào cầu nguyện xin Chúa dạy cho chúng ta biết sự thánh thiêng của cái chết, để rồi chúng ta không lạm dụng nó cũng như không để nó làm chủ đời mình một cách ngớ ngẩn không?

Chúng ta thường nói "Sống gửi thác về", nhưng trên thực tế con người chúng ta không thật sự đón nhận hành trình đi về đó.  Chúng ta chưa nhìn cái chết như là một cái gì đó thánh thiêng để rồi chúng ta biết đón nhận nó như là một ân huệ quý báu Chúa ban.  Nếu chúng ta biết đón nhận, chúng ta mới biết nhìn sự chết như là một người bạn thân luôn đồng hành với mình trên mọi ngóc nghách của cuộc sống. Thật sự nó là như vậy.  Cái chết chẳng bao giờ rời ta và luôn theo ta như hình với bóng cho đến khi chúng ta được Chúa gọi về.  Cái “Chết” như là một người bạn đồng hành thiêng liêng luôn thúc đẩy chúng ta hướng đến sự hoàn hảo và tinh tuyền của tạo dựng và cái giá cứu chuộc của Con Một Thiên Chúa.  Qua đó sự "Chết" sẽ giúp chúng ta chọn cách sống cho mỗi một hơi thở trong cuộc đời.

Chúng ta nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu khi xưa Ngài sống mọi giây phút trong cuộc đời làm người với Thiên Chúa Cha.  Nhưng khi phải đối diện cái chết, Ngài cũng tỏ ra sợ hãi trong cái yếu đuối của một con người, và Ngài đã xin các môn đệ ở với Ngài.  Nhưng sau khi vật lộn với sự yếu đuối đó, Ngài đã chọn đối diện cái chết của Ngài với Thiên Chúa Cha và Ngài đã xin uống chén đắng đó theo ý Cha Ngài (cf. Lc 22:42).  Khi Chúa Giêsu đón nhận cái chết theo ý Cha Ngài, Ngài đối diện với những gì sẽ tới (bắt bớ, sỉ nhục, đánh đòn, vác thập giá, và đóng đinh) trong bình an.  Hơn nữa, trên thập giá Ngài đã chọn để được chết ở trong tay Cha Ngài, “Lạy Cha Con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Nếu Chúa Giêsu là người cho chúng ta thấy chúng ta có thể đối diện với sự chết trong tâm tình tin yêu và phó thác, mỗi ngươi chúng ta cũng được mời gọi để xin ơn để bắt chước Ngài.

Như vậy thì mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta hãy xin ơn để được đồng hành với người bạn đời "Chết", và xin Chúa dùng bạn "Chết" để nhắc nhở chúng ta phải sống với Chúa hôm nay như thế nào hầu chúng ta biết sẵn sàng đáp lại khi Ngài hỏi ta, “Con ơi, con đang ở đâu và đang làm gì?”, và chúng ta có thể trả lời với Ngài rằng, "Con đang ở trong sự hiện diện của Cha".  Lắm lúc chúng ta nghĩ là chúng ta chỉ có thể ý thức được rằng chúng ta đang sống trong sự hiện diện của Chúa khi chúng ta đọc kinh, cầu nguyện, hoặc tham dự thánh lễ, nhưng đó chỉ là một phần cuộc sống của chúng ta.  Chúng ta có thể chọn để ở trong sự hiện diện của Chúa trong mọi nơi mọi lúc.  Chẳng hạn như chúng ta chọn để lo lắng và chú ý đến con cái và người thân, hơn là để mình bị thu hút vào TV, ngay cả khi mọi người đang cùng ngồi coi TV chung với nhau.  Hãy để ý đến những tâm tình khó chịu, không muốn rời TV khi ai đó đang cần sự giúp đỡ của ta, và xin ơn để được đáp trả nhu cầu của người thân trong yêu thương hơn là bị bắt buộc.

Vì nếu chính lúc này, Chúa gọi chúng ta về và hỏi, “Tâm tình con đang ở đâu với Cha?” thì câu trả lời sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của mình trong lúc ấy.  Câu trả lời đó có thể là “Con đang kiềm chế sự khó chịu của con để con được nhìn thấy và phục vụ Chúa trong người thân”, hay là “Con đang thật sự cảm nhận ra tình thương của Chúa dành cho con qua người bạn” hay là “Con đang mệt mỏi bực bội vì đứa con của con không cho con ngồi yên để coi TV” hay là “Con đang ngồi coi bộ phim không tốt cho lứa tuổi của các con của con, nhưng vì con chưa có biết hy sinh và nhà chỉ có một cái TV nên con cứ để cho các con của con cùng coi” hay là “Con đang giận đội banh kia tại vì chúng chơi dở mà con đang bị thua độ.”  Câu trả lời nào là câu trả lời của mỗi người trong giờ phút linh thiêng ấy?

Trong phong tục Á Đông của chúng ta cũng thường hay dùng cái chết để đoạt lấy quyền hành trên người khác, hay làm khuất đi những gì chúng ta không muốn nhìn thấy.  Những người trẻ đang yêu thì dùng cái chết để đe dọa, để đòi hỏi được chiều chuộng hay muốn được lấy người kia làm sở hữu.  Còn những bậc cha mẹ lớn tuổi thì dùng cái chết để bắt con cái làm theo những gì mình muốn để xoa dịu nỗi âu lo hay xấu hổ của mình khi mình không còn một cách khuyên bảo nào khác.  Có những bậc cha mẹ muốn thấy con cái mình lập gia đình trước khi mình chết để cho mình cảm thấy được yên thân và an tâm, và dùng sự gần đất xa trời để cố tình đẩy con mình vào một tình cảm mà mình cảm thấy không có ổn.  Và cũng có những cha mẹ dùng tuổi tác già nua của mình để bắt con cái phục tùng và làm như ý mình muốn.  Ở đây chúng ta không nói là mình không nên lo lắng cho con cái, nhưng chúng ta cũng nên dâng sự lo lắng và xấu hổ của mình cho Chúa.  Chúng ta xin ơn để nhận ra rằng trước khi con mình là con của mình, con mình đã là con của Chúa, và khi mình muốn cho con mình được tốt đẹp hoàn hảo thì Chúa là Đấng Sinh Thành còn muốn cho đứa con của Ngài được tốt đẹp và hoàn hảo gấp bội.

Ước gì mỗi người chúng ta biết ngồi lại và suy tư về cái chết với Chúa, và xin Ngài dạy cho chúng ta ý nghĩa và sự thánh thiêng của sự chết, để qua sự hiểu biết đó chúng ta biết chọn sống mỗi giây phút với Ngài hầu chúng ta cũng được ngồi trong lòng Tổ Phụ Abraham như anh Larazô nghèo khó trong câu chuyện “Người phú hộ và anh Larazô” ở Luca chương mười sáu.

Củ Khoai

 

TÔI ĐÃ ĐỨNG BÊN NGƯỠNG CỬA CỦA CÁI CHẾT

Số là cách nay trên 10 năm, tôi đã đứng trên ngưỡng của của cái Chết.

Dr. Monsour rất có uy tín ở Houston, Texas, đã đích thân điều trị cho tôi, cuối cùng cũng phải tuyên bố bó tay (give up) trước căn bệnh viêm gan C mãn tính của tôi, ông còn lưu ý tôi là đừng mất công chạy chữa nữa, vì ông mà phải đầu hàng và cũng không còn thuốc nào trị nổi, thì không còn bác sỹ nào có thể giúp cứu mạng tôi được, dĩ nhiên tôi tin lời ông, vì tôi biết rõ khả năng và kinh nghiệm chuyên môn của ông, nhưng có lẽ vì cái máu tếu trong người tôi quá nhiều, nên tôi vẫn tủm tỉm cười.

Ông rất ngạc nhiên và hỏi tôi là không sợ chết sao mà còn cười được. Tôi bật cười thành tiếng, và trả lời ông rằng, nếu bác sỹ bảo tôi sợ mà thoát chết, thì tôi xin sợ ngay, còn nếu đàng nào cũng chết thì tại sao lại sợ.

Thực tế cho thấy là có những vua chúa giầu sang, quyền uy tột bực, với cả đàn ngự y tài giỏi, mà cũng vẫn chết, thì tôi là cái thá gì mà không chết, và khi đã biết là sớm muộn gì cũng phải chết, thì sợ cũng chết, vậy ngu gì mà sợ, cứ "enjoy to the fullest" những ngày còn lại, và "ready" để đáp chuyến tàu định mệnh đi đoàn tụ với vợ con tôi đã ra đi trước tôi.

Cũng xin nói thêm là trước khi phát giác ra bị lây nhiễm Viêm Gan C, vì vô máu quá nhiều trong một ca đại phẫu thuật trước đó khoảng mười năm, chết lên chết xuống, phải nằm bệnh viện tới cả hai tháng rưỡi.

Vào thời điểm đó y khoa chưa tiến bộ tới mức có thể "scan" để khám phá ra trong máu người hiến có virus gì hay không, nên tôi mới bị lãnh đủ.

Ông bác sĩ cũng cười theo, đồng ý với tôi, nhưng còn vớt vát rằng, đúng vậy, nhưng lần đầu tiên ông nghe một bệnh nhân chết đến nơi, mà vẫn dám lý luận ngang tàng như thế.

Ông hỏi tôi là tuy không bác sỹ nào có thể cứu mạng tôi được nữa, nhưng chính bản thân tôi có thể tự cứu mình được, có muốn ông chỉ cho không.

Tôi đáp là tuy không sợ chết, nhưng nếu có cách gì kéo dài mạng sống để "enjoy" cuộc đời, thì dĩ nhiên là muốn chứ.

Ông tâm tình với tôi rằng, ông cũng đã chỉ cho nhiều người, nhưng chưa thấy ai có đủ ý chí mạnh mẽ và kiên nhẫn mà áp dụng được, vì nói ra thì tưởng dễ, nhưng làm được không dễ, nhưng ông cho là tôi có đủ ý chí qua sự đối đáp với ông, nên ông nghĩ là chắc tôi làm được, và nếu làm được, thì có thể sống khỏe mạnh thêm hai ba chục năm nữa, còn không thì chỉ trong thời gian ngắn, bệnh sẽ phát triển sang ung thư và hậu quả ra sao thì ai cũng biết rồi khỏi cần nói nữa.

Ông còn lưu ý tôi là nếu làm được và thấy có hiệu quả tốt thì nên phổ biến rộng rãi tới mọi người, coi như làm chuyện phúc đức vậy.

Bí quyết của ông là :

1/ Phải empty hoàn toàn cái đầu, không được để cái gì lảng vảng trong đầu. Khi có chuyện cần giải quyết, thì ngồi xuống lấy giấy bút ra mà "brainstorm", rồi ghi ngay xuống giấy, sau đó phải "clear" liền cái "mind", chỉ khi nào tới lúc phải giải quyết thì lấy cái "note" đó ra mà áp dụng như cái máy thôi. Nói thì tưởng là dễ, nhưng ai mà không có "bill" nọ "bill" kia, lại còn bị những người chung quanh làm phiền tới mình, nhưng cần quyết tâm mà làm cho bằng được, vì đó là sự lựa chọn giữa lằn ranh sống và chết.

2/ Phải ráng cười thật nhiều, cười từ khi mở mắt buổi sáng tới khi lên giường ngủ buổi tối. Nếu tự mình không cười được, thì phải nghĩ cách chọc sao cho thiên hạ cười để có thể cười theo.

3/ Nếu có hoàn cảnh, có điều kiện thì nên đi du lịch thật nhiều, ngoại cảnh sẽ giúp cho hào hứng, quên đi căn bệnh chết người của mình.

Cà Cuống tui đã cân nhắc giữa tiền bạc và mạng sống, cuối cùng chọn lựa "retire" non vào tuổi 62, để có thể hoàn toàn nghỉ ngơi, và đi du lịch, đi "cruise" khắp nơi khắp chốn, đồng thời kiên trì luyện tập, vậy mà cũng phải mất trên 6 tháng mới có thể giữ cho cái đầu rỗng bông được.

Bây giờ thì không còn tham, sân, si, không còn thù hận, ghen ghét, đố kỵ ai, cho nên khi nhìn ngược vào cái đầu mình, thì chỉ còn thấy trống rỗng mà thôi.

Trong quá trình luyện tập, một hình thức như thiền vậy, đôi khi bị phân tâm, là thấy phía dưới xương sườn bên tay mặt như bị kiến cắn, hiểu ngay là "virus C" thừa cơ ra ăn lá gan, lại phải lập tức "clear" liền mọi sự cho cái đầu trống rỗng ra ngay.

Ai ghét bỏ, hay kiếm chuyện mắng chửi, cũng chỉ đáp lại bằng nụ cười tha thứ, và còn cầu xin ơn trên ban phước lành xuống cho họ nữa, không còn như hồi xưa, ăn miếng trả miếng theo kiểu "oeil pour oeil, dent pour dent" ngay.

Để có thể chọc cười mọi người, Cà Cuống tôi sưu tầm đầy một bụng tiếu lâm, để hoạt náo trên xe cho bà con vui cười trong những chặng đường dài, hầu quên đi mệt mỏi.

Và kể như đã thành công, cả hai căn bệnh chết người là viêm gan C mãn tính, gan đã bị xơ cứng tới 3/4, và tiểu đường nữa, nhưng nhờ bí quyết của ông bác sỹ tài ba chỉ dạy, mà cả hai căn bệnh hiểm nghèo đều vẫn còn "under control".

"Empty" cái "mind" là chính yếu, còn cười và du lịch là hai cái phụ, nhằm hỗ trợ cho cái đầu mà thôi.

Kinh nghiệm bản thân là trên mười năm trước, ai biết tôi, kể cả bà vợ, cũng không tin là tôi có thể sống sót được, vì qua hai thời kỳ hóa trị (chemotherapy), mỗi kỳ sáu tháng, cộng chung là đúng một năm, tôi chỉ còn như cái xác chết biết đi.

Trước đó, tôi cân nặng 170 lbs, nhưng sau thời gian điều trị, bệnh đã không thuyên giảm, mà còn sụt xuống chỉ còn 110 lbs, không thể tự ngồi lên được, mà bà nhà tôi phải vực dậy, tóc rụng đầy gối, ăn không được, ngủ không được. Nhất là bộ mặt của tôi mới thực thảm thê, nó bị choắt lại nhăn dúm như trái ô mai khô, nhưng mầu sắc thì xám xịt lại như da người chết. Ai quen biết, và ngay cả bà nhà tôi, cũng tin chắc là tôi không thể nào qua khỏi.

Tôi rất biết ơn Dr. Monsour đã động viên tinh thần tôi, ổng nói là tin tưởng tôi có ý chí mạnh, nhất định sẽ làm được.

Và quả thiệt tôi đã làm được, trước sự ngạc nhiên của mọi người quen biết, trọng lượng đã leo dần từ 110 lên 142 lbs, ăn ngon ngủ khỏe, năm ngoái khi trở lại Sapa, vẫn còn có thể leo lên tận cổng trời với sự trợ giúp của cây gậy kỷ niệm, vật bất ly thân. Tôi vẫn tiếp tục đi du lịch đều đều trên khắp 5 châu 4 biển. Riêng tại quê hương tôi, thì không còn xó xỉnh nào là không có dấu chân tôi, có nơi đi đi lại lại cả năm sáu lần, mà vẫn cảm thấy thích thú như thường.

Theo Dr Monsour, thì nếu áp dụng được bí quyết của ông, thì ngay cả ung thư cũng có cơ may thoát hiểm.

Tôi kể lại kinh nghiệm sống thực tế của tôi, theo lời dặn dò của ông bác sỹ tài ba và giầu tình người, để nếu ai chẳng may rơi vào hoàn cảnh như tôi, thì có thể vững niềm tin mà tự cứu lấy minh. Đặc biệt là đừng bận tâm tới chuyện chết chóc, vì đó là quy luật tự nhiên của Trời Đất, có sinh là phải có tử, không ai có thể tránh né được, thì cứ hoan hỉ mà chấp nhận thôi. Do đó, tôi rất tin vào thuyết định mệnh, và luật Nhân Quả.

Mến chúc tất cả mọi người thật nhiều may mắn và luôn vui cười, như bản thân tôi đã từ cõi chết trở về, chỉ nhờ vào bí quyết trong đó có cười, đó cũng là lý do thúc đẩy Cà Cuống tôi khai sinh ra Câu Lạc Bộ Cười, hầu mang lại cho bà con bằng hữu những tiếng cười thật sảng khoái, cho cuộc đời lên hương, và trẻ mãi không già.

 

VÀO THIÊN ĐÀNG

Cổng thiên đàng luôn tấp nập đông người. Thánh Phêrô tra xét lý lịch rất cẩn thận, cân nhắc công tội rõ ràng nên có người được vào, có người không. Nhiều người đã bị từ chối vào phút chót. Đến lượt 1 cụ già, cụ ái ngại vì thấy nhiều người bị loại. Cụ vừa khai vừa run, không chút hy vọng:

- Con đã trải qua 60 năm cuộc đời thành hôn, luôn bị vợ áp chế đến đờ đẫn cả người ra...

Ông còn đang ấp úng thì thánh Phêrô đã quát:

- Mở cổng! Cho vào! 60 năm ở với vợ đã quá đủ để đền bất cứ tội nào. Tội nghiệp con quá, bị vợ bắt nạt quá hả con, thôi vào thiên đàng hạnh phúc đi con.

Tái bút: Bị vợ bắt nạt thì vào thiên đàng, còn bắt nạt vợ thì lại là chuyện khác. Hihi.

Trích Duizui 8 trang 51

October 28, 2020