"Gia đình là một khu vực huấn luyện tốt đẹp về việc trao ban và tha thứ cho nhau, bằng không, không tình yêu nào có thể bền bỉ, và không biết trao tặng bản thân mình cũng như không biết thứ tha cho nhau tình yêu sẽ không tồn tại, không bền bỉ!"

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình bài 34 - Thứ Tư 4/11/2015

Xin chào anh chị em thân mến!

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới, một biến cố kết thúc cách đây ít lâu, đã suy tư sâu xa về ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong đời sống của Giáo Hội cũng như trong xã hội ngày nay. Đó là một biến cố ân sủng. Vào lúc kết thúc, các vị Nghị Phụ đã trao cho tôi những điều đúc kết của các vị. Tôi muốn bản văn này được phổ biến để tất cả mọi người được thông phần vào công việc đã được chúng tôi dấn thân thực hiện 2 năm qua. Đây không phải là giây phút khảo sát lại những đúc kết ấy, những đúc kết mà chính tôi đang cần phải suy niệm.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, cuộc sống không dừng lại ở đó, cách riêng đời sống của các gia đình không dừng bước! Anh chị em, những gia đình thân yêu, luôn tiến tới. Anh chị em luôn tiếp tục viết vào những trang đời cụ thể vẻ đẹp của Phúc Âm gia đình. Trong một thế giới có những lúc trở nên cằn cỗi sự sống và yêu thương, anh chị em hằng ngày nói về những tặng ân lớn lao nơi đời sống hôn nhân và gia đình.

Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh này: gia đình là một khu vực huấn luyện tốt đẹp về việc trao ban và tha thứ cho nhau, bằng không, không tình yêu nào có thể bền bỉ, và không biết trao tặng bản thân mình cũng như không biết thứ tha cho nhau tình yêu sẽ không tồn tại, không bền bỉ! Trong kinh nguyện chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, tức là Kinh Lạy Cha, Người đã bảo chúng ta xin Cha hãy: "tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Rồi ở cuối lời nguyện này Người cho biết nhận định của Người: "Vì nếu các con có tha thứ những vấp phạm của họ thì Cha trên trời mới tha thứ cho các con, bằng nếu các con không tha thứ cho họ những vấp phạm của họ thì Cha trên trời cũng không tha những vấp phạm của các con" (Mathêu 6:12,14-15). Chúng ta không thể sống mà không tha thứ cho nhau, hay ít là chúng ta không thể sống một cách tốt đẹp, nhất là trong gia đình. Hằng ngày chúng ta phạm đến nhau. Chúng ta cần phải nhận biết những lỗi phạm ấy là những gì gây ra bởi tính mỏng dòn của chúng ta và tính vị kỷ của chúng ta. 

Tuy nhiên, điều chúng ta cần phải làm đó là hàn gắn liền các vết thương do chúng ta gây ra, là nối lại những mối giây chúng ta làm đứt đoạn trong gia đình. Nếu chúng ta chờ quá lâu, mọi sự càng trở thành khó khăn hơn. Có một bí quyết giản dị để hàn gắn những vết thương cũng như để đánh tan những cáo buộc đó là đừng để cho ngày sống kết thúc mà không xin lỗi nhau, mà không làm hòa giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ con cái với nhau, giữa anh chị em với nhau... giữa nàng dâu với mẹ chồng! Nếu chúng ta biết xin lỗi ngay lập tức và biết tha thứ cho nhau, thì các thương tích được hàn gắn, hôn nhân được củng cố và gia đình trở thành một ngôi nhà vững chắc hơn, một ngôi nhà phản chiến trước các tác hành thù hằn lớn nhỏ. Thế nên, không cần nói năng cho nhiều; một cử chỉ chăm sóc đã đủ và mọi sự được bắt đầu lại. Đừng kết thúc một ngày sống khi còn đang lâm chiến!

Nếu chúng ta biết sống như thế trong gia đình, thì chúng ta cũng làm như thế cả ở ngoài gia đình nữa. Việc làm này dễ bị ngờ vực. Nhiều người - trong đó có cả Kitô hữu - nghĩ rằng làm thế là quá đáng. Họ nói rằng: phải, những lời ấy tuyệt vời nhưng không thể nào áp dụng thực hành. Tuy nhiên, nhờ Chúa giúp thì lại không phải thế. Thật vậy, chính vì được Thiên Chúa thứ tha mà chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác. Bởi thế, Chúa Giêsu đã bảo chúng ta lập lại những lời ấy mỗi khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha hằng ngày. Đó là những gì bất khả châm chước, mà trong một xã hội đôi khi chắng có tình thương này lại có những nơi, chẳng hạn gia đình, chúng ta có thể học biết thứ tha cho nhau. 

Thượng Nghị đã tái sinh động niềm hy vọng của chúng ta về điều ấy, về khả năng tha thứ, và việc tha thứ cho nhau là những gì thuộc về ơn gọi và sứ vụ của gia đình. Việc thực hành tha thứ chẳng những cứu cho các gia đình khỏi bị phân rẽ, mà còn cống hiến cho các gia đình khả năng giúp cho xã hội ít sự dữ hơn và ít hung dữ hơn. Phải, hết mọi cử chỉ tha thứ đều sửa lại các vết rạn nứt trong gia đình và củng cố các bức tường nhà của nó. Các gia đình thân mến, Giáo Hội ở bên cạnh anh chị em để giúp anh chị em xây dựng ngôi nhà của anh chị em trên đá được Chúa Giêsu đề cập tới. Và chúng ta cũng đừng quên những lời ngay trước dụ ngôn về ngôi nhà này: "Không phải ai nói 'Lạy Chúa, Lạy Chúa' mà được vào Nước Trời, chỉ có ai làm theo ý muốn của Cha Tôi". Người còn thêm: "Vào ngày ấy, nhiều người sẽ nói cùng Tôi rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng con đã chẳng nhân danh Thày mà nói tiên tri hay sao, và đã trừ quỉ bằng danh của Thày đấy ư?' Bấy giờ Tôi sẽ phán cùng họ rằng 'Ta chẳng hề biết các ngươi'" (Mathêu 7:21-23). Chắc chắn đây là lời phát biểu mạnh mẽ, một lời phát biểu nhắm mục đích là để lay động chúng ta và mời gọi chúng ta thống hối.

Các gia đình thân mến, tôi bảo đảm với anh chị em rằng nếu anh chị em quyết tâm hơn nữa trong việc bước theo đường lối của các Mối Phúc Đức, học biết và giảng dạy việc tha thứ cho nhau, thì khả năng này sẽ gia tăng, trong toàn thể đại gia đình của Giáo Hội, trong việc làm chứng cho quyền năng tha thứ phục hồi của Thiên Chúa. Bằng không, chúng ta dù có thể thực hiện việc giảng dạy rất đẹp đẽ và thậm chí còn có thể trừ quỉ, nhưng cuối cùng Chúa vẫn không công nhận chúng ta như là thành phần môn đệ của Người, vì chúng ta đã không có khả năng tha thứ và được người thứ tha!

Các gia đình thực sự Kitô giáo có thể làm nhiều sự cho xã hội ngày nay, cũng như cho Giáo Hội. Bởi thế, tôi mong rằng trong Năm Thánh Tình Thương, các gia đình tái khám phá ra kho tàng của việc tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện để các gia đình được gia tăng khả năng sống và xây dựng những đường lối hòa giải cụ thể, nhờ đó không một ai cảm thấy mình bị bỏ mặc cho gánh nặng nợ nần của họ.  

Với ý hướng ấy chúng ta hãy cùng nhau đọc: "Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)