|
Kính
Thánh Giá
Dưới
thời hoàng đế Hérachius I, những người Ba Tư xâm chiếm Giêrusalem
và lấy mất phần chính của Thánh Giá thật mà thánh Hélène, mẹ của
hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại Thánh
Giá này. Ngài cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can
đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của nhà vua đã được Chúa chấp thuận,
ngài đã đánh bại được quân Ba Tư và trở về Constantinople giữa
tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành Olive, những ngọn đuốc
cháy sáng, Thánh Giá thật của Chúa đã được tôn vinh trong bầu
khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề sung sướng muốn trở về Giêrusalem
với Thánh Giá này sau 14 năm lưu lạc. Nhà vua tiến vào thành thánh,
nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa,
khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zachazie
hô lớn: "Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không
xứng đáng với cảnh nghèo nàn và khiêm nhượng của Chúa Giêsu khi
vác Thánh Giá".
Hérachius
vội cởi bỏ phẩm phục sang trọng, và thay bằng vào bộ quần áo nghèo
hèn. Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng... và để ra sự
khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy.
Từ
đó, lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhớ cho các
thế hệ kỷ niệm ngày này.
Nhóm
Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia
THẬP GIÁ
Thập giá – đau khổ và nhục nhã
Thập giá là dụng cụ nhục hình dành cho các tội nhân thời đó. Thập giá là biểu tượng của sự thử thách, của nỗi khổ đau. Trong cuộc sống, dù muốn dù không, chúng ta vẫn gặp và chịu đựng nhiều thứ trái ý. Thật vậy, bị áp bức hoặc không làm gì được người kia thì đành phải chịu thua. Đó là “bị” vác thập giá, bị nhục nhã. Người Việt có câu: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Nhưng người ta thường “nói đùa” là “một sự nhịn, chín sự… nhục”.
Tuy nhiên, Thập giá cũng chính là dụng cụ nhục hình mà Chúa Kitô đã chịu đóng đinh vào, và Ngài đã chết trên đó để cứu chuộc nhân lọai. Ngài đã bị nhục nhã ê chề, vì hình phạt đóng đinh vào Thập giá chỉ dành cho những tên tội phạm “khét tiếng”. Không chỉ là bị đóng đinh vào Thập giá mà Ngài còn bị lột trần. Vô cùng nhục nhã. Thậm chí các môn đệ chí thiết cũng tìm cách rời xa Ngài vì sợ bị liên lụy. Chúa Giêsu đã bị liệt ngang hàng với cỡ tội phạm nguy hiểm như Baraba. Có lẽ không còn sự nhục nhã nào hơn nữa!
Thập giá – hy vọng và quang vinh
Thập giá còn có nghĩa là bất cứ thử thách đau khổ nào mà Kitô hữu phải chịu, và tự nguyện chấp nhận, để được kết hợp với Chúa và cộng tác với Ngài trong việc cứu rỗi chính mình và các linh hồn. Như thế, Thập giá không còn là nhục hình mà lại trở thành một mầu nhiệm được mặc khải, được Chúa dạy khi Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24; x. Mt 10:38 và Lc 14:26-27). Mầu nhiệm Thập giá là một trong các chủ đề chính yếu của các thư thánh Phaolô (Rm 5:8; I Cr 1:17; Gl 4:16 và Pl 2:6-11).
Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng đã bị vu cáo, là Đấng Công chính nhưng đã bị kết án, là Đấng chí thánh nhưng đã bị đày ải, là Vua trời đất nhưng đã bị hành hạ nhục nhã và bị đóng đinh chết tức tưởi, là Con Thiên Chúa toàn năng nhưng đã bị thóa mạ, bị chà đạp và bị từ chối, là Ánh Sáng nhưng đã bị tối tăm vây phủ, là Đấng vô cùng cao sang nhưng đã bị trần truồng tủi hổ, chịu chết treo trên hai miếng gỗ, là Sự Sống nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng, là Sự Chết nhưng cũng là Sự Sống Lại.
Thánh Gioan Kim khẩu suy niệm: “Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng ma quỷ, là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên, là bánh lái cho những người vượt sóng, là cửa biển cho những kẻ đi xa, là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm”.
Thập giá là chìa-khóa-Nước-Trời, là chìa-khóa-vạn-năng giúp chúng ta xử lý bất kỳ trường hợp nào trong cuộc sống. Khi cô đơn, đau khổ, vất vả, thất vọng, lo sợ, tủi nhục,… cứ ngước nhìn Thập giá Đức Kitô thì người ta sẽ tìm được ủi an, nâng đỡ và bình an. Thánh Jean Chrysostome nói: “Hiểu đau khổ, đón nhận đau khổ, tiến dâng đau khổ, đó là nguồn sống hạnh phúc hoan lạc. Chiến đấu với tội lỗi là chiến đấu với đau khổ”. Với Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu: “Có Chúa, tất cả đau khổ thế trần là thần lương bổ dưỡng, và tất cả an ủi thế trần trở nên cay đắng”.
LM Anton Torès viết: “Vác Thánh giá mà không có gì an ủi, đó là lúc ta đang bay bổng trên đường trọn lành; khi cầu nguyện mà không nghe động tình vui thú an ủi, đó là cách cầu nguyện rất hữu ích cho linh hồn”. Một Saolê hung hãn bắt đạo đã trở nên một Phaolô hăng say rao giảng về Thập giá: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (I Cr 1:18, 25).
Cứ ngỡ Thập giá là nhục nhã nhưng lại là niềm hy vọng và vinh quang. Bác học Voltaire đã thốt lên: “Lạy Chúa, con đã chiến đấu 60 năm vì vinh quang Ngài” (Mon Dieu, j’ai combattu soixante ans pour Ta gloire). Chiến đấu thì phải đau khổ, có đau khổ mới có vinh quang. Trong một chương trình phát thanh, đài Nguồn Sống xác định: “Chúa không cần người có tài, nhưng Ngài cần người mà Ngài có thể dùng”. Đó là những người xả thân vì Đức Kitô, không có tài sẽ được Ngài hỗ trợ – như Samuel, thánh nữ Faustina,… Có tài thì vẫn tốt, nhưng Chúa cần có đức trước, như người Việt thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” vậy. Chúa Giêsu có những cái “ngược đời”, nhưng đó lại là những điều tối cần thiết để sống hữu ích cho chính mình, cho tha nhân, cho Giáo hội, cho tổ quốc, cho xã hội – hôm nay và ngày mai. Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá và Ngài kéo chúng ta lên. Ngài lên cao và vinh quang qua con đường Thập giá thì chúng ta cũng nhờ Thập giá mà hy vọng được lên cao và chung hưởng vinh quang với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật lòng yêu mến và say mê Thập giá để khả dĩ là khí cụ của Ngài, dám sống “ngược đời” như Ngài, và như mong muốn “không giống ai” của Thánh Phaolô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14).
TRẦM THIÊN THU
Saigon, Lễ Suy tôn Thánh Giá – 14/9/2011
THẬP GIÁ LÀ TÌNH YÊU HIẾN TẾ
Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta (Mt 16,24)
Một điều kiện rất khắt khe, rất tiên quyết mà Đức Giêsu đưa ra để làm tiêu chuẩn cho những môn đệ của Ngài. Người ta hỏi “Thập giá là gì?” và câu trả lời đã quá rõ ràng: Thập giá đồng nghĩa với đau khổ và sự chết.
Đứng trước Thập giá, chính Phêrô cũng vấp phạm, Phêrô đã kéo Chúa ra một nơi riêng: “Thưa Thầy xin Thiên Chúa cứu Thầy khỏi điều đó, Thầy chẳng phải như vậy đâu” (Mt 16, 22). Phêrô can Chúa vì Chúa nói:“Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ dữ, sẽ bị đánh đòn, bị giết chết và ngày thứ ba mới sống lại” (Mt 20,19). Lời can gián của Phêrô đã đưa đến một lời nhận xét thẳng thừng của Chúa Giêsu với Phêrô rằng: “Satan! Hãy lui ra đằng sau Thầy. Con không biết việc của Thiên Chúa, con chỉ biết việc của loài người” (Mt 16,23). Đúng là Phêrô chỉ biết việc của loài người chứ không biết việc của Thiên Chúa. Việc của loài người là càng tránh xa được đau khổ càng tốt, càng tránh được rủi ro càng hay. Con người ai cũng muốn mạnh khỏe bình an, xuôi thuận trong mọi công việc và cuộc đời gặp được toàn may mắn. Bây giờ, Đức Giêsu ra một tiêu chuẩn “ Những người là môn đệ Thầy, phải từ bỏ mình, vác Thập giá”, thật là khắt khe, thật là nghiêm khắc. Đến lượt chúng ta tự lại hỏi: “Tại sao Chúa lại đưa ra một tiêu chuẩn khắt khe như vậy? ”. Câu trả lời duy nhất là: “Vì chính Chúa Giêsu đã chọn con đường đó”. Chúa Giêsu chọn con đường Thập giá, con đường của hy sinh và sự chết. Điều đó biểu cảm cho chúng ta thấy ý nghĩa gì? Người Việt Nam chúng ta thường nói “Hoa hồng nào mà chẳng có gai”. Hoa hồng là biểu trưng cho tình yêu, nhưng tình yêu nở trên gai góc. Như vậy, tình yêu luôn luôn được đặt trên thử thách, trên đau khổ, trên hy sinh, đến nỗi người ta có thể nói rằng “Yêu là chết cho mình một ít”. Vì vậy, Chúa chọn con đường Thánh giá, con đường hy sinh, con đường sự chết chính là để cho chúng thấy một tình yêu cứu độ lớn lao của Ngài, một tình yêu đi bước trước không phải là một ách, nhưng đó là một công việc của TÌNH YÊU.
Chúa yêu chúng ta trước, chọn hy sinh và sự chết. Bây giờ những người yêu mến Chúa chọn Thập giá, bước theo chân Ngài là đáp lại tình yêu mà Chúa đã trao ban. Do đó, những người nào thao thức đi tìm Chúa bằng con đường Thập giá thì những người đó sẽ gặp Chúa, nhưng những người nào càng tránh Thập giá thì những người đó lại càng gặp Thập giá, bởi lẽ thực ra Thập giá là một án phạt cho thế giới. Đức Giêsu chọn chính Thập giá là “lấy độc trị độc” để biến Thập giá thành Thánh giá vì đã mang thân xác thánh thiện của Đức Giêsu và Chúa biến Thập giá trở thành bàn thờ tế lễ Đức Chúa Cha. Vì thế, người ta không chọn Thập giá riêng rẽ, tách rời nhưng Thập giá phải gắn liền với Đức Giêsu Kitô và Thập giá của Đức Giêsu Kitô là tình yêu hiến tế, do đó, vác Thập giá theo Chúa là chấp nhận một con đường, một tình yêu, một hy sinh, một hiến tế. Như vậy, nói đầy đủ ra: Công thức dành cho các tông đồ “Đi theo Chúa” là những người dám yêu và dấn thân vì một tình yêu.
Hiểu nghĩa như vậy thì Thập giá không phải là một gánh nặng, một sự chúc dữ nhưng Thập giá là một biểu hiện của một tình yêu lớn lao. Những con người suốt đời sợ hãi, và tránh xa, những con người chỉ thích hưởng thụ và được mọi sự như ý muốn. Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai yêu mạng sống mình thì lại mất ” (Mt 16,25). Trong Thực tế đã chứng minh, cả thế giới này có ai giữ được mạng sống mình cho dù nâng niu, cho dù chiều chuộng, cho dù thuốc bệnh thì cái chết vẫn cứ đến. Không ai là yêu mạng sống mình mà giữ được mạng sống. Thế nhưng, mạng sống ấy có ý nghĩa khi dấn thân, khi phục vụ, khi trao ban thì mạng sống ấy được chính Đức Giêsu bảo lãnh bằng tình yêu hiến tế đạt tới sự sống đời đời. Người đi theo chân Đức Giêsu Kitô là người đem lại hoa trái của tình yêu thương cho những người khác.
Một cây tre xanh tốt trong khu vườn nọ. Ông chủ đến ngắm nghía cây tre và rất hài lòng. Mỗi ngày cây tre một vươn cao xanh tốt, cho đến khi ngả màu óng ả, đẹp đẽ. Ông chủ nói với tre:
-Tre ơi! Ta yêu tre lắm, nhưng muốn cho tre trở thành một việc có ý nghĩa thì Ta phải đốn tre xuống.
Cây tre nói:
-Ôi, ông chủ ơi! Xin ông chủ thương tôi. Nếu ông chủ đốn tôi xuống thì tôi chết mất.
-Nếu ta không đốn ngươi thì ngươi cứ mãi mãi ở đây, chẳng làm được việc gì.
Cây tre suy nghĩ một lát rồi nói:
-Vâng, thưa ông chủ. Thế thì xin ông chủ hạ tôi xuống.
-Nhưng mà tre ơi – ông chủ nói tiếp – để cho ngươi trở thành công ích thì ta phải chặt hết các cành của ngươi đi.
Cây tre thốt lên:
-Ông chủ ơi! Thế thì mất hết vẻ đẹp của tôi còn gì. Xin ông đừng chặt các cành của tôi đi.
Ông chủ đáp;
-Nếu ta không róc hết các cành, ta không làm được và ngươi chẳng làm được việc gì cả. Tiếng gió lướt qua kẽ lá như khuyên tre.
Tre thều thào:
-Vâng, thưa ông chủ, vậy xin ông chủ chặt hết các cành của tôi đi.
-Nhưng ta còn một việc nữa, ta phải chẻ đôi thân ngươi ra.
-Trời ơi! Ông chủ ơi! Thế thì tôi sống làm sao được.
-Nhưng nếu ta không chẻ ngươi ra, ngươi chẳng sử dụng được việc chi hết.
Tiếng gió mạnh mẽ hơn thúc đẩy cây tre. Cây tre cố gắng lần nữa:
-Vâng, tôi xin tuân theo ý ông chủ. Vậy thì ông chủ cứ bổ đôi tôi ra.
Ông chủ chưa hết dự định, ông chủ nói cho tre biết:
-Tre ơi! Nhưng ta còn phải róc hết các mắt của các đốt ngươi đi thì ta mới làm được việc.
Cây tre đến đó thì không thể làm gì nữa nên thưa với ông chủ:
-Vâng, xin ông chủ muốn làm gì ông chủ cứ làm.
Thế là ông chủ đốn cây tre xuống, chặt hết cành, bổ đôi, róc hết mắt, rồi chắp mảnh nọ vào mảnh kia, hứng nước từ trên núi trong lành chảy về đồng ruộng, tưới cho hoa màu. Năm đó hoa quả bội thu nhờ những cây tre đã biết chấp nhận để cho ông chủ chặt hết cành, bổ đôi, róc hết mắt. Nếu cây tre không chịu như vậy thì làm gì có một mùa hoa quả tốt tươi mọc lên trên cánh đồng kia.
Hình ảnh của hy sinh, hình ảnh của hiến tế, hình ảnh của Đức Giêsu Kitô không chỉ đem lại hoa quả trên cánh đồng mà còn đem lại hoa trái thánh thiện và sự sống đời đời nữa. Do đó những người muốn theo chân Đức Giêsu Kitô hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày, hiểu rằng đây không còn là một điều kiện tiên quyết khắt khe nữa. Đây là một ân huệ mà Chúa đã chọn con đường ngắn nhất. Con đường tình yêu lớn nhất để trao cho những người tình nguyện làm môn đệ của Ngài.
Lạy Chúa,
Xin cho chúng con biết lựa chọn:
đừng nhìn thấy Thập giá mà sợ hãi
để rồi như Phêrô,
Chúa phải thốt lên:
“Ngươi không biết việc Thiên Chúa chỉ biết việc của loài người”.
Hôm nay chúng con đã thấm thía,
THẬP GIÁ LÀ HIẾN TẾ TÌNH YÊU.
Xin cho chúng con can đảm vác thánh giá mỗi ngày theo Chúa
để chúng con cũng được đáp lại
trong muôn một tình yêu hiến tế lớn lao của Chúa
và chính tình yêu ấy cho chúng con nên giống Chúa
trong sự sống hiến thân phục vụ
và nhất là được đồng hưởng vinh quang với Chúa
trong Nước hằng sống muôn đời. Amen.
LM. Phêrô Hồng Phúc
Suy tôn Thánh giá
UCANews (14-9-2011) – Lễ Suy tôn Thánh giá phong phú về lịch sử và biểu tượng.
Về biểu tượng, trước hết chúng ta biết rằng các Kitô hữu đầu tiên rất xấu hổ về thập giá đến nỗi không bao giờ dùng làm biểu tượng đức tin. Vì thập giá, như giá treo cổ, bị khinh thường, là hình phạt dành cho những người xấu xa và nô lệ. Ngược lại, Chúa Giêsu chứng tỏ đó là thiêng liêng và lộng lẫy, không phàm tục và tuyệt vọng.
Thiên Chúa muốn rằng dụng cụ rất nhục nhã này trở nên phương tiện vinh quang và ơn cứu độ của chúng ta. Việc ám chỉ con rắn đồng của lịch sử trong sách Dân Số làm bài học. Trong thời gian họ đi đày trong sa mạc, Thiên Chúa đã phạt dân Israel về tội ngoan cố bằng đại dịch rắn. Lúc đó, khi dân chúng quằn quại trong đau khổ và kêu xin Môsê cứu vớt, vị tiên tri này đã đúc một con rắn đồng và đặt trên cột cao ở giữa đồng trống: “NNhững ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu. Những ai chỉ nhìn vết thương và chống lại rắn đều bị bất hạnh”.
Đây là bí ẩn về Con Rắn Đồng: Những gì hủy diệt chúng ta cũng có sức mạnh chữa lành và biến đổi chúng ta. Nhưng về điều này, chúng ta phải thôi nhìn vào chính mình, và ngước nhìn Ccon Người trên Thánh giá: “Khi Tôi bị treo trên Thập giá, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”.
Một chút lịch sử: Chính hoàng hậu Helena, mẫu hậu của hoàng đế Constantine, đã phát hiện Thánh giá của Chúa Giêsu ở giữa đống xà bần của thành Giêrusalem năm 326. Đại giáo đường Thánh Mộ Cổ (Holy Sepulchre) đã được xây dựng ngay tại đó, và thánh tích Thánh giá thật được đặt tại đó cho mọi người kính viếng. Khi vua Ba Tư Khushru xâm lăng Giêrusalem năm 614, Thánh giá thật bị lấy mất; nhưng khoảng 50 năm sau, hoàng đế Heraclius (là Kitô hữu) đã chiến thắng vua Khushru và lấy lại Thánh giá thật. Lễ Suy tôn Thánh giá có từ thời gian đó.
TRẦM THIÊN THU
sưu tầm
September 12, 2013
Xin cho chúng con lấy sự khốn khó làm vui mừng Amen.
Chúa Nhật trước Lễ kính Thánh Giá, Cha Sở tuyên bố mỗi gia đình phải làm một cây Thánh Giá, đến ngày lễ sẽ đem đến nhà thờ và từng gia đình rước Thánh Giá của mình lên để Cha ban phép lành cho.
Trong thánh Lễ, các gia đình cùng vói Thánh Giá của mình lần lượt lên lãnh phép lành.
Đến lượt một cặp vợ chồng lên, nhưng không có Thánh Giá, cha Sở hơi bực mình quát to
“ Thánh Giá của chúng mày đâu ?
Chàng liền bồng vợ nâng lên cao nói : Thưa Cha, Đây Thánh Giá của con đây !
Thưa anh chị, cuộc sống hôn nhân gia đình có nhiều đau khổ, những đau khổ đó thì rất nhiều và lê thê giai giẳng kéo dài trong suốt cuộc đời.
Thuở ban đầu khi mới cưới nhau, tình yêu đằm thắm, mịn mà ngát thơm như bông hoa hồng tươi thắm. Nhưng thời gian trôi qua, hương hoa dần phai, mới thấy những gai nhọn của nhánh hoa.
Những chuyện xẩy ra trong gia đình.
Khi lập gia đình, dù có được một người vợ hết lòng chung thuỷ, khôn ngoan quán xuyện, đảm đang mọi công việc gia đình, nhưng đôi khi trong lời nói, việc làm, trong việc giao tế thiếu tế nhị cũng làm cho người chồng không hài lòng hoặc khó chịu, nhất là tự mình quyết định những việc lớn lao như mua sắm những thứ mắc tiền mà không bàn hỏi với chồng, Trong trường hợp khi người vợ giỏi giang hơn, công ăn việc làm kiếm được nhiều tiền hơn, dễ làm nẩy sinh mặc cảm cho chồng….
Những đức tính cao đẹp nổi bật sau đây của người phụ nữ, dù những người rất tối đôi khi cũng cũng mắc phải không ít thì nhiều như: bủn xỉn, cau có, hẹp hòi, bép xép, nóng giận, ghi kỵ, ghen hờn, chấp nhất, Hay chê bai, gièm pha, ghen tương, không dễ tha thứ, luôn cho mình là đúng, là phải, không chịu nghe lời, hay nói giai, nhớ lâu….nhiều khi đã làm cho các đức ông chồng phải điên đầu cắn răng chịu đựng cho xong chuyện….
Khi kiếm được người yêu, mong rằng người đó sẽ là điểm tựa đem lại hạnh phúc cho cuộc đời mình. Nhưng khi về với nhau, những năm đầu thật là tuyệt vời. Nhưng dần dần thấy khó chịu vì chàng cù lần, quê mùa, cục cằn, bướng bỉnh, dễ bẳn gắt, hay càu nhàu, luôn muốn theo ý mình, hay chê trách, không biết thông cảm, không biết chiều chuộng người vợ, đoi khi lại còn tính hay lang bang, rượu chè, bồ bịch….những sự cố đó làm đau quặng con tim, cảm thấy đời không còn gì là hạnh phúc…
Những cảnh huống trên nhiều khi gây lên cuộc chiến tranh lạnh. Vợ chồng sống với nhau như người xa lạ, không thèm nói năng với nhau, không muốn nhìn mặt nhau, sống như hai cái xác không hồn.
Thật đúng như câu : Đời là bể khổ, không ai sống trên đời thoát khỏi đau khổ.
Trên phương diên tự nhiên: Đau khổ là sự bất hạnh. Nhưng trên Đức Tin thì đau khổ là một hạnh phúc lớn lao, là những hạt kim cương lóng lánh cao qúy tuyệt với nạm trên vương niệm của chúng ta.
Vì Chúa đã xuống trần, chịu mọi đau khổ, chịu chết cho cúng ta và Người đã thánh hóa những đau khổ của chúng ta, vì Người nói : Phúc cho các con khi bị người ta ghét bỏ, chê bai, chỉ trích, ngược đãi, làm xỉ nhục các con…..phần thưởng trọng hậu được dành cho các con trên que Trời….
Ước chi trong những nghịch cảnh, chúng ta hãy cầu nguyện, cầu nguyện rất nhiều cho tới khi ơn Chúa thắm đậm sâu trong tâm hồi và cảm nhận được thực sự “ Lấy sự khốn khó làm vui mừng Amen.
Trong phiên họp các gia đình của nhóm Thăng Tiến Hôn Nhân tại Cali tôi nêu ra câu hỏi cho các ông : Thế nào là gia đình hạnh phúc ? Mọi người trả lời : Thương yêu nhau. Nhưng tôi không đúng, và trưng ra lời Chúa : Nếu các con chỉ yêu mến các kẻ yêu mến các con, nào có công gì ? Hãy yêu kẻ ghét các con, làm ơn cho kẻ làm hại các con, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa các con… các con mới được hạnh phúc thật, và phần thưởng trọng hậu sẽ dành cho các con trên quê trời.
Nên tôi kết luận : Người nào có bà vợ chua ngoa đanh đá, thuộc loại chằng lửa, càng chằng lửa càng
Càng được hạnh phúc nhiều.
Đôi lời tâm sự xin gửi đến quý bạn trong dịp lễ Kính Thánh Giá.
Love you in Christ 9-9-2013
|
|