dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Thánh Giuse Trong Phúc Âm
 
 
Châu Thủy
 
<<<    

Thánh Gioan Kim Khẩu bàn về vụ trốn qua Ai Cập

Thánh Gioan Kim Khẩu (340-407) quê thành Antiôkia, Giám mục thành Constantinôpôli, được mệnh danh là Kim Khẩu, vì sự khôn ngoan và tài biện của ngài.

Sinh thời, Ngài đã làm cho giáo hữu say mê, mến phục tài giảng thuyết và lòng bác ái của Ngài, Ngài mãnh liệt đã kích cổ tục dị đoan và đời sống sa đọa, nhất là phản đối Nữ Hoàng Eudoxia đã chiếm đoạt tài sản của nhân dân, nên năm 403 bị kết án lưu đầy và chết nơi đất khách năm 407.

Đức Piô X đã tôn phong Ngài làm Tiến Sĩ Giáo Hội và Quan thầy các nhà giảng thuyết.

1. Giuse vâng lênh Chúa truyền

Thiên thần không nói gì với bà Maria, nhưng bảo ông Giuse rằng: "Hãy chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn qua Ai Cập." Thiên thần không nói là hôn thê ông mà nói là Mẹ Ngài, vì sau khi sinh nở, không còn gì để nghi ngờ nữa, đức tin của ông đã được củng cố rồi. Thiên thần có ý nói ra rằng: mẹ này, con này không phải là của ông.

"Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn qua Ai Cập". Thiên thần cho biết lý do là: "Bởi Hêrôđê toan lùng Hài Nhi mà giết". Nghe vậy Thánh Giuse không thắc mắc: Thực là khó hiểu! Thần vừa bảo tôi Ngài sẽ cứu thoát toàn dân mà rày không tự cứu thoát được mình, để chúng tôi phải lên đường, chạy đến phương xa nước lạ, chẳng là mâu thuẫn với lời Thần vừa nói đó sao?

Tháng Giuse không bao giờ hỏi thế, vì ông có đức tin vững vàng. Ông cũng không hỏi bao giờ trở về, mặc dầu Thiên thần chỉ nói mơ hồ khi bảo: "Cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại". Nhưng đó không phải một lẽ cho ông trì hỗn, thờ ơ. Lập tức, ông vâng lời và chấp nhận mọi thử thách.

Thiên Chúa dụng tâm pha trộn cay đắng với ngọt bùi. Đó là cách Chúa đối xử với các Thánh. Chúa chẳng để các Ngài phải nguy khốn mãi, cũng không muốn các Ngài đựơc an bình luôn. Chúa lần lượt gieo vui, rắc buồn vào đời sống các Ngài.

Đời sống Thánh Giuse cũng thăng trầm như thế.

Trước hết, thấy bà có thai, ông đâm nghi nan bối rối, nhưng rồi có Thiên thần hiện đến giải tỏa mối lo sợ nghi ngờ. Lúc Ấu Chúa sinh ra ông vui mừng lắm nhưng lại sợ hãi xiết bao khi thành đô náo động, và các vương thịnh nộ lùng tiêu diệt Hài Nhi!

Tiếp theo biến động này là niềm vui ngôi sao xuất hiện đưa Đạo sĩ tới thăm. Nhưng xiết bao lo sợ, khi Thiên thần cho biết Hêrôđê toan hại tánh mạng Hài Nhi và truyền cho Giuse bôn đào ngoại cảnh, dường như Chúa không có mặt ở đó, bởi lẽ chưa đến ngày Ngài làm phép lạ. Nếu Ngài làm phép lạ ngay tự ban đầu thì có lẽ quần chúng lại không tin Ngài là một con người.

Ngôi đền thờ này không phải một lúc mà mọc lên. Phải thành thai chín tháng, mới sinh ra, được bú mớm nuôi dưỡng, qua những năm thơ ấu, rồi mới đến tuổi trưởng thành. Như thế không ai chối cãi Mầu Nhiệm Nhập Thể được nữa.

Chắc anh em sẽ hỏi tại sao xảy ra nhiều phép lạ lúc Chúa mới sinh? Thưa đó là ơn riêng dành cho Đức Mẹ và Thánh Giuse, cho ông già Simeon sắp lìa trần, cho mục đồng, cho đạo sĩ và cho dân Do Thái. Nếu người Do thái biết lưu ý tới sự việc xẩy ra lúc bấy giờ chắc về sau họ sẽ được nhiều ơn ích.

Anh em đừng lấy làm lạ tại sao các Tiên tri không nói gì đến các Đạo sĩ. Thưa các Tiên tri không tiên báo hết mọi điều, cũng không làm thinh hết mọi sự. Một đàng nếu không tiên báo gì hết, thì khi sự việc xảy ra, người ta sẽ sững sờ bối rối. Bằng nếu cho biết trước tất cả, thì người ta sẽ sa vào giấc ngủ hôn mê. Vả, như vậy, đâu còn chỗ cho các thánh ký Phúc âm thi hành sự mạng say này?

2. Lời tiên tri ứng nghiệm

Về lời tiên tri: "Ta gọi Con ta từ Ai cập", người Do thái đừng có kiếm chuyện nói rằng lời ấy chỉ về mình. Chúng tôi trả lời cho họ rằng các nhà tiên tri có thói quen lấy việc người nọ mà ám chỉ việc người kia, điều ấy thuộc về bản tính lời tiên tri.

Thí dụ lời tiên tri về Giacob: "Hãy làm chỉ anh em ngươi, các con trai của mẹ ngươi phải cung cúc trước mặt ngươi" (St 27, 29). Lời chúc này chỉ ứng nghiệm cho con cháu ông chứ không ứng nghiệm cho bản thân ông, vì ông phải run sợ quị lụy trước anh mình.

Cũng nói được như thế về lời triên tri ta đưong bàn trên đây. Một đàng thờ bò vàng, tế thần ngoại giáo, giết con cúng quỷ, một đàng là Con thật Thiên Chúa, hằng làm sáng danh Cha, ai đáng gọi là Con Thiên Chúa hơn? (Ds 25). Nếu Ngài không tới thì lời tiên tri đó thiếu đối tượng, không thể giải thích được.

Ta nên lưu ý là chính Thánh sử cũng diễn tả tư tưởng ấy khi ông viết: "Hầu cho lời đó nên trọn". Vậy lời đó không nên trọn nếu Đấng Kitô không đến.

Sự kiện "Xuất Ai cập" cũng là một vinh dự lớn cho Trinh Nữ Maria. Dân tộc Do thái lấy đó làm một đặc ân cho mình, thì Trinh Nữ cũng có quyền như vậy. Người Do thái tự hào nhớ lại mình đã ra khỏi Ai cập, coi đó là một kỷ niệm vinh quang. Một tiên tri đã ám chỉ điều ấy khi ông kêu lên: "Há Ta chẳng đem Israel ra khỏi Ai cập ư?" (Am 9,7).

Vinh dự ấy, Trinh Nữ Maria đáng được hơn ai hết. Cuộc xuất lưu và hồi hương của dân Do thái là hình bóng hai cuộc hành trình của Trinh Nữ Maria. Dân Do thái sang Ai cập là để thoát nạn chết đói. Đức Kitô sang Ai cập để tránh âm mưu đe dọa tính mạng Ngài. Họ đã tới Ai cập và thoát cơn cơ cận. Ngài đã tới Ai Cập mà thánh hóa nước này.

Hãy nghiệm xem Thiên tính  Ngài được biểu lộ qua vẻ tầm thường của nhân tính Ngài chừng nào!

Khi Thiên thần bảo ông bà qua Ai cập thì không hứa đi theo, dường như muốn bảo cho cả hai biết rằng Đấng đồng hành tốt nhất của ông bà chính Hài Nhi mới sanh đó. Bởi vì từ khi xuất hiện, Ngài đã thay đổi mọi sự trên thế gian. Các thù địch, Ngài cũng biến thành khí cụ hành ý định của Ngài.

Các Đạo sĩ ngoại giáo đã từ bỏ dị đoan truyền kiếp để tới thời Ngài. Hoàng đế Augustiô, khi ra lệnh làm sổ kiểm tra toàn lãnh thổ, đã vô tình cộng tác vào việc Ngài sinh ra tại Bêlem.

Ai cập đã tiếp nhận Ngài, cứu Ngài khỏi âm mưu bày sẵn, nên có một mối liên hệ mật thiết với Ngài. Đến sau nghe các Tông đò rao giảng danh Ngài, thì Ai cập có thể tự hào là mình đã tiếp rước Ngài trước hết.

Đặc quyền ấy đáng lẽ của dân Do thái nhưng dân Ai cập, bởi lòng nhiệt thành nên đã dành được trước.

Trích dịch bài giảng "Trốn qua Ai cập".

Lạy Thánh Giuse là đấng rất công bằng, xin cầu cho chúng con.

Chứng Tích:

Hai thành khỏi dịch

Năm 1638, thành Avignon, nước Pháp, phải dịch tả chết nhiều lắm, chẳng có phương dược nào chữa được. Trong lúc túng cực, dân thành chạy đến kêu cầu Thánh Cả Giuse và khấn rằng: Nếu Ngài cứu thành cho khỏi dịch thì tự hậu hằng năm sẽ mừng lễ Ngài cách trọng thể.

Ôi! Thánh Giuse quyền thế và từ tâm dường nào! Chính ngày người ta khấn cầu thì thành Avignon và cả vùng lân cận đều khỏi dịch, chẳng còn ai chết vì chứng đó nữa.

Thành Avignon vừa thoát thì dịch tả lại lan sang thành Lyon. Nhưng thành này kịp theo gương thành kia mà kêu khấn Thánh Cả, nên cũng được thoát nạn.

(Sách Tháng Thánh Giuse, Cố Lương)

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)