dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Thánh Giuse Trong Phúc Âm
 
 
TMTú
 
<<<    

THÁNH GIUSE, VỊ CHA CHUNG

Ngoài Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, như trong kinh cầu Đức Bà, chúng ta còn có các thánh để van xin.

Nói đến các thánh, người công giáo thường nói đến những phép lạ, những lời cầu nguyện xin ơn cách riêng ở mỗi vị thánh.

 Tại sao chúng ta không cầu xin thẳng với Chúa mà chúng ta lại cầu qua trung gian Đức Mẹ, hay qua trung gian các thánh.

Quan thì xa, bản nha thì gần.  (tục ngữ VN)

Đôi khi chúng ta thấy Chúa vời vợi quá, cảm tưởng lời của chúng ta không thấu đến tai

Người, như câu thơ: Thượng Đế quá cao lời con không thấu.(*) Chúng ta phải nhờ những thánh ở cạnh Chúa xin ơn hộ chúng ta.
Mẹ chồng tôi, mỗi khi đánh mất chìa khóa, cụ vừa tìm vừa cầu thánh Phê-rô (vị thánh cầm chìa khóa mở cửa thiên đàng). Chắc cụ nghĩ bất cứ cái gì liên quan đến chiếc khóa là thánh Phê-rô lo cho hết. Cửa thiên đàng thánh Phê-rô còn mở được thì thế nào ngài cũng có một cái chìa khóa để dành cho trường hợp bất trắc có người cậy nhờ.

 Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng, các thánh Tử Đạo, thánh An-tôn, thánh Mac-tin khó nghèo, thánh Phan-xi-cô là những vị thánh hay bị loài người dưới đất chúng ta kêu tên quấy rầy nhiều nhất. Gần đây có cha Trương Bửu Diệp, chưa được phong thánh, đã được cả dân ngoại giáo mang vàng, hương và ngay cả heo quay đến phần mộ ở Cà Mau tạ ơn.

 Mỗi thánh có một ban phát riêng mà người xin đặt trách nhiệm vào, không cho không được. Người ta còn nghĩ đến cả một việc làm kỳ lạ; Nếu bán nhà không được thì đem tượng ông thánh Giu-se chôn trước cửa nhà, thế nào cũng bán ngay. Chúng ta quả thật đã lợi dụng tình thương của các thánh quá đáng!

 Thánh Giu-se vị cha chung của các gia đình công giáo. Hình như ai cũng thờ phượng trong lòng mình một hình ảnh thánh gia: Có thánh Giu-se, Đức Mẹ đứng hai bên, Chúa Con ở giữa.

 Tôi biết yêu thích những bức ảnh có thánh Giu-se từ thời còn rất nhỏ. Trước tiên vì thánh Giu-se là tên thánh của cha tôi, một tân tòng. Cha tôi hiền lắm, nên cả họ bên vợ thương, gọi đùa là: “Ông thánh Giu-se”. Khi lớn lên, tôi đọc và tìm hiểu về thánh Giu-se, nhận thấy cha tôi có nhiều đức tính của vị thánh này. Ông yêu vợ, quý con, giản dị, ít nói, sống âm thầm, chịu đựng và luôn hi sinh cho người khác. Cha tôi cũng làm một nghề rất khiêm nhường, ông làm công chức, chuyên vẽ bản đồ cho sở Địa Chánh. Có khi cha tôi đem việc ở sở về nhà làm, tôi thấy cha tôi cúi xuống những tấm bản đồ, chia đất, chia ruộng, bằng những cái thước nhôm dài, ngắn khác nhau, thước thợ hình chữ “T” với những cái gạch thu nhỏ lại, đến mi-li-mét. Ông phải dùng kính lúp để phóng đại chia những lô đất trên họa đồ. Cái dáng gầy gầy, nhẫn nại của ông, nhắc tôi liên tưởng đến những bức hình có thánh Giu-se cầm cây thước gỗ cắt đo trong xưởng mộc của ngài.

Tôi thích nhất bức thánh Giu-se một tay cầm cành hoa huệ, một tay ẵm Chúa Con; bức thứ hai là cảnh hai cha con bác thợ mộc. Thánh Giu-se trạc ba mươi ngoài, (Đó là tôi nhìn hình, đoán thế) Chúa Con độ bẩy, tám tuổi. Cha đang cưa gỗ, để đóng vật dụng, con cầm cái thước chạy lăng xăng (lại đoán) làm thợ vịn.
 
 Tại sao thánh Giuse lại cầm cành hoa huệ. Trong những câu chuyện kể về đời thánh Gius-se có nói đến sự tích này.Theo truyền thuyết công giáo, khi Đức Mẹ lên ba tuổi, người đã được gửi tới đền thánh và sống ở đó đến tuổi lấy chồng. Nhận thấy Đức Mẹ là một người rất đặc biệt, nên ông Trùm (Rabbi) nơi đó mới gọi một số thanh niên đến, (trong đó có thánh Giu-se) trao cho mấy cành cây khô, trụi lá về trồng. Một thời gian sau, ông gọi đem mấy cành khô đó lại thì chỉ có một cành duy nhất của thánh Giu-se nẩy ra một bông huệ, tượng trưng cho sự thanh sạch.

 Hoa huệ nói lên sự tinh khiết, thanh sạch; cây thước nói lên sự giản dị, tính ngay thẳng, sự khiêm nhường.

 Không phải những đức tính đó là của thánh Giu-se hay sao!

 Tôi nhớ lại những lớp học giáo lý hồi bé, rồi đọc kinh thánh khi lớn hơn. Chẳng tìm ra được bài nào nói về công việc truyền giáo của thánh Giu-se.Chúa không chọn thánh Giu-se làm tông đồ đi rao giảng nước Chúa, đi đánh lưới người như những tông đồ xuất thân nghề chài lưới mà Chúa đã chọn. Chúa muốn giữ thánh Giuse là người cha ở thế gian cho riêng mình. Vì ở thánh Giuse, ngài có đủ đức hạnh cần thiết cho một người cha để hướng dẫn Chúa thuở thơ ấu.

Ta hãy so sánh những việc làm của Thánh Giuse (từ trước khi chính thức là cha nuôi của Chúa Con, cho đến đời sống của Ngài sau này)  cùng với những công việc của Chúa khi còn ở thế gian. Ta sẽ thấy giữa Chúa và thánh Giu-se, có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng lại cùng mang những ý nghĩa về lòng khoan dung, niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa.

Thánh Giuse khi nghe tin vị hôn thê của mình có mang đã buồn bã bỏ đi trong im lặng, cái tâm nhân hậu của ngài không nỡ nhìn người phụ nữ có tên là Maria đó phải chết (Luật Do Thái, Maria có thể bị ném đá đến chết).

Việc Chúa cứu người đàn bà tội lỗi khỏi bị chết vì ném đá, cũng đã dậy cho ta sự tha thứ và lòng khoan dung.

Thánh Giuse không thắc mắc, nghi ngờ về sự trung thực vào giấc mơ của thiên thần hiện ra với ngài, ngài quay về tìm Maria. Ngài đã chịu bao gian khổ, mang vị hôn thê có mang (không phải do mình) về quê ở Bethlem để kiểm tra dân số, giúp đỡ vợ sanh trong một hang của mục đồng, lừa, ngựa bên chân núi, mang vợ con trốn sang Ai Cập vào ban đêm, rồi lại tái định cư về Nagiarét hoàn toàn theo ý Chúa. Ngài làm tất cả những việc đó trong âm thầm, không ta thán, không nản lòng. Tài tháo vát đó quả thật tuyệt vời! Chúng ta, những người công giáo nhận ra và cảm phục tài của thánh Giuse, khi chúng ta phải di tản ra khỏi xứ sở mình. Chúng ta bối rối, xuống tinh thần, thất vọng và mất mát, nhưng chúng ta còn được sự giúp đỡ của chính phủ ở những phần đất cưu mang mình. Thánh Giuse có sở xã hội nào giúp ngài trong thời điểm đó không nhỉ, ngài có được gửi đi học nghề, học sinh ngữ bản xứ không nhỉ? Chắc là không? Ngài đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa qua thiên thần.

Chấp nhận khổ nạn thương khó. Cũng thế, khi Chúa nhìn thấy thánh giá, mão gai, đòn phạt của quân dữ sẽ trút xuống thân xác mình, nhưng Chúa đã chấp nhận đau khổ trong thinh lặng. Đã cầu xin cùng Chúa Cha: “Nếu bằng con dám xin Cha/ Thì xin Cha cất chén kia bồ hòn/ Nhưng xin đừng cứ ý con/Liệu bề cha đinh vẹn tròn thì hơn”. Chúa đã chấp nhận và đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa Cha.

Thánh Giuse đã nuôi vợ, nuôi con bằng một đời sống đơn giản của một gia đình Do Thái nghèo nàn và đạo đức. Chúa Con nhất nhất vâng lời cha. Từ học thánh kinh cho đến nghề mộc. Cả ba sống an vui trong một mái nhà đơn sơ, như hầu hết nhà của dân xứ Nagiarét thời đó dưới sụ bảo hộ của thánh Giuse, và lòng kính trọng của Đức Mẹ luôn luôn đặt cho ngài. 

 Ông làm thợ mộc, và dậy con nối nghề, bà kéo sợi và cắt may. Nhà thánh ở Nagiarét cũng như mọi căn nhà khác. Mái hình vuông, có cầu thang phía ngoài đi lên sân thượng, buồng khoét vào vách đá, phần nhô ra được xây bằng đá xanh và đất xét, nhà quét vôi trắng, nhỏ và tối. Nền nhà bằng đất nện, gồ ghề, trước của nhà có trồng nho, cây ô liu, và rào dựng sơ sài làm xưởng mộc. Trong nhà thì có mấy chiếc chiếu trải, không có giường; dụng cụ bếp núc thô sơ, mấy viên gạch, mấy cái tô bằng gỗ, nồi niêu đất, đĩa đèn dầu bằng sành.

 Chẳng hiểu sao mà những họa sĩ sau này vẽ hình ảnh Thánh Gia như ở trong cung điện. Thánh Giuse chắc không mấy hài lòng.

 Khi nói về phép lạ của thánh Giuse, ta cũng thấy có điều gì thầm lặng khiêm nhường trong những dấu tích đó.

Người công giáo nào, ít ra, cũng một lần được nghe chuyện về “Chiếc Cầu Thang Kỳ Diệu” của dòng Loretto ở Santa Fe, thuộc bang New Mexico vào năm 1878. Ngôi nhà thờ đó được vẽ kiểu bởi một kiến trúc sư đến từ Pháp, nhưng vị này đã quên vẽ chiếc cầu thang đi lên gác đàn. Có đến năm người thợ địa phương đến xin làm mà không được, vì chỗ có thể đặt cầu thang thì hẹp và dựng đứng. Sau cùng có một ông thợ gầy gò, nói năng từ tốn đi trên một con lừa nhỏ với cái túi vải đựng cái bào, cái búa, cây thước đơn sơ đến nhận làm. Ông âm thầm làm việc một mình, sáng mang gỗ đến, chiều về trong lặng lẽ. Khi làm xong, ông cũng âm thầm bỏ đi, không lấy tiền gỗ, tiền công. Chiếc cầu thang hình trôn ốc dẫn lên gác đàn, không có trụ ở giữa, không có tay vịn, nó như một cuộn mây từ mặt đất bốc lên thiên đàng, nó có ba mươi ba bực (33).

 Chao ôi! Tại sao lại 33 bực. Có phải đó là số tuổi của người con bác thợ mộc hay không? Vậy đích thị là thánh Giuse rồi.
Giáo hội không biết rõ thánh Giuse mất vào ngày, tháng nào,( Khoảng sau hoặc trước Chúa ba mươi tuổi) nhưng biết chắc thánh Giuse được chết trước mặt Đức Mẹ, và được cầm tay Chúa trước khi nhắm mắt.

 Thánh Giu-se là vị cha chung của các gia đình công giáo; Ngài là một người cha gương mẫu cho những người chủ gia đình noi theo: Đức trong sạch, niềm tin tuyệt đối, sống âm thầm và vâng lời, và ngài là bậc thánh linh hiển cho những ai đặt lòng tin nơi ngài.

  Xin cho chúng con sống ngay thẳng, chuẩn mực như cây thước của cha  và tâm hồn chúng con được tinh khiết, đơn sơ và cao quý  như bông huệ trắng trong tay cha. tmt

 (*) Thơ-tmt

 - Tài liệu tham khảo: Từ các bài giảng của các linh mục, và trang mạng: dongcong.net

(Trần Mộng Tú –dunglac.org)

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)